Thứ Ba, 18 tháng 4, 2023

ƯỚC MƠ THANH BÌNH - Trần thị Hậu

 


Khi quyển lưu bút của nhỏ Hạnh chuyền tới tay Thảo, Thảo đã sửng sốt kêu lên: "Trời ơi! Hè rồi à?" Lũ bạn ngồi cùng bàn Thảo cười rũ ra, một chị trêu Thảo: "Từ khuya rồi bồ tèo ơi". Chị khác trêu: "Chắc hắn ngủ mê chúng mày ạ". Nhưng không, tự nhiên Thảo nghe mắt mình cay cay, thẫn thờ, Thảo lật từng trang Lưu Bút của bạn và Thảo không thể cười vui như các bạn được. Cả tuần nay ngồi trong lớp học nhìn ra sân những tà áo trắng bay lượn tung tăng, những tiếng cười đùa đã báo cho Thảo biết sắp nghỉ hè. Một vài lớp đã được chơi, học sinh  sung sướng vì tới trường không phải học bài, làm bài. Chỗ này chụp hình kỷ niệm, chỗ kia tụm năm tụm ba trò chuyện, dặn dò nhau trước khi chia tay. Ở lớp Thảo các giáo sư chưa dạy hết chương trình nhưng nhìn lại lớp học Thảo thấy chỉ còn độ một phần ba lớp. Với số học sinh ít ỏi đó và dù lớp Thảo là đệ tam nhưng các thầy, các cô vẫn tận tâm dạy hết chương trình. Thảo thương mến Thầy Cô ở chỗ tận tâm đó mà cũng vì Thảo sắp phải xa trường, xa lớp, xa Thầy Cô, bạn bè. Hồi giữa năm khi nghe mẹ bảo Thảo chỉ được học hết năm nay rồi nghỉ, Thảo đã mong những ngày tháng còn lại của nửa năm học dài thêm ra. Thảo không còn mong hè như mọi năm. Thảo không để ý hay đúng hơn là không muốn để ý đến thời gian đang qua mau cho đến một hôm sắp hàng chào cờ nhìn thấy những cánh hoa Phượng nở đỏ một góc sân trường, Thảo đã sững sờ lặng người đi và để mặc nước mắt tuôn trào.

Thảo ngồi nhớ lại ngày Thảo mới vào đệ thất. Nhìn Thảo vui mừng, xúng xính trong chiếc áo dài mới và hãnh diện với đan em đang vây quanh trầm trồ, ba mẹ Thảo như cảm thấy vui lây. Rồi ngày ngày Thảo được ba chở đi học trên chiếc vespa màu xanh mà ba Thảo tậu được khi mới vào Sàigòn. Mỗi ngày trên đường về nhà Thảo huyên thuyên kể chuyện trong lớp học, nào là hôm nay làm toán được 17 điểm, trả bài 15 điểm. Ba Thảo sung sướng gật gù khen:

- Ừ, con gái ba giỏi lắm.

Hay:

- Thế nào năm nay con cũng được phần thưởng, ngày ấy dù bận gì ba cũng đi dự để được hãnh diện về con gái của ba.

Và lần nào Thảo cũng đòi thêm:

- Cả mạ đi nữa nghe ba.

Mỗi tối sau khi cơm nước xong ba dạy chị em Thảo học. Em út còn bé ngủ trong lòng mẹ. Tới 9 giờ, ba vui vẻ ra lệnh:

- Nào, cho các con nghỉ, chừ lại đây ba kể chuyện.

Sau đó một màn tranh chỗ ngồi xảy ra. Đứa nào cũng muốn ngồi gần ba để nghe cho rõ.

Con bé đòi:

- Ba ơi, kể truyện "Công chúa ngủ trong rừng" đi ba.

Thằng Tý phản đối:

- Truyện ấy biết rồi. Kể truyện "Bạch Tuyết và bảy chú lùn" đi ba. Bảy chú lùn bé bằng ngón tay con hở ba?

Nói rồi thằng bé giơ ngón tay cái trước mặt ba, đợi ba trả lời xong nó mới chịu ngồi yên.

Đến lượt thằng cu:

- Ba kể chuyện mấy ông cao bồi "quánh" nhau đi ba.

Rồi lại con Hằng, con Thúy đứa nào cũng đòi ba kể những chuyện mà chúng thích. Riêng Thảo, Thảo không muốn nghe truyện cổ tích. Đợi các em tranh nhau xong Thảo mới đưa ý kiến:

- Ba kể chuyện ba mạ ngày xưa đi ba.

Thế là lũ nhỏ nhao nhao:

- Chuyện ba mạ hở?

- Có giống chuyện bà Tiên không ba?

Ba cười lớn. Mạ ở giường bên đưa tay lên môi "suỵt" nhỏ:

- Im nờ, con út đang ngủ đấy!

Thảo rầy em:

- Tụi bây im đi cho ba kể.

Rồi Thảo dục:

- Kể đi ba, hồi nớ ba ở Hà Nội làm răng mà quen với mạ được.

Lũ trẻ đã chịu ngồi yên, ba kể:

- Hồi đó nghỉ hè, ba với mấy người bạn vô Huế chơi. Ba gặp mạ con bán hàng ở chợ Đông Ba, ba làm quen, rồi cưới mạ con, rồi... hết.

- Rồi sinh ra tụi con nữa mới hết chứ ba.

Ba và chị em Thảo cười vang làm con út giật mình khóc, mạ vừa dỗ nó vừa cằn nhằn.

Thảo vẫn chưa chịu:

- Chuyện ba mạ đâu có ngắn như rứa. Con nghe mạ nói hồi nớ chia đôi đất nước ba vô đây có một mình mà, mạ cũng đâu đã thấy ông bà nội.

Ba lại kể, lần này dài hơn:

- Kỳ nghỉ hè đó ba mới để ý đến mạ con thôi. Khi chia đôi đất nước ba vô đây một mình vì ông bà nội không muốn bỏ nhà cửa ruộng vườn, còn ba không thể ở lại được. Ba vô Huế, sau đó quen với mạ con. Nhưng ôn mệ con khó lắm đâu chịu gả mạ cho ba, sau ba phải nhờ bạn bè...

- Rồi ba có cưới được mạ không ba?

- Không cưới được mà có tụi bây à. Thằng ngu như bò Thảo mắng em.

Thằng Cu ngớ ngẩn:

- Ừ hỉ!

Thảo nhìn bộ mặt thằng bé Thảo thật tức cười.

- Ông bà nội đâu có biết mạ với tụi con, rồi ông bà nội có thương mạ với tụi con không ba?

- Có chứ! Ông bà nội thương các con lắm.

Con Bé lúc nào cũng muốn "nhất":

- Bà nội thương con nhất nhà phải không ba?

Thế là con Hằng và con Thúy tranh:

- Bà nội thương tao nhất chớ bộ.

Rồi đến lượt thằng Tý:

- Còn ông nội thương con nhất phải không ba?

Con Hằng chợt hỏi:

- Chừng nào ba dắt mạ với tụi con về thăm ông bà nội ba?

- Nhà ông bà nội có xa không ba?

Nghe các con tranh nhau hỏi ba cười trả lời chung:

- Nhà ông bà nội ở ngoài Bắc lận, nhà ông bà nội có vườn lớn lắm. Có cây ổi cho con Thảo vì con Thảo thích ổi, có cây nhãn cho chung mấy đứa nhỏ.

Thằng Cu thắc mắc:

- Chừng nào ba mới dẫn tụi con về thăm ông bà nội hở ba?

- Khi nào hòa bình ba sẽ dẫn mạ và các con về thăm ông bà nội. Chắc ông bà mừng lắm.

Con Bé reo:

- Ba chở cả nhà đi vespa ra thăm ông bà nội nghe ba.

"Khi nào Hòa Bình ba sẽ dẫn mạ và các con về thăm ông bà nội" Thảo tin lời hứa của ba nhưng Thảo tự hỏi: "Chừng nào mới có Hòa Bình?" "Chừng nào ba mới đưa mạ và chị em Thảo ra thăm ông bà nội?" Thảo mỉm cười khi nghĩ lại lời reo của con Bé trong đầu óc non nớt của nó, hình ảnh cả nhà đi chung một chiếc Vespa của ba ra Bắc thăm ông bà nội. Thật ngộ nghĩnh, làm răng cả nhà ngồi đủ trên một chiếc Vespa? Thảo nghĩ khác Thảo mơ một ngày Hòa Bình trong chuyến xe lửa từ Nam ra Bắc cả gia đình Thảo có mặt trong đó rồi suốt trên đường đi Thảo sẽ thấy tận mắt những cảnh đẹp của quê hương. Ôi, quê hương Việt Nam, Thảo nghe bao yêu thương dồn cả vào trái tim hồng nhỏ bé, mặt Thảo đầm đìa nước mắt nhưng nụ cười nở trên môi và như reo vui ôi, những giọt nước mắt sung sướng và hạnh phúc lắm thay.

Nhưng rồi bóng hạnh phúc đi qua gia đình Thảo rất mau. Thiên đàng hạnh phúc ấy không còn nữa khi ba Thảo bỏ mình trong trận chiến ở Hạ Lào. Đó là một cái tang đau đớn nhất trong đời Thảo. Ngày đưa đám cha, con Bé vui nhất nó vừa được một chiếc áo dài như chị Thảo. "Ngày mai đi học em mặc áo dài, choàng khăn mới chị Thảo nhé!". Em Út thì bò ngang bò dọc dưới đất. Nhìn các em thụng thịnh trong chiếc áo tang Thảo đau lòng quá. Chúng con bé chưa biết gì. Em Út chưa biết được mặt ba. Mạ thì như điên dại. Thảo không cầm được nước mắt khi nhìn mẹ gầy đi trong dáng dấp đau khổ. Thảo nghe thương mẹ, thương em và thương mình hơn bao giờ hết.

Ba là cột trụ chính của gia đình, ba mất đi mẹ thay thế nhưng đôi vai mẹ nhỏ bé quá không làm sao chống đỡ nổi trước tình trạng đắt đỏ của mỗi ngày. Tuy thế mẹ vẫn cố gắng cho Thảo và các em ăn học. Với mẹ việc học của chị em Thảo là quan trọng hơn cả. Nhưng rồi sức người có hạn, làm việc quá sức mẹ lâm bệnh nặng. Tiền thuốc thang, nợ nần làm mẹ nhiều khi quẫn trí. Thương mẹ, Thảo muốn nghỉ học dù rằng Thảo cảm thấy luyến tiếc đời sống học sinh không ít. Mẹ Thảo cho rằng với vốn liếng học thức ít ỏi đó Thảo chưa thể làm gì được. Bà muốn Thảo học xong tú tài. Nhưng rồi sự nghèo túng làm bà bất lực. Dịp may có bác của Thảo hứa giúp cho Thảo vào dạy ở trường ông, thế là việc nghỉ học của Thảo đã được quyết định. Thảo buồn, nhưng Thảo phải nghĩ tới mẹ, tới em và Thảo chỉ biết mong thời gian đừng qua mau để Thảo còn được hưởng những ngày vui sống bên thầy cô, bè bạn.

*

Những ngày cuối năm với Thảo buồn chi lạ. Những lời chúc, khuyên nhủ của cô, thầy, những quyển lưu bút của bạn bè đều làm Thảo khóc được. Thảo thương nhất cô Lan dạy Việt văn cô hiền và giản dị. Trước khi chia tay cô không nói nhiều nhưng những lời của cô làm Thảo khóc nhiều hơn cả. Thảo nghĩ tới những ngày sắp tới với nếp sống mới của mình. Thảo sẽ không được ngồi nơi dãy bàn học sinh để nghe từng lời giảng êm đềm của thầy cô nữa mà Thảo sẽ đứng trên kia một mình với bảng đen, phấn trắng. Tự nhiên Thảo cảm thấy bơ vơ, lạc lõng. Thảo nhìn xuống lớp học, những đôi mắt ngây thơ đang mở lớn nhìn Thảo mà trong đó Thảo bắt gặp cả những đôi mắt của em Hằng, em Thúy và cả con Bé nữa. Môi trường Thảo sắp hòa mình vào đó có dễ thương và êm đềm như những ngày còn ngoan ngoãn cắp sách tới trường không? Thảo tự hỏi thế nhưng Thảo tin tưởng ở những ngày sắp tới vì trong môi trường ấy Thảo đã tìm thấy những đôi mắt ngây thơ, hiền lành, dễ mến. Phải, những đôi mắt của em Hằng, em Thúy và của những học trò bé bỏng của Thảo nữa.

*

Sáng nay con lên trường một mình để lãnh thưởng. Năm nay con lại hạng nhất, đó là tất cả sự cố gắng của con để đền đáp lại công lao khó nhọc của mạ và xứng đáng với những lời khuyên nhủ của ba cùng sự tận tâm dạy dỗ của thầy cô. Tối qua con đã tự nhủ sáng mai lên trường sẽ không khóc nhưng ba ơi, khi lên lãnh thưởng nhìn xuống hàng ghế dành cho phụ huynh con đã không cầm được nước mắt. Mọi năm ba ngồi đó, khuôn mặt ba rạng rỡ, tươi vui khi nhìn con ôm gói phần thưởng trong tay. Ba cười hãnh diện với con, con như ngợp lặn trong hạnh phúc ấy. Chừ chỗ nớ không còn ba nữa. Con nghe cay đắng, nghẹn ngào. Ra về nhìn những đứa bạn đi bên ba chúng cười nói hớn hở con tủi thân quá. Phải chi có ba, cha con mình đi ăn kem ba hỉ. Ba thưởng riêng cho con gái ba mờ.

Ba mất đi chưa đầy một năm trong nhà biết bao thay đổi. Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào con cũng nhớ những lời ba khuyên dạy. Bữa trước chú Tám về thăm nhà đem về ít đồ của ba, con Bé vừa thấy đã mếu khóc: "Ba ngủ hoài làm răng chở mạ và em đi thăm ông bà nội được". Những lời của em làm con nhớ những đêm ngồi quanh ba nghe kể chuyện
chuyện của ba mạ con nghe không bao giờ biết chán. Một năm rồi mà con tưởng chừng như mới hôm qua, hôm kia ngồi nghe ba kể chuyện. Mỗi tối ngồi nhắc tới ba con hay hỏi các em: "Bé này, nếu hòa bình Bé sẽ làm chi hở Bé?". Con Bé trả lời chẳng cần suy nghĩ: "Em sẽ kêu ba dậy chở mạ và chị em mình ra thăm ông bà nội". Còn thằng Tý: " Em à, em lau xe cho ba để ba chở mạ và chị em mình ra nhà ông bà nội", "Mà chị Thảo ơi, sao lâu hòa bình vậy chị?", "Chừng nào Hòa Bình hở chị?" Ba ơi, ba có biết tụi con mơ ước, khao khát, chờ đợi Hòa Bình như thế nào không? Hình ảnh cả nhà đi chung chiếc Vespa vẫn còn in đậm trong trí óc non nớt của các em. "Khi nào Hòa Bình ba sẽ đưa mạ và các con ra Bắc thăm ông bà nội". Ba có nhớ đã hứa với các con như rứa không? Mà chưa Hòa Bình ba đã bỏ các con đi rồi. Mai này nếu Hòa Bình ai sẽ dẫn mạ và các con ra thăm ông bà nội hở ba? Mạ đâu biết nhà ông bà nội. Ai sẽ dẫn con đi chơi khắp ba mươi sáu phố phường? Hà Nội đẹp lắm phải không ba? Lòng con nôn nao khôn xiết. Chừng nào Hòa Bình hở ba? Sao ba không chờ Hòa Bình để cùng mạ và các con ra thăm quê nội. Mà chắc gì ông bà nội còn sống hở ba. Dù sao lòng con vẫn đầy tin tưởng, con tin chắc rằng cuộc chiến tranh vô lý này rồi sẽ chấm dứt, Hòa Bình sẽ về trên nước Việt Nam và trên chuyến tàu ra Bắc trong những âm thanh rộn ràng con nghe tiếng mạ, tiếng con, tiếng các em: Ba ơi, ba có nghe Hòa Bình không? Ba cùng đi với mạ và các con về thăm ông bà nội nhé!...


TRẦN THỊ HẬU     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 158, ra ngày 1-8-1971)


 

Không có nhận xét nào: