Trong
những thư tâm tình với chị, có một số em đã than phiền rằng chỉ vì em
đó học khá, được thầy thương, nên bạn ghét, luôn luôn kiếm chuyện và
nhạo báng, lại còn vu cho tội nịnh thầy để lấy điểm.
Chị
thấy rằng nếu chị ở hoàn cảnh em đó, thì chị cũng đau lòng lắm, mà chị
cũng không biết làm cách nào để giải oan. Vậy nhân đây chị trích ra một
câu chuyện cổ, nói về cách làm cho người ta bỏ thói đố kỵ, để các em
coi, rồi suy ngẫm nhé.
Tưới dưa cho người
Tống Tựu làm quan Roãn một huyện gần biên thùy nước Lương, chỗ giáp với nước Sở.
Người
đình trưởng ở biên thùy nước Lương cùng người đình trưởng ở biên thùy
nước Sở, hai người cùng trồng dưa. Người bên nước Lương chăm làm và tưới
luôn nên dưa tốt. Người bên nước Sở biếng làm và tưới ít nên dưa xấu.
Quan
Roãn ở ngay huyện biên thùy nước Sở, thấy bên Lương tốt hơn dưa mình,
cũng sinh ra ghen ghét, đêm đêm cứ lẻn sang cào vò dưa của bên Lương,
đến nỗi dưa bên ấy phải héo chết mất một ít.
Sau người đình trưởng nước Lương biết mới nói với người trưởng lại trong huyện, ý cũng muốn lẻn sang cào vò dưa bên Sở.
Người trưởng lại đem việc ấy nói với Tống Tựu.
Tống Tựu bảo:
-
Ôi! Sao lại thế? Thế chỉ là gây thù oán, chuốc tai vạ thôi. Nầy ta bảo
ngươi, chớ sang cào dưa của người ta, cứ đêm đêm lén sang tưới dưa cho
người ta mà đừng để cho người ta biết.
Người đình trưởng cứ theo thế mà làm.
Sau
dưa bên Sở mỗi ngày một tốt. Người đình trưởng nước Sở lấy làm lạ, xét
mãi ra mới biết người đình trưởng nước Lương làm giúp.
Quan Roãn nước Sở biết rõ việc ấy, lấy làm vui lòng, tâu lên vua Sở.
Vua
Sở biết chuyện, buồn và có ý thẹn, nghĩ rằng: ngoài cái tội đi cào dưa
của người ta, chắc còn có nhiều việc khác đáng tội với người ta nữa.
Vua bèn lấy nhiều của dưa sang tạ tội vua Lương và xin giao hiếu.
Vua Lương cũng tin lòng. Thành ra hai nước giao hòa với nhau được lâu.
Cổ
ngữ có câu: "Chuyển bại nhi vi công, nhân họa nhi vi phúc" : nghĩa là
xoay cái bại mà làm nên công, nhân cái họa mà gây phúc. Lão Tử có nói:
"Báo oán dĩ đức" nghĩa là đem đức để báo oán. Hai câu ấy tức như chuyện
nầy.
Ôi! Người ta đã làm không phải, sao mình lại còn bắt chước người ta.
Giả Tử Tân Thư
Dĩ
nhiên rằng những bài làm để thầy thử sức, thì không cho bạn chép mới
chính là giúp bạn, nhưng nếu bạn quên một vài công thức, thì tiếc gì mà
lại giữ bí mật, có phải không các em? Chẳng nên coi sự quên của người ta
là điều may mắn cho mình, giúp mình có cơ hội để được hơn điểm. Thực
tài là ở những điều mình chất chứa trong óc, thấm nhuần trong tim, chứ
hơn thua vài điểm chỉ là chuyện giai đoạn, chị mong các em của chị bứt
được ra khỏi những ghen tị, đố kỵ, để tâm hồn cao lên, cho xứng danh
dòng giống Lạc Hồng.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 122, ra ngày 1-3-1974)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.