Tháng
4 vừa qua, tôi (lời tác giả) nằm điều trị tại bệnh viện Mayo ở
Rochester tiểu bang Minnesota (Hoa Kỳ) để chờ một quyết định sống còn.
Từ
ngày lên tám, thận tôi đã bị nhiễm trùng lỗ chỗ bởi vi trùng
streptococcus, các mô gai lan rộng ra, d6àn dần làm nghẹt khả năng lọc
chất cặn bã trong cơ thể tôi của trái thận. Đến năm 25 tuổi, cơ năng lọc
chất cặn bã của thận tôi sụt xuống chỉ còn 4%, những chất cặn bã trong
máu làm tôi ngứa ngáy khắp thân thể. Một trong những triệu chứng đầu
tiên của sự nhiễm độc là do chất Urée trong máu, nghĩa là tôi được biết
tôi chỉ có thể sống vài tuần nữa. Một Bác sĩ điều trị ở bệnh viện cho
tôi biết: "Hy vọng duy nhất để có một đời sống bình thường là 1 cuộc
ghép thận. Trị liệu bằng thận nhân tạo 3 lần trong 1 tuần lễ chỉ có thể
giữ anh sống thêm được ít lâu, nhưng tôi không chắc là anh có thể sống
yên vui được bao lâu".
Năm
1954, khi tôi bắt đầu sưng thận, mục đích chính của bác sĩ điều trị là
làm sao có thể kéo dài đời sống của 2 trái thận tôi được ngày nào hay
ngày đó. Ông nói với cha mẹ tôi: "Không ai có thể chắc chắn là thận của
Bốp có thể sống đến bao lâu, tuy nhiên chúng ta vẫn còn hy vọng, có thể 1
ngày kia, khi khoa học tiến bộ người ta có thể tìm ra 1 phương pháp trị
liệu".
Rồi
có những tia hy vọng 1 cuộc ghép thận đầu tiên được hoàn thành vào năm
1954, rồi đến năm 1960 máy thận nhân tạo hoạt động hạn chế, tôi sống cho
ngày nay và cố không nghĩ tới ngày mai. Các nác sĩ đã cố gắng, tận tâm
đem lại cho tôi 1 đời sống bình thường trong 17 năm trời suy thận dần
dần bằng cách điều chỉnh từng ly từng tý sự ăn uống của tôi để tránh đến
mức tối đa làm hại thận tôi, và bằng cách cho tôi dùng đủ loại thuốc
men. Tuy nhiên sự ăn uống của tôi ngày càng hạn chế. Tôi hứng chịu những
cơn nhức đầu làm mờ mắt, các viên thuốc điều chỉnh huyết áp làm tôi
choáng váng và bị ngất xỉu nhiều lần, có lần tôi ngã lăn kềnh giữa đường
phố khi bước xuống khỏi xe buýt. Tôi vô ra bệnh viện nhiều lần vì cơ
thể yếu kém của tôi khó chống nổi lại các sự nhiễm trùng. Tuy thế, tôi
vẫn cố gắng theo đuổi học hành, đậu được 1 chứng chỉ về ngành báo chí
tại Đại học Illinois năm 1968, tôi đã làm phụ tá chủ bút cho tờ Nguyệt
san National Wildlife 1 thời gian ngắn trước khi tôi đến điều trị tại
bệnh viện Mayo này.
Thật
là đau khổ phải chấp nhận rằng thận tôi hiện nay gần như vô dụng và tôi
cần ai sẵn sàng hy sinh cho tôi 1 trái thận để may mắn rằng 1 trái có
thể làm công việc của cả 2 trái thận.
Tôi hỏi bác sĩ điều trị: "Trường hợp tôi có thể trì hoãn cuộc ghép thận thêm 1 thời hạn nữa không?"
Ngồi
duỗi dài sau bàn giấy tràn ngập hồ sơ của tôi, Bác sĩ trả lời 1 cách
quả quyết: "Không có lợi ích gì nếu chờ đợi". Tôi cố hỏi thêm 1 câu quan
trọng: "Thế thì tôi sẽ phải lấy đâu được 1 trái thận để ghép?"
Hiện
nay đa số bệnh nhận được ghép thận bằng 1 trái thận lấy từ cơ thể của
một người mà óc đã chết, nhưng tim và 2 lá phổi được cố giữ vẫn hoạt
động được để có thể bảo đảm cung cấp dưỡng khí cho trái thận cho đến lúc
lấy được trái thận ra. Được trái thận như vậy thì hy vọng ghép thận sẽ
thành công tới 60%. Tuy nhiên, nếu được ghép thận từ 1 người thân thích
đang sống mạnh khỏe thì hy vọng sẽ đạt tới 90% 1 đời sống bình thường.
Lần trở về với gia đình ở Woodstock, Illinois 2 anh em tôi và 3 bà chị
đều tình nguyện hy sinh hiến cho tôi 1 trái thận. Sau khi thử nghiệm máu
thì trong số 5 anh chị tôi nói trên chỉ còn lại 1 em trai là David, 19
tuổi, sinh viên năm thứ nhất Đại học Illinois và 1 bà chị tên là Karel,
26 tuổi, đã lập gia đình và có 2 con là hợp với máu tôi. David nài nỉ
rằng hắn là người hợp lý, hắn nói: "Để sau này tôi có thể rêu rao rằng
cái gì anh Bốp tôi làm là có 1 phần của tôi trong đó".
Tuần
lễ sau, chị Karel, em David và tôi cùng bay sang bệnh viện Mayo. Tới
nơi, tôi được mắc ngay vào máy thận nhân tạo để máy bắt đầu rửa sạch máu
tôi hầu chuẩn bị cho cuộc giải phẫu. Trong thời gian đó, chị Karel và
em David phải trải qua vô số cuộc thử nghiệm và khám bệnh kể cả 1 cuộc
phỏng vấn với 1 y sĩ chuyên điều trị về tâm lý và thần kinh để biết chắc
là họ không bị áp lực của gia đình buộc phải hiến cho tôi 1 trái thận
mà là do sự tình nguyện hy sinh cao cả của họ.
Về
vật chất, giai đoạn này là giai đoạn khó chịu nhất trong đời tôi, tôi
thấy những triệu chứng rõ rệt của thời kỳ thận suy, sức khỏe toàn diện
suy sụp, những chất cặn bã tăng lên trong cơ thể tôi và huyết áp lên
thật cao, tất cả dồn lại khiến tôi gần như nhức đầu và buồn ói mửa
thường xuyên. Tôi cao 1m85, nặng 70 ký, thế mà lúc này tôi chỉ còn nặng
55 ký, tức là sụt mất 15 ký. Tôi yếu mệt vô cùng, tuy nhiên bởi kích
thích còn ở tia hy vọng thứ nhì: chờ được ghép 1 trái thận của em hay
chị tôi để sống, nên những khổ sở về vật chất không làm tôi xuống tinh
thần. Quả vậy, tôi lên tinh thần khi hy vọng chắc rằng là tôi sẽ sống
thêm ít nhất 50 năm hoàn toàn khỏe mạnh và bổ ích.
Kết
quả những thử nghiệm đầu tiên cho biết tin mừng là chị Karel và em
David đều có những mô bào tốt hợp với tôi, và nếu những mô bào của người
cho thận mà hợp với người được ghép thận thì kết quả sẽ chắc chắn thành
công. Chúng tôi hãy còn thấp thỏm về 1 trở ngại cuối cùng: Chụp động
mạch thận để xem có đủ cả 2 trái thận và mỗi trái thận chỉ có 1 động
mạch để cung cấp máu cho trái thận đó vì có người chỉ có trọn 1 trái
thận hoặc có trái thận có 2 hay 3 động mạch, như vậy thì thật là khó
khăn và trở ngại cho cuộc ghép thận.
Một
tình cảm biết ơn sâu đậm xâm chiếm tôi khi tôi được 1 bác sĩ cho biết:
"Chị Karel của ông được chấp thuận là người cho thận." nhưng tôi hãy còn
tin vào David vì hắn là người có những mô bào tốt hợp với mô bào của cơ
thể tôi, gần như là những mô bào 1 cặp anh em song sinh. Chiều hôm sau,
khi được tin của David, tôi viết trong nhật ký như sau:
"7
giờ 10, David gọi điện thoại cho biết hắn có đủ 2 trái thận cùng một
kích thước với thận của tôi, mỗi thận đều có một động mạch. Hãy gọi điện
thoại cho ba má! Thật là vui mừng, hạnh phúc và khoan khoái! Cám ơn
Thượng Đế! Hơn 9/10 tôi có một đời sống bình thường sau một cuộc hàn
ghép".
Việc
giải phẫu để lấy 2 trái thận của tôi ra được định vào ngày thứ sáu tuần
tới 23 tháng 4 và cuộc ghép thận sẽ được định vào ngày 09 tháng 6 tức
là 6 tuần lễ sau đó. Công cuộc ghép thận tại bệnh viện Mayo được hoàn
thành bằng 2 giai đoạn, vì bác sĩ giải phẫu đã có kinh nghiệm rằng hy
vọng thành công trong việc ghép thận tốt hơn cả nếu tránh được sự kích
xúc mạnh khi vừa cắt bỏ 2 trái thận cũ ra và ghép một trái thận mới vào
nếu cả hai công việc đó chỉ làm trong cùng cuộc giải phẫu thôi. Giữa 2
cuộc giải phẫu, tôi sẽ được giữ để sống bằng thận nhân tạo. Lần đầu tiên
trong 17 năm, tôi cảm thấy có một cuộc sống bình thường ở trong tầm tay
với của tôi. Khi tôi tình dậy, 9 giờ sau khi được cắt bỏ 2 trái thận
ra, tôi thấy ba tôi đang ngồi đầu giường. Tôi lẩm bẩm hỏi "công việc ra
sao?" và sờ soạng chỗ băng bó nơi vết mổ dài giữa bụng. Ba tôi trả lời:
"Các bác sĩ cho biết con rất khá, kỳ sau ghép thận và rồi con sẽ có một
đời sống mới. Một đời sống bình thường".
Trong
sáu tuần lẽ tôi không có thận, tôi sống bằng cách được mắc vào một máy
thận nhân tạo tuyệt vời để lọc máu : 8 giờ một ngày, 4 ngày một tuần.
Lọc máu là một phương pháp tương đối giản dị: một ống nhỏ bằng Plastic
gọi là ống thông được đút vào trong cổ tay trái tôi, một đầu ống nối
liền với một động mạch, đầu kia vào một tĩnh mạch. Máu sẽ chảy từ động
mạch vào trong máy và sẽ đi qua một cái lọc bằng chất Cellophane có
những lỗ nhỏ li ti, vì những bụi nhỏ cặn bã trong máu nhỏ hơn các tế bào
máu, nó sẽ chạy qua cái lọc và được một chất lỏng trong cái lọc trôi
cuốn đi, máu đã được thanh lọc sẽ trở lại về cơ thể bằng tĩnh mạch.
Trong mỗi buổi lọc máu dài 8 tiếng đồng hồ, máy thanh lọc nhân tạo đã
lọc khỏi máu tôi 1/2 ký đến 1 ký 50 nước và các chất thặng dư, nếu
không, để tích những chất đó lại thì tôi sẽ chết.
Buổi
cuối tuần trước ngày ghép thận, cha tôi đến thăm, chúng tôi ra ngoài
một công viên nhỏ và tản bộ dọc theo một dòng suối, chụp hình những hoa
dại, ngồi trên những khúc gỗ ngoài nắng nói chuyện. Trong những tuần lễ
này tôi cảm thấy thật gần gũi với mọi người thân trong gia đình. Những
sự hy sinh mà họ đã làm qua bao nhiêu năm để chiều chuộng, an ủi tôi, sự
nâng đỡ nhiệt tâm của họ đối với tôi khiến tôi tin tưởng là mọi việc sẽ
thành công.
Rồi
ngày trọng đại đã đến, cuộc giải phẫu thận sẽ cần tới 6 y sĩ giải phẫu,
4 điều dưỡng viên, cộng với những chuyên viên và nhân viên ngành tê mê.
David và tôi nằm trên xe đẩy sát cạnh nhau, trong 40 phút, trước khi
chúng tôi bị tách rời nhau ra để được đưa đến phòng mổ riêng biệt, chúng
tôi nói chuyện về gia đình, về tương lai và những chuyện vớ vẩn. Thật
không lấy làm ngạc nhiên chút nào khi tôi cảm thấy gần gũi với David hơn
ai hết, trước đó, chúng tôi đã từng có những vụ xích mích huynh đệ nhỏ
nhặ khi còn thơ ấu, ngày đó tôi không thể ngờ được rằng một ngày kia
David sẽ hiến cho tôi một phần thân thể của hắn để tôi có thể tiếp tục
sống. Rồi những y công mặc áo choàng xanh lơ đến đưa David đi vào phòng
mổ và tôi ở lại một mình với những ý nghĩ vẩn vơ...
Cuộc
giải phẫu khó nhọc để lấy một trái thận của David ra dài hai tiếng rưỡi
đồng hồ, nhóm giải phẫu làm việc qua một vết mổ dài chừng 35 phân, cắt
xéo vòng hông trái ngang eo. Cách đó hơn một thước, trong phòng mổ kế
bên, một giờ sau khi mổ David, một nhóm giải phẫu khác bắt tay vào một
cuộc giải phẫu dài 3 tiếng đồng hồ trên thân tôi, những nhóm ghép thận
đã cùng làm việc theo một phương pháp đồng đội và sắp đặt giờ giấc ăn
khớp với nhau và thường xuyên liên lạc với nhau như tôi nhận xét vài
tháng sau này khi được chứng kiến. Khi y sĩ giải phẫu đã sửa soạn xong
một chỗ trong cơ thể tôi mà sẽ đặt trái thận mới vào đó... một chỗ nào
đó gần vị trí của trái thận cũ, nhưng thấp hơn, ở phía bên phải bụng để
sau này nếu chẳng may phải lấy ra thì cuộc giải phẫu sẽ dễ dàng và giản
dị hơn, ông thông báo cho nhóm y sĩ giải phẫu David biết, đến phút chót,
khi nhóm này biết chắc là trái thận của David vẫn hoạt động thực sự thì
y sĩ giải phẫu David cắt động mạch và tĩnh mạch nối liền cái thận nằm
phơi bày trong thân thể David. Một y sĩ khác nhanh nhẹn mang cái bộ phận
(trái thận) to bằng nắm tay này đến phòng tôi nằm mổ, trao nó cho vị
trưởng nhóm ghép thận, vị này liền đặt trái thận vào trong một dung dịch
muối ướp đá rồi bơm rửa bằng một dung dịch đặc biệt để vừa làm lạnh vừa
lấy máu còn sót lại ra. Sau đó, trong khoảng nửa giờ khâu vá, thận của
David đã trở thành thận của tôi, cuộc giải phẫu hoàn tất vào lúc buổi
trưa. Tôi tỉnh dậy vào khoảng 8g 30 tối đó, trong một khu riêng biệt. Ba
tôi đã có mặt ở đó, ông mặc một cái áo choàng bằng Plastic màu xanh lá
cây, che kín mũi miệng bằng một cái mặt nạ. Tôi ngước mắt hỏi: "Thận
hoạt động ra sao?" Người đáp: "Thật tốt, các bác sĩ cho ba biết là nó đã
tống ra được gần hai lít nước tiểu trong một tiếng rưỡi đầu." Tôi hỏi
tiếp: "Còn David thì sao?" Ba tôi trả lời: "Tốt, cả hai con đều tốt."
Đến
ngày thứ ba sau ngày ghép thận, tôi đã được ăn những thức ăn từ hàng
năm nay không được ăn vì phải cữ chất mặn (Sodium) và chất Protéin. Tôi
gần như không còn đau đớn nữa mà bắt đầu đi bộ chung quanh nhà thương,
cảm thấy dễ chịu và mỗi ngày cảm thấy khỏe hơn ra. David thì trải qua
một giai đoạn cực hơn vì các bác sĩ đã phải cắt qua ba lớp bắp thịt để
tới thận hắn. Tuy nhiên hắn lại người nhanh chóng, và sau 10 ngày đã đi
học lại được.
Vài ngày sau tôi ra khỏi bệnh viện với một cục thịt nho nhỏ trong bụng: "Trái thận của em tôi".
Vấn
đề lo lắng còn lại của tôi cũng như của bất cứ một người nào khác đã
được ghép thận đều có là: "Thận mới liệu có hư không? Và có phải mổ lại
để lấy ra không?".
Nếu
chẳng may việc đó xẩy ra thì bệnh nhân phải trở lại việc dùng máy thận
nhân tạo, nếu may mắn hơn, hắn sẽ kiếm được một trái thận khác, nhưng
thận thật hiếm. Hiện nay theo cơ quan Quốc gia Thận, có 4.700 người lọc
thận, phần đông đang chờ có được một trái thận để ghép. Nếu cơ thể tôi
không hợp với trái thận của David thì sau khi ghép thận độ hai tuần lễ,
khi những thuốc chống thận hư mà tôi đã được uống hai ngày trước khi
ghép thận được giảm liều thì sao? Tôi băn khoăn chờ đợi những triệu
chứng báo hiệu thận hư như sốt nóng và chất Créatinine (một chất dùng để
đo cơ năng của thận) tăng lên trong huyết thanh không xuất hiện, tôi
cảm thấy đã qua khỏi. Trong 3 tháng kể từ ngày rời bệnh viện, mỗi sáng
tôi chạy bộ khoảng hơn ba cây số trước khi đi làm, rồi chúi đầu vào làm
việc trong 9 giờ liền. Tôi cảm thấy có một thân thể mới, hoàn toàn khác,
một thân thể không biết mệt mỏi. Bác sĩ của tôi thật hài lòng nhưng
không lấy làm ngạc nhiên, ông cho biết gần như 100% các bệnh nhân của
ông được ghép thận thành công đều có thể trở lại làm việc như thường. Về
phần David cũng vậy, hắn cũng khỏe mạnh, sau 6 tuần hắn đã chơi Tennis
và làm tất cả mọi việc như lúc trước khi cắt thận, trừ một việc là không
được chơi những môn thể thao có sự động chạm mạnh đến thân thể như đấu
vật, quyền anh v.v... Bác sĩ cho biết trái thận còn lại của hắn đã tăng
năng lực và có nhiều triển vọng hắn sẽ không bao giờ cần đến trái thận
của hắn đã cho tôi.
Chỉ
một giá mà tôi phải trả cho đời sống mới là tôi phải gắn liền với cái
mà Bác sĩ gọi là "một chế độ hậu giải phẫu lâu dài và chán ngấy" là tôi
phải hàng ngày tiếp tục uống các thứ thuốc chống hủy thận đến mãn đời và
vì những thuốc này gây nên bệnh đái đường một tháng sau khi giải phẫu,
vấn đề phiền toái thực sự của tôi, tôi cần phải chích Insulin. Nhưng bác
sĩ nói nhu cầu này sẽ hết biến trong tương lai khi độ lượng thuốc chống
hủy thận giảm dần. Giai đoạn nguy kịch đầu tiên nay đã qua, và thận mới
của tôi vẫn hoạt động tốt sau hai năm được ghép, các bác sĩ chuyên môn ở
bệnh viện Mayo bảo tôi có thể có 99% chắc chắn một đời sống bình
thường, đa số những người ở giai đoạn chót của bệnh đau thận không được
gặp may mắn như tôi. Mỗi năm có khoảng từ 8.000 đến 10.000 người được
ghép thận hay trị liệu bằng máy thận nhân tạo, nhưng vì thiếu thốn máy
móc, thiếu thận biếu và thiếu tiền bạc nên tất cả, trừ độ 1.000 người,
đều chết. Máy thì hiếm, nếu chữa trị bằng máy tại gia thì tốn độ 10.000
đô la cho năm đầu, 40.000 đô la cho mỗi năm kế tiếp, việc ghép thận cũng
thật đắt: tiền bác sĩ và bệnh viện cho 4 tháng điều trị của tôi là hết
19.000 đô la và cho David là 2.500 đô la. Do đó tôi nhận thấy rằng tôi
đã được ban ơn bằng một vật đặc biệt. Để báo đáp xã hội cho đời sống mới
của tôi, tôi luôn mang trong bóp đựng tiền một thẻ tình nguyện hiến bất
cứ một bộ phần nào trong cơ thể của tôi khi tôi chết cho các mục đích:
ghép, trị liệu, nghiên cứu hay giáo dục về y học, hay cả cơ thể tôi nữa
để nghiên cứu giải phẫu, đó là một việc nhỏ mọn nhất tôi có thể làm
được, có khả năng giúp người khác, như tôi đã được giúp! Phải chăng đó
là Định Luật Vay Trả bằng vàng có phải vậy không các bạn?
VŨ-VĂN-VIỆT
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 129 và 130, ra ngày 15-9 và 1-10-1974)