Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

CÒN TRONG TƯỞNG NHỚ - Trầm Vi

 

Một tia nắng quái xuyên qua khung cửa hắt lên khoảng tóc đen dài của con bé đang bó gối ngồi nhìn ngày đi qua.

Một mùa hè nữa đã đến. Nắng cuối chiều còn hanh và bức. Không cơn gió. Sự dịu mát đi vắng. Những lá cây rã rượi đứng nguyên vị trí buồn phiền. Con đường thưa vắng người đi. Một buổi chiều đang qua. Nắng chưa tắt, ngày dài hơn những ngày tháng trước. Và con bé, đôi mắt khép hờ hững để nửa như muốn ru mình vào giấc ngủ, nửa như nuối tiếc luyến nhớ nắng chiều. Phải nhìn thấy! Vâng, phải nhìn phần cuối của ngày đang đi qua không rồi sẽ mất. Sẽ vĩnh viễn mất. Bởi cái buổi chiều sẽ trở lại, không phải là chiều của hôm nay, cũng như buổi chiều nay, không phải là chiều của một mùa hè trước. Con bé thoáng chớp mắt khi nhớ đến mùa hè đã qua. Bây giờ trong chiều tà này, bây giờ trong phút cuối, những phút của dòng thời gian này, một ngày xưa vương vấn, như trong trái tim, vô tình bàn tay ai giật lấy dây chuông gióng lên những hồi rộn rã. Ôi một mùa hè xưa. Và đôi mắt cô bé chớp chớp...

An sắp áo quần vào valise cho má. Tê Hát cũng sắp ngăn nắp những thứ cần thiết vào valise mình. An nũng nịu so bì khi quay lại nhìn má đang ngồi viết thư ở bàn viết:

- Cái áo của má, cái quần của má, giày của má, nơ của má, cái gì của má cũng được theo má đi Saigon hết. Riêng con cưng của má thì không. Những thứ đó hơn con gái của má.

Má của An cười trong lúc vẫn cúi đầu chăm chú viết. Một lúc, má của An quay lại ôm An vuốt ve dỗ dành:

- Con gái của má thì nhất chứ. Nhưng lần này thì con phải ở nhà để học thi. Noel má sẽ cho con vào đó. Những thứ kia thì chúng bị đem đi để "hầu" má chứ. An có "hầu" má đâu. Phải không Tê Hát?

Tê Hát cười đồng ý. Nhưng An vẫn nguýt dài hờn dỗi:

- Cái "bà" này cũng được đi theo má.

- Tại chưa bao giờ "cô ta" vào đó, An đi nhiều rồi. Bây giờ má phải dẫn "cô ta" vào một lần cho biết.

An cười xòa:

- Ê, "tui" phân bì chơi đó, đừng giận nghe. Được đi chơi xa với má "tui" thì không còn quyền giận ai cả nghe.

Tê Hát mỉm cười với mắt long lanh ướt.

- An không được làm Tê Hát buồn nghe. Má đánh, con gái mà hay ganh là xấu!

An cười cầu tài:

- Con có ganh đâu. Sao chị ấy không chịu nói gì mà chỉ cười thôi má nhỉ. Tê Hát giận An sao?

Má An nhìn Tê Hát với đôi mắt vui:

- Nào, con gái lớn của "tui" nói chuyện đi. Sao chỉ cười không là thế nào?

- Niềm vui làm con nghẹn ngào không biết phải nói gì nữa.

An bĩu môi chế nhạo:

- Thi sĩ!

- An không được chọc Tê Hát nữa. Rồi chưa? Thôi, mời quý vị lên giường cho. An ngủ sớm mai đi học. Tê Hát ngủ sớm không mai đi đường mệt mỏi lắm. Má viết xong thư sẽ lên sau.

Cả hai nhào lên giường và cười rúc rích, trong khi má cứ bảo:

- Suỵt, ngủ đi, đừng ồn.

An thì thầm vào tai Tê Hát:

- Đố "bà" má viết thư cho ai đấy?

- Cho ba của An chứ gì.

- Sai, cho bồ tèo của má ở bên Tây đó.

- Ai vậy nhỉ?

- Thì dì Tín chứ ai. Tê Hát không biết dì Tín hả, dì ấy qua đó lâu rồi không chịu về. Má buồn ghê là. Má bảo có hai chị em mà người trên non người dưới biển má buồn lắm. Sì ấy hay gởi quà cho An lắm. Dì bảo Paris đẹp lắm. Tê Hát có mơ qua Paris không?

- Không!

An tròn mắt, xong mắng yêu:

- Cù lần thật, vậy Tê Hát mơ đi đâu?

- Về Huế rồi vô Saigon.

- Chi vậy?

- Thăm bà ngoại, thăm người xưa xong rồi ở Saigon mãi.

- Người xưa nào vậy nhỉ?

- An không biết đâu.

Má lại bảo:

- Suỵt, ai không ngủ sẽ bị nằm giữa. "Tui" không có chịu nằm giữa vào "thời buổi" nóng nảy này đâu.

An nháy mắt cười tươi rồi lăn xa chừa một khoảng trống ở giữa cho má. Đứa nào cũng muốn được nằm gần má và khi má hỏi tại sao thì không ai cắt nghĩa được tại sao. Một lát sau An thở đều. Tê Hát nhìn cô bé mỉm cười một mình. Trong trí óc Tê Hát những tưởng tượng được thêu dệt một cách đẹp đẽ về thành phố mai này Tê Hát sẽ đặt chân đến. Bao nhiêu vẽ vời, bao nhiêu ước mơ khiến Tê Hát thao thức, bâng khuâng. Nhưng một lát sau Tê Hát cũng thiếp dần đi đem theo những ước mơ, những nao nức, chìm lắng trong giấc ngủ.

*

Thế nào, có gì khác lạ và cách biệt giữa những nơi con đã đi qua không?

Người cô mỉm cười nhìn con bé hỏi han. Một chút bối rối. Con bé đưa một lát chả lụa kèm một lát bánh với giá và ớt đỏ vào miệng.

- Cái này của Saigon ngon. Không nơi nào có cả, này ngon bằng Saigon.

Người cô cúi xuống dĩa bánh cuốn:

- Đồng ý. Bây giờ biết nhiều về Saigon rồi đấy. Muốn ở đây mãi không?

Con bé chỉ cười không trả lời.

Hai cô cháu rời xe bánh đi một vòng quanh chợ Bến Thành rồi vẫy taxi trở về.

- Mai cho con đến đường Kỳ Đồng đi cô.

- Thăm ai đó?

- Thăm tòa soạn T.H.

- Con quen ai ở đó?

- Không quen ai hết nhưng như quen rất nhiều. Con đọc T H từ số một cho đến bây giờ vẫn còn thích đọc. Nhiều người cười bảo cái giò ở T H khiến con đọc T H một cách chung thủy như thế. Con cũng không biết cái gì, nhưng mỗi mười lăm hay mùng một con không thể không trông ngóng T H để đọc.

- Như vậy là T H có bùa ngãi gì đây rồi.

- Có lẽ vậy cô, ngày xưa năm đồng bây giờ hai mươi lăm, ba chục cũng có người mua.

- Mai đến xem thử T.H. ra sao.

- Không chừng rồi cô cũng bị bỏ bùa mà mê luôn T.H.

- Trời ơi!

- Những hàng cây. Không nơi nào có những con đường đẹp bằng ở đây. Có một con đường Trần Quang Khải cũng đẹp như thế này. Đố cô cây kia tên gì.

- Như cây me, nhưng lá lớn hơn nhiều. Cô chịu.

- Lim xẹt!

- Ai bảo con vậy?

- Hát. Hôm qua Hát bảo con vậy khi hai đứa đi dưới một con đường thật đẹp. Con cãi không phải, nhưng Hát bảo Hát học hơn con Hát biết. Con nhớ mãi tên đó.

Cô vuốt tóc Tê Hát bảo:

- Giỏi, nhớ lâu vậy là giỏi.

Tê Hát mỉm cười và mắt long lanh ướt nước.

- Tại nhờ Hát đó chớ. Sau này con sẽ quên vì con không muốn nhớ.

- Tại sao vậy?

- Saigon cho niềm vui rồi sẽ lấy lại. Con đi tay không và sẽ trở về với tay không.

- Nói dại. Còn quà hôm qua mua cho An vất đi đâu mà bảo là đi tay không hở?

Con bé nhìn qua khung cửa xe, thấy Saigon lạ xa và lạ xa vô cùng trong dòng người, dòng xe vun vút qua trước mắt. Như thế là biết rồi thủ đô của Việt Nam. Như thế ước vọng từ những ngày còn bé tí xíu đã được thỏa mãn. Như thế là đủ để có một mùa hè ý nghĩa. Những buổi theo cô đi phố đi chợ. Những buổi theo Hát lang thang trên mấy con đường có hai hàng cây cao vút giao nhau. Buổi chiều giận hờn Hát bỏ đi một mình với lòng lo sợ đến khóc khi không nhớ đường về. Như thế là có quá nhiều đối với ngày tháng buồn hiu của những mùa hè trước đây...

Không còn nắng trên những lá bàng xanh già nua mệt nhọc. Không còn chiều trên những hàng cây trong sân nhà, bên khung cửa sổ. Đêm như một tấm màng đen trải xuống ngăn đôi ngày và tối. Tưởng nhớ cũng là tấm màng chùng xuống cách chia dĩ vãng và hiện tại, cái đã có và cái đã qua đi. Cái đã xa và không trở về. Con bé thở dài đổi thế ngồi khi đôi bàn chân tê điếng.

Bây giờ cũng là mùa hè. Mùa hè trên ngọn nắng, trên cành cây, trên bông hoa rực rỡ của những hàng phượng đâu đó trong thành phố. Trên nền trời đầu hôm đã vội vàng lấp lánh trăng sao. Trong đôi mắt mỏi mê dán vào sách vở học thi. Mùa hè tràn lan như sóng nước. Không ai ngăn giữ, không ai chận đứng.

Con bé thở dài nhớ buổi chiều đến đường Kỳ Đồng, qua tòa soạn T.H., nhưng không gặ một ai. Con pbé nhớ đến An và cô đã đi xa nơi này. Nhớ đến Hát đã chết trong tâm thức. Nhớ tất cả, nhưng không giọt nước mắt nào bùi ngùi chảy ra. Mỗi người có một mùa hè rực rỡ trong đời, sau đó là hết. Là chấm dứt. Những ngày sau dành cho học hành, cho những khuôn thước có sẵn trong đời sống và mình phải khép mình vào. Tất nhiên là như thế.

Mùa hè đang đi qua. Hoa phượng trong thành phố đang nở. Biển đang vỗ những nhịp sóng buồn tênh. Những niềm vui bâng khuâng chờ lúc trở lại. Như một mùa hè năm trước.


TRẦM VI    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 157, ra ngày 15-7-1971)



Không có nhận xét nào: