Tuyền
biết Hương đang buồn vì cây viết máy hư ngòi. Đó là cây viết máy mà
Hương được lãnh thưởng từ hồi tiểu học. Nhà Hương nghèo, ba Hương đã
mất, má Hương phải buôn bán tần tảo nuôi Hương và các em, có lẽ vì thế
mà Hương không dám ngỏ lời xin má mua cho cây viết mới. Tuyền nghĩ đến
mình, cô bé biết mình có đủ điều kiện giúp Hương vì cô bé có dư một cây
viết ba mới mua tặng dịp tựu trường. Nhưng Tuyền sợ Hương tự ái không
nhận.
Dù sao, Tuyền cũng quyết giúp Hương cho bằng được. Tuyền nghĩ mãi mới ra
một cách, và cách ấy, hôm nay Tuyền đem ra thi hành. Ở trường Tuyền vào
giờ ra chơi, tất cả nữ sinh phải ra khỏi lớp để tránh sự mất mát vật
dụng cá nhân, Tuyền nhân giờ chơi đó trở lại lớp để lấy cây viết của
Hương và thay cây viết của mình vào.
Tuyền bước nhè nhẹ đến bên cửa lớp, đưa mắt nhìn khắp hành lang. Lớp
Tuyền ở trên lầu, lại ở đầu cầu thang nên hơi khuất, cô bé có thể yên
tâm phần nào. Hành lang vắng vẻ. Tuyền bước thẳng vào lớp. Cô bé đến chỗ
Hương ngồi, lấy cặp Hương ra, lại ngẩng lên nhìn ra hành lang lần nữa.
Không thấy động tịnh gì, cô bé mới mở cặp Hương, run run lấy cây viết
của Hương rồi thay cây viết của mình vào. Xong đâu đấy cô bé gài cặp bạn
lại và đứng lên định ra khỏi lớp. Nhưng đúng lúc ấy, có tiếng người
vang lên:
- Em kia! Em làm gì trong lớp vậy?
Tuyền giật nẩy mình, mặt tái xanh. Ngoài hành lang, cô Giám Thị đang
bước vào. Tuyền đứng chết trân một chỗ, thêm nữa, gương mặt đổi sắc của
cô bé khiến cô Giám Thị nghi ngờ. Cô bước đến bên Tuyền, hỏi:
- Em tên gì? Học lớp mấy?
Tuyền lắp bắp thưa:
- Thưa cô, em tên Nguyễn thị Băng Tuyền, học lớp Bảy A5.
- Em vào lớp giữa giờ chơi để làm gì?
Tuyền đang nghĩ cách trả lời, chợt thấy cây viết của Hương trên tay cô bé đáp liều:
- Thưa cô, viết của em hết mực, em lên lấy xuống xin mực một người bạn...
Cô Giám Thị nói: "Em đưa viết cô xem", rồi lấy cây viết trên tay Tuyền,
mở ra, bóp nhẹ ruột mực. Mấy giọt mực rơi xuống. Cô lại nhìn thấy hàng
chữ Lê thị Hương khắc trên cây viết nữa. Cô cau mày hỏi:
- Em tên Tuyền phải không? Vậy Lê thị Hương là ai?
Tuyền không biết đáp sao nữa. Chuông vào học cũng vừa reo vang, cô Giám
Thị cúi xuống, lấy trong cặp của Hương một cuốn tập để xem tên trong đó.
Cô kết luận:
- Nãy giờ em đã dối cô. Chỗ này là chỗ của em Lê thị Hương. Có phải em trở lại lớp để lấy cắp cây viết của bạn không?
Các nữ sinh đã lố nhố ngoài hành lang. Mấy nhỏ bạn cùng lớp lấp ló nơi
cửa hỏi nhau chuyện gì đang xảy ra cho Tuyền trong lớp? Cô Giám Thị bảo
Tuyền:
- Em theo cô xuống văn phòng...
Tuyền đỏ hoe đôi mắt, run rẩy bước theo cô Giám Thị. Hương đứng ngoài hành lang chứng kiến mọi việc, cô bé chạy lại hỏi Tuyền:
- Chuyện gì vậy Tuyền?
Cô Giám Thị giơ cây viết máy lên cao, nói cho cả đám nữ sinh vây quanh rõ:
- Em Tuyền đây thừa lúc các em ra chơi, đã trở lại lớp lấy cắp cây viết của em Lê thị Hương, có em Hương ở đây không?
Hương vội thưa: "Thưa cô, em đây". Cô bé nói mà run vì cô bé ngạc nhiên
vô cùng. Không bao giờ cô bé nghĩ rằng Tuyền lại có thể hành động như
thế. Cô bé cố tìm những lý lẽ biện hộ cho bạn. Cây viết của cô bé đã hư,
Tuyền lấy làm gì? Hay là...?
Hương chạy vội về chỗ, mở cặp ra và chẳng phải tìm kiếm lâu, cô bé thấy ngay cây viết máy mới của Tuyền trong đó. Cô bé vội chạy đến bên cô Giám Thị và thưa:
- Thưa cô, em đã hiểu mọi chuyện. Tuyền đã bị oan. Có lẽ vì muốn giúp em
nên Tuyền đã lén lên lớp để đổi cho em cây viết mới của Tuyền. Còn cây
viết của em đã bị hư ngòi từ hơn tuần lễ nay...
Cô Giám Thị hỏi Tuyền:
- Sự thật ra sao? Tuyền?
Tuyền im lặng mãi mới nói được:
- Thưa cô, tại em sợ Hương tự ái, không nhận sự giúp đỡ của em.
Rồi sau đó, Tuyền cảm động ôm lấy vai Hương:
- Hương nhận cây viết của Tuyền tặng nghe Hương...
Hương không đáp ngay được, cô bé đứng sững nhìn bạn. Cô Giám Thị nói:
- Theo ý cô thì em Hương nên nhận lời đi cho em Tuyền vui. Riêng em
Tuyền, cô sẽ đề nghị cho em được bảng danh dự hạnh kiểm cuối tháng này,
các em bằng lòng chứ.
Những tiếng bằng lòng vang lên nhộn hẳn một góc hành làng. Tuyền nhìn
Hương chờ sự trả lời của bạn. Hương trả lời bằng cái gật đầu nhẹ. Rồi
hai cô bé ôm lấy nhau. Không khóc mà nước mắt cả hai cùng ứa tràn.
LIÊN TRANG
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 210, ra ngày 1-10-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.