Trận
mưa đầu mùa vừa dứt, để lại những vũng nước nhỏ trên lối đi dẫn vào khu
vườn nhà Ly Na. Cô bé vẫn ngồi yên, thu gọn người lại trong chiếc bàn
bé xíu có vân màu hồng. Ngoan ngoãn, dễ thương và hay làm nũng, đó là
tính nết của Ly Na. Nhưng ngoài những cố tật ấy, cô bé còn biết hát và
đệm dương cầm nữa.
- Chị ơi, cây cối có cần thiết cho loài người không hở chị?
Qua giây phút để tâm hồn mơ mộng, em trở về thực tế khi nghe Ly Na hỏi.
- Câu hỏi của bé giản dị nhưng cũng khó trả lời lắm đấy nhé! Không có cây cối, người ta sẽ chết. Tại sao bé biết không?
Em
nhìn thẳng vào đôi mắt Ly Na. Nếu chả phải cô bé mà là nhỏ Ngân Khánh,
thế nào nó cũng nhạo em và hỏi rằng mi muốn bắt chước hoàng đế Napoléon
cơ à! Chẳng đợi Ly Na đáp, em nói tiếp:
-
Nhày nhé! Người ta cần có cây cối để cản bớt ánh sáng mặt trời. Súc vật
ăn lúa chứ gì há, mà lúa cũng thuộc về cây cối. Bé lại ăn thịt súc vật.
Tóm lại không có cây cối, những con vật sẽ chết và loài người cũng chết
theo.
Ly Na nheo mắt với dáng điệu tinh nghịch:
- Chị giảng hay ghê cơ! Dễ hiểu nữa.
Em
bật cưới vì câu nói ấy. Chị đâu phải là cô giáo tốt nghiệp đại học sư
phạm. Chị mới học lớp mười cơ mà! Chị nói theo ý kiến của mình thế thôi.
Ly Na hất mấy sợi tóc bay lòa xòa trước trán rồi sửa lại thế ngồi.
- Người ta có tóc để làm chi vậy chị?
Gớm cô bé không cho em nghỉ được phút nào, cứ hỏi mãi.
- Ơ... để làm dáng chứ chi nữa như bé đấy, bé buộc thành bướm rồi kết nơ.
- Mà tại sao lại phải uốn tóc hả?
Bí quá em gắt:
- Bé hỏi lẩm cẩm ghê, làm luận đi chứ!
Ly Na buông cây bút xuống chạy đến dí sát ngón tay vào mặt em.
- Chị hứa là không được gắt với Na. Chị quên lời hứa rồi à. Na giận cho mà xem.
Cô
bé thế mà nhớ lâu ghê. Em phục thật đấy! Số là hôm em được bác Phú mời
đến dạy Ly Na học thêm. Vừa vào đến cổng nhà, em đã nghe tiếng ca trong
trẻo của Ly Na ở ngoài vườn. Sau khi giới thiệu em với ba má cô bé, bác
Phú đưa em vào phòng Ly Na để xem lại sách vở. Cô bé huyên thuyên kể
chuyện về mình cho em nghe, nào là:
- Chị biết thành tích bé không? Ba cô giáo đến đây dạy học đều phải xin nghỉ, vì họ bảo Na nghịch quá.
Ở đây, hôm nào trời nắng ráo Ly Na sẽ "dẫn" chị ra vườn chơi nhé. Ở ngoài ấy, con chim sơn ca đẹp lắm cơ!
Ly
Na nói toàn những chuyện vớ vẩn, đang ở chuyện nầy bắt sang chuyện
khác. Nếu là nhỏ Kim Bích nói, thế nào em cũng bảo "Bích ơi, sao mi vô
duyên rứa" nhưng đây là Ly Na, cô bé có gương mặt dễ thương và một giọng
ca trong trẻo mới nhìn thấy và nghe cô bé hát em đã gọi.
- Công chúa Ly Na ơi, tôi hứa với cô là sẽ chả bao giờ gắt với cô đâu. Biền lòng chứ!
Nghe em nói, Ly Na reo thật to và bắt em lập lại tên mình hàng trăm lần.
- Chị là Vương Thúy Quỳnh.
Mười lăm phút trôi qua, Ly Na vẫn ngồi yên làm em phải bẹo hai má cô bé nói:
-
Tại bé hỏi chị câu gì lẩm cẩm quá, chị mới gắt ấy chứ! Thôi xin lỗi
công chúa nhé! Tôi vô ý làm công chúa giận. Cười với tôi tí đi công
chúa.
Dù cô bé đang dỗi, nhưng nghe em gọi là công chúa, Ly Na cười ngay.
- Chị Quỳnh ơi, chị phải hứa lần nữa với bé.
- Hứa gì cơ?
- Chị hứa là không bao giờ gắt với bé.
- Bộ Na tưởng nói thế dễ lắm à! Lời hứa không bao giờ lập lại hai lần.
Cô bé buồn xo. phụng phịu lại ghế ngồi. Em tưởng cô bé giận. Nhưng chỉ được chốc lát Ly Na lại nói:
- Chị cho đề luận khó quá à! Bé ở tỉnh thì đâu có biết con trâu hình dáng ra sao?
-
Thì cứ dựa theo mấy yếu tố chị vừa giảng đấy! Hồi chị còn ở đệ thất,
thầy ra đề thi như thế này: "Trò hãy tả lại một anh mù hát dạo và cho
biết cảm tưởng". Với đề ấy, chị phải khó khăn lắm mới làm được vì từ nhỏ
đến nhớn, chị có thấy ông già mù nào hát dạo đâu.
- Đệ thất là lớp mấy hở chị?
- À, lớp sáu bây giờ đấy. Tại bé học theo chương trình mới nên không biết. Lớp bốn bé đang học ngày xưa là lớp nhì.
- Ngộ há!
Chiếc
quạt bé xíu để trên ghế đẩu không đủ sức cung cấp gió cho hai người,
nên em phải lấy bìa cứng phe phẩy thêm. Căn phòng của Ly Na đáng yêu lắm
cơ! Ở đây cái gì cũng xinh xắn cả. Từ tấm bảng đen - dụng cụ quen thuộc
của học trò - đến chậu hoa sứ bằng sành, màu trắng. Lúc Ly na làm xong
bài luận thì nắng bắt đầu lên lùa vào phòng. Em nhìn đồng hồ tay thì
thấy hơn mười một giờ. Sau khi "mi" lên má cô bé, em ôm quyển Cours de
langue bước ra phòng khách xin phép mẹ Ly Na về.
*
- Hoàng hôn lá reo bên thềm, hoàng hôn tơi bời lá thu. Sương mờ ngậm ngùi xuân xanh...
- A, chị Quỳnh đến.
Ly Na chạy thật nhanh ra mở cổng cho em vào.
- Nhà bữa ni chi mà rộn rịp rứa bé?
- Tại chị Thu Thu mới về. Vào đây Na giới thiệu.
Em nhảy ba bước lên thềm nhà theo Ly Na. Gớm cô bé đi nhanh kinh khủng.
- Kìa chị Thu Thu, cái chị mặc áo chấm xanh có kết ren ở cổ đấy! Để bé giới thiệu nhé!
Ly Na làm mặt nghiêm y như bà cụ non.
-
Đây là chị Hoàng Bảo Thu Thu, chị cả của Ly Na. Còn đây là chị Vương
Thúy Quỳnh, cô giáo của bé. Thôi Na đi uống sữa để hai chị nói chuyện
với nhau nhá!
KHi em và chị Thu Thu quay lại thì Ly Na đã biến mất.
- Chào chị ạ!
- Không dám, chào Quỳnh.
- Chị ở bên Tunis chắc nhiều cảnh lạ mắt và đẹp lắm hả?
- Ừ, đẹp thật nhưng nhớ quê hương quá đi. Nhất là nhớ món chả giò Việt Nam.
- Chị về Việt Nam luôn chứ?
- Thu về chơi hai tháng, rồi lại sang bên ấy tiếp tục học. Thu về để dự sinh nhật thứ chín của Ly Na. Quỳnh người Huế hở?
- Vâng ạ!
- Gái Huế nhìn biết ngay, để tóc dài mà.
- Nhưng Quỳnh lai cơ! Má em người Huế, thầy lại là người Bắc.
Câu chuyện chưa hết thì Ly Na bưng cốc sữa lên hỏi:
- Chị Thu uống sữa không?
- Bé con Na bây giờ nhớn ghê ấy, mới vào nhà chị tưởng cô nào.
Biết chị Thu trêu mình, Ly Na đáp:
- Bé nhớn bằng con mèo Mimi.
- Quỳnh học lớp mười à?
- Vâng, chị đoán hay ghê cơ!
- Không. Na nó nói ấy chứ! Nó bảo Quỳnh học ban C.
- Đúng rồi, mình học "ban cua".
- Mốt là sinh nhật của Ly Na, thế nào Quỳnh cũng sang nhé!
- Vâng, không qua cô bé giận em thì nguy. Chiều nay em qua định rủ đi chơi nhưng mà có chị về nên thôi.
- Mai mình đi ciné nhá! Thu nghe chị bếp nói Kim Châu chiếu tuồng Trà-hoa-nữ hay lắm. Đi chứ Quỳnh?
- Em ký cả hai tay đề nghị của chị Thu Thu.
- Cho bé đi với.
- Con nít ở nhà, lo làm dáng để ăn sinh nhật. Người nhớn họ không biết làm dáng nên họ đi xem ciné cho đỡ buồn.
Chị Thu Thu trêu Ly Na, làm cô bé dỗi hờn quay mặt đi nơi khác. Khi em ra cổng về, Ly Na nói với theo:
- Chị Quỳnh phải có quà sinh nhật cho bé đấy nhá!
- Ừ, tôi về công chúa Ly Na nhé!
*
- Ly Na thổi nến đi chứ!
Chao
ơi, công chúa của em bữa n mới xinh làm sao ấy. Cô bé được mẹ đánh phấn
ở má hồng hồng. Ly Na mặc áo đầm trắng có cài hoa ở trước ngực. Bé nhón
người lên chúm miệng thổi chín ngọn bạch lạp. Em và chị Thu Thu giúp cô
bé cắt bánh.
- Miếng đầu tiên bé dành cho ba.
- Ly Na thương ba hơn mẹ à?
Mẹ cô bé hỏi.
-
Không phải thế đâu, những người có mặt trong phòng nầy Na đều thương
hết chẳng trừ ai. Nhưng bé thích đưa bánh cho ba trước mà. Tại ba không
"tham" ăn. Còn chị Thu, bé cho một miếng bé xíu thôi. Chị hay trêu bé và
tham ăn quá.
Xong
phần chia bánh, Ly Na lên ngồi trên ghế đàn nhạc phẩm Tiếng xưa của
Dương Thiệu Tước để tặng ba me, chị Thu Thu, em và bạn bè cô bé. Tiệc
tàn khi đồng hồ gõ mười tiếng. Cả nhà đều tặng quà và chúc tụng cho cô
bé. Riêng em, sau khi đưa quyển sưu tập tem mà em đã vất vả sưu tầm hơn
sdáu năm để tặng riêng Ly Na, em nói:
-
Bắt đầu giờ phút ni, Công Chúa của chị đã thêm một tuổi Chín rồi đấy cô
nhé! Cô phải ngoan hơn, học chăm hơn. Riêng chị chúc Na thực hiện được
tất cả lời chúc của thầy mẹ, chị Thu và bạn bè cô bé đã chúc. Bằng lòng
chứ Na?
Em bước sang phòng Ly Na, giúp cô bé thu dọn các gói quà.
Được
sống với Ly Na, nhìn Na cười nói, em thấy vui vui làm sao ấy. Ly Na ơi,
cưng là hình ảnh của chị mấy năm về trước. Bé đã làm sống dậy những
ngày xưa thân ái đã mất trong chị. Tuổi thơ hồn nhiên hay hờn dỗi nhưng
đáng yêu. Mong rằng thời gian sẽ không làm phai nét thơ ngây của Ly Na,
Ly Na nhỉ!
*
Ra
khỏi làn sóng của những bộ đồng phục hướng đạo, em mệt gần ngất ngư. Lễ
thánh Bổn mạng của cha bề trên nhiều học trò đến tham dự quá. Vì lễ sắp
tan nên em lên bao lơn lầu tư đứng nói chuyện với nhỏ Ngân Khánh.
- Mi thấy bữa nay vui không?
- Ồn ào chứ chả vui tí nào. Chẳng thấy một không khí ấm cúng nào cả.
- Tâm hồn mi bao giờ cũng lãng mạn. Ấm cúng thì nhảy vào lửa ấy.
- Đùa hoài, tuần trước ta đi ăn sinh nhật ở nhà Ly Na vui kinh khủng.
- Con bé Na là ai nhỉ! À, ta nhớ rồi, con bé có hai cái bím hôm nọ ta thấy mi chở ấy hả?
- Ừ.
- Tại sao lại vui?
- Vui thì vui chứ lại hỏi tại sao. Nhìn Ly Na ta nhớ hồi mình còn bé mới lên năm, sáu. Ngây thơ đáng yêu hơn bây giờ nhiều.
- Thuở vàng son đã qua, mình không nên luyến tiếc. Còn gì sót lại đâu ngoài cái hương ấu thời.
- Hôm nay mi nói chuyện văn chương ra phết ấy chứ. Này Khánh, thế tại sao mi không đi ban C như ta.
Nhỏ Ngân Khánh sừng sộ:
-
Bộ mi tưởng ban C thơ mộng lắm à. Nè, lên lớp mười hai học triết cho cô
điên đầu. Thà đi ban B, khô khan như ta nhưng ngồi làm toán vẫn vui
hơn.
- Ghét mi lắm, không thèm nói chuyện đâu.
Nhỏ
Ngân Khánh cáu tiết nên đứng im lặng nhìn ra cột cờ ở sân trường còn em
cũng như hắn, nhưng trong em hình ảnh cô bé Ly Na vẫn thấp thoáng đâu
đây.
*
Ngôi
biệt thự sang trọng và xinh xắn ấy hôm nay không còn được nghe tiếng ca
trong trẻo của công chúa Ly Na. Cô bé bị ốm cả tuần nay. Chiều ni được
nghỉ hai giờ sau, em mua một ít ô mai cam thảo và gấc đem đến cho cố bé.
Ly Na đã đỡ nhiều nhưng vẫn còn ho húng hắng, thấy em cô bé reo thật
to:
- Chị Quỳnh đến, chị có mang ô mai cho bé chứ?
Rồi không kịp để em trả lời, cô bé ngồi dậy huyên thuyên kể chuyện.
Bé nằm trong phòng nầy buồn quá hà, sao chị ít đến với bé vậy?
- Ly Na đừng giận nhé! Tại chị bận học thi lục cá nguyệt. Bài nhiều quá bé à!
Em tát khẽ vào má Ly Na nói tiếp:
- Chị bắt đền ô mai cho cưng nè! Chịu không?
Cô bé cười thật tươi mở gói giấy lấy ô mai bỏ vào miệng ngậm.
- Chị Quỳnh ơi chừng nào bé đi học được hở?
- Tuần sau.
- Bé nhớ con bạn ngồi kế bên quá hà!
- Hồng ấy à?
- Vâng, con bé có mái tóc garçon í mà.
- Không lâu đâu, bé sắp gặp nó rồi. Bé cố gắng uống thuốc nhé! Đắng một tị thôi như người ta ăn khổ qua.
- Chị đừng lo. Bé uống mà không có sợ, Na can đảm không hở chị?
- Ly Na anh hùng rơm.
Hai
chị em cười khúc khích. Chiều thứ năm trời đẹp quá đi. Em nhớ có một
lần, Ly Na bảo bé thích làm Quang Trung. Em hỏi vặn sao không thích làm
Trưng-vương. Bé nói làm con trai thích hơn và oai hơn. Chẳng biết bao
giờ giấc mơ Quang Trung của bé thành, Ly Na nhỉ!
TRƯƠNG THỊ NGỌC DUNG
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 4, ra ngày 20-6-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.