- Tiểu Quyên, đi đâu vội thế, đợi Hà với chứ.
Nhỏ Yên Hà gọi em cùng lúc em sắp băng qua đường, em ngoái đầu nhìn ra
phía sau chậm bước lại để nhìn nhỏ. Một chiếc xe hơi chồm tới ngay trước
mặt em, người tài xế thắng xe thật gấp, xe dừng lại trong một giây. Em
hú hồn nhìn qua Yên Hà, một tay chặn lấy ngực. Đường phố ở đây sao mà
nhiều xe quá đi, bác tài xế cằn nhằn trong miệng nhưng rồi cũng bỏ đi.
Em chạy vội qua phía Hà, nhỏ tròn mắt nhìn em:
- Trời ơi, Tiểu Quyên làm người ta sợ hết hồn à.
Em mỉm cười ngượng ngùng:
- Tại Yên Hà kêu làm Quyên quýnh làm chi, với lại Quyên cũng không quen đường phố ở đây nữa, xe cộ gì thấy ghê quá.
Yên Hà khoác tay em:
- Rồi Quyên sẽ quen ngay đó mà. Quyên định đi đâu mà gấp quá vậy?
- Ờ! Quyên tới nhà chú An chơi.
- Còn sớm mà, đi chơi với Hà một tí đi, hôm nay được nghỉ học mà.
Em ngập ngừng ngó Hà:
- Quyên chẳng biết đi đâu hết bây giờ nữa.
Hà hăng hái:
- Thì đi với Hà nè, mình ra Saigon chơi, Hà tính mua đôi giày nữa, để gần tết đắt lắm. Quyên có mua gì không tụi mình sắm luôn.
Em cúi đầu, không dưng nghe buồn bã vô cùng. Quyên làm gì được như Hà
đâu. Ba má Quyên nghèo, lũ em Quyên bữa no, bữa thiếu. Quyên lại đi học
xa, Quyên trở thành một cái gánh nặng cho gia đình. Có đâu mà sắm sửa
được hở Hà?
- Đi chứ Quyên.
Yên Hà nắm tay em giật nhẹ, em giật mình nhìn nhỏ. Hà tươi mát với nụ
cười dễ thương như những cánh hoa hồng. Em gật đầu gượng gạo:
- Đi nhưng về sớm nghe?
- Ừ! Quyên muốn về lúc nào cũng được mà.
Yên Hà vẫy xe lam, xe dừng hai đứa trèo lên. Hà ngồi bên kia, em ngồi
bên này băng bị kẹt giữa hai bà thật là mập. Chỗ ngồi thật là chật chội
khó chịu em đành phải ngồi im ngó mông ra ngoài. Buổi sáng kẹt xe khói
phun đầy đường, cay xè cả hai mắt. Chiếc xe như bò đi trên con đường ồn
ào đầy nghẹt. Saigon không giống như trong trí tưởng em vẽ ra những ngày
còn ở quê nhà. Những ngày còn được ngộp giữa tình thân của đủ mọi
người, những ngày cùng Vũ, cùng Uyên vui chơi như chẳng bao giờ sẽ phải
chia lìa. Ở đó thiếu thốn đủ thứ nhưng đồng thời em cũng lại có đủ thứ.
Thật là lạ lùng phải không, nhưng em yêu khung cảnh đó không tưởng được.
Những ngày đầu về Saigon, ở nhà bác Hải em tưởng chừng có thể bỏ hết
tất cả để được trở về lại chốn cũ. Đêm nào em cũng khóc thầm vì nhớ nhà
nhưng lâu rồi cũng quen đi. Em chấp nhận số phận mình cũng như chấp nhận
sự có mặt thừa thãi của mình ở nhà bác. Bác trai cao lớn tự kiêu mà lại
hay nể vợ, còn bác gái thì thật là khó tính lại không được rộng rãi bao
nhiêu dù nhà bác giàu có vô cùng. Thêm nữa cô con gái lớn của bác thua
em hai tuổi kênh kiệu nhiều quá đến làm em phát bực. Thanh Chi học thua
em xa nhưng về phương diện giao tiếp, chạy theo thời trang thì lại vượt
hơn em quá nhiều. Em làm sao bằng được Thanh Chi, mãi mãi em vẫn chỉ là
một con bé nhà quê tập tễnh ra tỉnh đấy thôi, mãi mãi em cũng chỉ là một
con bé nhà nghèo, cam phận. Đi với yên Hà em cũng tủi thân, nhà Yên Hà
khá, nhỏ chẳng phải thiếu một thứ gì. và Yên Hà cười suốt ngày, vui như
một con chim sơn ca. Còn em, em chẳng có gì hết.
- Làm gì mà ngẩn ngơ ra vậy quyên?
- Ơ? Có gì đâu...
Em bừng tỉnh ngó Hà, cười vội. Hà nhắc:
- Xuống đi Quyên, tới rồi kìa!
Em nhảy xuống xe, luống cuống đến nỗi suýt tông cả vào người đi đường. Yên Hà xuống sau em cười thật vui:
- Hôm nay Tiểu Quyên làm Hà buồn cười quá à.
Em đỏ mặt nhìn Hà:
- Quyên đâu có muốn, tại...
- Tại Quyên mắc nhớ cái gì đâu chứ gì?
- Thôi mà.
Hà trêu em:
- Thì thôi, chứ để có người sắp khóc tới nơi rồi đó.
Em
bấu chặt tay Hà, hai đứa đi chen giữa những hàng người xuôi ngược. Chợ
đông ơi là đông, tiếng la hét mời chào như vang lên đủ mọi phía. Gian
hàng nào cũng đầy ngập, cũng rực rỡ hẳn lên. Hà đứng lại trước một gian
hàng bán toàn mứt với hạt dưa, miệng xuýt xoa:
- Trời ơi, Quyên xem ngon ghê chưa? Mứt hạt sen thơm thơm nè, mứt me chua chua ngòn ngọt nè, mứt gừng ăn cay ơi là cay nè...
Đôi mắt đẹp của Hà tròn lại như hòn bi ve làm em buồn cười quá:
- Thôi đi, Hà tham ăn quá chừng à.
Hà cũng cười theo em:
- Bởi vậy Hà mới tròn quay như cái hột mít nè chứ đâu có ốm nhom như Quyên vậy đó.
Chưa kịp nhéo cho Yên Hà một cái nên thân thì nhỏ đã kéo em qua chỗ khác, miệng tíu tít:
- Trời ơi, vải đẹp quá Quyên thấy không, màu này may áo dài chắc dễ thương lắm.
- Ừ, Yên Hà có nước da trắng mặc chắc là phải đẹp rồi đó.
Yên Hà nguýt em:
- Chứ bộ Tiểu Quyên mặc không đẹp sao?
- Quyên đi nắng hoài, đen thui mà đẹp nỗi gì.
- Trời ơi! Quyên không biết, cô Nghi khen Quyên dễ thương nhất lớp đó. Quyên mà mặc áo đẹp thì đâu có thua ai?
Bất
giác em nhìn xuống chiếc áo dài trắng đơn sơ của mình, chiếc áo cũ kỹ
nhưng thân tình với em biết mấy. Không. Em chả thích gì hết ngoài việc
được trở về nhà mình, được nép mình vào áo mẹ và nũng nịu với ba. Và nếu
có thể em sẽ mua cho cu Ti một chiếc máy bay thật xinh để thấy cu Ti
cười có hai lúm đồng tiền thật ngây thơ. Cu Ti vẫn chẳng dặn em hoài đó
sao. Chị Quyên đi Saigon về nhớ mua máy bay cho Ti với. Nhưng ba mẹ
nghèo quá, chị Quyên cũng nghèo quá nên ước mơ của Ti vẫn còn hoài là
ước mơ. Tội nghiệp cho tuổi thơ thiếu thốn của em biết bao nhiêu. Chỉ
mới có ba tháng xa cách mà nghe như là không biết bao nhiêu. Giờ này thì
Ti đang làm gì hở Ti? Chị Quyên vẫn nhớ mắt Ti to như mắt nai và má
hồng như con gái vậy đó. Chị Quyên nhớ, nhớ thật nhiều những con đường
thân ái. Những con đường mà mỗi buổi sáng chị Quyên đi học hoa vàng bay
quanh lối như muốn theo mãi đến tận trường. Ngôi trường xinh xắn với
những hàng muồng xanh ngát. Bây giờ chị ở nơi đây một mình, lạc lõng đến
vô cùng. Dường phố ngộp người đi mà sao chẳng có ai, chẳng có gương mặt
nào là quen thuộc?
Yên Hà kéo tay em:
- Quyên lại nghĩ cái gì nữa đó, hôm nay Hà thấy Quyên lạ ghê đi nghe.
Em nhìn gương mặt hồng hào của Hà, cố mỉm cười:
- Có gì đâu, tại gần Tết...
Yên Hà reo lên:
- Hà biết rồi, thấy Tết đến Quyên nhớ nhà chứ gì? Có sao đâu, tụi mình sắp được nghỉ học rồi mà.
Em thẫn thờ gật đầu:
- Ừ! Còn nửa tháng nữa mà sao Quyên thấy lâu ghê đi.
Hà cười nho nhỏ trong miệng:
-
Cái mặt Quyên thì lúc nào cũng vậy hết, ghét ghê đi. Thôi năm nay ăn
Tết Saigon với Hà đi Quyên, vui lắm. Hà sẽ dắt Quyên đi chơi khắp chỗ
đây đó, chịu không?
Em nguýt Yên Hà:
- Hà ác như bà phù thủy trong rừng rậm vậy đó, biết không?
Yên Hà tròn mắt giả vờ:
- Ơ hay! Người ta có lòng tốt rủ ở lại chơi mà Quyên còn nói thế à, lạ ghê!
- Lạ cái con khỉ á, người ta đang nhớ nhà gần chết đây nè.
Yên Hà ôm vai em , cười tít cả mắt rồi lại thè lưỡi nhạo em:
- Vậy sao?
Em bật cười ngó điệu bộ liến thoắng của Hà, giả vờ gắt:
- Hà nghịch quá à, người ta cười kia kìa.
- Dữ không, nãy giờ mới thấy Quyên cười đó.
Em cấu Yên Hà một cái thật đau:
- Rồi có làm sao không?
Yên Hà xuýt xoa:
- Thì thôi có gì đâu. Quyên ác quá à. Thôi không đùa nữa đâu. Tết Quyên về thật đấy hở?
-
Về chứ - Mắt em sáng lên và nghe lòng mình thật vui khi nói câu đó - Hà
biết không, cứ tưởng tượng đến lúc được về nhà là Quyên... cảm động
muốn chết luôn.
Yên Hà tủm tỉm cười:
- Thôi đi với Hà hết vòng chợ này đã rồi hằn... muốn chết nghe Quyên.
Em giật mình nhìn ra ngoài trời, nắng quá, chắc là trưa mất rồi.
- Mấy giờ rồi Hà?
- Mới có mười một giờ à.
- Eo ơi, vậy là trễ rồi làm sao tới chú An đây?
Yên Hà lôi em đi:
- Thì để hôm khác, bây giờ Quyên phải đi với Hà cho hết luôn đó.
Yên
Hà mua có mỗi đôi giày mà lôi em đi cả giờ đến mỏi nhừ cả đôi chân. Cô
nhỏ khó tính chi lạ, giá là em chắc em mua mau lắm đó, nhưng em có bao
giờ sắm nổi một đôi giày như Hà đâu. Em vẫn quen đi guốc tự ngày xưa.
Mỗi lần đi học dưới mấy hàng cây im vắng, tóc bỏ xõa trên vai và ôm hờ
mấy cuốn vở ngang ngực, tiếng guốc khua nhẹ nghe thật quen tai. Âm thanh
ròn rã mà cũng thật vui, đến đỗi thỉnh thoảng em cũng muốn được nhảy
chân sáo như lũ chim bên kia đường vậy đó. Ở đây nhạc guốc của em bị mất
hút tan biến vào những con đường tràn đầy xe cộ và khói phun mờ mịt.
Đường rộng thênh thang, đường ngập tràn nắng quái làm tóc em cháy vàng
hoe, làm mồ hôi của em ướt đẫm cả người. Ở đây có chi là dịu dàng êm ái
đâu, mãi rồi em đi như một cái máy và mệt đừ vậy đó. Bây giờ thì em cũng
đang mệt đừ, buổi trưa nóng hơn bao giờ hết lúc em với Yên Hà len ra
khỏi chợ. Mặt Yên Hà đỏ bừng, nhỏ lau mồ hôi trán, than thở:
- Mệt quá, sao mà nắng thế này không biết nữa.
Em mệt mỏi nhìn Hà:
- Về thôi Hà ơi, trưa quá rồi đó.
Yên Hà nắm tay em, cười:
- Quyên mệt rồi hở, lần sau Hà rủ chắc Quyên hết dám đi quá. Bây giờ ra đón xe về nghe.
Em
với Yên Hà lại phải lội bộ thêm một khoảng nữa để đến bến xe dưới ánh
nắng muốn nung người. Em ôm vở, lơ đãng ngó quanh mình. Tháng chạp. Nơi
chốn cũ của em hẳn bây giờ trời vẫn còn sót lại vài cơn gió lạnh, chút
lạnh rất dễ thương như những câu thơ của Vũ ngày nào "Hoa vẫn nở trên
đầu cành xanh biếc, nhưng người đâu về đi lại đường xưa. Nghe cây lá
gọi trăm lời tha thiết. Và một mùa chim hót rất nên thơ... Tháng mười
hai gió về chưa ấm tuổi. Có mùa xuân kề cận ở bên lòng..." Tháng mười hai gió về chưa ấm tuổi. Em se sẽ gọi tên mình, và, ngày tháng bỗng dài ra biết mấy.
□
Buổi
chiều cuối năm học không buồn mà cũng không vui với riêng em. Giờ đầu
cả lớp đều rộn lên với một bầu không khí văn nghệ thật là xuân. Giờ sau
cô Mỹ Yên cho nghỉ, em đi bộ chầm chậm tới nhà chú An. Mai ăn Tất niên,
vậy là mốt em có thể về đến nhà rồi. Em sẽ gặp đủ mọi người ; sẽ cười,
sẽ nói thật ríu rít, rộn ràng như chưa bao giờ được như thế hết. Em
sẽ... mà thôi nhiều quá, em sẽ dành đến phút cuối để tưởng tượng. Bây
giờ thì lòng em đang nao nao và chân em lướt đi thật nhanh trên hè phố.
Một buổi chiều đẹp như hôm nay thật là hiếm hoi. Nắng dịu và gió mơn man
trên vai áo, em tháo kẹp cho tóc tự do bay đầy trên vai, quấn quít trên
môi má giống như một thuở nào tóc vẫn quen bay như thế. Gần đến nhà chú
An rồi, em lơ đãng ngó những cửa hàng đầy màu sắc bên kia cái ngõ hẹp
em sắp bước vào. Ngõ vào nhà chú An nhỏ xíu mà lại quanh co thật rắc
rối. Mấy ngày đầu chưa quen đường em cứ suýt bị lạc hoài thôi. Giờ thì
em đã quen đường lắm rồi, quen cả những ánh mắt tò mò của những người
dân xóm này nữa và hết cả lúng túng mỗi khi họ nhìn em.
Bé Nhi reo lên khi thấy em bước vào nhà rồi giật tay thím An:
- Chị Quyên tới, má ơi, chị Quyên tới kìa.
Thím An rời bàn máy may, tiến ra cửa cười với em:
- Quyên tới chơi đó hả, vào nhà đi cháu.
Em
dạ nhỏ rồi theo thím vào nhà. Căn nhà của chú thím nhỏ xíu nằm khiêm
nhượng ở một góc hẻm chứ không to lớn như nhà bác Hải nhưng em vẫn yêu
bầu không khí thân tình nơi đây hơn. Ở đây có chú thím bình dị, tốt lòng
; có bé Nhi dễ thương, bé Tiên, bé Ngọc hay làm nũng với chị Quyên và
bé Hùng láu lỉnh. Em thích được hòa mình vào cái thế giới nhỏ bé ấm cúng
này, được thấy mình nhỏ lại mỗi lúc vui đùa nơi đây. Em nhìn quanh nhà
rồi quay sang thím An:
- Bữa nay chú còn đi làm sao thím?
Thím cười hiền hậu:
-
Ừ! Gần tết rồi chú phải đi làm thêm đó chứ. Tụi nhỏ cũng còn đi học đó
mà, có mỗi con bé Nhi ở nhà nó có giúp ích được gì cho thím đâu. Lúc này
sao công việc bề bộn quá không biết nữa.
Em đến ngồi một bên thím, cười vu vơ:
- Thím đang làm gì vậy thím?
Thím chỉ tay lên bàn máy may, uể oải nói:
- Thím đang may rán mấy cái áo cho xong kìa, họ thúc quá đi mà thím lại bận, may có được gì đâu.
- Thím may cho xong đi, cháu ngồi chơi với bé Nhi cũng được mà. Phải cháu đừng dốt cháu may giùm cho thím được rồi.
Thím An cốc nhẹ đầu em:
- Thôi, lo học đi cô, nữa về giỏi cho ba má khen là được rồi. Thôi thím may tiếp đây nghe, coi chừng chứ Nhi nó nghịch lắm à.
Bé Nhi lôi em ra một góc nhà, liếng thoắng hỏi em:
- Chị Quyên đi học về hở?
- Ừ!
- Chị Quyên không đi về nhà sao?
Em véo vào cái má phinh phính hồng của bé, cười phì:
- Thì nhà của chị Quyên ở đây nè.
Bé Nhi chu môi:
- Chị Quyên nói thật không?
- Thật mà.
- Sao chị không ở đây nhiều như Nhi vậy đó?
- Thì... tại chị Quyên lớn rồi.
Bé Nhi mở tròn mắt ngây thơ:
- Bộ lớn thì không được ở nhà nhiều nữa sao chị Quyên?
Em gượng cười, nhìn bé Nhi:
- Ừ! Như chị vậy đó.
Bé Nhi ngẫm nghĩ rồi lắc đầu:
- Sao ba má cũng lớn nè, hơn chị Quyên nữa mà cũng ở nhà với Nhi hoài vậy?
- Nhi không biết, ba má khác chứ.
- Khác chỗ nào đâu chị Quyên?
Nói chuyện với bé Nhi thật là rắc rối, em lười biếng xoay quanh câu chuyện:
- Chị Quyên nói giỡn với Nhi đó, mai mốt chị Quyên mới về nhà. Tại nhà chị xa lắm nên lâu lâu mới về được một lần.
Bé Nhi ngây thơ:
- Lâu lâu là chừng nào hở chị Quyên?
- Thì như Tết nè, nghỉ hè nè.
Bé Nhi chợt reo lên:
- Tết, má may áo mới cho Nhi nữa nè.
Em ôm bé Nhi vào lòng âu yếm:
- Áo đẹp không Nhi?
Bé Nhi khua tay:
- Đẹp chứ, anh Hùng, bé Tiên, bé Ngọc cũng có nữa đó. Chị Quyên có áo mới không?
Em lắc đầu, cười thật tươi:
- Không, nhưng Nhi đi lấy áo mới cho chị xem đi.
Bé
Nhi láu táu mở tủ lấy cho em xem mấy cái áo đầm xanh và hồng của bé. Áo
may bằng vải thường nhưng đơn sơ dễ thương. Em biết nhà chú thím nghèo,
may được cho ngần ấy đứa là đã cố gắng nhiều rồi. Em áp thử một cái áo
hồng vào người Nhi, bé thích thú cười vang. Thím An quay sang hai đứa,
cũng mỉm cười theo:
- Quyên xem con nhỏ lý lắc chưa?
- Tại thím may áo dễ thương quá đó chứ.
- Quyên nịnh thím đó hả?
Em cười trừ nhìn ra ngoài trời. Buổi chiều nhạt nắng trông buồn buồn làm sao. Thím An nhìn theo em:
- Bữa nay Quyên ở lại ăn cơm đi, tí hồi chú chở về cho.
Về
trễ chắc bị la nhưng em lưỡng lự một chút rồi dạ nhỏ. Dù sao mốt em
cũng về rồi, có bị la cũng không sao, một chút rồi thôi đó mà.
Chú An cho em xuống ở đầu ngõ. Trời đã tối hẳn, mấy ngọn đèn đường bật sáng rực rỡ. Chú An quay xe rồi còn dặn với em:
- Quyên nói chú gửi lời hỏi thăm ba má với các cháu nghe.
- Dạ!
Chú ngập ngừng rồi tiếp:
-
Hai bác hơi khó, cháu chịu khó nhịn đi nhé, dù sao cháu cũng phải học
cho đến nơi đến chốn đó. Thôi, mốt đi đường vui vẻ nghe Quyên. Chú về.
- Dạ! Chú về ạ.
Em
đứng nhìn theo chú An tự nhiên ngẩn ngơ, tự nhiên nghẹn ngào muốn khóc.
Sao thế nhỉ? Em hỏi thầm mình, vụng về đan những ngón tay nhỏ vào nhau.
Đêm tới rồi đó. Tiểu Quyên.
□
- Cháu đi đâu mà về trễ vậy Quyên?
Bác gái hỏi em, giọng ngọt ngào khác hẳn mọi ngày làm em phải ngẩng đầu lên nhìn bác lạ lùng, nhưng em cũng đáp vội:
- Dạ, cháu tới chú An, ở lại ăn cơm thành ra có hơi trễ.
- Ừ! Cháu tới đó thì được, nhưng lần sau có không ăn cơm nhà thì nói trước cho bác khỏi chờ đấy nhé.
- Vâng ạ!
Em đáp cho qua rồi chào bác để về phòng nhưng bác đã gọi giật em lại:
- Này Quyên, nhà mới ăn cơm xong, Thanh Chi nó lại nhức đầu cháu rửa hộ bác mấy cái bát nhé xong rồi lên bác nói tí chuyện.
Em
dạ nhỏ trong miệng, bước vội vào phòng. Cả một buổi chiều mệt mỏi bây
giờ em chỉ thèm đi tắm và leo lên giường ngủ một giấc thật ngon thôi.
Thanh Chi đang ngồi ở bàn học, thấy em, nhỏ ngẩng đầu lên cười. Em hỏi
cho có chuyện:
- Thanh Chi nhức đầu sao còn học làm chi?
- Đang đọc truyện đây chứ.
Thanh Chi giơ cuốn sách nhỏ giấu giữa quyển vở cho em xem, cười đắc thắng:
- Đọc như vầy ba má đâu có biết.
Em nhún vai:
- Thế nào cũng có ngày ba má biết à, Thanh Chi coi chừng đó.
Thanh Chi sa sầm nét mặt:
- Không có đứa nào tâu thì làm sao mà biết được.
Em tái mặt ngó Thanh Chi:
- Thanh Chi nói gì lạ vậy, thì Quyên chỉ nói Thanh Chi để ý vậy thôi chứ có gì đâu.
- Tôi chả cần lòng tốt của ai hết đó.
Thanh
Chi vùng vằng lật trang sách, em lẳng lặng thay áo rồi xuống bếp. Ở đây
không có bình yên, không có đầm ấm. Em ngó chồng bát đũa lạnh tanh mà
muốn khóc. Rán đi Quyên, rồi mai mốt mình sẽ sung sướng, rồi mai mốt ba
mẹ sẽ được vui lòng, em tự nhủ mình mà vẫn không ngăn được giòng lệ nóng
lăn tròn trên má. Em đi rồi ở nhà quạnh vắng, cu Ti, bé Hòa đều nhỏ xíu
có ai đỡ đần được mẹ đâu. Nhà bác Hải giàu có mà chẳng có đến một người
giúp việc. Nói cho đúng thì không ai ở nhà bác lâu được với một lũ con
trai nghịch như quỉ, với cái cung cách kẻ cả của Thanh Chi. Bác đã khó
mà việc nhà lại nhiều. Hôm em tới ở thì chị Hai vẫn còn giúp việc nhà.
Chị vẫn than phiền với em hoài thôi nhà có máy giặt mà bác cứ bắt chị
giặt bằng tay không. Hôm chị đi không có ai bác lại dùng máy giặt còn
những việc lặt vặt mặc nhiên em đảm nhiệm hết. Thanh Chi chỉ ăn, học rồi
lại đi chơi. Không phải em ganh với Thanh Chi nhưng mỗi khi lúi húi làm
việc một mình em lại thấy tủi thân vô cùng. Em có phải là cháu của hai
bác không hay chỉ là một kẻ ăn không lấy sức mình ra làm để trả nợ? Buổi
tối em lại còn phải dạy nhỏ Dung, con bé học lớp hai mà lười biếng và
cứng đầu kinh khủng nhiều hôm em tức đến phát khóc được ; giá là bé Hòa
hay cu Ti thì em đã cốc cho mấy cái rồi. Nhưng hai bác bênh con không
tưởng được, em hóa ra bơ vơ và bị coi thường nhiều quá. Em hết còn là
con gái yêu quí của ba mẹ rồi hay sao?
Chuông
đồng hồ gõ nhẹ tám giờ, em úp vội những cái bát rồi quét dọn lại cho
sạch. Khi em vào đến phòng khách thì mọi người đã có đông đủ ở đó. Thanh
Chi đang ướm thử chiếc robe trắng kiểu mới thật đẹp lên người, những bộ
đồ mới khác vất ngổn ngang trên salon. Lũ nhỏ xúm lại quanh bác gái
cười reo tíu tít. Em ngồi nhẹ xuống cái ghế nhỏ ở một góc phòng lơ đãng
ngó quanh. Năm nay nhà bác sắm quần áo, giày dép nhiều đến bắt ngộp mà
lại toàn thứ đắt tiền không. Một cái áo dài của Thanh Chi cũng đủ may
mấy bộ đồ cho bé Hòa rồi. Tội nghiệp cho lũ em nhỏ của em chỉ được vui
với những bộ đồ đơn sơ tầm thường, với những món đồ chơi mà ở đây lũ nhỏ
sẽ bĩu môi quăng vào một xó. Riêng em thì em có cần chi đâu? Thêm mùa
xuân này nữa thì đã lớn vọt rồi, mười bảy tuổi em đâu còn được ngây thơ
như thuở mười ba, mười bốn?
Thanh Chi nói một câu gì đó với bác gái nghe không rõ, bác phá lên cười rồi nhìn em:
- Quyên này, cháu xem Thanh Chi mặc cái robe này khéo không?
Em mím môi nhìn Thanh Chi:
- Dạ! Vải áo đẹp thật bác ạ.
Bác gái ngọt ngào:
- Cháu có thích một cái áo như vậy không?
Em bối rối đan hai tay vào nhau không hiểu bác đang muốn gì nữa, tự nhiên thấy lo lo em trả lời ngập ngừng:
- Dạ cũng thích, nhưng thưa bác cháu mặc áo vải quen rồi.
Bác gái cười tít mắt lại:
- Bậy nào, con gái thì phải ăn mặc sửa soạn cho bằng người ta chứ.
Em im lặng nhưng bác đã nói tiếp:
- Cháu nghỉ học ròi phải không?
- Dạ! Cháu tính thưa với bác cho cháu về ngày mốt, tuần trước cháu có xin bác về nhà ăn Tết rồi.
- Về làm chi cho tốn tiền, cháu cứ ở đây ăn Tết với hai bác có vui hơn không?
Em cúi đầu nói không nhìn bác:
- Dạ! Ba mẹ cháu nói thế nào Tết cũng phải về.
- Để bác nhắn ba mẹ cháu cho, cháu cứ ở lại đi không sao đâu.
Em
lúng túng nhìn bác gái rồi lại quay sang bác trai, bác đang ngồi đọc
báo như không lưu ý gì đến em. Thanh Chi và lũ nhỏ đang quây một vòng
tròn quanh em. Tự nhiên em thấy khổ sở, khó chịu vô cùng. Giọng bác gái
đuổi theo dai dẳng:
- Sao, cháu bằng lòng không?
Em nói như khóc, giọng nghẹn lại:
- Cháu... cháu muốn về nhà cơ.
Bác gái dỗ dành:
-
Cháu dại lắm, ở lại Tết chịu khó giúp việc nhà cho bác một tí rồi bác
may áo mới cho, bác lại cho tiền nữa. Có phải thích hơn về nhà không?
Em
lắc đầu nhè nhẹ. Cháu đâu phải con nít mà bác đem những cái ấy ra nói
với cháu. Tiền bạc nào, áo quần nào có thể đánh đổi được tình thương yêu
trìu mến. Và nếu ở lại, cháu có còn là cháu không nữa chứ? Không dưng
em bình tĩnh lạ lùng, em nói, nhìn thẳng vào bác:
-
Dạ cám ơn bác nhưng cháu nghĩ cháu không cần thêm gì nữa hết, cháu cũng
không dám làm phiền lòng bác thêm trong những ngày Tết nữa.
Mặt bác gái đỏ lên, bác có vẻ giận em ghê lắm, bác gằn giọng:
- Con cái nhà bảo không được mới lạ lùng chứ.
Lần này thì bác trai xen vào câu chuyện, bác bỏ tờ báo xuống từ từ quay sang em:
-
Bác gái nói phải đó Quyên, cháu biết chuyện thì đừng làm trái ý bác,
chẳng qua là hai bác thương cháu nên mới nói cháu ở lại đó.
Em năn nỉ bác trai:
- Bác thương cháu, cho cháu về nhà chứ cháu nhớ nhà ghê lắm.
Bác trai buông thõng:
-
Cháu phải nghe lời bác mới được, ba mẹ cháu còn phải nghe lời bác nữa
là. Bác nuôi cháu ăn học bác phải thương cháu chứ sao, nhớ nhà thì qua
Tết bác cho cháu về chơi một hai ngày cũng được.
Em run giọng:
- Nhưng thưa bác, qua Tết cháu phải đi học lại rồi.
Bác trai giằng mạnh tờ báo:
- Thế cháu muốn nghỉ học vài ngày hay nghỉ luôn đây?
Mặt
đỏ bừng em nhìn bác. Bác trai kính mến của em đó. Em muốn hét thật to
là cháu không cần nhưng sao cổ họng em nghẹn lại. Này là đôi mắt lo âu
của ba buổi tiễn em đi, này là nụ cười xót xa của mẹ. Rán học nghe
Quyên. Vâng. Thưa ba mẹ con rán học nhiều lắm nhưng người khác không cho
con rán. Con phải làm sao đây hở ba mẹ? Một niềm tủi nhục đang từ từ
dâng lên trong con đây. Bầu không khí này, những khuôn mặt này làm sao
từ đây con có thể hít thở, có thể nhìn ngắm nữa. Thà con chịu dốt, thà
con thôi học. Người ta khinh thường ba mẹ, khinh thường con nhiều quá
đi. Nhưng còn nỗi đau lòng, nỗi thất vọng của ba mẹ thì sao? Con làm
được gì đâu với đôi tay nhỏ bé? Tim em nhói lên thật đau, nước mắt làm
mờ mọi vật. Em ôm đầu nhìn sững về phía trước mà chẳng thấy gì. Giọng
bác trai dịu lại:
- Có gì đâu mà khóc, nhà bác có phải hang hầm gì đâu mà cháu sợ, nghe lời đi cho bác vui cái xem.
Em vẫn ngồi im lặng. Bác gái tiếp lời:
- Khi hồi Quyên chịu nghe bác có phải hơn không, bác trai nóng tính lắm cháu không biết sao?
Bác trai nhìn em rồi nhặt tờ báo lên:
- Thôi được rồi, cháu đi ngủ đi, nghĩ cho kỹ chứ đừng làm hai bác giận đó. Nghe không?
Em
nuốt nước miếng thật khó khăn, tiếng dạ cơ hồ như nghẹn tắt giữa bờ môi
em khô cứng. Thanh Chi ngó theo em, làn môi dưới như bĩu ra tàn nhẫn,
cả nhà đang ngó theo em lạnh lùng kia. Sao thế? Sao thế nhỉ? Em ôm đầu
muốn hét lên, muốn bỏ chạy nhưng chân em nhũn ra, mắt em hoa lên. Bình
tĩnh lại đi chứ Tiểu Quyên. Em cắn chặt môi nhủ thầm lòng. Còn cả một
ngày mai, còn cả một đời dài với em nhỏ bé...
Cuối
cùng rồi em cũng bước ra khỏi căn phòng cay nghiệt đó, cuối cùng rồi em
cũng chỉ còn có một mình nơi balcon lạnh lẽo. Nhưng như thế em lại được
dễ chịu hơn nhiều biết mấy. Buồn bây giờ bay đầy trong đêm, giữ nữa làm
gì những giọt nước mắt ngập ngừng trên má khi chỉ còn lại riêng em với
nỗi buồn. Em tì tay lên thành sắt lạnh buốt thẫn thờ nhìn ra xa, những
vì sao lấp lánh trên đầu em như mời gọi em đến. Làm cách nào để có một
cuộc viễn du sao nhỉ? Làm thế nào cho cuộc đời đừng quá ưu phiền lên
mắt. Có bao giờ em tìm thấy được những cái em ao ước hay không. Có một
vì sao đổi ngôi nào không, giúp cho em mơ ước được thành hình. Hay mãi
mãi em chỉ là tầm thường, tuyệt vọng? Ngày mai rồi sẽ ra sao? Em hỏi
thầm mình không ngớt. Chỉ có mấy tháng xa nhà mà em đã lớn hẳn lên, đôi
lúc em lạ lùng với cả chính mình nữa. Ba mẹ nếu gặp lại em chắc sẽ thấy
em thay đổi nhiều lắm. Nhưng nếu Tết này em không về thì sao, ngày tháng
chắc chắn sẽ qua đi trong quạnh hiu và ngập đầy nước mắt tủi hờn. Ở lại
để tiếp tục học. Ở lại để làm một cô nhỏ thừa thãi nhưng giúp được
nhiều việc không công cho gia đình của bác. Rồi ba mẹ, rồi bạn bè cũ đó
sẽ nghĩ gì về em? Nhưng đi có nghĩa là em sẽ giã từ hết mọi thứ. Giã từ
những con đường ồn ào, bụi khói. Giã từ ngôi trường rộng lớn chưa kịp
thân quen, Yên Hà với mắt nai ngộ nghĩnh. Đi có nghĩa là dập tan mọi ước
mơ của ba mẹ. Nhà em nghèo quá làm gì có đủ tiền nuôi em học lên nữa.
Còn bé Hòa, cu Ti thì sao? Ngần tuổi này nếu cố gắng em cũng đã có thể
giúp đỡ được gia đình rồi nhưng ba mẹ đã không muốn thế... Thì em phải
cố gắng, thì em phải làm vui lòng ba mẹ. Nhưng bây giờ thì em biết phải
làm sao, làm sao đây? Em gục đầu lên hai tay lạnh ngắt, gió đêm thổi
luồn qua hai vai em rền rĩ. Ở lại đi Quyên, nhẫn nhục đi Quyên, rồi mai
đời sẽ vui hơn, rồi mai em sẽ tiếp tục ngồi ngoan dưới lớp tròn mắt nghe
thầy cô giảng dạy. Thôi đừng nhớ chi hết, một dịp khác em sẽ về gặp lại
ba mẹ, các em ; sẽ gặp lại Vũ, Uyên của một thời đã mất. Một dịp khác
em sẽ thấy lại ngôi trường áo xanh của bốn năm học yêu dấu. Những bậc
thềm, những ô cửa, những hàng cây đầy kỷ niệm. Con đường ngày xưa em
chung bước với Vũ nay có còn đó không? Khi mà tan trường áo xanh vẫn bay
đầy trong gió sớm, mưa chiều, những đôi môi vẫn chúm hồng nũng nịu. Khi
mà những người thân của em vẫn còn đỏ mắt ngóng chờ. Khi mà Vũ, Uyên
với mắt nhìn vẫn còn xa dịu vợi. Tất cả ngần ấy thứ đang chờ em mà em
lại không có quyền đón nhận. Mà ngày mai em sẽ lùi xa ra một bước thêm
nữa. Không phải là sẽ được gục đầu vào vai áo Vũ khóc nức, giọt lệ thân
tình dù vui hay buồn cũng làm em quá đỗi xót xa. Rồi Vũ sẽ vỗ về, an ủi
em, sẽ hỏi em thân ái:
- Sao Tiểu Quyên lại khóc?
Chắc
chắn em sẽ không trả lời được câu hỏi đó. Chắc chắn em sẽ khóc thêm,
những giọt lệ nóng cho những ngày ở xa, lạnh lẽo và những giọt lệ vui
cho những ngày còn được có nhau. Nhưng giờ thì em đang đứng một mình hiu
quạnh, bóng đêm xóa nhòa hết mọi thứ. Chỉ còn bầu trời xa thăm thẳm và
những vì sao nhảy múa. Vai em mềm hơi sương và gió đến, vẽ qua hồn những
đường bay lành lạnh. Bây giờ thì em nhìn thấy Vũ trong trí tưởng, mắt
Vũ buồn ngó em như trách móc dịu dàng:
- Tại sao Tiểu Quyên mềm yếu thế?
Làm
sao thì em đâu biết được hở bạn thân? Từ những ngày còn học chung một
trường Vũ đã biết rồi em như thế. Thì em đã cố hết sức mình nhưng ước mơ
khi biến thành sự thật có còn đẹp nữa không? Làm sao em có thể tin được
rằng mùa xuân này em mất đi hết cả từ một lần em làm quen với phố mới,
trường mới và những khuôn mặt mới. Đổi ngần ấy thứ lấy một tương lai xa
vời giữa một bến nhỏ bấp bênh như thế này. Rồi nay, rồi mai biết em lại
sẽ phải ra khỏi đây vào một lúc nào? Ra đi có nhiều cách, Vũ có tin em
sẽ chọn cách nào ít tủi sầu nhất không? Ba mẹ có hiểu cho quyết định của
em không? Rằng em yêu ba mẹ nhiều lắm, ba mẹ muốn em nên người nhưng
chắc không phải bằng một cách như thế. Bé Hòa, cu Ti lớn lên sẽ không
phải nhìn em bằng một cặp mắt thương hại, em sẽ lớn lên mãi với tình
thương của ba mẹ nồng nàn không thay đổi.
Em
sẽ theo mùa xuân mà lớn dù là mầm xanh hy vọng hay cằn cỗi. Em sẽ tập
đứng vững một mình, làm cỏ dại đẹp hơn làm một loài dây leo đẹp mắt.
Ngày mai, ngày mốt thôi giã từ. Sẽ còn lại Yên Hà một thời gian ngơ
ngẩn, em sẽ còn nhớ mãi một thời đi học có nắng đầy vuông cỏ. Lại một
lần nữa em cất đi tà áo dài trắng đơn sơ, kỷ niệm của những ngày ở đây
buồn bã. Cũng như lần từ giã trường xưa, áo đồng phục xanh ngát đã bay
theo thời gian. Những màu áo có phai dần là khi mùa xuân thôi xanh trong
mắt, những hàng cây khi em về không còn reo cùng gió hân hoan. Em vẫn
mong có lại những tháng giêng xưa, chim hót và nắng hồng nhiều quá trong
mắt cười tội nghiệp. Sẽ có bao giờ nữa không những ngày thơ ấu đã trôi
qua?
Ba
mẹ vẫn dạy em tập yêu thương hết cả mọi người. Hãy yêu hai bác, hãy yêu
Thanh Chi, hãy yêu những tâm hồn nho nhỏ đầy thương, yêu, giận, ghét
đó. Như thế ngày sẽ bớt dài đi, đêm sẽ không tối lắm và trái tim của em
sẽ nồng nàn, thanh thoát. Em sẽ tìm thấy mùa xuân của tâm hồn đẹp như
cánh chim bay giữa bầu trời xanh biếc. Nhưng em vẫn còn trăm lần vụng
dại, nhưng em vẫn muốn đi tìm một mùa xuân cho riêng mình giữa ngày mai u
tối. Những người thân yêu của em có biết không? Giữa bóng đêm sầu đầy
và cô đơn này em vẫn muốn đi tìm những đôi môi đầm ấm sẵn lòng nở cùng
em một nụ cười tươi. Và như thế chính là mùa xuân đã đến cùng em, dù là
một mùa có nắng xuân phai.
ĐỖ THỊ HỒNG LIÊN
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 232, ra ngày 1-3-1975)