Có em hỏi chị:
- Tại sao chị lại chọn cái nghề trả lời thư?
Được
chọn vào công tác trả lời thư, chị vô cùng thích thú. Nhưng theo ý chị
thì đó không phải là một nghề. Vì đã nói tới nghề, là ta có ngay cảm
tưởng về một cái gì nó máy móc, có qui tắc, có luật lệ, phải không các
em nhỉ. Có lẽ chị sai chăng? Nhưng kỳ ghê, sao chị không thích nhận công
việc trả lời thư là một nghề đâu. Kệ nó. Chị không thích. Chẳng biết
tại sao. Các em chiều chị nhé. Vì các em yêu mến chị, tin cậy chị, coi
chị như chị ruột, thế rồi mới có điều gì thắc mắc, vui buồn trong lòng,
chẳng biết hỏi ai, hỏi ba má thì "sợ sợ thế nào ý", hỏi bạn thì "kỳ kỳ
quá đi", hỏi anh, chị ở nhà thì "eo ôi! anh chị chế nhạo cho thì chết".
Thế là mới cắn móng tay, mới nước mắt chạy quanh: "tức quá hà". Bỗng
nhiên, mới chợt nghĩ ra: "Ơ! còn chị Đ.P.K.". Thế là mới kiếm một mẩu
giấy, vớ lấy cây bút, mới thao thao bất tuyệt hỏi: "Chị ơi... Chị ơi..."
Nhận được một xấp thư, chị mở ra coi. Này là chú bé ở Cái Răng, đi nhổ
răng (ở Cái Răng mà lại phải đi chữa răng). Ông nha sĩ mới nói: "Bộ tao
là cha mày sao mà mày bảo nhẹ nhẹ chớ". Ôi, chú bé hận quá, chú nói:
"Chị ơi! Đời là thế! Nghèo là phải chịu tủi". Chị tưởng như chú bé ôm
một bên má sưng mà than, và chị cũng thấy tức cái ông nha sĩ ghê đi. Này
đây, cô bé ở tuốt tận Quảng Ngãi... này là chú bé ở Kiến Phong, cậu nhỏ
ở Lái Thiêu, cô ở Phan Rang, ở Châu Đốc, ở An Xuyên, ở Quảng Tín,
Kontum, Lộc Ninh, Tam Kỳ, Bồng Sơn, ở... vân vân... (có lẽ ở hầu hết các
địa danh trên bản đồ, chị không ghi hết vì dài quá, mong các em ở nơi
không thấy ghi đừng giận). Một năm qua, chị đã được gặp một số em ở tòa
soạn, một số em chị vẫn tiếp tục nhận được tin tức, và tin hay như thi
đậu, được lên lớp, được lên hạng, lòng chị thấy hân hoan. Vài em báo tin
gặp chuyện buồn, tang tóc, đọc thư chị ngậm ngùi, chị tưởng như thấy em
đó với dòng nước mắt. Nhưng vào hồi chiến sự lan rộng, chiều đến, nhiều
hôm chị nao nao lòng khi coi nhật báo thấy tin Đông Hà... tin Lộc
Ninh... tin Bồng Sơn. Chị ngơ ngẩn tự hỏi: Không biết Lê Dương Học và
các bạn cùng lớp ở Bồng Sơn ra sao, Viễn Sa ở Hậu Nghĩa, Nguyễn văn Đức ở
Hiếu Thiện, Lê Thế Minh ở Kontum... thấy tin pháo kích, lòng chị bồn
chồn. Trái đạn đã bắn ra, trúng vào ai thì cũng là có người chết, cũng
là nỗi đau đớn chung cho tất cả mọi người Việt. Nhưng mà chị vẫn thầm
cầu mong các em của chị không em nào bị một nỗi khổ đau nào bởi những
viên đạn ác nghiệt đó. Dạo này, sáng sáng, thỉnh thoảng chị bắt được
những phút giây mừng rỡ quính quíu, như hôm nhận được thư của Lê Thế
Minh chị khoe ầm lên, làm cả tòa soạn giật mình! Rồi từ mấy quận xa xôi,
đã thấy lác đác có thư gửi về hỏi thăm chị và mua mấy số báo thiếu vì
mắc đánh nhau nhà phát hành không gửi ra được. Các em bé thơ ngây của
chị chỉ bị một mẻ chạy loạn lếch thếch rồi lại về quê cũ, phụ ba má gây
dựng lại cơ nghiệp, không quên phần bồi bổ kiến thức và giả trí lành
mạnh là tờ báo Thiếu Nhi. Dòng đời lại trôi như nước qua cầu. Dân Việt
Nam anh dũng sau nỗi đau đớn kinh hoàng gạt nhanh dòng nước mắt, thắt
lưng buộc bụng, vun trồng cho thế hệ mai sau ngẩng cao đầu nhìn thế
giới, chứ không ngồi than mây khóc gió vẩn vơ. Không bỏ lỡ cơ hội để
trau giồi tinh thần, các em của chị cũng lập tức vừa chân ướt chân ráo
theo cha mẹ hồi cư, là lập tức lo lắng phần học hành và sách báo lành
mạnh. Thành ra nhờ đó, chị cũng sớm có niềm vui được tin các em mạnh
khỏe và đã qua cơn hoạn nạn. Giờ đây, chị ước mong từ khắp nơi, những em
đã gián đoạn thư với chị vì chiến cuộc, đọc những hàng này, gửi ngay
thư về vui buồn với chị.
Làm
chị của bầy em nhỏ có nhiều khi cũng điên cái đầu ghê lắm. Thí dụ thế
này. Có một em rất dễ thương của chị, mà chị tạm đặt tên là Hạnh. Hạnh
có một bạn tên là Hồng mà Hạnh rất quí mến. Một hôm Hạnh viết thư báo
tin là từ nay Hạnh sẽ lấy bút hiệu là Hồng Hạnh để kỷ niệm tình bạn. Ít
bữa chị lại nhận được thư báo tin đã đổi lại bút hiệu là Hạnh, và nhờ
chị sửa tên đã ký dưới những bài đã gửi về, chị vội lần mò núi bài của
chú N.T. để sửa tên, chiều ý em gái. Vài bữa em lại đòi sửa là Hồng
Hạnh, rồi lại Hanh, lại Hồng Hạnh, và đây là lá thư gần nhất: "...
Hôm... em gửi thư viết là không lấy bút hiệu Hồng Hạnh nữa mà thay bằng
Hạnh thôi, vì em và Hồng đã gây với nhau, và nói là tên ai nấy xài,
không có bút hiệu bút húng gì ráo. Ba hôm sau tụi em huề nhau, em lật
đật gửi thư nói lại để chị cứ xài tên Hồng Hạnh cũ, dè đâu, bốn ngày sau
báo ra, chị lại đổi mất bút hiệu em, mất tên Hồng, còn có mình tên em.
Làm Hồng trách móc em là cố tình chia rẽ, đã vậy thì không chơi với nhau
luôn. Em giải thích mà Hồng không thèm hiểu, cứ ngoan cố và đổ diệt cho
em cái tội cố ý vứt tên Hồng ra khỏi bút hiệu. Em ghét quá bèn giận
luôn, mới vội gửi thư cho chị xin bỏ bút hiệu Hồng Hạnh đi, chỉ để Hạnh
thôi, dè đâu kỳ này báo ra, chị lại ký tên Hồng Hạnh dưới bài thơ... Làm
vậy Hồng sẽ khinh em, cho rằng em không có tự ái, bị xỉ vả, nghỉ ra
không thèm chơi với nữa mà cứ bám lấy Hồng, như vậy nhục em quá..."
Ôi! Xin Thượng Đế phù hộ để các thư từ được chuyển theo đúng thứ tự.
Vậy
thì, các em thấy nhé, chị không chịu nhận là nghề trả lời thư đâu.
Không phải chị coi thường chữ nghề. Nghề cao quí lắm chứ. Nhưng trả lời
thư, chị phải lắng nghe tiếng đàn trong tâm tư các em, chị phải "thấy"
các em từ khắp nơi xa xôi, từng đôi, từng đôi mắt long lanh nhìn chị
thăm thẳm, chị nhắm mắt chị lại, tìm, tìm, tìm sao cho ra một giải pháp,
không hoàn toàn đúng, nhưng lương tâm và trái tim chị bảo là phải, rồi
biến thành những hàng chữ nhỏ, bay đi, bay đi khắp nơi, để hiện lên
trước những ánh mắt thơ ngây.
Một
năm của chị với các em, chị thấy như sống dài hơn, sung sướng hơn, vì
chị cảm thấy trong thâm tâm, từ nơi xa xôi mịt mù, có những em bé nghĩ
tới chị vớ tấm lòng trìu mến, với tình âu yếm thiết tha, và biết đâu,
trong một giấc ngủ mơ nào đó, em thấy hiện ra một chị Đ.P.K đúng như ý
em muốn.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 51, ra ngày 13-8-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.