Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2022

NHƯ SỢI CHỈ MÀNH - Kim Hài

  

Những hàng dừa sai lá là một đám rậm màu xanh đậm phơn phớt ánh hoàng hôn. Buổi chiều đã xuống. Phía tây, mặt trời đỏ dịu nhuộm hồng một góc trời. Chiếc phi cơ đã bắt đầu lượn vòng để đáp xuống. Dây lưng an toàn vướng víu ở bụng. Tôi chồm người nhìn qua cửa hông phi cơ. Mặt trời đã lấp phía bên kia. Tỉnh lỵ Bồng Sơn mờ nhạt ẩn hiện một dòng sông lấp lánh như dải lụa mềm. Tôi sắp trở về nơi dấu yêu, nơi mà bốn mùa đều thơm ngọt hương vị nước dừa. Tuổi nhỏ tôi lớn lên tại đây. Xa rời đã lâu, bây giờ tôi mới có dịp về thăm. Con đường cũ có còn không? Chiến tranh đã tàn phá, con người đã xây dựng được những gì ở đây. Tôi có còn tìm được căn nhà yêu dấu xưa. Có còn nhớ được lối nào dẫn lên ngọn đồi thấp đầy trái móc tím ngắt, vị chua chát quyến rũ tôi trong những ngày còn tung tăng chạy nhảy thơ ngây. Con đường về phố chợ có còn xa tít tắp so với đôi chân nhỏ bé thời xưa. Những cánh đồng mía, ôi bao la và ngọt ngào đầy thú vị của ngày mùa. Nhưng không phải chỉ chừng đó. Trong trái tim đầy hồi hộp và cảm động ngây ngây của tôi hiện tại, có chút nhớ thương sâu đậm nhất và dành dụm mà vẫn im lời. Mỗi vòng phi cơ lượn tròn, mỗi cụm khói nhà ai ẻo lả vượt khỏi khóm dừa xanh là nỗi náo nức và xúc động dâng trào. Tôi thấy mi mắt mình cay cay - Ngoại ơi, con đã trở về thăm lại ngoại, thăm quê hương yêu dấu của ngoại, của con mà hơn 10 năm ngăn trở vì lý do nầy hay lý do khác.

Tỉnh lỵ lặng lẽ. Không lớn với những con đường dài xa như tôi đã thấy khi còn nhỏ - Trạm cuối con đã đến. Ngoại có ngờ rằng con đã trở về thăm ngoại không? Chắc không bao giờ ngoại nhỉ. Kề từ khi ngoại gả má con cho một người con trai xa xứ, hẳn ngoại đã biết rằng con ngoại sẽ khó mà có dịp về thăm, huống hồ chi là cháu. Nhưng những gì ngoại không nghĩ tới thì lại xảy ra. Con gái, con rể, cháu ngoại đã ở với ngoại cho đến lúc phải rời ngoại. Do đó mới có ngày con trở lại Bồng Sơn.

Vườn mía đã đổi màu, con đường đất đỏ đã mất mà thay vào bằng con đường nhựa lồi lõm, sần sùi trơ đá. Nhưng sao tôi vẫn đi về đúng đường. Mùa mía đã qua, và dừa thì đang trổ hoa. Qua cánh đồng nhỏ đầy đất khô cằn, tôi đã thấy dòng sông mờ dưới hơi sương. Vài chiếc xe đạp ngược chiều lặng lẽ đi qua. Tất cả đều im lặng. Tôi nghe được cả tiếng dừa khô rơi trên nền đất vừa vỡ. Thành phố với những ánh đèn nằm yên lành phía sau lưng. Tôi đi nhanh để kịp về nhà. Tôi sợ mình sẽ không nhận được ngôi nhà cũ. Ký ức thuở nhỏ chỉ vẽ vời trong óc những đường nét không rõ không mờ. Có nét thật đậm, có nét lại quá nhạt nhòa. Hình như khoảng đường quen đây rồi. Tôi sợ mình lầm. Nhưng không, ngôi nhà nằm trước con đường rộng dẫn ra sông. Phía trước, phía sau là hai ruộng mía. Những cây dừa lả ngọn thẳng cao như cái bóng. Chiếc đèn dầu le lói không đủ chiếu sáng ra tận ngoài hiên. Phải, đây rồi. Tôi hít thật mạnh vào lồng ngực. Hành trang như nhẹ hẫng trên tay. Tôi từ tốn bước vào nhà. Thận trọng, phải thận trọng. Ngoại ơi, con sợ ngoại không có ở trong nhà. Ngoại đừng đi đâu nhé, đừng là một người khác.

- Ngoại ơi. Ngoại. Ngoại.

Tiếng kêu vang vọng êm đềm như tiếng trẻ con ở đâu đó vào một thời gian nào xa xưa. Có tiếng lục đục, hình như ở dưới bếp. Tiếng một vật gì rơi trên một vật gì như cái lu sành. Chắc chắn đó là cái lu nước bên cạnh cây ớt xiêm nhỏ trái mà cay xé. Tôi kêu tiếp, giọng như nghẹn lại:

- Ngoại ơi, con đây ngoại.

- Ai đó? Ai đó?

Bóng dáng ngoại còm cõi trước mặt. Tôi vội vàng chạy tới, nắm lấy vai ngoại:

- Ngoại ơi, ngoại nhớ con không? Con về thăm ngoại đây nè.

Tay ngoại run run và tiếng ngoại khàn đục, không hiểu vì tuổi già, hay vì cảm động. Đứa cháu đi xa đã về.

- Nghi đó hả? Trời ơi sao mày tệ quá thôi, bây giờ mới về thăm ngoại. Mà phải thôi, cháu còn mắc học mắc hành mà. À có má cháu về theo không?

- Không ngoại à. Má cháu gửi biếu ngoại mấy xấp hàng và cái cơi trầu. Ba cháu biếu ngoại một ít bánh. Còn cháu, cháu biếu ngoại cháu nà. Ngoại nhận được thư của ba má cháu thường chứ?

Ngoại cười buồn:

- Thôi thư từ làm chi cháu. Ngoại già rồi, mắt đã lem nhem, chỉ trông được hình người chứ mong gì thấy chữ.

Giọng ngoại buồn quá. Tôi ứa nước mắt. Sinh kế, chiến tranh đã mang những đứa con thân yêu của ngoại đi xa. Giờ đây, ngoại sống một mình. Thử có ai mà không buồn rầu cho được. Tôi an ủi ngoại:

- Ngoại ơi, không phải vậy, má cháu nhớ ngoại lắm, nhưng má cháu cũng không khỏe, còn phải trông nom cửa hàng nên ít về thăm ngoại đó thôi. Mà cháu nghĩ sao ngoại không vào Sài Gòn với ba má cháu. Ba má cháu khẩn khoản ngoại hoài mà ngoại vẫn không chịu.

Ngoại tách rời tay tôi, bước đến bộ ván tạp. Đầu ngoại cúi xuống. Giọng ngoại buồn bã:

- Không, ngoại đâu có trách ba má cháu, vì ngoại đã hiểu rõ lòng từng đứa con mà ngoại nuôi nấng dạy bảo từ nhỏ. Nhưng ngoại không bỏ nơi này mà đi được con ạ. Đó con xem, vườn rau, sân hoa, ngôi nhà, đàn lợn béo, tất cả quen thuộc quá đi. Quen thuộc như khung cảnh ngoài kia, dừa cao, mía ngọt. Ngoại bỏ đi sao được. Ngoại bỏ đi sao đành.

Tôi thầm công nhận lời ngoại là đúng. Phải ngoại à! Những rừng dừa xanh. Những đêm trăng sáng trên dòng sông. Tuổi nhỏ với vài kỷ niệm nhạt nhòa thế mà con vẫn chưa quên được mùi mía ngọt ngào và bây giờ, khi đã đứng tại nơi thầm nhớ, lòng con vẫn rạt rào xúc cảm biết bao, huống hồ chi ngoại đã sống và gầy dựng con cái ở tại nơi nầy. Tôi bước tới gần ngoại, phủi nhẹ vết bồ hóng bám trên vai áo người và nói khẽ:

- Ngoại ơi, ngoại không cho con ăn gì hết sao, con đói quá đi mất.

Ngoại hiền từ nhìn lên. Đôi mắt ngoại sáng long lanh. Chiếc miệng móm cười cười:

- Chết cha, mầy chưa ăn gì hết sao? Thôi để ngoại kêu con Ba thổi cơm nóng cho con ăn nghe. À mà ngoại quên, còn cơm hồi chiều, mà con Ba đã đi lên phố xem hát bóng rồi. Để ngoại lấy đỡ cơm nguội con ăn nghe.

Ngoại lần xuống bếp. Tôi đi theo. Gian bếp nhỏ đã nhiều thay đổi. Các ông Táo bằng gạch đã được dời ra tận đầu góc kia, gần lối đi. Chỗ làm bếp cũ được thay thế bằng một hầm núp. Tôi hỏi ngoại:

- Ngoại ơi, bộ ở đây, đêm nào cũng không yên hết à?

- Đào hầm vậy thôi chứ chết chóc có số mạng hết. Lâu lâu năm mười bữa, mấy ổng pháo kích về ở xóm dưới chứ xóm mình hơi yên. Đào hầm là để cho yên bụng vậy mà.

Tôi ngồi thụp bên ngoại, tằn mằn mở các vung đậy nồi xem có gì. Ngoại nhìn thấy kêu lên:

- Để đó ngoại, mầy nhớp quá. Mau ra tắm một chút rồi hẵng vô. Tắm rửa sạch sẽ ăn cơm mới ngon.

Tôi cười trừ âu yếm nói với ngoại:

- Tụi con có khi bẩn hơn thế nầy nữa ngoại à. Lu nước ngoại có còn kê chỗ cũ không? Tối quá, con sợ ma.

Ngoại gắt khẽ:

- Ma với cỏ gì. Lớn đầu rồi mà cứ như còn nhỏ lắm. Ra tắm đi, để ngoại dọn. Bữa nay trăng lên sớm lắm.

Tôi đứng dậy lên nhà trên lấy áo quần sạch. Tiếng ngoại gọi với theo dặn dò, lu nước vẫn ở nguyên chỗ cũ, còn cái gáo dừa đã bị sút cán rồi.

Ngôi vườn tĩnh mịch óng ướt dưới trăng. Những thân cây dừa phía xa in hình đen thẫm. Tiếng nước dội ào ào leng keng thành lu khua động lũ côn trùng. Chúng im bặt lắng nghe rồi lại tấu nhạc liên miên. Không khí trong lành, gió mát thổi từ bờ ruộng mía đã gặt như còn thơm mùi mía nướng lẫn mùi đất ngai ngái. Một đỉnh đồi đen đậm lặng lẽ phía xa. Tôi lại nhớ đến những trái móc tím ngắt, những vồng sắn thẳng, xanh, những buổi chiều rong chơi thanh thản.

- Nghi ơi, tắm xong chưa. Tắm mãi khéo lại cảm lạnh bây giờ. Vào mà ăn cơm chứ.

Tôi mát mẻ trong bộ quần áo sạch đi vội vào nhà. Cơm đã dọn sẵn sàng trên bộ ván gõ. Chiếc mâm gỗ nổi vân trông đẹp quá dưới ánh đèn dầu. Tôi ăn uống ngon lành. Món ăn thích khẩu. Vị ngon đậm đà. Những miếng dừa vàng mật, ngọt mặn, bùi và béo. Dĩa mắm cá thính kho bay mùi thơm đậm đà. Trái ớt xiêm trắng cay xé lưỡi. Một ly nước dừa trong cho bữa tráng miệng. Làm sao tôi quên được. Ngần ấy trở đi trở lại mà vẫn ngon, vẫn mặn mà, vẫn thèm thuồng khi thiếu vắng.

Cơm nước xong xuôi, hai bà cháu dắt nhau ra ngoài hiên. Mùi hoa sói, hoa vạn thọ như sực nức. Trăng đã lên chênh chếch. Chắc ngày mai, ngoại mới hái bông vạn thọ đem bán. Tôi nghĩ. Mùa vạn thọ năm nay được mùa dữ. Dưới ánh trăng loang loáng, những chiếc bông vạn thọ ẻo lả ngả nghiêng che gần hết lá. Hoa mồng gà vươn thẳng cứng đơ như mầm chú gà trống đang sung sức. Luống hoa cải mới mọc cây non làm thành một tấm thảm đen chạy dọc ven hàng giậu dâm bụt. Ánh trăng chưa đủ soi sáng vào những dải cải xanh non. Những hàng dừa cao cười cợt trong gió, lá bóng lên như ướt nước. Tràng hoa dài ngà trắng thật rực rỡ trong bóng đen thẫm của ngọn dừa.

Tôi ưỡn người hít vào thật mạnh. Toàn thân sảng khoái chơi vơi. Tôi thấy mất hết cảm giác mệt nhọc của chuyến đi. Tôi bóc những chiếc bánh đậu xanh đưa cho bà. Bà nhấm nháp ít mà tôi thì ăn thật nhanh. Bình nước chè tươi chả mấy chốc đã vơi dần. Ngoại thong thả hỏi tôi đủ mọi chuyện, từ chuyện học hành của từng đứa cháu đến chuyện gia đình. Được biết tất cả đều bình yên, ngoại thở phào.

- Ngoại đã già quá rồi. Sống chết không biết lúc nào. Chỉ mong con cháu làm ra ăn nên. Như thế là ngoại vui lắm. Ừ, mà ngoại không hiểu lúc chết có còn gặp được tụi bây nữa không. Nhưng mà thôi, chết là hết, miễn các con các cháu nhớ ngoại, nhớ mảnh đất nơi mà tụi bây sống và lớn lên ở đó.

Tôi bùi ngùi nhìn ngoại. Da ngoại đã trổ đồi mồi. Tóc đã bạc gần hết. Lưng ngoại hơi cong. Chỉ có giọng nói của ngoại là còn mạnh. Nhưng biết đâu đấy. Đời sông của ngoại bây giờ như sợi chỉ mành. Sống chết bất chợt. Có tiếng đại bác ì ầm ở phía xa, ánh hỏa châu làm hồng lên khoảng mây trắng. Tôi đưa ngoại vào nhà trong nằm nghỉ. Ngọn đèn dầu đã tắt. Ánh trăng lồng lộng qua khung cửa sổ. Tôi thấy mắt ngoại như ươn ướt.

- Đôi lúc ngoại nhớ con nhớ cháu lắm, nhưng ngoại biết làm sao. Ngoại không bỏ nơi nầy mà đi được. Đến chết ngoại cũng không bỏ mảnh đất nầy.

Tôi an ủi ngoại:

- Tiện dịp con sẽ về thăm ngoại luôn mà. Ngoại yên chí. Con cũng thương mến quê mình lắm, nếu không có chiến tranh, con cũng không dễ gì bỏ được nơi nầy đâu ngoại.

- Tụi bây cứ đổ lỗi cho chiến tranh. Tại mình không biết thương đất chứ đất nào mà không nuôi dưỡng mình.

Tôi bỏ mùng cho ngoại rồi trở lại ra sân. Ngoại trách con cháu ngoại là phải lắm. Quê hương thật đẹp, thật hiền, thế mà ai cũng nỡ bỏ đi. Nhưng ngoại ơi, có ai lại không sợ cái chết. Chết bất chợt, chết một phần người, thiếu thốn một vài bộ phận trong cơ thể, bao nhiêu những hình dung, ngần ấy nỗi lo sợ cho mình, cho tương lai con cái đã khiến cho nhiều người ra đi. Nói thế nào cũng được, trách thế nào cũng phải. Chỉ bây giờ, riêng con, một mình về đây thăm ngoại, ước mong được uống nước dừa ngọt ngào, nhai vài khúc mía thơm. Ngày con về, mía đã qua mùa, dừa mới trổ hoa. Nhưng ngoại vẫn có dừa cho con uống, có xác dừa để kho mặn. Điều đó con không bao giờ quên.

- Hò khoan, ới à khoan hò khoan...

Theo tiếng gió, tôi nghe thoang thoảng đâu đó câu hát hò khoan quen thuộc. Tôi nghĩ thầm bây giờ mà vẫn còn những con thuyền, những câu hò khoan ư? Sông không xa lắm. Kim đồng hồ mới chỉ hơn 8 giờ. Cả xóm gần như đã ngủ yên. Nhưng chắc chắn ngoài bờ sông sẽ rộn rịp lắm. Những thuyền đánh cá, những đứa trẻ tắm đêm nô đùa, vang vọng câu hò khoan trữ tình, cũng đủ phá tan cảnh im lìm. Tôi khép sơ cửa ngõ, bước ra đường. Con đường mòn trước nhà dẫn ra sông vẫn còn đó, lặng yên và trắng toát dưới trăng. Những ngọn cỏ non quấn quít bước chân đi. Ruộng mía trải rộng trước mắt. Tôi chợt nhớ đến một đêm trăng thật xa, khi còn nhỏ. Có lần ngoại đã dẫn tôi băng ngang qua ruộng mía đang rộ mùa để lén vượt trạm canh gác, đến sân vận động coi hát. Tiếng trống bập bùng réo gọi không át được nhịp tim đập mạnh trong lòng hai bà cháu. Cơn sợ làm cứng người lại khi nghe thấy bước chân mình gây tiếng động khá lớn. Những lá mía sắc nhọn cứa vào hai cánh tay, cổ, mặt, buốt xót. Lâu lắm mới có một cuộc vui, nhưng chỉ để dành cho cán bộ cùng những đoàn thể. Do đó, hai bà cháu cũng như nhiều người trong xóm lợi dụng ruộng mía rậm rạp đi tắt đến nơi trình diễn. Nhưng lúc tới nơi, buổi hát đã bắt đầu, người đông như nêm cối và được bao bọc bởi một vòng dây dừa có người canh cách khoảng. Hai bà cháu chỉ đứng được ở phía sau lưng sân khấu. Qua kẽ hở của vách phên và những cơn gió bất chợt tung tấm màn che sân khấu và hậu trường, tôi chỉ thấy được những cử động, chéo áo quần lòe loẹt rồi thôi. Còn tiếng hát thì theo gió vọng lúc được lúc mất. Thất vọng, bà tôi kéo tôi ra về. Và tối hôm đó, tôi đã thức đến khuya, đứng trước cửa nhà ngong ngóng nhìn ra phía sông và ước mong đừng có ruộng mía xanh um trước mặt.

Kỷ niệm cũ về chập chờn cùng lúc với bước chân đi. Tất cả như thật gần, gần đến nỗi tôi cứ ngỡ sân khấu vẫn còn đấy, trong sân vận động toàn trồng dừa. Nhưng hiện tại chỉ có những cây dừa thẳng thớm dưới trăng. Chỉ có khoảng sân rộng để đá banh cỏ mọc tràn lan. Thời thơ ấu đã trôi đi, vật đổi sao dời.

Có tiếng trẻ em reo cười, lẫn trong tiếng dập dình trong trẻo của bánh xe quay nước. Dòng sông đã mở rộng trước mắt, lấp lánh ánh bạc. Giòng nước lặng lờ trôi xuôi. Cái bánh xe quay nước lăn tròn mang theo những đợt nước ròng rọc chảy xuống như thác, cùng các thân hình nhễ nhại, bóng lộn trần trùng trục dưới trăng. Tôi ngồi xuống chỗ cát khô nhìn ra sông. Rải rác đó đây vài chiếc thuyền lưới im lìm làm việc. Tiếng hò khoan đã mất hút từ bao giờ. Đèn nhà ai le lói bên kia bờ soi xuống bóng nước dập dềnh sóng nhỏ. Cái im lặng thoải mái, khoảng khoát mơ hồ. Tôi thấy quê hương mình đáng yêu quá. Tôi muốn ngoại ở lại nơi nầy vĩnh viễn. Tuổi già của ngoại phải được hưởng trọn những giờ phút cuối cùng cái không khí thơm lành này. Tiếng súng, tiếng bom khó mà xóa hết được thiên nhiên và cảnh oai nghi ngàn đời của quê hương. Ngoại phải ở lại đây và tôi phải năng về. Nhớ ngày xưa mỗi lần đi chơi xa, ngoại không đánh mà chỉ trách khẽ rằng sao cháu lại bỏ đi chơi xa như vậy. Cháu không nhớ gì đến bữa cơm cả. Bây giờ cháu về ăn chỉ một mình, cơm đã nguội, thức ăn vơi, cháu có thấy ngon không, và cháu có buồn chán không? Thuở ấy cháu chỉ thấy buồn vì không làm vui lòng bà, nhưng bây giờ, cháu thấy thấm thía biết bao câu nói bình dị ngày xưa. Hồi chiều bà đã trách con cháu sao không nhớ gì nơi chôn nhau cắt rún. Điều đó không hẳn là vì ngoại sợ cô độc lúc gần đất xa trời phải không ngoại. Mà ngoại sợ con cháu mình sẽ quên đi đường về, quên mất bóng mát quê hương.

Sương đã xuống nhiều. Lành lạnh. Tiếng trẻ con reo cười đã mất hút từ lâu. Chỉ còn tiếng bánh xe quay nước lên xuống nhịp nhàng. Những chiếc thuyền câu cũng biến mất trên sông. Đằng xa, bên kia bờ, hai trái hỏa châu vàng vọt lơ lửng. Đại bác đì đùng vẳng lại, trong đêm nghe rõ mồn một. Tôi quay trở về nhà. Đường đi nhòe nhoẹt màu sương đêm và ánh trăng. Phía phố, đèn con sáng rỡ, nhưng phía xóm chỉ có vài tiếng chó sủa dài. Đất ruộng mía vỡ ra kêu lộp rộp dưới bước chân. Nơi này, nơi kia, biết bao kỷ niệm đầy ắp. Nghĩ đến vài hôm nữa phải rời ngoại, xa miền đất thân yêu nầy, tôi thấy lòng mình lành lạnh.

*

- Nghi ơi, có chà là và mật ong rừng đây nè, để ngoại mua về cho ba má mầy nghe. 
 
Tiếng ngoại kêu dập dồn phía trước. Tôi bỏ dở trái dừa khô đang tách vỏ chạy vội ra ngoài. Những tảng mật ong ướt nhẹp, lỗ chỗ đen trắng nằm ngọt ngào trong cái chậu nhôm nhỏ. Một thúng chà là đen, trái mập mạp tươi tốt kế bên. Bà bán hàng đang phân bua với ngoại:

- Già mua tui mới bán rẻ, chớ dạo ni mật ong hiếm lắm. Phần đi rừng không được, phần ong cứ bay vô rừng sâu nên họa hoằn lắm mới có được một tổ. Nể già lắm tui mới bán. Ông quản trên kia năn nỉ ứ hơi mà không được đó.

Chợt thấy tôi, bà hàng ngước lên nhìn rồi đon đả:

- A, đây có phải là... là... cậu...

Ngoại cười đỡ lời:

- Nghi đó mụ, thằng Nghi ưa ăn chà là của mụ hồi xưa đó.

- Trời ơi, té ra cậu nghi đó hả. Lớn quá, tui nhìn thấy ngờ ngợ. Chắc cậu về ở luôn với ngoại phải không? Mà cũng phải đó cậu, ngoại già rồi, con Ba chỉ là thân thích xa, nó đâu bằng con cháu. Rủi đầu hôm, sớm mai, ngoại có bề gì cũng có người thân kẻ sơ.

Tôi nghẹn ngào nhìn ngoại. Mắt ngoại đẫm ướt, ngoại vít lấy vai tôi kéo xuống rồi bảo:

- Không mụ à, thằng Nghi nó về thăm tôi ít ngày rồi lại trở vô Sài Gòn. Chiều ni là nó đi rồi. Tụi nó còn trẻ phải bay nhảy để kiếm ăn, để học khôn với người ta.

Bà hàng bĩu môi có dáng không bằng lòng:

- Chớ bộ đất mình không nuôi sống nổi người sao. Già, tôi, bà con cô bác ở đây đã sống mấy đời, có ai chết chóc đâu.

Ngoại lắc đầu:

- Mình khác, chúng nó khác mụ ạ. Thôi đi bán hàng đi, để thau mật lại cho tôi, đong luôn hai lon chà là, rồi tính tiền luôn.

- Ừ, tui cũng đi bán lẹ cho hết thúng chà là nầy. Tui lấy giá 200 đồng thau mật, lấy rẻ đó nghe, còn hai lon chà là thì đưa cậu Nghi ăn cho vui. Thôi tui đi nghe già, cậu Nghi vô mạnh giỏi nghe!

- Cám ơn mụ - Cám ơn bác.

Ngoại và tôi cùng nói.

Sau khi bà hàng đi rồi, tôi và ngoại vào nhà sửa soạn đồ đạc. Chiều nay tôi sẽ rời bỏ nơi này. Khó có thể nói trước ngày trở lại thăm quê lần khác một cách chắc chắn. Nhìn ngoại xăm xúi rót từng chén mật, gói những chiếc bánh tráng dừa bỏ vào xách, tôi cảm dộng muốn khóc. Ôm lấy vai ngoại, tôi ngập ngừng muốn nói với ngoại, mời ngoại về sống với gia đình, ba má tôi. Nhưng đời nào ngoại nghe lời cháu phải không ngoại. Cháu thật tình cũng không muốn ngoại bỏ nơi này mà đi. Nhưng ngoại lại quá già. Cháu sợ một mai rủi ro. Sợi chỉ mành treo cuộc đời của ngoại với tình quê cha đất tổ mà lại dai dẳng và kiên trì biết bao. Khi sợi chỉ đứt, ngoại lại cũng chỉ rơi vào phần đất quen thuộc ngọt ngào mía dừa. Cháu cảm phục ngoại quá. Nỗi lo lắng, lòng tin vào ngoại, sự cảm phục tình quê hương mà ngoại có sẽ là hành trang nặng nhất của cháu. Tôi nói với ngoại ý nghĩ của tôi. Mắt ngoại tràn lệ mờ, nhưng mặt ngoại lại vui mừng. Ngoại nắm tay tôi và bảo:

- Con phải nói lại với ba má con điều con vừa nói với ngoại. Đó là điều ngoại đã nghĩ đến, phải nói là điều mà lòng ngoại phát xuất không biết tự đâu và tự bao giờ. Ngoại muốn con hãy cùng ra đây với ngoại, hãy nhìn lại lần chót trước khi đi hàng dừa xanh, ruộng mía, con sông, những nơi mà thời thơ ấu con đã chơi, đã chạy, đã nhảy nhót. Ngoại tin rằng con sẽ ghi lại được những hình ảnh thân yêu mà may mắn vẫn còn tồn tại nguyên vẹn cho đến bây giờ. Mai nầy, chiến tranh có thể tàn phá tất cả, hoặc một phần, ngoại có thể nhắm mắt trước khi con cháu tề tựu, chừng đó, con sẽ thấy mất mát biết bao. Ra đây, con hãy nhìn thật kỹ, tô đậm lại đường nét kỷ niệm đã mờ đi vì thời gian. Ra đây với ngoại, Nghi.

Ngoại nói văn hoa như một văn sĩ.


KIM HÀI         
(sóng vàng)       

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 120, ra ngày 15-12-1969)



Không có nhận xét nào: