Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

TUỔI THƠ VỚI NỖI TỦI BUỒN - Trần Quát

 

Nghe bác hỏi : cháu có chồng chưa? Dạ thưa bác cháu chưa có chồng. Chưa có chồng cô lấy gì ăn? Dạ thưa bác cháu ăn cứt mèo. Ăn cứt mèo nó có chua không? Dạ thưa bác nó chua quá trời. Chua quá trời sao vẫn còn ăn? Dạ thưa bác cháu ăn quen rồi.

Bọn trẻ xóm tôi thường tụ họp lại, nghêu ngao bài ca trên một cách thích thú. Cái bài ca thật dị hợm! Thoạt đầu, tôi tưởng chúng bịa đặt hoặc bắt chước ở đâu đó. Sau này, lân la dọ hỏi tôi được biết bài ca trên do vài cô giáo dạy các em ở lớp. Thật không ngờ! Hơi khó tin đấy! Nhưng không lẽ các em nói dối? Các em có sợ gì tôi đâu mà phải dối với trá kia chứ?

Không riêng ở xóm tôi, mà cả những khu vực xa gần khác cũng vậy. Có vài lần đi ngang qua, tôi lại được thưởng thức bài ca ấy. Cũng dọ hỏi, cũng được biết do cô giáo dạy! Không còn gì để nghi ngờ nữa. Buồn thay!

Tuổi thơ V.N. bây giờ, bị ảnh hưởng rất nhiều những điều không tốt vì chiến cuộc. Gia đình khó có thể ngăn chận kỹ lưỡng các em hát được. Học đường là nơi duy nhất mọi người tin cậy sẽ giáo dục tuổi thơ một cách hữu hiệu. Thế mà, chính nơi giáo dục các em, lại đi nhồi vào óc các em những bài ca dị hợm như thế. Còn nỗi buồn nào hơn nữa!

Những bài ca lành mạnh, vui tươi dành cho tuổi thơ đâu có khan hiếm quá trong rừng nhạc hiện nay? Không dạy các em hát, lại còn đem những bài ca dị hợm cho các em nghêu ngao.

Không có một ông bác nào mà đi hỏi cháu những lời lẽ lố bịch như thế. Và cũng không có một người cháu nào mà trả lời bác một cách lếu láo như vậy. Tuổi thơ nào đã biết chi chuyện chồng vợ, mà đem vào lời ca cho các em hát. Thật là điều tối kỵ. Đã thế còn thêm: Chưa có chồng cô lấy gì ăn? Dạ thưa bác cháu ăn cứt mèo, thì thật là hết nói nổi. Chưa có chồng lấy gì ăn? Tại sao không thể trả lời là còn sống nhờ cha mẹ, thế cũng còn đường được. Đi đem cái món vô lý, lố bịch "phân mèo" vào! Thật khôi hài quá trớn và tai hại! Hơn nữa lại đem phân tích hương vị của nó, rồi lại cho là ăn quen rồi. Với tuổi thơ mà nói ăn quen cái món kỳ hợm đó rồi, thì càng khả ố hơn nữa!

Nhìn các em hát bài ấy với gương mặt thích thú và nụ cười khoái trá trên môi, tôi không khỏi phát thẹn và buồn. Tôi đã có hỏi một vài em sao lại hát các bài kỳ cục thế, các em đều trả lời: "Đâu có kỳ cục! Cô giáo dạy mà anh. Tôi phân tích cái "kỳ cục" cho các em nghe, các em cười toe: "nhưng mà vui lắm anh ơi! Cô giáo dạy bài này cả lớp cười liền. Nhộn lắm, vui lắm". Tôi thoáng thấy chua xót trong lòng, và cảm thấy buồn bã lạ. Tự dưng, tôi không muốn nói thêm câu nào cả, để mặc các em đứng tôi lững thững bỏ về.

Tâm hồn, trí não tuổi thơ còn hồn nhiên và non nớt lắm. Các em rất dễ bị tiêm nhiễm ảnh hưởng những cái các em gặp và được dạy. Các em cần phải được ca những bài ca hào hùng nhưng vui tươi, lành mạnh, có thế tâm hồn các em mới giữ mãi được vẻ trong sáng, vui tươi. Những bài ca với kiểu "kỳ hợm" trên ảnh hưởng đến tâm hồn các em rất nhiều. Tụ họp lại ca hát bài trên đã đời, các em hứng thú chọc ghẹo nhau, em này gán cho em kia ăn cái món ghê tởm đó ; em kia gán lại em này. Thế là sinh ra ẩu đả, thế là cả gia đình các em đều bị gán dùng cái món đó. Tôi đã gặp trường hợp này nhiều rồi. Buồn thay!

Càng buồn thêm, khi tôi nhớ đến một số cô giáo dạy tiểu học bây giờ mà có vài lần tôi đã gặp và đã nghe kể lể nhiều. Vào lớp một cái là kêu các em lên viết bài cho các em dưới chép ; cho toán thì bắt các em làm đã, rồi kêu 1 em lên sửa ; khảo bài thì các em đọc cứ đọc, cô giáo cứ ngồi mà tô móng tay, đánh phấn.

Tội nghiệp! Các em nhỏ chăm, ngồi ngây người trước những bài toán chưa một lần nghe giảng kỹ, trong khi các bạn lười cứ tha hồ mà đùa giỡn, ngồi chơi. Các em đâu dám ho he, đâu dám "có thắc mắc gì cứ việc hỏi". Vì hễ hỏi là bị la ngốc và bợp tai liền. Những giờ học của các em chỉ kéo dài trong ồn ào, chẳng học thêm được cái gì mới mẻ, bổ ích cả. Có đôi lần, trong giờ chơi các em tiểu học nhờ tôi giải cho bài toán đố (trong những dịp tình cờ). Tôi giảng kỹ cho các em nghe để các em làm. Nhưng các em cứ đớ ra. Tôi hỏi tại sao, thì được biết các em... chưa biết làm tính nhân! Các em đã học tới lớp nhì rồi (lớp bốn bây giờ) và do cô giáo dạy. Tôi biết rõ trường tôi, tiểu học chỉ do toàn cô giáo dạy (rất ít thầy giáo) từ lâu. Thế mà vẫn không khỏi kinh ngạc để rồi chua xót.

Ôi! Tuổi thơ V.N. Các em đã chịu nhiều thiệt thòi vì chiến cuộc. Tìm về nơi học đường để nghe dạy dỗ các em chỉ gặp thêm thiệt thòi hay sao?

Buồn bã nhiều, ngao ngán nhiều. Nhưng tâm tôi vẫn tràn trề hy vọng. Vì tôi biết đó chỉ là thiểu số trong thời loạn lạc này mà thôi. Chung quanh tuổi trẻ chúng tôi và tuổi thơ các em, vẫn còn những vị Thầy, Cô đáng kính, tận tâm với nghề nghiệp.

Mong rằng, hy vọng rằng, mai sau, học đường được cải tiến hơn. Để không còn những thiệt thòi đáng buồn và xót xa cho tuổi trẻ và tuổi thơ. Lúc ấy tuổi thơ sẽ cất cao những lời ca vui tươi, sẽ long lanh ánh mắt tin yêu, sẽ thốt ra những lời lành mạnh và sẽ cười, một nụ cười thần thánh. Ôi! đáng yêu biết bao.

Và mong rằng các bậc cha mẹ, các anh chị lớn của các em, sẽ ngăn chận các em, khi nghe các em ca những bài ca kỳ hợm (mà một vài cô giáo trong lúc rảnh rỗi đã đặt ra). Và sẽ dạy các em ca những bài ca lành mạnh vui tươi...

Tuổi thơ VN cần được nuôi dưỡng bằng những dòng sữa ngọt. Như vậy, mai sau Việt Nam mới huy hoàng bất diệt...


TRẦN QUÁT      
18/5/73           

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 94, ra ngày 17-6-1973)


Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

HOA HỌC TRÒ - Vũ Hoài Lê

 
   
Mình nhặt lá phượng buồn rơi phố cũ
Ôm vào lòng nghe những chuyến hè đi
Tóc buông vai cài hoa sầu phượng đỏ
Trong âm thầm ngỡ người đẹp Tây Thi

Thủa học trò dệt niềm tin thơ mộng
Vương vương màu áo trắng buổi chiều nghiêng
Cánh chim sẻ trong khoảng trời cao rộng
Đời gấm hoa lòng chẳng chút ưu phiền

Từ phượng nở rơi tàn trong sắc thắm
Áo học trò vẫn trắng thuở trinh nguyên
Rồi 14 vươn mình lên đôi tám
Đẹp một đời hoa tuổi dại nữ sinh

Phượng ngày nao cũng sắc màu máu đỏ
Mình nghẹn ngào ôm tuổi dại ra đi
Biệt trường yêu, xa bạn, thầy muôn thủa
Nghe âm thầm rưng giòng lệ cuối mi.

                                                    VŨ HOÀI LÊ

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 88, ra ngày 6-5-1973)


Thứ Hai, 27 tháng 5, 2024

MÙA PHƯỢNG VỸ - Nhã Uyên

 
  
Chín tháng trời đã cùng bạn chung trường

Từng ngày qua chuyên chở những yêu thương

Mà giờ đây lại chia lối rẽ đường

Mùa phượng vỹ cũng là mùa cách biệt


Hay cười đùa nên buồn phiền rất ít 

Như vành khuyên nhảy nhót giữa trời mây

Chuyện tầm phào làm bao đứa vui lây

Là bạn gái nên dễ dàng kết nối


Rồi tới ngày mình không còn chung lối

Kẻ lên non người xuống biển xa xôi

Biết đâu chừng có người bạn lại thôi

Không học nữa là chia tay vĩnh viễn


Nên gắng gượng trong phút giây đưa tiễn

Nắm chặt tay ôm xiết lấy một lần

Rồi  ngày mai trong một phút nghỉ chân

Mình nhớ mãi phút giây thần tiên đó


                                                                      Nhã Uyên


Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2024

BÀI THƠ CỦA TỤI MÌNH - Đằng Linh

 

có một mùa hè không đến 
tụi mình bỏ trường mà đi 
có trăm ngàn lời thương mến 
chưa trao đã vội phân kỳ
 
tụi mình tứ phương xiêu dạt 
lận đận suốt thời thanh xuân 
dòng đời bon chen được mất 
một ngày chợt thấy rưng rưng
 
là lúc cuộc đời chua chát
trả về một thoáng tinh khôi 
mùa hè vô tình vỡ nát
trường xưa mây khói tan rồi
 
nhớ sao một thời áo trắng
lung linh ánh nắng sân trường 
tụi mình giờ thành dĩ vãng 
nhìn màu áo trắng mà thương! 
 
                                       Đằng Linh  
                                        (thôn Diễm)


Thứ Năm, 23 tháng 5, 2024

KHÚC BUỒN ĐẦU HẠ - Ngô thị Thanh Khuê

 

 CHO NGÔI TRƯỜNG THÂN ÁI

- Ôi! Mái trường yêu dấu! Mái trường mang nhiều kỷ niệm nhất của đời em. Ngôi trường có khoảng sân rộng bao la, này chỗ để xe, này chỗ có hàng cây Phượng vĩ mà em vẫn cùng bạn ra ngồi dưới gốc cây nói chuyện vui đùa.

Phượng bây chừ đang trổ hoa nhiều ghê. Những cánh hoa Phượng đỏ tía một khung trời. Mỗi ngày, bác nắng quái trải vàng chen nhau ngập trên đường dẫn em tới trường. Để em nghe thoáng động, bồi hồi nhìn xác hoa Phượng rơi và em sẽ nhặt lên ép vào trong sách cùng những cánh hoa Điệp màu vàng úa.

Khi vào lớp em sẽ gặp mặt bạn, nhìn thấy bạn và nói chuyện cùng bạn. Chỗ em ngồi ở đây, bên cạnh cửa sổ, bác gió vẫn thường lùa vào trong tóc, cho tà áo tung bay và bác mưa, vẫn làm em bực mình vì áo dài em phải bị lấm tấm những cánh... hoa mưa.

Trong phòng học thật ấm cúng, có bạn ngồi cạnh, cùng chơi, cùng học. Em sẽ ngước nhìn lên, tấm bảng đen với những nét chữ, cái bàn và ghế để giáo sư ngồi. Em sợ lắm khi thầy mắng những lúc em mơ mộng vẩn vơ. Ngồi gần cửa sổ cũng thích mà cũng ghét ghê. Thích vì nắng vẫn trải trên triền tóc xanh, ưa vì bác gió thì thầm bên tai nhưng ghét vì nó cứ bắt em phải nhìn ra, phải chia trí quên nghe lời thầy giảng...

Chao ơi! Ngôi trường và lớp học nhỏ, em sẽ không quên đâu từng kỷ niệm dù nhỏ nhặt.

 
CHO THẦY VÀ BÈ BẠN

Mỗi niên học là mỗi lần phải gặp những ông thầy khó tính, nghiêm khắc đáo để. 

Thầy Việt văn dạy cao lắm, đại học cơ mà. Bởi vậy vào dạy lớp này có vẻ "cao đẳng" ghê.

Thầy toàn cho những bài thật khó. Mà lại "kẹo" điểm quá trời. Nhưng học trò lại thích cơ, thầy hay kể chuyện vui và chỉ phạt khi lớp nói chuyện hơi nhiều.

Thầy Anh văn, Hình học, Đại số, Lý Hóa cũng vui tính. Học trò thường sợ toán, sợ luôn cả thầy toán. Em tưởng rằng thầy cũng khô khan như môn toán ai ngờ mấy thầy ấy cũng "thi sĩ" chi lạ.

Còn thầy Vạn vật, Công dân, Nhạc... nghiêm chi lạ. Hơi một tí là trừ điểm, cho zéro hà. Bởi vậy học trò ngán ghê. Có ghét trong năm nhưng khi hè đến lại thấy tiếc nuối. Lúc đó mới thấy thương thầy vì đã khổ công dạy bảo, giáo dục cho học trò nên người.

Với bạn bè, em nghe buồn dâng lên ngập lối. Nhớ Loan, Bình, Nguyệt, Nga..., nhất là chị Tuyết, chị Giang. Gớm chỉ có hai chị là lớn nhất trong lớp, đồng thời cũng học giỏi nữa. Hai chị em thấy thương ghê. Đang học nửa chừng chị Giang nghỉ và em nghe chị Tuyết bảo chị Giang... "sang sông". Ghê nhỉ?

Chị Giang đi không một lời giã từ để em nghe nuối tiếc vì không còn gặp lại nữa. Buồn mất chị để chừ lại ngổn ngang những nỗi quắt quay trong ngày tháng cuối... Hè đến rồi, chóng ghê...

Em nhớ những ngày đầu làm quen chị và những buổi học, hai chị đến rủ em đi chung. Em hay giận để hai chị phải đền ô mai, để nhỏ Loan ghen ghét em và cũng bắt chước tính của em, giận hai chị vì hai chị không "hối lộ" ô mai cho con nhỏ...

Em nhớ tính con Vân hay nhè, không nhè hai chị bao giờ, nhưng bạn bè chọc một tí là giận là khóc hà, ghét ghê, và lại còn hay nhõng nhẽo hai chị nữa, quá trời nhỉ?

Em nhớ tính tình từng đứa bạn một. Nhỏ Đào mang tiếng điệu, như bà cụ non ấy. Nhỏ Thu như Poupée vậy, trẻ con lắm cơ. Và nhớ nhất những lúc cả bọn cùng ăn vụng trong lớp để thầy bắt gặp và bị quỳ cùng cả đám. Nhỏ Phương ấy lúc nào cũng phải có gói muối ớt trong hộc bàn, nhỏ Liên có quả xoài hay cóc để cả bọn cùng ăn. Tụi bây nhớ không nhỉ? Vui ghê...

Và giờ đây, bao nhiêu quyển Lưu Bút mình trao nhau. Những tấm hình xinh xinh tặng cho nhau làm kỷ niệm. Ảnh nhỏ Đào trông già dặn như bà lão vậy. Hình con Nga thật ngây thơ. Mắt nó to, đen láy. Tụi bạn cứ gọi Nga là mắt bi hay mắt nai ấy. Hay chi lạ.

Trong bọn có mỗi nhỏ Hòa là hay... thơ thẩn... thẩn thơ. "Hắn" hay mơ mộng lắm cơ. Nhỏ Vân hay chọc là thi "sỡi" đang tìm vần thơ, người thơ hay mơ mộng...

Cả bọn còn trêu hắn bằng cách ngâm nga mấy câu thơ mà nhỏ ta chép Lưu Bút cho con nhà Đào:

"Mi ơi ạ : Ngoài kia phượng đang nở
Tiếng ve kêu báo hiệu hè lại sang
Buồn quá thôi, viết cho mi vài hàng
Làm kỷ niệm, mi đừng quên ta nhé!..."

Còn ở gần bạn bè là vui chơi, ngày cuối cùng để rồi mới thấy buồn chia xa. Thầy thương học trò lắm cơ. Cho chơi ngày cuối cùng để chia tay nhau. Học trò cho nhau, tặng nhau những gì cần thiết, gửi cho nhau từng nét chữ, từng khuôn mặt.

Ngày cuối cũng để cho em nghe sầu, buồn vu vơ khi nghe nhỏ Vân cất tiếng hát:

"Cung đàn nào thương bằng tiếng ve sầu, còn gì buồn hai lứa đôi lìa nhau..."

Ơi! Sao lớp học buồn ghê là. Để khi nghe tiếng chuông reo báo hiệu giờ ra về, em không đủ can đảm nghe lời chúc của bạn bè, em không đủ lời để nói với bạn, với thầy lần cuối, hay em không dám nói dám nhìn ai hết.

Em về trên đường trải nắng. Ôi! Một lần cuối cùng nhìn mái trường yêu mến. Không biết em còn gặp lại nữa không, có còn được ngồi trong lớp với bạn, có thầy, có tiếng cười vui nữa không?...


NGÔ THỊ THANH KHUÊ     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 42, ra ngày 11-6-1972)

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2024

TRONG GIẤC NGỦ... LẠC LOÀI - Thông Xanh

 
 
ba sẽ kể con nghe ngày còn bé
ba băng đồng làng đi học trường xưa
trưa ở lại dưới tàng cây cổ thụ
ngồi ôn bài trong cơn gió giao mùa

những buổi chiều nắng hanh vàng mái tóc
bên lưng trâu dong ruổi ướt mồ hôi
mấy lần trâu nghịch kiếm tìm mệt nhọc
tối về bên bà nghe điệu à ơi

những ngày nghỉ học bên bờ rau muống
hái đem về nhà, lo buổi ăn trưa
khi xuôi dòng sông réo vang cuồn cuộn
mơ làm Hưng Đạo, mỉm cười vu vơ

ngày nắng cháy tưới nước giàn bầu héo
ngày mưa dầm - nhìn mưa trắng dòng sông
tiếng đò máy chìm trong cơn giông réo
ba chợt buồn - mây xám khắp trên không

ba sẽ kể khu vườn xanh nhà nội
có chim chuyền trên ngọn mía trước sân
có hoa trắng, mùa xưa, đầy nụ bưởi
bà ướp trà thơm ngát vô cùng

những đêm mưa gõ nhẹ đều mái lá
tiếng dế buồn bên lu nước ngoài hiên
ba tưởng chừng cung đàn nào êm ả
du hồn người vào giấc ngủ thần tiên

bé đã ngủ hàng mi dài khép kín
ngón tay hồng còn mút mãi không thôi
bé đang mơ - giấc mơ hồng ngọt lịm
mà ba còn đi đi mãi thiên thu.

                                          THÔNG XANH

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 91, ra ngày 27-5-1973)



Thứ Ba, 21 tháng 5, 2024

NGUỒN GỐC CỜ PHẬT GIÁO - Nguyễn Toàn Nghĩa

 

Đến mùa Phật đản, các bạn thường thấy cờ Phật giáo được treo lên (dĩ nhiên là các gia đình Phật tử). Có lẽ phần nhiều các bạn đều thấy dáng dấp của cờ Phật chứ?

Nhưng các bạn có biết được cái nguồn gốc của nó không? Nhân mùa Phật đản năm nay, tôi sưu tầm sự tích cờ Phật kể lại các bạn:

- Ở Tích Lan có một quân nhân Phật tử là Đại tá MT Henry Steele Olcott. Đại tá là một Phật tử rất chân thành, thông hiểu đạo Phật và rất hoạt động trong các cuộc hoằng dương Phật Pháp. Nhờ được sự chỉ giáo và tán thành của Thượng tọa Hikkduwe Sumangala Thera, Giám đốc Đại học đường Phật giáo Vidyodaya Pariveno ở Colombo, Đại tá đã đề nghị lá cờ 6 màu được công nhận từ năm 1885. Trong ngày Phật đản năm đó, khắp nước Tích Lan đã cử hành lễ THƯỢNG KỲ PHẬT GIÁO. Nhưng lúc nầy lá cờ 6 màu mới chỉ là lá cờ Phật giáo ở riêng nước Tích Lan mà thôi.  66 năm sau, vào ngày 25 tháng 5 năm 1950, hai mươi sáu phái đoàn của 26 nước gồm 229 đại biểu họp Đại hội nghị Phật giáo tại Colombo (Thủ đô Tích Lan) đã quyết định lấy cờ Phật giáo 6 màu nói trên làm cờ Phật giáo thế giới. Cờ Phật giáo là biểu hiện tinh thần thống nhất Phật giáo của toàn thể thế giới. Cờ Phật giáo thế giới đã được Thượng tọa Thích Tố Liên mang về Việt Nam sau khi sang Tích Lan lần thứ hai để dự hội nghị Hành Chánh Phật giáo thế giới tại Colombo.

Hiện nay, hơn 50 quốc gia trên thế giới đã hoan hỉ treo cờ Phật giáo ở trong những ngày lễ Phật.
 

SÁU SẮC MÀU CỦA LÁ CỜ PHẬT GIÁO Ý NGHĨA THẾ NÀO?

Về ý nghĩa năm màu: xanh, vàng lợt, đỏ, trắng và vàng thẫm cùng với màu tổng hợp (băng nhỏ ở dưới lá cờ) tức là 6 màu tất cả trên lá cờ Phật giáo, ý nghĩa sự tích như sau:

- Ngày xưa, trước khi thuyết pháp đức Phật thường dùng sức thần, phép mầu nhiệm phóng ra hào quang 6 sắc để hiển pháp vô lượng, công đức vô lượng:

Cờ Phật giáo có 6 màu tượng trưng 6 sắc hào quang của Phật để tiêu biểu sự tập trung tư tưởng chơn chánh và những hoạt động vị tha theo tinh thần Từ, Bi, Hỉ, Xả của toàn thể Phật tử trên thế giới.

Vì ý nghĩa kể trên, nên cờ Phật giáo đã được trình bày với năm sắc phân biệt và một sắc tổng hợp.

Căn cứ vào Phật Pháp để giải thích năm sắc theo chiều dọc cờ Phật giáo, tượng trưng cho ngũ căn:

1 - Sắc Xanh : tượng trưng cho "Định Căn".

2 - Sắc Vàng Lợt : tượng trưng cho "Niệm Căn".

3 - Sắc Đỏ : tượng trưng cho "Tinh Tiến Căn".

4 - Sắc Trắng : tượng trưng cho "Tín Căn".
 
5 - Sắc Vàng Thẫm : Tượng trưng cho "Tuệ Căn".

Sắc Tổng Hợp : tượng trưng cho cả 5 sắc kể trên, tiêu biểu cho lý viên dung vô úy, vô ngại của đạo Từ, Bi, Hỉ, Xả của Phật được lan rộng khắp thế giới.

Đứng về phương diện thế gian pháp, cờ Phật còn tượng trưng cho tư tưởng các quốc gia không phân biệt màu da, chánh kiến hay chủng tộc để quy hồi vào chân lý bất diệt của vũ trụ vô biên do Đức Phật Thích Ca đã giảng dạy cho chúng sinh.


NGUYỄN TOÀN NGHĨA      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 152, ra ngày 1-5-1971)


Thứ Hai, 20 tháng 5, 2024

MÊNH MANG HẠ VỀ - Thơ Thơ

 
 
Hôm nào hạ lẻn về đây
Bâng khuâng mây lững lờ bay cuối trời
 
Nắng lên tô thắm bờ môi
Hồn nhiên ánh mắt nụ cười ngây thơ
 
Hôm nay lối cũ ngẩn ngơ
Dáng xuân xa khuất hững hờ phai mau
 
Triền đê nắng quái nhạt màu
Mục đồng vắt vẻo mình trâu thả diều
 
Khóm dừa nghiêng ngả tịch liêu
Dư âm văng vẳng tiếng tiêu buồn buồn
 
Bóng chiều rơi khắp lối mòn
Lũ ve thổn thức, gió vờn tóc mây
 
Cuối thôn cánh phượng nhẹ bay
Chợt nghe dĩ vãng đâu đây tìm về
 
Phượng rơi còn đỏ lối quê
Bé thơ còn mãi niềm mê hạ hồng...

                                                  Thơ Thơ 
                                      (Bút nhóm Hoa Nắng)


Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2024

BÉ VÀ MÙA HẠ - Nguyễn Trường Anh

 
 
 Bé có một mùa để nhớ nhung
Một mùa thả lá khắp rừng thông
Theo trăng mở cửa đời thơ ấu
Vạt nắng phai mờ những khóm bông.

Bé để mùa sương đọng mắt nai
Mùa hoa phượng thắm lối chim bay
Cho vuông cỏ biếc ngời gương nắng
Môi bé ướp hồng trong sớm mai.

Bé giữ riêng đời một lối đi
Nơi đây hoa nắng giải vào hè
Những con chim ghé trong mùa gió
Tắm mát màu xanh những ngõ về.

Bé biết rằng mai khắp bóng chim
Nhìn nhau giây phút rất thân quen
Và đi mưa nắng buồn lên mắt
Giữ lại cho gì kỷ niệm êm.

Bé hát cho đời những khúc ca
Lời như sương thắm đọng vườn hoa
Tiếng trong ly biệt tình lưu luyến
Đời dạt thềm rêu tuổi ngọc ngà.

Bé lặng nhìn khuôn mặt người quen
Hạ đem thương nhớ chảy qua thềm
Chở mưa xao xác trong chiều vắng
Chờ một người đi thoáng ngập ngừng.

Bé ngỡ ngày xanh vợi mắt hồng
Chiều phai mây trải nhẹ qua lòng
Trên dòng tóc ngập hồn phượng đỏ
Dẫu có buồn dưng đến bâng khuâng.

Bé có một mùa để nhớ mong
Một mùa phượng vĩ để hoài trông
Mùa ve hát những sầu ca khúc
Đời ngát xanh mùa hoa hướng dương.

                               NGUYỄN TRƯỜNG ANH

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 90, ra ngày 20-5-1973)



Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2024

EM TÔI, EM TÔI - Vũ Minh Thiều dịch

 

Truyện ngắn sau đây của Norah Burke, một văn sĩ Anh, được giải nhất về truyện ngắn quốc tế năm 1954-1955 đồng hạng với truyện "MẸ VÀ CON" của văn sĩ Nhật Jiran Hisao.

Truyện tả một cảnh nghèo khó của một gia đình ở một xứ hậu tiến, nền y học mới chưa thấm nhuần đến các vùng thôn dã rừng núi, ở đây ốm đau thường chỉ chữa bằng những phương pháp sơ sài, cổ lỗ. Trong truyện ngắn EM TÔI, EM TÔI, Norah  Burke làm nổi bật lòng can đảm, sự yêu thương đứa em nhỏ của một thằng bé 12 tuổi, vượt núi băng rừng, tranh đấu với tử thần từng giây phút để cứu em.

Em thằng Sinh nằm trong lều. Nó đau bụng và cơn đau mỗi lúc mỗi tăng. Thằng Sinh cũng còn nhỏ, chưa đầy 12 tuổi. Màu da nâu nâu, tính tình thì thật vui. Nó quả là một thằng bé tiêu biểu cho bọn trẻ sống trong rừng rậm. Em nó kém nó nhiều tuổi. Giữa hai chúng nó, cố nhiên còn những đứa khác nữa, nhưng chúng đều chết cả, đứa chết vì bệnh tả, đứa chết vì bệnh cúm, và trăm ngàn thứ bệnh tương tự, hoặc chết vì các tai nạn trong rừng sâu. Cha mẹ nó chỉ còn nó và em nó, thằng Công-hoa.

Mẹ hai đứa trẻ nói:

- Để tao thấm nước giẻ rách, chườm bụng cho Công-hoa.

Nàng không cười, không khóc, Những việc này vẫn thưởng xảy ra luôn...

Sinh hỏi mẹ, cảm thấy mình cũng ốm lây vì lo sợ em ốm:

- Con phải làm gì bây giờ? Con đi tìm củi đốt lửa nhé? Con đi lấy phân bò hay xách nước? Mẹ để con xé giẻ.

Nó cuống cuồng chạy tìm mọi thứ.

Nó ném nhiều củi vào lò cho nước chóng sôi. Nó chườm bụng thằng em bằng những giẻ, hơi nóng bốc nghi ngút. Nhưng một lúc sau, mẹ nó bảo:

- Thôi, phải đem em mày đi nhà thương Ka-la-gát.

Thằng Sinh hiểu ngay rằng em nó sắp chết. Khi mẹ nó nói hai chữ "nhà thương", nó hiểu ngay, vì tất cả những người sống trong rừng rậm đều biết rằng nhà thương là hy vọng cuối cùng cho những kẻ gần đất xa trời. Có vật gì làm nó nghẹn ngào không nói được. Sau nó kêu lên:

- Con đi tìm bố nhé!

- Mày sẽ mất hàng mấy ngày mới tìm được.

Cha thằng Sinh nổi tiếng trong vùng là người can đảm. Hai chữ can đảm người ta thường gọi liền với tên chàng chứng tỏ những thành tích của chàng. Chàng sinh sống ở đây, trong làng La-hoa-ni, chăn nuôi mục súc, cầy cấy khoảng đất của mình, nhưng mỗi khi có cuộc thám hiểm trong rừng rậm, săn thú dữ, bắn giết hay chụp con ác thú nào, người ta lại tìm đến chàng.

Ở rừng núi nào không có hổ, chàng cũng tìm ra hổ. Chàng nhìn đám cỏ khô và chỉ dẫn rõ ràng cho biết đã có những con thú nào qua đây. Chàng lắng nghe tiếng thú gọi nhau và nói: "Một con báo vừa ăn một con hoẵng và bọn này còn trông thấy kẻ thù với mồi của nó".

Một cái sẹo dài chạy suốt từ đầu, cổ đến vai chàng. Đó là vết cào của một con hổ, cào đến tận xương, trong một buổi chàng vật lộn với mãnh thú để cứu bạn. Ở chân chàng có một vết đốt còn sẫm đen, đó là vết rắn cắn, chàng đã khoét vết thương và đốt. Một bàn tay chàng thiếu hai ngón và mặt thì chằng chịt những sẹo. Có một ngày kia, chàng đã vượt rừng rậm, đi liền tám cây số, lấy khố buộc chặt bụng để ruột khỏi sổ ra ngoài vì vết thương sâu ở bụng. Chàng thật xứng đáng là người can đảm. Và nay, chàng đang ở xa, trong rừng thẳm với một đoàn thám hiểm đi chụp hình. Những bọn đàn ông và trai tráng trong làng cũng đều vào rừng sâu làm nghề lùa thú cho đoàn người săn bắn.

Trong túp lều cỏ, tường đất, thằng Công-hoa nằm trên một đệm cỏ giải trên mặt đất. Nó khóc, thỉnh thoảng lại bật ho vì khói bếp, nhưng vẫn không cựa quậy, người giá lạnh. 

Thằng Sinh cũng can đảm như bố, nhìn em mà như trông thấy tử thần ở trong cặp mắt em.

Nó nói:

- Ở làng, trai tráng không còn ai, vậy con dẫn nó đi.

Mẹ nó phải ở nhà chăn nuôi súc vật, cầy cấy, nếu không cả nhà sẽ chết đói và cả hai đều hiểu thế, không cần phải nói ra. Nhưng nàng là một người sinh trưởng ở rừng núi, nàng hiểu đeo một gánh nặng khó nhọc thế nào. Nàng sinh sống ở trên đỉnh núi cao, ở phía bên kia, ở mãi trên cao, cao hơn hẳn những dãy đồi thấp bao bọc làng La-hoa-ni và nàng hiểu hơn ai hết cách buộc một tấm vải qua trán để đeo một vật nặng, buộc thế nào để tất cả các bắp thịt cổ và vai có thể làm việc một cách đắc lực, làm cho người ta có thể mang nặng mà băng rừng vượt núi hàng ngày không than phiền khó nhọc.

Nàng lấy một trong hai chiếc dây lưng của nàng, chằng qua trán và cổ thằng Sinh, rồi đỡ thằng Công-hoa, lúc này đau đớn quá, người gập làm hai, đặt vào chiếc dây lưng.

Thằng Sinh cảm thấy ngay sức nóng thiêu đốt của em thấm qua chiếc dây lưng vải. Nó cảm thấy nặng và tự hỏi không biết sẽ xoay sở ra sao để đến nơi được.

Mẹ nó nói:

- Con cõng em nặng lắm sao?

Nàng nói khẽ, vẻ thất vọng:

- Con sẽ không thể đến nơi được.

Thằng Sinh không nói gì và bắt đầu lên đường.

*

Lúc đó là buổi chiều. Những lều tranh trong làng La-hoa-ni đều nhuộm một màu vàng đỏ. Chung quanh làng giải dài những thửa đất cầy cấy, những cánh đồng cỏ người làng thả mục súc ra ăn, những hàng rào gai và khu đất rào nhốt mục súc. Rồi cạnh đấy, có một cánh đồng cỏ rộng, người ta đã đốt cháy để bảo vệ cho làng khỏi bị cháy lây vì những cuộc đốt rừng. Xa xa là rừng rậm.

Thoạt đầu là rừng hoang, cỏ cứng rắn và gai, rồi đến rừng cây "sên" cao lớn, người ta vẫn lấy gỗ làm tà-vẹt đường rầy con đường xe lửa Ka-la-gát. Con đường xe lửa cách đây ít nhất gần tám mươi cây số ngàn và thằng Sinh hy vọng vượt khu rừng rậm và hai con sông để sau đó đến đoạn cuối có thể đi xe bò hoặc một chiếc xe cam-nhông cũ kỹ nào.

Nhưng nó chưa đến khúc đường đó. Ở đây, con đường chi chít những vết bánh xe bò và chân nó đi bám đầy bụi cát. Nó đi, một mình trong đêm tối trên con đường mòn xuyên qua rừng sâu. Nhưng thật ra cũng không phải có một mình nó. Vốn quen sống trong rừng, nó cảm thấy mỗi bước một ngại ngùng. Giữa lúc ấy, một con rắn hổ mang sưởi mình dưới ánh nắng cuối ngày ở trên con đường mòn nhỏ, cuộn mình lại và vươn đầu lên, rít lên một tiếng mạnh. Thằng Sinh sợ lạnh cả người. Nó đứng dừng lại, rồi dần dần nó lùi. Con rắn đưa đầu đi đưa đầu lại chăm chú nhìn nó, lưỡi thè ra thụt vào. Nhưng con rắn vẩy đẹp kia với hàm răng chứa toàn chất độc, cũng chỉ muốn rời nơi này như thằng bé vậy. Và thoắt một cái, con vật đã biến vào bụi cỏ rậm.

Thằng Sinh thở nhẹ nhàng. Sự sợ hãi trói buộc hai chân nó lại, nay đã cởi mở cho nó đi. Em nó, thằng Công-hoa cựa quậy và rên rỉ trên lưng nó, nay nó cảm thấy đeo nặng quá. Nếu được nghỉ, để cho bắp thịt được thoải mái một chút sau khi cố gắng quá nhiều, còn gì sung sướng bằng! Nhưng nghỉ bây giờ thì sớm quá, nó lại gắng gượng đi.

Xung quanh nó là rừng già, ở đây giữa cây cối và vạn vật, cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn không ngừng từ thủa khai thiên lập địa. Những bụi tre xanh tốt tua tủa đâm những cành non, những cụm xương rồng gai góc gắng tìm không khí. Đâu đâu cũng là cây cối, bụi rậm, dây leo và cỏ hoang.

Rừng còn là nơi trú ẩn của súc vật và chim muông: vượn và khỉ giọng khàn khàn kêu inh ỏi, hổ, báo, gấu, voi gầm vang động. Hươu nai vì bị săn bắn và đánh bẫy nhiều nay thưa vắng, nên các loài ác thú nay săn bắt cả người và gia súc.

Màn đêm dần dần bao phủ núi rừng. Trời ngả màu tím và đen sẫm. Trên nền trời, sao bắt đầu mọc. Thằng Sinh có cặp mắt tinh sáng, nên vẫn trông rõ đường đi. Sau mặt trăng ló lên. Những vết chân gấu, bàn chân trước vuông, bàn chân sau dài, còn in trên cát bụi, với những vết móng chằng chị, làm nó sợ hãi vô ngần. Có bận nó đã trông thấy một người bị gấu vồ, mặt bị cào sứt hết.

Nó vội vã đi.

Nó đến một mỏm núi cao, dưới có con sông nhỏ chẩy. Nó thấy không sao bước được nữa. Mồ hôi đổ ướt thấm hết áo quần làm nó run lẩy bẩy. Nó cởi chiếc băng vải trên trán và khẽ đặt em nó xuống một gốc cây.

- Ôi! Ôi! Ôi! - Công-hoa khẽ rên.

Sinh khóc và bảo em:

- Anh còn biết làm thế nào? 

Nhưng ngay lúc đó, Công-hoa lại mê man, nói lảm nhàm. Bỗng Sinh thấy người đau đớn vô hạn, vì nghỉ chân các bắp thịt mới tê buốt lạ lùng. Ngay ở chỗ thắt buộc băng vải, máu nay lại chẩy đều hòa làm nó nhức buốt quá. Nó nằm ngủ dưới gốc cây, mắt nhắm lại để lấy sức.

Ngay lúc đó, nó lại nghe thấy tiếng voi rít trong rừng sâu vang động lại. Voi ít khi qua rừng không gầm thét và đàn voi nay ngược giòng con sông Nu-lát để tìm các cánh đồng cỏ mới. Thằng Sinh khoan khoái vì biết mình xa lạch nước và ở trên đỉnh núi.

Dưới chân nó, con sông lóng lánh như bạc dưới ánh trăng. Ở hai bờ sông, những bãi cát lẫn đá sỏi giải dài. Còn những giải cát dài chạy theo con sông và trên giải cát đó, đàn voi đi, để lại những vết chân xáo trộn, vết này với vết khác, lúc voi đi tưởng như cả một khu rừng di chuyển.

Thằng Sinh nhìn thấy những con voi cái và voi con và một con voi đực già, bọt mép màu xám như dầu chẩy trên gò má, báo hiệu rằng lúc này nó sẵn sàng săn đuổi người để quật chết ngay. Tai chúng đập mạnh, đuôi ve vẩy, bóng chúng in hình đen trên bãi cát trắng. Chúng đi gần thằng Sinh quá, thằng bé ngửi thấy cả mùi hôi của đàn voi, nghe thấy rõ ràng tiếng chân voi dẫm trên cát và tiếng chúng đi cọ vào nhau.

Nó nhìn thấy cả đàn voi lắc lư, những cái đầu to kếch sù đưa đi đưa lại, và những cái lưng lớn đen. Con voi đực nghếch vòi lên để hít gió xem gió có đưa lại mùi gì khác lạ không. Rồi nó bỗng ngập ngừng đứng lại. Cái vòi lớn gần đụng vào hai đứa trẻ. Thằng Sinh run lật bật. Đeo thằng Công-hoa lên lưng, nó cũng không thể chạy mà cũng không sao leo cây được. Nếu nó thét lên, chỉ làm cho xẩy ra tai họa ngay. Nó cầu khẩn, cầu khẩn mãi, nhưng chẳng khác gì đàn chim, những bài kinh đều bay ở đầu óc hãi hùng của nó đi mất cả.

Con voi đực rống lên, vòi đảo lộn, lắc lư đầu. Rồi bỗng như tức giận, nó chạy và cả đàn voi đều chạy theo biến mất trong bóng tối.

Thằng Sinh vẫn lẩm bẩm cầu kinh, nhưng lần này cầu bài kinh giải tội và nó sửa soạn lên đường ngay. Nó buộc giải vải và đỡ em nó lên, nhưng không sao đứng lên được. Nó cố hết sức nhưng vô ích. Bỗng nó lại nghe tiếng voi rống ở xa vọng lại, một sức mạnh ở đâu làm nó chệnh choạng đứng dậy và bước đi. Nó ngả nghiêng đi đến bờ sông.

Trước kia, nó thường đến đây và biết rằng về mùa này, trước khi tuyết tan ở đỉnh đồi, trước khi nước ở trên mỏm cao chẩy xiết xuống vực, lội qua sông thật dễ dàng. Lòng sông rộng nhưng nông. Lắng nghe nước chẩy trên đá sỏi cũng biết mực nước sâu nông. Nó nhìn thấy một con cá hương từ cao trôi tuột xuống vực, lóng lánh như bạc dưới ánh trăng.

Thằng Sinh lội xuống giòng sông. Nước lạnh hơn thường nhật, trên mặt nước có phủ một màng nước lạnh buốt như đá và giữa giòng mực nước cao hơn mọi khi. Nó phải lội từ từ vì mắc bùn lầy và đá sỏi. Nó phải dò dẫm vì sợ ngã. Nước ngập đến ngực nó, có lẽ tuyết đã tan và nước chẩy từ trên cao xuống chăng?

May mắn có một chiếc cầu trên con sông thứ hai, nó nghĩ thế và tưởng như nhìn thấy vì trí tưởng tượng của nó tiến nhanh hơn là nó đi. Đó là một chiếc cầu bắc sơ sài, nhưng vẫn là một chiếc cầu. Những vòng bằng tre đan, trong có đá đường chằng buộc kỹ thay thế những cột cầu. Giữa những cột đó, có bắc những cây tre buộc khít với nhau bằng những sợi cỏ dầy, rồi trên sàn tre có giải đá sỏi vớt ở lòng sông lên.

*

Khi thằng Sinh lội tới bờ, những giọt nước còn lóng lánh trên vết chân của nó trước khi bị cát hút. Từ phía sông lại, còn thấy hiện ra những vết chân khác, vết chân hổ, những vết này cũng lóng lánh nước và chỉ nhìn thoáng qua là những giọt nước đã bị cát hút khô.

Nó tiếp tục đi. Đi vào khoảng được một giờ nó lại nghỉ và lúc khởi hành càng khó khăn, mặc dầu nay nó đã tự mình đeo lấy được em nó lên lưng. Nó thở hổn hển và không ngăn được giọt lệ... Khoảng nửa đêm, nó nghe thấy tiếng nước réo chẩy ở con sông thứ hai. Nó nghe thấy tiếng nước réo từ xa và tiếng nước réo chẩy đều đều đó  là tiếng nước lụt. Khi nó đến gần sông quả là nước lụt thật.

Một tảng băng lớn có lẽ đã tan ngày qua. Nước sông tưởng như sôi nổi bọt lên. Nó tìm chiếc cầu, nhưng cầu đã biến mất. Nơi cuộn nước cao lên là chỗ cầu bị chìm ngập. Xác một con dê còn mắc vào lan can cầu. Cành cây dựng ngược lên như cánh tay người chết trong cơn giông tố, bám chặt vào cầu trông chẳng khác gì những chụm lông. Phía dưới cầu, những tảng đá rung chuyển vì sức nước chảy xiết. Thằng Sinh tưởng như nghe thấy giòng nước nghiến răng. Rồi một thân cây lớn nhô hiện trên giòng sông, cứ thế theo đà nước trôi, mỗi lúc mỗi nhanh và sau cùng xô mạnh vào thành cầu bị sập. Trong lúc sấm sét vang động, người ta nghe thấy một tiếng động lớn như xé bầu không khí. Chiếc cầu rung chuyển như một con ác thú, gẫy tan, tung lên trời cả khung cầu bằng tre như một chiếc quạt tan gẫy. Nước lại chẩy xiết và làm chìm đắm hẳn cầu.

Còn biết qua sông bằng cách nào? Không thể bơi được, dù có một mình. Thằng Sinh thất vọng quá. Nhưng biết đâu trong mảnh cầu tan vỡ kia, nếu nó may mắn tìm được một đường đi?

Nó đặt thằng Công-hoa xuống đất và vốc nước sông cho em uống.

- Này em!

Nó gọi thằng bé cho uống nước, rồi nó nhặt cỏ, bện thành sợi dây thừng thiệt chắc. Cỏ sắc làm đứt cả tay nó. Nó buộc em nó bằng sợi dây mới này, buộc hết sức chặt để em nó không thể tuột được. Xong đâu đó nó lội xuống nước ngay chỗ cầu cũ. Nước sông như giữ chặt hai anh em và dìm chúng xuống chiếc cầu gẫy. Thoạt đầu, nó không cựa quậy gì được, sau dần dần nó lần đi, cố bám lấy bất cứ cái gì, dò dẫm trong trận thủy tai tìm một vật gì có thể níu lấy, dù là những cọc tre nhọn hoắt sơ ý một chút là đâm thủng bụng.

Nước chẩy réo ầm ầm, những mảnh gỗ va đụng vào người nó làm xây xát cả da thịt. Nó rét run khó đứng vững. Đứng giữa giòng nước chẩy xiết nó không sao nghĩ được. Nước chẩy réo xung quanh nó, chùm cả lên đầu cổ thằng bé, như giòng thác lạnh. Nó không còn biết em nó còn sống hay chết nữa, nhưng luôn luôn cố giữ sao cho đầu thằng em ở trên mặt nước và cứ lần lần nó tiến. Nó như câm, điếc, mù, cóng lạnh, bị chìm ngập, nhưng cứ đi, cứ đi...

Hai anh em trượt chân rồi lại đứng dậy. Chúng bám lấy thành cầu, hổn hển trong trận tử chiến. Rồi con sông như mất mãnh lực. Hai anh em nó vượt qua giòng nước.

Rồi thằng Sinh chẳng còn biết gì hơn nữa. Nó bị cóng lạnh như băng tuyết, muốn vắt quần áo cho khô nước mà tay không cử động được nữa. Áo quần bám chặt lấy người thằng bé làm nó rét run lẩy bẩy. Mũi nó nghẹt thở vì nước. Nó đi loạng choạng, nhưng vẫn đi. Chân nó run và như muốn gập xuống, không bước được. Nó đành bò. Đường đi hiện ra ở phía trước mặt và dễ đi hơn nhiều.

Ở xa xa, như ở một thế giới khác, vọng lại tiếng chó sủa báo tin gần đến một thôn xóm.

Rồi bỗng, không hiểu sao, có người... và tất cả cái gì nó còn biết là một chiếc xe bò, rồi một chiếc xe vận tải lớn...

- Mày từ đâu đến?

- Từ La-hoa-ni đến.

- Mày một mình cõng em mày à? Mày vượt giòng nước lũ đang tràn ngập sao?

Chúng nó đã đến bệnh viện.

Thằng Sinh bao giờ cũng ngượng ngập khi vào nhà xa lạ. Nó không dám vào. Vì không có tiền nên buổi sáng nó ra đường xe lửa tìm việc khuân vác than. Nó làm việc suốt ngày, trong cảnh ồn ào, để kiếm vài xu mua bột hẩm, dầu mù-tạt và ớt, bắc ba viên đá để làm lò nấu cơm. Nó tìm được một xó ở sân bệnh viện, chỗ những thân nhân của con bệnh tụ tập. Suốt ngày nó làm việc quên cả lo âu, nhưng lúc nào thư thả, nghĩ đến em nó mới e ngại.

Vị bác sĩ gọi nó, tự người đi tìm thằng bé:

- Sơ-sinh Ba-la-huy có đây không?

Nó vội bước lên thềm trả lời:

- Cha con không có đây - nó vừa nói vừa e thẹn vì run sợ, vì những giòng nước mắt chẩy trên khuôn mặt lọ lem bụi than - Nhưng thưa ông, tên con là Sơ-sinh.

- Có phải con là thằng bé cõng thằng Công-hoa từ La-hoa-ni đến đây không?

- Thưa vâng.

Một nụ cười nở trên khuôn mặt hiền từ của vị bác sĩ:

- Sơ-sinh Ba-la-huy - ông nói rõ ràng - em con qua khỏi rồi. Con có thể đến thăm được.


Nguyên tác của NORAH BURKE     
Bản dịch của VŨ MINH THIỀU      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 40, ra ngày 28-5-1972)


Thứ Tư, 15 tháng 5, 2024

GIẬN HỜN TUỔI NHỎ - Linh Thụy Châu

 
  
Hôm qua đi học về
Mây buồn sầu lê thê
Em đếm từng chiếc lá
Dọc theo con đường về

Thôi rồi em giận Nguyên
Trách con bé "vô duyên"
Tan học về chẳng đợi
Để em mãi ưu phiền

Càng nghĩ, càng giận ghê
Bạn bè... hết chỗ chê!
Con người... sao dễ ghét!
Còn liếc xéo cười huề.

Em lặng im không nói
Mặc cho Nguyên làm quen
Cười duyên làm gì nữa?
Em ư? Em... chả thèm!

Em đi, Nguyên theo sau
Em mặc, chẳng hỏi chào
Nguyên gọi, em ấp úng
Chợt thấy... thương làm sao!

Tự dưng em hết giận
Nhìn Nguyên cười làm quen
Nguyên đưa em quả mận
Cho bồ... Thôi! Huề nghen!

Hôm nay trên đường về
Mây hết buồn lê thê
Nắng hồng đang réo gọi
Từng cơn gió lạnh về

Là rơi nhẹ bên đường
Hoa huệ ngát mùi hương
Em cùng Nguyên vui sướng
Reo cười trong niềm thương.

                        LINH THỤY CHÂU
                           (Thi Văn Lạc Hồng)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 37, ra ngày 7-5-1972)


Thứ Ba, 14 tháng 5, 2024

THẦN TƯỢNG CỦA EM - Đỗ Phương Khanh

 

Thư của em M. Dalat:

... Em có cảm tưởng nhóm Chủ Trương Thiếu Nhi là những người đã lớn tuổi, thuộc thế hệ cũ, không chịu tìm hiểu chúng em, những người trẻ của thế kỷ 20, thế kỷ của Love Story, của những thần tượng : Alain Delon, Vernaud Verley, Bobby Vinton, Andy Williame, Adamo, Christophe, Sheila v.v... Đọc Thiếu Nhi em thấy khô khan quá đi. Chị ơi! Chị là người trẻ (em nghĩ thế). Chị hãy tìm hiểu chúng em. Tuổi trẻ bây giờ quá chán ghét chiến tranh, cần tình yêu. Em rất thương Thiếu Nhi vì thấy Thiếu Nhi lành mạnh và nghĩ tới những hy sinh của tòa soạn sẽ thành vô ích nếu báo phải đình bản vì lỗ lã. Nên em làm gan viết về cho chị, chị hãy đại diện chúng em đề nghị với bác chủ nhiệm và chú chủ bút, hãy dành cho chúng em một khu vực của riêng chúng em, chị hãy đăng những mối tình thơ mộng, hay nếu tòa soạn không viết được thì dịch của ngoại quốc, em cam đoan Thiếu Nhi sẽ được hoan nghênh. Tụi bạn em đều đồng ý là Thiếu Nhi đẹp, bài vở công phu, nhưng mà khô khan quá, thiếu phần tình cảm thơ mộng. Chị nghe lời em đi, rồi Thiếu Nhi sẽ trở thành báo lừng nhất nước cho chị coi...

Trả lời: Chị rất cảm ơn em đã có nhã ý tìm lối thoát cho Thiếu Nhi. Qua thư em, chị thấy tâm hồn em trong sáng lắm. Nhưng chị sợ em dễ bị mất thăng bằng, bị lậm độc vì chiêu bài tình yêu lãng mạn mất, em gái của chị!

Thú thật với em là sau khi đọc một dọc dài những tên ngoại quốc, chị ngẩn người (cảm ơn em có nhã ý cho chị vào giới trẻ, nhưng chị đành thú nhận rằng về phương diện thần tượng của tuổi trẻ như kể trên chị có lạc hậu, vì chị gần như mù tịt, không hiểu họ đã làm được những việc kinh thiên động địa gì mà trở thành danh nhân như vậy). Tra cứu mãi, chị mới biết họ là những ca sĩ ngoại quốc trẻ tuổi, hát nhạc tình cảm, và hiện nay rất được giới trẻ ái mộ.

Em ơi! Chị hơi buồn em ạ. Em đã có lòng yêu quí chị, thì chị cũng có bổn phận thành thật với em, chị buồn em đấy.

Vì rằng em thuộc thành phần được ưu đãi trong xã hội, được học trường danh tiếng, được ba má cưng chiều, đời sống dư dả, mà em lại ích kỷ. Xin em đừng nổi giận mà liệng báo đi. Hãy đọc tiếp em ơi! Em còn có tin chị như trước thì cố bỏ ra hai phút đọc tiếp em nhé. Chị kêu gọi em đây này. Hãy nhìn ra xa hơn một chút đi em. Những thần tượng đó là của những thanh niên các nước tiền tiến. Họ đã có đời sống tương đối sung túc. Họ theo chủ nghĩa cá nhân, chỉ lo hưởng thụ. Và ngay chính ở những nước đó, tư tưởng của lớp thanh niên thường coi mấy người ấy là thần tượng cũng dễ bị khủng hoảng lắm, và cũng không có lối thoát. Đời sống dễ dãi buông thả lo hưởng thụ sẽ đưa con người tới trống rỗng và dễ sa ngã. Họ không có niềm hãnh diện của một người thấy mình có quan hệ mật thiết với cộng đồng. Sự sống của chúng ta hiển nhiên là phải có liên lạc tới nhiều người, gần nhất là cha, mẹ, anh, chị, em, chú, bác, cô, dì, thầy, cô giáo và bạn bè. Rồi từ quần áo, cơm gạo, an ninh, sức khỏe v.v... xã hội đã giúp đỡ chúng ta. Bù lại, ta phải có bổn phận với những người khác. Hơn nữa, đất nước chúng ta triền miên trong khói lửa, dù muốn có một đời sống cá nhân hưởng thụ như những người dân ở những quốc gia tiền tiến, chúng ta cũng phải gắng công xây dựng một đời sống chung cho dễ thở đã. Chứ trong khi 99/100 dân chúng điêu linh khổ sở, mà em lại đem những cô cậu kể trên ra làm thần tượng, thì chị thấy cứ như là điệu đàn ngang cung ấy em ạ.

Em đừng lầm lẫn tình cảm với sự yêu đương của trai gái. Tình cảm, tình yêu, yêu thương em có thể dành cho Phật, Chúa, ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, thày, cô, bạn bè, người, vật... Tình yêu ấy là tình yêu mênh mông vị tha mà ở tuổi các em, các em nên phát huy để làm đẹp cuộc đời. Còn tình yêu trai gái, không phải là xấu, khi nó chỉ đẹp khi nó ở đúng vị trí, và đã tới tuổi. Như một sự tuần tự khi làm nhà là: Đắp nền móng, rồi xây tới tường, rồi mới lợp mái. Tuổi em mà không lo xây nền đắp móng, lại lo lợp mái trước thì nguy quá em ơi!

Ba má đã yêu thương em suốt 17 năm rồi, em hãy yêu thương lại ba má, và vì yêu thương ba má, em ban phát tình yêu cao thượng đó vào những công cuộc xã hội, vào những người đau khổ tàn tật, em hãy hy sinh bớt những tiện nghi để an ủi những người đáng thương. Rồi tình yêu sẽ đến, nhưng là những người xứng đáng, cũng có tấm lòng cao cả, sẽ đến với em. Cái duyên dáng thầm lặng của em sẽ là thần tượng của những người khác, sao em phải tôn mấy người em kể ở trên làm thần tượng. Họ chỉ nhờ có cái giọng hát mà họ nổi danh, chỉ đáng tán dương về phương diện nghệ thuật, chứ chắc gì tâm hồn họ có cao thượng không mà em phải tôn thờ.

Em chỉ còn vài năm sống với ba má, em hãy làm những gì mà khi em lấy chồng, rời khỏi gia đình, dù có muốn, em cũng không còn cơ hội để làm cho ba má nữa. Và em cũng nên nhớ câu danh ngôn: "Hãy cho tôi biết anh chơi với ai, tôi sẽ cho biết anh là người thế nào". Chị tiếc rằng thần tượng của các em không phải là những vĩ nhân đã hy sinh cho xã hội, cho nhân loại, như ông Henry Dunant, thủy tổ Hồng Thập Tự, bà Florence Nightingale, người phụ nữ chí nguyện đầu tiên, bác sĩ Schweitzer, người đã tình nguyện hy sinh cả cuộc đời, lặn lội vào rừng núi Phi Châu để chữa bệnh cho những người dân chưa biết tới ánh sáng văn minh v.v...

Không có thế hệ cũ, mới. Chỉ có thế hệ của những người biết hy sinh, biết làm đẹp cuộc đời, biết quên mình và thế hệ của ích kỷ, hưởng thụ, mỗi người chỉ biết có mình mà thôi em ạ.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 87, ra ngày 29-4-1973)


Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2024

BÀN VỀ GIÀ TRẺ - Nguyễn Hùng Trương

 

Các em thân mến,

Chúng tôi xin tin các em hay trong gia đình Thiếu Nhi chúng ta có một tin vui: ngày 1-4-1973 vừa qua, vị niên trưởng trong gia đình Thiếu Nhi, người đã sốt sắng ghi tên vào Gia đình Thiếu Nhi để cùng sinh hoạt với các em ngay từ ngày thành lập với thẻ số 1, cụ Đỗ Ngọc Ái, tự Ngọc Hồ làm lễ mừng thượng thọ 73 tuổi.

Cụ Đỗ Ngọc Ái là người VN đầu tiên khai thác mỏ than Cái Lân, Hòn Gai, cạnh tranh với người Pháp ở Bắc Việt.

Cụ Đỗ tuy lớn tuổi, nhưng tâm hồn còn trẻ, lúc nào cũng vui vẻ, luôn hòa mình với các bạn trẻ hơn, trong các sinh hoạt xã hội hay văn nghệ.

Cụ rất thích làm thơ, hồi năm 1948, cụ còn theo kháng chiến, hoạt động ở miền thượng du Bắc Việt và cụ suýt bị thủ tiêu vì bài thơ tức cảnh cụ làm trong lúc xa gia đình:
 
Chăn đơn gối mảnh tiết đông hàn,
Kẽ đá lưng đèo túp một gian
Dưới gác, lợn, trâu châu mở hội
Trên sàn, mèo, chó chõ từng đàn
Đầu nhà ánh bếp khi mờ tỏ
Chân giậu giòng khe lúc nhặt khoan
Muốn dậy coi trời: còn tối mít
Đành lòng gắng đợi ánh thiều quang.

Khi còn ở đất Bắc trong dịp một ông Tú Tài ở Pháp về, có ra đề thơ : Cáy chơi trăng.

Cụ có làm bài thơ châm biếm như sau, mà mỗi câu có tên một con vật ở dưới nước (thủy tộc):

Gặp khi mưa gió với mây rồng
Cái cáy chơi trăng nghĩ cũng ngông
Ghét bộ chàng cua ngang cửa lỗ
Trêu gan chú cóc ngắm trên không
Dã tràng xe cát đà mơ mít
chuối chầu sao cũng viển vông
Vọng nguyệt chép cùng vung vẫy nước
Ếch ngồi đáy giếng biết sâu nông

Con cáy là một loại (giống như cua) chân cao chạy nhanh trên cát bùn. Người ta thường bắt con cáy dùng làm mắm gọi là mắm cáy. Và người ta cũng thường hay nói nhát như cáy đồng nghĩa với thành ngữ nhát như thỏ đế.

Trong dịp mừng thượng thọ 73, cụ có ngâm cho bạn bè nghe bài thơ khai bút đầu năm Quý Sửu của cụ như sau:

Cổ lai hy hữu sánh cùng ta
Chẳng hẳn thanh xuân chẳng hẳn già
Bát phố lả lơi xe gắn máy
Thể thao nhún nhảy phép Yoga
Ngày quen dăm chén cơm thô lứt
Sáng thuộc vài chung nước nụ trà
Thế sự mặc ai danh với lợi
Thú vui ngâm vịnh điểm cầm ca.

Các em thấy dù đã ở cái tuổi mà người xưa nói "Nhân sinh thất thập cổ lai hy" mà cụ còn đầy vẻ hoạt bát.
 
Nghĩ đến cụ Đỗ tuổi tuy cao nhưng tâm hồn vẫn trẻ, chúng tôi nhớ đến một nhà văn Pháp đã khuyên chúng ta đừng quá lo âu về tuổi già xồng xộc đến vì:

Trước 30 tuổi, chúng ta còn trẻ măng
Từ 30 đến 40 tuổi, chúng ta còn trẻ
Từ 40 đến 50 tuổi, chúng ta vẫn còn trẻ
Từ 50 đến 60 tuổi, chúng ta còn trẻ hoài
Từ 60 đến 80 tuổi, chúng ta trẻ không tưởng tượng
Sau 80 tuổi, chúng ta trẻ vĩnh viễn.

Có biết bao người tuổi còn ít, nhưng tâm hồn đã cằn cỗi.

Nghệ sĩ Trần văn Trạch đã kể một chuyện vui đại khái như  sau:

Một nhà báo đến phỏng vấn ba ông cụ về cách sống và sức khỏe. Ông ta hỏi ông cụ thứ nhất:

- Thưa cụ, xin cụ cho biết bí quyết nào làm cho cụ được khỏe mạnh, sống lâu và năm nay cụ được bao nhiêu tuổi?

Ông cụ thứ nhất trả lời:

- Tôi năm nay 85 tuổi. Sở dĩ tôi được khỏe mạnh là nhờ tôi sống lúc nào cũng điều độ: tôi ít ăn, ít uống, ít lo lắng.

Ông cụ thứ hai vui vẻ đáp lời nhà báo:

- Tôi thì trái lại, cái gì cũng nhiều: Tôi ăn nhiều, ngủ nhiều, vui vẻ cũng nhiều. Ông nhìn xem tôi tuy đã 90 nhưng vẫn còn khỏe mạnh chứ!

Ông thứ ba chậm rãi nói:

- Tôi chỉ có chơi bời nhiều và thức nhiều mà thôi.

Người phỏng vấn hỏi tiếp: Vậy xin cụ cho biết nay cụ thọ được bao nhiêu mà trông cụ có vẻ hom hem như thế.

Ông thứ ba vẫn chậm rãi nói: Tôi đã 30 tuổi rồi cơ mà!

Các em thân mến,

Kịch tác gia G.B. Shaw có nói : Lắm người không bao giờ trẻ, vài người không bao giờ già.

Cụ Đỗ Ngọc Ái, niên trưởng gia đình Thiếu Nhi của chúng ta thuộc vào hạng sau, vài người không bao giờ già.

Vậy các em, tuổi hãy còn trẻ, hãy giữ tâm hồn cho vui tươi, giữ mãi tâm hồn vui tươi. Nhờ đó các em sẽ thấy cuộc đời đáng sống và các em sẽ được hạnh phúc.

 
Thân mến chào các em             
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 87, ra ngày 29-4-1973)