Ngày
xưa vì đông con và quá nghèo nàn, mà trời lại rét quá, nên gà mẹ mới
điều đình mượn của Diều hâu Papangô chiếc kim để vá víu lại áo quần cho
đàn con.
- Chị đông con quá mà con chị lại nghịch ngợm, tôi e chị đánh mất chiếc kim duy nhất của tôi mất - Papangô nói.
-
Bà chị dạy quá lời, em đâu quá ngu ngốc mà đưa chiếc kim quý giá cho lũ
trẻ chơi. Nếu em đánh mất chiếc kim của chị em xin thường 400 đ cho chị
chứ gì. Vả chẳng may có rơi rớt thì dễ thường đôi mắt gà mái em lại
không thể tìm được cây kim này sao?
Dù yên trí về những lời biện bạch, Papangô cũng cố nói thêm:
- Tôi nói trước là sẽ không để chị và lũ con chị yên thân, nếu chị để mất cây kim duy nhất của tôi nghe.
- Vâng chị cứ yên trí đừng e ngại, em sẽ xin thận trọng.
Nhận được kim, gà mái vui vẻ lắm, vội đến cạnh cối xay may áo quần.
Vừa
khâu được xong một đường thì hết chỉ, nó lật đật lấy kim ra xỏ chỉ mới
thì, vì vụng về, đánh rơi vây kim văng đâu mất, nó hốt hoảng kêu lũ con
rối rít, bắt lũ con đi tìm và mẹ con bới cùng khắp sân cũng vô ích.
Chị
gà tây đủng đỉnh quanh đó lấy làm khoái trá cười nói bô bô, vì xưa nay
vẫn ghét gia đình gà mái, nó vội vã đến nhà Diều hâu ton hót:
-
Bà chị Papangô ơi, khổ to rồi, chị có biết là gà mái đã để cho con nó
nuốt mất kim báu của chị rồi không? (nó thêu dệt và nói dối quá mức) Em
đã biết ngay mà, thương người thì khổ đến thân, em chả thèm thêm bớt lời
với hạng đó bao giờ. Sao mà bà chị lại nhân đức quá lố với bọn hạ lưu
đó?
Gà tây có ác cảm vì thịt nó không được ưa chuộng bằng thịt gà mái.
Được tin tai hại đó, Papangô lồng lộn rít lên, vội vã chạy tìm gà mái và từ xa, nó đã nghiến răng thét:
Gà tây chạy theo cong cớn nói thêm:
- An Takoro Bobony! (nghĩa là trong bao tử).
Thấy
sự thể không hay, gà mẹ vội dẫn đàn con chạy mất, tránh khỏi bị Diều
hâu đánh xé. Và từ đấy Diều hâu chỉ rình bắt gà con xé xác để tìm kim và
lúc nào gà cũng cùng cục bới đất tìm kim trả cho Diều hâu.
Tai họa liên miên đó sinh ra và tiếp diễn đời nọ đến đời kia chỉ vì lời nói độc ác của con gà tây.
Nguyễn-Tất-Thắng
(Công thành)
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 26, ra ngày 25-3-1965)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.