Đêm
đã khuya mà Thụy vẫn trằn trọc chưa ngủ được. Việc Hoàng vào lớp Thụy
buổi chiều nay làm tâm tư Thụy xáo trộn bồi hồi. Những kỷ niệm của mùa
hè năm ngoái lần lượt xuất hiện như khúc phim trước mắt Thụy. Thụy nằm
yên nhắm mắt lại để mặc cho hồn mình trở về với kỷ niệm.
Mùa
hè năm ngoái, để tưởng thưởng các học sinh ưu tú, nhà trường đã tổ chức
một trại hè ở một bãi biển gần Long Hải. Ngày khởi hành Thụy hớn hở lên
đường mà không ngờ chuyến đi này sẽ làm biến đổi tâm hồn cô bé mười sáu
tuổi này. Thụy vui vẻ ca hát với các bạn, mỗi khi có một chiếc xe của
đội khác vượt qua là Thụy lại đứng lên la ó giục bác tài chạy nhanh lên
để vượt qua chiếc xe trên ; tính Thụy vẫn thế, tinh nghịch một cây và
cũng nũng nịu một cây.
Tiếng
ồn ào khiến Thụy giật mình thức giấc. Một mùi mằn mặn xông vào mũi Thụy
trước tiên. Thụy đưa mắt nhìn chung quanh, các bạn Thụy đang sửa soạn
lại y phục. Linh, đứa bạn thân của Thụy vừa chải đầu, vừa mỉm cười với
Thụy:
- "Gớm ngủ gì mà lâu thế, đến nơi rồi đấy, lo sửa sắc đẹp lại đi kẻo dân ở đây lại tưởng là... là..."
Có
lẽ không nghĩ ra vật mình so sánh là gì nên Linh đánh trống lảng bằng
cách đưa Thụy cái lược. Thụy không đỡ lấy là lại quay đầu nhìn ra ngoài
xe, Linh hiểu ý nói:
- "Lại nhõng nhẽo nữa rồi, cứ làm như công chúa không bằng."
Thụy
mỉm cười không nói, Thụy biết Linh hay chọc Thụy lắm nhưng bù lại Linh
cũng hay chìu Thụy nữa. Xe đang tiến vào tỉnh, những đứa trẻ ùa ra xem,
còn người lớn thì đã quá quen với cảnh này vì năm nào trường Thụy cũng
cho học sinh đi nghỉ hè ở đây cả.
Vào
đến trại, sau khi nói vài lời khai mạc cuộc trại hè, cha tổng giám thị
cho đi tắm liền ; cha thật hiểu tâm lý bọn trẻ, cha biết các con cha
đang mong tắm biển sau những tháng miệt mài ở trường. Thụy thì khỏi nói,
cô bé mê biển nhất, cô bé thích vẫy vùng trong biển và chỉ muốn tắm
hoài.
Đến tối, các liên đội quây quần lại để thi đua văn nghệ. Đội của Thụy có Linh và Hương ra hát lại múa nữa, ai cũng khen hay cả.
Ngày
thứ hai của cuộc nghỉ hè, mới sáu giờ sáng Thụy đã bị đánh thức bởi
tiếng còi của thầy trại trưởng, mọi liên đội đều phải tập thể dục và đi
lễ. Sau đó mọi người lại đi tắm, nhiều trò chơi được bày ra, ai ai cũng
tham dự rất vui vẻ. Buổi trưa sau một giấc ngủ dài, các liên đội lại tập
họp để thuyết trình về đề tài bụi đời, hippy. Việc gì chứ vấn đề thuyết
trình thì Thụy chả thích tý nào nên Thụy ngồi thu mình trong góc, đầu
dựa vào tường, đôi mắt lim dim như hãy còn mơ ngủ, Thụy lơ đãng nghe
thày trưởng ban sinh hoạt giới thiệu một anh chàng nào đó của liên đội
N. H. sẽ ra thuyết trình. Thụy vẫn không thèm ngóc đầu lên để xem anh
chàng đó ra sao. Nhưng khi một giọng nói trầm ấm vang lên trong micro
thì Thụy mở choàng mắt ra vì đó là một giọng nói miền Bắc (xưa nay Thụy
rất thích giọng Bắc, Thụy cho rằng giọng Bắc mềm mại và thật quyến rũ),
giọng nói vừa hùng vừa ấm làm Thụy thích thú ; không dừng được Thụy quỳ
lên, đưa tầm mắt cao khỏi những mái đầu nhấp nhô đàng trước. Hắn ta ngồi
kia, chân khoanh tròn, gương mặt khá đẹp với đôi mắt to đen. Cha! Lại
cũng bày đặt để râu nữa cơ. Thoạt nhìn hắn, một tình cảm nhè nhẹ êm đềm
len vào hồn Thụy, Thụy thấy thích thích con người đang ngồi kia. Đột
nhiên Thụy thấy xấu hổ với ý nghĩ của mình, cô bé Thụy tinh nghịch không
thể như thế được, nếu Linh mà biết thì Thụy phải độn thổ mất.
Tiếng
của thày điều khiển lại cất lên khiến Thụy như vừa tỉnh cơn mê ; hắn ta
nói hay thật. Sau đó có một chị bên đội H. T. Q. ra đả phá lập luận của
anh chàng hồi nẫy. Chị này chê bai những người bụi đời trong khi hắn ta
lại bênh vực, chị còn nói chị không phải là loại của hắn ta (chả là
thày đã giới thiệu hắn ta đã ba lần đi bụi đời). Thụy bỗng đâm ra ghét
chị này ghê đi, việc gì đến chị mà gọi người ta là loại này loại nọ. Mọi
người hình như cũng đồng ý với Thụy nên đồng loạt la lên phản đối. Thấy
tình hình có vẻ gay cấn thày điều khiển bèn tuyên bố chấm dứt buổi
thuyết trình.
Chiều
hôm đó trong khi mọi người đang tắm, Thụy thơ thẩn đi lại trên bãi mong
gặp một bóng dáng nào đó nhưng người ta vẫn biệt tăm. Tâm hồn của cô
gái mười sáu tên Thụy đã từ một cô bé tinh nghịch hôm qua biến thành một
cô học trò biết mơ mộng hôm nay. Đôi lúc Thụy đứng ngây người nhìn ra
biển, Thụy nhớ đến hắn ta, hắn ta dễ thương quá, hắn hùng quá...
Ngày
thứ ba: Trong buổi lễ Thụy cứ đưa mắt nhìn người ấy, bóng hắn ta thấp
thoáng, vẫn với bộ jean xanh hôm qua. Thụy thấy thích màu áo hắn mặc, có
lẽ chỉ trong bộ jean xanh lam đó hắn mới thấy hùng.
- "Thụy là gì ngó qua bên ấy hoài vậy?"
Tiếng Linh thì thầm bên tai khiến Thụy giật mình, cô bé bẽn lẽn quay qua hỏi Linh:
- "À hôm qua "ông" gì ở bên đội N. H. thuyết trình hay quá há!"
Linh nói:
- "Chắc rồi, hắn nổi tiếng mà".
Thụy ngạc nhiên:
- "Hắn nổi tiếng gì thế?"
-
Thụy không biết à, hắn là một cây văn chương đó. Này, hắn ghê lắm, con
Hương kể là hắn có lần rủ nó đi chơi nhưng nó không chịu, với lại hôm
qua Thụy không nghe thày bảo hắn đã ba lần bụi đời à?
Thụy
cảm thấy nhói trong tim, Thụy vẫn biết việc hắn bụi đời đấy chứ nhưng
Thụy không xem nó quan trọng bằng việc hắn rủ rê Hương đi chơi. Thụy có
cảm tưởng như hắn phạm một lỗi nặng đối với Thụy vậy.
- Linh có nhớ hắn tên gì không nhỉ?
- Hoàng, Nguyễn Xuân Hoàng.
Thụy bỗng bắt gặp tia mắt Linh nhìn Thụy dò xét.
Sau
khi ăn sáng, bọn Thụy được phép đi tắm sớm. Thụy và Linh nắm tay nhau
chạy xuống biển. Những vết chân in lên cát khiến Thụy thích thú. Sóng
hôm nay lớn thật, Linh nhát nên đã lên bãi nằm. Thụy còn đang mải ngắm
các bạn nô đùa thì cô bé bỗng bắt gặp một bóng dáng quen thuộc đang tiến
đến gần mình ; tim Thụy đập mạnh. Hắn đó!
Hắn
đang cầm chiếc phao và đang rẽ nước tiến ra. Khi đi ngang chỗ Thụy, hắn
thoáng nhìn cô bé rồi lại rẽ nước đi. Một chút gì cay xót dâng lên mắt
Thụy, phải chăng là do nước biển?
- Thụy ơi, lại đây chơi banh đi.
Thụy quay lại nhìn Linh tay cầm trái banh đang đứng gần bờ. Như cố giấu nỗi buồn, Thụy vẫy tay cười với Linh:
- Ừ, chơi thì chơi.
Mặt trời dần lên cao, ánh nắng hắt vào mắt Thụy chói lòa mỗi khi cố bé ngước mắt nhìn trời. Thụy bèn bàn với Linh:
- Gần ăn cơm rồi, thôi tụi mình lên trước thay đồ đi kẻo một chốc nữa nhiều người quá không còn chỗ mà thay đó.
Linh
gật đầu đồng ý. Lên đến bờ, Thụy đưa mắt tìm đồi cát, nơi Thụy đã để
cái áo choàng màu vàng của mình. Mắt cô bé bỗng dừng lại một dáng người
co ro trong chiếc áo màu vàng nơi đồi cát kia. Lại hắn nữa! Nhưng sao áo
của hắn giống của Thụy thế? Rồi Thụy lại nghĩ, đã chắc gì cũ Thụy, có
lẽ áo của Thụy để sau lưng hắn không chừng. Thụy và Linh chầm chậm bước
lên đồi cát, "đường dốc khó lên ghê", Thụy nói khẽ với Linh như để che
lấp nỗi xúc động của Thụy khi càng đến gần hắn. Linh tiến lại sau lưng
hắn lấy khăn choàng của mình. Chung quanh đấy không còn cái áo vàng nào
cả, trừ cái hắn đang choàng. Thụy lúng túng đến sau lưng hắn, xúc động
quá cô bé chỉ ấp úng được vài tiếng:
- Xin lỗi, cái áo của...
Hắn quay lại, vội vã cởi áo ra đưa Thụy và rất lịch sự đáp:
- Xin lỗi cô, lúc nãy lên lạnh quá nên tôi mượn đỡ cái áo choàng của cô.
Thụy
thẹn thùng đỡ lấy áo, khẽ mỉm cười rồi bỏ đi. Tự nhiên Thụy thấy hối
tiếc, tại sao lúc này Thụy không nhân cơ hội đó mà làm quen với hắn nhỉ?
Tiếc ghê đi, sao con bé Thụy này ngu quá xá! (Sự hối tiếc ấy dằn vặt
Thụy mãi suốt ngày hôm đó).
Ba
giờ trưa, lại có thuyết trình. Không như hôm qua, hôm nay Thụy tỉnh lắm
cơ vì Thụy biết đội hắn sẽ cử hắn ra thuyết trình. Đúng như dự đoán,
Nguyễn Xuân Hoàng lại ra. Suốt buổi thuyết trình, Thụy say mê theo dõi,
Thụy còn quỳ lên để nhìn hắn cho rõ. Cử chỉ của Thụy làm Linh ngạc
nhiên:
- Thụy lạ ghê đi, từ trước đến giờ Thụy vẫn ghét thuyết trình lắm mà.
Thụy cũng không vừa:
- Nhưng mà bây giờ Thụy thích được không?
Linh
không nói gì, chỉ nhìn Thụy tinh nghịch. Thụy cũng mặc Linh muốn nghĩ
gì thì nghĩ, Thụy không thèm nói với Linh nữa, cứ chọc người ta hoài à.
Đêm
nay là đêm cuối ở trại hè nên các liên đội đều ráo riết tập dợt để thi
đua văn nghệ đêm cuối cùng này. Linh và Hương lại có màn song ca rất
được hoan hô. Gần lượt đến đội N. H. Thụy còn đang mong chờ thì có
tiếng giới thiệu:
- Sau đây, Nguyễn Xuân Hoàng của liên đội N. H. sẽ hát bài "Trả lại em yêu".
Ồ!
nài hát này Thụy thích nhất mà lại được chính hắn hát thì... Thụy không
biết làm sao tả nỗi thích thú của mình. Thụy yên lặng ngồi nghe, chăm
chú như hắn đang thì thầm cho riêng Thụy vậy. Tiếng hát dứt, tiếng vỗ
tay nổi lên. Thụy cũng vỗ tay thật to, to đến nỗi Linh phải kêu lên:
- Gớm con bé Thụy này, hắn hát có hay đâu mà Thụy vỗ tay to thế.
Thụy bực mình nói:
- Sao Linh cứ phá Thụy hoài vậy?
Linh cười tinh nghịch:
- Này người đẹp của Linh ơi, đừng giấu nữa, Linh biết cả rồi, cô ghê lắm nhá!
Thụy hốt hoảng:
- Linh biết cái gì? Thụy có làm gì đâu.
Linh cười đắc thắng:
- Tội này nặng lắm cơ, nhưng tội gì thì Thụy biết đấy. À Thụy này, Thụy có cần xưng tội không để Linh đi mời cha đến?
- Ơ, Linh...
Nỗi
tủi hờn không cầm được nữa, những giọt nước mắt tuôn tràn trên má Thụy,
đôi mắt long lanh sau màn nước mắt chứa đựng cả một trời sầu thảm.
Linh hoảng hốt nắm lấy tay Thụy:
- Linh xin lỗi Thụy. Linh lỡ lời.
Bàn
tay Linh vụng về chùi những giọt lệ trên má Thụy. Thụy nhìn Linh lắc
đầu, cô bé muốn nói thật cho Linh biết tất cả những biến chuyển trong
lòng mình. Thụy muốn nói Thụy khổ lắm vì hắn... chẳng bao giờ để ý đến
Thụy cả. Nhưng không hiểu sao Thụy lại im lặng, có lẽ vì tự ái của Thụy
không cho Thụy nói, ai lại đi nói sự thất bại của mình bao giờ mà nhất
là sự thất bại trên đường tình cảm.
Ngày
thứ tư: Sau trò chơi lớn, mọi liên đội đều làm công tác vệ sinh, thu
dọn quét sạch trại xong tụ họp lại để nghe tuyên bố kết quả cuộc thi đua
sinh hoạt giữa các liên đội. Đội N. H. của hắn đứng nhất ; hắn vỗ tay
reo mừng trông thật dễ thương. Đội của Thụy đứng hạng ba thế mà ai cũng
tưởng sẽ đứng bét.
Trước
khi ra về mọi người cùng ca bài "Biệt ly", buồn quá. Thụy nhìn ra biển,
nước biển xanh biếc, từng làn gió mát rượi làm Thụy thấy thơ thới ; sự
buồn phiền hôm qua đã vơi theo những giọt nước mắt, hiện giờ chỉ còn lại
sự luyến tiếc bãi biển cát trắng kia thôi. Lời hát buồn quá khiến Thụy
khóc lúc nào không hay ; sao Thụy dễ khóc ghê cơ, vị bác sĩ của gia đình
Thụy đã nói về Thụy: "Cô bé này nhạy cảm lắm". Quả thật, cái gì Thụy
cũng khóc, cũng thương được: một đóa hoa rụng Thụy cũng thương, một con
mèo chết Thụy cũng khóc.
Khi
xe chạy qua trại, Thụy cố nhìn lấy bãi biển, dòng nước vẫn lặng lờ uốn
từng ngọn sóng nhỏ, từ nay nó sẽ không còn vẫy vùng đùa giỡn với bọn
thiếu niên nữa.
Trên
xe mọi người bắt đầu ca hát. Thụy cũng hát theo, Thụy muốn vớt vát lại
những phút giây còn sinh hoạt chung với các bạn. Thụy không muốn nghĩ
đến cuộc chia tay sắp đến. Giọng Thụy khàn rồi đấy, sướng quá, hát nữa,
hát nữa đi.
*
Hai
tháng nhàn hạ ở nhà, Thụy không lúc nào quên Nguyễn Xuân Hoàng. Ngày đi
học trở lại, những bài vở, những mùa thi khiến Thụy bận rộn, không còn
thời giờ để nhớ đến hắn nữa. Hình bóng hắn chỉ chợt đến với Thụy trong
những lúc rỗi rảnh. Đối với hắn, bây giờ Thụy chỉ còn những nụ cười buồn
chứ không phải một tâm tình bồng bột như ngày xưa. Thời gian qua, khi
hình bóng hắn gần như biến mất hẳn trong trí Thụy thì: chiều nay, khi
gió xuân bắt đầu trở lại, ngồi trong lớp, Thụy đang cắm cúi chép bài Địa
Lý. Đến khi Thụy nghe thấy tiếng xôn xao, Thụy ngẩng đầu lên nhìn ra
cửa: thấp thoáng vài anh nam sinh. Thụy thầm nghĩ: "Lại trường nào đến
bán báo Xuân chớ gì". Sau vài thoáng ngập ngừng, mấy chàng trai tiến vào
lớp Thụy. Tia mắt Thụy bỗng dừng lại ngay một chàng trai ; đôi mắt đen
nhánh với bộ râu kia Thụy không thể lầm vào đâu được ; chính là hắn,
Hoàng của Thụy ngày xưa đó. Những kỷ niệm nằm yên trong lòng Thụy giờ
đây như sôi động dậy. Thụy ngây người nhìn hắn. Cử chỉ của Thụy không
thoát khỏi ánh mắt của Linh, cô bé này cũng nhận ra hắn.
Một
anh chàng đeo kính bước ra mở lời đại khái là năm nay là năm cuối của
họ ở bậc trung học, trước khi ra trường, họ muốn để lại trường một lưu
niệm là một tờ báo Xuân của lớp họ, vì tài chánh eo hẹp không thể tặng
cho mỗi người được nên chỉ có thể tặng cho ba người là trướng lớp,
trưởng ban báo chí và trưởng ban học tập thôi.
Nghe
đến đây Thụy mừng ghê đi vì Thụy là trưởng ban học tập. Thụy sẽ có
quyển báo và Thụy chắc rằng sẽ có bài của hắn, Thụy thích đọc tất cả
những gì liên quan đến hắn.
Thụy
ra khỏi bàn tiến lên, hắn bước đến (tại sao là hắn mà không phải người
khác nhỉ?), nhìn Thụy và trao quyển báo cho Thụy (không biết hắn có nhớ
Thụy là cô bé hắn đã mượn cái áo choàng không nhỉ?). Thụy luống cuống
nhìn xuống, miệng lí nhí:
- Cám ơn... anh.
Tiếng "anh" thoát ra quá nhẹ, quá êm khiến Thụy thẹn thùng.
Mấy
chàng trai, sau vài lời chúc Tết, đi ra cửa. Thụy nhìn theo lưng hắn,
một nỗi luyến tiếc dâng lên. Vậy là từ đây Thụy sẽ không bao giờ gặp lại
hắn nữa. Hắn sẽ lìa xa trường mãi mãi để bước chân vào đại học. Thế
cũng xong, Thụy nghĩ, nếu không bao giờ, Thụy sẽ dễ dàng quên hắn hơn.
Thụy không muốn đánh mất tuổi hồn nhiên của mình. Nhìn bạn bè vui đùa mà
Thụy thèm được như họ. Tù khi gặp hắn, thỉnh thoảng Thụy cứ hay suy
nghĩ vẩn vơ, không như cô bé Thụy ngày xưa. Với lại, Thụy cười buồn, hắn
có bao giờ để ý đến mình đâu, không bao giờ, không bao giờ cả...
Ngoài
phòng khách, đồng hồ vừa điểm mười hai tiếng và nơi đây có một cô bé
mười sáu tuổi đang cố ru giấc ngủ khi cô chẳng may có phải một tâm hồn
quá lãng mạn.
HOÀNG THỤY - LINH HƯƠNG
(viết thay một người bạn)
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 21, ra ngày 5-3-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.