Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

MÙA PHƯỢNG TÀN - Thơ Thơ

 











 



Em ngồi trên thềm vắng
Nhặt từng cánh phượng rơi
Hương ngâu nồng chếnh choáng
Sao thấy lòng chơi vơi

Hạ vơi dần sắc đỏ
Bối rối giấc chiêm bao
Ấu thơ còn bỏ ngỏ
Vội chia xa thuở nào

Bầy trẻ chơi ú tim
Đường trưa vắng im lìm
Lũ ve thôi thủ thỉ
Hàng dừa đứng lặng yên

Nắng trưa còn bỏng rát
Mưa rào rạt mái tranh
Ai rưng rưng ngấn lệ
Bóng phượng in trời xanh

Rồi mùa hạ cũng qua
Kỷ niệm xưa nhạt nhòa
Như chiếc bong bóng nước
Thoi thóp rồi phôi pha

Hè đó khi phượng tàn
Em từ giã tuổi thơ
Trong hồn còn lưu giữ
Những cánh phượng mộng mơ....

                                           Thơ Thơ
                                 (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

MẢNH CHÉN VỠ - Hoài Thu Vân

 

Lâu lắm rồi...

Dạo ấy tôi còn nhỏ, chỉ độ 8, 9 tuổi là cùng, tôi bị mẹ tôi đánh một trận đau lắm chỉ vì tôi làm vỡ cái chén nhật bản.

Nếu tôi im mà chịu thì không sao, nhưng ngu ngốc làm sao, tôi cứ viện lý lẽ, toàn những lý lẽ trẻ con ra cãi.

Đã tiếc của, lại bực vì tôi cứng đầu, mẹ tôi cho tôi ăn hai "phất trần" quắn đít. Giá tôi yên và nín đi thì mẹ tôi có lẽ cũng thôi. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn cãi:

- Con nhất định là không đánh vỡ vì con có cầm đến nó đâu?

- Mày không cầm! Nắm xuống! Này cãi này! Vút! Vút!...

Thế là cái thằng tôi ngu ngốc này "lãnh đủ".

Trong lúc đó thì thằng Nam đứng nhìn tôi mà cười có vẻ khoái trá lắm. Tôi uất ức người lên, giận nó từ tim, ruột, dạ dày giận ra:

- Thằng oắt con cười cái gì? Ông mà vớ được mày thì mày chết với ông. Chính mày đánh vỡ chén mà còn đổ thừa cho tao hử?

Nó lắc đầu chối leo lẻo:

- Ê, ê, đừng nói ẩu nhé. Chính "ông" xô bàn làm cái chén rơi xuống đất rõ ràng. Bị vài "phất trần" quắn đít là đáng đời lắm, khéo chạy chối đi đâu!...

Tôi cáu quá, đợi lúc mẹ xuống bếp, tôi bò dậy, vờ lấy khăn lau mặt rồi nhẩy luôn xuống đất đá cho thằng oắt con một cái. Nhưng hình như nó đoán biết được nên chạy luôn xuống bếp. Vừa chạy nó vừa la chói lói:

- Mẹ ơi, cứu con với, anh Ân đánh con kìa...

Tôi toan rượt theo để bịt cái mồm "ong óng" của nó luôn tiện cũng để thụi cho nó vài quả, nhưng tôi dừng ngay lại: Mẹ đang đứng trên ngưỡng cửa nhìn tôi. Hoảng hồn tôi lùi lại rồi co giò chạy mất.

*

Mãnh chén vỡ! Mãnh chén vỡ!...

Ừ! Đúng rồi! Một mảnh nhỏ, cạnh sắc bén, trắng xanh, nước men bóng loáng phải là của cái chén vỡ ban nãy. Nhưng tại sao nó lại ở đây? Ở trên bàn mới được chứ?

- Hừ! Đáng nghi! Đáng nghi lắm!...

Thằng tôi ngồi thừ ra suy nghĩ, vò đầu, bóp trán, gãi tai, cau mày, cắn môi... nghĩa là làm đủ mọi cử chỉ của một người mải suy nghĩ mà chẳng ra... một cái gì! Tôi tức mình lẩm bẩm:

- Cái chén để cạnh bàn, khẽ xô bàn nó rơi xuống đất vỡ tan. Mẹ chạy lên nhặt, vứt vào sọt rác, quét nhà để chúng tôi khỏi dẫm vào mảnh sứ. Mẹ mắng tôi, tôi oan ức cãi lại. Rồi tôi bị ăn roi. Thằng Nam lại có vẻ khoái trí lắm. Nó dám nói láo: nó trông thấy tôi làm rơi chén xuống đất. Ức thật... Đồ cái thằng chó con!...

A! Tôi vùng ngồi thẳng dậy. Thôi đúng rồi! Phen này thì nhất định thằng chó con kia phải chết. Gớm! Mới bây lớn mà láu cá quá chừng. Khôn ngoan đến đâu cũng chẳng lọt khỏi tay thằng ngu này đâu.

Ha ha! Có thế chứ!...

Tôi thấy khoái lạ lùng. Tự nhiên tôi thấy mình quan trọng lên nhiều.

Tôi ngồi xuống ghế rất "oai vệ":

- Thằng Nam đâu? Ra tao biểu đây.

Có lẽ giọng tôi oai nghiêm lắm nên thằng Nam tuân lịnh răm rắp, nó lò dò từ bếp lên.

Không chậm trễ... tôi nắm ngay vành tai nó xoay đi một vòng... Nó nhăn mặt la oai oái:

- Ái! Đau em! Đau em!...

- Đứng im! Chó con! La chết bây giờ. Tao nói cho mày biết một chuyện.


(Cứ như thám tử buộc tội thủ phạm vậy) Tôi "quan trọng hóa" vấn đề bằng cách mời "cu cậu" ngồi xuống ghế đối diện, đằng hắng lấy giọng thật là "kẻ cả":

- Chó con, mày lừa dối tao sao nổi hả? Tao đã tìm ra chứng cớ để đưa mày ra "ánh sáng pháp luật". Mày thú nhận đi, tao sẽ giảm bớt tội cho. Có phải mày đánh vỡ chén, rồi sợ bị "bố" mày mới ghép những mãnh vỡ đem để hờ hờ ở mép bàn, định bụng hễ kẻ nào vô phúc đụng vào nơi đó, bỗng nhiên trở nên thủ phạm, có phải thế không?

Tôi dồn cho nó một hơi rồi chìa cho nó xem mảnh vỡ:

- Nhưng mà... "Thiên bất dung gian". Lúc mà tao đụng vào bàn cái chén "thong dong"... xuống ngồi chơi dưới đất và... để lại mảnh vỡ này. Thế là tao đã tìm ra thủ phạm. Mày đã chịu nhận tội chưa? Không những thế, còn một điểm nữa tao cần nói để lần sau cho mày "rút kinh nghiệm", có chối tội thì khôn hơn chút nữa. Này, mày thấy tao nói ức có một câu mà mày đã chối đây đẩy. Nếu mày không làm vỡ thì làm gì mày phải chối cuống lên thế? Rõ ràng "có tịch rục rịch" mà. Mày lại còn bảo, chính mắt mày trông rõ cái chén rơi xuống đất. Thế nghĩa là mày chực rình để chờ lúc cái chén rơi chứ gì? Mày đã chịu tội chưa hử thằng chó con? Rõ ràng mày chực rình chờ tao đút đầu vô bẫy của mày giăng sẵn mà. Nhưng không được đâu, anh bảo cho, mày còn "non tay ấn" lắm. Mày có nhận thấy thế không?

Thằng Nam gãi đầu định nói nhưng nó lí nhí mãi trong miệng rồi thôi, đứng im. Tôi khoái quá, kéo nó xềnh xệch xuống bếp cứ y như là một thám tử kỳ tài tóm được thủ phạm lôi đến sở mật thám vậy.

Sau đó, tôi chờ lời khen ngợi nồng nhiệt của mẹ về cái tài "thám tử" của tôi và đợi sự trừng phạt của mẹ ban cho thằng Nam, nhưng... tôi thở dài sườn sượt như mèo bị cắt tai đi lên nhà vì mẹ tôi đã "đét" cho tôi một thanh củi nhỏ cầm sẵn trong tay mà rằng:

- Thôi, cút lên nhà! Thằng ranh chỉ tổ nhiều chuyện, ăn nói nhàm nhí... Dám xách tai làm đau em. Nam, lại đây mẹ bảo...

Tôi lủi thủi bước ra vườn tức muốn chết người lên được. Tôi không tức vì bị mẹ mắng hay "đét" cho vài "phất trần" quắn đít mà chỉ tức vì mẹ đã phủ nhận tài "trinh thám" của tôi...

Từ đó, tôi luôn để ý đến thằng Nam và... tôi "điều tra" thêm được ba bốn "vụ án li kì" như "mất chuối ở gác-măng-giê" chẳng hạn.

Những lần như vậy... tôi không còn thích khoe mẹ như mọi khi (chỉ tổ ăn "phất trần") mà chỉ lảng lặng xách tai thằng Nam chó con ra vườn hài tội nó... Tôi dù bị đòn oan nhưng cũng thấy vui vui trong lòng vì thằng Nam phục tôi sát giường. Sau đó nó cũng hối hận nữa, và tỏ ra ngoan ngoãn với tôi hơn dù nó được mẹ tôi rất chìu.


HOÀI THU VÂN     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 31, ra ngày 25-8-1965)



Thứ Năm, 29 tháng 7, 2021

HÀO KHÍ MIỀN NAM - Trần Ngọc Hưởng

 

Trên đỉnh hương trầm ngút cao hào khí
Khói cuộn mơ hồ lằn nét Miền Nam
Giữa bản đồ vú sữa Cửu Long Giang
Căng dáng mộng đòi đơm bông kết trái

Từ huyết quản réo đất phèn vươn dậy
Đất không chân vẫn bền vững núi sông
Tích lũy phù sa thêm kiên cố thành đồng
Đầy sức sống mọc lên từ mặt đất

Ong rừng hút nhụy hoa đời làm mật
Xương máu thu hình trong rễ lúa đồng sâu
Đòi vươn cao theo khói bếp vẫy chào nhau
Cùng quật khởi như lòng dân bất khuất

Thơ Sáu Trọng tiếng độc huyền u uất
Vẫn hẹn hò hồn dân tộc vùng lên
Giọng Hoài Lang Dạ Cổ triền miên
Bao điệu nghệ ăn luồn trong tiếng hát

Chan hòa hơi thở mát
Hồng hào thêm da thịt của miền Nam
Khí thế thời khai hoang
Tiềm tàng trong hơi thở

Bông trái hoa màu không ngớt nở
Đất lầy hóa mãi gạo cơm ngon
Sữa mật đời lắng đọng giữa bùn non
Dưới bóng mát miệt vườn quê hương cũ

Cánh tay Cửu Long Giang anh hùng làm lịch sử
Bốn trăm năm tình tự đắp bồi thêm
Quá khứ rỡ ràng kinh rạch hãy ghi tên
Bao kẻ với mũi tầm vông kháng chiến

Đặt quân thù trước lòng dân linh hiển
Phất cờ lên vùng dậy chống xâm lăng
Vẫn oai hùng vạn kỷ hỡi Miền Nam
Chân trời cũ bao trùm hồn cách mạng

Sóng nước bản hùng ca bất tận
Bừng bừng hào khí bốc lên cao
Nén tầm hương cuồn cuộn ba đào.

                                                  28-4-70
                                 TRẦN NGỌC HƯỞNG
                                     (Huyết mạch Miền Nam)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 133, ra ngày 15-7-1970)



Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

CÒN TRONG TƯỞNG NHỚ - Trầm Vi

 

Một tia nắng quái xuyên qua khung cửa hắt lên khoảng tóc đen dài của con bé đang bó gối ngồi nhìn ngày đi qua.

Một mùa hè nữa đã đến. Nắng cuối chiều còn hanh và bức. Không cơn gió. Sự dịu mát đi vắng. Những lá cây rã rượi đứng nguyên vị trí buồn phiền. Con đường thưa vắng người đi. Một buổi chiều đang qua. Nắng chưa tắt, ngày dài hơn những ngày tháng trước. Và con bé, đôi mắt khép hờ hững để nửa như muốn ru mình vào giấc ngủ, nửa như nuối tiếc luyến nhớ nắng chiều. Phải nhìn thấy! Vâng, phải nhìn phần cuối của ngày đang đi qua không rồi sẽ mất. Sẽ vĩnh viễn mất. Bởi cái buổi chiều sẽ trở lại, không phải là chiều của hôm nay, cũng như buổi chiều nay, không phải là chiều của một mùa hè trước. Con bé thoáng chớp mắt khi nhớ đến mùa hè đã qua. Bây giờ trong chiều tà này, bây giờ trong phút cuối, những phút của dòng thời gian này, một ngày xưa vương vấn, như trong trái tim, vô tình bàn tay ai giật lấy dây chuông gióng lên những hồi rộn rã. Ôi một mùa hè xưa. Và đôi mắt cô bé chớp chớp...

An sắp áo quần vào valise cho má. Tê Hát cũng sắp ngăn nắp những thứ cần thiết vào valise mình. An nũng nịu so bì khi quay lại nhìn má đang ngồi viết thư ở bàn viết:

- Cái áo của má, cái quần của má, giày của má, nơ của má, cái gì của má cũng được theo má đi Saigon hết. Riêng con cưng của má thì không. Những thứ đó hơn con gái của má.

Má của An cười trong lúc vẫn cúi đầu chăm chú viết. Một lúc, má của An quay lại ôm An vuốt ve dỗ dành:

- Con gái của má thì nhất chứ. Nhưng lần này thì con phải ở nhà để học thi. Noel má sẽ cho con vào đó. Những thứ kia thì chúng bị đem đi để "hầu" má chứ. An có "hầu" má đâu. Phải không Tê Hát?

Tê Hát cười đồng ý. Nhưng An vẫn nguýt dài hờn dỗi:

- Cái "bà" này cũng được đi theo má.

- Tại chưa bao giờ "cô ta" vào đó, An đi nhiều rồi. Bây giờ má phải dẫn "cô ta" vào một lần cho biết.

An cười xòa:

- Ê, "tui" phân bì chơi đó, đừng giận nghe. Được đi chơi xa với má "tui" thì không còn quyền giận ai cả nghe.

Tê Hát mỉm cười với mắt long lanh ướt.

- An không được làm Tê Hát buồn nghe. Má đánh, con gái mà hay ganh là xấu!

An cười cầu tài:

- Con có ganh đâu. Sao chị ấy không chịu nói gì mà chỉ cười thôi má nhỉ. Tê Hát giận An sao?

Má An nhìn Tê Hát với đôi mắt vui:

- Nào, con gái lớn của "tui" nói chuyện đi. Sao chỉ cười không là thế nào?

- Niềm vui làm con nghẹn ngào không biết phải nói gì nữa.

An bĩu môi chế nhạo:

- Thi sĩ!

- An không được chọc Tê Hát nữa. Rồi chưa? Thôi, mời quý vị lên giường cho. An ngủ sớm mai đi học. Tê Hát ngủ sớm không mai đi đường mệt mỏi lắm. Má viết xong thư sẽ lên sau.

Cả hai nhào lên giường và cười rúc rích, trong khi má cứ bảo:

- Suỵt, ngủ đi, đừng ồn.

An thì thầm vào tai Tê Hát:

- Đố "bà" má viết thư cho ai đấy?

- Cho ba của An chứ gì.

- Sai, cho bồ tèo của má ở bên Tây đó.

- Ai vậy nhỉ?

- Thì dì Tín chứ ai. Tê Hát không biết dì Tín hả, dì ấy qua đó lâu rồi không chịu về. Má buồn ghê là. Má bảo có hai chị em mà người trên non người dưới biển má buồn lắm. Sì ấy hay gởi quà cho An lắm. Dì bảo Paris đẹp lắm. Tê Hát có mơ qua Paris không?

- Không!

An tròn mắt, xong mắng yêu:

- Cù lần thật, vậy Tê Hát mơ đi đâu?

- Về Huế rồi vô Saigon.

- Chi vậy?

- Thăm bà ngoại, thăm người xưa xong rồi ở Saigon mãi.

- Người xưa nào vậy nhỉ?

- An không biết đâu.

Má lại bảo:

- Suỵt, ai không ngủ sẽ bị nằm giữa. "Tui" không có chịu nằm giữa vào "thời buổi" nóng nảy này đâu.

An nháy mắt cười tươi rồi lăn xa chừa một khoảng trống ở giữa cho má. Đứa nào cũng muốn được nằm gần má và khi má hỏi tại sao thì không ai cắt nghĩa được tại sao. Một lát sau An thở đều. Tê Hát nhìn cô bé mỉm cười một mình. Trong trí óc Tê Hát những tưởng tượng được thêu dệt một cách đẹp đẽ về thành phố mai này Tê Hát sẽ đặt chân đến. Bao nhiêu vẽ vời, bao nhiêu ước mơ khiến Tê Hát thao thức, bâng khuâng. Nhưng một lát sau Tê Hát cũng thiếp dần đi đem theo những ước mơ, những nao nức, chìm lắng trong giấc ngủ.

*

Thế nào, có gì khác lạ và cách biệt giữa những nơi con đã đi qua không?

Người cô mỉm cười nhìn con bé hỏi han. Một chút bối rối. Con bé đưa một lát chả lụa kèm một lát bánh với giá và ớt đỏ vào miệng.

- Cái này của Saigon ngon. Không nơi nào có cả, này ngon bằng Saigon.

Người cô cúi xuống dĩa bánh cuốn:

- Đồng ý. Bây giờ biết nhiều về Saigon rồi đấy. Muốn ở đây mãi không?

Con bé chỉ cười không trả lời.

Hai cô cháu rời xe bánh đi một vòng quanh chợ Bến Thành rồi vẫy taxi trở về.

- Mai cho con đến đường Kỳ Đồng đi cô.

- Thăm ai đó?

- Thăm tòa soạn T.H.

- Con quen ai ở đó?

- Không quen ai hết nhưng như quen rất nhiều. Con đọc T H từ số một cho đến bây giờ vẫn còn thích đọc. Nhiều người cười bảo cái giò ở T H khiến con đọc T H một cách chung thủy như thế. Con cũng không biết cái gì, nhưng mỗi mười lăm hay mùng một con không thể không trông ngóng T H để đọc.

- Như vậy là T H có bùa ngãi gì đây rồi.

- Có lẽ vậy cô, ngày xưa năm đồng bây giờ hai mươi lăm, ba chục cũng có người mua.

- Mai đến xem thử T.H. ra sao.

- Không chừng rồi cô cũng bị bỏ bùa mà mê luôn T.H.

- Trời ơi!

- Những hàng cây. Không nơi nào có những con đường đẹp bằng ở đây. Có một con đường Trần Quang Khải cũng đẹp như thế này. Đố cô cây kia tên gì.

- Như cây me, nhưng lá lớn hơn nhiều. Cô chịu.

- Lim xẹt!

- Ai bảo con vậy?

- Hát. Hôm qua Hát bảo con vậy khi hai đứa đi dưới một con đường thật đẹp. Con cãi không phải, nhưng Hát bảo Hát học hơn con Hát biết. Con nhớ mãi tên đó.

Cô vuốt tóc Tê Hát bảo:

- Giỏi, nhớ lâu vậy là giỏi.

Tê Hát mỉm cười và mắt long lanh ướt nước.

- Tại nhờ Hát đó chớ. Sau này con sẽ quên vì con không muốn nhớ.

- Tại sao vậy?

- Saigon cho niềm vui rồi sẽ lấy lại. Con đi tay không và sẽ trở về với tay không.

- Nói dại. Còn quà hôm qua mua cho An vất đi đâu mà bảo là đi tay không hở?

Con bé nhìn qua khung cửa xe, thấy Saigon lạ xa và lạ xa vô cùng trong dòng người, dòng xe vun vút qua trước mắt. Như thế là biết rồi thủ đô của Việt Nam. Như thế ước vọng từ những ngày còn bé tí xíu đã được thỏa mãn. Như thế là đủ để có một mùa hè ý nghĩa. Những buổi theo cô đi phố đi chợ. Những buổi theo Hát lang thang trên mấy con đường có hai hàng cây cao vút giao nhau. Buổi chiều giận hờn Hát bỏ đi một mình với lòng lo sợ đến khóc khi không nhớ đường về. Như thế là có quá nhiều đối với ngày tháng buồn hiu của những mùa hè trước đây...

Không còn nắng trên những lá bàng xanh già nua mệt nhọc. Không còn chiều trên những hàng cây trong sân nhà, bên khung cửa sổ. Đêm như một tấm màng đen trải xuống ngăn đôi ngày và tối. Tưởng nhớ cũng là tấm màng chùng xuống cách chia dĩ vãng và hiện tại, cái đã có và cái đã qua đi. Cái đã xa và không trở về. Con bé thở dài đổi thế ngồi khi đôi bàn chân tê điếng.

Bây giờ cũng là mùa hè. Mùa hè trên ngọn nắng, trên cành cây, trên bông hoa rực rỡ của những hàng phượng đâu đó trong thành phố. Trên nền trời đầu hôm đã vội vàng lấp lánh trăng sao. Trong đôi mắt mỏi mê dán vào sách vở học thi. Mùa hè tràn lan như sóng nước. Không ai ngăn giữ, không ai chận đứng.

Con bé thở dài nhớ buổi chiều đến đường Kỳ Đồng, qua tòa soạn T.H., nhưng không gặ một ai. Con pbé nhớ đến An và cô đã đi xa nơi này. Nhớ đến Hát đã chết trong tâm thức. Nhớ tất cả, nhưng không giọt nước mắt nào bùi ngùi chảy ra. Mỗi người có một mùa hè rực rỡ trong đời, sau đó là hết. Là chấm dứt. Những ngày sau dành cho học hành, cho những khuôn thước có sẵn trong đời sống và mình phải khép mình vào. Tất nhiên là như thế.

Mùa hè đang đi qua. Hoa phượng trong thành phố đang nở. Biển đang vỗ những nhịp sóng buồn tênh. Những niềm vui bâng khuâng chờ lúc trở lại. Như một mùa hè năm trước.


TRẦM VI    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 157, ra ngày 15-7-1971)



Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

CỐ GẮNG ẮT THÀNH CÔNG - Nguyễn Hùng Trương

 

Các em thân mến,

Một vài em hỏi chúng tôi làm cách nào để thành công và muốn thành công có cần phải dùng mưu mô, thủ đoạn gì chăng, bởi có người than phiền không khá được vì sống lương thiện.

Ngày xưa, có một người nông phu làm trên một thửa ruộng nhỏ, nhưng đến mùa, thu hoạch nhiều hơn những người xung quanh làm trên những thửa ruộng lớn hơn. Số người láng giềng này sinh lòng đố kỵ, vu cho anh nông phu dùng bùa phép cướp hết hoa lợi của họ và thưa lên quan.

Quan cho gọi anh làm ruộng để tra hỏi.

Anh này bèn kéo cả gia đình đến hầu quan. Người nào trông cũng khỏe mạnh, ăn mặc chỉnh tề, vẻ mặt chất phác, thật thà. Anh ta lại dẫn theo cặp bò béo tốt và còn mang đến những nông cụ mà anh ta thường dùng trong công việc đồng áng, như lưỡi cày, cái bừa, cái liềm, món nào cũng đều bén tốt, chắc chắn.

Anh nông phu chỉ vào vợ con và nông cụ mà nói với quan:

- Thưa đây là bùa phép của tôi, những bàn tay rắn rỏi của gia đình tôi, những nông cụ tốt và chắc chắn của tôi. Tôi thu được nhiều hoa lợi là nhờ những người và vật này.

Ngoài ra bùa phép của tôi cũng là những đêm thức khuya, những ngày dậy sớm, bao năm tháng dầm sương dãi nắng, bao buổi làm việc vất vả, cực nhọc. Mùa màng tôi được tốt đẹp nhờ gia đình chúng tôi chịu khó làm ăn.

Quan nghe nói, nhận là phải, để cho anh nông phu ra về.

Các em thân mến,

Trên đời, có một số người không thèm làm việc, không cố gắng, chịu đựng vất vả, thấy người hơn mình, sinh lòng ghen ghét, đố kỵ và tìm cách hại người.

Hành động như vậy làm cho xã hội không tiến bộ.

Trong mọi lãnh vực, muốn thành công các em cần phải có trước nhất sức khỏe và cố gắng, sự thành công lại còn phải tùy thuộc vài điều kiện khác như tài năng, học vấn và hoàn cảnh.

Người dùng mưu mô, thủ đoạn để có tiền bạc hoặc chức phận, không phải là người thành công, vì tiền bạc hay địa vị cao sang chiếm được bằng những hành động không lương thiện sớm muộn gì cũng tiêu tan, vì không ai có thể lừa gạt mọi người mãi mãi. Vả lại, dầu có tiền bạc dồi dào, danh vọng, nhưng đầu óc trống rỗng. tâm đức thấp kém, không ích lợi gì cho ai, bị người khinh rẻ thì sao có thể gọi là thành công, phải không các em.
  
Thân mến                
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 48, ra ngày 23-7-1972)



Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐAU KHỔ - Trang Vân

 

Tùng về quê nghỉ trong vụ hè năm nay. Tùng ra bến xe thật sớm nhưng mãi đến chiều mới tới nhà chú thím tám.

Tùng vừa xách va-ly bước vào đầu ngõ thì con vện từ trong nhà chạy ra sủa vang. Các em túa ra mừng rỡ. Chú thím Tám cũng chạy ra đón Tùng. Cả nhà rối rít hỏi han. Lâm đỡ chiếc va-ly trên tay Tùng hỏi:

- Sao? Phải ở đây nghỉ đúng 3 tháng hè nghen Tùng! Anh hứa trong thơ như thế mà về sớm em không chịu à.

Tùng cười:

- Anh hứa thì giữ lời mà, đừng có lo. Đã mấy năm rồi anh không về đây, bây giờ về thì phải ở lâu chớ?

Vào đến nhà, Tùng thấy một người đàn bà lạ đang ngồi đưa võng kẽo kẹt, miệng nhai ngốn ngáo một quả chuối. Tùng hỏi Lâm:

- Ai vậy? Sao anh không biết?

Lâm cười:

- Anh biết sao được mà biết! Đây là bác Hiền, nhà ở xóm trên chớ không phải xóm này.

Tùng nhìn kỹ bác Hiền, đó là một người đàn bà trên 40 tuổi. Đầu cổ rối nùi, quần áo thì rách xơ xác và dơ bẩn hết sức. Bà ta đưa võng kẽo kẹt, ngước đôi mắt lờ đờ nhìn Tùng rồi la lên:

- Làm cái gì mà nhìn người ta dữ vậy? Lạ lắm hả?

Nói xong bà ta phá lên cười ngặt nghẽo. Tùng ngạc nhiên chưa kịp nói gì thì chú Tám nói:

- Ối! Đi thay đồ đi con. Bà Hiền này mất trí lâu rồi, bả ăn nói bậy bạ như vậy đó.

Đến bây giờ Tùng mới biết bà ta điên, hèn nào quần áo, đầu cổ chẳng như thế.

Lâm cười, chỉ vào Tùng, nói với bà Hiền:

- Đây là anh Tùng nè! Bác lại ôm anh Tùng lại đừng cho ảnh đi.

Đôi mắt lờ đờ của bà ta bỗng sáng lên, ngước nhanh về Tùng rồi hỏi:

- Tùng hả? Ai là Tùng đâu?

Lâm chỉ Tùng:

- Anh Tùng đứng đây nè! Mau lại bắt ảnh đi, để ảnh chạy vuột bây giờ.

Bà Hiền bỗng vụt đứng dậy, chạy đến phía Tùng, làm Tùng hoảng hốt núp sau lưng chú Tám.

- Chú Tám! Chú Tám! Bả bắt con!

Chú Tám đẩy bà Hiền ra rồi rầy Lâm:

- Lâm! Con bày đặt xúi bà bắt anh Tùng chi vậy? Tùng à! Coi vậy chớ bả hiền lắm, không phá hại ai hết. Con đừng sợ.

Tùng xách va-ly bước vào buồng thì bà Hiền định chạy theo nhưng chú Tám cản lại. Bà ta đưa mắt buồn rầu nhìn theo Tùng và miệng kêu lảm nhảm:

- Tùng ơi! Đừng đi! Ra đây con! Ra đây!

Lâm cười khi nghe giọng nói đầy vẻ trìu mến của bà Hiền:

- Ai là con của bác đâu mà bác gọi như thế?

Thím Tám ở nhà sau bước lên:

- Lon gạo đây nè bà! Về lo nấu cơm ăn đi, đói bụng rồi mà còn ở đó.

Bà Hiền đổ lon gạo ra chiếc mo rồi buồn rầu lững thững ra về.

Buổi chiều đó Tùng đang chơi đùa với Lâm và các em ngoài sân thì thấy bóng bà Hiền lảng vảng dưới gốc cây đàng xa. Một lúc sau bà ta bước đến gần bọn Tùng rồi bỗng nhiên bà chạy sấn đến ôm chặt Tùng vào lòng. Tùng hoảng hốt dãy dụa dữ dội bao nhiêu thì bà ta lại ôm chặt Tùng thêm bấy nhiêu. Đôi mắt bà ta đỏ ngầu, long lên thật dễ sợ. Tùng la lên:

- Lâm! Lại phụ gỡ tay bả ra với anh!

Lâm lúc nãy còn cười, bây giờ thấy bà Hiền làm dữ quá cũng sợ vội vàng chạy lại gỡ Tùng ra. Bà Hiền miệng nói lảm nhảm, chân đá tứ tung:

- Đừng con, đừng! Ở lại đây! Ở lại đây!

Tùng đẩy mạnh bà ta ra nhưng không thoát nổi, bà ta nhào đến kéo Tùng trở lại. Cả hai người đều nhào lăn xuống đất. Mấy móng tay của bà Hiền quấu chặt vào tay Tùng đau điếng. Tủng hoảng la lên:

- Lâm! Vào kêu ba ra, mau lên.

Lâm vừa chạy vừa la:

- Ba ơi, ra mau cứu anh Tùng!

Chú Tám chẳng biết chuyện gì vội chạy ra. Chú gỡ mạnh tay bà Hiền, kéo Tùng ra trong lúc bà ta cố giữ chặt lấy. Chú Tám gằn giọng hỏi bà Hiền:

- Bà làm cái gì vậy? Lúc trước tôi thấy bà hiền nên mới cho xuống đây chơi, bây giờ tôi không cho xuống đây nữa! Đi về đi!

Bà Hiền hình như sợ chú Tám, quay mình bước đi còn gọi tên Tùng nho nhỏ, dáng điệu thật khổ sở. Tùng nhìn theo bỗng thấy ghét bà ta kỳ lạ. Bà vừa làm cho Tùng trải qua một cơn mất vía!

Mấy hôm sau bà Hiền vẫn xuống chơi. Bà ta hễ thấy Tùng là nhìn chòng chọc làm Tùng sợ hãi phải lẩn tránh. Lòng Tùng cứ nơm nớp lo sợ bà Hiền nổi cơn bất tử.

Chiều hôm nay chú Tám và Lâm lên xóm trên thăm ngoại của Lâm bệnh. Trời đã tối mà mưa to ào ạt đổ xuống mãi. Cha con chú Tám vẫn chưa về. Từng lằn chớp sáng lòe trước mắt rồi nổ một tiếng lớn như xé không trung.

Đợi chú Tám và Lâm mãi không được, Tùng định đi ngủ thì thím Tám cứ ra vô ngóng trông:

- Tùng à! Thằng Út bỗng nhiên nóng quá! Mấy hôm nay nó cảm sơ sài sao bây giờ như lửa đốt! Thím sợ quá mà chú con chưa về nữa!

Tùng vội chạy lại thăm Út thì thấy Út nóng quá. Đôi mắt nó nhắm nghiền, nằm thiêm thiếp trên giường. Thím Tám lo sợ đến ngồi kế bên. Bỗng thằng Út lăn lộn rồi tay chân co giựt lại. Thím Tám hoảng hốt ôm lấy con và bảo Tùng:

- Trời ơi! Con lấy áo mưa chạy kêu chú Tám về mau! Chú Tám ở cái nhà gần chùa trên xóm trên đó! Thằng Út nóng quá sắp làm kinh rồi! Mau đi con.

Tùng cũng hoảng hốt không kém thím Tám. Quơ lấy chiếc nón lá đội lên đầu và quàng chiếc áo mưa bên ngoài, Tùng chạy băng ra cửa. Mưa vẫn rơi ào ào, gió thổi đập vào những tàu lá chuối hai bên đường lung lay như những cánh tay quờ quạng. Từng lằn chớp chạy ngoằn ngoèo trên  không trung, tiếng sấm nhổ không dứt. Tùng tưởng chừng như mọi vật đều run rẩy sợ hãi trong cơn mưa gió phũ phàng nầy. Lòng Tùng cũng vậy, một nỗi lo sợ lớn lao dâng trong lòng. Tùng cố gắng chạy mau, một phần cho chóng gặp chú Tám, còn một phần cũng vì sợ. Mỗi lần có một lằn chớp lóe lên, Tùng hoảng hốt nghiêng đầu qua như để né tránh. Chiếc áo mưa cũng không cản nổi nước mưa.Nước thấm vào da thịt Tùng, lạnh buốt. Chỉ còn một chiếc cầu nầy là sắp đến chùa. Tùng càng cố gắng chạy nhanh. Qua cầu xong, bỗng nhiên Tùng thấy lóe sáng trước mắt, rồi một tiếng nổ kinh khủng bên tai. Chẳng biết vì sợ quá hay vì vấp phải một rễ cây to, Tùng khụy xuống đất. Gió thổi ào ào, chiếc nón lá mong manh trên đầu Tùng bay đi đâu mất. Tùng gượng đứng dậy định chạy nữa nhưng lại ngồi xuống ngay. Có lẽ vì cái té hồi nãy đã làm chân Tùng bị trặc đi. Tùng lại gắng gượng đứng dậy lần nữa nhưng lại không sao đi nổi. Tùng vừa sợ vừa lo nhưng không sao khóc được. Lo cho bệnh của thằng Út ở nhà và sợ cho hoàn cảnh mình hiện tại. Tùng cố nuốt những giọt nước mưa rơi trên mặt để nhìn kỹ xung quanh. Qua bóng tối lờ mờ, may quá! Tùng thấy có một chiếc nhà nhỏ sát vệ đường. Mừng rỡ, Tùng cố lết vào trước cửa để may ra có ai giúp đỡ cho mình cái gì chăng? Tùng cất tiếng gọi lớn hai, ba lần. Một lúc sau mới có tiếng lục đục phía trong, rồi cửa mở. Một giọng khàn khàn cất lớn:

- Ai vậy? Ướt hả? Vào đi.

Tùng bò vào trong nhà. Người ấy đóng cửa lại rồi bước đến khêu đèn để giữa nhà cho sáng thêm. Bây giờ mới có dịp nhìn kỹ người ấy, Tùng giật bắn người lên, run bây bẩy! Không phải run vì lạnh mà chính vì sợ hãi! Trời ơi! Người đó là bà Hiền, người đàn bà điên đã làm cho Tùng lo sợ bấy lâu nay. Bà ta mặc một bộ đồ đen bạc màu, vá víu chằng chịt. Mái tóc dài rối nùi của bà chảy xuống tới lưng, tung bay mỗi khi có một cơn gió lùa vào nhà. Bà ta ngồi trên cái sạp nhỏ, bỏ mặc Tùng ngồi dưới đất, đôi mắt ngầu đỏ cứ đăm đăm nhìn Tùng. Tùng sợ quá khi thấy đôi mắt đó. Cậu cố len lét thụt lùi lại phía sau để đến gần cửa, định thoát ra ngoài. Tùng thầm nghĩ: thà ngồi ngoài trời mặc cho mưa gió còn hơn là ở trong ngôi nhà nầy với một người điên. Bà Hiền chợt chồm tới nhìn kỹ vào mặt Tùng, rồi la lên:

- Tùng! Con đó hả? Con về đó hả? Lại đây với má con! Tùng ơi!

Tùng chết điếng trong lòng:

- Thôi rồi! Bà ta nhớ ra mình rồi! Nguy quá!

Bà Hiền chạy đến ôm chặt Tùng vào lòng, mặc cho Tùng giãy giụa đấm đá bà ta. Bà lôi Tùng xềnh xệch vào giữa nhà, rồi vừa ôm Tùng vừa khóc:

- Con ơi! Sao lâu nay con đi đâu không về? Làm má nhớ con, má buồn khổ lắm! Con ơi! Con ở đây với má, đừng đi nữa!

Tùng ngạc nhiên quá! Không hiểu tại sao cứ mỗi lần gặp mình là bà ta cứ gọi là con một cách thắm thiết! Tùng vừa sợ vừa bực la lên:

- Trời ơi! Tôi không phải là con của bà đâu! Buông tôi ra cho tôi đi.

Tùng gỡ mạnh tay bà Hiền ra nhưng bà vẫn bấu chặt cứng và bà ta lại vung tay tát Tùng một cái nẩy lửa:

- Mầy không phải con tao hả? Vậy ai sinh mầy ra? Đồ bất nhân, mầy cãi tao đánh chết...

Đôi mắt bà ta đỏ ngầu, trợn trừng thật kinh khủng. Tùng không dám nói gì cả, đưa tay xoa má, nước mắt chảy dài. Thấy Tùng khóc, bà ta nói rối rít:

- Ôi! Má đánh con đau hả? Tội nghiệp con quá! Con đừng cãi má nghe không?

Rồi âu yếm xoa đầu Tùng, bà khóc lóc thảm thiết:

- Tùng ơi! Từ nay con đừng đi nữa nghen. Con đi má khổ lắm, má nhớ con lắm!

Bà ta cứ lặp đi lặp lại những câu nói tương tự mà khóc, hoặc có những cử chỉ trìu mến như mẹ con đối với Tùng. Nhưng hễ Tùng đẩy bà ta ra thì lại bị những cái tát giận dữ lên mặt. Chân Tùng vẫn còn đau buốt nên không chạy được để thoát khỏi đôi tay bà Hiền. Ngoài trời mưa vẫn to như không bao giờ dứt, sấm nổ vang rền. Vài cơn gió mạnh thổi tới như muốn làm bay căn nhà mong manh, xiêu vẹo của bà Hiền. Tùng đành chịu trận trong căn nhà bà ta. Bà ta vẫn khóc, vẫn kể lể lảm nhàm rồi vuốt ve Tùng. Tùng sợ quá, đành nhắm mắt lại cho bà Hiền làm gì thì làm để khỏi thấy dáng dấp ghê rợn của bà ta, lòng rối loạn vô cùng.

Độ một giờ sau thì cơn mưa quái ác mới nhỏ lại dần và tạnh hẳn. Nhưng Tùng vẫn không sao chạy ra khỏi căn nhà bà Hiền được. Bà ta khóc mãi, cái giọng lạnh lùng và khàn đục làm Tùng nổi gai, tim như muốn vọt ra khỏi lồng ngực. Chẳng biết bao lâu sau thì bỗng thấy, xuyên qua tấm vách lá, từ đàng xa những ánh lửa đỏ lập lòe tiến đến. Tùng mừng thầm trong bụng, cầu mong  chú Tám về nhà không thấy mình nên trở lại kiếm. Quả đúng như vậy, Tùng nghe có tiếng gọi tên mình xa xa. Mừng quá, Tùng cố gỡ tay bà Hiền...

Ánh đuốc tiến đến gần, Tùng thấy lố nhố mấy bóng người. Giọng chú Tám và Lâm gọi thất thanh trong đêm tối:

- Tùng ơi! Tùng con đâu? Tùng ơi! Anh đâu?

Tùng cảm xúc quá, la lớn:

- Chú Tám, con...

Tiếng la nửa chừng bị chặn lại. Bà Hiền đưa tay bụm miệng Tùng, không cho la.

Nhưng hình như chú Tám đã nghe. Ngoài sân, tiếng nói lao xao im bặt. Rồi như một luồng gió, mấy bóng người tông mạnh liếp cửa, nhảy sổ vào trong nhà bà Hiền. Dưới ánh đuốc sáng rực, chú Tám thấy Tùng phờ phạc, đưa đôi mắt lờ đờ nhìn lên không nói một lời vì quá xúc động. Còn bà Hiền đã nín khóc nhưng vẫn ôm chặt lấy Tùng như sợ người ta cướp đi. Chú Tám la lên:

- Trời! Tùng! Sao con lại ở đây? Bả bắt con hả?

Tùng vừa mừng vừa tủi, chỉ nói:

- Chú Tám! Con...

Rồi khóc ồ lên. Chú Tám đưa cây đuốc cho người hàng xóm cùng đi theo để kiếm Tùng, bước đến xô mạnh bà Hiền ra. Bà ta vẫn không chịu dang ra. Giận quá chú Tám đẩy mạnh bà té chúi nhủi xuống đất rồi kéo Tùng đứng lên.

Chú Tám nói:

- Tội nghiệp cháu tôi! Sao vậy con?

Tùng mới vừa đứng lên lại té xuống đất trở lại. Chú Tám hoảng hốt:

- Trời! Sao vậy con? Sao không đứng lên?

Chú Tám và Lâm lại dìu Tùng đứng dậy nhưng Tùng khóc nói:

- Con đứng không được, chân con hồi nãy té trặc đau lắm. À!Thằng Út đã bớt chưa chú?

Lâm vội đáp:

- Ba đã chích cho nó mũi thuốc, bớt nóng rồi, chỉ tại nó mà anh ra nông nỗi nầy, vì hồi chiều nó tắm mưa nên mới bị cảm nặng đó anh Tùng.

Chú Tám cõng Tùng trên vai nói:

- Thôi đi về để Tùng thay đồ kẻo bị cảm nữa. Đâu con kể vì sao mà bị như thế cho chú nghe coi. À, con đừng sợ nữa. Từ rày chú cấm không cho bà ta xuống xóm mình nữa đâu.

Mọi người đi ra, bà Hiền đứng tựa cửa nhìn theo. Bỗng bà la lớn:

- Bớ người ta! Nó bắt con tôi! Bớ người ta... hu... hu...

Giọng bà ta rít lên trong đêm khuya. Tùng rùng mình nói với chú Tám:

- Thôi! Chú đừng cấm bà ta. Vì con hết trặc gân sẽ về Sàigòn ngay. Con sợ lắm!

*

Tùng hết đau chân nhưng không về Sàigòn. Tùng quyết định ở lại nghỉ hết vụ hè. Sau khi hiểu rõ nguyên do vì sao bà Hiền điên loạn, lòng ác cảm của Tùng đối với bà Hiền bỗng nhiên biến mất, thay vào đó, một sự thương hại vô bờ .

Cách đây mấy năm, bà Hiền là người góa chồng nhưng sống êm ấm với đứa con trai độc nhất. Bà thương yêu nó lắm và cưng quí vô cùng. Một hôm, bà cùng đứa con chèo thuyền ra sông cái để đến một cù lao nhỏ nọ đốn củi đem về bán. Bận trở về, thuyền khẳm lại gặp sóng to gió lớn chìm lỉm giữa dòng. Bà Hiền ôm được khúc cây to, người ta chèo ghe ra cứu kịp, còn đứa con thì trôi theo dòng nước chết đuối. Từ khi nguồn an ủi để vui sống độc nhất mất đi, bà buồn rầu vô hạn, khóc lóc suốt ngày đêm. Rồi qua một cơn bệnh nặng, bà mất trí đến bây giờ. Đứa con bà nếu còn sống cũng bằng cỡ Tùng và nhất là nó cũng tên Tùng nữa!

Tùng lẩm bẩm: Hèn gì khi nghe Lâm nói đến tên mình, mắt bà ta sáng lên và cứ khóc, cứ gọi mãi mình là con hoài! Thật đáng thương!

Tùng quyết định an ủi bà Hiền cho bà đỡ khổ. Một bữa trưa, Tùng đang ngồi vừa coi sách, vừa ngủ gà ngủ gật dưới gốc cây ngoài vườn thì thoáng thấy bà Hiền len lén đến. Tùng gấp sách cố can đảm ngồi lại. Bà ta vừa bước đến thì Tùng vui vẻ hỏi:

- Kìa bác! Bác đi đâu vậy? Trưa nắng quá...

Thấy trên tay bà Hiền có cầm hai trái ổi chín thơm ngào ngạt, Tùng cười:

- Cha! Bác có ổi ngon quá! Cho con một trái được không?

Bà Hiền lộ vẻ sung sướng đưa Tùng:

- Nè! Con cầm đi! Má mới hái ngoài kia kìa!

- Nói vậy chớ con không ăn đâu. Bác ngồi xuống đây chơi đi.

- Bà Hiền thật ngoan ngoãn khép nép ngồi xuống bên Tùng. Bà đưa mắt âu yếm nhìn Tùng:

- Con còn ghét má hết? Đừng ghét má tội nghiệp nghen con! Má thương con lắm mà!

Thấy bà ta cứ lầm tưởng mình là con của bà, Tùng suýt bật cười nhưng nói:

- Con không có ghét bác nữa. Nhưng mà bác phải nghe lời con, con mới chịu.

Bà Hiền sung sướng gật đầu:

- Được, được, con bảo gì má cũng nghe lời con hết.

- Tốt lắm! Bây giờ bác đừng đi lang thang ngoài đường nữa, đừng nói lảm nhàm bậy bạ nữa. Bác phải tắm rửa, mặc quần áo sạch sẽ, được hôn?

-Ý! Má có nói bậy bạ lảm nhảm hồi nào đâu? Ờ! Mà thôi được! Má nghe lời con đó!

- Bác giỏi lắm! Thôi bác về đi, nhớ lời con dặn nghen! Mai mốt xuống chơi nữa, con trông bác lắm!

Bà Hiền vui vẻ ra về. Sáng hôm sau, bà ta lại xuống thăm Tùng.

Mọi người ngạc nhiên làm sao! Đầu cổ bà ta chải gỡ suông sẻ, quần áo tuy cũ rách nhưng sạch sẽ chớ không dơ bẩn như trước nữa. Từ đó về sau, mọi điều Tùng nói, bà ta đều nghe lời làm theo. Dần dần, bà vui vẻ trở lại, không còn buồn rầu đi lang thang như trước. Người bà mập ra, trẻ hẳn lại. Không ai có thể ngờ được bà có thể biến đổi mau chóng như thế.

Và mầu nhiệm làm sao! Bà Hiền lại tìm lại được trí khôn của mình đã mấy năm trời lu mất. Tùng sung sướng lắm! Không ngờ mình có thể biến đổi được một người như thế!

Bây giờ mặc dầu biết rằng Tùng không phải là con mình nhưng bà vẫn yêu thương lắm. Hằng ngày bà Hiền vẫn thường kiếm trái cây hái xuống cho Tùng hoặc làm bánh làm trái đủ thứ.

Tùng hết sức từ chối nhưng vẫn không được.

Chiều nay khi nghe Tùng nói sáng sớm phải về nhà để nhập học, bà Hiền giật mình rồi ủ rũ buồn bã không nói một tiếng nào. Tùng phải an ủi vỗ về bà thật lâu.

Sáng sớm tinh sương, bà Hiền đã xuống. Bà quấn quít mãi bên Tùng. Tùng từ giã mọi người rồi mới từ giã bà Hiền. Bà cứ căn dặn:

- Con về trển rồi lâu lâu xuống đây chơi nghen con. Con đi rồi chắc bác sẽ buồn lắm!

- Thôi bác đừng buồn, lâu lâu con sẽ về thăm bác mà, bác phải vui mạnh thì con mới chịu.

Bà Hiền bỗng chạy đến ôm chặt lấy Tùng không nói gì cả. Một lúc sau, bà nói nhỏ:

- Con! Con! Bác thương con lắm!

Rồi bà để tuôn đôi giòng lệ xuống vai Tùng. Tùng cảm động quá, càng ôm chặt lấy bà Hiền, người mà mấy tháng trước đã làm cho Tùng sợ, ghét vô tả.

Tùng không ngờ mình đã hưởng được một mùa hè đầy đủ như thế.

Trở về Sàigòn, Tùng mang theo một kỷ niệm hè, đầy kinh hoàng cũng như thích thú, hơn tất cả những vụ hè đã qua.


TRANG VÂN    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 30, ra ngày 25-7-1965)





Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

TRÙNG DƯƠNG CA - Nguyễn Huyền Hải Sa

 

Sóng biển dâng cao, gió rạt rào
ta buồn như tựa thuở chiêm bao
trời cao biển rộng bao la quá
cát vấy chân ai tự thuở nào

gió đưa mây giữa lưng trời
trăm con chim én nối lời vu vơ
sóng đưa ốc biển đến bờ
không dưng ta lại đợi chờ ai đây

nước theo đường nước, mây đường mây
không lẽ mà ta mộng giữa ngày
trùng dương ôi hỡi trùng dương hỡi
nước đã say mà mây cũng say.

                               NGUYỄN HUYỀN HẢI SA
                                                     (Huế)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 133, ra ngày 15-7-1970)



Thứ Bảy, 24 tháng 7, 2021

VỀ BẢN THƯỢNG - Mân Côi

 






















Mây ngà mắc võng trời chiều
Rừng xưa phủ lá tiêu điều xác xơ

Em về ươm lại tuổi thơ
Vươn tay nhặt cánh hoa mơ thuở nào

Gió qua khe lá rì rào
Chân chim lướt nhẹ đi vào mộng mơ

Cây rừng lặng dáng tôn thờ
Nắng hôn bờ tóc vật vờ trên mi

Trời chiều đọng mắt lưu li
Em nghe con suối thầm thì đó đây

"Có người quẳng gánh lưu đầy
Trở về bản thượng hồn say ngút ngàn"

                                                  MÂN CÔI
                                              với mơ ước về thăm
                                             Phương Quí, Kontum

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 133, ra ngày 15-7-1970)




Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

THÚ QUÊ - Hoài Linh Vũ

 

THẢ DIỀU

Trưa nay mua giấy làm diều
Loay hoay dán phết đến chiều mới xong
Ngày mai bay nhảy ngoài đồng
Để em mặc sức mà trông cánh diều.

TRÊN SÓNG NƯỚC

Một con thuyền bé tí teo
Trôi trên sóng nước mái chèo buông lơi
Em nhìn mây trắng trên trời
Nghe thời thơ ấu kéo về trong tim.

BUÔNG CÂU

Thả phao xuống nước xanh lơ
Không đầy năm phút em chờ chẳng lâu
Nhanh tay giựt nhẹ cần câu
Một con cá "chốt" - trên đầu sợi dây.

                                            HOÀI LINH VŨ
                                                  (Gò Công)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 126, ra ngày 1-7-1974)




Thứ Năm, 22 tháng 7, 2021

TÔI MUỐN... - Nhã Uyên

 



















Muốn đi dựng lại cây rừng

Cho xanh lá thắm biết chừng nào đây


Muốn dâng bát nước thật đầy

Mồ hôi đổ giọt người cầy ruộng nương


Muốn lau nước mắt  đêm trường

Muốn xoa dịu hết  vết thương cho lành


Muốn đem mộng ước ngày xanh

Công bình bác ái  trên cành chim ca


Thiên nhiên đầy ý an hoà

Muốn luôn tươi đẹp bông hoa của đời


Quên đi lầm lỗi bao người

Chào nhau nên nở nụ cười trên môi


Quên đi chuyện cũng đã rồi

Hoa sen trong sạch dẫu trôi gần bùn


Luôn luôn hoà nhã đến cùng

Chẳng vương vào tội  hãy chung nhau mừng 


Muốn đi dựng lại cây rừng

Cho xanh lá thắm biết chừng nào đây ?


                                                           Nhã Uyên