Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2024

ĐÊM THÁNH - Nhã Uyên

 
 
nh sao rực rỡ trên trời

Đêm nay con Thánh ra đời cứu ân

Vì người nên Chúa xuống trần

Xả thân  chuộc tội  thế gian lỗi lầm

Nhọc nhằn cuộc sống thăng trầm

Tình thương cao cả âm thầm gánh mang

Vì cửa hẹp : chốn thiên đàng

Đừng vì  cửa rộng thế gian hay vào

                                           NHÃ UYÊN


Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

ĐÔNG VỀ - Phong Hằng

 

Một sáng đông về se sắt tóc mây
Lá ngủ trên cây nước mắt đọng đầy
Lá khẽ thì thào đông về lạnh quá
Chim cúi mặt buồn, chim chẳng muốn bay

Một sáng mây sầu im vắng trên cao
Mưa ướt hai vai mưa xuống nghẹn ngào
Kìa hàng cây me đứng buồn lặng lẽ
Buông xoãi tay dài cho dáng xanh xao

Một sáng đông về em nghe thương thương
Áo trắng thôi bay trên những con đường
Thôi vàng hoa thêu trong màu nắng lụa
Nhung nhớ ươm đầy nên mắt rưng rưng

                                               PHONG HẰNG
                                           (Bút nhóm hoa nắng)

Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 191, ra ngày 15-12-1972)



Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

MÂU THUẪN - Minh Quân

 

Ông Ký có được hai con gái, bà mất sớm, ông còm cọm làm gà trống nuôi con. Ông nghĩ rằng mất mẹ là điều thiệt thòi lớn nhất trên đời cho hai trẻ, nên cố sức thương yêu, nuông chiều hai con gái để bù vào sự thiệt thòi đó.

Hai cô gái lại có những ưa thích trái ngược nhau làm ông vô cùng cực nhọc (khi hai cô còn ở nhà với bố), chẳng hạn: trong bữa ăn, một cô đòi xắn trái ớt rõ cay trong bát nước tương, thì cô kia lại xuýt xoa ầm lên rằng không ăn cay được. Hoặc cô lớn thích ăn rau luộc mà cô bé lại cho rằng rau sống ngon hơn.

Ông bố sói cả tóc vì hai cô gái quí!

Nhưng rồi ngày tháng dần qua, hai cô lớn lên thành gia thất, đi ở riêng hết thì ông Ký lại buồn, nhớ hai con, tuy bây giờ ông được yên thân chẳng ai hành tội nữa.

Ấy, vậy mà thỉnh thoảng có nhớ con, ông đến thăm hai cô, ông lại bị bực mình.

Nguyên cô lớn lấy một nông gia và cô bé lại là vợ anh chàng làm gạch nung.

Hỏi thăm sức khỏe con gái lớn xong, ông cụ hỏi:

- Thế nào, con? Gia đình con vui vẻ chứ? Con có điều gì buồn bực... hãy nói với cha.

- Thưa thầy, con chẳng có điều gì ao ước, ngoài có mỗi một việc mọn: trông cho trời mưa luôn, mưa rõ to để mùa màng tươi tốt, thế thôi (cô bỗng sụt sùi khóc), thế mà có bao giờ con được toại nguyện đâu... có lẽ trên đời này con là kẻ bất hạnh nhất... hu hu...

Ông bố vội vàng dỗ dành con gái, bởi vì trời mưa hay nắng là một điều ngoài quyền hạn của ông, dù rằng ông rất đau lòng thấy con khóc lóc như vậy.

Ba hôm sau, ông thân hành mua vé tàu đi thăm cô út. Ông lại ân cần hỏi thăm sức khỏe của vợ chồng cô, nghe cô trả lời là "chúng con đều mạnh" ông lấy làm hài lòng lắm. Ông nói:

- Cha lấy làm mừng thấy các con hòa thuận yên vui, trên đời không có gì quí bằng được trời thương như vậy...

Song ông chợt dừng lại nửa chừng vì nom thấy sắc thái ủ dột của cô gái út. Ông ái ngại hỏi:

- Ủa, con mới nói rằng vợ chồng con vẫn mạnh khỏe...

- Vâng! Chúng con mạnh khỏe, nhưng vậy đâu có nghĩa là trời thương như cha bảo? Nghe cha nhắc đến hai tiếng trời thương con tủi thân quá đi thôi. Thật ra, trời đã bỏ quên con từ lâu lắm, cha ơi!

Nói xong cô gái lại rưng rức khóc như tuồng có điều oan khổ nhất trên đời.

Người cha bối rối, lo lắng hỏi:

- Thế con khổ sở lắm sao? (cô gái không trả lời, mà chỉ nức nở khóc to thêm) Chớ! Con khóc như thế làm cha khổ lắm, cha không chịu được đâu, con muốn gì, thử nói cha xem, liệu cha có thể...

- Nào con ao ước gì nhiều, chỉ có một điều mọn là mong trời nắng, nắng rõ to, rõ nhiều, nắng quanh năm để gạch ngói của nhà con chóng khô thôi, thầy ạ! Thế mà trời cứ mưa hoài, mưa mãi...

Ông bố nghe xong, bưng đầu nói:

- Hai chị em chúng mày lúc nào cũng hành hạ thân tao, đứa ước trời mưa, đứa ưa trời nắng, còn tao đây, tao biết ước gì cho vừa bụng hạng người ích kỷ như lũ chúng mày đây, kia chứ?

Và ông hầm hầm xách dù đi thẳng.


MINH QUÂN       

(Trích từ bns Thằng Bờm số 24, ra ngày 1-4-1973)



Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

LÁ NON XANH - Nguyên Vũ Thảo Lam

 
 
Nói khẽ hồn rằng ta đã đắm say
Con đường tình nhân có nụ hồng gầy
Vàng lá ước mơ hồn yên mộng mị
Ngật ngầy mấy thuở phấn hồng loang bay

Phấn son còn lạ chưa đã một lần
Trang điểm cho lòng ta phải hỏi han
Khuôn thước trăng mơ rộng tà áo nhẹ
Nghiêng dáng ngoan yêu họ đã tần ngần

Hàng cây ngất buồn rừng lá thu phai
Con đường ngày xưa nắng vẫn đổ dài
Hoa trái tương tư dường vừa nẩy lộc
Ta lớn bao giờ? Hình như vừa đây

Dấu chấm ngậm ngùi ở cuối dòng thư
Muốn nói gì cơ nhưng bỗng thẹn thùa
Vòng cung trên tay lạ lùng quá đỗi
Bước chân tìm nhau, e ngại thờ ơ

Ngầy ngật mấy thuở phấn hồng loang bay
Thiên đường buồn hiu cảm giác ngủ say
Trầm hương cho ta tháng ngày lạ mặt
Chừ xa đây rồi buồn vương lên mây.

                                        nguyên vũ thảo lam

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 14, ra ngày 20-11-1971)



Thứ Hai, 9 tháng 12, 2024

LŨ TÀN TẬT - Trịnh Minh Đức

 

 Dịch một đoạn trong nguyên tác "LEUR GUIDE"
 
Đấy là ban nhạc tí hon, gồm những đứa trẻ mù, và điếc. Lão Ban, người hướng dẫn, vừa thu được một số tiền nhỏ trong quán rượu. Lũ trẻ ngồi ngay cửa ra vào, cúi đầu trầm ngâm, trông mệt nhọc. Đứa lớn tuổi nhất, thằng An, chăm chú nghe tiếng động rơi trong chiếc đĩa bạc. Cái gáy của nó gầy trơ ra, trũng vào như một luống cày, chốc chốc lại rung động, lo âu. Dưới cái lông mày rậm và xám, con mắt trắng đục cố gắng nhướng lên một cách tuyệt vọng.

Trong quán rượu ngoại ô, lúc nào cũng vang lên tiếng cười đùa vui vẻ, tiếng ly tách chạm vào nhau. Những cái bàn lắc lư dưới sự va chạm của những bàn tay cuồng nhiệt. Trong một góc, vài người say đang chơi cờ một cách ồn ào. An nhận ra ngay, thính giác của nó đã được luyện kỹ, chắc chắn không sai được. Nó còn có thể đọc được số tiền lẻ mà người ta ném vào chiếc khay của nó: một xu, hai xu... tùy theo giá trị.

Cuộc lạc quyên xong, lão Ban trở lại, theo sau là những nhạc sĩ. Lập tức như một lò xo, lũ trẻ đồng loạt đứng dậy. Ban nhạc chúng gồm 4 người. Thằng An, thổi kèn sáo. Con bé Đô, kéo vĩ cầm. Thằng Bê, đàn măng cầm. Thằng Tô, đàn lục huyền cầm. Trong cái bị cũ rích mà chúng đeo lủng lẳng, được nhét những nhạc cụ chật cứng.

Chúng đi về phía trái, điệu bộ chậm chạp, không nhất định. Chúng mỉm cười nhăn nhó, phát hiện trên hàng mi lay động.

Một người say tay cầm ly rượu đầy, xuất hiện nơi cửa. Một dòng nước bọt chảy dài trên môi, xuống cổ, thấm ướt cả áo. Dáng điệu lảo đảo của y làm cho lũ trẻ sợ hãi, dừng lại.

Lão Ban ra lệnh:

- Khá đủ rồi, chúng ta đi!

An lẩm bẩm:

- Khá đủ?

Lũ trẻ gác tay lên vai nhau, làm thành hàng dài, lục đục kéo ra ngoài. Bên ngoài bóng đêm bao trùm lấy chúng.

Chúng bước chậm chạp trong lạnh và im lặng. Con đường thật vắng vẻ, rải rác những đống rác cao ngất, tỏa mùi hôi nồng nặc. Chúng tựa vai vào nhau, lắc lư cái đầu như kiếm vật gì. Thình lình chúng dừng lại, rồi đi nhanh hơn. Hình như có cái gì vô hình điều khiển, chúng đi một cách lôi cuốn.

Con bé Đô xiết lấy tay An như truyền hơi ấm. Bỗng con bé ngạc nhiên:

- Ồ! Sao tay An lạnh ngắt thế này?

An lầm lì không trả lời. Những khuôn mặt mập mờ dưới ánh đèn lồng, chập chờn, uốn lượn, rồi mất trong bóng đêm... những viên sỏi kêu xào xạc dưới chân chúng.

An thì thầm:

- Đêm nay chúng ta ngủ trễ rồi!

Thật vậy, những cái đầu nặng chịch vì buồn ngủ, và những bàn chân mềm nhũn vì đi nhiều. Đi đâu trong đêm tối thế này nhỉ? An tự hỏi. Ờ đi đâu, nó có thấy gì đâu. An chợt nhớ những ngày chưa mù, nó đã trông thấy khuôn mặt của nó: Không có sâu, đôi mắt trong sáng, tinh ranh. Thế nhưng sự trong sáng giả vờ ấy tan đi. Đến một ngày, An cảm thấy mắt mình mờ hẳn, khó chịu và có lẫn ít máu. Người ta biết chắc An sẽ đui, tỏ lòng thương hại. An đau đớn nghĩ đến khuôn mặt xấu xí ghê tởm của mình, thầm nhắc lại câu nói của cô bạn láng giềng:

- Chúa ơi, xin ban phép lành cho anh ấy...

Tiếng lão Ban làm An cắt đứt cảm nghĩ:

- Chúng ta dừng ở đây được rồi.

Lũ trẻ giật mình dừng lại, như dẫm phải chướng ngại vật bất ngờ trước mặt. Nhẹ nhàng, chúng kéo nhạc cụ ra khỏi chiếc bị. Một vài người bu quanh chiếc bàn làm bằng đá hoa và người ta nghe rõ tiếng động khô khan của những con cờ di động. Trong góc phòng, một người đàn bà đang rúc rích với ánh sáng của cây đèn khí.

Ban nhạc uể oải, ngật ngừ đánh bản tình ca của TRA-VIT và điệu nhảy của AI-DA. Chúng chơi không đúng nhưng nhịp nhàng.

Bê vén những sợi tóc lòa xòa bên trán, ngáp dài. Tiếng chua phát từ cây đàn măng cầm của nó làm kích thích thần kinh thính giả. Trong lúc cuộc lạc quyên đang tiến hành, An hướng lỗ tai về mọi người. Cái yên lặng của quán cà phê nhỏ cho phép nó có thể đếm không mệt, một, hai, ba... đây là một xu, đây là hai xu, đây là...

Sau cùng chúng nó đi ra.

Sương xuống nhiều, cái lạnh làm chúng tỉnh hẳn, bước nhanh. Chợt một luồng gió mát thổi tạt vào mặt chúng: sắp đến sông Ty rồi đây. Chúng hít không khí ẩm ướt của con sông có phảng phất một mùi phù sa. Người ta nghe cách khoảng, tiếng chạy rầm rập của người xách đèn lồng. Chúng lê mình trên con đường nhỏ cho đến nhà.

Đỡ biết chừng nào! Nhà đây rồi. Chúng gỡ dụng cụ máng vào móc và cởi quần áo trong im lặng. Trước khi đi ngủ, An hỏi lão Ban:

- Đêm nay mình thu được bao nhiêu?

- Khốn nạn - Lão trả lời - chỉ 20 xu.

- Toàn là những người hà tiện - An nghĩ như vậy và hằn học thầm rủa những kẻ bủn xỉn.

Nhưng vừa đặt lưng lên tấm nệm bẩn thỉu, nó đã say sưa.

*

Đây là phiên chợ lớn của tỉnh Khánh, đúng là một dịp thu tiền. Lão Ban hướng dẫn ban nhạc đi từ đầu giờ. Chúng chọn một góc toa xe lửa, kéo dài trò chơi. Toa đầy những người hớn hở, họ vỗ tay khen, nhiều người hát theo điệu nhạc.

Những cửa kính bỏ trống, khói cay của đầu máy xe lửa lan tràn khắp phòng, lẫn lộn mùi cỏ cháy từ đồng ruộng, hăng hắc. Người ta nghe rõ tiếng đàn trừu sợ hãi khi thấy đầu xe lửa, và bị đè bẹp, dĩ nhiên.

Một người đàn bà yếu đuối thở dài:

- Ồ, lũ đáng thương!

Chúng im lặng lắng nghe. Một lát, chúng nghe tiếng thở dài khác:

- Con nhà ai thế? Tội nghiệp quá...

Lần này, chúng hiểu mục đích lòng thương hại của những người đàn bà này. Chúng có cảm tưởng họ đang nhìn chúng chằm chặp. Cạnh An, lão Ban ngồi dáo dác, hết nhìn người này đến người nọ, hy vọng họ cho tay vào túi.

Xe lửa dừng lại ở ga Mỏ sắt, lão Ban hớn hở:

- Nhớ nhé, tụi bây phải làm cho xôm, chỉ có ngày hôm nay thôi. 

Lũ trẻ chú ý đến đám hành khách đang đi xuống. Họ cố ý chen lấn, giành giựt, la hét. Chúng theo lão Ban xuống cuối cùng.

Đám đông chen chúc, chốc chốc lại va phải chúng, ép tất cả vào nhau. Chúng bối rối dừng lại trong sự lộn xộn này.

Lão Ban cho chúng tự do, rồi biến mất. Có lẽ lão mua vé chuyến xe lửa thứ hai sắp tới.

Đường lớn đường nhỏ, đầy nhóc những khách bộ hành, xe lôi, xe kéo... gây một sự ồn ào vang dội. Tiếng kêu réo của mấy mụ đàn bà, tiếng kêu be be của đàn trừu và tiếng rống của lũ bò. Trong cảnh lộn xộn ấy, lẫn lộn tiếng cười khúc khích của khách bộ hành.

Có tiếng ồn ào phía trước mặt. Một giọng hét lớn:

- Giết nó đi! Giết nó đi...

Tiếp theo là tiếng đấm nhau huỳnh huỵch. Bê đứng sựng lại, sợ hãi:

- Coi chừng có đám đánh nhau.
 
Hình như có người rút dao, tức thì đám người hiếu kỳ bỏ chạy tán loạn. Họ dẫm lên các đồ vật hai bên đường. Tiếng loảng xoảng của những cái đĩa và ly bể vang ầm ĩ.

Chúng sợ hãi bám theo đám người ấy. Đô thở hổn hển nhắc lại, giọng đáng thương:

- Ô, kinh khiếp, dễ sợ quá!

Chợt có tiếng la hét hãi hùng, và tiếp theo là tiếng động vù vù đang tiến đến gần.

- Coi chừng xe lửa! Xe lửa!...

Xe lửa ở đâu nhỉ? Bên trái? Bên phải? Đằng trước? Đằng sau? Chạy trốn đâu bây giờ?

Trong lúc hốt hoảng, chúng không phân biệt được phương hướng. Đô mất thăng bằng trượt chân. Nó cảm thấy bàn tay lạnh ngắt trên đường rầy. Trong phản ứng tự nhiên, chúng gọi to:

- Bác Hai ơi (lão Ban), cứu chúng con với, cứu...

Có tiếng xe lửa chạy ngang.

*

Đêm nay trời trong và dịu dàng, thấp thoáng lão Ban và An đang lầm lũi đi trong bóng đêm.

(Lời người dịch : Trong truyện này, lũ trẻ đã dùng một "máy" nghe đặc biệt, khi cần mới để lên lỗ tai, và nghe rõ ràng như chúng ta vậy.)


TRỊNH MINH ĐỨC      

Thân tặng cho những người bất hạnh
lại gặp nhiều bất hạnh

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 133, ra ngày 15-12-1974)


Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2024

MƯA ĐÊM CAO NGUYÊN - Thương Vũ Minh

 
Mưa rơi từ xa xôi
Mưa bay trên lưng đồi
Đêm chìm trong tiếng khóc
Nghe nghẹn ngào lên môi

Mưa đan thành vũng sâu
Mưa rơi hoài đêm thâu
Cỏ cây buồn cúi mặt
Mây hững hờ qua mau

Giọt mưa buồn lặng trầm
Người nhìn vào xa xăm
Trong mịt mờ bóng tối
Thôi lòng mình im câm

Mưa lạc loài trong tim
Mưa giăng giăng im lìm
Xin mưa đừng rơi nữa
Ướt nhạt nhòa cánh chim

Mưa bay từ xa xôi
Mưa rơi trên lưng đồi
Người ngồi bên song cửa
Thấu nỗi sầu đơn côi

                  THƯƠNG VŨ MINH

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 119, ra ngày 1-12-1969)




Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

VÉN MÀN BÍ MẬT KHU TAM GIÁC VÀNG - Trường Kỳ

 

Từ vùng rừng núi hoang sơ rộng trên 156.000km2, một nhóm người bí mật âm thầm chế biến loại độc dược chết người, cung cấp lén lút cho vùng Đông Nam Á và toàn thế giới, hàng năm trên 700 tấn.

Chấm dứt được nguồn năng lực vĩ đại này, số phận nhân loại sẽ biến chuyển tốt đẹp.

Bạch phiến đang được bán lén lút dưới nhiều hình thức trong hầu hết các thành phố đông đúc trên thế giới, các quốc gia đã phải chịu thiệt thòi rất lớn về việc du nhập món hàng độc hại này ; thống kê tại Hoa Kỳ cho thấy hàng năm đã thiệt hại hàng tỷ Mỹ kim, chưa kể đến các hậu quả mà Bạch phiến đang tàn phá một số đông thanh thiếu niên tại đây.

Bạch phiến đã phát xuất từ đâu? Năm 1971 người ta khám phá trong bộ da hình nộm của một con cọp Phi Châu trong chuyến phi cơ từ Vọng Các đê1n Chicago trên 5kg Bạch phiến, trong vịnh Thái Lan người ta bắt gặp những phi cơ lạ thả dù những kiện hàng gói kỹ lưỡng trong các túi nylon rồi được các thuyền đánh cá vớt mang đi... nhiều sự kiện chứng tỏ Bạch phiến xuất phát từ vùng Đông Nam Á.

Trước đây Thổ Nhĩ Kỳ là xứ đứng đầu về việc xuất cảng Thuốc phiện, nhưng chính các nhà máy hóa học tại miền Nam nước Pháp mới đủ khả năng để chuyển hóa thành Bạch phiến trước khi được phân tán tới các quốc gia khác nhất là Hoa Kỳ. Ngày nay dưới những đạo luật cứng rắn, thuốc phiện đã bị cấm trồng tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung tâm thuốc phiện tại Đông Nam Á được gọi là khu "Tam giác vàng" rộng trên 60.000 dặm vuông (156.000km2) nằm gác lên lãnh thổ của ba quốc gia: Đông Bắc Miến Điện, Bắc Thái và Tây Bắt Ai Lao. Trên thực tế khu "Tam giác vàng" đã lọt ra ngoài sự kiểm soát của các chính phủ ba quốc gia trên, vì đó là xứ sở của những bộ lạc thiểu số sống rải rác trên các sườn đồi núi hoang vu, đó cũng là nơi dung dưỡng các tổ chức phiến loạn. Chính nơi đây hàng năm đã sản xuất trên 700 tấn thuốc phiện sống, cung cấp 50% bạch phiến cho toàn thế giới.

Việc trồng trọt, chăm bón cây thuốc phiện là do các sắc dân trong bộ lạc San Miến Điện thực hiện. Họ thường khởi đầu trồng cây thuốc phiện từ cuối mùa hè vì khí hậu rất thuận tiện cho loại cây này phát triển, sau đó vào mùa đông họ khởi sự thu lượm kết quả, một loại nhựa nồng cay được trích ra từ trái cây, và được bán ra ngoài, những người trồng trọt không lấy tiền mà chỉ trao đổi để lấy heo, ngựa, trâu hay các sản vật như muối, vải vóc, dụng cụ... Họ thường đổi nửa kí-lô thuốc để lấy 1 con heo hay 1 ký 500 để lấy một con ngựa... Hiện nay có khoảng 60.000 dân thiểu số đang trồng trọt những cây thuốc độc hại này trong lãnh thổ tiểu bang Shaw của Miến Điện. Tại Thái Lan mặc dù sắc luật cấm đoán ma túy đã có hiệu lực từ năm 1958, nhưng các bộ lạc thiểu số phía Bắc vẫn tiếp tục sản xuất trên 200 tấn thuốc phiện mỗi năm. Cuối cùng Ai Lao là cửa ngõ để trao đổi những kiện hàng Bạch phiến qua trung gian của một nhóm người bí mật.
 
Mới đầu người ta vẫn tưởng rằng khu vực này phải do Trung Hoa hoặc Bắc Việt kiểm soát. Nhưng thực tế lại do một nhóm khác nắm quyền. Năm 1949 khoảng 6000 người Trung Hoa từ lục địa di chuyển tá túc trong khu vực này, cũng từ đó họ khởi sự kiểm soát khu vực. Thế lục của họ khá mạnh vì được trang bị đầy đủ súng đạn kể cả các súng lớn. Họ làm trung gian trong việc buôn bán ma túy, chuyển vận hoặc đánh thuế...

Nhóm thứ hai quan trọng hơn được gọi là những người "Mafia" Trung Hoa, họ chiếm giữ phần chế biến thuộc phiện ra bạch phiến, rồi phân phối đi khắp thế giới. Nhóm Mafia này phần lớn là người Phúc Kiến đã bỏ xứ sở từ lâu, sống lưu lạc  trong các quốc gia lân cận. Họ là những nhà mại bản rất giỏi giang và có tổ chức.

Trước đây việc bán thuốc phiện chỉ có giới hạn trong số những người Á Châu nghiện ngập, nhưng khoảng từ 1960 trở đi khi ma túy tràn lan khắp nơi nhất là Hoa Kỳ thì những nhà mại bản này trở nên giàu có và đầy thế lực.

Từ năm 1965, nhóm người này đã chế biến một phần sản phẩm dể dùng hơn gọi là "Khai", đó là một hỗn hợp gồm bã thuốc phiện, chất morphine trộn với Aspirin. Đây là một loại thuốc dễ ghiền và sẽ giết hại người dùng nó trong vòng từ 12 đến 18 tháng.

Tại Ai Lao người ta có thể thấy một số những nhà hút dùng loại thuốc này, trong bóng tối âm u của những căn phòng dơ dáy người ta thấy những người đàn ông da bọc xương đang ngồi ngáp dài, lúc sau không chịu đựng được cơn thèm khát họ đứng dậy mua một gói thuốc khác, hơ nóng trên một ngọn đèn leo lét rồi hút khói qua một ống bằng giấy cuộn tròn.

Việc chế biến từ thuốc phiện qua Morphine dễ dàng hơn qua Bạch phiến. Công việc sau cần nhiều kỹ thuật và phải do các chuyên viên hóa học kinh nghiệm. Từ năm 1967, người Trung Hoa đã mướn một số chuyên viên hóa học từ Đài Loan, Tân Gia Ba và Hồng Kông với số thù lao rất lớn để thiết lập những nhà máy chế biến trong khu "Tam giác vàng", các chuyên viên đó lưu lại trong các nhà máy này khoảng từ 6 đến 8 tuần để chuyển hóa số lượng thuốc phiện từ năm trước ra bạch phiến, dưới sự quan sát của những cặp mắt cú vọ của những người giúp việc. Vài người Trung Hoa địa phương đã gởi con trai họ theo học các trường Hóa học trong vùng Đông Nam Á sau đó trở về tham gia vào công việc chế biến, chính vì thế mức sản xuất hiện nay có thể gia tăng đến khoảng 70% số lượng thuốc phiện trên thế giới.

Các chuyên viên bài trừ Ma Túy quốc tế ghi nhận có khoảng từ 15 đến 20 nhà máy tinh luyện đã được thiết lập trong khu "Tam giác vàng". Thường nếu một nhà máy bị khám phá, lập tức họ di chuyển ngay tất cả dụng cụ đến một vị trí khác trước khi phá hủy.

Khởi đầu những nhà máy này sản xuất phần lớn loại Bạch phiến số 3 mà đa số người ghiền Á Châu ưa chuộng. Thuốc này được vào bao với các nhãn hiệu "Hai con rồng", "nhện vàng" hoặc "Lucky Strike". Từ năm 1965 họ chế thêm loại Bạch phiến 96% được mệnh danh là "cường lực số 4" đựng trong các bao Nylon do chính một nhà máy trong khu "Tam giác vàng' sản xuất.

Những người Mafia Trung Hoa này, nhờ số tiền khổng lồ mà họ thu hoạch được, đã mở rộng thương trường qua sự giúp đỡ của một nhóm người Tây phương, đa số là những người phạm pháp hay lính đào ngũ để tiêu thụ món hàng độc hại này.

Hầu hết Bạch phiến được chuyển vận bằng phương tiện hàng không, có khi được gói kỹ lưỡng rồi được thả dù xuống biển, các thuyền nhỏ vớt lên để chuyển đến một địa điểm tiêu thụ.

Mặc dù các chính phủ trong vùng Đông Nam Á, nhất là ba quốc gia liên hệ trong khu "Tam giác vàng" đã ban hành các luật lệ cấm đoán việc trồng và chế biến Bạch phiến nhưng nếu chưa có các biện pháp tích cực và sự hợp tác quốc tế để chận đứng từ gốc, Ma túy vẫn còn lan tràn gây tệ hại khắp thế giới.


TRƯỜNG KỲ            
 (viết theo Charles Bornay)    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 114, ra ngày 12-11-1973)