Thứ Năm, 9 tháng 5, 2024

NHƯ MỘT GIẤC MƠ - Vũ thị Hải Dương

 


Cho đến khi em quay gót trở về, bầu trời bắt đầu xám, gió se lạnh và tóc em bay. Chợt nhớ đến cô bạn nhỏ của em đã nói: "Trời mưa thì rất buồn, Chi có thể bật khóc được. Nhưng Chi thích bầu trời chỉ xám mà không mưa. Hải Dương ạ!" Và em nghĩ, chắc bây giờ cô bạn nhỏ này thích thú lắm khi ngồi nép mình nhìn màu trời qua khung cửa sổ. Nếu em như Chi, em thích có thể điên lên được khi bắt gặp một màu mà mình yêu mến. Màu xám đang hiện rất tỏ trước mặt em và có lẽ rất rõ ràng trước mặt bọn em đang say ngắm.

Con đường lát sỏi trứng... cút - em và bạn bè vẫn gọi như thế vì sỏi trắng ngà, có đốm và to to như trứng cút! - chừng như rất lạnh và buồn. Ngàn lá reo lao xao, em tưởng rằng hồn cây lên tiếng hát ru dần một ngày yên ngủ và như nhủ thầm thôi hãy ngoan hiền. Em "thoọc" tay vào hai túi áo. Vẫn hơi lạnh nhỉ! Tóc em xõa dài, đen và óng ả. Bay bay nên vương trên vừng trán, , trên môi rồi vật vờ qua mắt. Minh bảo tóc em dài rồi đấy. Cả Ngọc Trâm cũng nói thế. Em chỉ nhẹ cười không nói. Rồi sẽ có một ngày - rất lạ tất cả bè bạn, người thân sẽ thốt lên - ơ, mày cắt tóc rồi đấy à! Ngắn nhiều so với ngày xưa. Chắc lại "cho một lời nguyền" chứ gì? Và em lại nhẹ cười không nói. Chiếc áo manteau màu bordeau chừng như chưa làm em ấm hẳn. Gió còn đi qua đôi bàn chân. Lạnh nên màu da chợt đổi. Một màu trắng xanh như là em mới ốm dậy. Bước đi vụt quấn quít và nhanh. Cơn mưa về đây nhanh hơn cơ!...

Chẳng còn một cái gì rất mơ hồ và trừu tượng ở được mãi bên em. Không vững bền và trường cửu. Cho đến cả những khuôn mặt rất quen mà em thương mến cũng đã xa xôi rất vợi. Kỷ niệm rất yêu chẳng gần thêm đến một ngày. Em buồn bởi vì thế! Nên biết rằng em sẽ chẳng còn vui, cho dù một phút bên người. Màu trời cũng biến đổi không thôi. Chim tung bay trong gió để tắm gội những ánh nắng mặt trời trong mùa mưa rất hiếm. Đua với gió mây qua bao nhiêu cung trời chưa đầy "sáu mươi độ". Nào là "khung trời tưởng nhớ", "khung trời gia định", "khung trời phiền muộn", "khung trời kỷ niệm"... Giời ơi! Sao mà lắm khung trời thế! Đọc lên em đã... bủn rủn tay chân. Chắc chắn mảnh đất Việt Nam yêu dấu của em được kết đúc lại bởi những khung trời... rất lạ này. Em nghĩ đến một "đại gia đình ong" với chiếc vỏ đan lại bởi những ô hình lục giác. Cho đến lúc cơn mưa kéo về, tất cả "khung trời" đều có một màu xám buồn như cô bạn nhỏ của em thích. Chim lại chẳng còn bay. Thu gọn mình trong tổ và mắt rất hờn nhìn ra ngoài. Trời bỗng rộng mênh mông. Em lại nằm sấp, cằm để trên hai bàn tay, chống mặt nhìn đời qua mưa đầu mùa. Em có vẻ "bi quan" quá! Cười hắt hiu với ý tưởng trong đầu. Em nghĩ rằng mưa sẽ cuốn theo tất cả những  gì gọi là dĩ vãng rất khóc của em. Cuốn sổ tay nhỏ bé của em cũng sẽ ghi thêm một câu ngắn, gọn nhưng đầy ý nghĩa mà chỉ có em, một mình em hiểu được: ADIEU TRISTESSE!

Sự thật không phải là ước mơ đâu em ạ! Đừng có ngơ ngẩn  đến độ ngẩn ngơ nhé em! Em rất dị, phải không hỡi mây, hỡi gió, hỡi... ai ơi! Thời gian đi qua cho cuộc đời em thêm dài là chuỗi ngày rất đẹp. Em tôn thờ nên nuối tiếc. Em yêu mến nên nhớ nhung. Để rồi đến một lúc nào, em cũng không biết hay đúng ra, em không còn nhớ được. Em đã ôm mặt khóc ròng. Em lại bonjour tristesse rồi đấy! Cái bà này cứ "lảng vảng" quanh em rồi đợi dịp đến gần. Rõ ghét! Em đang ở "lưng chừng đồi" đây. Em chẳng còn be bé mà người ta gọi là "con ních". Em cũng chẳng là lơn lớn để người ta gọi là "người nhớn" hay "vị thành niên". Bây giờ, trong đầu óc em, cái ngày hai mươi tháng tư đó đã gióng lên mười sáu tiếng chuông (chùa hay nhà thờ cũng rứa!) nghe cũng "đinh tai nhức óc", cũng êm ái như "zoulou chín từng mây". Em cười rất tươi. Em buồn đến khóc. Tại sao thế nhỉ? Ừ, em cũng chẳng biết tại sao. Tự vấn và tự đáp mà không dám hỏi ai. Mà hỏi ai bây giờ. Người ta sẽ nhìn em rồi trợn mắt "Ớ ờ, cái con nhỏ này lạ nhỉ? Hỏi gì không hỏi lại đi hỏi khóc với cười! Rõ vô duyên!" Em phụng phịu, đỏ mặt quay đi, hay tức mình nói "trả đũa" "chả như anh, hỏi gì không hỏi lại đi hỏi dzợ. Rõ kỳ!"Lúc đó, ai cười ai nhỉ? Em cười anh chứ nhỉ.

Lilas, bạn của em học cùng lớp, nói với em:

- Hải Dương rồng "dàng" ơi. Sao ta thấy ta bỗng già đi quá đỗi. Mười sáu tuổi rồi còn gì nữa!

Em buồn cười và ức ghê. Nó dám gọi em là Hải Dương rồng "dàng" cơ chứ. Làm cho cả lớp gọi em như thế khi nghe nó đọc tiểu sử của chữ Hải Dương rồng "dàng".

- Thôi thế từ nay ta sẽ gọi mi là bà già, Lilas nhé! Ấy quên, bà già nhé!

Em cũng không biết em có "dà" như thế không? Mười sáu tuổi rồi! Mình như chưa "dà" thì phải! Mà thật em chưa "dà". Mới có "mười xáu tuổi" mà lị! Tại cái bà già Lilas nói như thế. làm em cũng nghĩ "như thế" theo! Các văn thi sĩ thời tiền chiến, cho đến ngày nay, cũng vẫn tô son và dệt lối cho tuổi "mười xáu" này. Nào là mơ mộng, ước mơ, ngậm ô mai Bắc Việt, tuổi đẹp nhất đời người... Họ nói thật hay, thật diễm lệ mà em thì không thể nào tả lại được. Đến cả những câu thơ thật tuyệt diệu em cũng không nhớ được. Chỉ biết rằng thơ của họ tuyệt diệu mà thôi. Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Đinh Hùng, Từ Kế Tường, Duyên Anh viết và nói về tuổi "mười xáu" thật hay thật tuyệt. Em phục tài của họ quá.

Em không biết em có mơ mộng như tuổi "mười xáu" của các người thơ không. Nỗi buồn nhè nhẹ len vào "tim chì" của em khi nhìn mây bay. Mắt chợt dại đi và nhìn về đâu ấy mà. Rồi em hay đứng tựa cửa nhìn trời, nghĩ về dĩ vãng, dệt cho tương lai em hay lại nghĩ đến ai? Em cũng chẳng biết nữa! Em cũng hay cắn bút, cắn móng tay khi ngồi học bài chỗ cửa sổ. Mơ màng. Mắt "lim dim", hồn bay trong "dó"... Em ngủ gục tự lúc nào! Vậy đích thị đâu có phải em là "mười xáu" của người thơ nhỉ. Tụi bạn mà biết em như thế này chúng nó sẽ cười toe toét lên được. Em phải cải chánh rằng:

- Lầm rồi em ạ. Mày tưởng ai cũng thơ như mày sao? Tại tao cảm trời cảm đất. Vả lại trưa nay tao không ngủ. Tiện đây trời trong gió mát, không ngủ cũng "đại uổng".

Mấy đứa em của em sẽ xôn xao và cười lăn trên nệm:

- Ối giời ơi, chị Hải "kăm-pu-chia" mơ về quê hương yêu dấu! Sướng nhé!... Sao? Có gặp đồng bào chứ? Bạn bè hồi hương rồi mà. Em nghe radio ở mục nhắn tin. "Tìm gặp cô Hải trước ở "kăm-pu-chia" nay ở đâu cho biết tin gấp" mà lị!

Một là em xuống mách với ba mẹ, hai là em đánh mỗi đứa một bạt tai. Nó dám gọi em là Hải "kăm pu chia". Than ơi, gạo ơi, sao mà lắm tên thế hở trời!...

Mưa rồi đó. Những giọt mưa lạnh buốt làm em xốn xang. Bạn em chắc sẽ buồn và sẽ khóc trong căn phòng có khung cửa kính mà ngoài kia mưa vẫn mưa! Về nhà, em sẽ ra ngồi trên chiếc ghế mây, thu mình nằm gọn. Em ngắm mưa rơi. Nhiễu từng giọt vào hồn em. Em làm thơ "mười xáu" tuổi. Em chẳng còn ngủ gục như bữa nao mà giờ đây em đang khóc.


VŨ THỊ HẢI DƯƠNG   

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 23, ra ngày 5-4-1972)


 

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2024

NIỀM MƠ NIÊN THIẾU - Thơ Thơ

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tình cờ bước về qua lối xưa
Mây trắng trôi mây trắng lững lờ
Bên mái trường tiểu học thẩn thơ
Đôi bướm trắng vai kề thủ thỉ

Hạ lại sắp về rồi đó nhỉ
Ngày xanh yêu áo trắng học trò
Ngập khung trời cánh phượng ngây thơ
Cho tôi trở lại thời niên thiếu

Yêu lắm những  bông hoa hàm tiếu
Xinh tươi nhưng cũng thật xa vời
Lòng từng mong hái một lần thôi
Cánh nhung gấm tỏa hương ngai ngái

Mơ vẽ được để hoa sống mãi
Cành phượng kia sẽ chẳng úa tàn
Thuở bé thơ chơi bán đồ hàng
Hơi lơn lớn ép vào trang vở

Hoa học trò đáng yêu muôn thuở
Ước được thêu trên nét áo dài
Phượng đỏ tươi lá biếc trang đài
Cho ai xúng xính duyên yểu điệu

Nhưng không thành giấc mơ huyền diệu
Chẳng biết thêu, cũng chẳng vẽ vời
Nay hạ xưa trở lại cùng tôi
Bừng sống lại niềm mơ niên thiếu...

                                                 Thơ Thơ
                                     (Bút nhóm Hoa Nắng)



Thứ Hai, 6 tháng 5, 2024

HẠNH PHÚC LÀ GÌ? - Đỗ Phương Khanh

 

 
 Thư của em H.L. Saigon

... Tuy là độc giả mới, em tin rằng chị cũng chẳng nỡ bỏ rơi em. Sự hoang mang này theo em suốt bao nhiêu ngày rồi. Mà em không thể hỏi những người thân của em được chị ạ. Hỏi họ thì cũng thế mà thôi, quanh quẩn chỉ một luận điệu: "Ối! Lấy được chồng "xôm" thế là nhất rồi, lại còn bày đặt". Theo ý gia đình em thì chàng "xôm" thật đấy. Ba má chàng là nhà buôn lớn, chàng thì đã tốt nghiệp Chính Trị Kinh Doanh, tương lai em sẽ được bảo đảm. Sau khi cưới, em có thể tiếp tục học (em quên nói là em sắp thi Tú kép chị ạ), dù em muốn học tới Bác sĩ thì gia đình chàng cũng chiều em. Nhưng mà, khỉ quá chị ơi! Em thắc mắc! Thế mới khổ chứ. Tại thế này nhé. Em cứ thường nghe mọi người tán tụng gia đình em là hạnh phúc, gia đình cô em cũng được khen mà gia đình chị gái em cũng được khen là hạnh phúc luôn. Mà em ở trong em biết, chẳng hạnh phúc gì đâu chị ạ. Ba em hay cau có và nhiều khi cãi nhau với mẹ em. Cô chú em thì em biết rõ quá, chú ấy có bồ và cô về khóc lóc hoài. Anh rể em thì nghèo, lại mắc đi lính, chị túng thiếu quá, mẹ em cứ phải trợ cấp. Nhiều khi thấy chị không dám may một cái áo hàng mới. Món đồ nào chị cũng tính thành mấy hộp sữa cho thằng cu bé. Chị chỉ lần quẩn trong nhà, không dám đi coi một phim hay nữa.

Nhưng luôn luôn khi có khách, thì tất cả đều tạo ra sự vui vẻ, và mọi người đều tưởng là họ hạnh phúc. Thật là giả dối.
 
Nếu hạnh phúc như vậy thì em không muốn chị ạ. Chẳng thà em sống độc thân, em sẽ tự do, và hạnh phúc là của em làm em hưởng, không ai có thể ảnh hưởng tới em. Cho nên em băn khoăn quá chị ơi! Hạnh phúc là gì? Em nghĩ rằng chẳng có hạnh phúc gì hết ráo... Em có khùng không?

Trả lời:

Em không khùng đâu. Trước ngưỡng cửa bước vào đời, em thắc mắc như vậy là đúng lắm. Tuy nhiên, quan niệm về hạnh phúc của em thì hơi hẹp hòi. Em ạ! Cuộc đời có hạnh phúc không phải là cuộc đời có đầy dẫy niềm vui lớn như trúng số, làm nên vân vân... mà chính là cuộc đời được dệt bằng nhiều niềm vui nho nhỏ. Em đi bộ một quãng đường dài, gặp một bóng mát, em ngồi xuống nghỉ, gió hây hẩy, lòng em phơi phới, đó là niềm vui nhỏ. Rồi đứng lên đi nữa, thấy có bà già xách nặng em mang dùm, bà già móm mém cười cảm ơn, lòng em thấy vui vui. Về tới nhà, các em bé ùa ra đón chị, kể chuyện tíu tít, lòng em thấy vui, rồi mệt quá, em leo lên giường, nằm duỗi ra cho dãn gân cốt, ôi chao khỏe quá! Tất cả những niềm vui nhỏ ấy là hạnh phúc của cuộc đời. Ba hay gay gắt với mẹ, nhưng trong một ngày, hẳn là rất nhiều lần ba âu yếm, ngọt ngào với mẹ. Và ngay trong sự dằn được, không cãi với ba của mẹ, làm mẹ tự hào, mẹ cũng thấy vui, cái vui của người ban phát, vui rằng mình đã đem lại được sự yên ổn nhờ ở tính điềm đạm của mình. Cô em về nhà khóc than kể lể, vì chú có bồ, mà khi có khách cô vẫn vui, không phải là cô giả dối đâu, mà là cô có căn bản giáo dục tốt, không muốn làm buồn lòng khách và không muốn khách biết đến chuyện riêng của gia đình mình, để khách chê cười hoặc đem chuyện mình đi kể um sùm, thành câu chuyện làm quà lúc trà dư tửu hậu của thiên hạ. Trong trường hợp cô em, chưa chắc cô đã hết hạnh phúc. Còn gia đình, con cái của cô. Những niềm vui nho nhỏ trong tiểu gia đình không phải chỉ vì một sự chú có bồ mà đã hết. Cả đến sự biết tự chế, không cho người ngoài thấy chuyện riêng của gia đình mình, cô em cũng đáng hãnh diện và với người đàn bà giữ được thể diện cho chồng như cô của em, chị tin chắc chú sẽ "trở về mái nhà xưa" và sẽ yêu quí cô em gấp bội.

Còn như chị của em mà em nghĩ là không có hạnh phúc thì em lầm rồi. Chị ấy đang đầy hạnh phúc. Khi mà món gì chị ấy cũng tính thành sữa cho con thì con chị chính là nguồn hạnh phúc vô biên của chị. Khi nó cười, lòng chị nở hoa, nó đau, chị cuống cuồng, nó bớt nóng, chị mừng rỡ, khoe với người này, người kia, rồi miệng nó nhú ra một tí răng, đối với chị là biến chuyển lớn, rồi nó biết đứng, biết đi, ôi chao, niềm vui của chị thật là triền miên, giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Rồi còn tình yêu của chị dành cho anh. Chị đón chờ từng cánh thư, Nghe ngóng từng tin chiến sự của vùng anh đóng quân. Gặp cái gì mà anh thích, chị chắt chiu cất giữ để dành. Nghĩ tới những niềm vui khi anh về phép. Nhớ lại những điều anh hằng thích, những món ăn anh ưa chuộng, định trong đầu anh về sẽ làm cái này, làm cái kia. Niềm vui của chị không phải là ở sự đi coi một phim hay, hoặc may cái áo đúng thời trang. Hạnh phúc của chị là ở chồng và con của chị. Chị đang đầy hạnh phúc. Ngay như những người không có gia đình con cái, tu hành, các Thiền sư, Linh mục, bà Phước, Ni cô thì hạnh phúc của các vị là cái tư tưởng làm cho mọi người được tiến bộ hơn, đỡ khổ hơn về tinh thần hay vật chất. Các vị vui cái vui của sự làm cho người bệnh bớt đau, sự giảng cho mọi người hiểu lẽ đạo. Hạnh phúc của các vị ở sự CHO chứ không phải ở sự NHẬN.

Và chị mong rằng chúng ta cũng nên thấm nhuần cái tư tưởng rằng: "Hạnh phúc ở sự CHO chứ không ở sự NHẬN" đó em ạ. Nếu em bước lên xe hoa với sự tin tưởng ở khả năng đem hạnh phúc tới cho chồng, thì chị hết lòng cầu chúc em và tin chắc chắn em sẽ có hạnh phúc. Chứ nếu hành trang lên đường của em là sự đòi hỏi, và sẵn sàng để bất mãn thì chị thành thật khuyên em hãy chờ đợi vài năm, trong thời gian đó, em suy ngẫm và lao vào những cơ quan từ thiện mà làm việc, để tập CHO, để dẹp bớt sự ĐÒI HỎI thì em mới có thể có được một đời sống hạnh phúc em ạ.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 83, ra ngày 1-4-1973)


Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

CON CHÓ CÓ NGHĨA - Hiển Vi

  

 
Fort Benton, một thị trấn bé nhỏ nhưng vô cùng xinh đẹp, với dân số hơn hai ngàn, nằm trong "vùng đồng cỏ", sát chân các núi đá cạnh giòng Missouri, thuộc miền bắc Montana, ở Hoa Kỳ.

Một ngày vào tháng 8 cách đây đúng 34 năm, một cỗ xe tang lặng lẽ chở xác một bác chăn cừu đến ga Foet Benton, theo tiễn đưa kẻ xấu số chỉ có mỗi một con chó to lớn dáng dấp vô cùng buồn thảm.

Khi chiếc quan tài được chuyển lên toa xe, con chó tru nghe rất thảm thiết và toan nhẩy lên theo, nhưng lão xép ga đã ngăn lại, ông bảo nó:

- Không được Shep ạ, lần này con không thể theo ông ta được nữa!

Rồi chuyến xe lửa chuyển mình rời nhà ga, bỏ lại đằng sau con chó Shep đang đứng thẫn thờ nhìn theo. Và suốt đêm đó, nó ở lại sân ga, nằm cạnh đường sắt, mòn mỏi chờ chuyến xe đem người chủ thân yêu của mình trở lại...

Thời gian dần qua, ngày nào, dù nắng mưa, hay bão tố, Shep cũng có mặt ở sân ga đúng 4 giờ là giờ chuyến tầu dừng lại ở ga này. Nó tung tăng chạy kiếm khắp toa xe, nhìn mặt đánh hơi từng hành khách lên xuống với tin tưởng là chủ nó đã trở về và đang có tại đó.

Để rồi sau cùng nó đứng tuyệt vọng nhìn đoàn xe đang dần chuyển bánh cho đến khi mất hút ở xa. Nhân viên trong ga biết chuyện rất lấy làm cảm phục trước hành động trung nghĩa của con vật, hàng ngày, họ thay thế người chủ cũ, nuôi nấng và chăm sóc Shep thật kỹ càng.

Nhưng Shep vẫn tỏ vẻ hững hờ, không thân lắm với những người đã săn sóc mình. Ngày nào cũng vậy, mãi đến sẫm tối nó mới chịu ăn đỡ miếng thịt do lão xếp ga Tony Schanche đặt sẵn ở chỗ nó vẫn nắm chờ. Và dầu sao thì Shep cũng không thể kéo dài cuộc sống cách biệt giữa nó và mọi người như vậy mãi được.

Một buổi tối giông bão, anh cai Pat Mc' Sweeny sau cuộc đi tuần trở về, bắt gặp Shep đang nằm co ro ngoài thềm cửa.

Anh cúi xuống vỗ về, an ủi mãi, nó mới chịu đi vào trong nhà. Và để tỏ cho Shep biết rằng mọi người ai cũng yêu thương nó, chính anh cai Sweeny đã nằm xuống ngủ cạnh bên.

Nhưng Shep chỉ có mỗi ước vọng là làm sao có mặt vào lúc 4 giờ chuyến tầu dừng tại ga Fort Benton để đón chủ nó về. Ngày tháng qua dần, mang theo bao niềm hy vọng của Shep. Shep không còn đầy đủ sức khỏe và sự nhanh nhẹn như xưa!

Mùa đông đến, cả vùng Montana chìm trong giá rét. Shep vẫn không quên bổn phận thường ngày, nó kéo lê tấm thân tàn đến sân ga, chờ đợi một cách khổ sở. Và niềm hy vọng ấm áp vẫn lóe lên trong lòng nó mỗi khi nghe tiếng còi xe hú vang dội từ xa. Chờ đợi và chờ đợi. Cho đến một hôm, cũng như mọi hôm khác, vào năm 1942, Shep lò dò đi đến sân ga đón chuyến xe 10 giờ. Nhưng không may, có lẽ vì quá yếu, nên khi băng qua một đường sắt, nó đã không còm đủ sức để né tránh một chuyến xe đang vùn vụt kéo đến. Máu nhuộm đỏ cả một khoảng đường.

Thế là Shep đã vĩnh viễn được giải thoát khỏi một sự mong đợi tuyệt vọng, kéo dài suốt 5 năm. Xác nó được chôn ngay trên ngọn núi đối diện với ga Fort Benton. Chính viên cai Tony Schanche đã đóng cho Shep một chiếc hòm, và hướng đạo sinh trong phố, đã tình nguyện đem chôn Shep trên ngọn núi nọ.

Dân trong tỉnh biết chuyện, vô cùng cảm động, họ họp nhau lại dựng tượng Shep trên núi, đêm đêm để đèn đuốc sáng choang, để thờ con vật có nghĩa. Và mỗi lần, trên mỗi chuyến xe tốc hành băng qua thị trấn nhỏ vùng Montana, nhân viên hỏa xa vẫn không quên kể lại cho hành khách nghe câu chuyện bi thảm đầy nước mắt của con vật suốt 5 năm dài chờ đợi một người chủ không bao giờ trở lại.
 
 
HIỂN VI       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 37, ra ngày 7-5-1972)


Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2024

ĂN NĂN - Đỗ Phương Khanh

  


 
 Thư của em B.L, Đà Nẵng:

Em là con gái thứ ba trong một gia đình có 8 anh em. Cha em làm thư ký cho một hãng buôn. Mẹ em vì nhà nghèo nên đã phải đi bán từ hồi 11, 12 tuổi. Khi về nhà chồng thì cũng phải tảo tần nuôi cha mẹ chồng rồi khi có con thì lại phải nuôi con.

Cha mẹ em tha thiết mong con mình được sung sướng về sau nên cố gắng chịu cực khổ để nuôi con ăn học. Thế mà sao em chẳng thương cha mẹ mà cố gắng học hành, lại chỉ lo đua đòi và ăn chơi (bây giờ ăn năn thì đã muộn). Một hôm vì thấy nhỏ bạn cầm một cái kẹp tóc rất đẹp nhưng em không có tiền mua và em không ngăn nổi lòng tham, em đã lấy và bị bắt được. Từ đó trong lớp các bạn đều xa lánh em. Một hôm, có người bạn cùng trường đến đưa một cái thư nói rằng có một anh ở gần nhà chỉ muốn làm quen em. Em xem thư rồi tâm sự với nhỏ bạn. Nhưng một bạn khác đã cho em biết rằng thư đó chính chị trưởng lớp đã nhờ một người viết để chọc em. Khi cả lớp hay tin đó, họ chế giễu em đủ điều nào là con ăn cắp có bồ v.v... em nghẹn ngào phát khóc. Trong các số TN trước chị đều khuyên: hãy tha lỗi cho kẻ khác để biến thù thành bạn... Tại sao em đã hối lỗi mà các bạn em không tha lỗi cho em... Hôm sau em đã không dám đi học chị ơi, em thoáng có ý định bỏ học, tự tử...

Trả lời: Chị rất mừng thấy em đã biết than rằng "... sao em chẳng thương cha mẹ mà cố gắng học hành, lại chỉ lo đua đòi ăn chơi, bây giờ hối hận thì đã muộn..." Em ơi, chưa muộn đâu em. Không giây phút nào kể như là muộn đối với người biết lỗi và muốn bắt đầu làm lại cuộc đời. Không bao giờ muộn, em phải nhớ điều đó!

Trong số những bậc thánh của Thiên Chúa Giáo, nhiều vị đã sống một cuộc đời đầy tội lỗi, nhưng sau nhờ được ơn lành, thấy lỗi mình, biết ăn năn tội và làm lành, sống thánh thiện rồi được phong thánh. Chuyện kể rằng bà Thánh Madeleine vốn xưa là một người đàn bà sa đọa. Sau này, khi biết tới Chúa, bà hết lòng kính Chúa, ăn năn tội, làm lành, được phong thánh. Ông thánh Augustin vốn là một thanh niên trí thức, sống đời trác táng, bừa bãi. Sau khi biết ăn năn làm lành, cũng được phong thánh. Gần đây, báo chí đăng tin một vị linh mục, vốn gốc là dân du đãng. Rồi một ngày kia, ngài nhìn thấy cuộc đời tội lỗi của mình là sai lầm, ăn năn tội, ngài đi tu, được phong linh mục. Rồi ngài lặn lội vào chính những nơi có nhiều thành phần bất hảo, để cảm thông, để hướng dẫn, cứu vớt cuộc đời họ. Gần nửa thế kỷ dùng đời mình để giúp ích cho nhân loại, tấm gương sáng về công lao của ngài đã mấy ai theo kịp mặc dù ngài vốn là du đãng xuất thân.

Kinh thánh kể chuyện có một người đàn bà phạm tội, bị mọi người dẫn đến xin Chúa Jesus trừng phạt. Chúa mới bảo:

- Nếu ai nhận là vô tội thì hãy ném viên đá đầu tiên.

Đoạn Chúa cúi xuống lấy chân viết. Có lẽ mọi người nhìn thấy những tội Chúa kể ra (kinh thánh không bảo Chúa viết gì) nên từng người một lẳng lặng bỏ đi. Cuối cùng, còn lại có một mình kẻ phạm tội. Chúa bảo:

- Thôi, không ai phạt con thì ta tha cho con.

Chúa nhân từ nên không bắt lỗi ai. Nhưng chính những kẻ nhỏ mọn, tâm địa hẹp hòi, ích kỷ, xấu bụng mới hay bắt lỗi, mới không chịu tha lỗi, không nhìn vào thiện chí muốn cải hối của người khác.

Đạo Phật cũng sẵn sàng tha lỗi, nếu kẻ phạm tội biết sám hối.

Nhà Nho cũng sẵn sàng tha lỗi vì trọng điều Nhân. Người nhân từ luôn luôn khoan hồng.

Em thương mến, em đã phạm tội, nhưng em đã biết đó là điều tội lỗi. Em đã bị cám dỗ mà làm lỗi, nhưng suốt một thời gian dài em đã bị nỗi đau khổ gậm nhấm, dằn vặt. Ngày nay lương tâm em đã chống lại được lòng tham, em xứng đáng được tha thứ. Một người suốt đời dư dả, không bao giờ phải thèm muốn gì, nếu không cần phải lấy gì của ai, thì đó cũng chỉ là điều tự nhiên. Nếu người đó đã vì nghèo khổ, vì thiếu thốn, nên không dằn được lòng ham muốn, mà tham lam của người, nhưng rồi người ấy lại biết rằng đó là điều tội lỗi, biết ăn năn, sửa đổi, thì lại còn quí hơn nhiều. Bởi vì lương tâm người đó đã được thử thách, và đã chống được cám dỗ, cũng ví như vàng đã được thử lửa, đã thấy rõ là vàng ròng, em ạ.

Trong câu chuyện của em, đáng trách nhất là chị trưởng lớp. Lẽ ra, được cử vào chức đó, thì bản thân chị ấy phải ăn ở sao cho xứng đáng, gương mẫu. Nếu là người tốt, thấy bạn sai lầm, chị ấy phải tìm cách khuyên can bạn. Bạn đã hối lỗi, chị ấy phải làm cho người bạn đã hối cải quên được giây phút lỗi lầm, mà thẳng tiến trên đường đời. Ở đây, chị ấy còn tàn nhẫn dẫm lên nỗi đau khổ của em để làm trò tiêu khiển. Thật không xứng đáng với vai trò trưởng lớp chút nào!

Một câu danh ngôn bi quan nói rằng: "Người ta là lang sói của nhau". Ý nói con người ta thường tàn nhẫn, sẵn sáng làm cho đồng loại khổ sở. Chị mong rằng câu đó không bao giờ lại có thể áp dụng vào tuổi thơ, tuổi hoa niên, mơ mộng. Các em không bao giờ là lang sói của nhau!

Đừng nghĩ đến bỏ học, tự tử v.v... Lương tâm em nay đã trong sáng. Thế là đủ. Khi chính lương tâm em trong sáng, mà em vẫn còn bị chế giễu, thì chính những kẻ chế giễu em mới mù quáng, nhầm lẫn. Em đừng để ý tới lời phê bình của kẻ mù quáng làm chi.

Lời cuối chị nói với em, là cha mẹ và gia đình em đáng được em lưu ý nhất. Thương cha mẹ, muốn cha mẹ vui lòng, em hãy chuyên tâm vào sự học. Hãy gác ngoài tai tất cả mọi chuyện thị phi. Đồng thời cũng đừng lưu ý tới thư từ của bọn con trai. Em hãy tạo một nếp sống mới. Có ai gửi thư, em hãy thẳng tay xé bỏ. Tuổi em còn nhỏ, không nên nghĩ tới chuyện bồ bịch. Hãy học, học gấp rút! Con đường học sẽ đưa em lên cao. Nhân tiện niên học đã hết, qua năm mới, em sẽ có những bạn mới, em hãy tạo nếp sống mới, và người đời sẽ nhìn em với ánh mắt thiện cảm thương yêu.

Hãy nhớ rằng nhiều người tội lỗi đã vì ăn năn mà nên thánh. Hãy nhớ rằng cha mẹ và gia đình em đáng cho em lưu ý hơn nhiều.

Chị ước mong sẽ được đọc lá thư mới của em, trong đó em sẽ kể cho chị nghe về những người bạn mới, trong sáng, hồn nhiên, đại lượng và đầy thiện tâm nghe em.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 124, ra ngày 1-5-1974)


Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

MIỀN NHỚ - Đằng Linh

 
   
Tôi trở về thăm miền thơ ấu cũ
Gặp lại con đò, bến nước, dòng sông
Tre ngả bóng bên mái đình rêu phủ
Chuông chùa xa buông nhẹ giữa tầng không...
 
Về để nhớ một thời xanh kỷ niệm
Miền yêu thương vời vợi tuổi thơ hồng
Chiến tranh dẫu có bao điều khủng khiếp
Cũng khó nhòa ký ức một dòng sông
 
Bến Bà Đào sóng buồn không muốn vỗ
Đò bập bềnh lặng lẽ chẳng buồn trôi
Cây Sưa vẫn im lìm che bóng chợ
Tiễn người đi về cát bụi Động Chai
 
Tuổi thơ tôi, nhớ bánh xoài Bà Cọng;
Kẹo ú Liêu Già, nhớ chợ Cây Trâm;
Đồng Tam Bảo, nhớ những chiều đá bóng;
Miếu Hòa Hương, nhớ buổi học khai tâm...
 
Chợ Cây Trâm có thời tôi đã gặp
Một "Ông Mười" trần trụi giữa thiên nhiên;
Một "Bà Thâm" gánh đời như cỏ rác
Thách thức phận người: "Ai tỉnh, Ai điên" !
Rồi thanh bình trở về thôn xóm cũ
Miền yêu thương sống lại phút giây hồng
Kẻ mê mải trên đường đời rong ruổi
Chợt một ngày hụt hẫng... nhớ mênh mông
 
Về quê cũ, nghe lòng mình ấm lại
Những trang đời mòn mỏi gót phiêu linh
Miền kỷ niệm những ngày xưa thân ái
Bất chợt ùa về chất ngất trong tim...
 
                                                     Đằng Linh
                                                               (2020)
 
Ảnh của NVT gửi: Từ bến đò Bà Hấp nhìn về xóm Chợ KC (chụp khoảng 1968 - 1970)


Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

MỘT NGÀY HƠN MỌI NGÀY - Thập Cẩm

 

 Tặng các bạn trong gia đình TỰ-LẬP

Đường (Trần) Hưng Đạo vẫn hàng xanh lá
Xe rộn ràng từ hai nẻo tới lui
Trời trong veo hương nắng đã thơm mùi
Thành phố lớn bỗng nhiều chim xuống đậu
 
Như cổ tích của một thời thơ ấu
Ngày hôm nay cũng có một loài chim
Chẳng phô trương làm dáng chỉ im lìm
Bạn đã đến bằng những bàn tay trẻ.
 
Áo trắng quần xanh tay cầm chổi bé
Những bàn tay phơ phất trải trên đường
Chổi dịu hiền tay quét cũng nghe thương
Trang điểm phố để đón chào nắng mới
 
Đại lộ đó đã một lần bạn tới
Vỉa hè ngoan còn ghi dấu tay ngoan
Vì ích chung, ơn nghĩa có, không màng
Tim tuổi trẻ chỉ chứa đầy nhiệt huyết
 
Phố bỗng đẹp hơn những ngày hôm trước
Xe trên đường cũng lộ vẻ vui tươi
Khách dừng chân trông thấy nhoẻn môi cười
Khen: "lũ trẻ bụi đời đi quét rác."
 
Tay bạn bẩn nhưng tâm hồn thơm ngát
Giúp cho đời đâu chỉ chuyện cao xa
Hình ảnh này, mãi mãi khó phôi pha
Phố sẽ nhớ và đường ngoan sẽ nhớ
 
Tuổi các bạn như bông hồng mới nở
Hãy giữ hồn trong sáng giống hôm may
Để ngày mai bạn sẽ góp bàn tay
Cùng dân Việt GIỮ THƠM hoài QUÊ MẸ.
 
                                                     THẬP CẨM
                                    (Ghi nhớ ngày làm đẹp thành phố
                                     của gia đình Tự Lập 13-10-1973)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 124, ra ngày 1-5-1974)



Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2024

GIA TÀI CỦA MẸ - Hoàng Đăng Cấp

  

 "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
 Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con...
là nước Việt buồn"

Những lời hát não nùng của Trịnh Công Sơn đã làm tôi đau xót khi nghĩ tới thân phận quê hương, thân phận của tôi, của những thanh niên cùng tuổi tôi, thân phận của các em trai đang ngây thơ yêu đời vừa qua khỏi tuổi đôi tám trăng tròn mộng mơ, thân phận của những người sinh ra trong chiến tranh, trưởng thành trong máu, nước mắt và xương khô.

Tôi đã khóc - dù không muốn khó mà nước mắt vẫn trào ra - khi nghe "gia tài của mẹ một rừng xương khô... một núi đầy mồ". Đừng tưởng lầm tôi đứng trên cao làm kẻ nhìn xuống thương hại quê hương mà tội nghiệp cho tôi. Tôi đâu dám như vậy! Tôi chỉ xin làm một người Việt Nam tầm thường trong ba chục triệu người Việt Nam sống trên giải đất bé nhỏ xinh xinh hình cong như chữ S này, thao thức trong niềm thao thức chung của chúng ta, của dân tộc mà thôi!

Tôi biết và thích nhạc Trịnh Công Sơn vào một đêm nhạt nhẽo như mọi đêm khác ở đô thị cách đây bốn, năm tháng gì đó ; lúc ấy khoảng mười một giờ, sắp sửa sang một ngày mới, tôi vặn radio, một giọng hát cao vút nổi lên với những lời hát thắm thiết đưa người vào cõi mộng đã chinh phục tôi làm tôi phải nghe đến phút cuối cùng buổi trình bày nhạc chủ đề Trịnh Công Sơn đó với giọng ca đặc biệt của nữ ca sĩ Lệ Thu. Sau đêm ấy, tôi bắt đầu mê nhạc Trịnh Công Sơn nhưng chưa bao giờ nhạc Trịnh Công Sơn làm tôi xúc động bằng bài hát "Gia tài của mẹ" và do sự xúc động đó, tôi cảm thấy cái gì đi với dân tộc, của dân tộc là còn tồn tại, cái gì xa rời dân tộc, phản lại dân tộc nhất định sẽ bị tiêu tan như những cặn bã của loài người.

Vừa nghe một anh bạn hát:

 "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
 Một trăm năm đô hộ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ để lại cho con...
là nước Việt buồn"
 
Cảm thấy như có một cái gì chích vào tim, đau nhói, ray rứt, tôi hỏi ngay:
 
- Anh hát bài gì đó? Nghe buồn và hay quá!
 
- Bài "Gia tài của mẹ" của Trịnh Công Sơn. Tôi thường hát bài này để ru con tôi ngủ, để dạy con tôi biết quê hương của nó, của ông cha nó buồn như thế đó, để lớn lên nó không làm gì phản bội quê hương của nó.
 
Đó! Nguyên do tôi biết bài hát "Gia tài của mẹ" của Trịnh Công Sơn và cũng là động cơ thúc đẩy tôi viết bài này.
 
"Gia tài của mẹ" nghèo nàn và đau thương như thế sao? "một nước Việt buồn, một rừng xương khô, một núi đầy mồ". Không! Mẹ nào muốn thế! Gia tài của mẹ là một giải non sông gấm vóc xinh đẹp như một nơi lý tưởng nhất của loài người. "Gia tài của mẹ" là một quá trình lịch sử oai hùng bất khuất làm những đứa con mẹ hãnh diện và tự hào khi ngước mặt nhìn lên năm châu bốn bể. "Gia tài của mẹ" là những đồi núi trùng trùng điệp điệp chứ đầy hầm mỏ, chứa đầy tài nguyên dồi dào đến nỗi có khả năng đưa nước mẹ lên hàng cường quốc kỷ nghệ. "Gia tài của mẹ" là những giải đất phù sa mầu mỡ ngọt ngào bồi bổ nguồn sinh lực của dân tộc. "Gia tài của mẹ" là sông Hồng hùng dũng, sông Hương trinh trắng, sông Cửu hiền hòa thắm thiết tình ruột thịt Bắc Trung Nam.

"Gia tài của mẹ" là một nền văn hóa tổng hợp Đông Tây nhưng không mất gốc ở vòm trời Đông Nam Á, là truyện Kiều độc nhất vô nhị của thiên tài dân tộc Nguyễn Du, là ca dao thấm vào mạch sống của dân tộc như hơi thở hằng ngày.

"Gia tài của mẹ" đẹp như vậy đó! Sở dĩ ngày hôm nay gia tài của mẹ đau thương như lời hát Trịnh Công Sơn là vì chiến tranh tàn khốc dài dằng dặc này... Gia tài tinh thần và vật chất của mẹ đã bị phá sản tận gốc rễ vì chiến tranh, vì hận thù... "Vì chiến tranh, vì hận thù có nhiều người con yêu của mẹ đã nỡ lìa mẹ để mẹ nhớ mẹ thương. Chúng con tin rằng rồi đây có ngày những người con này sẽ trở về cội, nguồn, trở về với mẹ và mẹ con chúng mình sẽ đoàn tụ như xưa không thiếu người nào."

Đừng nhìn "Gia tài của mẹ" qua Sàigòn xa hoa bề ngoài. Đó chỉ là những cái người ta cố trét lên mặt mẹ mà thôi, chúng sẽ tan nát như cám dưới bước tiến lịch sử nặng ngàn cân của cả một dân tộc bất khuất oai hùng.

"Gia tài của mẹ" chưa hiện rõ đâu! "Gia tài của mẹ" hiện diện âm thầm khắp nơi, hiện diện trong mỗi giòng máu Việt Nam, hiện diện trong từng hạt cát, từng phân tử không khí quê hương. "Gia tài của mẹ" hiện diện trong từng hơi thở của mỗi người Việt Nam, của những người Việt Nam biết mình là người Việt Nam... "Gia tài của mẹ" hiện diện trong nụ cười của các em gái Việt Nam trong chiếc áo dài dân tộc. "Gia tài của mẹ" hiện diện trong bộ quần áo lam lũ của các bác nông dân nghèo nàn. "Gia tài của mẹ" hiện diện trong đôi tay phấn của các người thầy có lương tâm Việt Nam..."

Trước cảnh đổ vỡ tan nát của quê hương, mẹ chỉ mong:

"Dạy cho con tiếng nói thật thà
... chớ quên màu da
... con mau bước về nhà
... lũ con cùng cha quên hận thù"

Mẹ chỉ mong, chỉ dám mong có thê! Tội nghiệp cho mẹ!

Bổn phận chúng con phải hơn thế nữa chứ! Ngoài việc nghe lời dạy dỗ của mẹ, chúng con có bổn phận phải làm một cái gì dù bé nhứt cho quê hương yêu dấu trong phạm vi khả năng hiện có của chúng con. Mỗi chúng con sẽ góp cho mẹ một hạt cát xây dựng quê hương, hằng triệu chúng con sẽ có hằng triệu hạt cát làm mẹ bớt đau thương, bớt tủi hổ vì những đứa con bất hiếu của mẹ.

Chúng con sẽ cố gắng chăm chỉ học hành, học với tinh thần mới không nô lệ văn bằng mà chỉ nô lệ "Kiến thức", học với mục đích tạo cho bản thân một sức mạnh tinh thần để dấn thân xây dựng quê hương, để mẹ vui lòng hả dạ tự hào với năm châu bốn bể...

Chúng con nhất định không để "Gia tài trầm lặng" của mẹ cho người ta lấy mất đâu. Dù người ta có tàn phá mẹ, làm mẹ xấu xí như thế nào đi nữa, chúng con vẫn là con của mẹ, những đứa con yêu của mẹ, mẹ ơi!

Không có sức mạnh nào - dù mạnh như bom khinh khí đi nữa - tiêu diệt nổi ý chí bất khuất của dân tộc mình, mẹ ơi!

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Mẹ đẹp đẽ, ngọt ngào như thế, chúng con bỏ mẹ sao được, mẹ ơi!


Hoàng-Đăng-Cấp      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 81, ra ngày 15-11-1967)


Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

GIẤC MƠ THANH BÌNH - Trinh Chí

 
    
Riêng tặng anh Hoàng Đăng Cấp

Đêm nay anh mơ thấy hoa thanh bình
Nở trên môi hồng và ánh mắt xanh
Đàn chim bồ câu muôn phương về đậu
Những cành đầy hoa sương trắng long lanh

Đêm nay anh mơ thấy trăng thanh bình
Trăng đang mỉm cười với dòng sông xanh
Trăng gieo ánh sáng vườn cây sai quả
Em ơi, trăng vàng xóa hết điêu linh.

Đêm nay anh mơ thấy đêm thật hiền
Đêm im tiếng súng không còn giới nghiêm
Từng đàn trẻ thơ reo mừng ca hát
Bên đám lửa hồng có bước chân em.

Đêm nay anh mơ thấy đêm huy hoàng
Những người con trai con gái da vàng
Siết chặt tay nhau từ Nam ra Bắc
Một lòng chung xây ngôi nhà Việt Nam.

Đêm nay anh mơ thấy một con tàu
Chạy từ Nam Quan vào đến Cà Mau
Chở những con người cùng chung dòng máu
Dòng máu hồng tươi vun xới hoa màu.

Đêm nay anh mơ thấy muôn mồ hoang
Cỏ mọc xanh um trên đống xương tàn
Bây giờ cỏ xanh không còn mọc nữa
Muôn hoa khoe màu kết chữ VIỆT NAM.

Đêm nay anh mơ thấy đêm thanh bình
Bao nhiêu hoa mầu chết bom khai quang
Bỗng nhiên nẩy mầm đâm chồi trở lại
Muôn vạn cánh đồng vừa mới hồi sinh.

Đêm nay anh mơ thấy đêm thanh bình
Quê hương chúng ta không còn building
Ba mươi triệu dân trở thành bình đẳng
Họ sống yên lành trong túp lều tranh.

Đêm nay anh mơ thấy đêm nhân từ
Trên khắp quê hương vắng bóng nhà tù
Chính những nơi này trở thành trường học
Anh nghe vang trời tiếng trẻ u ư.

Đêm nay anh mơ thấy đêm thần tiên
Đêm vui đêm xanh đêm thật dịu hiền
Tuổi thơ bây giờ không còn sợ sệt
Đóa môi em hồng nở nụ hồn nhiên.

                                               Trinh Chí

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 107, ra ngày 1-6-1969) 



Thứ Tư, 24 tháng 4, 2024

TÌM VỀ KỶ NIỆM - Nguyễn Vũ Thy Anh

  

 
 Lời mở đầu

Chiến tranh vẫn tiếp diễn ròng rã trên 20 năm trời. Bom lửa, hận thù cày nát quê hương mẹ Việt nam dấu yêu. Tiếng nổ của cơ khí văn minh khiến mớ kỷ niệm từ lâu phủ kín rong rêu trong đáy cùng tư tưởng chợt nổ tung. Bàng hoàng khi cảm thấy mình quá lạc lõng ; chơi vơi trong biển súng đạn, trong không khí sôi bỏng căm thù chúng ta đành bám víu vào mảnh phao kỷ niệm. Ôi kỷ niệm một thời hằn vết trong tháng năm, từ lâu đóng khung vất bỏ nay được rũ sạch bụi thời gian, trìu mến nâng niu để chúng ta lần về bên ngày tháng dấu yêu thoắt đã xa vời hiện tại.


Kỷ niệm cho bè bạn

Bữa tiệc liên hoan chấm dứt. Tao gục đầu trong vòng tay, men bia không làm tao lu mờ lý trí, chỉ đủ để nhạt nhòa những khuôn mặt quen thuộc chung quanh. Âm ba cuồng loạn, tiếng nhạc vút cao réo rắt gọi hồn. Ngác ngơ tao nhìn chúng mày, Minh, Tâm, Anh, Tuấn... ơi, còn gì cho nhau ngày cuối cùng này : những giọt nước mắt, những lời chia tay... thôi, hết rồi. Mai tao ra đi, bỏ lại sau lưng tất cả - chúng mày, ngôi trường xưa, phố thị... và kỷ niệm - để lao mình vào hố thẳm hận thù. Từ nay sẽ không còn một lần được cùng chúng mày chơi đá cầu bằng mấy sợi lông gà xanh, đỏ để được chạy đi nhặt cầu vì bị phạt. Vội vàng những lúc cùng nhau hái trộm ổi, để có lần thằng Hùng bị té phải băng bột một chân mà chúng mình gọi đùa "người hùng nay đã cụt chân". Đáng nhớ biết bao những lần giành nhau đem bài lên cho thầy Thanh để được 20 vì là đứa đầu tiên. Một lần có đứa nhân sai bị thầy phê: "Chưa thuộc cửu chương, cho xuống lớp năm học lại". Đứa nào thế nhỉ? Phải mày không hở Bình ơi? Vang cười dậy lớp mỗi lần thầy Mẫn kể chuyện khôi hài. Thơ ngây làm sao khi đặt biệt danh cho những thầy, cô khả kính : Nào thầy "Quyên cận", thầy Mẫn giám thị", thầy Bùi đốc Long" mà tụi mình đọc trại thành... thành gì nhỉ? Chúng mày còn nhớ không? Đầu năm đệ nhị, lên Sàigòn vào học Hưng  Đạo gặp thầy Thái văn Khôi vui tính thường tự đọc lái tên mình thành Thối văn Khai...

Còn gì nữa không? Những buồn nhớ mỗi độ biệt ly khi nắm tay nhau hát bản "Hè về". Những băn khoăn hối hận lần cả lũ rủ nhau "cúp cua" đi xem phim Độc thủ đại hiệp ở Rex bị thầy dọa gửi thư về cho ba má, nước mắt viền mi, miệng tía lia năn nỉ: "chúng con lỡ dại thầy ơi". Những ngọt ngào yêu thương khi chuyền tay nhau một gói me chua trong lớp học, lòng không ngớt run sợ nguyện cầu: "thầy ơi đừng quay lại". Những hồi hộp đợi chờ sự linh nghiệm của cuộc chơi bói tên: tao với mày thương nhau nhất sao lại mang số 4: một thương, hai giận, ba lãnh đam, bốn hận thù mày ơi!

Những run sợ không dám vào lớp khi chẳng may tới trường trễ giờ vào học. Những rụt rè của buổi học đầu tiên, không dám vào lớp phải nhờ má dìu dắt. Những nức nở vụt bật khỏi đôi môi hồng khi thầy nhẹ nhàng han hỏi: "sao em không thuộc bài". Những hốt hoảng khi không làm bài bị thầy gọi tên Nguyễn Vũ Thy Anh.

Thôi hết rồi, còn gì đâu? Những sóng mắt, những môi cười, những rộn ràng tiếng vỡ pha lê, những gương mặt mấy thằng bạn thân xa xưa lùi dần vào xó kẹt ký ức. Hết, hết rồi. Đó đây tiếng ve sầu nức nở khóc thương cho lứa tuổi 19 ngây ngô. Những đóa phượng vĩ ươm máu nằm chết trong những trang giấy học trò cũng chỉ để trang điểm thêm cho khúc nhạc chia ly đượm màu buồn thảm.

Thôi, giã từ phố thị, giã từ chúng mày. Những đứa bạn một thời dấu yêu tay đan tay tung tăng cắp sách đến trường, giã từ những phương trình, những hàm số, những công thức, những định lý để trong đời chẳng còn một lần cắn nát mười đầu móng tay không tìm ra đáp số cho một bài lượng giác, giã từ tất cả.


Kỷ niệm cho má và em gái

Một lần đóng quân đồi 43 giá lạnh, vội vàng anh tìm mảnh giấy để viết mấy giòng cho mẹ và em được yên lòng nhưng cuối cùng đành xé tấm bìa, viết vào mặt trong của mấy quyển tiểu thuyết em cho anh với lời dặn dò: "nghiền ngẫm trong những ngày tháng dài, đong đầy thương nhớ nghe anh". Biết viết gì cho em. Em ơi! Làm sao anh quên được những rạng rỡ môi cười, những mừng vui rơi nước mắt của má, của em đón anh trong 24 giờ phép ngắn ngủi. Cả những nét âu lo, nụ hôn từ biệt, tiếng thở dài quay đầu, vội kéo tay áo lau đôi giòng nước mắt nóng hổi, khi anh xỏ chân vào đôi giày "bốt", mặc chiếc treillis, khoác lên vai chiếc ba lô nặng trĩu, nhìn má, nhìn em: "Má ở lại con đi, anh đi nha em gái của anh". Làm sao anh quên được tia mắt trầm buồn của má lúc đó (đành dùng chữ trầm buồn vì ngôn từ trở nên bất lực khi diễn đạt nội tâm). Em ơi! Còn đâu những lần thơ ấu rủ nhau nghịch ngợm những đồ chơi xinh xinh nhỏ bé bên gốc ổi, gốc bàng để rồi nửa chừng bị má gọi về đánh tội để tay dơ, ôm mười đầu ngón tay than đau ơi là đau mà nước mắt lặng lẽ viền mi.

Những bồi hồi e ấp khi lần đầu tiên gặp cô bạn láng giềng có cặp mắt nai đẹp ơi là đẹp, muốn làm quen nhưng chẳng dám, đành nhờ em trao vội mấy lời viết trên trang giấy học trò chứa đầy mơ mộng, ngát đầy hương trinh. Còn đâu những lần xúng xính trong bộ quần áo mới và tiền ba má lì xì mỗi độ xuân về. Những lần yên ngủ trong vòng tay cằn cỗi nhưng đầy âu yếm của mẹ già để nghe tiếng võng đưa kẽo kẹt và lời ru "ạ ời con ngủ cho ngoan".

Thơ ngây những lần hai đứa giành nhau gói kẹo má mới mua để rồi từng giọt nước mắt dỗi hờn lả tả tuôn rơi. với câu nói lẫy trong tiếng nấc "nghỉ chơi anh ra cho mà coi". Những tươi đôi má khi được thưởng 5 đồng vì "kỳ này con đứng nhất má ơi". Dễ thương những lúc "chó con" say ngủ trong gầm bàn với tiếng nấc thỉnh thoảng kéo dài vì vừa bị đòn bởi để vở loang mực tím trên chiếc áo má mới may cho. Êm đềm những lúc hai anh em chơi trò bán buôn chờ đợi má đi chợ về, nghe cồn cào trong bụng, rủ nhau vào bếp lục chảo cơm rang, có lần sơ ý đánh vỡ lọ mỡ, ôm nhau thút thít khóc sợ má đánh đòn. Những buổi sang Đông, nằm nán trên giường nghe cảm giác lành lạnh len vào cơ thể.

Rồi khi khôn lớn không còn được má ba âu yếm dẫn đến trường - ngôi trường làng Trần Hưng Đạo rêu phong phủ kín mang vẻ điêu tàn thê lương nhưng chứa chất những quả tim non nóng hổi đầy nhiệt huyết. - Hai anh em dắt nhau đi bộ mỗi sáng 4, 5 cây số ra trường tỉnh ; xứ Banmê giá rét khiến hai hàm răng đánh lốp cốp và hơi lạnh bốc ra miệng làm hai anh em nhớ đến đoạn film được coi một thuở xa xưa rồi tự ví mình là người phù thủy đó (mỗi lần há miệng phun khói là hiện ra một dinh thự đền đài). Những âu lo tức tưởi kéo dài theo bước chân về nhà lần bị bọn anh em thằng Thùy bắt nạt.

Những cái vẫy tay lưu luyến, những tia mắt nghẹn ngào mờ lệ trao nhau tại phi trường Banmê. Thôi rồi, từ nay ta xa rời xứ Banmê buồn muôn thuở mãi mãi. Xứ Banmê kia ơi! Mi đã đến với ta, chứa chất vào tim ta biết bao kỷ niệm dấu yêu. Giã từ mi, giã từ má và giã từ người em gái nhỏ bé thân yêu nhé! Thơ ngây của khung trời thần tiên tuổi nhỏ xin nhờ mi gìn giữ để sau này có một ngày nào trở về nhận diện dấu xưa: nơi đây hai anh em ta chơi nhảy lò cò một thủa, có lần gót chân rướm máu hồng vì đạp phải mảnh thủy tinh đau ơi là đau mà cố gắng tươi vui khi đi ngang mặt má ; bụi cỏ này tuy có cao hơn xưa nhưng vẫn còn bóng dáng một lần lẩn trốn lúc chơi "năm mười". Kìa ngôi nhà xưa! Má ơi! Con xin quỳ dưới chân má với lời xin sám hối đầu môi, với những ăn năn một lần ra đi là mất mát tất cả của đáy lòng. Em gái của anh! Hãy tìm lại cho anh tất cả những thần tiên của một thời bướm hoa dĩ vãng.

Với đôi tay chắp lên ngực, với lời gào thét: "Thượng đế! Hãy trả lại tôi những gì tôi đã mất. Khung trời bừng sáng của thời thần tiên giờ đã rời xa vĩnh viễn, với bầu không khí ảm đạm thê lương của súng đạn, hận thù hiện tại.
 

Kỷ niệm cho ba

Buổi tối má chợt thức giấc gọi "Anh ơi" tiếng kêu tắt nghẹn trong cổ họng, má vội vàng chạy lại không kịp xỏ chân vào đôi dép cũ kỹ thế mà chì còn nhìn ba nức nở: "Mình ơi". Ba ơi! Cái chết của ba thật nhẹ nhàng như một giấc ngủ của nàng công chúa lạ trong rừng thuở nào ba kể cho con. Dáng ba nằm thật thoải mái với hai cánh tay buông thõng, với đôi môi tái nhợt. Ba ơi! Cơn lốc cuộc đời kéo ba vút bay lên cả hư vô và xoay vần những kẻ ở lại vào nỗi muộn phiền giá buốt, cùng những tiếc nhớ hằn vết trũng buồn lên đôi mắt của má.

Không gian dừng lại mặc niệm quan tài ba đi lần ra nghĩa địa với tám ngọn nến lập lòe soi rõ tia mắt long lanh ngập buồn của má và ửng hồng đôi má bụ sữa thơ ngây của con.

Bị má la sao không một tiếng khóc tiễn đưa ba đi vào miên viễn, con bấu mạnh vào đùi... nhưng chỉ cảm thấy xuýt xoa than đau ơi là đau. Khi cầm cây gậy tang trong tay lại vung lên: "Đấu kiếm không Phượng?" (Phượng là tên đứa em gái).

Cho đến bây giờ khi hiểu ra thì ba ơi! Sao ba vội vã rời xa chúng con tìm về miên viễn không cho con một lần chạy đi mua rượu cho ba. Còn đâu nữa những lần được ba bồng bế trên tay, lang bang trên bờ ruộng đón những làn gió bồng tung mớ tóc rối tơ. Còn đâu nữa những vết hằn trên da thịt khi lỡ lầm phạm tội. Những đau thương đi vào cơn mê ngủ tạo ra những tiếng nấc tức tưởi trong vòng tay của ba...

Ba ơi! Ba còn gì cho con nữa. Ba ra đi sớm quá. Tiềm thức của con chưa nhận được một kỷ niệm nào khác.

Thôi, kỷ niệm cho ba xin đành để trống trải cô đơn trong tháng năm dài quằn quại.

 
Kỷ niệm cho người tình

Ngày mai Thy Anh ra đi. Những dấu yêu trìu mến của Mai cho Thy Anh bấy lâu xin đành để vào khung trời kỷ niệm ngọc ngà.

Ngày mai ấy, từ ngày mai ấy sẽ chẳng còn một lần nhìn thấy Mai trong chiếc áo dài trắng thơ ngây hương học trò, tung tăng cắp sách đến trường nên nhờ Phượng trao lại cho Mai quyển nhật ký của Thy Anh (quyển nhật ký bắt đầu viết vào lứa tuổi 16 tròn mơ mộng)

Mai biết rằng Thy Anh nghĩ về Mai thế nào không? Anh nghĩ rằng hàng đêm với quyển sách nhật ký nhỏ bé gối đầu giường, Mai hãy tưởng tượng đến Thy Anh, một cánh chim non run rẩy ra đi mang theo vô vàn thương nhớ. Nếu chẳng được vậy, Thy Anh cũng mong Mai nên im lặng cho Thy Anh ảo tưởng rằng Mai vẫn đang nghĩ về Thy Anh. Đừng làm tan vỡ bọt ảo ảnh ấy. Mai ơi! Mùa thu nào không có lá rụng, chuyện tình nào không chứa đầy nước mắt và thương nhớ hở Mai?

Ngày mai Anh đi, mang theo một ít thương nhớ trên bờ môi, còn gì nữa không? Có chăng ngoài những dòng lệ lăn dài trên gò má.

Ngày... tháng... năm... (12 giờ khuya).

Buồn quá! Tại sao Mai không chịu y hẹn. Không ngờ lòng người giả dối như vậy. Có ai biết bên ngoài là gương mặt đẹp đẽ thế kia mà trong bụng đầy nguy hiểm. Đâu những lần long lanh đôi mắt nói tiếng yêu thương. Đâu những lần cặp môi kia dịu dàng gọi "người ta" tiếng "Anh thương", "Anh mến".

Hồi chiều, nhờ Phượng hẹn Mai lại nhà mình để mình rủ Mai đi coi ciné "khao" mình mới thi đậu tú kép, nhưng chờ đợi mãi chả thấy Mai đâu. Thế thì còn gì là:

"Yêu nhau năm, sau núi cũng trèo
Thất, bát sông cũng lội, cửu thập đèo em cũng qua"

Ghi vào tất cả những bức thư của Mai đã gởi cho mình, gọi là để một lần giã biệt. Nhất quyết từ nay không thèm nhìn mặt con người kia nữa.

(1) "Gia định, 24-6

Anh thân,

Vừa được anh cho biết là sắp xa nơi này, tôi rất buồn là không được nói chuyên vui buồn với người tôi mến. Tôi rất lo không biết anh ở đâu và sẽ ra sao? Đi thì anh nhớ biên thư gởi về nhé. Tối quá xin tha lỗi"
 
(2) "Gia định, 28-6
 
Anh mến,
 
Mai cám ơn anh lắm nhé. Mai trả lại anh cuốn sách toán Đại Số đó. Mai không lấy luôn đâu vì còn em của anh nữa chi. Một lần nữa cám ơn anh.
 
Bữa trước gặp anh đi vô trường đó, hỏi, bảo là đi kiếm cô Mai vậy là Ngọc Mai, Phương Mai, hay là Tuyết Mai, để tôi chỉ cho, mà kiếm cô Mai học cùng lớp hả?"
 
(3) "Gia định, 4-8.
 
Anh mến,

Hôm nay có thì giờ và có dịp để viết thư cho anh, trong kỳ thi vừa rồi anh có đậu không? Chắc là Anh sẽ đậu cao nữa chứ, nếu đậu anh có ý định đi chơi đâu không? Vài dòng gởi đến anh xin đừng phiền Mai nhé".

Hừm! Tức quá! Không thèm sao ra đây nữa. Anh, em, thân, mến... viết hay lắm. Sao người ta hẹn không chịu lại? Không viết gì hết nữa, ngủ cho khỏe.

Ngày... tháng... năm... (9 giờ)

Đang nằm học bài trên gác chợt nghe tiếng ai quen quen: "Có anh Anh ở nhà không?" Thì ra là Mai.

Con người phụ bạc đó còn đến đây làm gì? Nhất định không thèm tiếp chuyện với cô ta nữa. Đồ... sở khanh chưa kịp đóng cửa phòng lại thì con bé Phượng đã dẫn người ta lên tới nơi. Mình ngồi yên lặng không thèm chào nhưng cơn giận của mình đã xuống. Mình chỉ muốn quay lại xin lỗi nhưng cảm thấy kỳ quá... lỡ đóng mặt giận rồi. Không nhìn nhưng mình biết Mai đã đến sát sau lưng và đặt bàn tay lên vai mình ; một mã lực nào thúc đẩy mình lắc mạnh đôi vai khiến tay cô ta tụt khỏi.

Thốt nhiên Mai òa khóc, mình hốt hoảng quay lại xin lỗi "Tại bữa trước chờ Mai không thấy nên Anh mới như vậy chứ". Trong tiếng nấc Mai đáp: "Muốn sang Anh lắm nhưng bận quá làm sao đi được. "Thế là "huề" Mai ơi thôi rồi còn đâu những e ấp tình yêu, những dỗi hờn, những xao xuyến. Ôi! Kỷ niệm dấu yêu!!

 
Để thay đoạn kết

Cho đến một ngày nào ta đi vào giấc ngủ nghìn thu, mớ kỷ niệm kia sẽ lại lần vào quên lãng để nhạt nhòa trong chiếc quan tài đánh verni đỏ sẫm. Nên ta muốn một lần được với tất cả những kỷ niệm đó, dù vui hay buồn, dù ngọt ngào hay cay đắng, dù hững hờ hay tha thiết. Ta đã sống trong tình thương của ba má, tình của Đỗ thị Bạch Mai, tình yêu thân của bè bạn với tất cả dịu dàng, trìu mến của em gái - Nguyễn Vũ Linh Phượng. Đôi cánh tay ta dù bé nhỏ nhưng đủ sức để ôm thật nhiều mộng đẹp. Ta muốn kỷ niệm hãy nở ngát hương hoa vào những chiều vàng hanh nắng, có những làn gió bồng bềnh mớ tóc rối, có những tia nắng mong manh như sợi lụa óng mềm để ta tìm lại những gì đã mất: những nuông chìu của mẹ, những đòn vọt của cha, những dỗi hờn của Nguyễn Vũ Linh Phượng, những tha thiết của Đỗ thị Bạch Mai và những thân mật của bè bạn.


NGUYỄN VŨ THY ANH       

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 29, ra ngày 8-7-1972)