Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

TIẾNG HÓT QUÊ XA - Vũ Tương Như

  

Nếu có lần phải viết về quê hương, những điều Xuân biết chắc chẳng hơn gì ngoài những lời mẹ Xuân kể lại.

Những đêm sáng trăng, khi chị Duyên đang mải thu mâm, bóng trăng tròn đỏ âm thầm lên trên ngọn tre bên làng xa, mẹ lại dẫn Xuân ra ngồi dưới giàn thiên lý, trên chiếc ghế đá vừa thấm lạnh hơi đêm. Xuân ngồi cạnh mẹ, đưa mắt nhìn trăng qua cành lá, gió nhẹ thổi rung rinh. Trong cơn gió như còn vương vấn hơi nước của dòng sông chảy thật xa và hương thơm dìu dịu của hoa thiên lý. Những chùm hoa trắng nhỏ buổi sáng nở êm đềm. Một mùi thơm trinh khiết phảng phất trong gió nhẹ, tỏa bao la trong trời đêm rất mong manh nhưng cũng thật là quyến luyến, bền chặt. Trăng vừa lên cao, giàn hoa thiên lý ngờm ngợp trong ánh sáng huyền ảo, gió xa thổi về làm giao động màu trăng cành lá. Mẹ lại bắt đầu kể chuyện, bao giờ cũng chỉ là chuyện quê hương của mẹ.

Từ ngày rời bỏ nhà xưa, lên sống nhờ nhà một người bà con, mẹ ít khi còn kể chuyện cổ tích cho Xuân nghe. Nhớ thương chan chứa trong lòng, mẹ cần phải thổ lộ với con cho nhẹ bớt tâm sự của một kẻ lìa xa quê cũ.

Phải rời bỏ quê hương, sống ở một thành phố nhỏ, mẹ bao giờ cũng mang mang trong lòng sự tiếc nhớ không nguôi: mái rạ tiêu điều, lối ngõ mòn xơ xác, lá tre và nhất là chiếc cổng gạch lâu đã bao đời ngun ngút màu rêu. Tất cả đối với mẹ đều là những hình ảnh yêu dấu. Xa quê mẹ buồn ghê lắm. Nhưng tình thế đưa đẩy không thể nào sống được trong cảnh bom đạn đe dọa bên mình. Có những đêm, giặc về khủng bố xóm bên kia sông, lửa bốc lên hừng hực, đỏ rực cả một phía chân trời. Nửa đêm mẹ Xuân đã phải bồng bế mấy đứa con dại chạy sang một làng tương đối yên ổn. Rồi sáng hôm sau, xóm làng dần thưa tiếng súng, mẹ con lại dắt díu nhau về. Qua một đêm, nhà cũ bao giờ cũng có sự đổi thay. Hôm thì lũy tre bên ngõ bị bật rễ văng đi một quãng xa, hôm thì cây bàng già trước cổng bị trốc gốc nằm ngáng giữa đường. Cảnh nhà cũ không còn êm ấm nữa, những hố xoáy sâu hoắm trong vườn, những cảnh hoang tàn của bom đạn đã bắt buộc mẹ phải từ bỏ quê hương dù còn nhiều nuối tiếc, luyến lưu. Đó là lần đi xa đầu tiên trong đời mẹ, kể cả khi lấy chồng mẹ cũng chẳng rời bỏ mảnh đất thân yêu. Cha Xuân, như một cánh chim trời phiêu bạt chẳng bao giờ ông chịu ở nhà lâu. Dù sống với gia đình ấm cúng, hình như cha Xuân vẫn cảm thấy bứt rứt không yên. Buổi chiều ông dẫn chị em Xuân ra bờ đê hóng mát. Gió sông lồng lộng thổi. Đi bên hàng nhãn lá dầy xào xạc, nhìn ra dòng sông trước mặt bao la và bóng chiều hiu hắt, những con chim nhạn vẫn tung cánh bay êm, mộng hải hồ chợt sôi sục trong lòng, ông lại lặng lẽ dẫn Xuân về. Những lần đi chơi như thế thật nhiều nhưng Xuân không thể nào nhớ hết. Xuân chỉ nhớ có một lần khi trèo lên đê, bờ cỏ may xanh mượt làm ông trượt chân, Xuân bị mất thăng bằng ngã sóng soài trên mặt cỏ. Thân cỏ non mềm mát nên ngã chẳng đau gì, Xuân cũng vờ khóc để được cha bế lên và vỗ nựng trong lòng, ông chê Xuân là con trai mà hay nhè và nhát như thỏ đế. Chiều hôm ấy cha bế Xuân đi dạo mãi tối mịt mới về. Sóng lớn vỗ dào dạt dưới bãi, gió sông đêm thổi lạnh buốt da thịt. Xuân rúc đầu vào ngực cha và ngủ thiếp đi trong hơi ấm êm đềm. Sáng sau khi Xuân dậy thì mẹ bảo cha đã đi rồi, mẹ buồn và làm việc nhiều hơn những ngày chồng còn ở nhà. Chiều chiều bà cũng dẫn chị em Xuân ra bờ đê ngồi dưới hàng nhãn gầy, Gió sông thổi rối bời mái tóc. Mẹ nhìn những cánh nhạn chao bay giữa dòng để nhớ đến hình ảnh người chồng sương gió miền xa.

Buổi chiều trước ngày ra đi, mẹ cũng dẫn Xuân ra ngồi ngoài bờ đê, mắt nhìn bâng khuâng về cuối chân trời, mơ mộng một hình ảnh nào rất xa xôi trở về mong manh như sương mù lan nhẹ ngoài xa. Bầy nhạn nhỏ vẫn thả cánh trên sông chiều lộng gió. Chim trời chưa mỏi cánh, biết bao giờ cha mới trở về. Mẹ mỏi mắt trông đợi. Chiều chậm xuống, gió đêm xoáy buốt da thịt và tê tái tâm hồn. Nghĩ đến ngày mai phải ra đi, chồng vẫn không về, mẹ ôm Xuân vào lòng khóc nức nở. Xuân chẳng biết lúc đó mình có khóc không? Xuân chỉ nhớ khi về cảm thấy tóc mình ẩm ướt, không rõ vì nước mắt mẹ hay đêm về sương xuống quá mau. Buổi sáng mẹ dậy sớm nấu cơm rồi bó bằng mo cau thật chặt mang đi ăn dọc đường. Xuân cũng dậy sớm hơn mọi ngày. Ngồi trong giường Xuân thấy mẹ lang thang trong vườn, có lẽ mẹ đi giã từ những cảnh vật yêu dấu của mẹ, mà linh cảm cho mẹ biết rằng có lẽ đây là lần sau chót trong đời. Từ hàng cau già lá rủ xác xơ, hàng nhãn gầy bên ngõ, đến từng luống khoai, từng mảnh rạ trong vườn... Đâu đâu cũng là kỷ niệm làm cho mẹ xúc động và tiếc đến ngẩn ngơ. Mẹ dìu chị Duyên ra ao. Xuân thoáng nghe tiếng vỗ nước thật nhẹ, chắc mẹ và chị đang rửa chân ngoài cầu ao trơn rêu.Sương sáng xuống nhiều và lạnh, trăng lưỡi liềm nằm mờ ảo trên ngọn tre. Khi mẹ và chị Duyên vào, trên khuôn mặt mẹ chẳng biết nước ao mẹ vốc rửa mặt hay nước mắt đầm đìa. Thấy Xuân đã dậy, mẹ bảo Xuân còn sớm nằm xuống ngủ rồi trời sáng còn phải đi xa.

Tháng ngày chạy loạn lang thang nhiều nhọc nhằn gian khổ. Vất vả và lo nghĩ làm mẹ gầy xọp đi, mái tóc mẹ bắt đầu chớm hoa râm. Lớn lên, có bao giờ nhớ đến hình ảnh nào sương gió nhất trong đời, Xuân lại nghĩ đến khuôn mặt đau thương của mẹ: hai má hóp vào, cặp mắt quầng tím vì những lần thức trắng đêm, âm thầm khóc nhớ về nhà cũ và người chồng đi biệt trong thời loạn ly. Chiếc khăn voan mẹ quấn trên đầu bạc phếch vì mưa nắng và gió bụi chiến tranh. Rồi một hôm bơ vơ chẳng biết về đâu, mẹ dẫn chị em Xuân đến ở nhờ nhà một người bác họ ở ngoại ô một tỉnh nhỏ buồn. Ngôi nhà có vườn và một giàn hoa lý, qua con đường trải đá là một cánh đồng rộng, xa là làng nhỏ nằm yên lành bên dòng sông dài Xuân chả biết tên. Ở đó, ngày ngày mẹ phải quẩy gánh đi bán hàng rong tận trong thành phố. Đi từ sáng sớm, chạng vạng tối mẹ mới trở về. Ở nhà, Xuân buồn nên đi chơi lang thang cả ngày. Nhưng mỗi chiều, Xuân vẫn nhớ trở về và đứng đón mẹ ngoài đầu con phố hẹp. Gió đồng thổi vào lành lạnh. Mẹ lại dẫn Xuân về trên con đường đá dăm xào xạo dưới chân. Lần nào cũng thế, dù hàng bán ế hay chạy mẹ cũng không quên mua cho Xuân một gói bánh nho nhỏ và dặn Xuân nhớ để dành cho chị Duyên, phải ở nhà trông coi mấy đứa con của bác. Mẹ thương con và tủi thân, nhưng chẳng biết về đâu nên nhiều khi chị em Xuân có bị thiệt thòi mẹ cũng chẳng bao giờ muốn nói. Những đêm trăng, dù ban ngày phải đi bán hàng vất vả, mẹ cũng không quên dẫn Xuân ra ngồi dưới giàn hoa lý và kể chuyện quê hương. Gió sông đêm thổi về dạt dào như nỗi nhớ nhà của mẹ. Xuân lại đem những chiếc bánh còn lại buổi chiều ra ăn. Khi trăng lên cao, sương xuống dầy loáng ướt cả giàn lá trên đầu, Xuân thiu thiu ngủ và lần nào mẹ cũng phải bế Xuân vào. 

Những buổi sáng dậy muộn, chị Duyên đã đi chợ và mẹ đi bán hàng từ sớm. Căn buồng nhỏ trống trải ngập màu nắng sáng. Ngoài khung cửa sổ, trên cây hoàng lan, những mảnh nắng mềm chảy mát trong bụi lá xanh. Đôi chim khuyên nhỏ màu mỡ hót rất líu lo. Những tối nghe chuyện mẹ kể, buổi sáng nghe chim khuyên hót, Xuân đã cho là hạnh phúc nhất đời và chẳng dám ước mơ gì hơn nữa. Hồi đó với tâm trí thảnh thơi, mơ ước của Xuân cũng thật nhỏ nhoi giản dị. Nhưng sáng nào trở dậy, nhìn cây hoàng lan nắng xanh màu lá, đôi chim khuyên nhảy rất nhí nhảnh trên cành và hót mải mê, Xuân đã quên hết những ngày tủi nhục: ăn cơm trộn với nước dưa khú hay nước rau muống luộc hôi nồng mùi đất và bỗng chốc thấy đời mình trở thành thần tiên lạ lùng. Tâm hồn chới với, một thoáng như muốn bay cao. Rồi lớn lên, hoàn cảnh tủi nhục và những niềm vui nhẹ hồn nhiên đó không bao giờ trở lại trong đời Xuân nữa. Vì một ngày nào Xuân không nhớ rõ, cha đã trở về. Ngày từ bỏ miền ngoại ô tỉnh nhỏ theo cha mẹ vào Nam, xa ngôi nhà trọ Xuân chỉ nhớ đến giàn hoa lý mỗi đêm trăng, Khu phố không tên yên tĩnh và nhất là những buổi sáng đôi chim khuyên ríu rít trong bụi lá xanh. Xuân nhớ quê hương, nhớ con đường làng mờ dấu chân trâu, bờ đê xanh những chiều lộng gió... tất cả chỉ là những hình ảnh mơ hồ, mà khi nghĩ đến thoáng gây cho Xuân một sự xúc động len nhẹ trong lòng, cũng như những lần chợt ngửi thấy hương hoa lý thoảng nhẹ trong đêm. Nhưng nếu một lần được nghe chim khuyên hót vu vơ, cũng đủ gợi lại cho Xuân một thời thơ ấu lầm than.

Nhiều lần khi nhớ về quê hương, nhớ về một thời niên thiếu xa xưa, Xuân đã nghĩ rằng tiếng chim xưa cũng như thời thơ ấu của chàng chỉ một lần qua đi rồi chẳng bao giờ trở lại. Xuân muốn mang tâm trạng của người xa trường cũ, còn được nghe tiếng ve rả rích trong chiều, còn được nhìn màu hoa phượng đỏ hay mái ngói cũ rêu để thấy trong lòng rạo rực nhớ đến thời cắp sách thần tiên. Xuân cũng muốn như cha chàng, chỉ cần một cảm giác của cỏ gianh sắc cạnh cứa vào da thịt, cũng đủ làm cho ông bồi hồi nhớ đến quê hương và một thời ngang dọc trên núi đồi cao nguyên miền bắc. Xuân vẫn hy vọng một sáng nào thức dậy, chợt nghe tiếng chim khuyên hót bên ngoài dù chỉ một lần Rồi cả thời ấu thơ sẽ hiện về rõ ràng trong tâm trí và ngậm ngùi nhớ đến quê xa.


VŨ TƯƠNG NHƯ        

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 68, ra ngày 1-5-1967)


 

Không có nhận xét nào: