Hai
cha con bắt đầu thả lưới. Cái bóng ông Lạc cao mảnh cộng với cái bóng
khác bé nhỏ hơn bên cạnh thành một khối đen mờ, rung rinh trên nền trời
vừa rạng sáng. Ghe trôi chậm chậm, từng khoang lưới thả dài kêu lạt xạt
với mặt nước sông. Cái bóng cao bỗng ngồi xuống: ông Lạc đưa tay vuốt
mái tóc màu xám khẽ gọi:
- Cậu nhớ đừng cho ghe lạc vào bờ quá đấy nhé, vướng lưới thì mệt cậu đấy.
Cái bóng nhỏ dường như không mấy hài lòng về tiếng "cậu" trả lời:
- Con nhớ lắm chớ ba. Mà sao ba cứ gọi con là "cậu" hoài, con là Kim Trung, con gái ba chớ đâu phải con trai gì đâu?
Ông Lạc cười thành tiếng:
-
Cậu đừng ngại gì cả, ngày xưa ba má chỉ ước mong có một đứa con trai,
chẳng may lại gặp phải cậu là con gái mất. Ba cứ gọi thế để tưởng cậu
như là con trai đấy chứ.
Kim
Trung quay lại cười với cha. Từ ngày mẹ mất, chỉ còn hai cha con cô bé
sống bên nhau, cùng vui buồn với nhau, cô bé chẳng muốn làm mất lòng cha
tí nào, nên mặc dù trong lòng không thích được coi như con trai, cô bé
cũng chẳng phản đối mãnh liệt cho lắm, vì cô bé vô tư lự, không hề biết
trong đầu óc ông Lạc, và vì cô bé vẫn còn rất tinh nghịch, mặc dù đã gần
được mười sáu tuổi, cô bé vẫn phá phách như con trai chính hiệu. Vừa
phụ cha thả lưới, mắt cô bé vừa chăm chú nhìn xuống mặt nước sông xanh
thẳm, thỉnh thoảng cô bé reo lên khi vó một chú cá vô tình lội vào
khoảng lưới vừa thả hoặc vung tay đập cho nước bắn tung tóe lên đầu lên
cổ. Ông Lạc yên lặng nhìn con gái nghịch ngợm, ngày xưa cũng nhìn Kim
Trung như vậy, nhưng ông cầu trời phật độ trì cho cô bé, hôm nay ông lại
mong cho cô bé sớm nên người, có chỗ nương tựa, rồi thì khi ông có nhắm
mắt theo bà cũng yên lòng mà xuôi tay. Kim Trung là con một của ông,
con bé chào đời được sáu năm thì bà Lạc mất, tình thương của ông với cô
bé lại càng thắm thiết, và đặc biệt là con nhà chài lưới nhưng Kim Trung
lại trắng trẻo xinh đẹp và rất vâng lời ông Lạc, không bao giờ cô bé
làm trái ý ông từ hơn mười năm nay, điều ấy làm cho ông hãnh diện với
hàng xóm láng giềng vô cùng, và cũng điều ấy làm cho ông Lạc có một tí
uy quyền, uy quyền làm vua của Kim Trung, và Kim Trung là chú lính độc
nhất của ông vua già đó.
Hôm
ấy là một buổi sáng mùa hạ, như thường lệ hai cha con lại ra sông Thanh
thả lưới. Từ nhiều ngày nay ông Lạc nghe đồn khúc sông gần chân núi
Đông có nhiều cá, nhưng vì chỗ ấy nhiều đá ngầm hiểm trở nên ít ai chịu
khó ra tận nơi đó. Trong thâm tâm ông Lạc cũng chẳng muốn đi xa, nơi
vắng vẻ âm u làm gì, riêng Kim Trung khi biết tin đồn ấy cô bé nhẩy cẫng
lên vì từ lâu nay, cô chẳng được đi đâu ngoài việc loanh quanh ở khúc
sông hằng ngày, cô bé níu lấy cớ có nhiều cá, suốt buổi xin với ông Lạc,
cô nói như van:
- Ba con mình rán đi một bữa rồi nghỉ cho khỏe ba à.
- Ba thấy lo trong bụng.
- Ba sợ rách lưới chớ gì, ba để con lặn xuống gỡ lưới cho nghe ba.
Tuy biết rằng Kim Trung lặn lội giỏi như rái, ông Lạc vẫn gạt phăng:
- Thôi đi cậu, mai cậu đi lưới với ba như thường. Ba già rồi đi xa không được, mệt lắm.
- Vậy là ba quên rồi, con vẫn chèo ghe mà, ba ngồi nghỉ cho khỏe.
- Con quên rằng núi Đông xa lắm sao con! Khi nước lớn, người ta thả ghe cũng phải mất nửa ngày mới tới chỗ có cá.
Viễn anh được đi khá xa, nhìn cảnh hai bên sông làm cho Kim Trung thích chí. Cô bé chẳng cần suy nghĩ gì cả, cô nói:
- Con biết ba không có sợ xa, như ba sợ cá hư đi, phải không ba?
Ông Lạc mỉm cười. Cô bé tiếp:
- Vậy lát nữa con đi mua muối nghe ba, không hại gì đâu ba ơi, tiền bán cá bù qua tiền muối mà ba.
Ông Lạc vẫn chưa xiêu lòng, ông dọa:
- Ba biết, nhưng ở núi Đông có Thuồng luồng, Kim Trung ạ!
Tâm trí lúc nào cũng lo cho gia đình, cô bé hớt liền:
- Thuồng luồng ăn thịt được không ba?
Ông
Lạc liếc con gái một cái, lòng ông hơi buồn vì tình cảnh gia đình túng
hụt nên Kim Trung dù đã mười lăm tuổi vẫn chưa được đi học gì cả, cô bé
còn ngây thơ vô tội, đến con thuồng luồng là con vật ghê tởm, nuốt sống
người như chơi, mà cô vẫn cho là con cá bé nhỏ có thể mua bán được, thì
chẳng biết đầu óc cô bé còn trắng tinh đến bực nào. Ông Lạc nghiêm giọng
dù ông chỉ dọa suông:
- Thuồng luồng nó ăn thịt mình thì có.
Kim
Trung tròn xoe đôi mắt, cô bé ngạc nhiên là phải vì từ lâu nay cô chưa
từng nghe giống nào có thể sơi thịt người cả, trừ con cọp ra. Nhưng ông
Lạc đã cười:
-
Ba dọa chơi đấy, con sông ba con mình thường đi đánh cá làm gì có
thuồng luồng. Mà khúc sông ở chân núi Đông ấy, ngày xưa ba má còn trẻ
vẫn thả lưới ở dưới đó hoài kể tới nay cũng đã gần bốn mươi năm rồi ba
cũng chẳng biết thuồng luồng nó ra làm sao cả.
Hơi yên lòng, Kim Trung lại xin nữa:
- Vậy thì sáng mai ba con mình đi nghe ba.
Ông
Lạc lặng lẽ gật đầu, ông chiều con gái ông đấy, và một phần ông cũng
muốn trở lại nơi cũ, nơi mà hàng chục năm nay ông chưa trở lại để nhìn
xem những hình ảnh cũ còn rơi rớt từ người vợ đã mãn phần. Tuy nhiên,
trong đáy lòng ông bỗng nổi lên một mối lo lắng, nhiều hơn là lúc ông
dọa Kim Trung. Mối lo lắng ấy cứ to dần làm ông thờ thẫn cả người, và
suốt buổi câu hôm đó ông Lạc như người bệnh mới dậy, còn Kim Trung, cô
bé vô tư chẳng để ý gì đến cha già cả.
Chiều
hôm sau Kim Trung tung tăng từ chợ về, ngoài các thứ cần dùng, cô bé
còn mua thêm một gói muối và nhiều sợi mây. Ngay buổi tối, cô bé ngồi
cặm cụi đan giỏ, đôi tay trắng thoăn thoắt, đôi tay mà ông Lạc thường ví
với tay con nhà trưởng giả, cũng được như thế là cùng ; đầu cô bé cúi
thấp tóc buộc đuôi ngựa lủng lẳng sau lưng. Trông cô bé thật đẹp trong
cảnh mù mờ của gian nhà tranh, được soi sáng bằng ngọn đèn dầu lạc leo
lét. Sợ cô bé hỏng mắt, ông Lạc hắng giọng gọi:
- Trung! Con để đó cho ba rồi đi ngủ đi.
Cô bé liến thoắng:
- Sắp xong rồi ba ơi, chỉ còn làm cái quai xách nữa là hết à ba.
Thật ra cô bé mới chỉ đan được một phần đáy giỏ, ông Lạc biết thế nhưng ông lại hỏi tiếp:
- Con đan giỏ làm gì vậy hả Kim Trung?
- Dạ để mai con mắc dưới lườn ghe, hễ bắt được cá cứ bỏ vào đó cho cá khỏi hư ba à.
Ông
Lạc cười thầm, trong phút chốc ông quên hết âu lo, ông ngồi xệp xuống
cạnh Kim Trung, lấy một sợi mây uốn thành vòng, cặm cụi buộc lại, ông
cười:
- Để ba làm dùm con cái miệng giỏ, lát nữa chỉ việc khớp vào thôi.
Bên
cạnh một đám sợi mây đã bị chẻ nhỏ, cái giỏ đã bắt đầu thành hình, Kim
Trung mạnh tay uốn các đường mép lại, trong khi ông Lạc tròng cái vòng
tròn vừa buộc lên trên ; hai cha con thì thụp nắm, giữ, kéo, buộc dây
rối rít ; ông Lạc bỗng cười to:
- Ấy, cậu buộc cả tay ba vào miệng giỏ rồi.
Cô bé cũng chẳng vừa:
- Ba uốn mây đè cả vào chân con nè ba.
- Kìa, cậu giữ lại mép bên đó đi chứ, tuột cả rồi.
- A, được rồi nè ba! Bên miệng giỏ phía ba chưa buộc hả ba?
- Ba buộc rồi đấy chứ, cậu rõ lẩn thẩn.
- Thế còn cái nắp, lấy gì làm nắp đây ba?
- Cậu tìm cho ba miếng... miếng...
- ...
- À, thôi ba con mình lại đan cái nắp đi, nhà mình làm gì có ván phải không Trung?
Hai
cha con lại chúi đầu vào đám sợi mây. Trong cái bóng tối mập mờ, ông
Lạc vừa làm vừa chỉ dẫn cho cô bé. Đôi tay nhanh nhẹn, Kim Trung lắng
nghe lời cha. Khi ông dứt lời thì Kim Trung reo lớn:
- Ô... ô cái giỏ đẹp quá ba ơi!
Quả
thật chỉ gọi là giỏ vì nó có một cái bầu, cái miệng bầu và cái nắp đậy ;
tuy vậy, Kim Trung vẫn thích chí bởi cái giỏ chỉ được làm hồi chập tối,
như vậy đã là khá lắm, giỏi lắm đối với một cô bé như Kim Trung. Ông
Lạc đã đứng dậy từ lâu, che miệng ngáp dài. Nhìn con gái đang vui mừng,
ông giục:
- Thôi, nhất định là đi ngủ đây. Trung, cậu nhớ mai dậy sớm để kịp giờ nước lên nghe không.
Cô bé nhảy tót vào cái chõng vâng dạ liền miệng, nhưng đã không quên mắc cái giỏ của cô trên đầu hè, cô bé còn hỏi với:
- Ba ơi! Mai ba có rủ bác Dương đi với cho vui không ba?
Ông Lạc đáp:
- Ồ, bác ấy thèm đi với ba con mình, bác ấy có ghe lớn ra mãi cửa sông ấy chứ.
Kim Trung nhìn cha cười, cô bé muốn hỏi cha cửa sông ở đâu, nhưng mắt cô bé híp lại nặng như đeo đá, và rồi cô ngủ mất.
Ông
Lạc lặng yên nhìn giấc ngủ vô tư của Kim Trung, mối lo ngại trong lòng
ông giờ lại bùng lên dữ dội. Tự nhiên linh tính người cha như báo cho
ông biết trước có chuyện không hay sẽ xảy đến cho gia đình đơn sơ của
ông. Ông không đoán được chuyện ấy, nhưng ông chỉ cho là tại vì ông già,
tính không còn hung hăng của thời thanh niên, nên khi sắp phải khó nhọc
– ông cho là thế –
thì trong con người ông lại có một sự phản kháng ngấm ngầm, in vào đầu
óc ông làm ra sự lo âu vơ vẩn như vậy. Nghĩ như thế ông Lạc thấy yên tâm
phần nào, ông lại bàn rót nước uống một ly rồi ngả mình lim dim trên
tấm phản gỗ, cố tìm một giấc ngủ thoải mái cho đầu óc.
Vào
lúc trời còn mờ sáng, hai cha con cô bé Kim Trung đã đẩy ghe ra giữa
giòng. Ghe theo nước trôi phăng phăng về phía thượng lưu sông Thanh.
Nước sông trong bì bọp vỗ sóng nhấp nhô làm Kim Trung khoái ý, tay giữ
cái giỏ mây, tay kia khua nước tung bọt trắng ngầu. Ông Lạc ngồi ở cuối
ghe, hai tay ôm dầm cho ghe đi thẳng, mắt ông thỉnh thoảng lại nhìn sang
hai bên sông rồi nhìn về Kim Trung. Cô bé đang nằm mẹp xuống sàn ghe,
thò đầu ra ngoài, cái đuôi tóc phất phơ, hai khuỷu tay tỳ lên thành. Cô
bé vô tư ngắm từng cọng cây đang trôi theo ghe, từng đàn cá tí xíu nhanh
thoăn thoắt. Chán rồi, cô bé lại ngồi bên cha. Hai cha con đều im lặng,
mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Riêng Kim Trung, cô bé mơ được thật
nhiều cá to, cá to mới đáng giá, bõ công đi mãi lên chợ tỉnh. Bán cá
xong rồi, cô sẽ mua cho ba một ít thịt bò, cô bé định khao ông Lạc cơ
đấy. Bỗng ông Lạc nhướng mắt nhìn ra xa. Kim Trung nhìn theo cha, thì ra
có một chiếc ghe khác đang đậu gần bờ, mũi buộc dây vào thân cây gần
đó. Trên đầu ghe, một... à không, hai bóng người, đang giơ tay vẫy. Nhận
ra vóng người quen, ông Lạc quay dầm, chiếc ghe liền trôi chậm lại. Kim
Trung ngạc nhiên hỏi nhỏ vào tai cha:
- Ai đứng sau bác Đông vậy ba?
Ông Lạc cười:
- À chú Đoàn đấy. Hắn làm quan phòng ở thành Hồ Nam.
- Chú Đoàn là con bác Hồng hả ba?
- Phải rồi, chú ấy có hỏi ba về cậu...
Kim Trung cười với cha một tiếng nhỏ rồi chui tọt vào khoang. Ông Lạc ngơ ngác:
-
Kìa, làm gì thế Kim Trung. Ra đây với ba. Chú ấy chỉ hỏi ba rằng: cậu
năm nay được bao nhiêu tuổi, và trông cậu thế mà xinh xắn đáo để đấy
nhỉ.
Kim Trung nghe vậy, cô bé càng rúc kỹ vào khoang, lại còn bỏ cả tấm phên xuống nói vọng ra:
- Chú ấy kỳ cục quá hả ba.
Lúc
ấy hai ghe đã gần nhau, ông già Đông quăng sang ghe ông Lạc một sợi
dây, ông này nhanh nhẹn chụp lấy buộc vào miếng gỗ bắn mái chèo. Liền đó
ghe ông Lạc được kéo phăng tới trước cặp sát vào chiếc ghe bạn. Ông
chậm rãi leo qua.
- Sao, đi đâu sớm vậy bác Lạc?
- Ậy, tớ định lên chân núi Đông đây...
- Đi xa vậy ông bạn già? Ở chỗ này cũng khối cá, bác neo ở đây thả lưới với chúng tôi đi. Con bé Trung đâu rồi?
- Nó trốn tiệt. À còn chú Đoàn, chú ở Hồ Nam sao lại bò về mãi đây?
Đoàn đỏ mặt trả lời:
- Thưa bác, cháu được về thăm gia đình hơn mười ngày. Cháu về từ hôm qua, định tìm ít cá mời bác với ba cháu no say một bữa.
Ông Lạc cười:
- Cám ơn chú có lòng nghĩ đến tôi, tôi...
- Cái lão Lạc này cứ khách sáo văn hoa hoài – ông Đông hớt – lão có định đánh cá ở đây không thì bảo.
- Lại cám ơn ông, cha con tôi phải lên chân núi Đông.
- Lúc nào cũng núi Đông... À con Trung đâu sao ông không bảo nó ra chào bác đi.
Vừa lúc ấy, Kim Trung thò đầu ra, cô bé liến thoắng:
- Dạ chào bác Đông... chào ông... ông...
Cô
bé lại thụt vào. Anh chàng Đoàn đứng tần ngần một lúc lâu rồi quay lại,
bắt chước chui vào khoang ghe. Đầu mũi ghe chỉ còn hai ông bạn già đứng
tán gẫu, cười cười nói nói vui vẻ. Lúc sau ông Lạc trở về ghe của mình,
ông Đông còn nói vói qua:
- Nhớ nhá bác Lạc, thế nào tối nay bác cũng qua nhà tớ nhá.
Ông
Lạc gật nhẹ. Chiếc ghe nhỏ của ông lại trôi phăng về phía trước. Hai
cha con ông già Đông đứng nhìn theo. Mãi đến lúc ông Lạc quay lại giơ
tay vẫy, Đoàn mới hỏi cha:
- Thế nào ba, có tin gì mới không ba?
-
Ổng lại từ chối nữa, ổng nói là để nó giúp đỡ ổng lúc tuổi già. Với lại
ổng chỉ có một mình nó, cha con qua lại cho vui nhà vui cửa.
- Buồn quá – Đoàn thốt.
Nhưng
ông già Đông bỗng ghé tai thì thầm ít câu. Nét mặt của Đoàn liền đổi
sang buồn so nghĩ ngợi, rồi hơi vui. Chàng ta gật gù đầu, tay mân mê
chuôi kiếm đeo bên sườn, kêu nhỏ:
- Hay! Ba nói đúng lắm.
*
Ông
Lạc khéo léo cho ghe ngừng ở một chỗ vực nước sâu, khuất sau vài mỏm đá
nhọn, rồi gác chèo đứng lên. Kim Trung đang loay hoay xếp các phao nổi.
Cô bé hỏi:
- Mình thả lưới ở đây hả ba?
-
Ừ, ở đây vào khoảng đầu mùa hè, cá hay vào đẻ trứng. Ba con mình tới
hơi sớm một chút nhưng không sao. Lúc này hay gặp cá hồng lắm đó nghe
Trung.
- Ồ cá hồng... cá hồng bán đắt tiền lắm à ba.
Ông
Lạc bắt đầu thả lưới. Ghe lững lờ trôi chầm chậm. Kim Trung thò đầu
xuống nước trong, nhìn những đám rong này sang đám rong khác. Khi đụng
phải phần chìm của lưới, chúng liền ngoắt lại như chạy trốn. Cô bé nhìn
thật sướng mắt. Nhưng ông Lạc đã gọi to:
- Kim Trung, sắp sửa lội xuống để lùa cá đi chứ.
Cô
bé vâng lời ngay, ôm một thân tre thả xuống nước rồi nhảy tõm xuống,
bơi ra xa... Nhưng ơ... kìa! Cô bé chợt nhìn thấy một đôi mắt to đỏ
hồng. Đích thị là đôi mắt vì có những con ngươi, đang chằm chằm nhìn vào
cô. Vừa thấy đôi mắt đỏ hồng ấy, tự nhiên Kim Trung lạnh cả mình mẩy,
tay chân thấy run run. Sợ hãi, cô bé bơi ngay lại ghe, leo tót lên. Ông
Lạc ngạc nhiên:
- Sao vậy Trung? Con bị cảm gió rồi phải không?
Kim Trung lắc đầu, cô bé khi lên ghe đã thấy bình tĩnh lại. Cô lắp bắp:
- Đôi... mắt.
- Đôi mắt nào?
- Con thấy đôi mắt ở dưới nước, nó màu đỏ, nhìn vào con...
- À, cậu lại sợ hão rồi. Nếu ba còn trẻ thì ba đâu có nhờ cậu làm việc này. Cậu xuống đi... chà chà... hôm nay Trung lại sợ à?
- Vâng, con sợ lắm.
- À, nếu thế ba con mình kéo lưới lên thả ở chỗ khác nhé.
Kim Trung mừng húm phụ cha kéo lưới, nhưng bỗng nghe nặng chịch cả đôi tay. Ông Lạc thở dài:
- Ấy đấy lại vướng cái gì rồi. Thế là cậu vẫn phải lặn xuống.
Cô bé lạnh toát cả người, linh tính báo trước điềm chẳng lành với cô. Cô bé ấp úng:
- Ba con mình kéo lên đại cho rồi, nếu lưới rách thì...
Lưới
rách thì vá, thật vậy. Nhưng cô bé chợt nhớ ra rằng không có mang dây
nhợ để vá theo, và nếu có mang cũng chẳng vá được vì ghe nhỏ, không thể
trải lưới ra mà không bị rối, biết làm sao mà vá víu, và nếu có vá xong
lưới thì cũng mất rất nhiều giờ, lúc ấy làm sao mà có đủ thời gian thả
mẻ lưới thứ hai? Hơn nữa, gia sản của hai cha con ông Lạc loanh quanh
chỉ cái ghe, cái lưới... nếu lưới cứ rách mãi thì đào đâu ra tiền để mua
lưới khác bây giờ? Kim Trung cứ đứng trân ra một chỗ nghĩ đi nghĩ lại
mãi như thế, và dường như ông Lạc cũng thấy vậy. Ông lặng lẽ cởi áo
ngoài, nói:
- Cậu sợ thì để ba xuống vậy. Ba thả lưới chỗ này với má con đã hàng trăm lần, chẳng lần nào gặp đôi mắt gì màu đỏ dưới nước cả.
Kim Trung bỗng kêu to:
- Ba ơi.
Ông Lạc quay lại, không cười, nói sẵng giọng:
- Cậu kêu ba làm gì, cậu không thấy dù ba già rồi vẫn phải làm cho cậu hay sao?
Cô
bé ứa nước mắt vì từ nhỏ đến bây giờ cô bé mới bị ông Lạc nói như thế.
Chẳng qua là vì đôi mắt đỏ hồng cứ ám ảnh cô mãi. Cô bé nói:
- Ba để con lặn xuống gỡ lưới cho, ba ngồi nghỉ đi. Con tin lời ba rồi, chắc là con trông nhầm.
Ông Lạc vẫn chưa được vui, nhưng Kim Trung tiếp:
- Nếu con xuống lâu, ba hãy xuống với con ba nhé.
Rồi như cố nén mà nước mắt vẫn long lanh ở khóe mắt, cô bé gỡ cái vòng ngọc vẫn đeo ở cổ tay trái đưa cho cha.
- Ba vì tin tưởng khúc sông này hiền từ, mà thả lưới ở đây. Nhưng con từ nãy đến bây giờ, trong lòng vẫn không yên...
Ông Lạc cầm cái vòng ngọc ngắm nghía, tỏ ý ngạc nhiên. Kim Trung tiếp:
-
Về sau hễ ba còn giữ cái vòng này tức là ba vẫn còn thương con. Má hồi
lên Bắc Kinh mua cho con, từ ngày ấy con vẫn đeo luôn. Nó là kỷ vật của
má, của con nữa, vì con đã dùng nó lâu rồi.
Ông
Lạc nghĩ thương con, nhưng lại cười thầm con nhỏ ăn nói kỳ dị, từ thủa
nào mới nghe cô bé nói những lời như thế. Cô bé vẫn nói:
- Con biết hồi nãy ba giận con...
- Tại vì cậu không tin lời ba nói – Ông Lạc ngắt lời.
- Nhưng ba ơi, kể từ bây giờ ba không còn khi nào giận con nữa đâu. Con sẽ cố gắng làm vừa lòng ba – Kim Trung khóc –
Ba nhớ giữ cái vòng ngọc con vừa đưa cho ba, ba giữ nó là ba còn thương
con. Con định trao cho ba từ tối hôm qua, khi đan cái giỏ, nhưng con
quên.
Nói
đoạn Kim Trung quay người bám lấy mạn ghe, thò chân xuống nước. Cô bé
còn ngoài đầu nhìn lại ông Lạc một lần nữa, thật lâu rồi mới chịu buông
mình xuống nước. Mặt cố bé tái, môi run... Rồi mặt nước tung tóe một cái
nhẹ. Kim Trung đã lặn xuống mất hút. Ông Lạc cầm áo ngoài khoác vào
người. Sự âu lo bây giờ sau thời gian lắng dịu lại bùng dậy mãnh liệt
trong lòng ông, nhất là khi Kim Trung lặn xuống nước. Tặc lưỡi, ông đứng
dậy lẩm bẩm tự an ủi rồi quyết định lặn theo Kim Trung. Mà trời ạ, đúng
lúc ông vừa thò chân xuống nước như con gái ông đã làm phút trước
thì...
Mặt
nước bỗng xao động mạnh mẽ, bọt tăm từng đám nổi lên và dường như có
lẫn lộn màu máu đỏ, bùn đen hòa lẫn với nước đục ngầu, lùng bùng như có
tiếng quật vào đá ngầm dưới nước. Ông Lạc kinh dị, hoảng hốt nhưng vì
lòng cha thương con lấn áp cả sợ hãi, ông vớ lấy con dao tu gần đó, để
nguyên quần áo lao mình xuống nước. Lặn mãi, lặn mãi nhưng tuổi già sức
yếu, ông Lạc gần muốn đứt hơi phải trồi lên. Tuy nhiên, ông lại lặn
xuống lần nữa. Lần này, khi leo lên ghe, ông té nhào vào giữa ghe. Phần
mệt nhọc, phần lo lắng cho Kim Trung, ông ngất đi. Không biết bao lâu,
khi tỉnh dậy, nhìn cái giỏ mây mà tối qua Kim Trung đã cặm cụi đan và
nhìn cái vòng ngọc, ông Lạc như đứt từng khúc ruột. Hai cha con cùng đi,
khi về chỉ còn có một người, đứa con chắc đã bỏ xác trong lòng nước mà
không tìm thấy di hài, tưởng không còn nỗi bất hạnh nào hơn. Từ gần mười
năm nay ra vào sớm hôm, hai cha con vui khổ có nhau, tình thương đậm đà
thế mà TRỜI CAO nỡ bắt đi mất một mái đầu xanh. Ông Lạc ứa nước mắt:
Trời ơi, tôi có tội tình gì đâu mà con tôi phải đọa. Kim Trung ơi, ba đã
giết con. Phải chi ba đừng tự tin vào những gì quá xưa cũ thì con vẫn
còn đây, cười với ba. Ba con mình sẽ kéo lưới lên, lưới rách thì ba vá,
con nối dây như hồi nào con vẫn làm, hoặc con sẽ tìm cách mua lưới khác.
Kim Trung ơi, con vẫn nói: con sẽ sang bác Dương mà mượn. Bây giờ ba
không cần lưới, ba không cần ghe, ba cần con, con ở đâu rồi, ba gọi con
nhé: Kim Trung ơi! Con ở đâu? Con không về với ba nữa hả? Rồi đây lưới
rách, ai sẽ nối dây cho ba vá? Ai sẽ thay ba làm việc trong nhà? Ba phải
sống cô độc. Má con đã bỏ ba, con bây giờ cũng bỏ ba mà đi. Kim Trung
đâu? Sao con không thưa to lên để ba tới đón? Ba con mình thà ghe chiều
về đến nhà, mai lại thả lưới ở khúc sông hàng ngày. Con kể ba nghe những
chuyện ở tỉnh buổi chiều qua, rồi ba ngậm ống vố, con hay nói ba ngậm
cái sừng trâu...
Đang khóc kể dông dài, bỗng ông Lạc ngưng bặt vì trong gió thoảng ông chợt nghe có tiếng gọi tên ông. Lần này thì rõ ràng hơn:
- Bác Lạc ơi... ơi... hú... u bác Lạc đâu rồi...
Ông
Lạc mừng muốn kêu lên. Rõ ràng là tiếng già Đông và thằng con tên Đoàn.
Ông sẽ nhờ họ giúp, nhất là Đoàn, anh ta sẽ rất đắc lực. Ông hét to:
- Tôi đây, mau lại đây giúp tôi.
- Chuyện gì đấy...
Rồi
có tiếng chèo vỗ nước bì bọp, ghe của ông Đông xuất hiện ở khúc quanh.
Đoàn đang chèo. Anh ta rạp người xuống, nâng lên, rồi lại rạp xuống. Ghe
rẽ nước đi phăng phăng. Ông Đông đứng ở đầu ghe lập lại:
- Chuyện gì đấy?
Ông Lạc nói không ra hơi:
- Con... con Kim Trung... con Kim Trung...
- Nó làm sao?
- Nó lặn xuống... rồi... mất dạng luôn... tôi không lặn xuống được... mệt... mệt quá.
Ông
Đông cau mày. Con bé vẫn nổi tiếng lặn giỏi lắm cơ mà. Ông đoán chừng
Kim Trung gặp giống gì hung dữ ở dưới đáy sông và bị hại cũng nên. Ông
nhìn mặt nước đã bắt đầu yên lặng và trong dần, chợt thất thanh kêu lớn:
- Kìa kìa, nhìn kìa...
Cả
ba người đổ xô về một phía. Lờ đờ trong nước, một con rắn to bằng bắp
vế người lớn, đầu đỏ chót, mồng đỏ như mồng gà đang quẫy mình bơi ngang
ghe. Ông Lạc thẫn thờ thốt:
- Thuồng luồng!
Thuồng
Luồng! Hai tiếng đủ làm sờn lòng những tay đi biển kỳ cựu như ông Đông.
Thuồng luồng! Giống thủy quái ghê rợn thỉnh thoảng lại xuất hiện ở miền
Bắc Trung Hoa, gây kinh hoàng cho những ngư dân nghèo khổ, sinh sống
bằng nghề chài lưới ven sông. Gặp Thuồng luồng, điều đó chẳng ai dám
nghĩ tới, nhưng đã gặp nó thì ắt chẳng toàn sinh mạng. Kim Trung, cô bé
đáng yêu và ông cha già chưa gặp giống thủy quái ấy lần nào, nhưng khi
mà cả hai đều gặp cả rồi, thì Kim Trung đã mất dạng. Cô bé không còn có
dịp nhìn ngắm con vật mà đã giết hại cô, cũng chẳng còn dịp mà líu lo
với mọi người nữa. Cô bé đã dìm sâu xuống đáy nước nguồn vui sống của
ông Lạc. Cô bé làm tắt tiếng cười dưới mái tranh, đã ra đi khi tuổi còn
hoa niên, tâm hồn còn ngây thơ. Cô bé hẳn đã hãi sợ lắm, khi con quái
vật có mắt đỏ hồng từ trong hốc đá quẫy mình trườn ra. Nó đã rình rập cô
bé từ lúc cô bé mới lội xuống lần đầu. Ai biết được tai họa sẽ giáng
xuống gia đình ông Lạc, cướp đi mạng sống cô bé Kim Trung. Ai ngờ được
cái giống vật mà ít ai nói tới đang há cái miệng đỏ lòm dưới kia, nó đã
hại Kim Trung hay là một con nào khác?
Đang ngẩn ngơ nhìn con vật, ông Đông bỗng nhận thấy sự lạ lùng đó. Nghi ngờ con vật sẽ tấn công, ông thúc vào tay Đoàn bảo khẽ:
- Kìa kìa, con thuồng luồng nó định...
Đúng
lúc ấy, con vật bỗng vùng lên. Mặt nước nổi sóng. Đầu nó nhô khỏi nước,
mồng đỏ tía. Quên cả sợ hãi, ông Lạc tay cầm dầm nhắm vào cái đầu lắc
lư ấy thu cả sức mạnh giáng xuống. Và nhanh như chớp, Đoàn nhảy bổ vào
khoang ghe, chụp vội cung tên giương vào con quái vật bắn liền một phát.
Bị trúng đuôi, thủy quái cũng nhanh không kém, quẫy mạnh chui vào đám
rong mất dạng.
Cố trấn tĩnh, ông Đông chỉ vào con thuồng luồng vừa trốn, nói to:
-
Giống này quả thực sông Thanh không có. Nhưng vào những tháng mà loài
cá hay tụ họp vào đây đẻ trứng, chúng nó thường từ trên nguồn sông mò về
đây để kiếm ăn.
Ngừng một lát, ông tiếp:
-
Cháu Trung chẳng may thiệt mạng vào miệng thủy quái cũng là cái số của
cháu nó hẩm hiu, bác chẳng nên rầu rĩ thái quá. Mà theo chỗ tôi đoán thì
không phải chỉ có một mà ít ra cũng phải vài con thuồng luồng ở chỗ
này. Bác nếu có thương cháu nó thì đừng nên lặn xuống làm gì, chỗ nước
sâu, lại nguy hiểm...
Ông
già Đông và anh chàng Đoàn phải khuyên nhủ, an ủi ông già đau khổ mãi
đến chiều, rồi đợi con nước ròng, họ mới thả ghe về làng.
Từ
đó về sau, chẳng còn ai dám léo hánh đến vực nước ở chân núi Đông nữa.
Nhưng các người đốn củi trên núi hàng năm vẫn thấy một chiếc ghe nhỏ,
trên đó một thanh niên nước da sạm đen, giương cung bắn vào vực ba phát
tên, nơi mà họ nghe kể chuyện một cô gái bé nhỏ hiếu thảo và trong trắng
đã táng mạng ở đó vì vâng lời cha. Họ còn rỉ tai nhau rằng cô bé đáng
thương kia vẫn là người mà chàng thanh niên dưới ghe nọ hằng để tâm
thương nhớ.
TÂN
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 96, ra ngày 15-10-1968)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.