Ngày
mồng 5 tháng 2 năm 62, một trận động đất dữ dội đã làm rung chuyển phần
lãnh thổ phía nam thành Náp (Naples), một miền đất phì nhiêu, đông dân
cư với những vườn nho và ô liu rộng thẳng cánh cò bay, xen vào đó là
những ngôi nhà xinh xắn của dân quê La Mã giàu có và những thành phố lớn
; mà quan trọng nhất là thành phố Pompéi với dân số độ 20.000 người.
Trận động đất không gây nên cảnh chết chóc thương tâm, nhưng cũng tạo
nên những thiệt hại vật chất đáng kể: cột nhà đổ gẫy, mái nhà rập nát,
tường vách xiêu vẹo... Mối lo ngại của dân chúng chẳng bao lâu cũng tiêu
tan. Chỉ vài tháng sau, cuộc sống trở lại náo nhiệt, vui tươi.Tất cả
chẳng ai biết rằng trận động đất vừa rồi là điềm báo hiệu 17 năm sau sẽ
có một tai ương trầm trọng khác xẩy ra cho thành phố Pompéi thân yêu của
mình.
Vào tháng 8 năm 79, sinh hoạt tại thôn quê đang diễn ra náo nhiệt với
những cảnh gặt hái nhộn nhịp ngoài đồng ruộng, thành phố tấp nập những
du khách, thủy thủ, dân nô lệ và các lực sĩ giác đấu. Tất cả đều say sưa
với cuộc sống hiện tại. Duy chỉ những bức tường nứt nẻ, những cây cột
xiêu vẹo là còn giữ được chứng tích của cuộc địa chấn năm xưa.
Thình lình một hôm, một đám mây đen to lớn xuất hiện trên ngọn Vê-duy
(Vésuve) chế ngự toàn vùng. Đây không phải là thứ mây thông thường mà
gió có thể lôi cuốn hay đánh tan một cách dễ dàng. Đám mây này đã do
những làn hơi từ các khe nứt trên miệng núi lửa Vésuve xông lên, kết
thành.
Ngày 24-8, trong khi không ai nghi ngờ và lo sợ gì cả thì một tiếng nổ
kinh thiên động địa phát ra từ ngọn Vésuve. Miệng núi bị bật tung, khói
và lửa từ trong lòng núi phun mạnh lên làm thành một cây cột khổng lồ.
Cột khói dâng lên rất cao trước khi tỏa ra như một cây nấm. Pline
(Pờ-lin) được chứng kiến cảnh này, có kể trong một bức thư viết cho
Zacite (Za-xít) về cái chết của người chú, là đám mây có hình thù như
một cây thông biển.
Hàng triệu dân cư ở thành thị và thôn quê vừa nhìn, vừa lo lắng trước
cái hiện tượng quái gở và khủng khiếp ấy. Họ thắc mắc: "Đám mây kia có
nghĩa thế nào? Tại sao thay vì tan biến đi nó lại cứ lan rộng mãi ra?"
Bây giờ thì cái khối đen ấy đã kéo tới phía trên thành phố Pompéi ; trời
đang giữa trưa, thế mà khói đen đã làm cho tất cả như chìm đắm trong
đêm tối. Dân chúng đều thấy cảnh tượng này. Bỗng nhiên một tiếng nổ rền
như sấm vang lên, tiếp theo là hằng hà sa số những viên đá nhỏ và, xốp
bắn tung lên trên không, rồi rơi xuống tới tấp như một trận mưa rào.
Dân chúng vội vã chạy về nhà, mối lo sợ càng lúc càng tăng. Sức ép ghê
gớm trong lòng núi lửa đã đủ mạnh để tống lên thật cao hàng triệu giọt
chất lỏng, những viên sỏi đỏ rực như đám cháy. Khi nguội, những thứ này
đã kết tinh lại và biến thành những viên đá dắn chắc.
Rất ít người nghĩ tới việc cao bay, xa chạy. Họ cứ ở trong nhà và chờ
cho trận mưa lửa và đá ngừng. Nhưng những viên đá từ núi lửa phun lên
càng lúc càng cao và lan rộng mãi ra. Mái nhà bắt đầu vỡ và sụp đổ.
Pline kể rằng lúc này trời tối đen như mực, nhưng không phải thứ tối
thông thường mà là thứ tối khủng khiếp dầy đặc.
Trong khi có những đợt động đất làm sập các mái nhà thì một khối ốc-xít
than và hơi các-bô-ních vĩ đại từ miệng núi lửa phun ra, rơi tỏa xuống
thành phố và bắt đầu tràn lan khắp vùng.
Cuối cùng, khi đã nhận ra mối nguy cơ của vấn đề, dân chúng thành phố
Pompéi cố sức tông cửa, co giò chạy bạt mạng trong đêm tối. Nhưng trễ
quá rồi! Họ bị hơi độc lúc ấy đã bao trùm khắp thành phố làm cho bất
tỉnh, ngã lăn ra và bị những lớp đá rơi liên tiếp 3 ngày 3 đêm vùi dập
không còn dấu vết. Những ai còn ở trong nhà thì cũng bị chết và chôn
chặt dưới các lớp gạch ngói.
Đến
sáng ngày 27-8, núi Vésuve đã ngừng tác oai tác quái, mặt trời lại
chiếu những tia sáng rực rỡ xuống vịnh Naples và những cánh đồng trước
kia đầy cây xanh bóng mát, nay đã biến thành những sa mạc toàn cát xám.
Cùng một số phận, thành phố Pompéi cũng bị chôn vùi hoàn toàn! Đây là
trường hợp duy nhất trong lịch sử bộc phát của núi lửa. Chỉ trong vài
giờ, một thành phố sinh hoạt nhộn nhịp nhất đã trở thành một thành phố
chết.
Các cuộc đào bới đã bắt đầu từ hai thế kỷ nay. Thành phố Pompéi cổ kính
đã được người ta thận trọng khai quật và giải phóng khỏi lớp đất đá do
núi lửa Vésuve vùi dập hàng ngót hai ngàn năm nay.
Mấy hình ảnh kèm theo đây sẽ giúp chúng ta thấy được một vài bộ mặt của thành phố già nua mới được cải tử hoàn sinh này.
Chứng tích gây xúc động nhất trong cuộc khai quật thành phố Pompéi là
những khuôn thạch cao đã giữ lại đầy đủ đường nét của các nạn nhân trong
cơn tai biến. Tro đã phủ kín lấy họ. Thời gian trôi qua, những xác này
tan ra, chỉ để lại trong lớp tro một khoảng trống làm dấu vết. Chất
thạch cao đã chảy vào lấp chỗ trống ấy và đem lại cho ta những bằng
chứng cụ thể của cơn tai biến. Hình ảnh của một nạn nhân bị ngạt chống
cự đến hơi thở cuối cùng giúp ta biết được những sinh hoạt chót của
thành phố Pompéi.
VĂN TRUNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 92, ra ngày 3-6-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.