Hạnh
tung tăng len lỏi qua các thân cây ổi trong vườn để đuổi theo cho kỳ
được con Miêu. Con mèo nhỏ bé khôn ngoan của Hạnh lanh lắm kia, khi Hạnh
chạy đến gần, nó trèo vội lên cây mận đỏ và nằm khèo trên ấy. Hạnh tức
mình, dậm chân hờn dỗi, nói vói lên cây với Miêu:
- Ấy nhé, thế Hạnh "o o phít" Miêu ra nhé.
Xong
Hạnh quay lưng như chừng sắp đi vào nhà. Nàng Miêu hiểu ý Hạnh, hốt
hoảng p[hóc xuống một cái thật nhẹ nhàng rồi quấn quít bên chân đứa bé.
Hạnh cúi xuống ẵm Miêu lên và cười với nó thật tươi:
- Kỳ ghê, Hạnh chẳng giận Miêu được.
Hạnh
đến chiếc xích đu nhỏ ba vừa mua cho Hạnh tuần trước, cô bé đặt Miêu
bên cạnh mình và đong đưa chiếc đu nhè nhẹ. Giấc ngủ đến dần với Hạnh.
- Hạnh ơi, Hạnh.
Hạnh giật mình, nhìn dáo dác tìm nơi vừa phát ra tiếng gọi: Bác Sáu gái đứng bên hàng dậu đang đưa tay vẫy Hạnh:
- Ba con về chưa?
- Dạ chưa.
- Hạnh qua đây bác cho.
Hạnh
"phóc" xuống, không quên ẵm theo con Miêu, cô bé chui qua một lỗ hổng
nơi hàng dạ6u để qua nhà bác Sáu. Mỗi lần bác Sáu xuất hiện ở hàng dậu
và nói "Hạnh qua đây bác cho" là mjỗi lần Hạnh đều được một món ăn ngon
nên cô bé lẹ lắm, nghe bác gọi là chạy liền.
- Đây này, Hạnh.
Bác Sáu gái đã đứng sau lưng Hnah5 tự bao giờ, tay bác cầm một cái chén.
- Cái gì đấy bác?
- Chè đậu xanh đánh, người ở đây họ gọi là "chè kho" đấy Hạnh biết không!
Hạnh reo lên thích thú:
- Thế hở bác, cháu biết chứ, chè này cháu thích nhất mà.
Hạnh
đón chén chè trên tay bác Sáu gái, em ngồi trên thềm nhà ăn ngon lành.
Hương vị ngọt ngào của muỗng chè như thấm hẳn vào lưỡi em, tê rần, khoái
khẩu. Hạnh có cảm tưởng như mình vừa nới được ăn chén chè này cách đây
mấy ngày thôi. Cũng thứ đậu xanh thật nhuyễn này, cũng mùi vani thơm
lừng quen thuộc, cũng ngọt ngào mát miệng thế này. Hạnh nhìn sững chén
chè để cố tìm một bóng hình nào quen thuộc. Phải rồi, má, đúng là má
rồi. Ngày xưa má cũng hay nấu cho Hạnh ăn thứ chè đậu xanh đánh này. Đó
là món sở trường của má. Từ lâu lắm rồi, bây giờ Hạnh mới được ăn lại
món chè Hạnh thích vì má đã mất, mất vì một trận thương hàn, ngày Hạnh
chưa đi học lận, lúc ấy Hạnh còn bé lắm. Hạnh rưng rưng nước mắt, em
ngậm miếng chè trong miệng để nghe nhớ thương về đầy ắp trong hồn.
Ngày
xưa, cách đây 2 năm thôi, gia đình Hạnh thật là Hạnh phúc, Hạnh đắm
mình trong tình thương của ba, của má, chẳng có đứa trẻ nào trong xóm
sung sướng hơn Hạnh: gia đình đầy đủ, được cha mẹ thương yêu. Ngày ấy
Hạnh mới 4 tuổi, em chưa biết gì là chết chóc, là cách xa vĩnh viễn. Thế
nên khi má Hạnh mất chỉ vì một cơn đau xoàng chưa đầy tuần lễ, em đâu
biết rằng chiếc quan tài đỏ chói kia muôn đời nhốt má thân yêu, đâu biết
rằng lỗ đất sâu đó ngàn năm má nằm một mình, cô quạnh. Ba nói rằng má
đau và người ta làm thế là chở má đi chữa bệnh, Hạnh cũng tin như thế.
Rồi Hạnh đợi hoài, đợi hoài sao không thấy má lành bệnh trở về. Cho đến
ngày Hạnh đi học, những bè bạn vô tư của Hạnh đã cho em ý thức được rằng
khi con người nhắm mắt xuôi tay, bị bỏ vào cái "hộp gỗ" sơn màu đỏ và
vùi vào lòng đất là con người đã chết đi. Đến lúc Hạnh biết thế nào là
chết chóc thì Hạnh đã xa má tự bao giờ, em ôm nỗi buồn nhớ một mình,
không dám nói với ba, sợ ba buồn vì 2 năm qua, ba đã can đàm chịu cảnh
"gà trống nuôi con", tình thương ba cao vời vợi, lấp dần nỗi trống vắng
trong Hạnh, và tuổi nhỏ mau quên, Hạnh hồn nhiên sống trong tình thương
cao cả của ba, và không thấy cô đơn nữa.
Ba
đi làm hoài, ngày 2 buổi lận, ba chỉ về nhà buổi trưa để ăn cơm và đi
nữa cho đến 7 giờ tối mới về. Thế nên Hạnh ghét ban ngày lắm, buổi sáng
em phải đi học theo chị Thủy và bé Ngọc ở hàng xóm ; buổi trưa bác Sáu
gái nấu cơm tháng cho ba đem cơm sang, Hạnh ngồi đợi ba dài cả cổ mới
thấy ba về, buổi chiều Hạnh chơi với con Miêu hoặc chui qua nhà bác Sáu
ăn quà rồi đợi ba về. Ban ngày chán thế đấy, may nhờ có bác Sáu gái trò
chuyện với Hạnh, bác không có con nên thương em lắm. Và Hạnh yêu ban đêm
lắm. Ban đêm khi ba ngồi viết sổ sách, Hạnh ngồi cạnh ba ríu rít học
bài hoặc kể cho ba nghe những chuyện vui ở lớp. Ban đêm Hạnh được ngủ
với ba, được nghe ba kể chuyện cổ tích, những câu chuyện thần tiên huyền
diệu đưa Hạnh dần vào giấc ngủ đầy mộng mị tuyệt vời.
Có ba, Hạnh thấy mình được đầy đủ vô cùng. Bây giờ tự dưng Hạnh nghĩ đến má, nhớ má, thương má thật nhiều, nước mắt Hạnh ứa ra.
- Sao thế Hạnh? Ăn đi cháu.
Hạnh
giật mình quay lại, chớp chớp vội đôi mắt để lệ khỏi trào ra. Và em lại
tiếp tục ăn một cách hồn nhiên. Bác Sáu gái ngồi xuống cạnh Hạnh, nhìn
em ăn với vẻ trìu mến, thương yêu. Lâu thật lâu, bác khẽ gọi:
- Hạnh.
Hạnh ngước lên, chờ đợi.
- Cháu có thương bác không?
- Dạ có.
- Hạnh có muốn ở cạnh bác mãi không?
- Dạ muốn.
- Ngày mai bác dọn đi rồi Hạnh ạ.
- Hở?
Hạnh
hoảng hốt kêu một tiếng. Mai bác Sáu dọn đi? MNà bác đi dâu? Sao bác
không ở cạnh nhà Hạnh nữa? Tiếng bác Sáu gái êm đềm bên tai Hạnh:
-
Hạnh ạ, bác trai làm ăn thất bại, nên bàn với bác đi tỉnh khác làm ăn.
Hai bác thương Hạnh lắm, muốn xin cho cháu đi theo, cháu bằng lòng
không?
Đi
với bác Sáu? Còn ba? Hạnh đành bỏ ba đi ư? Không được, tuy bác Sáu gái
đã cho Hạnh tình thương của một người mẹ nhưng chính ba là người ấp ủ
Hạnh cho đến ngày nay. Nhưng nếu bác Sáu đi rồi, từ đây mỗi chiều ai
xuất hiện bên hàng dậu gọi Hạnh qua ăn quà? Ai qua nhà tắm rửa cho Hạnh?
Ai nấu cơm tháng cho cha con Hạnh ăn? Hạnh phân vân quá, Hạnh khổ sở
quá.
- Sao con? Hạnh?
Hạnh quay lại, mếu máo:
-
Cháu thương bác lắm, nhưng cháu thương ba hơn. Nếu cháu đi với bác, ba
cháu ở một mình tội lắm bác ơi. Hay là bác đừng đi. Hay là bác đi rồi
lâu lâu về thăm cháu. Nghe bác, nghe bác.
Hạnh nắm tay bác Sáu gái lắc lắc. Bác Sáu gái ngồi im vuốt tóc Hạnh, lâu lắm bác mới nói:
- Thôi để tối bác bàn với ba cháu.
Hai
bác cháu ngồi nơi bậc cửa, thật lâu, thật lâu. Hạnh nhìn ánh nắng chiều
nhảy múa trên mái tóc ngả màu tiêu của bác để nghe lòng dạt dào thương
mến. Em muốn ôm bác thật chặt, gọi tên, gọi lên tiếng "Má ơi" mà em thèm
gọi từ lâu. Nhưng bác Sáu gái vẫn là bác Sáu gái, không thể là má được.
Có tiếng ba gọi ở cổng, Hạnh quên phắt ngay nỗi buồn, vừa chạy đến lỗ hổng ở hàng dậu để qua nhà vừa reo:
- Ba về, ba về.
*
Bác
Bình ngồi trầm ngâm như thế đã lâu lắm rồi. Trên bàn giấy, chiếc gạt
tàn thuốc đầy nhóc những tro và tàn, bác đã hút liên tiếp, điếu này qua
điếu khác, có đến gần 2 gói. Chiếc quạt trần quay "vu vu" trên đầu bác
từ ban sáng, bác cũng không buồn để ý. Bác chẳng thiết làm việc gì nữa
hết. Bác thử rướn cổ lên và ho khan một tiếng, tức thì ngực bác nhói lại
và bác gập người xuống. "Vậy là đúng rồi" Bác lẩm bẩm trong khi nước
mắt sống trào ra.
Hơn
nửa tháng nay, bác thấy tức tức ở khoảng ngực và thường váng vất khi
trời chiều. Bác ho thật nhiều, có khi hàng mấy phút mới hết một cơn ho.
Từ ngày còn trẻ tới nay, bác cũng có ho chút ít nhưng bác không để ý, vả
lại cơn ho không hành hạ bác đau đớn như những lần này. Mới hôm kia,
sau một cơn ho mà bác phải gập người lại để làm bớt cơn đau, bác nhổ ra
một búng máu. Bác hốt hoảng nhưng rồi công việc lại xóa lấp nỗi lo của
bác đi. Thế nhưng sáng hôm nay, bác lại ho một tràng hàng mấy phút nữa
và bác lại nhổ ra một búng máu đỏ tươi, lẫn vào đó những gân xanh của
đàm. Bác lại đi đến một vị bác sĩ chuyên về phổi để khám. Vị bác sĩ già
tận tụy, sau một hồi xem xét đã kết luận: Bác Bình bị lao nặng vì làm
việc quá sức, bịnh của bác đến hồi vô phương cứu chữa và bác chỉ còn 6
tháng để sống nữa thôi. Lời nói này như một tiếng sét bên tai bác, bác
chỉ còn sống 6 tháng nữa, vậy là bác sẽ chết, bác sẽ chết? Bác nghĩ đến
Hạnh, đến đứa con gái duy nhất thân yêu của bác. Bác chết rồi ai nuôi
nó? Nó ở với ai? Ai sẽ dạy dỗ, sẽ rèn luyện cho nó nên người? Và bác nhớ
đến vợ bác để thầm tủi hổ nhủ rằng mình không tròn lời hứa với người đã
khuất. Ngày ấy, bác đã hứa bên quan tài vợ bác là sẽ ở vậy, nuôi nấng
cho Hạnh nên người hữu dụng, sẽ gầy dựng một cuộc đời vững chắc cho con.
Thế m,à bây giờ... Bác Bình nghe chua xót dâng lên, ứ cổ.
Sáu
tháng nữa sẽ đến, ngày chết của bác sẽ tới gần, tới gần. Bác phải dẹp
bỏ sầu tư để lo cho con, phải lo cho nó có một mái gia đình, một tình
thương cha mẹ trước khi nhắm mắt. Bác có một người chị, nhưng bà đã già,
bệnh tật luôn và đang sống trong nhà thờ. Vợ bác có một người anh,
nhưng ông này là người thích làm giàu mà lại đông con. Hạnh không thể
sống với hai người này được, con bác phải được sung sướng, được ăn học
tới nơi tới chốn, bác mới an lòng. Bác Bình nghĩ tới vợ chồng bác Sáu.
Nếu biết có ngày này thì bác đã cho Hạnh đi với vợ chồng bác Sáu rồi.
Buổi tối hôm ấy, bác Sáu gái đã nói hết lời, bác Bình vẫn khăng khăng
không chịu trao Hạnh cho bác Sáu nuôi. Bác Sáu gái đành gạt lệ ra về sau
khi cho bác Bình hay bác đi theo chồng qua Nam Vang làm ăn và có lẽ sẽ
chẳng trở về. Bây giờ thì vợ chồng bác Sáu đã đi được hơn tháng và tự
dưng lời bác Sáu gái vang lên rõ rệt bên tai bác Bình.
-
Chú là đàn ông, trước sau gì cũng phải đi thêm bước nữa. Chúng tôi
không có con, chú nên cho bé Hạnh theo tôi, tôi hứa sẽ nuôi nấng và yêu
thương nó như con ruột. Ở với chú, sau này thế na9ò nó cũng gặp cảnh "mẹ
ghẻ con chồng".
Nhưng
bé Hạnh không gặp cảnh mẹ ghẻ con chồng mà lại sắp chịu cảnh mất cha.
Một ý nghĩ lóe lên trong đầu óc, bác Bình vói lấy cây viết trên bàn và
cắm cúi viết vào một tờ giấy:
"Một
người đàn ông, chỉ còn vài tháng để sống, muốn tìm người phúc hậu nuôi
dưỡng đứa con gái, 6 tuou63, da trắng, mắt đen, đã đi học".
Dưới đấy bác viết địa chỉ của mình. Rồi, trong một dáng điệu quả quyết, bác đi thẳng đến một tòa báo lớn ở Đô thành.
*
Hạnh
ngồi im, đôi mắt mở to nhìn ba, ngạc nhiên ghê quá. Sao từ chiều, sau
khi dẫn Hạnh đi ăn cơm tiệm về tới giờ, ba không nói gì với Hạnh nữa? Ba
giận Hạnh chăng? Hay ba có điều gì phiền ở sở? Hay ba không thương Hạnh
nữa? Ý nghĩ đó chợt đến làm Hạnh muốn òa khóc.
Lâu
ghê lắm, rồi Hạnh thấy ba đứng dậy, ba lấy khăn lau chiếc đi-văng nhỏ ở
phòng khách, rồi ba treo lên đó một chiếc mùng mới toanh. Ba làm gì
vậy? Ba treo mùng cho ai ngủ? Kỳ ghê, tối nay ba làm sao á. Xong xuôi,
ba đền bên Hạnh, nói khẽ:
- Hạnh vô phòng ngủ ngủ trước đi, ba ngủ ngoài này.
Ba
vừa nói gì đấy? Có phải ba xua đuổi Hạnh đấy không? Có phải ba không
còn muốn kể chuyện cổ tích cho Hạnh nghe nữa? Hạnh nhìn ba, không nói
được gì. Nước mắt Hạnh trào ra.
- Con gái lớn rồi, phải tập ngủ một mình để lớn lên khỏi sợ ma. Hạnh nghe lời ba đi.
Hạnh
không sợ ma, nhưng Hạnh muốn ngủ với ba, muốn hoài hoài được nghe ba kể
chuyện. Hạnh mới 6 tuổi, sao ba cho là đã lớn? Hạnh ngước nhìn ba, mếu
máo:
- Không, Hạnh ngủ với ba cơ.
Ba nhìn xuống Hạnh, sao đôi mắt ba buồn bã khác thường:
- Hạnh phải nghe lời ba, ngủ với ba hoài nhỡ khi ba chết rồi sao?
Chết?
Có phải chết là muôn đời nằm trong cỗ áo quan màu đỏ và vùi xuống đất
như ma đã nằm không? Có thể nào ba cũng sẽ như má, cũng sẽ bỏ Hạnh đi về
một nơi nào xa xoôi lắm Hạnh đâu biết được? Hạnh ôm lấy chân ba:
- Không, ba đừng nói vậy, làm sao ba chết được?
- Hạnh có muốn ba đừng chết không?
- Dạ muốn.
- Vậy thì con phải nghe ba, vào phòng ngủ trước.
Chỉ thi hành mỗi việc cỏn con ấy, để ba sống với Hạnh, Hạnh vui vẻ đứng dậyh nhưng em còn ghiao hẹn:
- Một đêm này thôi nghe ba.
- Ừ, một đêm thôi.
Giọng
nói ba hình như nghẹn lại. Sao thế nhỉ? Nhưng cơn buồn ngủ kéo đến làm
tan ngay nỗi thắc mắc của Hạnh. Cô bé lên giường, vô tư đi vào giấc
mộng.
Bác Bình quay ra, lau vội đôi dòng lệ đang từ từ chảy.
*
Suốt
buổi chiều hôm nay, bác Bình ở nhà lo sửa soạn nhà cửa tươm tất để đón
tiếp vợ chồng người khách lạ. Chốc nữa, hai vợ chồng ấy sẽ đến đây đón
bé Hạnh đi. Bác Bình thấy mình vừa náo nức vừa nuối tiếc vô ngần, vài
phút nữa thôi, bác sẽ mãi mãi xa đứa con gái thân yêu của bác để đưa nó
vào một cuộc đời mới.
Sau
ngày bác đăng báo tìm người dưỡng nuôi bé Hạnh, bác nhận được một lá
thư của hai vợ chồng. Họ ở tận ngoài Nha Trang, làm giáo sư và chỉ có
một đứa con gái cùng tuổi Hạnh. Bác Bình kể rõ cho họ nghe về hoàn cảnh
mình. Khi đã hoàn toàn thông cảm nhau, họ hẹn hôm nay sẽ vào Saigon đón
bé Hạnh về. Ngoài vườn bé Hạnh đang chơi với con Miêu, bác Bình nghe rõ
tiếng đứa trẻ hát, trong vắt, ngây thơ:
- Con mèo, con mèo mày trèo cây cau, hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà. Chú chuột, chú chuột...
Bác
Bình đứng dậy, dù gì bác cũng phải nói trước cho bé Hạnh biết. Tội
nghiệp đứa trẻ, gần tháng nay đêm đêm cô bé phải ngủ một mình. Bác Bình
sợ bệnh lây qua con gái, những lần Hạnh khóc đòi ngủ với bác, bác phải
nói dối rằng có một vị thần hiện ra bảo bác phải buộc bé Hạnh ngủ một
mình, thì bác sẽ sống đời đời với bé. Vốn tin tưởng vào những huyền
thoại xa vời, Hạnh tin ngay và không còn khóc lóc nữa.
Bác cát tiếng gọi Hạnh, giọng bác khàn đục như từ cõi vô hình xa xăm nào vọng đến. Bác nghẹn ngào, không dám nhìn vào mắt con.
-
Hạnh ạ, chốc nữa có hai người tới đây, họ là bác của con. Ngày mai ba
có việc đi xa, lâu lắm mới về. Vậy con ở tạm với hai bác chờ ba về, Hạnh
nhé.
Hạnh ngỡ ngàng nhìn ba:
- Ba đi đâu? Mà chùng nào ba về?
-
Ba đi xa lắm và lâu lắm, nhưng rồi ba sẽ về. Chốc nữa con phải đi ngay
vì hai bác sẽ về Nha Trang chiều này. Vậy Hạnh vào xếp quần áo đi.
Hạnh hoảng hốt:
- Con phải đi ngay hở ba?
- Ừ, đi ngay cho kịp. Ba cũng phải đi bây giờ, lên nhà bác Phán ở sở để mai cùng đi.
Hạnh
òa lên khóc. Sự việc đến với Hạnh mau chóng và bất ngờ quá. Hạnh phải
xa ba? Ngay bây giờ? Hạnh phải ở với hai bác? Hai bác có thương Hạnh như
ba không? Nhưng ba sẽ về với Hạnh. Hạnh tin ba, ba chưa bao giờ dối
Hạnh điều gì. Hạnh lau nước mắt đứng dậy khi nghe ba thúc dục một lần
nữa.
Có
tiếng động ở ngạch cửa. Cả Hạnh lẫn ba đều quay phắt ra: Hai vợ chồng
người khách đã đến. Bác Bình vừa hốt hoảng vừa hấp tấp đứng dậy, bắt tay
người đàn ông:
-
A, anh chị Cả. Hạnh, đây là hai bác của con. Hai bác đến để dẫn con đi
Nha Trang ở chờ ngày ba về. Chiều nay mấy giờ anh chị đi? Hạnh, chào hai
bác đi con.
Hai vợ chồng người khách há hốc mồm nhìn nhau rồi nhìn bác Bình, nhưng họ chợt hiểu ra ngay. Bác Bình nói với người chồng:
- Xin ông bà dẫn cháu đi ngay bây giờ, đừng chần chờ, tôi e không chịu đựng được.
Giọng bác nghẹn lại. Người vợ chớp chớp đôi mắt bước tới nắm tay Hạnh áp vào má mình trìu mến:
- Cháu về ở với hai bác, có em Yến vui lắm. À, bác vừa mua cho cháu chiếc dù đây. Mình đi bây giờ nhé, để trễ xe.
Hạnh
nhìn ba, nhìn người đàn bà. Hạnh thấy bà ta có dáng dấp phúc hậu, khoan
dung mà em đã mường tượng ra đã thấy ở má ngày xưa. Tự dưng Hạnh nắm
chặt tay bà khách.
Bác Bình ôm chặt con gái vào lòng, bác nói cơ hồ không ra hơi:
- Thôi Hạnh đi đi con.
Bé Hạnh đôi mắt đỏ hoe, em vòng tay lại:
- Ba nhớ về mau mau nghe ba. Thưa ba con đi.
Hai
vợ chồng đều có vẻ xúc động trước sự việc diễn ra quá nhanh. Họ chào
bác Bình và dẫn bé Hạnh đi ra. Người vợ mở chiếc dù con, đưa cho bé
Hạnh.
Tội
cho tuổi nhỏ vô tư, Hạnh tung tăng đi giữa hai vợ chồng, em mải nhìn
lên nền dù màu xanh lơ mát mắt, quên cả xây lại vẫy tay "vĩnh biệt"
người cha yêu quí mà trước đó vài phút, em còn khóc lóc chưa muốn rời
xa.
Bác
Bình nhìn theo con cho đến khi bóng dáng bé nhỏ cùng chiếc dù xanh lơ
khuất hẳn ở khúc quanh. Nước mắt ràn rụa, bác gập người lại, ho một
tràng dài cơ hồ bất tận rồi gục xuống trước khi thều thào khẽ gọi:
- Hạnh ơi!
THÚY
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 104, ra ngày 15-4-1969)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.