Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2023

MÙA THU, LÁ VÀNG, CHIM VÀ THƠ ẤU - Nguyễn Trường Anh

 
 
Lá sắp vàng bay như phấn thông
Cây cỏ phai màu nắng xưa hồng
Vườn mây trắng ngập ngừng đôi mắt
Bước chân về thở hạt sương trong

Mới chớm thu giao mùa đổi gió
Lá thay màu áo rụng bên hiên
Chim chợt hát bài ca bông cỏ
Làm bước nai ngơ ngẩn thật hiền

Mai sớm thu ghé trước nhà em
Gửi nụ hoa vừa mãn nguyện rằm
Chút đồi sương thơm lừng trái chín
Thuyền thu về còn ngỡ xa xăm

Em lặng nghe mưa nhỏ vỗ về
Đổ qua lòng bông cúc nở khuya
Đời thơm trăm cánh chuồn cánh bướm
Cánh thiên thần tuổi ngọc đam mê

Em lặng nghe chim hót trên cành
Những bông hoa dù nở chưa xanh
Quanh đời như một mầu sương trắng
Ngày rơi vào tay ngọc mong manh

Những lối đi ngơ ngác nai rừng
Chiều sương tan dòng suối mênh mang
Chớm thu, vào những ngày lụa mới
Khe khẽ buồn đôi mắt chim ngoan

Mai sớm bừng cây bóng mưa tan
Em đứng trong vườn cúc đang vàng
Tay nâng niu lên từng sách vở
Bước chân về áo lụa thênh thang

Bay trăm cánh bướm thời thơ ấu
Chớm vào thu tóc chảy ngôi xanh
Mưa tháng bảy hong đầy đôi mắt
Tình biển môi nghe nặng nội thành

Em về đó, qua rồi hạ trắng
Mười bông hoa mê ngủ chân mềm
Tay đan nhẹ vùng mây sợi nắng
Chớm thu về là nhớ vườn chim

Em tặng cho mùa thu thơ ấu
Gởi theo màu lá rụng trôi sông
Chiều nghiêng nắng đường về thơm ngát
Hương mùa thu những giọt mưa hồng.

                                    NGUYỄN TRƯỜNG ANH

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 112, ra ngày 12-10-1973)



Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2023

TRONG NHƯ HỒ THU - Thảo

 

 Đường lộng gió chân chim hồng rộn rã
Nghe thu về lá đổ áo mơ phai
Chiều tan trường tóc mây hoang buông thả
Đôi mắt vương nghìn sợi khói u hoài.

Tay năm ngón dài thêm mơ ước nhỏ
Ấp ôm bao tập sách thuở đến trường
Nghe xao xuyến dâng tràn đôi má đỏ
Đã thẹn thùng, lòng đã thấy vấn vương.

Ngày biết thương hai hàng cây rủ bóng
Yêu con đường hong nắng buổi trưa hè
Là khi đó tâm hồn em lắng đọng
Chìm thật sâu vào giấc mộng đê mê.

Nghe lặng lẽ mùa thu về thành phố
Áo nữ sinh thơm lụa mới Hà thành
Thênh thang qua bước chân tìm đại lộ
Chợt yêu thầm biết mấy chuỗi ngày xanh.

                                                            THẢO
                                         (Nhóm văn nghệ Mây Trắng)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 104, ra ngày 24-8-1973)



Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

THU - Quyên Di

  


Con đường bỗng nhiên như dài ra, hun hút. Nắng nhẹ như dải lụa vàng trải đều dưới chân bước dịu dàng. Gió đùa giỡn với hai vạt áo dài bay phất phới. Tôi hơi nghiêng vành nón, bởi vì muốn nhìn lên những ngọn cây xếp hàng lặng lẽ hai bên đường, những ngọn cây luôn luôn u buồn, cái u buồn vắng vẻ, xa xôi. Những thân cây nâu sậm gầy guộc đối với tôi là một cái gì quen thuộc và thân mật. Ngày hôm nay nó không còn mang trên mình đám lá xanh tươi mát mùa xuân; những chiếc lá đó đã theo nhau thay áo mới và lần lượt từ giã thân cây, nương theo cánh gió chao lượn trên không một cách nhẹ nhàng uyển chuyển. Để rối sau mấy giây vui tươi ngắn ngủi đó, chúng vĩnh viễn không được trở lên cành, chắc thế nào cũng có chiếc thở dài nuối tiếc.

Ngày hôm nay con đường vắng vẻ lạ thường. Càng hay cho tôi, bởi tôi đang cần yên tĩnh, và muốn chỉ có một mình. Tôi nghe rõ tiếng gió thở nhẹ, tiếng nắng cựa mình cũng như đang nghe rõ nhịp đập của tim tôi và tiếng bước chân tôi dẫm nhẹ trên đám lá khô. Thốt nhiên tôi nhớ đến mấy câu thơ dễ thương của Lưu Trọng Lư:

"Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác,
Đạp trên lá vàng khô?"

Tôi mỉm cười nhè nhẹ, muốn trả lời nhà thơ: "Có chứ, tôi có nghe thấy mùa Thu trở về, trong lòng vạn vật và trong lòng tôi. Thu đang bao bọc lấy tôi, tôi đang thở hút không khí của Thu, tôi ngợp trong không khí đó; và cũng như con nai của nhà thơ, tôi đang dẫm nhẹ trên những chiếc lá vàng khô!" Thầm trả lời như vậy, rồi tôi lại muốn cười thêm nữa, vì bỗng nhiên tôi mong được làm con nai vàng nho nhỏ, ngơ ngác nhìn vũ trụ chuyển mình, với cả cánh rừng tràn ngập lá vàng khắp nẻo đường đi. Được như vậy chắc là thích lắm.

... Nhưng, tôi làm nai sao được! Bạn tôi gọi tôi là "Công chúa mùa Thu". Công chúa thì không thể vào rừng nghe lá khô xào xạc và đạp nhẹ trên đám lá vàng. Công chúa phải tựa cửa lầu son, nhẹ vén rèm ngọc nhìn lá vàng rơi rụng bên ngoài, để thở dài nhìn thời gian lững thững đi ngang cổng hoàng cung.

Đã vậy, tôi chẳng làm nai cũng chẳng làm công chúa, tôi là tôi, con bé học trò áo trắng, lúc nào cũng buồn như lá úa mùa Thu và giờ đây, đang lang thang trên còn đường dài vắng vẻ.

Một chiếc lá vàng nghịch ngợm bay đây trên đầu tôi, đùa với mấy sợi tóc tơ. Tôi gỡ chiếc lá xuống, nâng niu trong lòng bàn tay bé nhỏ. Thu... tôi gọi thầm tên một mùa buồn nhất mà cũng là gọi thầm chính tôi. Thu... âm thanh nhẹ nhàng như một hơi thở, vậy mà chỉ với một âm thanh đơn độc đó, bao nhiêu kỷ niệm trong quá khứ ấu thơ bỗng dồn dập chạy ngược chiều trong tâm thức tôi...

Kỷ niệm này biết nói với ai? Thôi, đành thì thầm cùng chiếc lá...

*

Tôi cuống quít gọi:

- Mẹ ơi, lấy áo cho con đi, muộn quá rồi!

Vừa chờ mẹ, tôi vừa lo lắng, sợ trễ cuộc vui Trung thu ở trường. Chỉ tại tôi ham qua nhà con bé hàng xóm xem chiếc đèn kéo quân. Chiếc đèn đẹp thật, nó có tám mặt, phất giấy màu rực rỡ. Bóng đèn bên trong sáng trưng, in hình những người, những voi, những ngựa, những thuyền rồng lần lượt diễn hành theo vòng tròn. Hai đứa chúng tôi say mê ngồi ngắm. Con bé Châu ra vẻ thích thú, cười nói huyên thuyên và chỉ cho tôi xem mỗi khi có một hình chạy qua trước mặt. Mải xem đèn, tôi quên khuấy tối nay có cuộc vui tổ chức tại trường. Để học sinh mừng Trung thu, nhà trường cho phép các cô giáo tổ chức một đêm liên hoan với nhiều tiết mục vui tươi: rước đèn, ca hát, múa sư tử và... phát bánh Trung thu.

Tiếng trống ngoài phố làm tôi thêm sốt ruột, vừa lúc đó mẹ mang áo ra. Chiếc áo đầm trắng đã được mẹ giặt ủi cả tuần trước, mẹ cẩn thận treo trong tủ, đến hôm nay mới lấy ra. Mẹ âu yếm choàng áo vào người tôi, nhẹ nhàng cài các hột cúc. Tôi nhanh nhảu:

- Mẹ để con cài cho nhanh.

Hai tay tôi thoăn thoắt, chỉ cốt sao cho mau xong. Nhưng khốn khổ: khuy áo thứ ba sao mà nhỏ thế này, cài hoài không xong, tôi bực tức giật mạnh cúc áo. Chiếc cúc rời ra, lăn tròn dưới đất. Thật là chết, đang vội lại còn gặp tai nạn, nước mắt tôi chỉ chực chảy ra. Mẹ thấy, dỗ khéo:

- Việc gì phải khóc. Đâu, để mẹ khâu lại cho nào.

Bàn tay mẹ thật nhanh nhẹn mà sao con bé sốt ruột quá chừng. Áo vừa khâu xong, cúc cài lại được là tôi đã chạy vụt ra cửa, quên cả cảm ơn mẹ như lệ thường.

Ngoài đường chỗ nào cũng đèn nến sáng rực và tiếng trống đánh liên hồi như hòa nhịp với tiếng trống ngực tôi đập thình thịch. Chạy được đến trường thì hai cổng đã đóng chặt, đôi tay bé bỏng của tôi lay lay cánh cổng một cách tuyệt vọng. Bên trong, tiếng reo hò, tiếng vỗ tay, tiếng la hét, tiếng đàn tiếng trống tưng bừng nhộn nhịp. Con bé nước mắt vòng quanh, miệng méo xệch rồi òa lên khóc. Có lẽ tôi không dám về nhà, xấu hổ lắm, dù là chỉ với mẹ. Tôi đã khoe mẹ cả mấy chục lần: "Đêm Trung thu con sẽ lại trường, con sẽ hát, con sẽ ăn bánh, sẽ xem múa sư tử vui lắm". Thế mà... chỉ tại cái đèn kéo quân và cái cúc áo, hai cái vật dễ ghét đã làm tiêu tan cả một đêm thật đẹp của tôi; lúc bấy giờ, giá có ai hỏi rằng trên đời cái gì trông xấu nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời ngay: đó là cái cúc áo và cái xấu thứ nhì là cái đèn kéo quân.

Tôi nghĩ rằng bây giờ mình sẽ đi lang thang như một đứa bé ăn mày suốt đêm nay, cô độc một mình một bóng và bụng thì đói, tôi sẽ khóc cho ướt môi, ướt má, ướt khăn tay, ướt áo đẹp, trong khi nhà nào cũng đèn nến sáng trưng, cũng bánh trái đầy mâm, cũng có những tiếng cười, tiếng hát. Rồi tủi thân, tôi ngồi phịch xuống đất tiếp tục khóc.

- Thu!

Có tiếng ai gọi tên tôi rồi tiếng mở khóa lách cách. Tôi ngửng đầu lên: cô tôi hiện ra như một nàng tiên trong truyện cổ tích. Cô dịu dàng hỏi:

- Tại sao em khóc?

Ôi, ngôn ngữ của cô tôi cũng là ngôn ngữ của các nàng tiên. Hay cô là tiên thật? Tôi không trả lời, chỉ nắm chặt lấy bàn tay mềm mại và ấm áp của cô. Cô vuốt nhẹ tóc tôi:

- Nín đi, cô chờ để đón em vào đây mà.

Vui làm sao, nhưng tôi vẫn khóc, lần này vì sung sướng và cảm động. Cô trách nhẹ:

- Ô kìa! Cô bảo nín cơ mà. Nín đi không có mắt đỏ, bạn nó trêu cho là "em bé nhè" đấy.

Cô dẫn tôi vào một vùng ánh sáng chan hòa, sau khi giới thiệu tôi với các bạn, cô nói to:

- Nào, Bây giờ chúng ta cùng hát! Một... Hai... Ba...

Tôi hát thật lớn bài hát cô đã tập từ tuần trước: "Thu sang bên đồi, mây bay ngang trời, hồ thu bát ngát, gió thu tươi..." và nhìn cô. Cô cũng đang nhìn tôi. Hai mắt cô lóng lánh như hai vì sao sáng nhất trong đêm nay.

Tôi quên đi rồi những phút ngồi tủi thân ngoài cổng trường, và củng hết nghĩ rằng cái cúc áo và chiếc đèn kéo quân là hai vật dễ ghét nhất trên đời.

Cuộc vui tàn dần rồi kết thúc, mặc dù chúng tôi còn thừa sức để hát và để hét. Cô dẫn tôi ra cổng trường, bảo:

- Bé Thu về ngoan nhé.

Trong đêm tối, hai má tôi nóng ran, có lẽ nó đỏ bừng.

Về đến nhà, mẹ tôi còn thức, nhưng tôi thì buồn ngủ quá lắm rồi. Mẹ hỏi:

- Vui nhiều không con?

Tôi chỉ kịp trả lời:

- Vui lắm mẹ ạ!

Rồi che miệng ngáp liền hai ba cái. Tôi thỏ thẻ:

- Nhưng mà bây giờ thì con buồn ngủ quá rồi. Thôi, con đi ngủ nhé.

Tôi nhảy tót lên giường, nằm co trong chăn ấm. Mẹ bỏ màn và nằm bên cạnh, sau khi đã hôn nhẹ trán tôi.

Đêm đó tôi ngủ thật say và mơ một giấc thật đẹp. Tôi đã tham dự một đêm liên hoan ở trường một lần nữa trong mơ. Có một điều tôi không biết là sau khi tôi đã ngủ say, mẹ tôi lặng lẽ trở dậy, ra sân ngắm trăng một mình.

*

Vì sáng hôm sau nghỉ học nên tôi dậy muộn. Khi thức giấc thì đã tám rưỡi. Người mệt mỏi, không muốn bước chân xuống đất. Thấy tôi đã mở mắt, mẹ vừa dọn dẹp vừa trách yêu:

- Dậy thôi chứ cô nương. Con gái ngủ trưa xấu lắm nhé.

Lúc ngồi ăn sáng, tôi đã định kể cho mẹ nghe câu chuyện suýt lỡ tầu đêm qua, nhưng lại thôi, xấu hổ lắm. Đang cắn miếng bánh mì, bỗng nhiên tôi nghe mẹ hỏi:

- Thu này, tối hôm qua đứa nào ngồi khóc ở cổng trường ấy nhỉ?

Miếng bánh nghẹn ngang cổ. Ơ kìa! Sao mẹ lại biết. Tôi xấu hổ quá, mặt đỏ bừng. Nuốt vội miếng bánh, tôi chạy lại bá cổ mẹ, nũng nịu:

- Mẹ kỳ quá à! Nhưng mà... làm sao mẹ biết được?

Mẹ cười tinh nghịch:

- Cái gì xảy ra cho con mà mẹ không biết. Chó con xấu hổ định giấu mẹ phải không?

Tôi cười trừ. Mẹ tiếp:

- Sáng sớm mẹ ra phố mua bánh, gặp cô, cô kể cho mẹ nghe hết. Cô bảo con bé khóc cũng dữ mà hát cũng hăng. Thế chó con hát lại cho mẹ nghe nào.

Tôi lắc đầu, mẹ bảo:

- Không hát, mẹ lêu lêu là học trò lớp ba mà còn ngủ nhè cho mà xem.

Tôi chống chế:

- Nhưng mà con khản cổ lắm mẹ ạ.

Rồi cố gắng cho giọng nói khàn hơn, tôi đọc:

- Công cha như núi Thái sơn... đấy, mẹ xem, như thế này thì hát sao được.

Bỗng nhiên khuôn mặt mẹ tôi thoáng nét buồn. Nghĩ rằng tại mình không chịu hát, tôi cuống quít:

- Thôi, để con hát cho mẹ nghe nhé. Rồi tôi hét lớn: Thu sang bên đồi... Nhưng mẹ đã ngăn lại:

- Thôi, thôi, con khản cổ thì đừng hát nữa.

Mẹ đổi giọng vui tươi:

- Thế có bài học nào nói về mùa thu, thử đọc cho mẹ nghe xem.

Tôi hăng hái nhận lời ngay, hắng giọng, đọc:

- "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi quên thế nào được những cảm giác trong sáng ấy, nảy nở trong lòng tôi như mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy vì hồi đó tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết, nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè nép dưới nón mẹ lần đầu tiên đi đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp..."|

Đoạn văn của Thanh Tịnh chưa được đọc xong thì mẹ đã ngắt giọng:

- Thôi, đủ rồi. Con ra ngoài chơi cho mẹ nghỉ một tí nhé.

Tôi vâng lời, ra sân ngay, nhưng một chút hờn giận nhẹ phủ tâm hồn tôi. Bài văn dài như thế, tôi thuộc không sót một chữ, vậy mà mẹ chẳng khen cho một câu. Mọi khi, mỗi lần tôi thuộc bài, mẹ đều khen và hôn lên má. Lén nhìn vào trong nhà, tôi thấy mẹ gục mặt xuống bàn, đôi vai nhỏ bé rung rung nhè nhẹ.

Suốt ngày hôm ấy mẹ có vẻ buồn. Buổi chiều, mẹ đem len ra vườn ngồi đan áo, tôi khệ nệ vác ghế ra theo. Mẹ chăm chỉ ngồi đan, tôi loay hoay bên cạnh, chơi với con mèo nhồi bông. Chơi chán, tôi vứt con mèo trên mặt ghế, quay sang ngắm mẹ. Hình ảnh mẹ ngồi đan áo đẹp làm sao. Mà mẹ tôi đẹp thật! Mẹ còn trẻ, tóc mây óng ả thả dài phủ kín bờ vai, khuôn mặt dịu hiền với đôi mắt to, đen thắm thiết, với môi hồng xinh xinh hồn hậu, với mũi dọc dừa thanh tú, dễ thương. Mẹ ngồi nghiêng nghiêng, hai tay thoăn thoắt đưa qua đưa lại thật nhẹ nhàng uyển chuyển. Ngắm mẹ rồi, tôi nhìn xung quanh ngắm cảnh vật: buổi chiều hôm nay êm ả lạ thường, bầu trời màu xám nhạt, trong vườn thì hoàn toàn vắng lặng, không có cả tiếng chim kêu. Khắp nơi tràn ngập lá rụng, một cơn gió thổi qua, cả chục chiếc lá vàng thi nhau lìa cành, chao lượn trong không rồi nhẹ nhàng đáp xuống vườn, chiếc rơi trên đường đi, chiếc rơi trên lùm cây, bụi cỏ.

Không thích đắm chìm trong cảnh yên lặng này, tôi quay sang hỏi mẹ, mặc dù điều này tôi đã thừa biết:

- Mẹ ơi, mẹ đan áo cho ai?

Mẹ ngừng tay, âu yếm nhìn tôi, nói nhỏ:

- Mẹ đan áo cho chó con của mẹ đấy. Áo năm ngoái của con cũ rồi.

Chiếc áo mẹ đan bằng len màu tím nhạt. Nhìn nó, tự nhiên tôi hỏi tiếp:

- Mẹ ơi, sao mẹ lại đan áo cho con bằng len tím?

Lúc ấy mẹ ngừng hẳn tay đan ngập ngừng như muốn nói điều gì, rồi lại thôi...

Tôi giục:

- Tại sao hở mẹ? Tại sao hở mẹ?

Câu trả lời hình như vẫn chưa được mẹ tìm ra thì bỗng đâu một cơn gió thổi, năm bảy chiếc lá lại một lúc lìa cành, bay lộn xộn, một chiếc nhẹ nhàng đáp ngay trên nền len tím. Nhìn chiếc lá một giây, mẹ trả lời câu hỏi của tôi:

- Tại vì... tại vì... Thu tím lá vàng con ạ!

Tôi chả hiểu mẹ định nói gì, nhe răng hạt bắp ra cười. Nhưng chuỗi cười pha lê vỡ vụn chợt vụt tắt, trên đôi má mẹ hai hạt kim cương lóng lánh chảy dài, môi mẹ mím nhẹ. Tôi lắc lắc tay mẹ:

- Mẹ ơi, tại sao mẹ khóc?

Không có câu trả lời, tôi càng cuống quít:

- Nói đi mẹ, nói đi mẹ...

Rồi như chợt hiểu, mắt tôi sáng lên:

- A, con biết rồi. Thôi, mẹ nín đi. Để con vứt chiếc lá cho mẹ đan tiếp nhé.

Chiếc lá bị bàn tay tôi hất khỏi nền len tím, rơi xuống đất. Tôi vừa dẫm lên chiếc lá vừa nói:

- Đáng đời nhé. Ai bảo làm mẹ tao khóc.

Nhưng... mẹ không nín, mẹ khóc nhiều hơn, mắt mẹ nhạt nhòa, khuôn mặt mẹ đầm đìa nước mắt. Thương mẹ quá, tôi cũng òa khóc. Mẹ bỏ rơi cuộn len và chiếc áo đan dở, dang tay ôm lấy tôi; hai mẹ con ôm nhau khóc trong một buổi chiều thu đầy mây xám và lá úa rụng rơi.

*

Đáng lẽ không bao giờ tôi hiểu được hành động cũng như ý nghĩ của mẹ tôi trong ngày hôm ấy, nếu tôi không đọc những dòng chữ dưới đây trong một cuốn sổ bìa tím của mẹ. Thật ra không phải ngay từ đầu tôi tò mò muốn tìm đọc; không hiểu vì lý do gì, mẹ để quên nó trên bàn viết. Thấy quyển sổ đẹp, tôi mở ra xem và mắt chạm phải những dòng chữ đó; một cách vô ý thức tôi đã đọc hết mấy trang giấy chi chít chữ:

"Anh yêu quí,

Hôm nay em đã khóc nhiều vì nhớ anh. Cho em xin lỗi nhé, ngày xưa anh đã chẳng cấm không cho em buồn là gì. Bây giờ thì chả còn ai để cấm em nữa. Đêm qua khi con ngủ, em đã một mình thờ thẫn trong vườn, nhìn trăng thu mà khóc. Sương xuống và gió đêm lạnh ngắt, nhưng em vẫn không muốn vào nhà, em nhớ anh quá đi. Rồi hôm nay, em lại khóc hai lần, một lần khi con đọc đoạn văn "Buổi đi học đầu tiên" của Thanh Tịnh, đoạn văn mà trước kia anh rất thích và anh đã dạy cho em biết thích theo. Một lần vào buổi chiều khi em ngồi đan áo, con hỏi tại sao em đan cho nó áo màu tím, chưa kịp trả lời thì chiếc lá vàng vô tình rơi trên nền áo. Hai màu sắc vàng tím nằm chồng lên nhau làm em không thể nào không nhớ lại kỷ niệm xa xưa của hai đứa chúng mình. Làm sao em quên được buổi chiều thu đầy mây tím năm nào, chúng mình ngồi trên ngọn đồi nhỏ xám, chân ủ trong đám lá vàng và trên đầu chúng mình lá vẫn tiếp tục đổ xuống như mưa. Anh đã nói cho em nghe về những dự tính anh sẽ thực hiện trong tương lai; anh đã trình bày với em về đường lối giáo dục anh sẽ áp dụng khi chúng ta có một đứa con. Anh ạ, buổi chiều hôm ấy đẹp làm sao, vậy mà bây giờ anh đã vĩnh viễn nằm xuống, không còn có tương lai để thực hiện mọi dự tính cao đẹp ngày nào; con chúng ta đây, nó xinh xắn, kháu khỉnh và thông minh lạ lùng, nhưng anh không còn để mà áp dụng đường lối giáo dục anh đã nói với em trong buổi chiều hôm ấy.

Anh ơi, đừng trách em sao buồn nhiều như vậy. Từ ngày anh không còn bên cạnh em, mùa thu nào em chẳng chuốc lấy u sầu. Thu đem lại cho em kỷ niệm đẹp là buổi chiều trên đồi năm ấy, nhưng cũng chính thu in hằn trong em một kỷ niệm đớn đau suốt đời không bao giờ phai lạt; cũng một buổi chiều thu, em bàng hoàng nhận được tin anh gục ngã. Đau xót làm sao cho người vợ trẻ với cái thai chưa đủ ngày đầy tháng. Và cũng một chiều thu mây tím, em lặng lẽ tiễn anh vào lòng đất lạnh. Lúc ấy, em nhớ tới hai câu thơ:

Thiên hạ bên đường nhìn xe tang tự hỏi:
Lá mùa xuân hay lá úa mùa thu?

Thấm thía làm sao phải không anh. Anh, con người tràn đầy sinh lực, tràn trề nhựa sống như chiếc lá xanh mơn mởn của mùa xuân, sao thấy mùa thu trở về mà vội vàng rơi rụng?

Con chúng mình, em đặt tên nó là Thu, vì nó sinh giữa mùa thu, và cũng để ghi lại những kỷ niệm êm đềm cũng như đau khổ của em với anh, với mùa thu. Con bé xinh lắm anh ạ, nó bầu bĩnh, dễ thương chi lạ, miệng nó tươi y hệt miệng anh, làm mỗi lần nhìn nó em lại tưởng nhớ bóng hình anh đã khuất. Nhưng tại sao đôi mắt nó trông thật buồn, dù nó còn bé. Không hiểu nó chịu ảnh hưởng cái không khí u buồn của mùa thu hay lây cái buồn của mẹ, có lẽ cả hai; nhìn đôi mắt nó, em cứ muốn khóc. Tội nghiệp, biết bao lần nó hỏi về cha, về anh mà em cứ phải quanh co, không thể cho nó biết rõ, chỉ sợ con bé tủi thân. Em lo rằng ngày sau con bé sẽ khổ vì đôi mắt đầy u buồn đó, anh nhớ phù hộ cho con anh nhé.

Hôm nay em khóc nhiều, con bé cũng khóc. Hai mẹ con ôm nhau ngoài vườn mà nước mắt như mưa. Qua màn lệ mỏng, em tưởng chừng như thấy hình bóng anh bên cạnh, đang cúi xuống dỗ dành cả hai mẹ con em.

Anh thân yêu, thân xác anh vùi sâu trong lòng đất nhưng linh hồn anh chắc chắn đang ở trên chốn trời cao, xin anh luôn luôn nhớ giúp đỡ em đủ can đảm nuôi con khôn lớn, và qua em, xin anh cứ thực hiện đường lối giáo dục con chúng ta như ý anh mong muốn. Được như vậy, tuy em đang buồn như cánh hoa dập nát, cũng xin vui vẻ mà mỉm cười...

Em của anh".

Ngày đó, đọc xong những hàng chữ này, dù chưa hoàn toàn hiểu hết, nhưng tôi cũng thông cảm được với mẹ tôi, tôi hiểu tại sao khi tôi đang đọc bài cho mẹ nghe, mẹ lại bảo tôi ra vườn chơi. Tôi hiểu tại sao mẹ ngần ngừ không trả lời khi tôi hỏi về chiếc áo len màu tím, và tôi hiểu tại sao hôm đó mẹ buồn, chiều đó mẹ khóc.

Nước mắt tôi trào ra, tôi gục đầu xuống quyển sổ mở rộng trên bàn. Những dòng chữ đã từng thấm lệ mẹ tôi nay lại được dịp nhòe thêm vì nước mắt tôi. Nghẹn ngào, tôi thầm gọi:

- Ba ơi... Ba ơi...

Dư vị cuộc vui đêm qua hoàn toàn tan biến, tôi quên đi tất cả để chỉ còn nghĩ đến người mẹ khổ đau và người cha chưa hề biết mặt.

Một bàn tay đặt nhẹ trên vai tôi, và có tiếng mẹ tôi bên tai:

- Tội nghiệp con tôi. Thôi nín đi con.

Nhưng tôi càng khóc lớn.

Để rồi cho đến hôm nay và có lẽ suốt đời, hình ảnh những dòng chữ của mẹ tôi, cũng như hình ảnh chiếc lá vàng trên nền len tím đối với tôi đã là những ấn tượng không bao giờ mờ nhạt, đã khiến tôi u buồn hoài để được bạn bè gọi là "Công chúa mùa Thu".

Cũng giống mẹ, thu về là tôi buồn. Tôi không thích ngắm cảnh cây cối tươi mát của mùa xuân cho bằng lặng nhìn những thân cây gầy guộc, cành khẳng khiu trơ trụi giơ ra giữa nền trời xám. Tôi không thích đi trên con đường đầy hoa cho bằng được lặng lẽ đếm từng bước trên lối đi tràn ngập lá vàng.

Có lẽ mẹ tôi nghĩ đúng, tôi vừa chịu ảnh hưởng cái buồn của mẹ, vừa thấm nhiễm cái buồn của mùa thu nhiều mây tím, lá vàng; tên tôi là Thu cơ mà. Trong lớp mỗi lần muốn trêu tôi, bạn bè thường gọi nhau, giả vờ hỏi:

- Ê, làm sao hôm nay mi buồn quá thế?

Đứa kia hỏi lại:

- Buồn như ai nào?

- Như "Công chúa mùa Thu" ấy.

Rồi cả hai đứa ôm nhau cười ngặt nghẽo. Tôi không buồn, không giận gì chúng, mà chỉ buồn cho chính tôi. Nỗi buồn này nếu các bạn tôi biết được, có lẽ chúng nó không còn nỡ ghẹo tôi nữa. Nhưng cũng giống tính mẹ, tôi rất ít nói, thành thử chả ai hiểu tôi ra sao.

Mùa Thu đến, con bé Thu buồn, nhưng tại sao tôi vẫn cứ muốn mùa thu kéo dài cả mười hai tháng, để được mãi mãi ngắm những lá vàng bay bay trong gió, được mãi mãi ngắm nhìn thân cây trơ trụi khẳng khiu. Tôi cũng mong ngày Trung thu mau đến, không phải để vui chơi, để ăn bánh, xem múa sư tử; đã qua rồi tuổi ấu thơ đầy ước mơ bé nhỏ nhưng tươi đẹp. Mong Trung thu về, để tôi tìm lại đêm Trung thu ngày nào, hồi hộp vui sướng cho nhiều để rồi đến hôm sau khóc cho lắm vì ý thức rằng mình là đứa trẻ không cha...

Ý nghĩ miên man đưa chân tôi bước đi, đi mãi. Nắng đã tắt từ lúc nào không biết, dải lụa vàng đã được cuốn lại và cất lên trời. Tôi ngước nhìn lên: mây xám giăng ngang hàng cây vàng lá. Gió thổi lành lạnh, tự nhiên tôi muốn khóc.

Có tiếng xe, tiếng người đi, tiếng khóc làm con đường mất hẳn vẻ thinh lặng. Tôi giật mình, một đám tang đi qua con dường trước mặt, màu trắng rợp đường. Tôi đứng lại, bất chợt lẩm bẩm hai câu thơ đã đọc được trong cuốn sổ bìa tím của mẹ tôi:

"Thiên hạ bên đường nhìn xe tang tự hỏi:
Lá mùa xuân hay lá úa mùa thu?"


QUYÊN DI       

Thứ Tư, 27 tháng 9, 2023

ĐÊM TRĂNG - H. Nghi

 
 
 (Thương tặng Nghĩa, Hiếu)

Những cánh tay bụ bẫm đan vào nhau và từng bước chân thơ dại tung tăng quấn quít. Tiếng hát thoát ra từ vành môi tròn mộng xinh xắn. Lời ca đơn thuần ngây ngô "Tết Trung Thu em rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường..." Tết đến cho mắt em long lanh vì niềm vui tràn trề rộn rã. Cho môi em tròn bụ cười tươi vì bánh dẻo thơm nồng. Em hãy hát nữa đi. Hát vài ca có huyền thoại xa xưa trên vầng trăng rạng ngời tít tắp. Có nàng tiên Hằng xinh tươi đẹp đẽ và chú Cuội già suốt đời ôm gốc cây đa. Rồi em hãy hát thêm những lời ca vẽ vời lâu đài thần tiên mờ ảo trong mây trời ngũ sắc, chập chờn hình bóng của nàng tiên nhỏ. Lời ca ru êm như tình mẹ. Như đôi tay gầy guộc bao dung. Lời ca nồng nàn như tình cha. Như vầng trán cao. Như đôi mắt thẳm. Như tháng năm dài nhọc nhằn nuôi con khôn lớn...

Và em nhoẻn miệng cười tươi khi âm thanh cuối cùng vừa tắt hẳn. Tôi nhìn em khuyến khích ngợi khen.

Những chiếc lồng đèn dập dìu muôn hình muôn sắc. Này đèn con cá, này đèn con thỏ, này đèn bánh ú, này đèn ngôi sao... Em thích thứ nào nhất hết hở em? Một thoáng bối rối ngượng ngùng và em đưa tay chỉ chiếc lồng đèn nằm gọn trong tay. A! Đèn quạt xếp. Đèn xếp bằng giấy báo và lệch lạc vì bàn tay phết hồ vụng về quá. Chắc đó là những đêm ba thức khuya ngồi cặm cụi làm sau một ngày nhọc nhằn công việc. Ba thương em, nhưng ba nghèo. Nên ba phải xếp đèn cho em bằng giấy báo. Em quý đèn hay em quý tình ba hở em?

Tôi rủ em vào nhà chơi và em bằng lòng. Những đứa bé bạn em cũng bước theo đến căn phòng nhỏ. Đĩa bánh dẻo được bày ra mời khách. Tôi nhét bánh vào từng bàn tay và thúc dục:

- Ăn đi em.

Giây phút ngập ngừng rồi cũng qua. Những đứa trẻ tít toát cười, nhe hàm răng sún nhai bánh ngon lành. Tôi nhặt đèn lên treo trước cửa. Đèn xếp dãy, ánh sáng xanh đỏ lung linh trông thật vui mắt.

Không còn ngậm miếng bánh, em nũng nịu bắt tôi kể chuyện cổ tích. Khẽ nghiêng đầu để lục lại trí nhớ, và tôi dịu dàng kể. Ngày xưa... Ngày xưa...

Gương mặt trẻ thơ say mê theo truyện kể. Buồn bã khi mụ ác tiên bắt công chúa ngủ trăm năm và vui mừng hớn hở khi chàng hoàng tử khẽ đánh thức công chúa bằng nụ hôn ngọt dịu. Tôi mỉm cười và lòng chợt bâng khuâng. Nhớ những năm xưa, đứa bé gái cũng gục trong lòng mẹ nghe bà kể chuyện. Cũng chàng hoàng tử, cũng nàng công chúa, cũng mụ ác tiên... Thế mà bây giờ đứa bé ấy ngồi đây, lập lại câu chuyện xưa để lòng nghe một thoáng nào tiếc nuối. Để thấy những kỷ niệm mà tưởng như đã chìm khuất bỗng sống dậy, bỗng réo rắt lên cung đàn tiếc nhớ.

Những đôi mắt bi ve khẽ chớp khi tôi vẽ vời khung cảnh ngày hoàng tử đưa công chúa về triều. Nhạc trỗi tưng bừng và hoa giăng khắp nẻo.

Tôi hỏi em nho nhỏ:

- Đẹp quá phải không em?

Em cúi đầu cười cười không đáp.

Tôi yêu đôi mắt em, yêu nụ cười em vô cùng. Bởi trong tia nhìn đó, trong môi tròn đó, là tích tụ những tháng ngày tuổi nhỏ xa xưa, mà tôi muôn đời không bao giờ với được vì tầm tay ngắn ngủi. Em yêu dấu. Đừng bao giờ em để lệ sầu vương mắt nhỏ, để bờ môi phải héo hắt nụ cười. Tuổi thơ ngọc ngà của em là cánh chim nhỏ bé. Tôi sợ nhỡ mai thời gian sẽ làm chim bay vút. Cho em những ngày tháng nghẹn ngào vì tiếc nuối, xót xa vì mất mát. Lúc ấy em sẽ buồn biết bao!

Trăng sáng dần. Tôi nhẹ nhàng tháo từng chiếc đèn cho những đứa trẻ và dục dã:

- Các em rước đèn đi chứ.

Đoàn quân nho nhỏ lại tiếp tục những bước chân tung tăng thơ dại. Tiếng hát vang vang quấn quít "Tết Trung Thu em rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường..."
 
 
H. NGHI        

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 106, ra ngày 7-9-1973)


Thứ Ba, 26 tháng 9, 2023

TRUNG THU CỦA BÁC ĐÈN XẾP - Lê Tất Điều

 

Đêm thật khuya, buổi sinh hoạt của đồ vật trong phòng bắt đầu như thường lệ. Bao giờ họ cũng tán gẫu với nhau về chuyện xảy ra ban ngày, hoặc về chú bé chủ nhân của một vài vật. Chị Tranh trên tường hồi này ít nói. Trước kia chẳng ngày nào chị ta quên khoe sắc đẹp của mình và nhắc đến những đôi mắt đã chiêm ngưỡng chị.

Ông Bàn lên tiếng trước nhất. Ông càu nhàu về vụ hôm nay chú bé lại làm đổ mực lên mặt ông. Ông già rồi mặt mũi nứt nẻ cả, giờ lại loang lổ mực xanh, mực tím thật dơ bẩn. Ông cảm thấy xấu hổ, mất mặt với bà con quá. Cái bệnh mọt ăn trong xương, trong mình ông vào mùa này lại thêm nặng. Hết cằn nhằn ông xoay qua kêu rên, rồi ông gây sự với chú Ngăn kéo:

- Đã nằm nhờ trong bụng người ta, còn rinh về đủ thứ, nặng muốn chết.

Thực ra, lỗi không phải ở chú Ngăn kéo. Cậu bé có món đồ chơi gì cũng tống vào lòng chú. Nhưng Ngăn kéo không cãi. Ông Bàn già rồi, " kính lão đắc thọ ". Ở với nhau lâu, chú biết tính ông. Ông hay cằn nhằn nhưng tốt bụng.

Anh Ghế cũng lên tiếng phụ họa với ông Bàn. Anh than phiền về vụ chú bé hồi này hay nghịch, thường đứng trên mình anh mà nhảy nhót hoài.

Anh Diều giấy suốt cả buổi chiều bay lượn mệt nhọc giờ này nằm ở gầm tủ ngủ bù. Nếu không, chắc anh đang ba hoa thuyết trình về tổ tiên của anh. Ôi! Thời đại của những ông Diều khổng lồ có sáo để ca hát vi vu giữa lưng trời. Anh thương nhớ thời đại đó biết bao! Tổ tiên của anh cũng chả bao giờ phải đeo một cái đuôi dài lằng nhằng như cái đuôi của anh bây giờ. Thân thể của các ngài rất cường tráng cân đối. Ít khi gió làm các ngài phải đảo nhiều vòng. Cần gì có đuôi để giữ thăng bằng.

Trầm lặng nhất là ông già Cung tên, ông mang dòng máu hiệp sĩ quí phái, lúc nào cũng kín đáo với lớp áo màu đen phơn phớt bụi phong trần.

Thỉnh thoảng, ông kể lại một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Các đồ vật trong phòng tưởng chừng nghe tiếng quân reo, ngựa hí và thấy ông Cung tên, nằm gọn trong tay một Dũng tướng, đang tả xung hữu đột giữa trận tiền. Đêm nay, ông không nói, chắc ông đang thương nhớ một điều gì. Hay ông lắng nghe tiếng bọn guốc dép kể các cuộc du lịch của chúng và lòng thầm khinh bỉ. Bọn giầy dép được đi xa, biết nhiều, nói dóc nghe còn thương được. Lũ guốc chỉ quanh quẩn ở xó nhà, cũng góp lời, thật nản.

Như thế, đêm sẽ trôi qua một cách bình thường cho tới lúc bình minh đến, nếu đột nhiên dưới gầm tủ không vang lên tiếng kêu thảm thiết:

- Trời ơi! Cứu tôi! Cứu tôi!

Đó là tiếng kêu của cụ Sách.

Mọi vật nhốn nháo hỏi:

- Chuyện gì đó cụ?

- Cụ mơ ngủ hả?

Cụ Sách hổn hển:

- Tôi đang mơ màng thì bị cắn vào gáy một cái đau điếng!

- Cái gì cắn?

- Không biết. Chắc là một con quái vật.

Ông Tủ có vẻ ngạc nhiên:

- Này cụ Sách, sao cụ lại nằm dưới đó? Tôi tưởng cụ phải nằm trong lòng tôi chứ. Lúc nào tôi cũng chả dành cho cụ một chỗ nằm mát mẻ rộng rãi.

Cụ Sách vừa xuýt xoa kêu đau, vừa than thở:

- Ấy, tại cậu chủ vứt tôi ra đây đấy. Hồi này cậu ấy bừa bãi quá, chả coi công dạy dỗ của tôi ra gì hết.

Chưa nói xong câu, cụ lại kêu rú lên. Ông già Cung tên, vốn có máu hiệp sĩ trong người ra lệnh lập tức:

- Phải có ánh sáng.

Mọi vật đều hướng về phía Đèn Ống chờ đợi. Nhưng cái tên này đang ngủ say sưa. Bây giờ chỉ có ông chủ nhà đánh thức hắn mới dậy, và khi dậy hắn kêu lách tách mấy tiếng càu nhàu, nhập nhoạng ngái ngủ mấy cái. Hắn làm việc có giờ và cư xử một cách hết sức máy móc. Khi hắn mới được đưa về đây, ông Đèn Cầy vừa trông thấy đã than:

- Thôi thế là máy móc đã bắt đầu ngự trị, đè bẹp loài đèn cầy rồi.

Và ông lui về một góc bàn thờ, chỉ chờ dịp Đèn Ống ốm đau mới ra tay được một lát. Nhưng trong dịp có lễ lạc ông trở nên quan trọng lạ thường, đó là nguồi an ủi duy nhất, quả thực, những giây phút linh thiêng đó, ông Đèn Cầy cảm động và hài lòng, mặt mũi ông thật rực rỡ. Tư cách ông đàng hoàng hơn anh Đèn Ống nhiều. Trong lúc nguy nan thế này, ai dám trông mong vào Đèn Ống máy móc và ích kỷ.

Nhưng, lúc này ông Đèn Cầy ngủ mê mệt.

Anh Ghế gọi anh Diều:

- Ê! Bồ bay lẹ tới gầm tủ coi con quái vật nào, đang tấn công cụ Sách?

Diều cằn nhằn:

- Việc ai người ấy lo. Tôi làm việc nặng nhọc cả buổi chiều rồi, không làm giờ phụ trội đâu.

Nói xong, tên ích kỷ hạng nhì này ngủ tiếp. Mọi vật nghĩ đến chị Bóng bay. Nhưng chị ấy mới bị xì hơi hồi chiều qua, bị ốm, nằm ỉu xìu ở một góc nhà, gầy tọp hẳn đi, chưa biết xẹp lúc nào. Chắc chị không cất bước nổi.

Tình hình có vẻ hoàn toàn tuyệt vọng. Bình hoa bắt đầu nhỏ lệ thương xót cho ông Sách.

Bỗng dưới gầm giường có tiếng quay vù vù. Chú Con Quay đã đứng dậy. Chú xoay tít, xoay tít và lần tới gầm tủ quan sát. Chú nói:

- Xin báo cáo với Đại tướng Cung tên. Kẻ tấn công cụ Sách là một con chuột khổng lồ. Nó đang cắn gáy cụ ấy.

Cụ Sách rên rỉ không ngừng. Ông Cung tên hét:

- Tôi có thể bắn hạ nó, nhưng làm sao xoay cho ra chút ánh sáng bây giờ. Tôi không thể bắn ẩu được.

Mọi vật lại ngẩn ngơ. Làm sao có anh sáng bây giờ? Bình hoa khóc thảm thiết.

Ông Bàn sốt ruột:

- Tôi có thể khuân vác tất cả. Ai muốn nhảy lên mặt tôi mà ngồi cũng được. Nhưng tôi làm gì có ánh sáng. Tội nghiệp cụ Sách quá. Nếu cụ có bề gì chắc tôi không sống nổi. Ngày nào chúng tôi cũng gặp gỡ nhau.

Ông Bàn càng nói càng nghẹn ngào!

- Ông Cung tên sửa soạn tấn công đi. Tôi sẽ lo vụ ánh sáng.

Câu nói đó của một giọng khàn khàn như xuất phát ra từ một nơi đầy bụi. Đó là giọng bác Đèn xếp. Bác chui từ gầm giường ra. Bác đã nằm đó để chờ tết Trung thu. Mỗi năm bác chỉ làm việc có một ngày. Thời gian còn lại, bác nghỉ hè.

Bác Đèn xếp đã lăn tới giữa nhà (đó là vật cô đơn nhất phòng, bình thường chả có vật nào nói chuyện hay nhắc tới đèn xếp )

Đèn xếp đứng thẳng và sáng dần. Thân thể bác đầy bụi. Ánh sáng còn mờ. Những lằn xếp chưa dãn ra hẳn, chúng cũng lười biếng như những khớp xương lâu không được dùng tới. Ông Cung tên hét:

- Ráng lên chút nữa!

Bác Đèn xếp cố sáng hơn.

- Tôi thấy bóng tên chuột rồi. Sáng thêm chút nữa bác Đèn xếp.

Đèn xếp không ngừng cố gắng.

- Rồi! Tôi thấy nó rồi!

Mũi tên vụt đi trúng ngay con chuột. Nhà hiệp sĩ Cung tên mà bắn thì có bao giờ trượt. Mọi vật reo hò.

Nhưng ở giữa nhà, bác Đèn xếp không thể chia vui được. Bác đã ráng sức đến nỗi cả thân mình bác bốc lửa. Bình hoa rú lên và ngất xỉu.

Trong ngọn lửa nóng hừng hực, bác Đèn xếp thều thào:

- Xin vĩnh biệt các bồ!

Thoáng một cái, bác đã đen hết mình.

- Trung thu sang năm các bồ hãy nhớ đến tôi nhé!

Và bác ngã xuống cùng với ngọn lửa. 

 
LÊ TẤT ĐIỀU      
(Những Giọt Mực)   

Thứ Hai, 25 tháng 9, 2023

DƯỚI ÁNH TRĂNG THU - Thơ Thơ

    

Tròn tròn bánh nướng
Bánh dẻo trắng phau
Mãng cầu nhiều mắt
Trái lựu đỏ au

Trăng treo lưng trời
Chiếu sáng nơi nơi
Đèn lồng cao thấp
Màu sắc xinh tươi

Ông quấn thuốc rê
Bà têm miếng trầu
Bà nhai bỏm bẻm
Ông vuốt chòm râu

Quây quần con cháu
Má nhâm nhi trà
Ba cười rổn rảng
Đầm ấm cả nhà

Chị vui hớn hở
Anh rước lồng đèn
Mẹ cho bánh nướng
Em ăn đã thèm

Trăng thu đẹp quá
Gió mát hây hây
Rộn ràng phố xá
Trung thu về đây...

                       Thơ  Thơ
              (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

MÙA TRĂNG CỦA TUỔI - Thương Vũ Minh

 

 Như chuyện cung trăng đền vàng điện ngọc
Em đã nghe hoài từ thuở xưa xa
Rằm tháng tám ánh huyền ươm lên tóc
Giấc mộng vàng tuổi nhỏ thật kiêu sa

Em thủ thỉ cùng chị Hằng trong mộng
Bên lồng đèn quà bánh tuổi thơ ngây
Mơ chị cười với ngàn mây mở rộng
Thấy chị nhìn mà lòng bỗng mê say

Vùng thời gian vẫn trôi hoài vội vã
Bỏ đàng sau thời thơ dại yên vui
Nên đêm rằm chừ chị Hằng xa lạ
Em không còn mơ mộng thuở xa xôi

Và từ đó trong ngút ngàn huyền thoại
Chuyện ngày xưa nghe đã hết son vàng
Đêm trung thu ngại ngần em muốn nói
Khi tâm hồn thôi chờ đợi mùa trăng

"Thôi trăng hỡi người bạn thời thơ ấu
Dù mất rồi xa vĩnh viễn trong tôi
Xin đêm rằm đem ánh huyền mờ ảo
Soi xuống trần cho tuổi nhỏ yên vui"

Đêm nay em ngồi nhìn trăng diễm tuyệt
Đang mơ màng trong khúc hát trên cao
Lũ em thơ rước đèn trong ánh nguyệt
Để thấy hồn vừa một chút xôn xao

                                         THƯƠNG VŨ MINH
                                  Kỷ niêm một năm với TUỔI HOA
 
 (Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 138, ra ngày 1-10-1970)



Thứ Năm, 21 tháng 9, 2023

VŨ KHÚC DƯỚI TRĂNG - Nhật Lệ Giang

 

Nhân dịp tết Trung thu, ban Giáo viên trường Tiểu học An cư tổ chức một buổi ca kịch mua vui cho các em trong vùng, và cũng để kiếm ít tiền giúp học sinh nghèo của trường. Ý kiến ấy được đa số phụ huynh học sinh tán thành, các giáo viên liền bắt tay vào việc. Họ chia ra mỗi lớp lo hai, hoặc ba đoản kịch. Các học sinh lớp lớn kiêm thêm việc bài trí sân khấu. Công việc cấp bách, thời gian ngắn ngủi, tuy nhiên thầy trò đều hết sức cố gắng...

Đêm trình diễn được rất đông các phụ huynh đến tham dự... Buổi kịch đã gần đến phần kết thúc, ban tổ chức hơi thất vọng vì những màn kịch vừa trình diễn không được hào hứng mấy. Tuy rằng sau mỗi màn kịch, các khán già vẫn vỗ tay tán thưởng. Phần đông họ thừa hiểu là các em còn nhỏ, thời gian tập dượt lại vắn vỏi, làm sao cho hoàn mỹ được...

Thấy các màn đầu không được kết quả, các giáo viên chỉ còn đặt hy vọng vào màn vũ cuối cùng. Suốt tuần nay, cô giáo Bích Liên đã lựa chọn, khó nhọc tập tành từng bước đi, điệu múa cho các em. Diễn thử mấy lần, các em đều nhớ hết điệu bộ phải làm. Tuy nhiên, cô vẫn hồi hộp lo âu. Trước giờ lên sân khấu, cô sửa soạn áo quần cho từng em, căn dặn riêng em bé Thu điều khiển cho khéo. Em bé Thu cao hơn cả đoàn, lại xuất sắc hơn, nên cô chọn em làm đầu ban vũ.

Soạn xong sân khấu, một giáo viên hé màn bước ra ngoài, cúi đầu chào khán giả và giới thiệu:

- Kính thưa quí vị, đây là màn vũ cuối cùng, kết thúc buổi ca kịch của các học sinh bản trường. "Vũ khúc dưới trăng" này do các em lớp mẫu giáo trình diễn điệu múa, các nữ sinh lớp nhất hát và làm bối cảnh.

Tiếng vỗ tay vừa dứt, màn sân khấu mở rộng, mọi người ngạc nhiên nhìn lên, tấm tắc khen:

- Ô, đẹp quá!

Ánh sáng mầu sanh dìu dịu giọi xuống soi sáng cả sân khấu. Trước bức phông lớn mầu thiên thanh, hai hàng nữ sinh bận đồng phục trắng, đứng trên bục cao, dưới chân có mây che phủ, trông như những nàng tiên hiện ra trong mây. Bên cạnh là một mặt trăng tròn to lớn...

Trên sân khấu, hai chục em gái nhỏ chừng chín mười tuổi đứng vòng quanh, dịu dàng trong bộ đồng phục màu xanh nước biển. Ở giữa đoàn, một em gái cao hơn vận toàn màu trắng... Các em đứng bất động, trong lúc khán giả vỗ tay khen ngợi. Bỗng từ hậu trường, tiếng sáo nổi lên, lẫn tiếng trống bập bùng phụ họa... Một tiếng phách làm hiệu, các em nắm tay nhau, múa theo tiếng hát:

... Tay nắm tay, chúng ta bước đều,
Cùng nhịp theo đàn và nhịp theo tiếng tiêu.
Ca hát vang dưới trăng sáng ngời,
Và cùng nhau ngắm ánh trăng rằm sáng soi...

Dưới ánh đèn xanh, khi mờ khi tỏ, các em uốn éo, tiến lên lùi xuống, nhịp nhàng theo điệu nhạc. Mọi người chú mục lên sân khấu, lòng trí thảnh thơi, tưởng chừng như họ đang lạc vào thiên thai, thấy nhãn tiền  một bầy tiên nhỏ đang cùng nhau nô giỡn dưới ánh trăng thu huyền ảo... Và đột nhiên tiếng hát mạnh hơn, cao cung lên:

... Vì Thu đến làm nước hồ rung đùa,
Làm cho sóng lăn tăn như... 
muôn chiếc trâm vàng trên hồ thu...

Bầy tiên bé nhỏ cũng thay đổi điệu múa. Thân hình các em vật vờ qua lại, như những làn sóng nối tiếp, đồng thời tay các em tung lên những dây kim tuyến lóng lánh để diễn tả những chiếc trâm vàng trên hồ thu...

Màn vũ kết thúc, tiếng vỗ tay vang dậy... Thật là thành công quá mức tưởng tượng... Các giáo viên chạy tới khen ngợi cô Bích Liên và các em. Một số phụ huynh cũng vào hậu trường, cám ơn ban tổ chức và đặc biệt tán thưởng cô Bích Liên đã khéo léo tập luyện cho các em nhỏ được hoàn mỹ như thế...
 
*
 
Các em lo thay áo, rồi từ giã cô giáo để về theo ba má và anh chị. Duy có bé Thu cứ chạy tung tăng chỗ này qua chỗ khác, chớ không chịu cổi áo ra. Cô Bích Liên gọi bé Thu lại, toan rầy la nó, nhưng cô chợt nghĩ:

- Có lẽ đời bé Thu chưa hề được mặc chiếc áo đẹp nào như thế... Ba em vừa tử trận, má em vất vả một mình nuôi bầy con bảy, tám đứa, lấy đâu mà sắm áo quần mới cho em...

Nghĩ như thế, cô dịu dàng bảo em:

- Em Thu ơi, em lo thay áo mà về chứ! Cái áo này em xếp lại cho tử tế, để khi nào có lễ gì mà mặc. Cô may cho em đó mà!

Bé Thu sung sướng, ngây thơ nhìn cô giáo:

- Có thiệt không cô, cô cho em cái áo đẹp này hả cô?

Cô Bích Liên ngồi xuống, ôm chặt bé Thu vào lòng, thì thầm vào tai em:

- Không những cô cho em chiếc áo này, cô còn nhận em làm em nuôi của cô nữa. Em Thu có muốn làm em của chị không?

Bé Thu dựa đầu vào lòng cô giáo, đôi mắt mở to nhìn cô, nhỏ nhẹ:

- Thưa cô, em muốn lắm!


NHẬT LỆ GIANG      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 21, đặc biệt Trung Thu, ra ngày 25-9-1964)

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

MẮT HỒNG - Hoàng Mai

 Chưa hôm nào em thấy sung sướng như hôm nay. Một niềm vui như cơn gió mát, thổi tạt vào hồn em. Nắng chiều nay vàng tươi reo vui trên những gian hàng bán đồ chơi. Nào xe tăng, tàu thủy, xe hơi, búp bê bằng nhựa, đủ cả, thứ nào cũng đẹp cũng xinh. Em không biết chọn thứ nào hết. Loay hoay một lúc rồi em cũng mua được một ít quà. Em mua thêm một ít bánh trung thu và lồng đèn ngôi sao. À quên, em chỉ mua bánh dẻo thôi, vì bánh trung thu đắt lắm, em không đủ tiền. Em nhờ người bán hàng gói lại kỹ lưỡng rồi ôm tất cả về nhà. Không, em làm gì có nhà để về. Em sống tạm bên xó hè nhà bác Chín mà. Bác ấy tử tế và thương em ghê lắm. Đã nhiều lần bác bảo em ở chung với bác nhưng em không dám nhận lời. Em chỉ xin được sống tạm bên xó hè thôi. Vừa trông thấy em bác đã vội hỏi:

- Chà, hôm nay cháu mua nhiều đồ chơi quá vậy?

Em còn đang do dự thì bác đã nói:

- À, bác quên mất. Mai là Trung Thu mà, phải không cháu? Thảo nào...

Bác bỏ lửng câu nói ở đó. Em hiểu bác muốn nói gì. Bác tưởng em mua nhiều đồ chơi để chơi trung thu chắc. Em muốn cãi lại, nhưng chẳng biết nghĩ sao, em lại thôi. Để mai rồi bác sẽ biết, lo gì. Bao nhiêu tiền đánh giày, bán báo em bỏ ống từ Tết đến giờ em đã mua quà hết rồi. Em không tiếc tí nào, trái lại em còn thấy vui sướng và hãnh diện vô cùng. Bỗng nhiên, em chợt nhớ đến gia đình em ngày xưa.

Ngày xưa (nhưng chỉ cách đây vài năm thôi), gia đình em ở dưới quê. Ba em đi cày và má em đi cấy ; một hôm bị phi cơ oanh tạc lầm, cả ba và má em đều chết hết. Em dắt hai đứa em của em lên Saigon. Nhờ người quen giới thiệu, em với thằng Tú và con Tâm được ở tại cô nhi viện của một cơ quan từ thiện. Năm ngoái, vì đã lớn, em xin ra khỏi nơi đó, tìm kế sinh nhai để giúp đỡ hai đứa em của em. Em vừa đánh giày vừa bán báo mà vẫn không kiếm được bao nhiêu. Nhưng nhờ tiêu tặn, em để dành được một số tiền kha khá. Chiều nay, em đi mua quà Trung Thu...

*

Em vừa bước vào cô nhi viện, đã nghe tiếng trẻ con ca hát. Từng loạt âm thanh cao vút phá tan sự yên lặng thường ngày, Tự dưng, em thấy lòng mình vui thêm. Ngày xưa, ba má em còn sống, em cũng được hưởng những đêm trung thu như thế với lũ nhỏ hàng xóm, chứ không phải vất vả như bây giờ. Nhiều khi em nghĩ, trời thật bất công : có kẻ giàu thì giàu quá, có kẻ nghèo thì nghèo vô cùng. Tại sao thế nhỉ? Em suy nghĩ hoài mà vẫn không tìm được nguyên nhân.

Em xin bà giám đốc cô nhi viện cho em gặp thằng Tú với con Tâm. Bà ấy bảo em chờ một chút. Em còn đang ngồi mơ màng, thì đã thấy hai đứa nhỏ chạy ra. Tú nắm lấy tay em. Tâm nhảy lên đu lấy cổ em. Em sung sướng ôm chầm hai đứa vào lòng.


- Các em có mong anh nhiều không?

Tú nói:

- Em sợ anh Hai không đến.


Tâm cãi:

- Em biết chắc thế nào hôm nay anh cũng đến mà. Chà! Sao anh Hai mua nhiều quà quá vậy?

- Tiền đâu mà anh Hai mua dữ thế?

- Tiền anh Hai để dành.

- Anh Hai mua cho ai nữa hả?

- Mua cho các em và cho bạn của các em nữa.

Tâm reo lên:

- Anh Hai tốt quá!

Tự nhiên em thấy cảm động vô cùng. Hai dòng lệ bỗng ứa ra trên đôi mắt em. Tại sao em khóc, em cũng không hiểu nữa. Ước chi, bây giờ cho ba má em sống lại, để ba má em được nhìn thấy chúng em sống bảo bọc lẫn nhau. Còn gì sung sướng cho bằng! Ba ơi, má ơi, nếu ba má có linh thiêng thì hãy phù hộ cho tụi con được bình an, và cho quê hương này sớm được thanh bình. Để dân tộc mình không còn chết oan uổng, để những trẻ thơ vô tội không còn thiếu tình thương.

Em nhìn xuống Tú và Tâm. Hai ánh mắt hồng đang nhìn em, như muốn chia sớt nỗi buồn. Em đưa tay lên lau nước mắt và nói:

- Thôi, anh em mình vô chơi với các em Cô nhi chiến tranh đi!


HOÀNG MAI      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 137, ra ngày 15-9-1970)


Thứ Hai, 18 tháng 9, 2023

NĂNG LỰC KỲ DIỆU CỦA NHIỆT TÂM - Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch



Đã lâu rồi, một hôm má tôi bảo tôi:

- Norman, từ trước tới nay má đã khuyên con nhiều điều, có điều con nghe, có điều con bỏ qua. Nhưng có lời khuyên này má muốn con theo cho được: đừng quên rằng thế giới đầy những vẻ đẹp làm cho ta xúc động, hồi hộp. Ráng mở lòng ra để tiếp nhận những cái đó, đừng bao giờ để cho lòng lạnh giá tê liệt đi, đừng bao giờ làm mất cái nhiệt tâm của con.

Từ hôm đó tôi luôn luôn ráng nuôi cái nhiệt tâm của tôi. Vậy tôi nói đây là do kinh nghiệm bản thân, chứ không phải là lý thuyết suông. Xin bạn nghe tôi: lời khuyên của má tôi tốt đấy.

Trên đường đời, những người nào đi xa nhất, leo lên được những nấc thang cao nhất, đều là những người có nhiệt tâm. Một kỹ nghệ gia nghĩ như vậy, có lần bảo tôi:

- Hai người tới xin làm việc mà khả năng suýt soát nhau thì tôi lựa người nào có nhiệt tâm hơn vì tôi biết rằng người đó sẽ đi xa hơn người kia. Nhiệt tâm gây cho người đó được nhiều khí lực, và người đó có thể tận lực làm công việc được. Mà nhiệt tâm lại dễ lây nữa, nó quét sạch mọi sự cản trở.

Nếu hôm nay bạn bị tánh nhu nhược, bộ thần kinh, nỗi lo sợ và các mặc cảm tự ti của bạn lôi cuốn mà không chống cự lại được thì có thể rằng chỉ tại bạn không ngờ được khả năng của mình. Hầu hết chúng ta đều tự đánh giá mình thấp quá. Tự cao tự đại thì không nên, nhưng bạn có thể và có bổn phận bồi dưỡng nhiệt tâm của bạn. Triết gia và tâm lý gia William James khuyên chúng ta tự tin. Ông bảo: "Bạn nên thầm tin rằng bạn có một nguồn sức khỏe, sinh lực, sức bền bỉ còn dự trữ ở trong người. Cứ tin rồi thì sẽ có".

Điều thứ nhất phải làm: tự xét ý nghĩ và tâm trạng của mình. Một người mà trí óc toàn những ý nghĩ rầu rĩ, bệnh hoạn, tiêu cực thì không thể có nhiệt tâm được. Muốn thay đổi tâm trạng đó, mỗi buổi sáng bạn nên soi gương tự nhủ đại khái như vầy:

- Hôm nay là ngày lành của tôi. Tôi có được nhiều cái may lắm: có gia đình, nhà cửa, có công việc làm ăn, có sức khoẻ… Nhờ trời, tôi sẽ ráng lợi dụng tất cả những may mắn đó trong suốt ngày. Tôi sung sướng được sống. Buổi sáng, bạn lặp lại lời đó nữa. Cách đó công hiệu đấy, vì tâm trạng ảnh hưởng tới thái độ, hành vi của ta. Những ý tưởng không lành mạnh có thể làm cho ta hóa đau, những tình cảm thất bại có thể làm cho ta thất bại. Cách tôi chỉ cho bạn đó không dễ theo đâu, nhưng nếu bạn ráng kiên nhẫn thử thì bạn sẽ ngạc nhiên về kết quả.

Một buổi tối nọ, một người hoảng hốt kêu điện thoại cho tôi:

- Tôi không biết phải làm gì nữa. Tôi không còn chút can đảm nào cả, lo quá ngủ không được. Chiều mai, tôi tới khúc quẹo nguy kịch nhất trong đời tôi đây, nếu việc hỏng thì đời tôi kể như hết.

Tôi nói ít lời cho ông ta vững lòng rồi vô thẳng vấn đề:

- Chắc ông đã nhiều lần thắng được những nỗi khó khăn khác, vậy lần này ông cũng sẽ vượt được nữa. Nhưng này, sao ông có vẻ mất bình tĩnh như vậy hả? Ông kéo một chiếc ghế bành lại, ngồi cho thoải mái rồi bình tĩnh nói chuyện cho tôi nghe nào? Cơ thể có thoải mái rồi óc mới suy nghĩ sáng suốt chứ.

Rồi tôi khuyên ông ta đừng nghĩ về mình mà nghĩ về người khác, vì có cái luật tinh thần tế nhị này là nghĩ tới người, hy sinh cho người thì mình lại tìm ra được mình.

Tôi nói thêm: ngay sáng mai, ông bảo người ta chỉ cho ông một người nghèo khổ. Ông lại thăm người đó và giúp người đó một việc gì: giúp mà không một chút vị lợi, thực tâm hy sinh. Chiều mai, ông cứ tin tưởng, yên tâm lại chỗ hội họp đó. Tôi kết: nhưng trước hết, ông phải nuôi lòng lạc quan và nhiệt thành đã.

Vài tuần lễ sau ông ta kêu điện thoại cho tôi hay mọi sự xảy ra như ý muốn. Ông ta bảo:

- Tôi tập có nhiệt tâm và tôi đã thấy có sự thay đổi lạ lùng trong người tôi, nên tôi quyết tâm tiếp tục. Tôi cũng đã theo lời ông khuyên: ngày nào cũng giúp cho ai một việc gì đó… Quả là lời khuyên của ông chí lý.

Bạn hỏi tôi:

- Nhưng phải làm cách nào để có được nhiệt tâm đó? Giản dị lắm: mới đầu cứ làm bộ như mình có nhiệt tâm, đóng trò riết rồi thì mình thay đổi mà không hay. Đó là một thuật tâm lý ai cũng nhận là đúng: muốn trút một tình cảm xấu nào thì cứ làm bộ có tình cảm ngược lại: bạn khốn khổ ư, cứ làm bộ như mình là người sướng nhất đời, và bạn sẽ thấy đỡ khổ. Bạn cứ làm bộ có nhiệt tâm rồi thì sẽ thực sự có nhiệt tâm.

Tiếng Anh enthusiasm, Pháp enthousiasme do tiếng Hy Lạp entheos nghĩa là "có thần linh ở trong lòng". Vậy theo nghĩa gốc, nhiệt tâm là một thần cảm, một tình cảm về tâm linh, phát từ chỗ sâu thẳm của linh hồn, tác động tốt của nó tới sức khỏe thật hiển nhiên, gần như có thể đo được.

Một danh y đã quả quyết rằng:

- Mất nhiệt tâm thì người ta có thể chết được, vì cơ thể không chịu nổi sự chán nản khi thấy sống không có ích lợi gì cả.

Một vị khác nói chuyện về sức mạnh tâm lý của tinh thần lạc quan, bảo tôi:

- Những ý nghĩ rầu rĩ nếu hiện ra thường thì làm cho cơ thể ta dễ bị nhiễm độc gấp bội. Lòng lạc quan, tin tưởng, nhiệt tình tạo cho ta một thứ áo giáp để chống với vi trùng. Tôi nhận thấy rằng những người có thái độ tin tưởng thường mau hết bệnh hơn những người khác. Không còn nghi ngờ gì nữa, nhiệt tâm là một nguồn sức khỏe dồi dào nhất.

Những người thành công, những người xây dựng được cái gì cho xã hội, đều có một nhiệt tâm bất tận trong khi làm việc. Họ không đánh giá thấp công việc cùng khả năng của họ; trái lại họ hăng hái làm việc, nhờ vậy mà sức sáng tạo của họ tăng lên. Chrysler, nhà chế tạo xe hơi, một hôm bảo:

- Bí quyết để thành công là sự nhiệt tâm. Hễ làm việc mà hăng hái như điên thì là có cơ thành công rồi đấy.

Công việc hằng ngày của bạn nhạt
nhẽo quá thì bạn gia vị cho chút dấm ớt vào, bạn sẽ thấy nó hóa ra thú vị, như có phép thần vậy. Chỉ nhờ ý nghĩ của bạn mà bạn có thể làm cho cuộc đời của mình hết buồn tẻ, thành một cuộc mạo hiểm say mê, đáng sống. Quả quyết yêu công việc của bạn đi, tận tâm, nhiệt tâm làm nó, thì dù nó là công việc gì, bạn cũng sẽ thấy nó đẹp, bạn nên tin tôi đi.

Norman Vincent Peale         
NGUYỄN HIẾN LÊ tuyển dịch     
(trong Ý Cao Tình Đẹp)