Thứ Tư, 31 tháng 8, 2022

CAO NGUYÊN BUỔI SÁNG - Đỗ thị Hồng Liên

  

Con đường buổi sớm sương mù giăng thật thấp, những bụi cây hoa nở hai bên con đường em đi, khóm tre già ngả nghiêng trước những cơn gió thổi qua. Em đi chầm chậm, lòng chợt thanh thản vô cùng. Con đường đến trường vẫn còn xa, xa tắp, hai bên hoa vàng vẫn thi nhau nở rộ, gió thổi làm rung cả tóc em. Mấy quyển vở nằm lỏng lẻo trên tay em, trời mát lạnh làm em cảm thấy khoan khoái. Xa xa trước mặt em, những hàng cây chạy dài khép lại thành một vòng cung với con đường chạy thẳng băng.

Sau những ngày em nghỉ học, con đường như đổi mới và bước chân em vui rộn ràng trên đó. Chẳng bao lâu nữa, khi quẹo qua con đường đó em sẽ thấy lại ngôi trường cũ. Và rồi những hàng soan, những hàng cây xanh mướt để đón bước chân em. Nắng nhẹ nhàng vương trên từng khóm lá, em thấy vũng nước rộng bên đường gợn sóng lăn tăn giống như một cái ao nho nhỏ. Bờ cỏ xanh rêu ở dưới chân em khi em bỏ đường nhựa bước lên con đường đất nhỏ trên bờ. Trên đầu em, rợp bóng lá xanh tươi, dưới chân em, xác lá úa rụng đầy ngập cả lối. Bên kia đường là phi trường L... 19 chạy dài suốt con đường em đi và còn dài mãi cho đến khi em đã quẹo vào con đường dẫn đến trường.

Buổi sáng hôm nay em đi học sớm nên đường thật vắng. Những cảm giác nao nao vây kín lấy hồn em chả sao diễn tả được. Qua mấy ngày xa vắng, em nhìn cảnh vật hai bên đường bằng cặp mắt bỡ ngỡ lạ lùng. Và lớp học nữa, chả biết có gì thay đổi không nhỉ?

Sương xuống ướt cả tóc của em, mây trời trắng đục có hình dạng như những tảng đá lớn nhỏ chồng lên nhau thật ngộ. Mình quên đội nón mất rồi, nếu đau lại thế nào mẹ cũng mắng cho xem, em mỉm cười thầm nghĩ. Chợt nhiên, em nhớ đến mùi bạc hà thoang thoảng và mùi thơm nồng nàn của cây hoàng lan đưa vào phòng em mỗi khi em mở cửa sổ nhìn ra vườn trong những ngày em bị ốm. Mẹ vẫn mắng em luôn về tật ấy, mẹ bảo như thế thì chừng nào mới đi học được. Ấy thế nhưng hôm nay em cũng đã được đi học rồi cơ. Em nao nức ghê lắm giống như ngày nào khi bắt đầu một niên học mới. Những ngày mùa xuân vừa đi qua để lại nơi em những niềm vui còn sót lại trong hồn. Em nhìn những ngọn cỏ mềm mại long lanh giọt sương đang rung động nhẹ nhàng lòng chợt thấy bâng khuâng vô tả, vậy là một niên học sắp qua rồi nhỉ, sao con đường em đi chả có đến một cây Phượng để em ngắm nhìn nữa cơ. Hai bên đường chỉ toàn là những cây tuy quen nhưng em lại chả biết tên chúng là gì nữa. Mùa hè sắp đến rồi đó, em sắp lên lớp nữa rồi. Lớn rồi đó nhà, sắp phải đi thi rồi đó, sắp sửa làm cô Tú hụt là vừa. Em cười một mình, mải nhìn xuống đất nên chả thấy mấy cô bé đang đi ngược chiều nhìn em ngạc nhiên. Tiếng guốc rộn ràng làm em giật mình vội ngẩng lên. Ô hay! Mình cười gì vô duyên quá đi, em vờ nghiêm mặt đi thật nhanh. Ấy! Mà cũng không được, mấy cô bé ấy lại bảo mình lối cho xem, hay là đi chầm chậm vậy, nhưng... nhỡ thiên hạ lại bảo mình điệu thì sao nhỉ? Em lúng túng ghê là, mặt cứ đỏ lên thôi.

Những tà áo bây giờ xuất hiện nhiều ghê làm em chả còn là một kẻ độc hành nữa. Em thấy niềm vui như bị xao động mạnh làm vỡ vụn. Đã bảo là em thích cô độc cơ mà, lại còn mơ mộng thật nhiều nữa chứ. Con đường cứ ngắn lại dần mà em cứ thích đi hoài thôi. Xa thế nhưng em chả mỏi chân đâu, em đi quen rồi mà. Ở nhà có mấy hôm thôi mà em nhớ ghê là.

Càng gần trường những cây cối của em càng mất dần đi thay vào đó là những căn nhà rải rác. Em ngắm những giàn hoa nhiều màu trước ngõ lòng thấy vui vui. Trường nữ tiểu học kia rồi nhỉ? Thế là chỉ một tí nữa thôi là đến trường em rồi. Mà ghét ghê, sao nắng bây giờ lại chói chang thế nhỉ làm em khó chịu lạ nên phải đi thật nhanh. Chả bù với khi nãy em vừa đi vừa ngừng hái hoa lá ôm đầy trên tay rồi lại rắc chúng ra đường. Còn tí nữa là tám giờ rồi đấy, mình thật tệ đi từ sáng sớm đến giờ. Nhưng chả có phải lỗi ở em đâu, tại vì cảnh vật hai bên đường làm em quên mất cả thì giờ ấy chứ. Em vẫn thường mắc cái tật vừa đi vừa suy nghĩ đủ chuyện vậy đó. Thế nên đường có xa đi một mình em vẫn thấy vui như thường.

Mặt trời lên cao tỏa ánh sáng rực rỡ xuống con đường em đi, sương mù buổi sớm đã tan tự lúc nào em chả hay. Buổi sớm hôm nay em đi học, trời đẹp ơi là đẹp...


ĐỖ THỊ HỒNG LIÊN     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 134, ra ngày 1-8-1970)


 

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

DANH NGÔN 225

 

 - Người Hướng Đạo tươi cười ca hát trước mọi nỗi khó khăn.

- Hết chín phần mười những kẻ có tính hài hước thường dễ dãi vui vẻ. Họ gây nguồn vui cho kẻ khác, vì tính hài hước cũng dễ lây như bệnh sởi.

- Trong khi các anh còn thở được một hơi thở, các anh đừng chịu tin rằng mình đã chết rồi!

- Sự sống thiếu khiếu thẩm mỹ thì không khác gì một ngày không có ánh mặt trời.

- Món quà biếu chưa thuộc về ta hoàn toàn khi ta chưa nói lời cám ơn.

- Tôi đã sống gấp đôi đời sống của tôi.

- Mỗi khi tôi kiểm điểm lại cuộc đời của tôi, tôi thấy tôi sung sướng, thì tôi lại càng nhận ra rằng kiếp sống đẹp đẽ của chúng ta ngắn ngủi quá. Như vậy, thù hận và chém giết có ích gì. Ở đời chỉ có một việc có giá trị, đó là làm điều thiện và mang hạnh phúc lại cho người khác. Đó là lý tưởng cuộc sống của tôi, và cũng là lý tưởng của tất cả Hướng Đạo Sinh...
(Di chúc của B.P)

Lord BADEN POWELL      
(Người sáng lập phong trào HĐ) 

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 225, ra ngày 1-8-1974)



Thứ Hai, 29 tháng 8, 2022

TRÊN THIÊN ĐƯỜNG KÝ ỨC - Diễm Phượng

 

Trong mộng ngược dòng nước thời gian
Dừng chân chốn ký ức xa ngàn
Buồn ơi lá đổ nghiêng mời mọc
Cỏ níu chân đi, cũng ngỡ ngàng

Tôi đã trải qua đó vạn lần
Giở dòng quá khứ quá phân vân!
Có nghe trong gió muôn lời hát
Lá buồn gờn gợn theo bước chân

Thủa đó trường làng chỉ ba gian
Hàng cây dâm bụt kín hai hàng
Cỏ xanh khép nép, trơ mắt ngó
Đàn chim ngoan xếp cánh đôi hàng

Trời kéo mưa về khi giá đông
Ba gian lớp dột, lạnh buốt lòng
Thầy ngồi ngơ ngẩn trông giọt nước
Mà tưởng chừng như giọt lệ lòng!

Từng buổi chiều tan học, ngang đê
Chơi u rách áo chẳng dám về...
Chị ra trước ngõ chờ em gái
Nói dối đôi lời, dạ tái tê!

Ép trái mồng tơi làm mực tím
Đôi dòng chữ nguệch ngoạc, thương thêm!
Trông ra vườn rộng đàn bướm trắng
Rủ phấn hương nồng đợi bóng chim

Thầy dạy quê hương đẹp vô vàn
Cho dù chinh chiến vẫn miên man
Ca dao quê mẹ sầu như lá
Súng đạn làm chim hót ngỡ ngàng

Mình cũng ước rằng mai mốt lớn
(Chung lưng bồi đắp nước non này)
Giở trang Sử cũ lòng thấy mến
Từng lớp trai hùng đi đắp xây!

Thầy đã ra đi sáng trời hồng
Học trò đưa tiễn cuối con sông
Người đi xây đắp trăm hơi thở
Tin dữ bay về, lạnh cõi lòng!...

Giờ đã lớn khôn với tháng ngày
Giã từ tất cả, bằng sầu ai...
Có ai chợt nghĩ rằng tôi đã,
Đã quên ; quên hết thuở vui vầy?

Ký ức dừng chân tim xót xa
Hoa nắng ngủ say, chợt vỡ òa...
Một đám lá vàng rơi nhẹ cánh
Thương hoài cảm xúc, giọt lệ sa!...

                          DIỄM PHƯỢNG (Nguyễn thị Hồng)
                                       (GĐTN GIA ĐỊNH)


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 104, ra ngày 24-8-1973)




Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2022

LỜI LINH HỒN MÙA THU - Miên Hương

 

 Lời linh hồn đá sỏi
Trên con đường lá khô
Tấu phiên ca mê mỏi
Rộn rã đường hư vô

Thoáng vui trong mắt vụng
E ấp nụ tuyệt vời
Có nghe hồn lá rụng
Đan bước chậm chơi vơi

Mưa bay như thoại ảo
Trên gót nhỏ lãng phiêu
Dẫm lên nghìn thạch thảo
Ngời bóng sáng tiêu điều

Phiến mưa đan áo trắng
Trên con đường lá me
Xóa nhòa hồn bướm lặng
Hương dấu ái bạn bè

Em nghe mùa thu mới
Lặng lẽ rớt trên vai
Như lá khô tầm với
Xác xơ giọt hình hài

Mây nào thương lá chết
Lắng lắng cọng xót xa
Của hồn thu úa nhạt
Hương mê ngất mặn mà

Thu phong len vào tóc
Tìm hương ấm nụ hồng
Trái sầu như vừa mọc
Trong sương khói thinh không

Em lặng nghe trong gió
Lời linh hồn mùa thu
Như một vòng kinh nguyện
Vút chân mây xa mù.

                         MIÊN HƯƠNG
                         (Vườn kinh thánh)

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 7, ra ngày 5-8-1971)




 

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2022

TIỀN BẠC VÀ HẠNH PHÚC - Nguyễn Hùng Trương

   

Các em thân mến,

Trong dịp bãi trường vừa qua, tòa soạn nhận được rất nhiều thư của các em nhờ chúng tôi tìm việc làm trong thời gian nghỉ hè để các em lấy tiền mua sách vở. Vài em lại có ý định bỏ học để đi làm hầu được nhiều tiền và sống sung sướng.

Các em thân mến,

Tục ngữ có câu: Tiền bạc không tạo được hạnh phúc mà chỉ góp phần vào việc tạo hạnh phúc.

Người ta trên đời thường hay quan niệm sai lầm hễ có được địa vị, tiền bạc là được hạnh phúc.

Chắc các em cũng rõ trong một nước, không ai có địa vị cao sang, uy quyền hơn tổng thống. Thế mà, mấy lúc gần đây, các em xem qua báo chí vị tổng thống của một đại cường quốc là nước Mỹ, ông Nixon có được sung sướng đâu. Ông phải đương đầu với nhiều vấn đề nan giải như nạn lạm phát, thất nghiệp, phong trào phản chiến, chiến tranh Việt Nam. Ông phải qua Tàu, sang Nga, làm lành với kẻ thù hầu mong tìm được hòa bình, đem tù binh về nước. Trông ông già hơn trước nhiều và lúc nào cũng mệt mỏi.

Người có nhiều tiền cũng không khỏi lo âu như người có địa vị, uy quyền.

Nhà kỹ nghệ lo âu hàng hóa sản xuất không kịp bán, còn khi ế ẩm, lo âu không bán được hàng, lấy tiền đâu mua nguyên liệu và trả lương nhân công.

Ông chủ ngân hàng lo lắng, ngân hàng mở ra càng ngày càng nhiều, làm ăn lại khó khăn, dân chúng đâu còn tiền dư đem đi gởi có ngày ông phải phá sản.

Người thương gia lo công việc buôn bán ế ẩm, thuế má lại cao, biết đâu lại phải dẹp tiệm.

Người có tiền lúc nào cũng bận rộn với công việc. Họ không còn đủ thì giờ để sống riêng cho họ, hết những buổi tiếp tân, lại đến những bữa cơm xã giao, hết tiếp khách lại phải đi thăm viếng về nghề nghiệp.

Một sự lỗi lầm trong công việc làm ăn có thể đưa họ đến sự phá sản, làm tiêu tan sự nghiệp gầy dựng trong nhiều năm, gây buồn khổ cho gia đình họ.
 
Các em thấy chưa, tiền bạc không chắc đem hạnh phúc đến chúng ta.
 
Nhưng tiền bạc góp phần vào việc tạo hạnh phúc.
 
Tiền bác giúp cho các em đóng được học phí, mua sắm sách vở, tiếp tục học hành đến khi trưởng thành.
 
Tiền bạc giúp gia đình các em khỏi túng hụt, cha mẹ các em tậu được căn nhà khang trang, đủ tiện nghi, gia đình các em sống ấm cúng hơn.

Tiền bạc giúp các em có thể du học nơi xứ người, thu thập những điều hay lạ.

Tiền bạc cũng giúp cho các em thực hiện những công việc từ thiện, mà nếu không có tiền, dù các em có nhiều thiện chí, nhiều tình thương, các em cũng chỉ biết đứng nhìn chơi mà thôi.

Nhờ có tiền bạc, các em có thể giúp đỡ dễ dàng gia đình các em, hay các người nghèo hơn các em, các em có thể thực hiện những ý định tốt đẹp khác của các em.

Nhưng các em đừng bao giờ để cho tiền bạc chi phối và sai khiến các em. Các em chỉ nên coi tiền bạc như một tay sai hay một tên đầy tớ trung thành và đắc lực, giúp cho các em trong việc tạo niềm vui cho các em và những người xung quanh các em.


Thân mến chào các em          
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 54, ra ngày 4-9-1972)





Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

CÓ NHỮNG CHIỀU NGỒI MƠ ƯỚC VIỂN VÔNG - Trần thị Phương Lan

 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
1.
Tôi rất thích là họa sĩ
Mang hết đời vào khung tranh
Lang thang, cọ, màu, giá vẽ
Sông dài, biển rộng, trời xanh.....

2.
Tôi cũng thích làm nhạc sĩ
Thả hồn vào tiếng tơ đồng
Guitar, vĩ cầm hay or(gan)
Lời ca, tiếng nhạc ru lòng

3.
Tôi rất thích điều không thể
Và mơ chỉ để mơ thôi
Vì cuộc đời này ngắn ngủi
Không mơ, sống uổng kiếp người!

                                  Trần Thị Phương Lan
                                 (Bút nhóm Hoa Nắng)

Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

NÊN CẨN THẬN KHI SỬA LỖI NGƯỜI KHÁC - Đỗ Phương Khanh

 


Có một vài em cứ muốn lâu lâu chị tâm sự một lần. Vậy thì, hôm nay chị lại tâm sự. Nếu có em nào không thích nghe tâm sự, xin vui lòng vậy nhé.

Chị không có được cái đức tính thận trọng. Chị hay sốt sắng mách giúp. Điều đó rất bậy. Dễ bị mang tiếng là khoe khang thầy đời. Chị không biện minh cho chị ; nhưng thâm tâm, chị cứ muốn giúp ích gì đó cho bất cứ ai. Mà dường như hầu hết mọi người đều có tính thích giúp đỡ người khác. Các em thử thí nghiệm dễ lắm, chỉ việc nói rằng bị cảm cúm, là lập tức tất cả mọi người chung quanh sẽ mách thuốc, chỉ với sự tốt bụng, muốn cho em khỏi, chứ cũng chẳng cầu mong gì ở em hết cả.

Cho nên chị đã bị một lầm lỗi nặng nề.

Dạo đó, chị sửa bản vỗ cho một nhà in. Có nhà xuất bản Lá Bối thuê in một cuốn sách của nhà văn Võ Hồng, tựa là "Nhánh Rong phiêu bạc". Chữ "bạc" bị lem, thành ra không rõ là "bạt" hay "bạc". Vị giám đốc là người rất vẩn thận. Các em cứ đọc sách của nhà Lá Bối sẽ biết là vị giám đốc cẩn thận như thế nào (vì tất cả các sách đều do chính ông sửa bài). Chị đã được tín nhiệm qua một vài lần góp ý về vấn đề "t" và "c" nên khi được hỏi, chị nói rằng có lẽ là phiêu bạt vì chị thường hay nghe và nói như vậy. Chữ phiêu bạt nó như là tiếng Việt nên chị không thấy cần tìm gốc nó làm chi. Lại thêm 2 chữ trước là "Nhánh Rong". Chị mới nghĩ cả 4 chữ đều là tiếng Việt. Tình cờ một hôm giở tự điển Việt Nam của Khai Trí Tiến Đức, chị thấy không có chữ phiêu bạt mà chỉ có chữ "Xiêu bạt", nghĩa là nghiêng ngả, giạt đi nơi khác, theo chiều khác. Chị mới giật mình, lật đật đi tìm từ điển Hán Việt coi lại thì chữ "phiêu" chỉ đi kèm chữ "bạc" và cả "phiêu bạc" có nghĩa là trôi giạt. Chị ân hận quá sức. Chị buồn mất ngày, vì khi đó đã in rồi. Bây giờ biết làm sao. Vị giám đốc là một nhà tu, rất nổi tiếng về sự cẩn thận và chữ nho thì dĩ nhiên là giỏi rồi. Sở dĩ ông thắc mắc vì ông sợ đó là tiếng địa phương mà ông không rành. Chị thì nghĩ rằng hai chữ "nhánh rong" là tiếng Việt ròng, thì "phiêu bạt" chắc cũng không phải chữ Hán, mà chỉ là tiếng phiêu bạt thường dùng mà thôi. Đã mấy năm qua, câu chuyện này vẫn là hạt sạn chối răng của chị. Mỗi khi nghĩ tới chị rất mắc cỡ về sự kém cỏi của mình. Hôm nay, kể ra với các em, chị thiết tha mong các em rút ra những kinh nghiệm này. Là nên rất cẩn thận trong khi sửa chữa cái gì của người khác, sau nữa là chị ước mong các em nên can đảm lãnh trách nhiệm về lỗi lầm của mình. Nhà văn Võ Hồng đặt tên truyện đúng. Chị làm sai đi. Đáng lẽ sự đó chỉ ông giám đốc nhà xuất bản và nhà văn Võ Hồng biết. Nhưng chị không muốn vậy. Chị không muốn  mọi người phải thắc mắc về sự cẩn thận của nhà văn Võ Hồng và ông Giám Đốc nhà xuất bản Lá Bối, mà lỗi đó hoàn toàn do chị.

Nếu mỗi lần chị tâm sự, các em có được chút kinh nghiệm nào, thì đó chính là điều ước mong tha thiết của chị vậy.


Chị Đ.P.K.     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 53, ra ngày 28-8-1972)


 

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2022

MỘT NĂM TÂM SỰ VUI BUỒN - Đỗ Phương Khanh

  

Có em hỏi chị:

- Tại sao chị lại chọn cái nghề trả lời thư?

Được chọn vào công tác trả lời thư, chị vô cùng thích thú. Nhưng theo ý chị thì đó không phải là một nghề. Vì đã nói tới nghề, là ta có ngay cảm tưởng về một cái gì nó máy móc, có qui tắc, có luật lệ, phải không các em nhỉ. Có lẽ chị sai chăng? Nhưng kỳ ghê, sao chị không thích nhận công việc trả lời thư là một nghề đâu. Kệ nó. Chị không thích. Chẳng biết tại sao. Các em chiều chị nhé. Vì các em yêu mến chị, tin cậy chị, coi chị như chị ruột, thế rồi mới có điều gì thắc mắc, vui buồn trong lòng, chẳng biết hỏi ai, hỏi ba má thì "sợ sợ thế nào ý", hỏi bạn thì "kỳ kỳ quá đi", hỏi anh, chị ở nhà thì "eo ôi! anh chị chế nhạo cho thì chết". Thế là mới cắn móng tay, mới nước mắt chạy quanh: "tức quá hà". Bỗng nhiên, mới chợt nghĩ ra: "Ơ! còn chị Đ.P.K.". Thế là mới kiếm một mẩu giấy, vớ lấy cây bút, mới thao thao bất tuyệt hỏi: "Chị ơi... Chị ơi..." Nhận được một xấp thư, chị mở ra coi. Này là chú bé ở Cái Răng, đi nhổ răng (ở Cái Răng mà lại phải đi chữa răng). Ông nha sĩ mới nói: "Bộ tao là cha mày sao mà mày bảo nhẹ nhẹ chớ". Ôi, chú bé hận quá, chú nói: "Chị ơi! Đời là thế! Nghèo là phải chịu tủi". Chị tưởng như chú bé ôm một bên má sưng mà than, và chị cũng thấy tức cái ông nha sĩ ghê đi. Này đây, cô bé ở tuốt tận Quảng Ngãi... này là chú bé ở Kiến Phong, cậu nhỏ ở Lái Thiêu, cô ở Phan Rang, ở Châu Đốc, ở An Xuyên, ở Quảng Tín, Kontum, Lộc Ninh, Tam Kỳ, Bồng Sơn, ở... vân vân... (có lẽ ở hầu hết các địa danh trên bản đồ, chị không ghi hết vì dài quá, mong các em ở nơi không thấy ghi đừng giận). Một năm qua, chị đã được gặp một số em ở tòa soạn, một số em chị vẫn tiếp tục nhận được tin tức, và tin hay như thi đậu, được lên lớp, được lên hạng, lòng chị thấy hân hoan. Vài em báo tin gặp chuyện buồn, tang tóc, đọc thư chị ngậm ngùi, chị tưởng như thấy em đó với dòng nước mắt. Nhưng vào hồi chiến sự lan rộng, chiều đến, nhiều hôm chị nao nao lòng khi coi nhật báo thấy tin Đông Hà... tin Lộc Ninh... tin Bồng Sơn. Chị ngơ ngẩn tự hỏi: Không biết Lê Dương Học và các bạn cùng lớp ở Bồng Sơn ra sao, Viễn Sa ở Hậu Nghĩa, Nguyễn văn Đức ở Hiếu Thiện, Lê Thế Minh ở Kontum... thấy tin pháo kích, lòng chị bồn chồn. Trái đạn đã bắn ra, trúng vào ai thì cũng là có người chết, cũng là nỗi đau đớn chung cho tất cả mọi người Việt. Nhưng mà chị vẫn thầm cầu mong các em của chị không em nào bị một nỗi khổ đau nào bởi những viên đạn ác nghiệt đó. Dạo này, sáng sáng, thỉnh thoảng chị bắt được những phút giây mừng rỡ quính quíu, như hôm nhận được thư của Lê Thế Minh chị khoe ầm lên, làm cả tòa soạn giật mình! Rồi từ mấy quận xa xôi, đã thấy lác đác có thư gửi về hỏi thăm chị và mua mấy số báo thiếu vì mắc đánh nhau nhà phát hành không gửi ra được. Các em bé thơ ngây của chị chỉ bị một mẻ chạy loạn lếch thếch rồi lại về quê cũ, phụ ba má gây dựng lại cơ nghiệp, không quên phần bồi bổ kiến thức và giả trí lành mạnh là tờ báo Thiếu Nhi. Dòng đời lại trôi như nước qua cầu. Dân Việt Nam anh dũng sau nỗi đau đớn kinh hoàng gạt nhanh dòng nước mắt, thắt lưng buộc bụng, vun trồng cho thế hệ mai sau ngẩng cao đầu nhìn thế giới, chứ không ngồi than mây khóc gió vẩn vơ. Không bỏ lỡ cơ hội để trau giồi tinh thần, các em của chị cũng lập tức vừa chân ướt chân ráo theo cha mẹ hồi cư, là lập tức lo lắng phần học hành và sách báo lành mạnh. Thành ra nhờ đó, chị cũng sớm có niềm vui được tin các em mạnh khỏe và đã qua cơn hoạn nạn. Giờ đây, chị ước mong từ khắp nơi, những em đã gián đoạn thư với chị vì chiến cuộc, đọc những hàng này, gửi ngay thư về vui buồn với chị.

Làm chị của bầy em nhỏ có nhiều khi cũng điên cái đầu ghê lắm. Thí dụ thế này. Có một em rất dễ thương của chị, mà chị tạm đặt tên là Hạnh. Hạnh có một bạn tên là Hồng mà Hạnh rất quí mến. Một hôm Hạnh viết thư báo tin là từ nay Hạnh sẽ lấy bút hiệu là Hồng Hạnh để kỷ niệm tình bạn. Ít bữa chị lại nhận được thư báo tin đã đổi lại bút hiệu là Hạnh, và nhờ chị sửa tên đã ký dưới những bài đã gửi về, chị vội lần mò núi bài của chú N.T. để sửa tên, chiều ý em gái. Vài bữa em lại đòi sửa là Hồng Hạnh, rồi lại Hanh, lại Hồng Hạnh, và đây là lá thư gần nhất: "... Hôm... em gửi thư viết là không lấy bút hiệu Hồng Hạnh nữa mà thay bằng Hạnh thôi, vì em và Hồng đã gây với nhau, và nói là tên ai nấy xài, không có bút hiệu bút húng gì ráo. Ba hôm sau tụi em huề nhau, em lật đật gửi thư nói lại để chị cứ xài tên Hồng Hạnh cũ, dè đâu, bốn ngày sau báo ra, chị lại đổi mất bút hiệu em, mất tên Hồng, còn có mình tên em. Làm Hồng trách móc em là cố tình chia rẽ, đã vậy thì không chơi với nhau luôn. Em giải thích mà Hồng không thèm hiểu, cứ ngoan cố và đổ diệt cho em cái tội cố ý vứt tên Hồng ra khỏi bút hiệu. Em ghét quá bèn giận luôn, mới vội gửi thư cho chị xin bỏ bút hiệu Hồng Hạnh đi, chỉ để Hạnh thôi, dè đâu kỳ này báo ra, chị lại ký tên Hồng Hạnh dưới bài thơ... Làm vậy Hồng sẽ khinh em, cho rằng em không có tự ái, bị xỉ vả, nghỉ ra không thèm chơi với nữa mà cứ bám lấy Hồng, như vậy nhục em quá..."

Ôi! Xin Thượng Đế phù hộ để các thư từ được chuyển theo đúng thứ tự.

Vậy thì, các em thấy nhé, chị không chịu nhận là nghề trả lời thư đâu. Không phải chị coi thường chữ nghề. Nghề cao quí lắm chứ. Nhưng trả lời thư, chị phải lắng nghe tiếng đàn trong tâm tư các em, chị phải "thấy" các em từ khắp nơi xa xôi, từng đôi, từng đôi mắt long lanh nhìn chị thăm thẳm, chị nhắm mắt chị lại, tìm, tìm, tìm sao cho ra một giải pháp, không hoàn toàn đúng, nhưng lương tâm và trái tim chị bảo là phải, rồi biến thành những hàng chữ nhỏ, bay đi, bay đi khắp nơi, để hiện lên trước những ánh mắt thơ ngây.

Một năm của chị với các em, chị thấy như sống dài hơn, sung sướng hơn, vì chị cảm thấy trong thâm tâm, từ nơi xa xôi mịt mù, có những em bé nghĩ tới chị vớ tấm lòng trìu mến, với tình âu yếm thiết tha, và biết đâu, trong một giấc ngủ mơ nào đó, em thấy hiện ra một chị Đ.P.K đúng như ý em muốn.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 51, ra ngày 13-8-1972)


 

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2022

RU MƯA - Đỗ thị Hồng Liên

  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  
Em vẫn còn thương mưa ngày sau
Trong hồn mới lớn nỗi tình sầu
Chân quen mất lối vườn cỏ úa
Nên nhớ muôn đời vết thương đau

Trong làn mưa bay nghe thu sang
Chợt nhớ hôm xưa chút ngỡ ngàng
Tay em khép lại sầu hương cũ
Năm tháng về sau có vội vàng

Anh có thương mưa giăng đôi tay
Làm buốt tim em nỗi nhớ đầy
Mà nghe thương nhớ rơi vừa đến
Trong bóng chiều xanh hơn lá cây

Ru giấc mơ hồng cho ngày qua
Một cánh chim rơi lối nhạt nhòa
Âm vang trăm giấc buồn trên đá
Mưa đến chợt dài trên cánh hoa

                               ĐỖ THỊ HỒNG LIÊN

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 205, ra ngày 15-7-1973)



Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2022

BÚT HIỆU - Thi Thi Thoại Hương

  

Từ khi xem Tuổi Hoa tôi vẫn ôm mộng viết bài gởi cho Tuổi Hoa. Mỗi khi nhìn thấy những cái tên xinh xinh trên những trang báo nhỏ tôi lại ngồi mơ mộng hàng giờ. Nghĩ đến lúc tên mình được đăng trên báo... Ôi! Cuộc đời lúc ấy mới đẹp làm sao. Nhưng sao cái mộng "văn sĩ" của tôi dệt mãi không thành. Có nhiều buổi trưa bỏ ngủ, tôi ôm tập ra ngồi hàng giờ ngoài hiên. Viết rồi xóa, xóa rồi viết, cứ thế mãi lâu tôi chưa hoàn thành được một tác phẩm nào cả. Vở tôi đầy những đoạn văn dang dở... Thỉnh thoảng, thằng Huy - em tôi - đánh cắp rồi đem ra đọc to lên. Tôi lại một phen tức đến phát khóc. Sau tôi viết vào những lúc khung cảnh có vẻ thơ mộng một tí nhưng khi hoàng hôn xuống hay những đêm trăng mười sáu vì tôi ngỡ những lúc ấy dễ gợi cảm hứng. Cuối cùng tôi vẫn không thành công được. Tôi nản lòng không viết nữa. Nhưng khi Tuổi Hoa ra, đọc những bài trong ấy, hy vọng lại sôi sục trong lòng tôi cái mộng viết văn. Bài thì không làm được, tôi lại đặt cho tôi không biết bao nhiêu bút hiệu. Những là Thùy Hương, Quỳnh Mi... Ôi! Sao tôi mơ nhiều thế. Buổi trưa mùa hè không có một ngọn gió. Cả nhà im lìm say ngủ. Tôi ngồi ở bàn học, trên căn gác nhỏ, mồ hôi vã ra thấm ướt cả áo. Tôi sung sướng nắn nót chép từng chữ cái tác phẩm của tôi vào trang giấy học trò. Xong, tôi cầm tờ giấy nhảy hai bực một, chạy sầm sầm vô phòng ngủ. Chị Lan đang nằm xem báo. Tôi nói trong hơi thở:

- Chị xem... bài của em.

Chị Lan nhìn nét mặt tôi, mỉm cười:

- Ôi! Cuộc đời đáng sống quá phải không Hương?

- Chị cứ chế em. Em đi tắm đã...

Anh Phương, thằng Huy thức dậy tự bao giờ.

- Văn sĩ hoàn thành tác phẩm rồi đấy à... Cho anh xem với nhé!

Anh Phương chạy lại bên chị Lan. Tôi kêu lên:

- Ấy chết... Bẩn thì sao?

Anh tròn mắt nhìn tôi rồi chợt hiểu:

- Trời! Giấy của Hương bằng sương, những bàn tay "trần tục" như anh sờ vào là tan ngay. Thế mà anh không biết chứ.

Thằng Huy cất cao giọng:

- Vả lại đó là cái tác phẩm đầu tay... kết tinh của những (ư) hạt sương... một buổi mai đầy nắng ấm... của (ư) những... 

Chị Lan giơ tay:

- Thôi, cho chị xin.

Cái giọng hát cải lương của nó làm tôi tức lộn ruột. Tôi chạy xuống buồng tắm không quên lườm cho nó một cái.

Tôi tắm vội vàng rồi lên nhà. Cả nhà đã thức dậy. Me nhìn tôi cười:

- Ồ! Nữ văn sĩ của me.

Thằng Huy đứng dậy vòng tay cung kính:

- Nữ văn sĩ... "giá lâm tệ xá"...

Tôi đưa tay định cốc cho nó một cái, nó vội rụt đầu:

- Ấy... em xin...

Chị Lan cười:

- Hương viết được đấy...

Anh Phương nhìn tôi bằng ánh mắt diễu cợt:

- Hương viết thì "chì" số dách phải không Huy?

Thằng Huy nheo mắt:

- Chị Hương viết thì phải biết... lâm ly bi đát... hay đến nỗi người ta phải... để nhẹ... vào sọt rác.

Me mắng Huy:

- Huy! Không được hỗn.

Trong khi tôi nước mắt lưng tròng. Tôi tức Huy và tôi tức cả mình, sao tôi mau khóc thế?

Anh Phương cười to:

- Văn sĩ chi mà mau nước mắt rứa. Hẳn văn của Hương đẫm những... giọt "châu".

Me lườm anh Phương:

- Phương cứ chế em. Hương định lấy bút hiệu gì chưa?

Tôi đáp:

- Chưa ạ!

- Thế bây giờ đặt bút hiệu cho Hương nhé!

Ý kiến của me được cả nhà tán đồng. Trong khi tôi ôn lại những bút hiệu mỹ miều.

- Để anh đặt cho Hương nhé! Anh đặt thì phải biết. À... à... để xem... Bé... ừ... Bé Mi... được đấy... Bé Mi... nghe dễ thương tệ me nhỉ!

Thằng Huy bao giờ cũng về phe anh Phương:

- Hoan hô... hay lắm lắm.

- Xí lắm, Hương chả thích.

Chị Lan phụ họa:

- Không đẹp tí nào cả.

- Theo me thì... quê ta ở Thi Lai. Hương lấy tên là Thi Hương vừa hay vừa có ý nghĩa.

Chị Lan quay sang tôi:

- Hương thích không?

- Theo Hương thì Hương muốn lấy tên là... là... Thi Thi Thoại Hương... Thoại là tên con bạn thân của...

Tôi chưa nói dứt câu thằng Huy đã hét lên, giả theo giọng bắc:

- Ối! Giời ôi...

Ba hiện ra ở cửa hoảng hốt:

- Cái gì thế?

Cả nhà nhìn Huy sửng sốt. Huy ấp úng:

- Con... con.,.. con... 

- Con làm sao?

- Con... con kiến.

- Con kiến thì làm sao chứ?

- Con kiến... nó cắn con.

Cả nhà cười ồ. Nhất là anh Phương cười rũ rượi. Ba quay lên rồi, thằng Huy gắt:

- Không phải con kiến.

Anh Phương cười to hơn. Rồi cố nín, anh nói trong hơi thở:

- Chứ... cái... gì?

- Tại con nghe bút hiệu chị Hương hay quá chứ có con kiến nào đâu.

Tôi nhìn nó:

- Hừ, đáng tội...

Anh Phương giả vờ chép miệng:

- Ôi! Thi... Thi... Thoại Hương... Giời ơi! Sao mà đẹp đến thế. À! Hương này... văn sĩ sao mà cái tên có mùi toán thế Hương...?

Me cười:

- Toán mà lại có mùi à?

Chị Lan cũng cười:

- Ham ăn có khác. Cũng như cái mũi con Hương mà nó bảo trông ngon ghê đó me!

Tôi lườm anh:

- Anh bảo toán ở chỗ nào... Tên người ta thế... Anh cứ chế Hương thì Hương lại mách ba cái chuyện...

- Cho anh xin... cho anh xin...

- Có thế chứ... sợ liền đấy nhé.

Thằng Huy xen vào:

- Anh Phương sợ thì Huy nói cho nghe. Này... Thi Thi chẳng Thi bình phương là gì, cũng B bình phương ấy.

- Thằng Huy nói đúng đấy. Nhưng tên của Hương cũng đẹp lắm chứ, đẹp như...

Tôi tức quá gắt:

- Anh bảo như cái gì?

- Như cái răng khểnh của Hương ấy.

Tôi chạy vụt lên gác. Trận cười đuổi theo tôi. Bất giác tôi bật cười. Tôi nghĩ đến tác phẩm của tôi và cái mộng văn sĩ. Niềm vui dâng lên... dâng lên...


Thi Thi Thoại Hương      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 75, ra ngày 15-8-1967)


 

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2022

NẮNG MƯA - Nhã Uyên

     


 
 
 
 
 
 
 
 
Mùa hè  đi qua khi nắng khi mưa

Ngày nào ta có ngày nào ta chưa

Người ớ chân trời người nơi góc biển
 
Như thuyền xa bến như gió đong đưa


Buổi sáng buổi chiều mùa hè đi qua

Những giọt mưa rơi tưới mát cỏ hoa

Như một giấc mơ ngày qua rất vội
 
Như bụi vướng mi làm mắt lệ nhoà


Mùa hè đi qua đâu còn có nhau

Một ngày đi qua nắng tắt phía sau

Khi mắt môi cười vấn vương ký ức

Là biết mất nhau trong trái tim đau


                                             Nhã Uyên

Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

LỐI NẮNG - Thơ Thơ

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Có ai về lối nắng
Tìm lại khung trời hồng
Cả một thời yêu dấu
Đã chìm vào hư không

Tôi tìm về lối nắng
Giàn hoa tím còn đây
Bao tiếng cười trẻ dại
Của một thời thơ ngây

Có ai về lối xưa
Bóng hoa nắng ban trưa
Nghe tiếng lòng xao xuyến
Chép hết vào trang thơ

Người tìm về lối cũ
Mây vẫn bay trong trời
Những tháng ngày dấu ái
Thoắt chốc thành mây trôi

Sỏi đá dưới gót chân
Áo bay trong chiều gần
Dáng ai dần xa khuất
Để lòng mãi bâng khuâng

Người tìm về lối nắng
Nhặt giùm cánh lá khô
Ép vào trang giấy trắng
Hương thời gian nên thơ.....

                                    Thơ Thơ
                           (Bút nhóm Hoa Nắng)

Cho đường Lê Ngô Cát

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

MỘT CHỖ NÀO TRONG NGĂN TIM - Ngọc Thùy Giang

 

Bé thân yêu,

Bây giờ mùa mưa đã trở về rồi đó bé. Ngày đầu tiên khi nghe từng giọt trên mái ngói, âm thanh đều đặn và buồn buồn, trong cơn gió mang theo một ít lạnh vào thu, anh chợt nghe lòng vô cùng xao xuyến. Niềm xuyến xao tuy không bàng hoàng nhưng mang mang làm hồn anh chùng xuống. Cứ mỗi bận mưa về là mỗi bận làm người ta nhung nhớ. Mưa từ dĩ vãng nào xa như sống lại theo hơi nước đầu mùa, ban đầu chỉ làm se sắt một chút trên da, vừa đủ cho ta chợt rùng mình ; sau đó, theo từng nhịp luân vũ nhanh thêm, rồi ào ạt như nước từ một thác cao nào chảy xuống. Lúc đó, không có gì ngăn được cái lạnh đã thấm qua làn áo mỏng, buốt như có kim châm trong từng tế bào, đến khi đất trời reo ca trong điệp khúc triền miên thì nỗi niềm như vỡ ra lan đến tận cùng tiềm thức. Nhất là vào buổi chiều tan trường, không đem theo áo mưa, đứng tần ngần, nửa như muốn dầm mình trở về, nửa như sợ cơn đau kéo tới một mai, phải bỏ dở mấy buổi học quý báu vào lúc sắp thi, anh thường thu mình một góc ở mái hiên nhìn ra ngoài đường. Bối cảnh thường khi dưới mắt mình không có gì đặc biệt, nhưng dưới cơn mưa, toàn diện tắm đẫm trong làn nước bạc chập chùng mờ mờ ảo ảo. Nhà đóng cửa. Người đi qua như vội vàng, dù không có gì bận tâm vì trễ một cái hẹn, hay lỡ một chuyến xe. Áo trùm từ đầu xuống chân, bước từng bước dài trên vỉa phố. Chắc chắn sẽ đến một nơi nào có hơi ấm gia đình hoặc bè bạn. Có những kẻ thiếu áo cũng trầm thân, bất kể giọt vô tình trên tóc, giọt se sắt trên da, đi như là dạo quanh một thắng cảnh. Vẻ điềm nhiên trên mặt, mắt vu vơ hai bên đường như tìm kiếm gì nhưng không tìm kiếm gì. Hai tay cho vào túi. Đến khi khuất ở một ngõ quanh, mất ở một ngã rẽ, bỏ lại sau lưng âm vang tiếng giày chìm dần trong tiếng mưa, cùng tiếng  nước chảy ở bên lề vào một miệng rãnh nào đó ; bé biết không, những lần như thế, anh cũng muốn bước xuống đường, thèm đầm mình trong mưa như khách bộ hành kia, nhưng niềm mơ ước nhỏ bé trên bị chặn lại ở bước đầu tiên lúc nhớ lại những dòng thư bé viết. Nhỡ có gì chỉ làm khổ thêm cho mẹ và cho bé. Ở nhà, mỗi lần đau ốm còn có người thân, ở đây chỉ có mình anh và mỗi mình anh lo liệu tất cả. Sẽ không có bàn tay nào nồng ấm đặt trên trán con với giọng ngọt ngào âu yếm: "khổ chưa con tôi!". Sẽ không có đôi mắt nào mở to lo lắng nhìn anh uống từng chén thuốc, tuy đắng cay nhưng ngọt lịm tình yêu thương. Anh bây giờ ví như chim đã lìa đàn xa tổ, dù trời trong hay bão tới, dù nắng ấm hay gió về, chỉ có đôi cánh nhỏ vươn ra chống chọi với mọi điều. Sức mong manh phải thắng cuồng phong bão nổi. Giữ không phải cho anh nhưng là cho mẹ và cho bé. Đau không phải thiệt thòi chính mình mà là lây buồn đến người thân yêu nhất. Dù đã xa mấy chặng đường dài hun hút quê hương nhưng không có biên giới nào ngăn được lòng này hướng về lòng khác, không có gì ngăn được những dấu ái đầy ắp trong tim, ngày anh giã từ bước lên chiếc xe đời xa vườn xanh mái ấm. Có em, có mẹ trông theo. Tất cả hy vọng trong đời mẹ gởi theo từng bước chân con về một phương xa, nơi mà mẹ không thể hình dung được thế nào con sống, không thể chia được những lần vui rạng rỡ môi cười hay nỗi buồn long lanh nước mắt. Chỉ còn niềm hoài vọng một mai khi trở về vẫn thấy con mình vẹn toàn từ tâm hồn đến thân xác, còn nguyên vẹn từ sở thích đến tánh tình. Lúc đó dù phải trả bằng những giọt mồ hôi trên trán hằn lo nghĩ, dù phải trả bằng vạn buổi chợ tàn nắng xế gian lao thì mẹ cũng chẳng nề hà, thì em cũng vẫn vui tươi với bữa cơm dưa cà nghèo khó. Nỗi tin yêu như ngọn đèn thắp sáng từng đêm là hy vọng nuột nà nở hoa trên làn tóc trắng vào tuổi cuối đời của mẹ, là mầm non xanh ngát trong hồn em mới lớn thơ ngây...

Những dòng thư bé viết lúc nào cũng mang cho anh niềm an ủi rạt rào. Anh đã đọc, đã nâng niu từng dòng chữ viết vụng dại trên tập kẻ ô vuông giữ thật kỹ như báu vật trong ngăn bàn mỗi lần nhận được. Nhiều lúc anh tham lam chợt nghĩ sao chúng lại quá ngắn và giận bé sao không kể thật nhiều chuyện quê nhà. Khi đã xa khỏi tầm mắt nhìn khi đã khuất hình bóng cũ tự nhiên ai cũng ao ước chỉ cần một phút, vâng chỉ một phút thôi để nhìn lại khung cảnh xưa, dù nó nhỏ nhoi như cái bàn cái ghế, một chỗ ngồi sau vuông cửa chẳng hạn, một khúc sông tắm mát buổi trưa nào lúc nước vừa dâng, thèm nghe tiếng cười cất lên ròn rã của bất cứ ai cũng được, thèm từng giọng nói của người thân, thèm cả tiếng chim ca buổi sáng trong vườn lúc mặt trời rạng rỡ chiếu từng kẽ lá còn đọng hơi sương để nuôi ảo tưởng rằng ta chưa mất gì ở nơi nào mình đang sống. Hình bóng kia, ảnh tượng đó chỉ như khuất sau làn khói mong manh, một giọt nắng chiếu qua sẽ hiện rõ ràng để có thể đưa tay nắm được sờ được bằng cảm giác thân thiết gần gũi. Thế đó, nỗi nhớ trong anh rạt rào đầy ắp như sóng cả dâng lên ngập lụt tâm hồn mỗi lần mưa xuống. Dù sao thì bé cũng không đến nỗi trách anh quá yếu đuối lo nghĩ viển vông để quên cả bài vở phải không? Mà có trách thì anh đành vậy bé ạ. Bé chưa phải đi xa bao giờ nên không hiểu được tâm trạng cô đơn của anh lúc này. Niềm cô đơn chợt biến thành nỗi tủi thân khi nhìn thấy sự đầm ấm nhà ai quây quần sau bữa cơm chiều, có tiếng cười thắp lên có lời vui đọng lại trên môi cha môi mẹ. Có phải hạnh phúc, người ta chỉ nhận ra sau khi đã xa khỏi tầm tay đã mất đi trong nuối tiếc? Như hiện giờ ngồi đây viết những dòng này cho bé, sau khung cửa vuông phòng trọ, ngoài trời cũng vừa tạnh cơn mưa, gió từ một nơi nào reo trên mấy hàng cây, nhìn xuống mặt đường tẩm đầy rét mướt, làm sao anh khỏi buồn nghĩ tới mẹ, tới em? Anh mường tượng đến quê nhà, sáng mai nào bóng tối chưa tan hết mẹ đã phải thức dậy quảy hàng ra chợ. Lúc nào cũng như lúc nào, áo cánh vá vai, chiếc khăn vuông trên đầu hứng đầy sương sớm, tiếng kẽo kẹt đều đều hòa nhịp theo bước chân. Từ nhà ra chợ, từ chợ về nhà, qua bao khúc quanh, ngã rẽ, qua bao chặng đời khó nhọc lầm than. Mẹ như thân cò lặn lội long đong, mẹ như cây già bóng cả che mát đàn con khôn lớn. Và con, chỉ chờ một ngày đủ lông đầy cánh bay đi, bỏ lại trong bóng chiều hiu hắt giọt lệ già âm thầm chảy trên đôi má hóp răn reo mong nhớ từng ngày, ngóng trông từng buổi khi nào con trở lại... Anh mường tượng đến em, mái tóc đủ dài để chấm ngang vai, tay gầy mòn còm cõi nhưng chưa hết thơ ngây trên mắt to như hai hạt nhãn, trên môi cười rạn vỡ reo vui, đầu trần chân đất, chạy vội ra sân: "A, anh Nguyễn về!", mường tượng đến một đời cũng chưa nhớ hết. Kỷ niệm là một sợi dây thiêng liêng vô hình nhưng chặt chẽ ràng buộc tình người với quê hương, ràng buộc quê hương với thân tình ruột thịt. Và phải chăng đó là chỗ cuối cùng của chuyến về vĩnh cửu ; yên nghỉ cho mỗi xác thân dù phải bạt ngàn như chim, lang thang như du mục, nơi chào đời và nơi lìa đời, chỗ khởi đầu và chỗ chấm hết, vùng đất hứa của trái tim chan hòa mật ngọt. Dù thế nào đi nữa cũng theo lời gọi quay về. Dù tóc có bạc màu sương tuyết, dù trán đã hằn trăm nếp suy tư. Từ kiếp nào của biển thẳm bao la, từ sông sâu tuôn chảy về nguồn, tất cả là điệp khúc của ngọn ngành dấu ái, khắc đậm trong đời mẹ, đời em, đời anh và đời của trăm nghìn kẻ khác mai sau...

Bé thân yêu,

Bây giờ mùa mưa đã trở về rồi đó bé. Quê nhà chắc trời sẽ lạnh hơn. Bé hãy nhớ  thay anh nhắc giùm mẹ mặc thêm áo ấm mỗi chiều sương xuống và cả bé nữa phải tận tụy chăm chỉ nghe theo lời người, bởi chỉ còn mỗi mình bé ở nhà. Anh thì đã quá xa, dù xa chưa hẳn là mất, nhưng cũng ví như thuộc về một vùng trời khác. Không còn sự lựa chọn nào hay hơn là một trong hai con đường: Hoặc giả có tên trên bảng đời cắp sách để gần mẹ gần em, hoặc giả vai áo trận giày Saut xa muôn đời áo trắng, tương lai chưa biết phải trôi giạt phương nào, sau những tháng dài nơi quân trường gian khổ. Và bé ơi trong cuộc đời này người ta đang ca tụng đến hai chữ thiêng liêng Tổ quốc, thì điều đó có gì chứng thật hơn là mối thân tình: Yêu mẹ, yêu em, yêu quê hương phải không bé? Thôi anh dừng lại nơi đây để còn lo xong phần bài vở kỳ thi tới. Hãy cầu nguyện cho mẹ, cho anh, cho quê hương bé nhé!


NGỌC THÙY GIANG   
18-6-73              

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 206, ra ngày 1-8-1973)