Bé thân yêu,
Bây giờ mùa mưa đã trở về rồi đó bé. Ngày đầu tiên khi nghe từng giọt
trên mái ngói, âm thanh đều đặn và buồn buồn, trong cơn gió mang theo
một ít lạnh vào thu, anh chợt nghe lòng vô cùng xao xuyến. Niềm xuyến
xao tuy không bàng hoàng nhưng mang mang làm hồn anh chùng xuống. Cứ mỗi
bận mưa về là mỗi bận làm người ta nhung nhớ. Mưa từ dĩ vãng nào xa như
sống lại theo hơi nước đầu mùa, ban đầu chỉ làm se sắt một chút trên
da, vừa đủ cho ta chợt rùng mình ; sau đó, theo từng nhịp luân vũ nhanh
thêm, rồi ào ạt như nước từ một thác cao nào chảy xuống. Lúc đó, không
có gì ngăn được cái lạnh đã thấm qua làn áo mỏng, buốt như có kim châm
trong từng tế bào, đến khi đất trời reo ca trong điệp khúc triền miên
thì nỗi niềm như vỡ ra lan đến tận cùng tiềm thức. Nhất là vào buổi
chiều tan trường, không đem theo áo mưa, đứng tần ngần, nửa như muốn dầm
mình trở về, nửa như sợ cơn đau kéo tới một mai, phải bỏ dở mấy buổi
học quý báu vào lúc sắp thi, anh thường thu mình một góc ở mái hiên nhìn
ra ngoài đường. Bối cảnh thường khi dưới mắt mình không có gì đặc biệt,
nhưng dưới cơn mưa, toàn diện tắm đẫm trong làn nước bạc chập chùng mờ
mờ ảo ảo. Nhà đóng cửa. Người đi qua như vội vàng, dù không có gì bận
tâm vì trễ một cái hẹn, hay lỡ một chuyến xe. Áo trùm từ đầu xuống chân,
bước từng bước dài trên vỉa phố. Chắc chắn sẽ đến một nơi nào có hơi ấm
gia đình hoặc bè bạn. Có những kẻ thiếu áo cũng trầm thân, bất kể giọt
vô tình trên tóc, giọt se sắt trên da, đi như là dạo quanh một thắng
cảnh. Vẻ điềm nhiên trên mặt, mắt vu vơ hai bên đường như tìm kiếm gì
nhưng không tìm kiếm gì. Hai tay cho vào túi. Đến khi khuất ở một ngõ
quanh, mất ở một ngã rẽ, bỏ lại sau lưng âm vang tiếng giày chìm dần
trong tiếng mưa, cùng tiếng nước chảy ở bên lề vào một miệng rãnh nào
đó ; bé biết không, những lần như thế, anh cũng muốn bước xuống đường,
thèm đầm mình trong mưa như khách bộ hành kia, nhưng niềm mơ ước nhỏ bé
trên bị chặn lại ở bước đầu tiên lúc nhớ lại những dòng thư bé viết. Nhỡ
có gì chỉ làm khổ thêm cho mẹ và cho bé. Ở nhà, mỗi lần đau ốm còn có
người thân, ở đây chỉ có mình anh và mỗi mình anh lo liệu tất cả. Sẽ
không có bàn tay nào nồng ấm đặt trên trán con với giọng ngọt ngào âu
yếm: "khổ chưa con tôi!". Sẽ không có đôi mắt nào mở to lo lắng nhìn anh
uống từng chén thuốc, tuy đắng cay nhưng ngọt lịm tình yêu thương. Anh
bây giờ ví như chim đã lìa đàn xa tổ, dù trời trong hay bão tới, dù nắng
ấm hay gió về, chỉ có đôi cánh nhỏ vươn ra chống chọi với mọi điều. Sức
mong manh phải thắng cuồng phong bão nổi. Giữ không phải cho anh nhưng
là cho mẹ và cho bé. Đau không phải thiệt thòi chính mình mà là lây buồn
đến người thân yêu nhất. Dù đã xa mấy chặng đường dài hun hút quê hương
nhưng không có biên giới nào ngăn được lòng này hướng về lòng khác,
không có gì ngăn được những dấu ái đầy ắp trong tim, ngày anh giã từ
bước lên chiếc xe đời xa vườn xanh mái ấm. Có em, có mẹ trông theo. Tất
cả hy vọng trong đời mẹ gởi theo từng bước chân con về một phương xa,
nơi mà mẹ không thể hình dung được thế nào con sống, không thể chia được
những lần vui rạng rỡ môi cười hay nỗi buồn long lanh nước mắt. Chỉ còn
niềm hoài vọng một mai khi trở về vẫn thấy con mình vẹn toàn từ tâm hồn
đến thân xác, còn nguyên vẹn từ sở thích đến tánh tình. Lúc đó dù phải
trả bằng những giọt mồ hôi trên trán hằn lo nghĩ, dù phải trả bằng vạn
buổi chợ tàn nắng xế gian lao thì mẹ cũng chẳng nề hà, thì em cũng vẫn
vui tươi với bữa cơm dưa cà nghèo khó. Nỗi tin yêu như ngọn đèn thắp
sáng từng đêm là hy vọng nuột nà nở hoa trên làn tóc trắng vào tuổi cuối
đời của mẹ, là mầm non xanh ngát trong hồn em mới lớn thơ ngây...
Những dòng thư bé viết lúc nào cũng mang cho anh niềm an ủi rạt rào. Anh
đã đọc, đã nâng niu từng dòng chữ viết vụng dại trên tập kẻ ô vuông giữ
thật kỹ như báu vật trong ngăn bàn mỗi lần nhận được. Nhiều lúc anh
tham lam chợt nghĩ sao chúng lại quá ngắn và giận bé sao không kể thật
nhiều chuyện quê nhà. Khi đã xa khỏi tầm mắt nhìn khi đã khuất hình bóng
cũ tự nhiên ai cũng ao ước chỉ cần một phút, vâng chỉ một phút thôi để
nhìn lại khung cảnh xưa, dù nó nhỏ nhoi như cái bàn cái ghế, một chỗ
ngồi sau vuông cửa chẳng hạn, một khúc sông tắm mát buổi trưa nào lúc
nước vừa dâng, thèm nghe tiếng cười cất lên ròn rã của bất cứ ai cũng
được, thèm từng giọng nói của người thân, thèm cả tiếng chim ca buổi
sáng trong vườn lúc mặt trời rạng rỡ chiếu từng kẽ lá còn đọng hơi sương
để nuôi ảo tưởng rằng ta chưa mất gì ở nơi nào mình đang sống. Hình
bóng kia, ảnh tượng đó chỉ như khuất sau làn khói mong manh, một giọt
nắng chiếu qua sẽ hiện rõ ràng để có thể đưa tay nắm được sờ được bằng
cảm giác thân thiết gần gũi. Thế đó, nỗi nhớ trong anh rạt rào đầy ắp
như sóng cả dâng lên ngập lụt tâm hồn mỗi lần mưa xuống. Dù sao thì bé
cũng không đến nỗi trách anh quá yếu đuối lo nghĩ viển vông để quên cả
bài vở phải không? Mà có trách thì anh đành vậy bé ạ. Bé chưa phải đi xa
bao giờ nên không hiểu được tâm trạng cô đơn của anh lúc này. Niềm cô
đơn chợt biến thành nỗi tủi thân khi nhìn thấy sự đầm ấm nhà ai quây
quần sau bữa cơm chiều, có tiếng cười thắp lên có lời vui đọng lại trên
môi cha môi mẹ. Có phải hạnh phúc, người ta chỉ nhận ra sau khi đã xa
khỏi tầm tay đã mất đi trong nuối tiếc? Như hiện giờ ngồi đây viết những
dòng này cho bé, sau khung cửa vuông phòng trọ, ngoài trời cũng vừa
tạnh cơn mưa, gió từ một nơi nào reo trên mấy hàng cây, nhìn xuống mặt
đường tẩm đầy rét mướt, làm sao anh khỏi buồn nghĩ tới mẹ, tới em? Anh
mường tượng đến quê nhà, sáng mai nào bóng tối chưa tan hết mẹ đã phải
thức dậy quảy hàng ra chợ. Lúc nào cũng như lúc nào, áo cánh vá vai,
chiếc khăn vuông trên đầu hứng đầy sương sớm, tiếng kẽo kẹt đều đều hòa
nhịp theo bước chân. Từ nhà ra chợ, từ chợ về nhà, qua bao khúc quanh,
ngã rẽ, qua bao chặng đời khó nhọc lầm than. Mẹ như thân cò lặn lội long
đong, mẹ như cây già bóng cả che mát đàn con khôn lớn. Và con, chỉ chờ
một ngày đủ lông đầy cánh bay đi, bỏ lại trong bóng chiều hiu hắt giọt
lệ già âm thầm chảy trên đôi má hóp răn reo mong nhớ từng ngày, ngóng
trông từng buổi khi nào con trở lại... Anh mường tượng đến em, mái tóc
đủ dài để chấm ngang vai, tay gầy mòn còm cõi nhưng chưa hết thơ ngây
trên mắt to như hai hạt nhãn, trên môi cười rạn vỡ reo vui, đầu trần
chân đất, chạy vội ra sân: "A, anh Nguyễn về!", mường tượng đến một đời
cũng chưa nhớ hết. Kỷ niệm là một sợi dây thiêng liêng vô hình nhưng
chặt chẽ ràng buộc tình người với quê hương, ràng buộc quê hương với
thân tình ruột thịt. Và phải chăng đó là chỗ cuối cùng của chuyến về
vĩnh cửu ; yên nghỉ cho mỗi xác thân dù phải bạt ngàn như chim, lang
thang như du mục, nơi chào đời và nơi lìa đời, chỗ khởi đầu và chỗ chấm
hết, vùng đất hứa của trái tim chan hòa mật ngọt. Dù thế nào đi nữa cũng
theo lời gọi quay về. Dù tóc có bạc màu sương tuyết, dù trán đã hằn
trăm nếp suy tư. Từ kiếp nào của biển thẳm bao la, từ sông sâu tuôn chảy
về nguồn, tất cả là điệp khúc của ngọn ngành dấu ái, khắc đậm trong đời
mẹ, đời em, đời anh và đời của trăm nghìn kẻ khác mai sau...
Bé thân yêu,
Bây giờ mùa mưa đã trở về rồi đó bé. Quê nhà chắc trời sẽ lạnh hơn. Bé
hãy nhớ thay anh nhắc giùm mẹ mặc thêm áo ấm mỗi chiều sương xuống và
cả bé nữa phải tận tụy chăm chỉ nghe theo lời người, bởi chỉ còn mỗi
mình bé ở nhà. Anh thì đã quá xa, dù xa chưa hẳn là mất, nhưng cũng ví
như thuộc về một vùng trời khác. Không còn sự lựa chọn nào hay hơn là
một trong hai con đường: Hoặc giả có tên trên bảng đời cắp sách để gần
mẹ gần em, hoặc giả vai áo trận giày Saut xa muôn đời áo trắng, tương
lai chưa biết phải trôi giạt phương nào, sau những tháng dài nơi quân
trường gian khổ. Và bé ơi trong cuộc đời này người ta đang ca tụng đến
hai chữ thiêng liêng Tổ quốc, thì điều đó có gì chứng thật hơn là mối
thân tình: Yêu mẹ, yêu em, yêu quê hương phải không bé? Thôi anh dừng
lại nơi đây để còn lo xong phần bài vở kỳ thi tới. Hãy cầu nguyện cho
mẹ, cho anh, cho quê hương bé nhé!
NGỌC THÙY GIANG
18-6-73
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 206, ra ngày 1-8-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.