Ngày xưa, xưa lắm có một người đàn ông kia được phái đi chiến đấu dẹp giặc ở biên thùy, thuộc vùng mạn ngược.
Vào
thời ấy các phương tiện giao thông thật khó khăn, trở ngại nên đã ba
năm qua người ấy ra đi mà vợ anh ta ở nhà không được tin tức gì về chồng
cả.
Nàng
hết sức buồn khổ trong lòng, song cũng còn chút an ủi là đứa con thơ,
đứa trẻ ra đời sau khi cha nó rời nhà tám tháng. Sự có mặt của đứa trẻ
làm nàng thêm can đảm, đủ sức chịu đựng buồn khổ trong lúc xa chồng.
Thấm
thoát mà thằng bé đã bi bô biết nói. Niềm vui về đứa con càng lớn thì
nỗi khổ vì sự bặt tin chồng cũng tăng theo năm tháng. Tuy nhiên, nàng
vẫn kiên gan chờ đợi, không một lời ta thán phàn nàn.
Một
chiều kia, nàng ngồi may áo cho con bên giường, con nàng thì đang ngủ
thiếp ; bỗng cơn giông bão tố nổi lên dữ dội, sấm nổ vang rền làm cho
con nàng tỉnh giấc và vô cùng kinh sợ. Người mẹ vội vàng buông kim chỉ
bước lại bế con và hết sức dỗ dành, song đứa trẻ không ngừng gào khóc.
Chưa bao giờ nó tỏ ra kinh sợ đến mức ấy.
Bên
ngoài trời đất tối sầm trong phút chốc, mưa như trút, thỉnh thoảng một
tia chớp sáng lóe lên và gió... chao ơi! gió hung hãn gào thét như muốn
cuốn phăng trọn gian nhà nhỏ bé của mẹ con người đàn bà cô đơn, khốn
khổ.
Thiếu phụ sẽ sàng đặt con xuống và lần dò trong bóng tối, đốt ngọn đèn lên.
Thật
là khó khăn, vì gió như tốc mái tranh nhà nàng, luồn vào tất cả các khe
hở ở cửa lớn, cửa sổ, lửa chưa kịp bén vào tim đèn thì đã bị gió làm
tắt ngấm. Gió day, gió tạt khắp các hướng, lồng lộn như một con thú bất
kham.
Tuy nhiên, sau cùng thiếu phụ cũng đốt được ngọn đèn nhỏ bé, soi sáng gian nhà.
Nàng
bế con lên và dịu dàng dỗ nó. Thằng bé chừng như thêm hờn giận, thêm
hãi hùng vì mẹ đã đặt mình xuống trong bóng tối, càng khóc tợn. Thiếu
phụ chỉ tay vào chiếc bóng mình in lên vách đất mà rằng:
- Con đùng sợ! Đã có cha con về kia! Cha con về thăm con đấy! Đừng khóc cha giận bây giờ!
Thấy chiếc bóng, đứa trẻ lấy làm thích thú, không khóc nữa.
*
Từ
ấy, đêm đêm, những lúc nào con quấy, dỗi, người mẹ lại chỉ vào bóng
mình mà dỗ dành con. Ngay cả khi nó không quấy, dỗi, thiếu phụ vẫn đùa
bảo nó gọi cái bóng là CHA, bảo nó vòng tay cúi chào bóng mình trước khi
đi ngủ.
Đứa trẻ quen dần với trò chơi ấy, đến nỗi mỗi chiều nó chỉ ngong ngóng chờ mặt trời tắt là giục mẹ đốt đèn lên để cha về chơi với nó. Nô giỡn chán chê với chiếc bóng mẹ cho đến khi díu hai mắt lại, nó vòng tay, cúi đầu bập bẹ:
- Thưa cha, con đi ngủ!
Rồi mới vào giường.
Trong
lúc con yên giấc, thiếu phụ ngồi lặng lẽ cho đến nửa đêm, một mình với
chiếc bóng của mình âm thầm tưởng nhớ đến người chồng biệt tích.
*
Chiến
tranh chấm dứt, người đàn ông nôn nả trở về. Thiếu phụ nhận ra chồng từ
xa, nàng vô cùng mừng rỡ song nàng chưa dám tin vào sự thật. Khi chồng
đến gần, nàng không dám ngẩng nhìn anh, không dám nói một lời nào, cũng
không có một cử chỉ nào tỏ ra mình mừng cả. Sự xúc động làm nàng nghẹn
lời, sửng sốt, bàng hoàng. Nàng tưởng như mình cất tiếng lên, mình làm
một cử động nhỏ nào thì chồng nàng sẽ tan biến như chàng thường tan biến
trong những giấc mơ của nàng tự bấy lâu nay. Thiếu phụ quay mặt đi, lén
lút lau hai giòng lệ nóng trào ra ràn rụa. Giây lâu, nàng mới nói bằng
giọng kính cẩn thế này:
-
Ba năm đằng đẵng em không bao giờ dám mơ đến ngày sum họp cùng mình. Có
lẽ nhờ hồng đức tổ tiên lớn lắm nên mới có ngày nay. Vậy chúng ta phải
tỏ lòng thành kính và biết ơn bề trên mới phải. Mình hãy trông con hộ,
em xuống phố mua sắm chút đỉnh để làm lễ tạ ơn.
- Anh cũng nghĩ như mình. Chúng ta phải tạ ơn trên. Mình cứ đi, để con đó cho anh.
Chồng âu yếm trả lời vợ. Nàng tức thì làm theo lời chồng bảo.
Trong
lúc vợ vắng mặt, người chồng tìm cách làm quen với con trai. Anh vô
cùng sung sướng khi nhìn kỹ nó : nó giống anh từ cánh mũi, nét mày, nó
giống anh đến cả vành tai, mầu tóc. Tóm lại, nó đúng là hình ảnh của anh
ngày còn bé!
Anh đến gần con, run giọng gọi:
- Con trai yêu quý! Hãy lại đây với CHA nào!
Thằng
bé giương to đôi mắt ngây thơ nhìn anh chăm chú và nó lùi dần, lùi dần
vào bức vách, miệng không ngớt gọi mẹ, như cố tìm một sự che chở của mẹ
nó trước thái độ cầu thân của người lạ mặt đột nhập vào nhà.
Người cha không phật ý chút nào. Làm sao anh lại có thể trách con?
Từ
khi mở mắt chào đời cho đến nay, con anh chưa hề một lần thấy mặt anh
kia mà! Nó làm mặt lạ với anh là phải, nó có lỗi gì đâu? Anh kiên nhẫn
dỗ dành con, tìm đủ cách làm quen với nó. Thằng bé vẫn không chịu để cho
cha bế, nó đứng yên một chỗ, tuy đã có vẻ bớt sợ, nhưng vẫn giữ vẻ xa
cách, lạnh lùng.
Anh kêu lên trong lúc sà xuống bế bồng con vào lòng, hôn tới tấp vào mặt, vào má nó:
- Nào xem! Chú bé có chịu nhận cha không...
Nhưng anh xiết bao kinh ngạc : nó giằng khỏi tay anh, miệng nói:
- Không! Ông không phải cha tôi! Ông không được hôn tôi!
Người cha bàng hoàng khi lọt tai lời con trẻ, song còn cố giải thích:
- Con còn bé nên chưa biết đó thôi. Cha chính là cha con. Cha đi dẹp giặc phương xa nên con không gặp cha. Nay cha về...
Thằng bé một mực cải chính:
- Không! Ông không phải cha tôi. Ông nói dối. Cha tôi không bao giờ về ban ngày. Cha tôi chỉ về lúc lên đèn.
Người
cha thắt ruột lại khi nghe đến đó, anh choáng váng ngồi phệch xuống,
lòng bời rối. Có thể như thế được ư? Vợ anh đã phản bội anh ư? Thằng bé
điềm nhiên tiếp:
-
Tối cha tôi mới về với tôi. Cha tôi không bao giờ nói gì cả. Cha tôi
chỉ đi theo bên mẹ tôi. Mẹ tôi làm gì thì cha tôi làm theo : mẹ tôi đi
ra cha tôi đi ra, mẹ tôi đi vào, cha tôi đi vào, mẹ nằm cha cũng nằm, mẹ
đứng cha cũng đứng... Ông đừng nói dối, phỉnh tôi.
- Con ơi! Cha đây chính là...
Giọng người cha nghẹn ngào như sắp khóc. Bé tiết lộ thêm:
- Khi nào tôi vòng tay thưa cha đi ngủ thì mẹ tôi cúi xuống hôn tôi, bấy giờ cha tôi cùng cúi xuống...
Người
đàn ông ù cả hai tai. Anh không nghe gì nữa. Người ta chả thường nói
rằng: "Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ" đó sao? Con chàng nói thật. Nó làm gì
biết bịa chuyện? Mà bịa làm chi? Anh không khóc được, tuy lòng đau xót
vô ngần.
Niềm vui sum họp tắt lịm như ngọn đèn trước gió.
*
Người
mẹ không mảy may hay biết gì về những lời ngây ngô của con trai, song
nàng linh cảm như một bất hạnh đang đe dọa hạnh phúc của mình khi tất tả
trở về nàng gặp ngay thái độ lầm lì, khó hiểu của chồng.
Tuy
nhiên, nàng cố trấn áp mối lo sợ vẩn vơ, tự an ủi rằng: "Chắc anh ấy đi
chinh chiến phương xa về nhọc mệt, và những ngày vất vả, đương đầu với
tử thần làm anh ấy bẳn tính, không nên quan tâm làm chi".
Nàng lặng lẽ, cắm cúi lo nấu nướng mọi thứ, xong đâu đấy nàng bày biện lên bàn thờ gia tiên rồi mời chàng đến làm lễ.
Trong
nàng hồi hộp lôi từ đáy rương lên chiếc áo dài mới tinh khôi - chiếc áo
mà nàng chỉ mặc một lần trong lễ cưới và suốt thời gian chồng vắng mặt
nàng chưa một lần ngắm lại - thì chồng nàng đã không chờ vợ mà đến bàn
thờ đốt hương, đèn, thì thào khấn vái rồi lạy trước một mình. Đoạn, anh
cuốn ngay chiếu lại, như có ý không cho vợ được đến làm lễ tạ cùng mình.
Thiếu
phụ tưởng mình đang sống trong ác mộng : nàng hết sức tủi thân và đau
đớn song nàng vẫn cắn răng chịu đựng, nén khóc dọn bữa cho chồng ; rồi
lầm lũi vào phòng gấp áo lại cất vào đáy rương như cũ.
Cơm lạnh ngắt trong bát, những miếng mỡ đông lại dưới sức lạnh của một chiều đông.
Gã
đàn ông không thốt một lời, mặc thêm cái áo ấm rồi băng mình ra khỏi
cửa. Thiếu phụ kinh hoàng trước hành động kỳ quặc của chồng. Nàng muốn
chạy theo níu anh lại, gạn hỏi nguyên do, bắt anh giải thích rõ ràng...
Song nàng không cử động nổi, hai chân nàng như bị dán cứng xuống nền
nhà! Và bởi quá tủi nhục, đau đớn nàng không nói nên lời trước cách đối
xử tàn nhẫn của chồng.
Bao
nhiêu buồn khổ được dịp tuôn ra... nàng gục đầu vào tay rưng rức khóc -
Phải! Trong bao nhiêu năm tháng nàng đã cố gắng cầm nước mắt - nàng
khóc đến cạn cả lệ và sau cùng, nàng ôn con, đoạn mím môi, nghiến chặt
răng, chạy thẳng ra sông. Nàng quyết trầm mình xuống đó, nhờ giòng nước
rửa sạch oan khổ của mình!
Nghe
tin dữ, người chồng quày quả trở về. Anh không thể bỏ con một mình
được. Anh không chút hối hận tiếc thương người đàn bà xấu số. Anh dửng
dưng trước xác chết của nàng, anh nghĩ rằng nàng đã quá xấu hổ phải lấy
cái chết đền tội cùng chồng, thế thôi.
Đêm đến, anh đốt đèn lên, ru con ngủ. Bóng anh in lên vách đất và... anh kinh ngạc xiết bao khi đứa trẻ reo lên vui vẻ:
- Kia! Chính cha tôi! Cha tôi đã trở về!
Tất
cả sức mạnh trong người anh như tiêu ta trước lời con. Anh bủn rủn cả
tay chân, vô cùng hối hận vì biết mình lầm, ngờ oan cho vợ, người vợ mà
hơn ba năm anh vắng mặt, vẫn một dạ trung thành.
Anh
kêu gào, khóc lóc mong linh hồn vợ thấu hiểu cho anh, anh không ngớt
van xin nàng tha tội. Anh bỏ ăn, bỏ ngủ. Anh đặt bàn thờ trên bờ sông,
nơi nàng tự tận, ngày đêm ở đó, thương nhớ không nguôi. Anh thề sẽ sống
như thế suốt đời, không tục huyền cho trọn tình cùng người quá cố.
Một
hôm, vua Lê Thánh Tôn vi hành ngang đó, trông thấy ngôi đền nhỏ dân
chúng và người chồng đặt thờ người thiếu phụ đoan chính ấy, Ngài lấy làm
thương xót, bèn đề tặng mấy câu thơ:
"Nghi ngút đầu gành tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương?
Ngọn đèn dù tắt đừng nghe trẻ
Làn nước chi cho thiếp phụ chàng?
Chứng giám có đôi vầng nhật nguyệt
Giải oan chi đến mượn đàn tràng?
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy
Khá trách chàng Trương quá phũ phàng!"
MINH QUÂN
(Trích từ bán nguyệt san Thằng Bờm số 22, ra ngày 1-3-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.