Nằm
tách rời khỏi Âu Châu, nước Anh được ví như chiếc bình phong ngăn chận
những cơn bão tố từ ngoài khơi Đại tây dương thổi vào lục địa, nhất là
bờ bể Northumberland (Noóc-thăm-bớc-len) phía tây bắc quốc gia này – mặt biển luôn luôn khuấy động.
Để
hướng dẫn tàu bè di chuyển trong vùng kể trên đỡ bị lạc hướng kẻo gặp
tai nạn đá ngầm khi sương mù dầy đặc buông tỏa khắp nơi, hoặc mưa to gió
lớn bất ngờ, người ta thiết lập nhiều ngọn hải đăng trên các hòn đảo
nhỏ rải rác chung quanh.
Năm
1815, William Dorling (Uy-li-em Đóc-linh), chuyên viên hải đăng, rất
tận tâm với nhiệm vụ, đưa gia đình tới Longstone (Lông-sì-tôn) trên quần
đảo Farne (Phác-nơ). Là công chức gương mẫu, là chồng tốt, cha hiền,
William chưa từng sao lãng bổn phận đối với nghề nghiệp và gia đình.
Ngoài những lúc kiểm soát, tu bổ ngọn hải đăng do mình phụ trách, ông
còn chăm sóc, dạy dỗ con cái học hành cùng tìm hiểu các sinh vật ngoài
biển. Gặp ngày đẹp trời, mấy cha con lại lang thang qua bờ đá, khe nước
tìm kiếm tổ chim đem về nuôi cho tới lúc lớn khôn mới chịu thả ra. Riêng
cô bé Grace Dorling (Gờ-rết-sơ Đóc-ling) – trưởng nữ ông bà William –
nhu mì, hiền hậu, vẫn chịu khó giúp đỡ mấy chú hải cẩu leo trèo tinh
nghịch khỏi rơi tọt xuống khe đá lởm chởm, đoạn thân mật đùa rỡn chẳng
khác gì bao đứa trẻ cùng lứa thường chơi với chó, mèo vậy.
Gia
đình William Dorling rất hạnh phúc tuy cuộc sống thật tầm thường, chật
vật. Hàng ngày, Grce vô cùng thích thú tựa bên cửa sổ ngắm nhìn khung
cảnh đẹp đẽ lúc bình minh hay buổi hoàng hôn thơ mộng nơi đại dương bát
ngát mênh mông.
Dù còn nhỏ, Grace cũng hiểu rằng ngọn hải đăng với bức tường đá kiên cố được xây cao cách mặt bể tới hai chục thước –
chỉ đủ bảo đảm mọi người thân yêu của mình trú ngụ an toàn dưới cơn
cuồng phong luôn luôn xẩy ra tại địa phương, chứ không thể giúp bất cứ
chiếc tàu nào chẳng may còn lênh đênh giữa khoảng trời nước bao la kia
tránh thoát từng đợt sóng khủng khiếp sẵn sàng phá vỡ tan nát mọi chướng
ngại vật bắt gặp.
Dần dần, các em cô rời Longstone lên tỉnh học, Grace lúc ấy đã hai mươi hai tuổi – tình nguyện ở lại đỡ đầu cha mẹ.
Ngày
6-9-1838, ngay từ hồi chiều nhiều dấu hiệu báo cho biết một cơn giông
tố phũ phàng sắp đổ xuống Northumberland. Trời tối sầm. Mây đen kéo về
nặng chịch. Gió vần vũ rích lên như giận dữ hắt mưa ào ạt vào ngọn hải
đăng, đồng thời kéo theo muôn ngàn lớp sóng cao ngất, ùa lên ghềnh đá
từng nhịp, bọt tỏa trắng xóa dọc duyên hải.
Bất
hạnh thay, trong cơn biển động, chiếc tàu thủy Forfharshie (Pho-pha-si)
chở sáu chục hành khách đang trên đường di chuyển từ Hull (Hăn) tới
Dundee (Đăn-đi) không may gặp nạn. Vào thời bấy giờ, tàu chạy hơi nước
còn thô sơ, tốc độ yếu kém, thành thử thuyền trưởng và thủy thủ – đã biết trước hiểm nguy cùng lo chuẩn bị đối phó –
vẫn không thể làm cho con tàu chạy nhanh hơn thường lệ để kịp thời ghé
tạm vào bờ trú ẩn. Vì thế chiếc tàu bị nhồi lên nhồi xuống, chòng chành,
nghiêng ngả. Cuối cùng, nồi "súp-de" tan vỡ, mọi người đành bó tay lúc
con tàu lật về một bên, để rồi sóng gió cuốn trôi phăng phăng đập mạnh
vào ghềnh đá thuộc quần đảo Farne.
Tất
cả hành khách trên chuyến này đều bị giòng nước lôi đi mất tích lúc con
tàu rã ra từng mảnh, ngoại trừ chín người sống sót nhờ may mắn bám chặt
lấy vách đá lởm chởm cách ngọn hải đăng một khoảng khá xa. Dù hết sức
kêu gào cầu cứu nhưng những lời khẩn thiết đó vẫn không tới nơi mà tan
loãng với tiếng gió trong đêm hãi hùng. Mưa mỗi lúc một mạnh hơn, cuồng
phong càng thêm khốc liệt. Ai nấy đều quá mệt mỏi, vậy mà họ vẫn phải cố
gắng chống trả bao đợt sóng thi nhau táp vào bờ, bằng cách người nọ giữ
người kia để chờ đợi từng giây, từng phút được cấp cứu. Thời khắc chậm
chạp trôi. Họ kiên nhẫn chịu đựng như vậy suốt đêm. Mãi tới sáng hôm
sau, tình cờ Grace đến bên cửa kính ngắm nhìn cảnh vật bên ngoài trong
lúc trận bão vẫn còn tiếp diễn, cô thấy có nhiều dấu hiệu một vụ đắm tàu
qua những mảnh ván trôi nổi đó đây. Lập tức, Grace báo cho cha hay.
William vội chạy lấy ống nhòm nhìn quan sát: Dưới cơn mưa tới tấp, nhiều
người đang chống trả với cơn thịnh nộ của biển cả một cách tuyệt vọng.
Họ gần như đuối sức vì bị nhiễm lạnh. William náo nức muốn cứu nhưng
mình ông làm sao xoay sở trên chiếc xuồng mỏng manh không người trợ giúp
để tới tận nơi xa ngót hai cây số. Ông bóp trán suy nghĩ, mắt đăm đăm
nhìn ra khơi. Như đọc được nỗi băn khoăn lo lắng trên khuôn mặt người
cha, Grace quả quyết đề nghị: "Để con cùng cha tới cứu họ, chứ nếu chờ
được lúc có người, chắc đến nơi chẳng còn ai nữa..." William quay lại.
Ông nhìn con thương hại vì Grace gầy gò ốm yếu quá. Ngập ngừng một phút
suy nghĩ, ông đồng ý. Thế là hai cha con sửa soạn chiếc xuồng rồi mở cửa
ra đi.
Xuống
tới ghềnh đá, gió thổi mạnh như muốn hất tung hai người lên khỏi mặt
đất. Sau một hồi vất vả, tay vuốt nước mưa, tay chèo, tay lái, Grace
cùng cha cũng đến được mục tiêu. William nhảy lên bờ rồi chạy ngay tới
đám người đang run lập cập vì đói và rét còn Grace ở lại giữ cho xuồng
đừng tách bến, bằng không lát nữa đây nó sẽ quay tròn theo con xoáy lớn
hoặc trôi tuốt ra khơi. Ác thay, gió càng lúc càng thổi mãnh liệt, chiếc
xuồng nhỏ bé nhẹ như bấc chao đi chao lại một hồi đoạn quay ngang, bỏ
mặc các nạn nhân trên bờ lo sợ khôn cùng. Da dẻ tím ngắt vì lạnh, hai
tay rã rời, Grace không dám buông mái chèo. Cô cắn răng giữ chặt tay lái
trong lúc chiếc xuồng dập dình theo đợt sóng đưa đẩy suýt xô vào vách
đá. Dù mắt hoa lên chan hòa nước mưa, dù mức chịu đựng cùng cực, Grace
vẫn tìm cách hướng mũi xuồng vào bờ một cách tuyệt vọng sau nhiều lần
xoay sở mãi không được. Trên bờ, William cùng những người kia hồi hộp
chờ đợi ; họ sốt ruột nếu tình trạng ấy kéo dài chắc chắn Grace sẽ chết
đuối mất thôi. Lừa dịp gió ngơi đôi chút, Grace lấy hết sức bình sinh
đẩy mạnh mái chèo và tay lái. Nhờ vậy, chiếc xuồng quay mũi và áp vào
bờ. Chỉ đợi có thế, William lao ngay xuống xuồng, đồng thời kéo theo một
nạn nhân còn khỏe mạnh để họ tiếp tay với Grace, đúng lúc cô gái dũng
cảm sắp quỵ vì kiệt sức. William trở lên đưa thêm bốn người nữa xuống
xuồng rồi quay về. Dọc đường, Grace mới dám nghỉ tay đôi chút cho khỏe.
Đến
nhà, trong lúc William cùng hai gã đàn ông khỏe mạnh trở lại hòn đảo để
cứu nốt bốn người sau chót, Grace phụ giúp mẹ lấy chăn, mền đắp cho các
nạn nhân sau khi thay quần áo khô. Cô đốt lò sưởi đoạn bưng lên từng
bát cháo nóng mời họ dùng tạm ấm lòng. Đặc biệt, Grace lo săn sóc và
luôn luôn ở bên cạnh một thiếu phụ đau khổ vì hai đứa con nhỏ chết đuối
theo con tàu. Cô tự cho mình có bổn phận phải an ủi, khuyến khích bà
trong lúc buồn tủi này.
Chẳng
bao lâu, tin tức truyền đi khắp nơi. Cả nước Anh coi Grace như một vị
nữ anh hùng. Nhiều quà tặng gửi tới cho William và Grace. Nhưng buồn
thay, sức đã yếu lại thêm cảm lạnh, Grace nhuốm trọng bệnh từ đấy. Sau
bốn năm liệt giường liệt chiếu, mùa xuân 1842, cô gái can đảm quên thân
mình vì nghĩa vụ đối với đồng loại trút hơi thở cuối cùng để lại bao mối
tiếc thương cho gia đình, họ hàng và người thọ ơn chưa có dịp đáp đền.
ĐẶNG HOÀNG
(Phỏng theo L'héroine de la mer)
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 80, ra ngày 11-3-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.