Ngày nào cũng như ngày nào, hầu hết chúng ta đều có góp vài câu về thời tiết.
- Ối chà! Bão rớt ở đâu sao mà mưa ri rỉ suốt ngày!
- Chiều nay, trời ráng quá, chắc mai mưa to đây!
- Trăng hôm nay sáng xanh lên, mai tha hồ nắng ráo!
Đấy, mỗi người một ý kiến, mỗi người một kinh nghiệm, cố thử tài tiên tri khí tượng của mình.
Còn
bạn, độc giả Tuổi Hoa, bạn có bao giờ thử góp xen vào không? Khoan, xin
bạn đừng vội, mời bạn thử đáp mười câu hỏi dưới đây trước khi lên chức
"nhà khí tượng tại gia", Cũng xin nói trước, nếu bạn đáp trúng 9 câu,
tài bạn cũng kha khá đấy. (bạn khoanh tròn chữ Đ hoặc S).
Nào, mời bạn nhé!
1. Một quầng tròn quanh vầng trăng là dấu hiệu báo trước trời sẽ mưa dù trăng sáng hay mờ. Đ–S
2. Mực thủy ngân phong vũ biểu lên cao chứng tỏ trời xấu. Đ–S
3. Tuyết chỉ giản dị là mưa đá. Đ–S
4. Mùa hạ ấm hơn mùa đông vì lúc ấy địa cầu gần thái dương hơn. Đ–S
5. Giông bão thường làm sữa mau chua. Đ–S
6. Sương mai bao phủ dày đặc là điềm báo thời tiết sáng sủa sau đó. Đ–S
7. Đàn kiến dời tổ xuống đất là điềm báo trời mưa lớn. Đ–S
8. Trời ráng lúc hoàng hôn (mặt trời lặn đỏ chói) có nghĩa là hôm sau trời mưa bão. Đ–S
9. Độ ẩm của khí trời khiến ta bực bội khó chịu, trời âm u nặng nề. Đấy là do hơi nóng. Đ–S
10.
Thu đến, lá rụng, cây cối trơ trụi, các súc vật lại mọc dày lông, chim
chóc cũng khoác thêm lớp áo mới, chứng tỏ mùa đông tới đáng nghiêm
trọng. Đ–S
Bạn đáp đúng cả chứ? Xin hoan hô bạn hết mình. Sao? Không xong à? Thôi, xin bạn dò lại các câu đáp vậy!
TRẢ LỜI
1.
Đúng. Quầng tròn màu nhạt quanh mặt trăng do kết quả sự tích tụ những
đám mây hình đống lông trên cao, cấu thành bởi các tinh thể tuyết li ti
dọc đường chiếu của ánh trăng. Những loại mây này báo trước một thời
tiết bất thường đột ngột.
2.
Sai. Không liên quan gì đến độ cao thấp của mực thủy ngân trong phong
vũ biểu. Vấn đề là "thái độ" lên xuống, điều hòa hay vội vàng đột ngột,
của thủy ngân. Dù cao hay thấp, mực thủy ngân cũng tụt xuống thình lình
chứng tỏ thời tiết xấu rất gần kề.
3.
Sai Mưa tuyết có thể coi là một loại mưa đá. Nhưng tuyết không phải là
đá trong mưa đá. Tuyết kết tụ không phải từ giọt mưa mà từ hơi nước khi
xuống dưới nhiệt độ đông đặc.
4.
Sai. Địa cầu ở vị trí gần mặt trời nhất vào tháng Giêng. Vấn đề nóng
lạnh không tùy thuộc vào khoảng cách giữa ĐC và MT. Nhưng chỉ vì về cuối
năm (mùa đông), ngày ngắn, chúng ta nhận thiếu hơi nóng, hơn nữa một số
lớn tia mặt trời hắt xiên nên bị phản chiếu trở ra không gian, nhất là
càng tiến dần lên địa cực.
5.
Sai. Thời tiết nóng bức, ẩm ướt, nhất là vùng nhiệt đới chúng ta, rất
thích hợp cho sự nẩy nở của vi khuẩn ảnh hưởng đến tính mau chua của
sữa. Giông bão thực ra hoàn toàn "vô tội".
6.
Đúng. Vào những đêm trong thanh, không một áng mây, trái đất thoát tỏa
hơi nóng ban ngày mau hơn là vào những đêm u ám. Kết quả là lúc bình
minh, một màn sương bao phủ, và chẳng lâu, trời sẽ sáng sủa trở lại.
7.
Sai. Kiến là một sinh vật kỵ nước. Vào những ngày âm u sắp mưa to gió
lớn, đàn kiến thường kéo nhau cả tổ lên những vị trí cao so với mặt đất.
8.
Sai. Một thái dương đỏ chói lúc hoàng hôn báo hiệu một thời tiết khô
ráo trong sáng. Bầu khí quyển khô ráo truyền tiếp tia đỏ của mặt trời
hơn là tia xanh.
9.
Đúng. Khi độ ẩm lên cao, không khí quanh ta hầu như đã bảo hòa hơi
nước. Và dĩ nhiên, mồ hôi toát ra khó bay hơi và khiến ta ngứa ngáy bực
bội.
10.
Sai. Thật là vô lý nếu quan niệm như vậy, không căn cứ trên một nền
tảng khoa học nào cả. Hai sự kiện không liên can gì đến nhau. Lông mọc
nhiều, à, đấy là do ăn đầy đủ, thế thôi.
Thế
nào, bạn thỏa mãn rồi chứ. Bạn nào đáp không trôi, chắc chưa có số trở
thành nhà khí tượng rối Thôi, để "luyện võ" cho thấm đã nhé!
PHẤT MỤC NHÂN NGHỊ
(Theo The Reader's Digest, July 70)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 196, ra ngày 1-3-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.