Từ
trước đến giờ các bạn T.H. vẫn nghe nói đến "Bảo Sanh viện Từ Dũ",
nhưng chắc rằng ít bạn biết đến tiếng "Từ Dũ" phát xuất từ đâu? Hôm nay
Băng Tuyền xin hiến các bạn lai lịch của tiếng "Từ Dũ" đọc giải sầu nhé.
Nguyên tiếng Từ Dũ là tên một nữ danh nhân Việt Nam: Bà Từ Dũ
(1810-1909). Hầu hết các nữ danh nhân Việt Nam đều được lưu truyền sử
sách, về các hoạt động binh bị như Trưng Trắc, Triệu Ẩu, hoặc do tài
văn thơ như Sương Nguyệt Ánh, Hồ Xuân Hương. Riêng bà Từ Dũ được lưu
danh do đức hiền thục của bà.
Bà là mẹ vua Tự Đức, tên thật bà là Phạm thị Hào, con quan Lễ bộ thượng
thư Phạm Đăng Hưng. Sinh ngày 19-5-1810, quê quán tại Gò Công, Gia Định
(nay thuộc tỉnh Long An).
Tư chất thông minh từ thủa nhỏ, siêng năng, hiếu học, nên mới 12 tuổi bà
đã làu thông kinh sử. Bà rất có hiếu, mẹ bị bệnh nan y phải nằm riêng,
nhưng bà đã không quản ngại gian lao săn sóc cho tới khi mẹ mất.
Tiếng thông minh, hiếu thảo đồn đi khắp nơi, ra tận tới triều nội Huế.
Bấy giờ vợ kế vua Gia Long là Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu cho triệu vào
cung để hầu cháu trai (vua Thiệu Trị sau này). Trong cung lúc ấy còn có
con gái Quận công Nguyễn văn Nhàn là Linh Phi cũng do Thuận Thiên Cao
Hoàng Hậu tuyển. Về ngôi thừ giữa 2 người cháu dâu thì Thuận Thiên Cao
Hoàng Hậu chưa đặt ai trên dưới, nhưng về chức tước thì Tiểu Thư Hào kém
Linh Phi, vì Linh Phi lấy theo chức tước của cha.
Bà Từ Dũ (lúc ấy chưa được phong chức tước) không lấy sự thua kém làm
ghen tức, mà lúc nào cũng tỏ ra quí mến và nhường nhịn Linh Phi đủ mọi
điều.
Một hôm vua Minh Mạng ban cho hai con dâu mỗi người một cái Kim Hoa Sa.
Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu cũng ban cho 2 cháu mỗi người một cái kim khâu
vàng để dùng trong việc may vá. Một cái chạm hình con Phượng và một cái
chạm bông hoa. Thuận Thiên phong kín 2 cái lại và khấn rằng: "Nếu ai
lấy được cái khăn hình con Phượng thì sẽ sanh con trước!" Đoạn bà cho
vời 2 người cháu dâu đến bảo mỗi người cầm lấy một cái. Từ Dũ nhường cho
Linh Phi lấy trước. Linh Phi lấy cái phong bao chạm hình bông hoa,
chiếc còn lại của Từ Dũ chạm hình Phượng. Quả nhiên năm sau bà sinh
Thiên Phước Công Chúa, rồi Công Chúa thứ hai và tới Hoàng Tử tức vua Tự
Đức sau này.
Về đức hạnh của bà, người ta nhận thấy:
HIỀN THỤC
Khi vua Thiệu Trị lên ngôi, bà được coi như vị Chánh cung trong cung
nội. Tuy nhiên, bà không lấy điều đó làm kiêu hãnh, mà lúc nào bà cũng
siêng năng, cần mẫn chăm sóc mọi việc trong cung. Bà xử sự đoan trang,
giữ đúng lễ nghi theo đạo thánh hiền, tôn kính vua. Vua Thiệu Trị thấy
bà thông hiểu lễ nghi nên thường cho bà đi theo những lần tế lễ.
Vua ngự giá Bắc tuần, bà xin theo hầu, bà đem rất ít cung phi theo để
được tự tay mình săn sóc cho vua từ miếng ăn giấc ngủ. Bà thức khuya,
dậy sớm, đến nỗi sau lần tuần du này người bà gầy yếu hẳn đi. Vua thức
đêm đọc sách, bà cũng thức theo hầu, không lúc nào tỏ ra dáng mệt nhọc.
Năm Thiệu Trị thứ 7, vua bệnh nặng, bà luôn luôn ở bên giường ngự, bà quên ăn quên ngủ, săn sóc cho tới khi vua băng hà.
Lúc gần băng hà, vua Thiệu Trị đã cảm động nói: "Trẫm thấy phi là người
hiền đức, hiền minh, ý trẫm muốn lập làm hoàng hậu, nhưng tiếc thay chưa
kịp..."
(Đời nhà Nguyễn không có tục lệ phong hoàng hậu, nên vua Thiệu Trị không thực hiện được ý muốn).
Sau khi vua Thiệu Trị băng hà, Dục Tôn (Tự Đức) lên ngôi, mang hoàng
thân và văn võ bá quan vào triều xin cử hành lễ tôn phong bà lên ngôi
Thái hậu, nhưng bà nói rằng: "Quan tài tiên đế còn đó, lòng ta thương
tiếc khôn nguôi, việc tấn tôn bất tất phải cử hành".
CẦN KIỆM
Mặc dầu ở ngôi Thái hậu, nhưng bà không bao giờ coi sự xa hoa là cần
thiết. Những lần mừng lễ thọ của bà, bà đã ra lệnh chước giảm mọi thứ,
sợ tốn hao công kho. Kỳ mừng thọ ngũ tuần, bà đã nói với triều thần
rằng: "Ta đã được thiên hạ phụng sự, thì nên lo việc thiên hạ đương lo,
năm nay chưa đặng đều mùa, nhân dân chưa vui, chính lúc hoàng đế phải
chăm lo, lòng ta nỡ nào thản nhiên. Vả lại tính ta vốn cần kiệm chẳng
chuộng phù hoa, không ngờ ngày nay hưởng được tôn vinh, ta thường e sợ,
tu tỉnh chẳng rồi, huống chi còn gia thêm hư danh để ta càng mang nặng
lỗi thất đức hay sao".
Bà thường nói với những người chung quanh rằng: "Ta tự xét không làm gì có ích cho nước nên không dám phung phí xa xỉ".
Trong cung, thường dùng sáp vàng để làm đèn. Bà bắt tiết giảm, số sáp dư
truyền đưa vào kho dự trữ. Bà nói rằng: " Ta nhớ hồi còn nhỏ, gia tư
chưa được khá giả, ngay thứ dầu nước là vật rẻ tiền mà cũng khó thắp cho
suốt đêm, nay nhờ phước của trời mà tổ tiên giầu có cao sang, nhưng một
sợi tơ, một hột gạo cũng là do máu mủ của dân, lãng phí gì cũng đáng
tiếc lắm vậy".
NHÂN TỪ
Thắng 5 năm Tự Đức thứ 12, gặp ngày khánh tiết, các công chúa, cung
nhân, nữ quan đều dâng phẩm vật và xin đem ca nhạc chúc mừng. Nhưng lúc
đó tiết trời đại hạn, vua đương sai quan làm lễ cầu mưa. Bà nói với các
công chúa và cung nhân rằng: "Trời nắng gắt mấy tuần nay, việc nông gia
dân chưa làm được, ta có vui gì đâu, vậy hãy đợi trời mưa hãy cử hành".
MINH CHÍNH
Đối với các Hoàng Tử và Công Chúa, bà lúc nào cũng đoan trang đôn hậu,
bà lo cho các con học hành chăm chỉ, dạy bảo con những đức tính tốt. Mỗi
khi ban phát thứ gì, bà ban phát rất công bằng, không có kẻ yêu người
ghét.
Đối với em trai, em gái hay hoàng thân, người nào túng thiếu bà đều chu
cấp tiền nhưng không cho nhiều sợ vì cho nhiều, họ sẽ sống ỷ lại chăng.
Có bà Quận Công vừa nghèo vừa bị bệnh, bà mang cho 2 lạng vàng, mấy hôm
sau bà Quận Công đó xin thêm. Bà nói: "Ta thương người nghèo, nhưng rất
ghét người xa xỉ, bổng lộc của Chúa chẳng khác (chi ai), nếu chẳng lo
cần kiệm thì lấy đâu mà đủ".
Bà thường ngăn ngừa những chuyện lợi dụng của những người thân thuộc họ
ngoại bà (họ Phạm). Có một người bên học ngoại bà chẳng đỗ đạt gì, xin
làm thị vệ trong cung. Bà nói: "Người trong thích lý chớ lo sự không ra
làm quan được, chỉ lo bất tài mà thôi. Ta thường cấp tiền bạc, khuyên
chăm lo học hành, may có thi đậu vẻ vang cho gia tộc. Không ngờ cây mục
khó chạm, giải đất học hành mà ưa sự bôn cạnh, thật là phụ mỹ ý tác
thành của ta".
Có người thích lý làm quan bị thưa về tội tham nhũng, việc tâu vào
triều, bà bảo vua Tự Đức rằng: "Người chỉ nhờ gia ấm được bổ làm quan,
tưởng nên giữ pháp luật để thừa hưởng phước lộc mới phải, nay lại làm
điều trái phép, thật đáng tội, Vương nhi nên triệu về kinh nghiêm phạt
để răn kẻ sau và bày sáng công đạo cho mọi người biết".
*
Ngoài ra, theo sử sách ghi chép, bà Từ Dũ còn là một cố vấn rất tốt cho
nhà vua về việc nước. Bà thường mang sách vở thánh hiền ra bình luận
giúp vua thêm minh mẫn, rút kinh nghiệm được những cái hay cái dở người
xưa.
Ngày 20-04 âm lịch năm Thành Thái thứ 13 (1901) bà Từ Dũ mất, hưởng thọ
92 tuổi. Bà được phong: Từ Dũ Bác Huệ Trai túc Huệ Đạt Thọ Đức Nhân Công
Chương Hoàng Hậu.
BĂNG TUYỀN
(Theo Đất Việt Trời Nam
của Thái văn Kiểm)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 201, ra ngày 15-5-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.