Thư của em N.M. Saigon:
...
Từ ngày chị Hai đi làm, ba má em cưng chiều chị ấy ra mặt, nhiều khi
còn tỏ ra nể sợ chị ấy nữa. Ba má coi như chị ấy là người có công trong
gia đình, vì đã góp phần nuôi nấng tụi em, nên để cho chỉ mặc sức ăn
hiếp tụi em. Có khi chỉ có vẻ hỗn cả với ba má, mà ba má cũng không phản
ứng gì cả. Mỗi lần tụi em cãi với chỉ, là ba má đánh liền, nhiều lần
rất oan ức. Mà chỉ thì cũng có khi sai lầm chứ, đâu phải hễ cứ đi làm,
kiếm ra tiền được là lúc nào cũng phải hết trơn. Chỉ bắt lỗi tụi em tối
ngày mà những lỗi đó chính chỉ cũng mắc, còn mắc nặng hơn. Chỉ làm như
chỉ là người hoàn hảo. Chỉ lại có biệt tài giả dối, có mặt ba má, chỉ
làm bộ lo lắng cho gia đình, săn sóc tụi em, và khi có khách tới thì
ngọt ngào quá chị ơi!... Em chán gia đình, chán cuộc đời bất công này.
Em muốn bỏ nhà ra đi. Dù khổ cực, nhưng em sẽ không thành người hèn
nhát, không bao giờ dám có ý kiến vì sợ bị đòn.
Trả lời:
Danh ngôn có câu thế này: "Cái nguy cho người thành công, là họ tưởng họ là người toàn hảo",
có nghĩa là khi một người thành công trên đời, thì nhiều khi họ quên
mất vị trí của họ, rằng họ chỉ giỏi về mặt mà họ đã thành công, mà họ
lầm tưởng, hoặc do lòng kiêu ngạo phát sinh vì thấy được mọi người sùng
bái, họ yên chí rằng họ thành công về cả mọi mặt. (Em đọc lại bài của
bác Chủ Nhiệm viết trong số 98 sẽ rõ ý này). Nghĩ thế rồi họ trở thành
phách lối kiêu ngạo, và như thế, họ sẽ tự hại, như anh chàng kiêu ngạo
Lý Nguyên Bá tung búa lên đánh trời, bị búa rớt xuống đầu, vỡ sọ chết
tốt.
Chị
hoàn toàn cảm thông nỗi buồn của em. Nhưng chị hy vọng rằng sự thực gia
đình em không đến nỗi như em tưởng. Có thể vì chị Hai đã đi làm, gây
cho ba má ấn tượng là chị đã lớn, thành ra ba má tin cậy chị, giao cho
chị nhiệm vụ dậy dỗ các em. Rồi chính sự la ó các em đó, tạo cho ba má ý
nghĩ rằng chị là người đàng hoàng, ba má càng tin cậy thêm. Riêng chị
Hai, thấy ba má tin cậy, thì chị càng lấn lướt. Sự lấn lướt đó mỗi ngày
một chút, thành ra ba má không nhìn thấy, chứ không phải ba má sợ chị vì
chị kiếm ra tiền đâu em ạ.
Chị
không thể giúp gì em được. Chị chỉ khuyên em nên bình tĩnh hơn. Ba má
nuôi nấng em biết bao công đức, biết bao ân tình, sao lại vì chị Hai mà
bỏ nhà ra đi, để đau buồn cho ba má. Dầu chị ấy có tệ, trong gia đình,
em vẫn được bao bọc. Chứ nếu sớm bước ra đời, em khó lòng chống với
phong ba bão táp, em sẽ đói rét khổ cực, không còn được đi học, tương
lai sẽ mù mịt em ơi.
Chị
tin rằng chỉ một thời gian ngắn nữa, ba má sẽ nhận thấy cái tai hại của
tình trạng biệt đãi kể trên, và mọi sự sẽ tốt đẹp em ạ.
Ngay
bây giờ em đừng nghĩ tới chuyện bỏ nhà ra đi - ý nghĩ ấy làm em chán
nản, dễ có những hành động làm ba má hiểu lầm là em vốn hư hỏng, và chị
Hai em đúng - Mỗi khi chị ấy la mắng vô lý, em nên trình bày một cách lễ
phép. Hãy coi như chị ấy là người đau ốm, ta phải chiều. Xưa các cụ
nói: "Muốn sang sông, thì mình phải lụy anh lái đò". Thương cha mẹ, thì em cố gắng nhẫn nhịn, đừng làm đau lòng cha mẹ.
Cố gắng học thật giỏi, đó là câu trả lời đích đáng nhất, vừa làm cha mẹ vui lòng, vừa có ích cho cuộc đời sau này em ạ.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 100, ra ngày 29-7-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.