Thứ Năm, 31 tháng 3, 2022

HAI ANH EM - Vũ Chinh

  Bà Hai đang làm cơm dưới bếp thì nghe phía sau có tiếng khóc rấm rức, bà liền quay người lại, hỏi:

- Sao con khóc đó, Vân?

Bé Vân - tên đứa trẻ đang khóc - nghe mẹ hỏi càng nấc lên nhiều hơn. Bà Hai phải bỏ dở công việc, đến bên con, âu yếm:

- Gì thế con? Nói cho mẹ nghe đi.

Bé Vân được vỗ về, nên nín khóc, nhưng vẫn còn ấm ức:

- Dạ... anh Tân... ảnh...

- Ảnh làm sao con?

- Dạ... ảnh... đánh con... hu... hu...

Bà Hai ôm con vào lòng, lấy khăn lau nước mắt cho bé:

- Thôi con nín đi. Để mẹ hỏi anh Tân tại sao ảnh đánh con.

Nói đoạn, bà quay ra phía cửa sổ, gọi:

- Tân ơi! Vào mẹ bảo.

Tân như đoán biết trước giờ phút nầy, nên chạy nhanh vào nhà. Bà Hai gọi Tân đứng một bên và chỉ bé Vân, bà hỏi:

- Tân! Sao con đánh em?

- Con đâu có đánh nó, con... đá nó thôi!

- Mà sao con đá em?

- Dạ... tại nó cốc đầu con.

Nghe Tân nói thế, bé Vân chồm dậy cãi:

- Anh vu cáo tôi hả? Anh đá tôi trước, tôi mới... cốc đầu anh chứ!

Bà Hai bật cười:

- Thôi, hai con đừng cãi nhau nữa. Nín đi, nghe mẹ nói nầy.

Hai đứa trẻ nghe lời, không dám nói năng gì nữa...

- Tân, Vân, hai con! Hai con là anh em ruột thịt, thì phải yêu mến nhau chứ, sao lại đánh lộn mãi thế? Hai con ghét nhau lắm à! Đây là lần đầu, mà cũng là lần cuối, mẹ cấm hai con, không được đánh nhau nữa. Nếu cãi lời, mẹ sẽ cho Tân hoặc Vân theo chú Phong lên Đà Lạt để hai đứa xa nhau, không còn xích mích nữa!
 
Hai đứa trẻ cúi đầu, tỏ vẻ vâng lời.
 
Vừa lúc ấy, bên ngoài có tiếng gõ cửa.
 
Hai đứa chạy vụt ra một lượt:
 
- A! Chú Phong...
 
- Mẹ cháu vừa nhắc đến chú là chú đến ngay...
 
Chú Phong tươi cười xoa đầu Tân và bồng bé Vân trên tay. Bà Hai cũng vui không kém, bước ra chào người em chồng. Chú Phong cũng chào đáp lễ và cất giọng hỏi:

- Anh Hai đâu chị?

- Nhà tôi vừa mới đi phố đó chắc cũng sắp về. Mời chú vào nhà...

- Cám ơn chị ạ!

Tân và bé Vân vẫn không rời tay chú Phong. Chúng huyên thuyên kể chuyện học hành của mình cho chú nghe. Chúng lại hỏi những cảnh đẹp ở Đà Lạt, nơi nào có suối, nơi nào có thác v.v... khiến chú Phong không kịp trả lời.

Sau đó, chú mở va ly ra, lấy hai con búp bê Nhật và một bọc kẹo chia phần cho hai cháu. Chú nói:

- Đây là phần Vân. Đây là phần Tân. Đồng đều cả làng nhé.

- Vâng, chúng cháu cám ơn chú ạ!

Chú Phong xoa đầu hai đứa:

- Hai cháu ngoan quá...

Bà Hai cũng vừa bước lên, nghe chú Phong bảo thế, bà bĩu môi, bảo:

- Ấy, chú Phong lại lầm rồi. Hai đứa là anh em ruột mà đánh nhau suốt ngày, thế là ngoan sao?

Tân và bé Vân cùng đỏ mặt, vội nhìn sang phía khác. Bà Hai tiếp:

- Cũng chính vì thế mà tôi muốn khi chú trở về Đà Lạt, chú dẫn Tân hoặc Vân theo cùng cho chúng xa nhau, không còn đánh nhau nữa...

Chú Phong cười:

- Vâng, em sẽ dẫn Tân đi theo cùng...

Tân nghe vậy, nhảy cỡn lên. Còn bé Vân thì mếu máo toan khóc. Chú Phong dịu dàng:

- Thôi, chú nói chơi đấy. Nín đi, khóc xấu lắm...

Thế là bé Vân tươi ngay nét mặt và chạy quanh nhà đùa giỡn như thường.

Tưởng có chú Phong về, Tân và bé Vân sẽ nô đùa trong hòa thuận, nào ngờ, chỉ hai mươi phút sau, bà Hai lại mục kích rõ ràng hai đứa đang dằng co toan đánh lộn. Bà Hai tức quá, gọi chúng vào phòng, mắng cho một trận và quyết định sẽ cho Tân theo chú Phong về Đà Lạt.

Khi ông Hai về, nghe bà Hai mách lại những điều trên, ông cũng bằng lòng đày Tân đi xa. Ông Hai bảo:

- Chúng đánh nhau mãi, không sao can thiệp hoài được, chi bằng cho Tân đi Đà Lạt, trước nhất để hai đứa xa nhau, không ấu đả nữa, sau là nhờ không khí trong sạch ở đó, giúp Tân thêm sức khỏe vì nó ốm yếu luôn.

Thế là vài hôm sau, Tân theo chú Phong về miền cao nguyên. Lần cuối nhìn mái nhà thân yêu cũ, Tân thấy bùi ngùi. Chiếc xe chuyển bánh. Tân giơ tay vẫy ba mẹ lần chót...

*

Đến Đà Lạt, chú Phong dẫn Tân đi dạo khắp thành phố cao nguyên. Tân say mê với những phong cảnh mà từ lâu rồi nó thường hay ao ước khi đọc qua sách vở báo chí nói về miền cao nguyên trù phú nầy.

Hơn hai giờ sau, chú Phong và Tân mới về nhà. Nhà chú Phong ở cách chợ Đà Lạt không bao xa, vì vậy nơi nầy không đến nỗi trống vắng lắm...

Buổi chiều. Bầu trời thấp xuống với những đám mây màu xám đục. Sương mù giăng đầy cả một vùng núi xa. Thỉnh thoảng, vài cơn gió lạnh kéo đến, vồ qua khung cửa, như muốn đem buốt lạnh đến tất cả sinh vật.

Tân vẫn ngồi đó, đôi mắt hờ hững qua từng trang báo.

Căn phòng im lặng, thứ im lặng mà Tân chưa bao giờ chịu đựng. Chú Phong đi làm chưa về. Những người khác trong nhà cũng đi vắng cả...

Tân không biết làm gì cho qua thời giờ. Đùa giỡn chăng? Đùa giỡn với ai đây? Đâu có ai ở miền nầy quen biết Tân. Tự nhiên, Tân nghe bơ vơ lạ. Những dòng chữ, những hình ảnh của sách báo không còn đủ sức quyến rũ đôi mắt nó nữa. Tân đứng dậy, tiến lại cửa sổ.

Nơi nầy, nhìn ra ngoài, Tân thấy những con đường đất đỏ chạy ngoằn ngoèo, ngút mắt. Tân chợt ước muốn có một người bạn - người bạn thân cùng Tân chạy trên con đường đó, chạy mãi đến khu rừng thông xanh lá đàng xa thì thôi. Nhưng một lần nữa Tân lại thất vọng. Lần đầu tiên trong đời Tân phải chịu những buồn chán, bứt rứt. Tân lại quay vào nhà, buông mình xuống chiếc ghế bố, lặng im.

Rất lâu, Tân vẫn còn nằm đấy, giấc ngủ không sao khép chặt đôi mắt nó được, mặc dầu nhiều lần, nó nghe đôi mi sụp xuống nặng trĩu. Nhìn những tấm ảnh treo trên tường, bỗng dưng, Tân bắt gặp một hình ảnh quen thuộc ngày nào. Phải rồi, hình ảnh ấy, chính là nguyên nhân nỗi buồn của Tân hiện tại. Bé Vân! Trời ơi! Bé Vân của anh. Sao bé nhìn anh dữ vậy? Bé không nhận ra anh sao? Bé lại cười nữa. Ôi! Đẹp làm sao nụ cười thơ ngây ấy. Bé Vân, lại đây với anh, anh là Tân đây...

Tân như mơ màng với hình ảnh bé Vân đến quên cả thực tại. Lát sau, chừng nghe mình vô lý trong câu nói mê sảng, Tân mới im lặng gục vào đôi tay. Tự dưng, hơn lúc nào hết, niềm nhớ thương bé Vân càng lúc càng sôi động trong Tân.

Tân muốn khóc lên, khóc lên thật to trong căn phòng, để tỏ lòng hối hận khi nhớ đến những hành động hiếp đáp bé Vân ngày xưa. Ngày xưa... mà không, không xưa lắm đâu, chỉ mới đây thôi.

Bé Vân ơi! Tha lỗi cho anh nhé! Anh đã không thương em còn hiếp đáp em mãi, đứa em mà đáng lẽ anh phải thương mến suốt đời. Bé tha lỗi cho anh không? Anh sẽ xin với chú Phong để về ngay Sàigòn. Ừ, về ngay Sàigòn nội trong nay mai. Bé chờ anh nhé. Bây giờ anh đang nhớ bé lắm đây, bé biết không? Bé yêu của anh ơi!...

Đang suy tư trong mơ màng, chợt có tiếng chân nện mạnh bên ngoài ngưỡng cửa, Tân giật mình chồm dậy...

Qua khung cửa kính, Tân thấy loáng thoáng ba bóng người, hai lớn, một bé. Ai? Câu hỏi đột ngột nầy đã đập mạnh vào trí óc Tân. Ăn cướp chăng? Ừ, biết đâu bọn nầy là bọn cướp thừa cơ nhà đi vắng cả, đến uy hiếp Tân để đoạt của! Nghĩ đến đây, Tân chợt rùng mình, cùng lúc những hình ảnh khảo tra tàn nhẫn của bọn cướp qua những chuyện trinh thám Tân đã đọc qua, làm Tân nghe tim mình đập mạnh. Tân nhè nhẹ tiến lại góc phòng, tay thủ sẵn một thanh củi đòn hơi to.

Trong lúc ấy, ba bóng lạ vẫn qua lại chầm chậm. Hai bóng lớn cúi sát đầu thì thầm... rất lâu... Tân hồi hộp vô cùng... Chợt có tiếng nói:

- Ba ơi! Tới chỗ chưa ba?

Tân nghe máu chạy rần rật trong đầu khi tiếng nói vừa lọt vào tai của nó. Tiếng nói trong trẻo và ngây thơ lạ! Sao lại nghe dường như quen thuộc quá. Tân vội bỏ thanh củi đòn xuống, đôi môi bỗng thành hình một nụ cười khi nghĩ đến hành động của mình vừa rồi. Du khách có lẽ từ xa đến tìm nhà người thân mà ngỡ là ăn cướp, thì thật là quá nhiều tưởng tượng.


Đưa tay vặn một vòng chốt cửa, Tân nhìn ra ngoài vội vàng. Bỗng dưng, Tân muốn la lên một tiếng mừng rỡ, khi vừa nhận diện được những hình ảnh thân yêu nhất đời...

- Thưa ba má...

- Ô kìa! Anh Tân... Anh...

- Bé Vân của anh.

Vòng tay Tân như muốn siết chặt lấy thân hình đứa em trai kháu khỉnh dễ yêu, mà lúc nãy chính hình ảnh nầy đã quấn lấy óc Tân.

Thì ra ba du khách nầy chính là ông Hai, bà Hai và bé Vân. Sở dĩ có sự có mặt đột ngột nầy là do sự thúc đẩy cấp bách của bé Vân. Bé Vân - cũng như Tân - đã sống những ngày buồn tẻ và vô vị. Từ khi Tân ra đi, bé Vân cảm thấy mình như thiếu vắng một cái gì không sao diễn tả được. Những trò chơi, những đùa giỡn tinh nghịch, tất cả đã vô vị đối với bé. Bé phải chơi đùa một mình. Chơi riết rồi chán, bé buồn muốn khóc vậy.

Một hôm, vì quá nhớ anh Tân, bé liền đánh bạo xin mẹ đưa đi Đà Lạt ngay. Bà Hai, lúc đầu còn hơi ngạc nhiên, nhưng sau đó thấu hiểu tâm lý con, bà liền ôm bé Vân vào lòng hứa sẽ nói lại với ba Vân về vụ nầy.
 
 Cũng may, khi biết được ý muốn của bé Vân, thì đúng lúc ở sở ông Hai, vì lý do kỹ thuật nên tạm nghỉ ba ngày. Thế là chiều hôm đó, gia đình Vân lên xe đi Đà Lạt...

Có lẽ vì quá lâu, nên ông Hai quên khuấy địa chỉ của Phong. Do vậy, đã đứng trước cửa nhà chú Phong rồi mà ông Hai vẫn chưa dám vào vì nửa tin nửa ngờ. May sao, Tân lại mở cửa, gặp ngay ông Hai đang còn phân vân với việc đi ở...

- Thôi! Anh em bỏ nhau ra chứ. Chú Phong đâu rồi Tân?

Tân đứng lên, lễ phép:

- Dạ, chú Phong đi làm chưa về ạ!... Nè kìa! Chú Phong về kìa Vân...

Theo tay Tân chỉ, Vân thoát đi thật nhanh:

- A! Chú Phong... chú Phong...

Chú Phong tuy hân hoan nhưng cũng hơi ngạc nhiên trước sự họp mặt đột ngột nầy. Chú nhìn bé Vân hỏi:

- Bé lên đây để thăm chú phải không?

- Dạ, không đúng lắm. Đó chỉ là nguyên nhân phụ thôi.

- Chứ còn nguyên nhân chính...

- Dạ, nguyên nhân chính là tại cháu.

Chú Phong cười:

- Cháu... làm sao?

- Dạ... cháu...

Bà Hai nhìn chú Phong rồi cướp lời bé Vân:

- Tại... cháu nhớ anh Tân quá chớ làm sao nữa!

Chú Phong chợt hiểu ra, bật cười thật to. Chú vừa bước vào nhà, vừa lẩm bẩm:

- Gớm, thật là rắc rối với tâm lý trẻ con!


VŨ CHINH      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 40, ra ngày 1-3-1966)


 

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

HOA BÁC ÁI - Trọng Đức

  Ông Huấn vuốt tóc Hường âu yếm hỏi:

- Ba định mua cho con một đôi giầy nhung đỏ, con có thích không?

- Con thích lắm. Ba nhớ mua cho con một đôi thật đẹp nhé!

Ông Huấn mỉm cười:

- Được lắm, nếu con bằng lòng nghe ba, làm cái này.

- Làm cái gì ba?

Ông Huấn làm ra vẻ ngờ vực. Ông chép miệng thủng thẳng nói:

- Chả muốn nói nữa vì chỉ sợ con không chịu làm.

Hường quả quyết:

- Không mà, thế nào con cũng làm. Ba cứ nói đi.

Ông Huấn kéo Hường ngồi xuống bên cạnh ông. Rồi vừa vuốt tóc Hường ông vừa nói:

- Ba biết Hường của ba vẫn ngoan lắm, luôn vâng lời ba. Vậy sáng mai ba sẽ dẫn Hường đi phố mua giầy. Ba để cho Hường tự don muốn chọn đôi nào thì chọn. Hường bằng lòng chứ?

- Cảm ơn ba. Con bằng lòng.

- Nếu vậy thì tối nay lúc 8 giờ Hường phải nghe ba ra sân một mình nhé. Không cần phải đi xa, chỉ đi đến chỗ đống củi thôi rồi trở lại là được.

Đang vui Hường bỗng sịu mặt xuống. Hường không ngờ ba Hường lại đòi Hường làm một điều như vậy. Hường buồn bã trả lời:

- Nhưng con sợ lắm!

- Con đừng sợ, ba sẽ đứng trông chừng cho.

- Con chả dám đâu.

- Thế con lại không vâng lời ba rồi. Lúc nãy con hứa với ba thế nào?

- Vì con cứ tưởng ba bảo con làm gì khác, chứ cái đó thì con chịu thôi.

- Nếu thế thì ba sẽ không mua giầy cho nữa.

Hường buồn bã cúi đầu im lặng. Một lát sau, ông Huấn nói tiếp:

- Hường, ba rất phiền vì con là một đứa trẻ nhút nhát quá đáng. Con phải tập can đảm lên một chút mới được chứ. Hãy xem hai em đó, chúng nó có sợ gì đâu.

- Thưa ba vì chúng nó là con trai. Ồ, con bì làm sao được với con trai.

Ông Huấn đã phải phì cười về câu trả lời "lý sự" của Hường. Ông vừa đứng dậy vừa nói:

- Thôi bây giờ ba phải đi làm đây.

Rồi ông Huấn đi ra, để Hường ngồi lại trong phòng khách một mình. Một mình thơ thẩn trong phòng khách, Hường liên miên nghĩ đến đôi giầy nhung đỏ, đến việc ba Hường đòi Hường phải ra sân một mình lúc 8 giờ tối. Hường cảm thấy buồn... Một lát sau, Hường đứng dậy sang bên nhà bà Thảo chơi. Cứ mỗi lần Hường cảm thấy buồn hoặc rỗi rãi không biết làm gì là Hường "mò" ngay sang nhà bà Thảo. Đó là thói quen của Hường.

*

Hường, cô bé chưa đầy 7 tuổi. Thân hình mảnh dẻ. Tính tình hiền hòa. Hường rất có lòng bác ái đối với những người nghèo khó. Nhưng Hường lại có tính nhút nhát một cách quá đáng. Do đó, nhiều khi Hường trở thành một cô bé ương ngạnh, không biết vâng lời.

Sợ! Hầu như cái gì Hường cũng sợ cả. Mới chợt trông thấy con bò Hường đã khóc thét lên và cắm đầu chạy. Hường sợ cả những con ngỗng nuôi trong sân nhà Hường.

Bà Thảo! Bà góa đã gần 50 tuổi. Bà ở có một mình. Bà rất nghèo. Bà sống bằng nghề làm mướn. Nhà bà ở ngay sát bên nhà Hường, vì thế Hường hay sang chơi bên nhà bà. Bà rất thương Hường và Hường cũng rất quí mến bà.

*

- Bà!...

- Sao con?

- Hình như hôm nay bà... bà có điều gì buồn phải không bà?

- Bà đang buồn thật vì bà mất con gà.

Hường ngạc nhiên hỏi:

- Con gà? Có phải con gà mái trắng không bà?

- Phải rồi. Bà chỉ có mỗi con gà đó thôi, thế mà từ trưa hôm qua đến giờ không thấy nó trở về. Bà đã tìm cùng nhưng chẳng thấy đâu...

Nghĩ một lát, bà Thảo thở dài, nói tiếp:

- Mỗi tuần nó đẻ được 5, 6 chiếc trứng. Nhờ đó mà bà mới có tiền mua thức ăn. Bây giờ không biết làm sao. Bà chẳng còn tiền để mua con gà khác.

*

Đang ngồi ăn cơm với ba má và hai em, bỗng Hường cất tiếng nói:

- Ba à.

- Cái gì thế con?

- Tối nay con sẽ tập can đảm...

Chưa hiểu truyện gì, nhưng vừa nghe Hường nói đến hai tiếng "can đảm", bà Huấn liền mỉm cười chế riễu:

- Cô định tập can đảm cách nào? Rúc vào chăn khi mặt trời vừa lặn phải không?

Hường thẹn đỏ mặt, trả lời:

- Tối nay con sẽ đi ra sân một mình cho đến đống cui như ba đã bảo sáng nay.

Ông Huấn vui vẻ nói:

- Được, cô cứ đi rồi sáng mai tôi sẽ đưa cô đi mua giầy ngay.

- Ba, nhưng con không thích giầy nữa đâu.

Bà Huấn phá lên cười:

- Đó. Chưa chi đã rút lui rồi.

- Không, con có rút lui đâu. Con xin ba cho con 50 đồng để con mua một con gà.

Rồi Hường kể lại cho ông bà Huấn nghe câu truyện con gà mái trắng của bà Thảo và Hường kết luận:

- Con sẽ biếu con gà cho bà Thảo.

Ông bà Huấn vui mừng và cảm động khi thấy con mình có một tấm lòng bác ái với người nghèo như vậy. Ông bà hy vọng nhờ tấm lòng kia thúc đẩy, Hường có thể thắng được tính quá sợ chăng?

8 giờ tối hôm đó, hai cha con ông Huấn dẫn nhau ra sân.

- Thôi bây giờ con bắt đầu đi nào. Một, hai, ba. Con cứ đi đến chỗ đống củi rồi trở lại là được.

Hường yên lặng bắt đầu bước. Nhưng mới đi được mươi bước Hường đã cảm thấy sờ sợ. Hường ngoái cổ lại nhìn ông Huấn. Ông Huấn khuyến khích:

- Đừng sợ, đã có ba đứng đây coi chừng cho mà. Con hãy can đảm lên để cho bà Thảo được nhờ nào.

Bà Thảo! Hai tiếng đó đã trở nên một mãnh lực thúc đẩy Hường thêm can đảm. Lúc đó Hường cảm thấy thương bà Thảo quá, do đó Hường mạnh dạn tiến bước. Nhưng khi chỉ còn mấy bước nữa là tới đích, bỗng Hường nghe có tiếng động bên đống củi:

- Phạch! Phạch! Phạch!

Hường hoảng sợ định ù té chạy, nhưng rồi Hường lại cố gắng lấy can đàm đứng lại. Và đang khi Hường còn vừa sợ hãi ngơ ngác nhìn thì lại:

- Phạch! Phạch! Phạch!
 
Nhưng lần này Hường nhận ra đó là tiếng vỗ cánh của một con gà.
 
- Ô con gà. Con gà mái trắng của bà Thảo đây rồi.
 

Hường reo lên một cách sung sướng, rồi quên cả sợ, Hường chạy thẳng đến chỗ con gà. Ông Huấn cũng lật đật chạy tới.

Thì ra con gà mái trắng của bà Thảo đi kiếm ăn bên nhà Hường, bị một mớ dây gai quấn vào chân, đến khi con gà ấy tới đống củi thì mớ dây gai ấy lại quấn luôn vào những thanh củi làm con gà bị mắc kẹt lại đống củi.

Sau khi đã gỡ con gà ra xong, ông Huấn sung sướng nhìn Hường nói:

- Hường. Con thấy chưa. Nhờ có sự can đảm của con mà con gà này được sống. Có lẽ nó đã bị mắc kẹt ở đây từ chiều hôm qua.

Khi đó bà Huấn cũng vừa ra tới và nói chen vào:

- Nếu không có Hường thì chắc nó sẽ chết vì ít khi có ai ra tới đây. Độ một tuần may ra chị bếp mới ra lấy củi một lần thôi.

Ông Huấn quay sang nói với vợ:

- Em đã thấy Hường của chúng ta can đàm như thế nào chưa. Thế mà chưa chi em đã vội khinh Hường.

Bà Huấn vui vẻ nói:

- Bây giờ thì tôi xin công nhận là cô Hường của tôi giỏi thật.

*

Sáng hôm sau, Hường ôm con gà mái trắng sang gõ cửa nhà bà Thảo:

- Bà ơi con đem con gà... con gà mái trắng sang cho bà đây này.

Bà Thảo vội vàng mở cửa, và bà rất đỗi vui mừng khi thấy con gà mái trắng của bà trên tay Hường. Bà hỏi truyện Hường rối rít. Hường sung sướng kể lại đầu đuôi câu truyện cho bà Thảo nghe. Nghe xong, bà Thảo cảm động nói:

- Bà rất khen lòng can đảm của Hường. Hường đã giúp bà nhiều lắm. Bà hết lòng cám ơn.

- Con phải cám ơn bà mới đúng vì ba má con bảo: nhờ có bà mà con đã thắng được tính sợ sệt quá đáng.

Thế rồi chiều hôm đó, chẳng những ông Huấn đã dẫn Hường đi phố để mua cho Hường một đôi giầy nhung đỏ như ông đã hứa, mà còn mua thêm cho Hường một chiếc áo đầm trắng tinh và một chiếc xe đạp nhỏ nhỏ xinh xinh nữa.


TRỌNG ĐỨC     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 16, ra ngày 25-4-1964)




Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2022

TRỞ LẠI NHÀ XƯA - Hà Quyên

  

Đang mải miết đi trên đường, Kim hơi giật mình nghe ngóng. Có tiếng chim kêu nho nhỏ ở đâu đây, Kim nhìn lên chợt nhận ra mình đang đi trên nẻo về xóm cũ.

Xóm cũ! Hai tiếng ấy gợi lại cho Kim nhiều cảm giác lạ lùng mà Kim không thể nào phân biệt được. Tự nhiên Kim muốn trở lại con đường hẹp ấy, muốn nhìn lại xóm nhà cũ thân yêu nơi mà Kim đã chung sống với cha mẹ, anh chị suốt mấy năm trời dưới mái nhà nhỏ và mảnh vườn xinh xinh. Dù đã rời xa nơi ấy, Kim vẫn không sao quên được những kỷ niệm tuyệt vời. Kim nhớ mãi mảnh vườn với cây ổi thân cao và cong, không một buổi trưa nào vào mùa ổi chín Kim vắng mặt trên cây.

Ngồi vắt vẻo trên cây, Kim vừa nhai ổi vừa tần ngần nhìn trong lùm khế thấp, tán xòe rộng để tìm những bông hoa màu tím nhạt. Và cũng từ đó, Kim nhìn sang cây trứng gà đang nặng trĩu những trái vàng ối. Kim nói với chị Biên:

- Cây trứng gà nhiều trái ghê chị nhỉ.

Chị Biên gật đầu đồng ý và vươn mình qua cây mít nhỏ để xem thử trái mãng cầu đã chín chưa. 

- Chín chưa chị Biên?

- Chưa, còn lâu mới chín, cứng ngắc à.

Hoặc:

- Trái lựu kia to và đỏ ghê chị Biên há?

- Ừ, của mẹ để giống đó.

Những mẩu chuyện vụn vặt vẫn diễn ra như vậy vào những buổi trưa. Cũng có khi hai chị em bị mẹ đánh cho một trận nên thân vì tội leo cây cao, bao giờ chị Biên cũng bị nặng hơn vì tội lớn mà xử bậy làm em bắt chước mẹ nói như vậy.

Thế nhưng hai chị em vẫn luôn luôn trốn mẹ leo cây tuổi trẻ vẫn thế.

Còn những đêm trăng sáng, nhìn ánh trăng len lỏi qua cành cây kẽ lá đẹp như một bài thơ. Mây trắng lững lờ trôi trên nền trời xanh sẫm, cánh chim đêm hờ hững tìm vì sao lạc. Tất cả tạo nên một vẻ đẹp mà Kim không thể nào diễn tả được.

Kim dừng bước trước ngõ cụt dẫn vào xóm cũ. Xóm cũ vẫn vậy, vẫn lặng yên, im lìm như xa hẳn sự nhộn nhịp của đường phố. Kim thoáng ngần ngại một giây rồi lặng lẽ tiến vào lối cũ. Vẫn gốc dừa xưa từng là nơi che giấu Kim trong những cuộc chơi ú tìm với các bạn, vẫn bức thành cũ rêu phong phủ kín, vẫn gốc lựu thưa im lìm trước gió hạ. Tất cả đều không thay đổi. Kim muốn vào thăm ngôi nhà xưa, muốn tìm lại ở đó những kỷ niệm êm đềm tươi đẹp. Nhà đó bây giờ đã có chủ khác, một trong những người con của bà chủ lại là bạn của Kim bạn không thân lắm Tuy thế Kim vẫn muốn nhân dịp đó để ghé thăm nhà cũ. Kim mạnh dạn đến trước cửa nhà, hỏi:

- Thưa bác, có Thu ở nhà không ạ?

Bà cụ có lẽ là ngoại của Thu nhìn Kim:

- Có, cháu là bạn của Thu à? Để ngoại kêu nó ra nhé.

- Dạ.

Bà cụ quay vào trong, gọi:

- Thu ơi, bạn con đến chơi này.

Thu từ trong nhà chạy ra, thấy Kim, đứng lại hơi ngạc nhiên rồi vồn vã:

- Hôm nay rảnh đi thăm Thu đó hả? Vào đây Kim.
 
Thu quay sang bà cụ:
 
- Thưa ngoại, Kim bạn con đó ạ.

- Ngoại biết rồi.

Kim chào ngoại rồi theo Thu vào nhà. Kim nhìn lại ngôi nhà rất kỹ: từ những cánh cửa sổ, cửa lớn cho đến các căn buồng. Kim nhìn chăm chú như muốn thu nhận tất cả hình ảnh đó. Thu nhìn theo Kim và hỏi:

- Kim thấy nhà dạo này thế nào?

- Đẹp và ngăn nắp hơn khi Kim còn ở đây nữa.

- Thôi đi, Thu thấy nhà dọa này rỗng tuếch à! Mà thôi mình ra vườn chơi đi.

Nghe Thu đề nghị, Kim vui mừng lắm. Kim vào đây không ngoài mục đích thăm lại nhà xưa vườn cũ, vì vậy Kim đứng dậy đi liền. Nhìn ngôi vườn xinh xắn, Kim không khỏi buồn. Cành lá nhẹ đưa dưới làn gió hạ ; Kim vẫn nhớ rõ từng nơi: dưới gốc trứng gà, Kim đã từng tạo nên một ngôi vườn xinh xắn có hoa và các loài rau đậu. Có đêm đêm Trung thu Kim đã đem lồng đèn của Kim làm lấy xấu và nhỏ thôi ra treo rồi đặt bàn tiệc ở đây, mời các bạn đến dự tiệc. Kim đã từng vui mừng khi tìm thấy những bông hoa của giàn đậu ngự, đã từng giận hờn với chị Biên chỉ vì chị ấy quên không tưới cây. Kim nhìn cây ổi cao và cong nơi ngày xưa Kim thường ngồi ở đó. Nhưng bây giờ... Bây giờ ngôi vườn không còn là của Kim nó thuộc về người khác Kim chỉ là kẻ vô trách nhiệm, vô quyền hành, chỉ thỉnh thoảng có thể theo Thu về nhà để tìm lại dấu vết ngày xưa. Tự nhiên mắt Kim đẫm lệ. Kim không muốn khóc trước mặt bạn nên quay mặt đi, lặng lẽ lau nước mắt. Tiếng Thu vang lên:

- Thôi mình vào nhà đi Kim, để nói em Thu hái ổi ăn chơi nhé.

- Thôi Thu, đừng hái nữa, để như vậy thích hơn.

- Cây nhiều trái lắm, can chi.

- Nhưng Kim không thích đâu.

- Thì cũng được, à mình vô đi.

- Đứng đây chơi cũng được Thu à.

- Ờ thì ở lại Cô khó chịu quá.

Kim cười nhẹ không muốn bạn biết chuyện mình, Kim nói lảng sang chuyện khác.

Mặt trời ngả về Tây, ánh nắng vàng yếu ớt còn hắt lại trên những cành cây cao. Kim từ giã bạn ra về, lòng luyến lưu, bịn rịn mãi như sắp từ giã người thân. Ra đến đầu ngõ, Kim còn quay lại nhìn: cành lá nhẹ rung như chào người chủ cũ. Kim lại ứa nước mắt, vội bước nhanh. Tất cả đều thuộc về dĩ vãng, mà dĩ vãng đối Kim, bao giờ cũng đẹp và đáng yêu, nhất là giữa lúc này giữa lúc Kim vừa giã từ ngôi nhà kỷ niệm.


HÀ QUYÊN       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 41, ra ngày 15-3-1966)