Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2025

LÒNG CHÂN THẬT - Nguyễn Hùng Trương

 

 Các em thân mến,

Ngày xưa, hồi thời Trung Cổ, bên Pháp, có một người lái buôn nọ một hôm đem hàng hóa đến chợ phiên bán và thu được nhiều tiền. Anh ta bỏ tất cả những đồng tiền vàng sáng chói vào trong một cái bao to lớn bằng da, rồi vui vẻ rảo bước về quê nhà.

Khi đi ngang qua thành phố A-miêng, cũng như thường lệ, anh ta ghé vào nhà thờ, quỳ trước tượng Thánh Mẫu, khấn lễ, chiếc bao da để bên cạnh. Lễ xong, anh ta dậy ra về, đầu óc còn mải mê một ý tưởng gì đó nên anh ta quên xách cái bao da đựng tiền bán hàng của mình.

Trong thành phố này, có một nhà trưởng giả cũng thường hay đến chiêm ngưỡng trước tượng Thánh Mẫu. Cũng hôm ấy, khi người lái buôn vừa bước ra khỏi nhà thờ, nhà trưởng giả đến quì ngay chỗ anh nọ vừa rời đi và và gặp chiếc bao đựng đầy tiền.

Ông ta ngạc nhiên, lẩm bẩm: Ai lại bỏ quên tiền nhiều như thế này? Mình phải làm sao đây? Cho mọi người biết, thế nào cũng có nhiều kẻ giả vờ vừa đánh mất, đến xin nhận lãnh.

Sau một lúc suy nghĩ, ông ta mang bao tiền về nhà và bỏ vào tủ cất cẩn thận. Đoạn ông ta lấy phấn viết trên cửa ngay trước nhà một hàng chữ to: Ai đánh mất vật gì, xin hỏi nơi đây.

Người lái buôn đi một khoảng đường mới sực nhớ vừa bỏ quên bao tiền trong nhà thờ. Anh ta hoảng hốt, chạy ngay lại chỗ cũ, hy vọng bao tiền vẫn còn ở đấy. Đến nơi, không thấy chiếc bao, ông ta bèn tìm ông mục sư để hỏi thăm, rốt cuộc cũng không được tin tức gì thêm. Chán nản, anh ta đi lang thang khắp nẻo trong thành phố.

Trong lúc đầy tuyệt vọng, may mắn thay anh ta lại nhìn thấy hàng chữ phấn trước nhà ông trưởng giả và ông này đứng cạnh đấy.

Người lái buôn mở lời:

- Thưa ông, xin lỗi ông, có phải ông là chủ nhà này không?

Người trưởng giả đáp:

- Thưa đúng, nhưng chẳng hay ông có việc chi?

Người lái buôn vội vã:

- Xin ông vui lòng có thể cho tôi biết ai viết hàng chữ này.

Người trưởng giả giả vờ: Có lẽ người nào đó đi ngang qua đây, rắn mắt viết đùa chơi. Vậy chớ ông bạn có mất vật gì chăng?

Người lái buôn than thở: Tôi vừa đánh mất cả gia tài của tôi.

Người trưởng giả làm như ngạc nhiên: Cả gia tài? Ông để ở đâu mà bị mất?

Người lái buôn bèn thuật câu chuyện và mô tả chiếc bao da đựng đầy tiền vàng.

Biết rõ đấy đúng là người vừa mất bao tiền, người trưởng giả bèn mời anh lái buôn vào nhà, mở tủ lấy bao tiền vui vẻ trả lại. Người lái buôn nhận thấy ông trưởng giả lòng đầy chân thật, đứng suy nghĩ một lúc: Thật mình không xứng đáng giữ bao tiền bằng ông này, rồi nói:

- Thưa ông, tôi xin biếu ông bao tiền này. Nó vào tay ông hữu ích hơn ở tay tôi. Xin ông nhận cho.

Người trưởng giả đáp lại: À, ông bạn, ông cầm lấy tiền ông, tôi không có quyền nhận.

Người lái buôn nói mau: Không, tôi không lấy đâu, tôi xin đi đây để lòng tôi được thanh thản.

Rồi anh ta bỏ chạy.

Thấy vậy, người trưởng giả vừa đuổi theo vừa la to: Ăn trộm! Ăn trộm! Bắt lại giùm!

Những người láng giềng nghe tiếng chạy nắm được anh lái buôn dẫn tới nhà trưởng giả, rồi hỏi:

- Người này lấy gì của ông?

- Dạ thưa, anh này cướp của tôi danh dự và lòng chân thành mà tôi quyết giữ trọn đời tôi.

Rồi người trưởng giả kể lại tất cả câu chuyện như vừa xảy ra. Những người đứng xung quanh, khi biết rõ sự thật, liền bắt buộc anh lái buôn nhận lạ bao tiền của anh ta.

Các em thân mến,

Thuật lại chuyện cổ tích trên, chúng tôi muốn các em rõ từ xưa, lòng chân thật bao giờ cũng được quí trọng.

Giả dối, lường gạt, gian tham là điều làm cho mọi người ghét và xa lánh mình.

Vậy muốn được cảm tình và sống thành công, các em lúc nào cũng phải chân thật.

 
Thân mến chào các em            
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 122, ra ngày 1-3-1974)




Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2025

KHÔNG KHÍ BẤT HÒA TRONG GIA ĐÌNH - Đỗ Phương Khanh

 

Thư của em Đy Ly Quảng Tín.

Gia đình em có cha mẹ, anh hai và em. Hai năm nay có thêm chị dâu. Hồi đầu chị rất quí em và em rất thương chị. Nhưng mới đây từ khi chị có con, chị trở nên gắt gỏng, la em. Cha mẹ cưng và hiểu em nên có la chị, thì chị cãi rất hỗn hào. Anh hai đi lính, lâu lâu về thăm, em nói thì anh buồn, thấy thế, lúc sau này anh có hỏi em phải giấu sự bất kính của chị đối với cha mẹ. Chị cứ đòi ở riêng...

Trả lời: Xưa các cụ có câu thế này: "giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng". Ám chỉ rằng em chồng là dữ và ác với chị dâu lắm. Nhưng đấy là chuyện ngày xưa, ngày mà bố mẹ chồng có thể đuổi con dâu đi, bắt con trai phải bỏ vợ. Nay thì tiểu gia đình được tôn trọng hơn và cha mẹ ít có quyết định dùm cuộc đời con cái như xưa. Thành ra có nhiều khi con dâu lại lấn lướt cả mẹ chồng. Điều đó không nên. Đối với cha mẹ chồng phải kính trọng như cha mẹ đẻ, mới là con nhà có giáo dục đàng hoàng. Xét hoàn cảnh em, chị thấy dạo đầu chị dâu rất tốt. Chị chỉ mới đổi tính sau này mà thôi.

Chị nghĩ thế này, có lẽ chị ấy là người tốt, chị ấy về làm dâu trong gia đình em, chị đã xử sự tốt và hiếu thảo nên em cũng thương chị. Rồi vì anh em đi lính xa nhà lâu, chị cảm thấy bơ vơ, lại lúc sinh đẻ, ốm đau, tất nhiên là chị cảm thấy xa lạ trong gia đình em. Rồi một vài hiểu lầm nhỏ sinh giận dỗi nhau, nói nhau bằng những lời cay đắng. Cơn giận hết, lời cay đắng còn bên tai, nên mâu thuẫn ngày một trầm trọng. Lại thêm mỗi khi anh Hai về, anh Hai lại thấy gia đình bất hòa, chắc anh có rầy chị, lại khiến chị càng thêm giận dỗi và muốn đi ở riêng cho xong. Ý kiến đó lại làm mẹ giận, rồi cứ cái nhân giận dỗi nhỏ nẩy ra cái quả cãi lộn to, gia đình ngày càng thêm bất hòa.

Bây giờ, chị thấy chỉ có em là đóng vai trò hàn gắn được. Vì em còn trẻ tuổi, dễ thông cảm hơn và tính tình cũng vô tâm hơn. Em có thể giải thích để cha mẹ và chị xích lại gần nhau cho gia đình êm ấm, cho anh Hai em được yên lòng. Em nghĩ thế này nhé: là đáng lẽ em chỉ có 2 anh em thôi. Trời cho gia đình em một người con gái. Cha mẹ họ nuôi cho tới khôn lớn, rồi họ tới làm dâu nhà em, phụng dưỡng cha mẹ em, và trông nom nuôi dạy các cháu của em mang dòng họ em. Em nên đối xử sao cho chị ấy khỏi buồn tủi. Em nên tỏ cái độ lượng của người con trai, sẵn sàng cứu nguy phò yếu. Em cứ tỏ thiện chí đi vì em là con trai, lòng em rộng rãi hơn. Em hãy giơ bàn tay ra trước, và chị của em sẽ theo gương em mà tỏ thiện chí em ạ. Nếu cứ hòn bấc (nhẹ) ném đi, rồi lại có hòn chì (nặng) ném trả lại thì oán hận ngày một chất cao, sẽ không bao giờ chị em hòa nhau được, cha mẹ thêm buồn, mà anh Hai em khổ vì biết bỏ ai, bênh ai bây giờ. Đức Phật đã nói: "Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan ; Lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng". Người xa lạ ta còn tha thứ, sao trong tầm tay ta, là chị ta, mẹ của cháu ta, chị ta chết ta còn phải để tang, ta không sẵn sàng tha lỗi cho chị ấy phải không chú em của chị.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 43, ra ngày 18-6-1972)


Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2025

THÁNG TƯ VỀ MÊNH MÔNG NỖI NHỚ - Trần thị Mỹ Liên

 

Tháng ba nắng lụa bồng bềnh
Thôi thì giã biệt mông mênh tháng ngày
 
Nhớ về một thuở thơ ngây
Tháng tư nắng cháy vẫn đầy cỏ hoa
 
Thềm thu những buổi xế tà
Ngoại sàng hạt gạo ngọc ngà trắng tinh
 
Ngoại ơi ! Chan chứa bao tình
Mồ hôi, chân đất cho mình lớn khôn
 
Tháng tư ngọn cỏ héo hon
Nhưng bông lúa chín vẫn thơm mùa vàng
 
Ngoại về buổi chợ vừa tan
Ôm con bé bỏng muôn ngàn lời thương 
 
Trên cành bông bưởi còn vương
Màu bông trong trắng thơm hương tóc người
 
Vùi đầu suối tóc ngoại tôi
Ngoại như bông bưởi cho đời ngát hương
 
Mấy mươi năm những đoạn trường
Tuổi đời chồng chất gió sương nhuộm đầy
 
Vẫn không quên thuở thơ ngây
Quê xưa bóng ngoại áo bay chiều tà
 
Rồi đời cuốn hút tháng ba
Khói nhang con đốt la đà gió bay
 
Ngoài sân hoa bưởi rụng đầy
Cho con mường tượng những ngày ấu thơ.
 
                                                 Trần Thị Mỹ Liên


Thứ Năm, 10 tháng 4, 2025

VỀ QUÊ - Lưu Toàn Bảo Ngọc

 
 
Con trở về vườn hoa khoe màu mới
với mây trời giăng kín những đường quê
hương lúa chín ắp đầy lòng con trẻ
Lời dịu hiền con ôm cả, say mê

Mẹ đứng ngóng bên cành mai vàng ánh
Cha nóng lòng bên gáo nước chè tươi
và em nhỏ đang tưng bừng chào đón
quà anh về mừng tốt ngát hoa cười

Lối vào cũ, ôi! Lòng con sung sướng
cố hương đây thỏa những ước mong chờ
con quên hết những giấy bài sách vở
để rong chơi cho bõ những mộng mơ

Kìa đồng cỏ. Những giờ chơi đuổi bắt
kìa đồng ngô, ruộng lúa nở hoa lòng
con rộn quá chỉ biết đứng ngẩn trông
khi kỷ niệm đang ồn ào thức giấc.

                                   LƯU TOÀN BẢO NGỌC
                                    Trung học Đức Trí Tam Kỳ.
 
 (Trích tuần báo Thiếu Nhi số 35, ra ngày 23-4-1972)


Thứ Hai, 7 tháng 4, 2025

CON VẮT - Đặng Hoàng

 

Nếu ruộng nước, ao hồ, đầm lầy, sông lạch ở đồng bằng thích hợp với đỉa thế nào thì vùng cao nguyên, đồi núi, rừng sâu heo hút kia cũng thuận lợi với vắt như vậy. Quả thế, hễ cứ nhắc đến núi rừng là ngoại trừ thú dữ ra người ta lại liên tưởng ngay tới vắt, vì họ có thể gặp chúng bất cứ lúc nào, nơi nào trên lộ trình xuyên sơn mà không sợ nguy hiểm.

Dù có sự cách biệt rõ ràng về địa điểm sinh sống, vắt vẫn được xếp vào nhóm Hirudinea tức là thuộc loài đỉa, bởi lẽ cả hai đều mang bắp thịt vòng Annelidae và là ký sinh trùng chuyên bám vào động vật để hút máu nuôi thân, tuy nhiên hình dáng, màu sắc lại chả giống nhau chút nào. Thật vậy, thân vắt nhỏ nhắn tựa con giun - nhiều khi chỉ bằng que tăm - lại hơi dèn dẹt thon thon đầu to đầu nhỏ chứ không tròn hẳn hay phình lên cục mịch như đỉa. Dĩ nhiên vắt cũng có hai hấp khẩu - hấp khẩu nhỏ là mồm dùng để hút máu con mồi, hấp khẩu lớn là hậu môn - nhưng những hấp khẩu này còn là phương tiện để di chuyển đó đây. Vắt chỉ dài hai , ba phân - họa hoằn lắm mới thấy con lớn tới bốn, năm phân - với những lằn ngang do lớp da mỏng bao bọc các bắp thịt vòng bên trong. Lớp da này khá dai, nhẵn bóng mang màu nâu nhạt phía trên lưng và sậm hơn ở hai bên cạnh.

Khác hẳn với đỉa ưa sống dưới nước, vắt chỉ hoạt động trên cạn. Chúng chuyên chui rúc bên dưới bao lớp xác lá, cành cây, rác rưởi mục nát để săn bắt côn trùng nhỏ bé gồm giun, dế, ốc, sên v.v... là những món ăn chính yếu khi chưa bám được vào động vật khác. Vì thế, nếu không quan sát kỹ trên đường mòn nơi rừng sâu, chắc chắn chúng ta khó nhận ra vắt. Loài này chỉ xuất hiện nhan nhản (ít nhất cũng phải hàng trăm con) đó đây mỗi khi chúng nhận thấy mặt đất bị khuấy động tức là có dấu hiệu thú vật hoặc người qua lại gần kề để đổ xô tới kiếm ăn. Ngay cả khi có những hạt mưa rào đổ xuống là y như rằng vắt ta rủ nhau lóp ngóp từ các nơi trú ẩn chui lên, để rồi lổm ngổm tìm chỗ khô ráo mò tới như kiểu chúng ta chạy nạn lụt vậy. Vắt vốn "kỵ thủy" nên đang lúc dò dẫm loanh quanh mà gặp phải vũng nước tức thì vắt rụt lại đoạn ngoắt sang bên cạnh, và nếu chẳng may phía này cũng có trở ngại, chúng thụt lui bằng cách xoay cả thân mình sang hướng khác.

Theo dõi sự di chuyển khật khà thoạt tiên chúng ngóc đầu trên lên, đoạn nhờ các bắp thịt toàn thân giúp đỡ, vắt ngoe nguẩy đảo đi đảo lại sau đó vươn mình đặt đầu này xuống đất, trong lúc toàn thân uốn cao cong lên theo hình vòng cung rồi mới nhả đầu dưới ra để lấy đà thu về đằng trước gần sát với đầu kia. Cách thức tiến bước của vắt chỉ có vậy, nghĩa là dùng ngay hai hấp khẩu để xê dịch chứ không bò như giun. Người ta cũng bắt gặp chúng leo cả lên cành cây, bụi rậm kiếm ăn. Điểm cần biết thêm là vắt còn dùng giác quan để nhận ra con mồi từ xa này sửa soạn tấn công.

Y hệt loài đỉa, khi đã may mắn "chộp" được con mồi, vắt ta bám thật chặt rồi tiết ra một chất nhờn với mục đích giữ kín các mép hấp khẩu lại. Chúng chỉ chực buông nhả "nạn nhân của chúng" khi nào đã no nê căng bụng, do đó, bạn đừng có dại rút ra trong lúc vắt đang say sưa hút máu kẻo vết thương sẽ tiếp tục rỉ máu mãi. Ở trường hợp này, bạn lấy ngay miếng giấy quyến dán vào để cầm máu cho tới khi máu khô mới thấm ướt rổi hẵng bóc.

Thường thường dấu vết loài vắt để lại trên đường di chuyển hay nơi nó vừa hút máu là một lớp chất nhờn óng ánh. Chính chất nhờn đó sẽ gây cho bạn ngứa ngáy khó chịu, và nếu da thịt bạn thuộc loại "dữ", bạn sẽ bị ghẻ dù đã săn sóc cẩn thận.

Khi hút máu, vắt thường âm thầm "làm việc" thật nhẹ nhàng êm ái đến nỗi con mồi khó lòng biết được hiện mình đang là nạn nhân của chúng. Đã vậy, vắt lại khôn ngoan khéo léo vô cùng. Chúng cố len lỏi để bám cho bằng được vào da thịt, dù chúng ta đề phòng cẩn thận. Nhiều binh sĩ kể lại rằng họ đã nhét chặt hai ống quần vào giầy "bốt" và buộc dây cẩn thận tưởng như con kiến cũng không chui lọt, thế mà sau khi về tới đồn trại, lúc cởi giầy ra mới thấy một vài chú chàng rất mập ú lăn kềnh xuống đất "ăn vạ" vì no máu quá lết đi chẳng nổi. Họ thắc mắc không biết chúng lọt vào được bên trong giầy bằng cách nào và từ bao giờ nữa. Nguy hiểm nhất là có thể vắt chui tọt vào tai, mũi rồi vì cùng đường, chúng ở lì luôn trong đó làm tắc nghẽn khí quản hoặc gây nhiễm trùng khiến các cơ quan đó sưng tấy lên vì máu ứ đọng, ấy là chưa kể trường hợp vắt rúc mãi rồi tiện đường trườn luôn lên óc như thiên hạ vẫn đồn đại. Đã có lần những toán cấp cứu tìm thấy một người bị thương vì tai nạn nào đó nằm chết trong xó rừng. Chung quanh và trên cả xác nạn nhân, hàng vạn con vắt lúc nhúc bâu vào đen kịt. Chắc hẳn vì kiệt sức anh ta ngã gục xuống để rồi trở thành mồi ngon cho vắt. Trong trận thế chiến thứ nhì (1939-1945) nhiều binh sĩ đồng minh hoạt động giữa các cánh rừng già bên Diến Điện, Trung Hoa, Phi Luật Tân, Mã Lai bị từng "sư đoàn" quân vắt tấn công gây trở ngại không ít.

Tóm lại, vắt là "sản phẩm" đặc biệt của núi rừng và ở khắp mọi nơi: Từ miền Nam Mỹ, Phi Châu tới Á Châu đều có chúng với hằng hà sa số con cháu sẵn sàng chờ đón con mồi.

Để diệt trừ vắt, người ta dùng loại thuốc dầu hóa học xoa lên chân, tay, mặt mũi và vẩy chung quanh lều (nếu ngủ lại trong rừng), vì gặp chất này, vắt vội vàng bỏ chạy cho nhanh kẻo chết.


ĐẶNG HOÀNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 123, ra ngày 1-4-1974)



Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2025

DƯỚI MÁI YÊN SƠN - Tuấn Khanh

 

Trời đã về chiều, ánh triều dương vừa khuất sau núi để lại một vừng sáng màu vàng ối. Ánh sáng tha thướt dạo trên cánh đồng ruộng dẫn tới làng Giao Cù. Trên con đê dọc theo làng, một cụ già thơ thẩn dạo quanh vừa nhìn sóng nước trầm ngâm, vừa vuốt nhẹ chòm râu bạc. Ông ta thường được dân chúng gọi là cụ Nghè Giao Cù... Thuở trước ông thi cử đỗ đạt nhưng không ra làm quan. Phía cuối bờ đê một thiếu nữ mảnh dẻ, đôi mắt đen láy tròn tròn như hai hạt nhãn, đôi má đỏ hồng dưới nắng chiều, miệng mỉm cười duyên dáng. Nàng quảy gánh trên vai nhẹ nhàng đều bước. Nàng trông thấy cụ già liền lễ phép hỏi:

- Ủa, cha ra đây làm gì vậy? Ở nhà có hơn không.

Cụ nghè Giao Cù cười khà:

- Con tưởng cha dại lắm ư? Thỉnh thoảng cũng phải ra đồng ngắm cảnh một chút chứ, ở nhà ngâm thơ mãi cũng chán.

Nàng con gái biết mình lo lắng hơi thừa bẽn lẽn nói:

- Thưa cha, trời chiều rồi, thôi cha con mình về, còn ăn cơm tối.

Cụ nghè gật đầu, theo chân con gái. Đến đầu xóm chợt có tiếng gọi:

- Nhị Nương! Nhị Nương!

Nàng quay lại, hai chàng thanh niên vận đồ nho sinh mặt mày thanh tú đủng đỉnh bước tới. Hai người cúi đầu thi lễ với cụ già:

- Chúng con xin chào thầy và chúc thầy mạnh khỏe.

Cụ nghè Giao Cù đáp lại:

- Tốt, hai con còn tưởng nhớ tới ta.

Hai chàng thanh niên là Đặng Như Mai và Trần Tấn, nguyên là môn đệ của cụ nghè.

Nhị Nương hỏi:

- Thế một năm nay các anh ở đâu? Ra làm quan hả?

Nàng nói câu sau cùng với dáng điệu diễu cợt. Đặng Như Mai liền chống chế:

- Ấy, ấy, cô nói gì thế? Bọn tôi đâu dám bôi nhọ ý chí của thầy.

Trần Tấn tươi cười:

- Còn tôi thì làm quan, song chưa chính thức...

Nhị Nương nóng nảy:

- Chưa chính thức là sao?

- Nghĩa là... nghĩa là nếu người An Nam giành lại độc lập.

Nghe đến đây Nhị Nương cười lên như nắc nẻ. Cụ Nghè thấy bọn trẻ đừng ngoài ngõ nói chuyện ồn ào bèn bảo:

- Thôi vào nhà mà nói chuyện, ở ngoài mất cả lý thú.

Nhị Nương nói:

- Hai anh vô nhà đã. Cha tôi mong hai anh lắm. Tối nay mời hai anh ở lại dùng cơm.

Dứt lời, nàng thoăn thoắt ra nhà bếp.

- Cách một năm nay hai con làm gì? - Cụ nghè hỏi.

Trần Tấn cung kính:

- Thưa thầy, con với Đặng huynh phong trần học võ, nghe đâu quanh vùng ta mấy đảng văn thân mọc lên như nấm...

Đặng Như Mai tiếp lời:

- Con có nghe hình như tên Trần Thượng Báo được bổ làm tri phủ Nam Định này.

Cụ nghè Giao Cù nheo con mắt, suy nghĩ. Giây lát cụ nói:

- Thằng Trần Thượng Báo tâm địa nhỏ nhen, tham lợi, lúc trước nó cùng học một thầy với ta. Hai bên có ít nhiều xích mích. Thằng ấy làm tri phủ ở đây chắc làm khó ta lắm. Tuy nhiên ta chỉ cho hai con chỗ này có thể nương thân làm việc lớn.

Ngưng một lát cụ tiếp:

- Lên chùa Yên Sơn, tiếp xúc với vị hòa thượng và nói rằng ta giới thiệu...

*

... Hai ngày sau, cụ Nghè bị niêm phong nhà cửa. Riêng cụ được lính của Thượng Báo còng tay mời về phủ.

Tối hôm đó trong màn đêm dày đặc, nền trời không trăng sao, ngôi Yên Sơn Tự vẫn im lìm bất động và đầy đen tối. Chợt một ánh đèn cầy le lói chiếu qua khe cửa trai phòng, một bóng người mảnh khảnh lách mình vào phòng. Trong phòng, hai người đang bàn luận liền ngửng đầu lên thảng thốt:

- Nhị Nương!

Bóng người chính là nàng con gái con cụ nghè Giao Cù.

Nàng nói:

- Đặng, Trần hai anh! Cha tôi bị Thượng Báo bắt rồi.

Đặng Như Mai khẽ bảo:

- Tin ấy chúng tôi rõ rồi song chưa có cách gì cứu giải. Trần đệ hãy mời hòa thượng lên thỉnh kế.

Trần Tấn vâng lời bước ra. Vị hòa thượng vừa cầu kinh xong. Nghe qua ý kiến họ Trần, hòa thượng mỉm cười:

- Cái đó tùy tráng sĩ, bần tăng đã già rồi, tâm bình lòng sạch, không thể bàn gì được xin tráng sĩ tha lỗi.

Trần Tấn đành trở về trai phòng. Ba người bàn luận khá lâu bên ngọn đèn cầy và sau đó, trai phòng bị bao trùm bởi màn đen dày đặc.

*

Chiều hôm ấy, nơi của phủ xuất hiện một cô hàng bán rượu xinh vô cùng. Lính trong phủ ra nhậu, chọc ghẹo cô hàng ỏm tỏi. Đám lính uống bất kể trời đất, uống nhiều trả ít cũng được, cô hàng cũng chả hỏi han đến. Bỗng một đứa kêu lên:

- Trời ơi! Thầy đội đến.

Thầy đội thấy lính tụ họp đông đảo liền ra oai quát hỏi:

- Ai cho bây ra đây uống rượu không phòng gian bảo mật hả? Bọn bây thằng nào ra uống trước hử? Nói mau.
 
Bọn lính khép nép sợ hãi, ma men bay hết, anh nào anh nấy mặt tái xanh hết. Thầy đội trợn dọc con mắt lên, rồi bỗng nhiên dịu xuống. Cô hàng xinh đẹp với nụ cười khả ái đã được thầy đội để mắt tới. Thầy đội cười khà:

- Nể tình cô em đây ta tha cho bọn bây. Đi chỗ khác.

Bọn lính lo sợ tản mác hết.

Thầy đội ngồi xuống cạnh nàng bán rượu tán:

- Chà, cô em đẹp vậy có muốn làm bà đội không?

Cô hàng duyên dáng vừa rót rượu vừa đáp:

- Dạ thưa thầy đội em đâu dám mơ cao. Dám hỏi thầy đội có bà nhà chưa?

Thầy đội cười hềnh hệch:

- Ờ có thì... thì cũng vậy, song nếu cô em về với ta, ta sẽ cho nàng làm chính thê... hề... hề.

Thầy đội xích lại gần, vòng tay mở rộng định ôm lấy cô hàng. Cô hàng khẽ lách mình, khúc khích nói:

- Khoan đã thầy đội, làm gì gấp dữ vậy. Để thủng thỉnh. Xin thầy đội cho lính phủ tới uống mừng.

Thầy đội ha hả cười:

- Được được! Chiều ý cô em. Bớ bọn bây, ta nể lời nàng cho bây uống rượu, uống đã thôi, mừng cho ta sắp đem cô hàng về nhà thờ phụng...

Bọn lính a lại. Thầy đội uống ừng ực. Cô hàng lấm lét nhìn, mỉm cười tinh quái. Uống thôi ngã ngửa, ngã nghiêng, đến khi trời tối thì nào lính, nào thầy đội đều bị rượu mê của cô hàng say như chết. Cô hàng không ai ngoài Nhị Nương cải dạng.

Màn đêm buông xuống, ba bóng người lướt nhẹ vào phủ. Đó là Đặng Như Mai, Trần Tấn và Nhị Nương. Ba người lẹ làng vào ngục thất. Lính phủ giữ ngục đã say mèm. Ba người cầm xâu chìa khóa trong mình thầy đội, mở cửa và cõng một thây người rồi biến mình vào đêm tối...

*

Làm như vô ý, một tên dân rách rưới, cực khổ ăn mặc theo lối nhà quê đi lui đi tới rồi quăng miếng vỏ bưởi vào ngực tên canh cổng. Tên lính canh nổi nóng quát:

- Thằng chó má quê mùa dám chọc đến ông hả?

Người nọ vẫn yên lặng quắc đôi mắt bướng bỉnh nhìn tên lính canh rồi mỉm cười khiêu khích... Tên lính canh tức ói gan hét lên:

- À, thằng này ưa đau đòn không thèm trả lời ông.

Tên lính canh giáng roi lên định quất người ấy, thì năm ba tên lính khác nghe ồn ồn chạy tới hỏi:

- Cái gì mà dữ vậy? Có đội Chánh đến nơi kìa.

Người ấy vẫn nụ cười ngạo mạn đầy khiêu khích:

- Tao đâu thèm nói chuyện với bọn bây. Chỉ khi nào đối diện với thượng quan tao mới nói... Bọn bây đừng hòng hỏi.

Đội Chánh thấy người ấy nói cứng liền bảo:

- Thôi, bọn bây trói nó lại cho kỹ rồi đem vào trình với thượng quan.

Bọn lính y lời và đem người ấy vào phủ. Thượng Báo nghe tin vội vã thăng đường, ngồi trước án thư vỗ bàn hét:

- Thằng kia, chỗ này để mày giỡn hả? Ai sai mày tới vuốt râu cọp? Khai mau kẻo chết.

Người ấy vẫn bình tĩnh:

- Bẩm quan, con thấy tấm bảng văn bảo rằng ai biết được chỗ ẩn của đảng Văn Thân thì thưởng tiền bạc. Tình cờ con biết được. Con liền vào báo quan. Song nói với tên canh cổng nhỡ nó xì xào thì mất hết bí mật nên con mới dùng kế, mạo hiểm cho giáp mặt thượng quan.

Ngồi trên án thư, Thượng Báo vuốt râu hể hả:

- Thế ngươi thấy bọn nó ở đâu?

Dạ bẩm thượng quan. Bọn nó thường qua lại chùa Vôi vào khoảng giờ Tý canh ba. Con không dám chắc nơi đó là sào huyệt hay không song con thấy chúng hay hội họp, bàn luận và đồn... đồn rằng...

- Rằng sao? Chúng nó nói gì?

- Dạ bẩm thượng quan tha tội con mới dám nói.

- Được, nói mau kẻo mang tội.

- Dạ, chúng bảo rằng là... là dẫu cho tên chó săn Thượng Báo ấy có làm chi nữa nó cũng lấy mạng.

Thượng báo tức uất lồng lộn lên. Một lệnh truyền ra, quản Dương, đội Chánh liền kéo rốc hết lính phủ theo tên điểm báo hướng chùa Vôi thẳng tiến.

Ngôi chùa vôi vẫn yên lặng, đoàn quân tiến vào trong, bên trong trống trơn chẳng có gì ngoài bệ thờ và cây đèn dầu leo lét. Bọn lính đi lục xét lung tung. Bỗng một mũi tên lửa không biết từ đâu bay đến cắm vào mái đã tẩm dầu từ trước. Lửa bắt cháy cả một vùng đỏ ối. Quản Dương và đội Chánh cùng ba quân chen lấn, đạp nhau chạy. Nhìn lại thì tên quân đã mất dạng...

Khi ấy tại tư dinh, Thượng Báo một mình mỉm cười khoái lạc. Lão ta nghĩ thầm: tiếng là mình bắt giặc, nhưng mình chả cần dấn thân vào đầu giáo mũi tên. Thành công mình hưởng trọn. Tên tay sai bán nước nghĩ đến ngày mai khi dẹp được đảng Văn Thân ở đây sẽ được thăng quan... Lão ta miên man với giấc mộng công hầu thì cánh cửa sổ bật mở, một bóng người nhảy vào kề lưỡi kiếm vào cổ Thượng Báo đanh thép nói:

- Mau nói bọn lính vệ bỏ khí giới xuống kẻo uổng mạng.

Hơi lạnh từ lưỡi kiếm toát ra làm lão rợn người. Người ấy vẫy tay ra ngoài cửa sổ gọi:

- Trần hiền đệ!

Một người khác cầm trường kiếm nhảy vào:

- Đặng huynh gọi đệ?

- Hiền đệ hãy trói bọn lính vệ lại cho ta.

Quay qua Thượng Báo, Đặng Như Mai lạnh lùng nói:

- Tạm thời cụ Thượng theo chúng tôi, khi nào rửa hận đất nước, trả thù tôn sư xong cụ sẽ được thả về.

Dứt lời, Đặng Như Mai xốc Thượng Báo lên vai.

- Bắt lấy thích khách!

Đặng Như Mai quay lại.

Trần văn Xuân con của lão Thượng Báo xuất hiện nơi ngưỡng cửa. Đặng Như Mai hạ Thượng Báo xuống, nhảy đến tống một ngọn cước vào bụng... Bịch. Trần văn Xuân ngã gục. Đặng Như Mai ôm Thượng Báo ra cửa:

- Nhị đệ! Cản hậu cho ta.

Hai người biến ra cửa... bọn lính canh đuổi theo... Một lằn kiếm lướt qua... hàng loạt người gục ngã. Quân canh chỉ còn rất ít. Ba lằn kiếm bay... Hai chàng tráng sĩ phóng mình lên hai con tuấn mã nhắm hướng Yên Sơn Tự...
 
*
 
Đêm ấy là đêm 17 vào tháng 4 năm giáp tuất (1874) niên hiệu Tự Đức 27.

Người ta đồn rằng Thượng Báo bị quấn giẻ, làm đuốc người trước bàn thờ tổ quốc và cụ nghè Giao Cù.


Tuấn-Khanh          

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 66, ra ngày 1-4-1967)


Thứ Năm, 3 tháng 4, 2025

CHỈ VÌ CHIẾC BÓNG - Minh Quân

 

Ngày xưa, xưa lắm có một người đàn ông kia được phái đi chiến đấu dẹp giặc ở biên thùy, thuộc vùng mạn ngược.

Vào thời ấy các phương tiện giao thông thật khó khăn, trở ngại nên đã ba năm qua người ấy ra đi mà vợ anh ta ở nhà không được tin tức gì về chồng cả.

Nàng hết sức buồn khổ trong lòng, song cũng còn chút an ủi là đứa con thơ, đứa trẻ ra đời sau khi cha nó rời nhà tám tháng. Sự có mặt của đứa trẻ làm nàng thêm can đảm, đủ sức chịu đựng buồn khổ trong lúc xa chồng.

Thấm thoát mà thằng bé đã bi bô biết nói. Niềm vui về đứa con càng lớn thì nỗi khổ vì sự bặt tin chồng cũng tăng theo năm tháng. Tuy nhiên, nàng vẫn kiên gan chờ đợi, không một lời ta thán phàn nàn.

Một chiều kia, nàng ngồi may áo cho con bên giường, con nàng thì đang ngủ thiếp ; bỗng cơn giông bão tố nổi lên dữ dội, sấm nổ vang rền làm cho con nàng tỉnh giấc và vô cùng kinh sợ. Người mẹ vội vàng buông kim chỉ bước lại bế con và hết sức dỗ dành, song đứa trẻ không ngừng gào khóc. Chưa bao giờ nó tỏ ra kinh sợ đến mức ấy.

Bên ngoài trời đất tối sầm trong phút chốc, mưa như trút, thỉnh thoảng một tia chớp sáng lóe lên và gió... chao ơi! gió hung hãn gào thét như muốn cuốn phăng trọn gian nhà nhỏ bé của mẹ con người đàn bà cô đơn, khốn khổ.

Thiếu phụ sẽ sàng đặt con xuống và lần dò trong bóng tối, đốt ngọn đèn lên.

Thật là khó khăn, vì gió như tốc mái tranh nhà nàng, luồn vào tất cả các khe hở ở cửa lớn, cửa sổ, lửa chưa kịp bén vào tim đèn thì đã bị gió làm tắt ngấm. Gió day, gió tạt khắp các hướng, lồng lộn như một con thú bất kham.

Tuy nhiên, sau cùng thiếu phụ cũng đốt được ngọn đèn nhỏ bé, soi sáng gian nhà.

Nàng bế con lên và dịu dàng dỗ nó. Thằng bé chừng như thêm hờn giận, thêm hãi hùng vì mẹ đã đặt mình xuống trong bóng tối, càng khóc tợn. Thiếu phụ chỉ tay vào chiếc bóng mình in lên vách đất mà rằng:

- Con đùng sợ! Đã có cha con về kia! Cha con về thăm con đấy! Đừng khóc cha giận bây giờ!

Thấy chiếc bóng, đứa trẻ lấy làm thích thú, không khóc nữa.

*

Từ ấy, đêm đêm, những lúc nào con quấy, dỗi, người mẹ lại chỉ vào bóng mình mà dỗ dành con. Ngay cả khi nó không quấy, dỗi, thiếu phụ vẫn đùa bảo nó gọi cái bóng là CHA, bảo nó vòng tay cúi chào bóng mình trước khi đi ngủ.

Đứa trẻ quen dần với trò chơi ấy, đến nỗi mỗi chiều nó chỉ ngong ngóng chờ mặt trời tắt là giục mẹ đốt đèn lên để cha về chơi với nó. Nô giỡn chán chê với chiếc bóng mẹ cho đến khi díu hai mắt lại, nó vòng tay, cúi đầu bập bẹ:

- Thưa cha, con đi ngủ!

Rồi mới vào giường.

Trong lúc con yên giấc, thiếu phụ ngồi lặng lẽ cho đến nửa đêm, một mình với chiếc bóng của mình âm thầm tưởng nhớ đến người chồng biệt tích.

*

Chiến tranh chấm dứt, người đàn ông nôn nả trở về. Thiếu phụ nhận ra chồng từ xa, nàng vô cùng mừng rỡ song nàng chưa dám tin vào sự thật. Khi chồng đến gần, nàng không dám ngẩng nhìn anh, không dám nói một lời nào, cũng không có một cử chỉ nào tỏ ra mình mừng cả. Sự xúc động làm nàng nghẹn lời, sửng sốt, bàng hoàng. Nàng tưởng như mình cất tiếng lên, mình làm một cử động nhỏ nào thì chồng nàng sẽ tan biến như chàng thường tan biến trong những giấc mơ của nàng tự bấy lâu nay. Thiếu phụ quay mặt đi, lén lút lau hai giòng lệ nóng trào ra ràn rụa. Giây lâu, nàng mới nói bằng giọng kính cẩn thế này:

- Ba năm đằng đẵng em không bao giờ dám mơ đến ngày sum họp cùng mình. Có lẽ nhờ hồng đức tổ tiên lớn lắm nên mới có ngày nay. Vậy chúng ta phải tỏ lòng thành kính và biết ơn bề trên mới phải. Mình hãy trông con hộ, em xuống phố mua sắm chút đỉnh để làm lễ tạ ơn.

- Anh cũng nghĩ như mình. Chúng ta phải tạ ơn trên. Mình cứ đi, để con đó cho anh.

Chồng âu yếm trả lời vợ. Nàng tức thì làm theo lời chồng bảo.

Trong lúc vợ vắng mặt, người chồng tìm cách làm quen với con trai. Anh vô cùng sung sướng khi nhìn kỹ nó : nó giống anh từ cánh mũi, nét mày, nó giống anh đến cả vành tai, mầu tóc. Tóm lại, nó đúng là hình ảnh của anh ngày còn bé!

Anh đến gần con, run giọng gọi:

- Con trai yêu quý! Hãy lại đây với CHA nào!

Thằng bé giương to đôi mắt ngây thơ nhìn anh chăm chú và nó lùi dần, lùi dần vào bức vách, miệng không ngớt gọi mẹ, như cố tìm một sự che chở của mẹ nó trước thái độ cầu thân của người lạ mặt đột nhập vào nhà.

Người cha không phật ý chút nào. Làm sao anh lại có thể trách con?

Từ khi mở mắt chào đời cho đến nay, con anh chưa hề một lần thấy mặt anh kia mà! Nó làm mặt lạ với anh là phải, nó có lỗi gì đâu? Anh kiên nhẫn dỗ dành con, tìm đủ cách làm quen với nó. Thằng bé vẫn không chịu để cho cha bế, nó đứng yên một chỗ, tuy đã có vẻ bớt sợ, nhưng vẫn giữ vẻ xa cách, lạnh lùng.

Anh kêu lên trong lúc sà xuống bế bồng con vào lòng, hôn tới tấp vào mặt, vào má nó:

- Nào xem! Chú bé có chịu nhận cha không...

Nhưng anh xiết bao kinh ngạc : nó giằng khỏi tay anh, miệng nói:

- Không! Ông không phải cha tôi! Ông không được hôn tôi!

Người cha bàng hoàng khi lọt tai lời con trẻ, song còn cố giải thích:

- Con còn bé nên chưa biết đó thôi. Cha chính là cha con. Cha đi dẹp giặc phương xa nên con không gặp cha. Nay cha về...

Thằng bé một mực cải chính:

- Không! Ông không phải cha tôi. Ông nói dối. Cha tôi không bao giờ về ban ngày. Cha tôi chỉ về lúc lên đèn.

Người cha thắt ruột lại khi nghe đến đó, anh choáng váng ngồi phệch xuống, lòng bời rối. Có thể như thế được ư? Vợ anh đã phản bội anh ư? Thằng bé điềm nhiên tiếp:

- Tối cha tôi mới về với tôi. Cha tôi không bao giờ nói gì cả. Cha tôi chỉ đi theo bên mẹ tôi. Mẹ tôi làm gì thì cha tôi làm theo : mẹ tôi đi ra cha tôi đi ra, mẹ tôi đi vào, cha tôi đi vào, mẹ nằm cha cũng nằm, mẹ đứng cha cũng đứng... Ông đừng nói dối, phỉnh tôi.

- Con ơi! Cha đây chính là...

Giọng người cha nghẹn ngào như sắp khóc. Bé tiết lộ thêm:

- Khi nào tôi vòng tay thưa cha đi ngủ thì mẹ tôi cúi xuống hôn tôi, bấy giờ cha tôi cùng cúi xuống...

Người đàn ông ù cả hai tai. Anh không nghe gì nữa. Người ta chả thường nói rằng: "Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ" đó sao? Con chàng nói thật. Nó làm gì biết bịa chuyện? Mà bịa làm chi? Anh không khóc được, tuy lòng đau xót vô ngần.

Niềm vui sum họp tắt lịm như ngọn đèn trước gió.

*

Người mẹ không mảy may hay biết gì về những lời ngây ngô của con trai, song nàng linh cảm như một bất hạnh đang đe dọa hạnh phúc của mình khi tất tả trở về nàng gặp ngay thái độ lầm lì, khó hiểu của chồng.

Tuy nhiên, nàng cố trấn áp mối lo sợ vẩn vơ, tự an ủi rằng: "Chắc anh ấy đi chinh chiến phương xa về nhọc mệt, và những ngày vất vả, đương đầu với tử thần làm anh ấy bẳn tính, không nên quan tâm làm chi".

Nàng lặng lẽ, cắm cúi lo nấu nướng mọi thứ, xong đâu đấy nàng bày biện lên bàn thờ gia tiên rồi mời chàng đến làm lễ.

Trong nàng hồi hộp lôi từ đáy rương lên chiếc áo dài mới tinh khôi - chiếc áo mà nàng chỉ mặc một lần trong lễ cưới và suốt thời gian chồng vắng mặt nàng chưa một lần ngắm lại - thì chồng nàng đã không chờ vợ mà đến bàn thờ đốt hương, đèn, thì thào khấn vái rồi lạy trước một mình. Đoạn, anh cuốn ngay chiếu lại, như có ý không cho vợ được đến làm lễ tạ cùng mình.

Thiếu phụ tưởng mình đang sống trong ác mộng : nàng hết sức tủi thân và đau đớn song nàng vẫn cắn răng chịu đựng, nén khóc dọn bữa cho chồng ; rồi lầm lũi vào phòng gấp áo lại cất vào đáy rương như cũ.

Cơm lạnh ngắt trong bát, những miếng mỡ đông lại dưới sức lạnh của một chiều đông.

Gã đàn ông không thốt một lời, mặc thêm cái áo ấm rồi băng mình ra khỏi cửa. Thiếu phụ kinh hoàng trước hành động kỳ quặc của chồng. Nàng muốn chạy theo níu anh lại, gạn hỏi nguyên do, bắt anh giải thích rõ ràng... Song nàng không cử động nổi, hai chân nàng như bị dán cứng xuống nền nhà! Và bởi quá tủi nhục, đau đớn nàng không nói nên lời trước cách đối xử tàn nhẫn của chồng.

Bao nhiêu buồn khổ được dịp tuôn ra... nàng gục đầu vào tay rưng rức khóc - Phải! Trong bao nhiêu năm tháng nàng đã cố gắng cầm nước mắt - nàng khóc đến cạn cả lệ và sau cùng, nàng ôn con, đoạn mím môi, nghiến chặt răng, chạy thẳng ra sông. Nàng quyết trầm mình xuống đó, nhờ giòng nước rửa sạch oan khổ của mình!

Nghe tin dữ, người chồng quày quả trở về. Anh không thể bỏ con một mình được. Anh không chút hối hận tiếc thương người đàn bà xấu số. Anh dửng dưng trước xác chết của nàng, anh nghĩ rằng nàng đã quá xấu hổ phải lấy cái chết đền tội cùng chồng, thế thôi.

Đêm đến, anh đốt đèn lên, ru con ngủ. Bóng anh in lên vách đất và... anh kinh ngạc xiết bao khi đứa trẻ reo lên vui vẻ:

- Kia! Chính cha tôi! Cha tôi đã trở về!

Tất cả sức mạnh trong người anh như tiêu ta trước lời con. Anh bủn rủn cả tay chân, vô cùng hối hận vì biết mình lầm, ngờ oan cho vợ, người vợ mà hơn ba năm anh vắng mặt, vẫn một dạ trung thành.

Anh kêu gào, khóc lóc mong linh hồn vợ thấu hiểu cho anh, anh không ngớt van xin nàng tha tội. Anh bỏ ăn, bỏ ngủ. Anh đặt bàn thờ trên bờ sông, nơi nàng tự tận, ngày đêm ở đó, thương nhớ không nguôi. Anh thề sẽ sống như thế suốt đời, không tục huyền cho trọn tình cùng người quá cố.

Một hôm, vua Lê Thánh Tôn vi hành ngang đó, trông thấy ngôi đền nhỏ dân chúng và người chồng đặt thờ người thiếu phụ đoan chính ấy, Ngài lấy làm thương xót, bèn đề tặng mấy câu thơ:

"Nghi ngút đầu gành tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương?
Ngọn đèn dù tắt đừng nghe trẻ
Làn nước chi cho thiếp phụ chàng?
Chứng giám có đôi vầng nhật nguyệt
Giải oan chi đến mượn đàn tràng?
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy
Khá trách chàng Trương quá phũ phàng!"


MINH QUÂN          

(Trích từ bán nguyệt san Thằng Bờm số 22, ra ngày 1-3-1973)


Thứ Tư, 2 tháng 4, 2025

DANH NGÔN 220

 

Muốn biết ai có tính kỹ lưỡng, có óc hy sinh, có tâm hồn cao thượng hay không, thì cứ coi cách người ấy ăn uống...
TINH ANH.

Bạn hãy ăn hai lần ít hơn, cho hai lần nhiều hơn, uống ba lần nhiều hơn, cười bốn lần nhiều hơn, và bạn sẽ trường thọ.
H. KELLOG.

Sức khỏe có do đời sống biết vâng lời định luật sinh sản. Bịnh trạng có do những điều kiện phản sinh lý, nói cách khác là do những tập quán xấu.
P. CARTON.

Sự toàn thiện là sống mỗi ngày như mình sống ngày cuối cùng, và sống bình tĩnh, không bạc nhược, không giả dối.
MARC AURÈLE.

Hy sinh chánh đáng là hy sinh trong tiếng cười.
THONE.

Người ta bảo: Chọn là hy sinh ít nhiều. Mặc kệ, chúng ta hãy hy sinh đi. Hy sinh nhưng vẫn chọn.
H. ESQUERRE.

 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 220, ra ngày 1-3-1974)



Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

THUYỀN HOA TRÊN BẾN MỘNG - Liên Kh.

 
 
À ơi... ơi
Lục bình bông tím
Điên điển bông vàng
Điên điển mọc ở đất làng
Lục bình trôi nổi như phường hát ngao (1)

Phường hát ngao rêu rao đầu chợ
Mượn tiếng đàn trả nợ nhân gian
Tình tang tích tịch tình tang...
Lời ca nức nở,
Giọng đàn chơi vơi...

Ai về lục tình mà coi!
Lục bình bông tím nổi trôi bập bềnh.
Nghe chăng tiếng hát buồn tênh
Sông chiều gió lộng,
Mông mênh tiếng đàn

Tiếng đàn tích tịch tình tang
Ai ơi có thấy giọng đàn quê hương?
Có nghe tiếng khóc đêm trường?
Bát cơm manh áo
Tình thương chưa đầy.

Con đò Mỹ Thuận còn đây
Năm qua tháng lại dường say giọng đàn.
Hỏi rằng những khách quá giang
Nghe chăng tiếng hát ngập tràn tình quê?

So dây nắn phím
Khúc nhạc não nề
Bàn tay gầy guộc chơi vơi,
Một màu sương tuyết trên đôi mắt sầu.

Biết về đâu? Biết về đâu?
Lời ca nức nở khẩn cầu tình thương
Ai ơi! Ghé lại bên đường
Lắng nghe tiếng hát quê hương gợi buồn.

Một đồng bạc trắng
Là bấy hạt cơm
- "Con ơi! Hát nữa đi con
Để cha dạo lại cung đàn khách nghe"

Chiều nay gió lộng lê thê
Lục bình trôi nổi biết về nơi đâu?...

                                                  LIÊN KH.
                                              (thương về quê nội)

_______________
(1) Câu hát ru em

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 104, ra ngày 15-4-1969)