Thứ Hai, 6 tháng 6, 2022

CÒN IN DẤU NHỚ - Trương thị Ngọc Dung

  

Từ khung cửa sổ của phòng học em nhìn thấy con đường có hai hàng khuynh diệp êm ái đan nhau và chùm hoa giấy đỏ ối dại khờ leo trên bờ tường đối diện. Những công thức, phương trình của kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt hầu như quên lãng trong em. Mùa hè đến, hoa phượng bắt đầu khoe sắc thắm. Và em, cô học trò nhỏ đệ tam A sắp về miền cao nguyên  heo hút bỏ lại những kỷ niệm vời vợi thương yêu sau lưng. Gần tháng nữa thì em nghỉ hè và mất mẹ dấu ái mãi mãi. Mẹ tái giá với bác Chương, cái ông mà ngày xưa bé con bằng tí xíu đã dỗ ngọt nó bằng kẹo, bằng bánh. Bố em là phi công, loài chim bằng vùng vẫy một thời rồi gãy cánh yên nghỉ trên đồi Rèm Dương có hoa thơm, cỏ mướt. Em được mẹ dẫn đi tảo mộ bố hai lần. Từ đó đến nay, em bận học, bận nghĩ vớ vẩn về tương lai còn mẹ thì đi làm tối ngày ít săn sóc con gái như xưa nên hai mẹ con xa cách nghìn trùng không còn có dịp lang thang dưới hàng me cao ngút mà nghĩ đến bố.

Buổi trưa Saigon thật nóng, định viết thư cho Thúy nhưng lười quá chỉ thích nằm nghĩ lan man thôi. Nhỏ Thúy của em sung sướng biết chừng nào. Ba Thúy là nhân viên của bộ ngoại giao có công vụ đi Canada nên cả gia đình theo luôn. Thúy dễ thương với đôi mắt tròn tựa hòn bi và cái miệng nhò xíu hay quà. Thúy viết thư tả sinh hoạt bên nớ làm em "mê" kinh khủng. Nhỏ còn trêu "cố học sinh ngữ vài năm nữa qua đây đấu hót mí ta". Có bạn bè tiếu lâm cũng là nguồn an ủi lớn lao cho người ta. Nhất là em, ở nhà chỉ biết lặng lẽ với một thời khóa biểu nhàm chán chứ đến trường thì eo ơi lí lắc đến nỗi thầy phải mắng cho mấy câu mới thôi.

Con lộ thật im vắng làm em thấy buồn buồn. Cứ thích buổi chiều qua thật nhanh để đến đêm rồi sáng, sang một ngày mới. Anh láng giềng không biết có cảm hứng gì mờ cứ đem cây guitar cổ điển ra đánh phừng phừng mãi. Nghe đến chán tai.

Em úp mặt xuống gối, những khuôn mặt bạn bè hiện ra thật gần gũi. Chao ơi! Còn bao nhiêu cuốn lưu bút chưa "trút cạn tâm sự" vào nữa. Nghĩ đến sao mà buồn ngủ và mệt ngất.

*

Chuông lên hiệu vô học vừa vặn em bước vào lớp. Nhỏ Song Hát nheo mắt:

- Viết lưu bút cho "em" chưa "chị" Hiển?

- Chị chị, em em ký gì, để ta nghỉ mệt đã. Mỏi chân thí mồ.

Khi thầy Việt văn đến lớp, tụi nhóc lao xao:

- Chơi thầy, hè rồi cho chơi thầy.

Có lẽ bị lũ học trò con gái "đàn áp" quá, thầy Việt văn chịu thua cười thông cảm:

- Phải giảng cho các chị hết chương trình chứ. Chơi hôm nay thôi nhé!

- Hoan hô thầy đi tụi bay.

Vài đứa nghịch hơn, la to:

- Thầy "chịu chơi" ác.

Em rời chỗ ngồi xuống bàn Kim Uyên trưởng ban văn nghệ ghi tên những "ca sĩ" của lớp.

- Minh Hiển cho cả lớp biết có tiết mục gì hay đi.

Song Hát láu táu trả lời thầy thay em:

- Trưởng lớp cho tụi em với thầy nghe "tân nhạc cải cách".

Eo, nhỏ Hát hôm nay tếu nhất rồi. "Điều đình" xong mệt muốn chết. Nhiều "đương sự" biết ca mờ cứ làm "màu" : thôi sợ lắm tao quên bài này rồi Hiển ơi" hay vờ hăm dọa: "Uyên mờ giới thiệu Giang, nghỉ chơi liền đó".

Em trở về chỗ mình ngồi ở một góc nhỏ bé, có ô mai và chùm ruột trong ngăn tủ Đầu tiên là Kim Uyên lên hát bài "trở về nhà xưa". Nhỏ có một giọng ca trầm, nghe tạm tạm. Rồi Bích Thảo với "ngậm ngùi". Nhỏ sửa lời ca nghe chướng tai ghê làm Song Hát phải gắt:

- Ê Hiển, kêu con Thảo xuống về nhà ru chồng nó chứ ở đây ru tao ngủ không nổi đâu.

Phải công nhận Song Hát nóng tính nhưng rất thẳng thắn. Dở chê dở, hay khen hay. Em thích những người bạn như thế lắm. Thầy Việt văn có vẻ chán bài "Ngậm ngùi" qua giọng ca Bích Thảo. Thầy xuống bàn em hỏi chuyện:

- Hè này có đi chơi đâu không Hiển?
 
- Con sắp rời Sài Gòn lên Đà Lạt học thầy ạ!

- Thế à, thích nhỉ!

Không biết ai bảo, Song Hát buột miệng:

- Nhưng với Hiển thì khác, chắc chắn nó phải buồn vì không còn được sống gần mẹ.

- Sao thế?

Song Hát khai:

- Mẹ Hiển tái giá thầy ạ!

Thầy Việt văn tế nhị lảng sang chuyện khác:

- Còn Song Hát, nghỉ hè tha hồ cho cô bé đi xem phim kiếm hiệp nhỉ!

- "Món ăn tinh thần" của con đó thầy.

Khi thầy Việt văn trở lên bục gỗ, dưới này Song Hát xin lỗi em tíu tít:

- Tao thiệt vớ vẩn mày nhỉ! Tự nhiên lại nói cho ông ấy nghe. Mày giận tao không?

- Tui đã trách câu nào đâu mà "bé babilac" của tui ngần ngại "dzậy".

Hai giờ học đầu chấm dứt nối tiếp hai giờ sau, rồi chuông reo ra về. Sau khi đã gấp khăn bàn, cất sổ điểm, phấn viết bảng và nhắc đội trực lo nhặt giấy rác, em ôm tập ra khỏi lớp. Song Hát gọi giật lại:

- Ê, mai đừng "dzô" trường nghe, "cúp cua" một bữa chơi.

Em nhăn mặt:

- Thôi, cho con xin, trưởng lớp như tui mà bị đuổi học vì "cúp cua" quê lắm.

- Nên nhớ kỹ là còn mấy tuần nữa mày lên Đà Lạt rồi. Hết đi chơi với tao, hồi đó rồi "hối hận". Được à!

Em hơi xiêu lòng. Song Hát bồi thêm:
 
- Với lại mai có giờ "chị" Mỵ Nga. Tao với mày chưa làm bài vật lý nào hết. "Dô" đụng "chị", "chị" bố cho một trận sợ tới già.
 
- Ừ, nghỉ học một bữa cũng không sao, hè rồi mà. Mai chờ tao nghe.
 
*
 
Song Hát thật đúng hẹn. Nhỏ đứng trong nhà sách vờ lật xem những quyển truyện mới ra, nhưng thật là đợi em, bạn đồng hành cúp cua đến. Quê quá. Khi thấy dáng cô trưởng lớp tam A, Song Hát chạy xuống bậc tam cấp rìu rít:
 
- Ê, sao đến trễ vậy. Tao tưởng bị mày cho "đi tàu bay giấy" hôm nay chứ!
 
- Tại xe tao hư.
 
Hai đứa thông cảm nhau mất mấy phút mới cho xe chạy. Bọn em đi loanh quanh, từ Trần Quý Cáp xuống Mạc Đĩnh Chi, ghé vào hội Việt Mỹ đứng nói chuyện vớ vẩn rồi lên bưu điện Sài Gòn mua bánh mì ngọt nhai. Song Hát đề nghị vào nguyện đường cầu nguyện. Em tán thành. Lúc hai đứa ra thì đã hơn mười giờ. Song Hát làm tội bắt em chở xuống Phan Đình Phùng ăn thạch Hiển Khánh. Nhỏ nói:

- Mày có công làm "tài xế" cho tao. Tí nữa tao khao lại chầu thạch "huề cả làng".

- Còn lâu à cưng. Làm tài xế cho mày có ngày "tàn một đời huê". Tao chả.

Lại một phen kiếm chỗ gửi xe rồi hì hục vào tiệm chọn bàn ngồi. Mệt ghê. Biết vậy đã chẳng "cúp cua".

Khi thạch đem ra hai đứa giành nhau chí chóe. Em trêu Song Hát:

- Mày tìm dùm tao ly nào nhiều đi, tao ăn ly đó.

Trẻ con ghê cơ! Song Hát nhắc đến chuyện nghỉ hè:

- Lên Đà Lạt mày tha hồ sáng tác há văn sĩ.

- Khiếp, buồn chết. Tao khóc lụt thành phố chứ viết văn sao nổi.

- Mà tao thấy mày cũng kỳ, mẹ tái giá mà không phản đối một ly "ông cụ" nào hết.

- Tại tao thương mẹ tao. Tao muốn bà được sung sướng. Bà hy sinh cho tao nhiều quá. Bây giờ thì tao cũng đã lớn, sắp thành cô tú rồi, về sống với bà ngoại ít năm nữa đi làm là vừa.

Song Hát đuối lý, nhỏ cố giữ "lập trường":

- Mày không thật với lòng.

Em cười, nhưng nụ cười có vẻ buồn:

- Thôi, trả tiền cho người ta. Tao ra trước lấy xe nghe.

Về tới nhà đúng mười hai giờ kém năm. Không ai nghi ngờ em cả. Nghĩ cũng buồn cười. Thay quần áo xong em nằm lăn ra giường, đợi một giấc ngủ dài đến...

*

Buổi chiều bác Chương đến, có cả "cậu nhỏ" sinh viên luật con trai bác. Em theo mẹ trang điểm rất kỹ để đón tiếp "phái đoàn". Các màn cửa sổ đều được thay màu hồng. Mẹ chả chìu ý con gái rồi nhé. Em lũi xuống bếp ngồi nói chuyện bâng quơ với chị Ba giúp việc. Thấy buồn ghê gớm, lại trở lên lầu. Độ một giờ thì mẹ gọi xuống. Bà vuốt tóc con gái thì thầm:

- Chào "ba" đi con.

Em tối tăm mày mặt:

- Ơ... lạy bác ạ!

Mẹ hơi cau mày, bà đang chịu đựng con gái đó. Nhưng em không bướng đâu, nhất định hy sinh xa mẹ để mẹ được sung sướng mà. Bác Chương lên tiếng khỏa lấp khoảng trống yên lặng trong căn phòng:

- Bao giờ cháu nghỉ hè nhỉ?

- Dạ, độ hai tuần nữa. Nhưng có lẽ trường cho nghỉ sớm hơn cơ.

- Thế bây giờ phải lấy giấy máy bay cho cháu thì mới kịp. Bác định với mẹ cháu cho cháu lên trên ấy nghỉ mát mấy tháng rồi mới nhập học. Dạo này bác thấy cháu hơi gầy.

Mẹ đỡ lời:

- Tại Hiển nó bận học đó anh.

- Cháu ngoan lắm, bác chưa thấy đứa trẻ nào dễ thương như cháu.

- Cám ơn bác ạ!

Em xoay qua mẹ:

- Mẹ ơi, con xuống phố một tí nhé. Con cần mua vài quyển sách.

- Ừ, mẹ cho phép. Con có tiền chứ?

- Hôm qua mẹ mới cho con hai nghìn đó mẹ quên hở?

*

Ra khỏi nhà, em lang thang xuống phố đi quanh quẩn nhìn người ta mua sắm. Saigon chiều thứ bẩy bao giờ cũng thế. Những mái tóc tiền sử đứng lố nhố trên vỉa hè. Họ cô đơn ngay giữa thành phố này. Họ muốn làm "anh hùng gắn máy" và phì phèo điếu thuốc trên môi để quên thực tại. Sao em lại thấy bi quan với chính mình. Buồn không Minh Hiển?
 
*
 
Sau buổi liên hoan cuối niên học, em lặng lẽ rời lớp với những giọt nước mắt lóng lánh đọng trên má. Song Hát vắng mặt. Nó không muốn em cảm động rồi khóc. Tuy thế nhỏ bạn của mi cũng "mè nheo" ra đây. Nước mắt làm cho người ta dễ chịu và quên hết buồn phiền. Nhỏ bạn mi khóc vì nó còn sung sướng và hạnh phúc, trái yêu thương chưa vượt khỏi tầm tay nó.

Em cho xe chạy xuống nhà cô Bằng Lan  cô giáo mến ái của em đó  Nghe tiếng còi xe, cô ra mở cổng.

- Minh Hiển đấy hở? Xuống từ giã cô phải không? Bao giờ bé đi?

- Dạ mốt ạ!

- Lên đó cố gắng học nhé! Cô muốn bé hứa khi sống với bà ngoại bé sẽ không buồn, không khóc vớ vẩn và không hay lang thang như bây giờ.

- Cô khỏi lo, bé hứa.

Học trò ở chơi với cô giáo gần tối mới về. Em năn nỉ mãi cô Lan đành chiều ý, tặng em một tấm ảnh rất dễ thương với hàng chữ nghiêng bay bướm: "cho Minh Hiển để nhớ đến cô Bằng Lan". Cô yêu dấu ơi, chẳng bao giờ bé quên nụ cười rạng rỡ và khuôn mặt đẹp tuyệt của cô đâu.

Em gửi lại kỷ niệm bằng những giọt nước mắt hồi tưởng trên vai và trên má cô mến ái.

*

Một tay xách valy, một tay ôm bốn quyển truyện nhỏ nhắn, em bước lên bậc thang xe ca. Mẹ hôn con gái hai cái thật kêu trên má. Trước khi xe chuyển bánh em còn thò đầu ra cửa kính nhìn mẹ mặc nước mắt thi nhau lăn dài thủ thỉ. Đừng ai lau khô nước mắt cho em. Hãy để em khóc thật hả hê như ngày bố mới mất rồi thì thầm lời ca:

"Ngày tháng nào đã qua đi, ta còn ngồi lại..." Nơi em về có thông xanh vi vút. Nơi em về cỏ mướt thơm hương. Nơi em về có nếp nhà ngoại rêu phong cổ kính, có nguyện đường nhỏ bé và những cành cây trơ trụi in trên nền trời xám. Nhưng chắc chắn nơi em không có dáng mẹ thần tiên, không có Song Hát ngây ngô hờn dỗi và không có lời khuyên âu yếm của cô Bằng Lan.

Một tiếng chim hót trên cành cây nắng sớm líu lo trong trẻo. Bầu trời xanh hơn lúc nào hết. Ánh sáng trên cao ném xuống soi rõ vỉa hè. Xe qua cầu. Em nhắm mắt mường tượng lại năm năm địa đàng đã qua, ngày tháng đã qua. Thấy bồi hồi và kỷ niệm học trò ngỡ đã phôi phai vẫn còn in dấu nhớ trong tiềm thức.


TRƯƠNG THỊ NGỌC DUNG      

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 27, ra ngày 5-6-1972)



Không có nhận xét nào: