Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

KHI CON TRAI LÀM BẾP - Tuấn Khải

  

Dung giật mình bì tiếng cười của Khải, con bé quay lại nhìn xem ông anh làm gì mà đắc chí thế, thì ra "ông" ấy đang xem "Ngàn Thông". Có tiếng Khải nói:

- Từ nay sức mấy mà mấy "bà" bắt nạt được tui nữa, tui biết nấu ăn "dzồi".

Dung nghĩ: "chắc "ổng" được ai dạy cho chứ gì! Xí, làm nồ hoài".

Trong khi đó Khai tay cầm cuốn báo xăm xăm đi tới, ném cuốn báo xuống bàn nói:

- Từ giờ nếu chị Hương bắt tao quét nhà tao khỏi quét nữa đi.

Dung hỏi:

- Sao vậy anh? Anh không quét nhà "nhỡ" chị ấy hỏng nấu cơm cho anh ăn thì sao?

- Á! À! Tao thổi lấy, sợ gì.

- Xì! Còn lâu anh mới biết nấu "anh hai" ơi... i... i...!

Con bé kéo dài chữ "ơi" và trề dài cái môi dưới ra làm cho Khải phát tức mình.

- Ờ đừng có khi "tui", mai kia anh Sơn về phép "tui" nấu cho anh "tui" ăn, hổng cần con gái nữa.

- Ối giời! Nấu được nồi cơm mà làm như bắt được...

Khải ngắt ngang:

- Ờ! Vậy thôi hà, tui nấu ngon ăn ngon nấu dở ăn dở, vậy đó tức không cưng.

- Có gì mà tức, anh nấu được cơm em cũng mừng bởi vì từ đây em sẽ được...

- Xem anh hai trổ tài làm bếp?

- Không! Sẽ ngửi mùi "trên sống dưới khê, tư bề... thơm phức" ở nồi cơm của anh Khải tiết ra.

Con bé nói xong nhìn lại anh làm lành:

- Mà ai dạy cho anh nấu cơm đấy anh Khải?

- Đại Quấy!

Khải trả lời cộc lốc rồi quay lưng.

"Đại Quấy" là ai dzậy cà? Nhưng chưa kịp hỏi thì bóng anh Khải đã khuất sau nhà bếp.

*

Sắp thi rồi, kỳ thi năm nay có "mòi" hơn năm ngoái, và khó khăn hơn nên Khải chăm chỉ ngồi gạo bài, chăm chú làm toán. Hôm nay Khải đang ngồi giải bài toán "Hình" thì có tiếng con Dung và Phượng reo:

- A! Anh Sơn, anh Sơn về anh Khải ơi!

Khải vội bỏ bút xô chiếc ghế ra đàng sau thật mạnh rồi chạy ra phòng khách. Có tiếng anh Sơn:

- Anh Khải đâu rồi các em?

- Dạ ảnh đang học.

Con Phượng đưa tay ra sau lưng chỉ vào trong nhà, khi ấy Khải đã ra đến nơi:

- Anh mới về đấy à, khỏe mạnh không anh? Anh có mua quà cho em không?

- Có, hôm nay lãnh lương nên anh mua cho chú cái này.

Sơn đưa cho Khải một chiếc hộp nhỏ miệng nói:

- Dạo này trông chú gầy quá, hăng lên chứ lị, con trai mà ốm không nên. Tặng chú cây bút Paker đó.

Đỡ lấy chiếc hộp trong tay anh Khải nói:

- Có chứ, em hăng hái lắm chứ, mỗi ngày em... quét nhà 3 lần, rửa chén 3 lần và đánh nhau một lần.

Sơn cười to:

- "Chời" ơi! Tưởng làm cái gì chứ, làm anh lắng tai nghe. À, mà chú đánh nhau với ai vậy?

- Dạ đánh nhau với... với cái gối ôm.

- Ha... ha... cái chú này rõ trẻ con.

Khải cười theo:

- Vậy chứ, em còn biết nấu cơm nữa đó.

Con Dung xía vào:

- Anh Sơn về không cho tụi em cái gì hết à?

Sơn giật mình:

- Chết cha quên mất, đây này cho em cỗ tràng hạt ở Vũng Tàu đấy, bằng ốc ấy mà, còn đây là con bướm anh ép được, cho Phượng.

- Dạ cám ơn anh.

Khải lầm bầm:

- "Thấy ghét hông, người ta đang khoe mà lại"...

Dung, Phượng đi rồi, Khải tìm cách khoe lần  nữa, Khải làm bộ như chợt nhớ ra điều gì:

- A! Anh Sơn này.

- Gì đấy chú Khải?

- Em đi nấu cơm anh ăn nghen.

Sơn trợn mắt:

- Chú biết thổi cơm?!

Khải nhắm mắt lại, hai cái lông mày nhíu vào theo kiểu "con én bay", và làm như "ta đây" không thèm để ý đến sự thắc mắc của anh.

- Dà! Dà!

(Thật ra, từ hôm khoe con Dung đến nay, vẫn chưa có lần nào cho Khải áp dụng cả)

Đang trổ tài, tính phét với ông anh một lát thì nghe tiếng guốc của chị Hương về làm Khải cụt hứng.

- Sơn đã về đấy à?

- Dạ, chị đi đâu về đấy?

- Đi chợ, khiếp chợ bây giờ dơ quá.

- Giỏ xách đâu chị?

- Bé Phượng mang ra nhà sau rồi.

Khải tức quá, mấy lần "trổ nghề" đều bị cụt hứng cả, Khải nói:

- Để em thổi nồi cơm cho, chị làm thức ăn đi.

- Có hai cái bếp Khải thổi nồi cơm chị lấy gì nấu thức ăn?

- Không cần, em nhóm bếp củi.

- Ờ! Em làm sao đó thì làm.

Khải chạy vội vào phòng lấy ra cuốn "Ngàn Thông" rồi chạy xuống nhà bếp miệng còn nói vọng lên:

- Anh Sơn ngồi đó chơi, em thổi nửa tiếng đồng hồ là có cơm ngay.

Tiếng chị Hương quảng cáo với Sơn, cốt ý để ghẹo Khải:

- Sơn ạ! Em nó thổi cơm hay lắm, nhớ chờ đợi, đừng đi ăn phở mà cơm của Khải ế, nhá!

Rồi chị với anh Sơn chả biết nói gì mà cười rúc rích với nhau.

Khải nghe thấy nhưng vẫn tảng lờ rồi lẩm bẩm:

- Hừ! Chê người ta đi, lát nữa sẽ biết.

Vừa nói, tay Khải vừa giở báo ra:

"Gia chánh con trai".

- Á! À! Đây rồi, nào xem nào!

Vật liệu.

- Một cái nồi, rồi có ngay.

- Một cái rá! Chết cha, cái rá nó như thế nào cà, à! Đây rồi.

- Hai lon gạo, có mấy chị em chắc ít thôi, một lít gạo!

- Nước lạnh! Rồi, xong rồi.

(Nói tới đâu tay làm tới đó trong khi mắt vẫn để vào cuốn báo!)

- Đổ gạo vào rá! (Miệng đọc tay làm) cẩn thận.

À! Á! Cẩn thận, phải làm hẳn hoi.

Khải bỏ cuốn báo xuống, hai tay nâng lít gạo đổ vào rá, bỗng: "Rào... Rào..." Khải đổ tới đâu, gạo ra đất đến đấy:

- Ủa! Sao lạ dzầy cà?

Nhìn lại thì ra là cái rổ chứ không phải cái rá, lỗ to hơn hạt gạo nên nó "rổ" ra ngoài hết trơn, thế là cu Khải vội le te đi tìm rá, kiếm được rá rồi đổ sang, hốt dưới đất lên, cho vào rá: "Không sao lát nữa đãi hết đi mà khó gì."

Xong xuôi mang ra vo gạo. Nói tóm lại mọi việc vo gạo, đãi gạo, đổ vào nồi... đều rớt ra ngoài hết, nhưng rồi cũng xong, bắt đầu thổi. Chẳng hiểu cu cậu làm gì mà cứ nghe thấy "phù phù" như đang phùng mang trút hết hơi vào cái ống thổi, khói bay, tro bay mù mịt, rối loạn cả lên.

Một lúc sau, không nghe thấy tiếng động "lịch bịch" như Đại Quấy viết trong báo thì "cu" Khải ngồi ngẫm nghĩ:

- Chả lẽ Đại Quấy chỉ sai, lần này mà làm không được thì chị Hương, con Dung, con Phượng nó cười "chích" mất.

Nghĩ vậy nên Khải mới đưa tay giở vung ra, chẳng biết làm thế nào mà cái vung nồi gang kêu lên một cái "cảng" một cách rất ư là khủng khiếp, thì ra "chàng" mải ngẫm nghĩ cho nên thay vì lấy miếng "lót tay" thì "chàng" lại dùng bàn tay nắm lấy, cho nên mới ra cớ sự.

Trở lại nồi cơm, lúc bấy giờ "chàng" vừa xít xa vừa kinh ngạc: Nước đi đâu hết rồi, cạn queo, gạo nổi lên tròn như cái bát úp. Vội vàng lấy đũa ra khuấy loạn xị lên, cơm văng tung tóe cả ra ngoài, rồi đậy nắp lại, trong khi đó bếp đã tắt ngúm nhưng vì nhìn trong sách không thấy dạy để lửa thế nào chàng cứ mặc kệ, ngồi chờ.

"Mười lăm phút sau, bắc nồi cơm xuống". Chàng lẩm nhẩm đọc và thầm nghĩ: "Lát nữa ta sẽ có nồi cơm hà hà..."

Thế là chàng cứ ngồi vậy cho đến đúng 15 phút sau liền bắc nồi cơm xuống và... "dzọt vào một chỗ kín đáo" (như Đại Quấy chỉ!). Chỗ kín đáo ở đây là cái "chuồng xí" nên anh chàng nhiều khi muốn... nhảy mũi nhưng cứ phải rán. Thổi một nồi cơm, thế mà ngót nghét... hai tiếng đồng hồ chứ phải chơi sao! Lúc ấy, phòng ngoài có tiếng chị Hương:

- Khải ơi! Xong chưa vậy, thổi có một nồi cơm bằng người ta làm xong bữa rồi mà chưa thấy ra! Vậy mà cứ khoe tài mãi, không sợ con Dung nó cười cho à!

Không thấy tiếng trả lời chị liền vào trong thì ôi thôi "bếp đã tàn, cơm đã nguội" mà bóng dáng ông em đi đâu mất biệt.

Bên trong... chuồng xí, Khải nghe rõ tiếng chị mở vung nồi cơm, rồi đậy lại nhưng không thấy nói gì thì mừng thầm.

Có tiếng con Dung, Phượng xí xa xí xô nói chuyện ngoài phòng khách:

- Anh Khải thổi cơm chưa xong anh Sơn ạ!

- Ờ! Không biết Khải thổi xong chưa cho anh ăn anh còn nghỉ mệt tí chứ, đi ra phố mua được vài món đồ vừa tốt vừa rẻ tiền sướng thật.

Có tiếng chị Hương:

- Thôi ăn cơm đi, (nói vọng lên nhà).

- Các em xuống ăn cơm kẻo nguội.

Cả bọn ùa xuống, bàn ăn khói bay nghi ngút từ những dĩa, tô mà bắt thèm.

Phượng vừa ăn vừa khen anh thổi cơm khéo ; tiếng con Dung hỏi chị:

- Sao mà ảnh nấu cơm ngon quá vậy chị?

Trong khi đó anh Sơn hỏi:

- Khải đâu sao không thấy ra?

- Tội nghiệp, chẳng biết nó đi đâu, chỉ thấy nồi cơm sống nhăn, bếp nguội ngắt chung quanh cơm văng tung tóe, bên cạnh là cuốn báo "Ngàn Thông" đang giở trang "Gia chánh con trai" do Đại Quấy chỉ dẫn.

(Vừa nói chị vừa đưa cuốn báo để lên bàn) nói tiếp:

- Chị biết thế nào cũng hư nồi cơ8m, cho nên chị thổi sẵn nồi cơm này...

Cả bọn "à" lên một tiếng, hiểu ra cả bọn cười như nắc nẻ trong khi anh Sơn cầm cuốn báo lên đọc to:

"Lời dặn quan trọng......" Anh Sơn đọc xong cả bọn lại cười bò ra một lần nữa, thế là dựa theo... "lời dặn quan trọng của Đại Quấy" cả bọn đi tìm Khải, tới... chuồng xí thì thấy khóa bên trong bèn lên tiếng gọi... Một lúc sau chàng Khải nhà ta mới chịu mở khóa thì cả bọn mới lăn đùng ra dãy đành đạch, tay ôm bụng mà cười vì hình dáng quá ư tiều tụy của Khải. Tay chân, mặt mũi lọ nghẹ bám tùm lum, đầu đầy tro bụi, khuôn mặt ngơ ngác. Thì ra vì bếp không cháy nên chàng cố sức thổi khói bay vào mắt, đưa tay lên dụi, cho nên mới ra cớ sự.

Thấy cả bọn "cười" trên sự "đau khổ" của "người ta" thì Khải bực mình tay thọc sâu vào túi quần đi ra khỏi... chuồng xí vừa đi vừa nhún vai:

- Thế mà cũng cười.

Rồi nghĩ:

- "Tàn một đời hoa".


TUẤN KHẢI       

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 12, ra ngày 20-10-1971)



Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

ĐI GIỮA ĐƯỜNG TRĂNG - Đằng Linh

  


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Gửi Tiếp Thu

Khung trời mùa thu mây bay
Đường thơm hoa bướm phô bày sắc hương
 
Giữa trời thu lộng tơ vương
Ánh trăng giãi xuống hàng dương liễu buồn
 
Phấn thông vàng rắc ngõ thôn
Đường trăng óng ả gọi nguồn hoang mê

Ngỡ ngàng chân bước lê thê
Em, con nai lạc lối về rừng xưa

Giữa trời thu đứng mộng mơ
Phiến hồn thôi cũng thẫn thờ dung nhan

Heo may thoảng nhẹ trên ngàn
Trần gian tắm ánh trăng vàng mùa thu

Như pha lê vỡ sương mù
Lả lơi. Huyền hoặc. Hoang vu. Tuyệt vời.

Em đi chiếc bóng chơi vơi
Trăng xuyên cành liễu rạng ngời ánh trong

Vàng gieo cánh lá thu phong
Đường trăng âm hưởng cõi lòng nhân gian.

                                                      ĐẰNG LINH
                                              (một mùa trăng kỷ niệm)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 129, ra ngày 15-9-1974)




Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

MÙA TỰU TRƯỜNG - Kiều Thanh

 



 

 

 

 

 

 

Những cánh phượng màu đỏ ối
Rời cành ngã xuống lối đi
Những đàn ve im tiếng khóc
Thì thầm chúng nói lời chi...

Ngày mai có đàn trẻ nhỏ
Vui tươi cắp sách đến trường
Gặp nhau khoe toàn chuyện cũ
Ôi thương biết mấy là thương.

Rồi thì những tà áo trắng
Tung bay trên khắp phố phường
Lẫn với quần tây thẳng nếp
Tóc xanh thơm ngát mùi hương.

Và cổng trường xưa lại mở
Tươi cười đón đám trò ngoan
Qua rồi mùa hoa ngăn cách
Tàn rồi những cánh hoa soan.

Ôi mùa tựu trường thơ mộng
Không còn những nhớ những thương
Chỉ còn là lo là học
Mê say dưới mái học đường.

                                KIỀU THANH (Đất Mẹ Văn đoàn)

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 32, ra ngày 25-9-1965)




Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

MÙA NHẬP HỌC - Rong Hồng

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Em áo trắng vương vương mùa nhập học
Hạ vừa qua thu đến tự bao giờ
Nghe lá khô xôn xao lời mời mọc
Mùa thu rồi em đã biết hay chưa

Nắng thu vàng vàng cả lối đi
Gót hài e ấp dáng nhu mì
Cho tóc em xanh màu mắt biếc
Cổng trường rộng mở đón chim di

Và những yêu thương bè với bạn
Với màu áo trắng rất hiền ngoan
Gió thổi tóc cài hoa vàng nụ
Thinh không lặng lẽ mùa thu sang

                                          RONG HỒNG
                                            (bn Phi Lao)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 60, ra ngày 15-10-1972)


 

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2022

HƯƠNG VỊ NGÀY XƯA - Nhật Tiến

  

Hồi ông bà Tâm quyết định dọn ra ở riêng, đối với ba anh em Hùng, Hương, Hạnh là cả một biến cố. Họ họp mặt nhau trong một buổi gặp gỡ riêng để bàn cãi sôi nổi. Hạnh, cô em gái út lên tiếng trách móc:

– Anh chị đối xử thế nào để đến nỗi bố mẹ phải ra ở riêng?

Hùng vò đầu bứt tai:

– Tao có làm gì đâu. Suốt ngày đi làm, chuyện gì xẩy ra ở nhà tao đâu có biết.

Hương nhìn anh bằng cặp mắt vừa buồn vừa giận:

– Làm gì mà anh chẳng thể biết. Có điều tại anh mũ ni che tai, không muốn biết đấy thôi.

Hùng đáp lại bằng một giọng yếu sìu:

– Ừ, thì cũng chỉ toàn là chuyện đụng độ vặt vãnh trong nhà với chị ấy, chứ có cái gì lớn lao đâu.

Hạnh chộp ngay lấy, mở to đôi mắt nhìn về phía anh và nói lớn:

– Vấn đề là ở chỗ ấy. Tính khí của bố mẹ thế nào, anh không biết sao. Lẽ ra, anh phải để tâm tới và phải có lời khuyên nhủ chị ấy về cung cách cư xử với bố mẹ. Ðằng này anh cứ ngậm tăm không nói, như thể anh cũng đồng ý về những điều chị ấy làm, hèn gì mà chị ấy chẳng làm tới.

Hùng bắt đầu nổi cáu:

– Mày ngon sao không mời bố mẹ về ở đi. Nói như thánh thán. Ðến lúc đụng độ với chồng, với con rồi mới thấy hoàn cảnh khó khăn của tao.

Hương thở dài:

– Hoàn cảnh của tụi em, anh đã thấy rồi. Cái Hạnh thì lấy chồng nghèo, chúng nó chui rúc trong một căn apartment, làm sao mời bố mẹ ở chung được. Còn em thì ở chung với gia đình nhà chồng. Mời bố mẹ về sao tiện. Chỉ có anh nhà cao cửa rộng, lại vợ chồng son, bố mẹ không ở với anh chị thì ở với ai ?

Hùng đáp:

– Thì tao vẫn năn nỉ mời bố mẹ ở chung chớ có ý kiến gì đâu. Chuyện ra ở riêng là ý muốn của bố mẹ thôi.

Hạnh không muốn nói gì thêm nữa. Nàng chỉ nhìn anh bằng đôi mắt trách móc. Trong khi ấy, Hương cũng nhún vai, lẳng lặng quay đi chỗ khác, lòng tràn ngập những nỗi buồn phiền. Ðiều này khiến cho Hùng càng cảm thấy nhột nhạt và tìm lời biện bạch:

– Chúng mày không ở hoàn cảnh của tao nên không thông cảm được. Này nhé, nhà mới, thảm mới, màn cửa, cái nào cái ấy trắng tinh khôi. Ngày nào chị ấy cũng phải dành rất nhiều thì giờ để chăm sóc từng ly từng tí. Thế mà bố cứ hút thuốc, phun khói như ống bễ lò rèn thì làm gì nhà không bị ám khói, đượm mùi. Nếu tụi bay ở địa vị của chị ấy thì tụi bay tính sao?

Hương không trả lời trực tiếp câu hỏi của anh, nhưng lại tố thêm:

– Em còn nghe nói chị ấy đòi giới hạn khu vực đi lại trong nhà để thảm trắng khỏi bị dơ. Có đúng không?

Hùng đáp:

– Cũng lại là một nỗi khổ tâm của tao nữa! Ai cũng biết mẹ là người ham xốc vác, làm lụng, suốt ngày cụ bì bõm ở vườn sau cuốc đất trồng rau, làm gì chân tay không dính đầy bùn. Với bộ thảm nhung trắng như tuyết đó, và với chân tay đó, làm sao không có chuyện đụng độ. Mà tao ở giữa tao làm gì được ?

Câu chuyện đi tới chỗ hoàn toàn bế tắc, chẳng ai nhìn ra được phương cách gì để giải quyết, nên cả ba chỉ ngồi thừ người ra, vẻ mặt của ai cũng đều rầu rĩ. Người nào cũng cảm thấy trong lòng buồn bã, xót xa và cùng nhớ lại thời kỳ tràn đầy hạnh phúc ngày xưa.

Chỉ hơn năm năm trước đây thôi, khi chưa có ai lập gia đình và tất cả còn cắp sách đến trường thì bố mẹ con cái quây quần sống với nhau thật là vui vẻ. Ông Tân hồi đó còn nhiều sức khỏe, lại cũng có công ăn việc làm tốt đẹp nên vẫn coi như cột trụ của gia đình. Bọn anh em Hùng, sống đời sinh viên, vừa đi học, vừa đi làm, tiền bạc góp chung lại thuê một căn nhà để mọi người cùng quây quần với nhau. Bà Tâm thì ở nhà lo hết mọi chuyện kể cả giặt giũ, nấu ăn cho cả nhà. Bầu không khí ấm cúng ngày xưa ở quê nhà lại được phục hồi trọn vẹn trong vòng tay yêu thương của tất cả mọi người.

Vui nhất là những bữa ăn do bà Tâm nấu nướng. Nhờ vật dụng, rau cỏ ở đây thức gì cũng có nên bà đã nấu những món quen thuộc của gia đình, với hương vị như gói trọn cả một thời thơ ấu của mấy anh em. Món canh dưa mà Hạnh luôn tấm tắc “tuyệt cú mèo”, món cà ri mà Hương nhận định “chỉ có mẹ nấu mới đặc biệt như vậy, ăn vào là biết ngay”. Còn nhiều món khác nữa, cũng đã đi vào khẩu vị của gia đình như làm sống lại cả một thời yên ấm đã qua.

Thế rồi ngày vui qua mau. Hương lấy chồng trước tiên. Rồi đến Hạnh. Anh Hùng kiên trì thêm vài năm nữa, tốt nghiệp đại học, làm lương cao, tậu nhà mới, rồi lấy vợ. Bầu không khí đoàn tụ, thương yêu cứ như những làn sương mỏng tan dần theo ánh nắng của mặt trời đang lên.

Buổi gặp gỡ bàn thảo chẳng đi đến một kết quả gì. Thôi thì đành buông xuôi và mỗi người đành che giấu trong lòng một niềm chua xót riêng tư.

Ông bà Tâm từ ngày ấy dọn ra ở riêng tại một khu chung cư nghèo nàn. Tuy ở vào tuổi sấp sỉ sáu mươi, nhưng ông cũng còn lái được xe chạy đây, chạy đó. Bạn bè của ông giúp đỡ tận tình, người mách việc này, kẻ giới thiệu việc kia nhưng không việc nào được lâu bền. Có người thấy tình cảnh khó khăn của ông bà, đã cất lời khuyên giải:

– Mỗi thời, mỗi nơi có một phong tục, một cách sống. Ông bà giận con cái làm gì cho mệt thân.

Ông Tâm chỉ mỉm cười:

– Tôi đã nói với các ông nhiều lần rồi mà vẫn không chịu tin. Chúng tôi tự ý ra ở riêng chính là vì quan tâm đến chúng nó. Ở xứ này, tự do cá nhân là điều quan trọng hàng đầu. Mình không muốn làm cho đời sống riêng tư của chúng nó bị xáo trộn.

Cái ông vừa mới trước đây cất lời khuyên giải bỗng đã nổi sùng một cách mau chóng hơn ai hết. Ông ta vặc lên ngay:

– Tự do gì bằng bố mẹ của mình.Tôi lấy làm lạ cho cái xứ sở gọi là tuyệt đỉnh văn minh này.

Ông Tâm cười:

– Mỗi thời, mỗi nơi một phong tục. Ngẫm nghĩ ra, ông còn dễ nổi nóng hơn tôi. Nhưng mà ông ơi, phải tự biết mình và phải cảm thông thôi.

Rồi ông giảng giải:

– Theo tôi thấy, phong tục ta ngày xưa, các bậc làm cha mẹ tự đặt cái tôi của mình lên quá cao. Trong quan hệ bố mẹ- con cái, chỉ có bố mẹ là uy quyền tuyệt đối, con cái không có chỗ để len chân vào.

Ông bạn kia nhún vai:

– Cái đó thì cũng đúng thôi. Ðã làm con thì phải biết công lao dưỡng dục, sinh thành của bố mẹ chứ.

– Ðành rằng thế. Nhưng nhìn vấn đề như vậy vẫn chỉ có tính cách kể công mà không xem trọng cái quan hệ giữa người với người. Tôi cho rằng cái quan niệm đề cao tuyệt đối một con người, lại dẹp bỏ dứt khoát một con người khác, là quan niệm kể công, hẹp hòi. Cái đó phải sửa !

Ông bạn cười khẩy:

– Ái chà! Ông lại còn đòi sửa sai cả phong tục, tập quán của tổ tiên, ông bà cơ đấy. Tôi không ngờ ông lại còn tự do hơn cả Mỹ nữa.

Ông Tâm vẫn mỉm cười, giọng tiếp tục nhỏ nhẹ:

– Ông bà của mình cũng có nhiều cái sai phải sửa lại chứ. Ông thử tính coi, hầu hết các vị làm bố, đều nhìn con cái như một lũ nô lệ dưới quyền. Hơi một chút là phật lòng. Hơi một chút là tự ái nổi lên đùng đùng. Thậm chí nhiều người còn sẵn sàng lôi con cái ra xỉ vả, đánh đập để thỏa cơn giận dữ của mình. Làm như chỉ mỗi một mình mình là có nhân vị, không đứa nào được đụng đến, trong khi nhân vị của chúng nó thì mình cứ coi như không.

Ông bạn mỉa mai:

– Thế là, theo ông, bố mẹ bây giờ, ở đây chẳng có quyền hành gì hết cả à?

– Có chứ sao không! Nhưng sống là thỏa hiệp chứ không phải trấn áp.Thỏa hiệp không xong thì tự mình tách ra, cho khỏe cả hai bên. Chúng nó cũng có những hạnh phúc riêng phải duy trì, có những vấn đề riêng mình không thể lấy quyền làm cha mẹ mà tước đoạt đi được.

Dĩ nhiên, vấn đề còn phải được bàn cãi rất nhiều, nhưng ông Tâm coi như đã lựa chọn cho mình một quan niệm sống, và điều này, ông lại được bà hoàn toàn chia xẻ. Chính vì thế, cả hai ông bà không thấy khổ tâm khi phải tách rời khỏi cuộc sống chung đụng với con cái. Ðời sống ở đây, có quá nhiều điều phải bận tâm nhất là về mặt ổn định kinh tế. Cả hai ông bà đã lăn lưng ra bương trải để có thể tồn tại trong tư thế độc lập. Có thời gian, ông đi cắt cỏ, làm vườn. Rồi đổi qua nghề gác dan, lái xe giao hàng. Còn bà thì vẫn ở nhà nấu nướng, coi sóc nhà cửa và kiếm phụ thêm bằng nghề xâu dây cườm cho một cửa tiệm bán đồ nữ trang, trang trí. Mỗi sợi dây cườm có khoảng hai trăm hột, cứ xâu năm hột mầu này lại đổi sang năm hột mầu khác.Xâu xong phải kiểm lại không được hột nào thiếu, hay là dư. Xâu tới xâu lui, lại mò mẫm đếm đếm, kiểm kiểm, cũng phải mất nửa giờ mới xong một sợi và được trả công hai mươi lăm xu. Mỗi ngày ngồi cặm cụi như thế, bà cũng kiếm thêm được vài đồng tiền chợ. Những đồng tiền ít ỏi nhưng đem lại cho bà nguồn vui và niềm tự hào.

Những ngày gần đây, đột nhiên ông thông báo:

– Tôi đã nhận đi bỏ báo hàng ngày. Có mệt hơn một chút nhưng tiền bạc khá hơn.

Bà Tâm nghe xong dẫy nẩy lên:

– Làm sao ông gánh vác nổi chuyện đó. Ông có biết rằng mỗi tờ báo ở đây nặng bao nhiêu không. Từ kí rưỡi đến hai kí đó ông. Sức của ông làm sao ông liệng nổi.

Ông Tâm co ruỗi cánh tay của mình như ướm thử rồi nói:

– Báo kí rưỡi, hai kí là báo ra ngày Chủ nhật thôi. Còn ngày thường thì đâu đến thế.

Nhưng bà vẫn cương quyết:

– Nhưng ngày gì thì gì, cũng không hợp với sức khỏe của ông. Tôi đã biết nhiều người đi bỏ báo, họ lái xe trên đường phố, vẫn ngồi ở đó mà liệng tờ báo băng qua lề đường vào đến tận cửa. Khoảng cách xa thật là xa. Không có sức khỏe không thể làm được.

Thấy ông tần ngần, bà đề nghị:

– Hay là để tôi đi với ông. Ông chỉ việc lái xe, còn tôi cầm báo chạy vô đặt tại chỗ. Thế là khỏi phải ném, phải liệng.

Ông Tâm dẫy nẩy lên:

– Thôi bà đừng có vẽ chuyện. Bà phải biết, muốn có báo giao, phải đi từ một, hai giờ sáng để xếp hàng, lãnh báo, rồi cột dây. Hôm trời mưa còn phải thuồn báo vô bao ny lông cho khỏi ướt. Ba, bốn giờ sáng mới có đủ báo đem giao. Làm việc như thế sức nào bà kham.

Bà Tâm mỉm cười:

– Thì tôi chỉ phụ với ông ở phần giao báo thôi. Ông lãnh xong đâu đấy, tạt qua nhà đón tôi lên xe. Tôi sẽ đi để báo tại chỗ cho ông. Có gì đâu mà mệt.

Ông Tâm không có cách nào từ chối, đành ưng thuận. Thế là mỗi buổi sáng, cả hai ông bà ngồi trên chiếc xe cũ kỹ, chạy khắp các đường phố. Tới mỗi nhà, bà lanh lẹ mở cửa xe, đem tờ báo chạy tọt qua lề đường và đặt ở ngay trên ngưỡng cửa. Ông vẫn để xe nổ máy, ngừng chờ, mắt theo dõi bước chân thoăn thoắt của bà chạy trên nền xi măng. Trong đầu của ông, bà luôn luôn hiện ra hình ảnh một người bạn đường tuyệt vời, chia xẻ với ông mọi điều, lúc vui vẻ cũng như khi buồn rầu, khi sung túc cũng như trong nghèo khó, lúc ốm đau cũng như khi khỏe mạnh. Trong những trạng huống ấy, bà đã thực hiện một cách triền miên và cụ thể lời rao giảng của cha xứ ngày nào cách đây hơn ba chục năm trong lễ hôn phối của hai ông bà. Ông luôn luôn tự nhủ, ông là một người may mắn. Hôn nhân chẳng phải là một điều dựa trên sự may rủi hay sao? Ông nhận thấy, hồi này, trong tâm tưởng, ông thường hay ôn lại những tháng ngày của thời kỳ hai người còn son trẻ. Hình ảnh của bà hiện ra trong ý nghĩ của ông bao giờ cũng là một người khả ái, dịu dàng, lúc nào cũng tận tụy, gắn bó, chia xẻ với ông trong bất kỳ tình huống nào. Lòng ông cảm thấy xúc động, bồi hồi xen lẫn với cảm giác yên ổn, mãn nguyện như nhận thấy mình đã đi qua gần hết mọi quãng đường đời mà không thấy có điều gì phải tiếc nuối cả. Ðiều này khiến cho ông gìn giữ được niềm lạc quan trong đời sống cho dù rất vất vả, cực nhọc. Hơn thế nữa, ông còn cố gắng che giấu hoàn cảnh cực nhọc của mình để các con của ông khỏi buồn lòng. Cái Hương, cái Hạnh thường xuyên điện thoại hỏi thăm bố mẹ. Bao giờ ông cũng trấn an chúng nó bằng những tiếng cười ròn rã:

– Bố mẹ lúc nào cũng thấy vui vẻ, thoải mái, đừng có lo!

Cũng có nhiều lần cả hai chạy đến dấm dúi cho mẹ những tờ giấy bạc. Nhưng bao giờ bà cũng dẫy nẩy lên:

– Thôi cứ giữ lấy mà lo cho chồng cho con. Chừng nào cần, tao hỏi.

Sự quả quyết của bà khiến cho cả hai cùng cảm thấy yên lòng. Trong thực tế, họ cũng không biết rõ bố mẹ đã làm những gì để sinh sống ngoài ý niệm mơ hồ rằng bố quen thuộc nhiều bạn bè, nên có nhiều cơ hội để sẵn sàng có đủ mọi loại công việc, trong khi ấy, mẹ thì cặm cụi ngồi xâu chuỗi cườm kiếm thêm, kể ra cũng nhàn nhã, không lấy gì làm vất vả.

Cho đến một hôm, ông Tâm cảm thấy mình khó nhỏm dậy được vào lúc một giờ sáng. Nằm ở giường bên kia, bà Tâm đã lên tiếng nhắc chồng đến hai ba lần:

– Một giờ rồi đấy ông.

Bà thấy ông cựa quậy, giở mình, nhưng rồi vẫn êm ru. Trong cơn nửa thức, nửa ngủ bà nghĩ ngợi lơ mơ, nhưng rồi bà chợt choàng dậy vì một cơn hốt hoảng từ đâu chợt ùa đến xâm chiếm trọn vẹn đầu óc của bà. Bà nghĩ đến ông, đến tuổi tác của ông, đến sức khỏe của ông có nhiều sút giảm thấy rõ sau những ngày tháng mò mẫm dậy từ lúc nửa khuya về sáng. Hôm nay ông không trở dậy đúng giờ là một điều bất bình thường. Bà bỗng thấy xương sống của mình lạnh buốt. Bà vội nhào qua bên giường của ông, cất giọng thất thanh:

– Ông làm sao thế?

Lại có tiếng của ông Tâm cựa mình. Bây giờ thì ông có vẻ tỉnh táo hơn. Ông nghển đầu lên, vừa thò tay bật nút đèn vừa cố nhoẻn một nụ cười trấn an:

– Có gì đâu! Có gì đâu!

Bàn tay của bà quờ quạng nắm được cánh tay của ông. Bà nhìn thẳng vào mắt ông như vận dụng bao nhiêu năm kinh nghiệm sống chung của mình để tìm hiểu xem thực sự chuyện gì đã xẩy ra cho ông. Ông Tâm lại nói:

– Tôi chỉ hơi mệt mệt một tị. Bà đừng có lo.

Rồi ông cố gắng ngồi dậy. Chân tay của ông cử động được dễ dàng, nhưng sao trái tim của ông thắt lại. Một cơ bắp nào đó đang co rút khiến cho một vẻ đau đớn thảng thốt vụt hiện ra trên nét mặt rúm ró của ông. Ông lại nằm vật xuống và bây giờ thì bà không còn giữ được bình tĩnh nữa rồi. Bà hối hả ngồi xuống,vực ông dậy,lòng tràn ngập lo âu, tiếng nói của bà đã ríu lại:

– Ông làm sao thế? Ông cảm thấy thế nào?

Ông Tâm yên lặng không trả lời. Ông còn đang bận tâm nghe ngóng xem cái cơ bắp trong tim mình vận hành ra sao. Nó đã rút lại khiến cho ngực của ông nóng ran lên, và đem lại cho ông cái cảm giác cực kỳ đau đớn. Ông nhắm nghiền mắt lại, vận dụng khả năng chống trả của mình, để ráng chịu đựng cơn đau. Ông nghĩ chuyện gì tới rồi nó cũng sẽ tới. Ông không có điều gì phải tiếc nuối cho cuộc đời đã có quá nhiều đắng cay vất vả của ông. Một lúc sau, bỗng ông cảm thấy như cơn đau đã giảm cường độ. Hình như có đường gân nào đó đang rãn trở ra. Nó rãn đến đâu, ông cảm thấy dễ chịu đến đó và lồng ngực của ông trở lại ấm áp như bình thường. Một cảm giác dễ chịu chạy lan từ thân mình xuống tới tận các đầu ngón chân. Ông vui vẻ nhe răng cười:

– Có gì đâu! Tôi thấy dễ chịu rồi.

Vừa nói ông vừa ngồi thẳng dậy. Cử chỉ của ông nhanh nhẹn như bình thường. Ông gỡ cánh tay của bà ra và nhẩy xuống khỏi giường. Mắt ông liếc qua chiếc đồng hồ để trên mặt bàn. Hai chiếc kim đã chỉ gần một giờ ba mươi. Vậy là ông đã bị chậm trễ mất hơn mười lăm phút. Cũng không hề hấn gì. Chỉ đóng gói các tờ báo lẹ chân, lẹ tay hơn một chút là đâu lại vào đó. Rồi ông lại sửa soạn như thường lệ và rồ xe ra đi.

Ông không thể biết rằng sau khi ông đi thì bà cũng không ngủ lại được nữa. Trong thâm tâm của bà đã lộ ra một ý nghĩ quyết liệt: phải chấm dứt cái nghề bỏ báo vất vả này cho ông càng sớm càng tốt. Áo cơm là vấn đề thiết thân thật, nhưng cũng không thể vì nó hy sinh toàn bộ sức khỏe của mình trong khi vẫn còn những đường lối khác để cứu vãn.

Bà đã suy nghĩ rất nhiều về chuyện này, bỏ thì giờ chạy đôn chạy đáo để thăm dò trong đám bạn bè quen thuộc. Rồi vài ngày sau, bà báo tin với ông là bà đã tìm ra được một công việc mới. Ði coi nhà, nấu nướng và giữ em cho gia đình một cặp vợ chồng trẻ. Lương lậu không đủ chi trả tất cả mọi chi tiêu, nhưng cũng bù đắp được lỗ hổng một khi ông bỏ việc. Và bà yêu cầu chấm dứt việc đi giao báo hàng ngày. Ông giơ tay lên ôm đầu, giọng đầy xót xa:

– Ðã đến nỗi nào mà bà đã phải làm như thế.

Bà nghiêm khắc nhìn ông như bà đang nắm giữ trong tay tất cả mọi uy quyền. Cái quyền được bảo vệ sức khỏe cho ông. Giọng của bà chắc nịch:

– Không còn đường nào khác! Ông phải nghe lời tôi. Vả chăng ông đã chẳng thường nói chẳng có nghề nào lương thiện mà mình không thể làm. Giữ em cho người ta chứ có gì đâu mà ông phải băn khoăn.

Biết tính của bà mỗi khi ứng xử tùy theo từng hoàn cảnh, ông đành nhún vai buông xuôi.

Thế là từ hôm ấy, bà để ông lái xe đưa bà đi làm lúc gần tám giờ, buổi chiều ông tới đón vào lúc bẩy giờ. Một tuần sáu ngày, trừ ngày Chủ nhật. Bọn cái Hương, cái Hạnh có gọi điện thoại đến hỏi thăm, bà dặn ông trả lời:

– Mẹ đi làm ở xưởng may. Lương bổng khá mà cũng không vất vả gì nhiều.

Mà quả thực, coi vậy chứ bà cũng không đến nỗi phải lao lực trong khi làm việc. Ðôi vợ chồng trẻ cùng có công ăn việc làm. Họ giao cho bà trông đứa bé mới vừa tròn ba tháng. Thằng bé ngoan ngoãn, tới giờ là bú sữa bình, bú xong thì nằm chơi trên chiếc giường đu đưa có gắn loại máy phát ra những bản nhạc êm dịu, nhẹ nhàng. Bản nhạc bao giờ cũng ru đứa bé vào giấc ngủ say sưa. Nhờ thế bà có dư thì giờ để dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị bữa cơm chiều. Khi đôi vợ chồng trẻ trở về thì mọi sự đã gọn gàng đâu vào đấy. Cơm nước cũng sẵn sàng. Món ăn rất vừa miệng khiến nhiều lần cô vợ buột miệng khen ngon. Ðến nỗi có lần nàng đề nghị với bà:

– Cháu thỉnh thoảng có mời bạn bè ăn uống vào tối thứ bẩy. Những bữa đó, nhờ bác nấu nướng thêm đũa thêm bát giùm cho.

Rồi như sợ bà cảm thấy công việc trở nên vất vả hơn, nàng giải thích tiếp:

– Nấu cơm thường thôi chứ không bầy vẽ gì cả. Bởi nếu bầy vẽ thì cháu đã mời họ đi ăn tiệm. Ðằng này, chúng cháu chỉ gặp nhau hàn huyên trong không khí gia đình.

Bà Tâm vui vẻ nhận lời ngay:

– Thế thì được. Không phải tôi ngại vất vả, nhưng tổ chức tiệc tùng thì tôi nấu nướng không rành, sợ dở không ăn được. Chứ còn cơm thường thì đâu có sao.

Rồi bà kê ra một loạt những món ăn hàng ngày để tùy nghi lựa chọn.

Một ngày thứ Bẩy sau đó, bà bầy biện tươm tất một bàn ăn có tới tám người. Hai bát canh dưa nghi ngút khói đặt giữa những đĩa rau xà lách xanh tươi xen lẫn với những đĩa thịt kho nhừ, và thịt bò xào lẫn với những miếng khóm vàng tươi.

Người chủ nhà tiễn bà ra cửa lúc giờ về, đã nắm lấy tay bà cất giọng đầy cảm kích:

– Bác sửa soạn cho cháu thế này là chu đáo quá rồi. Tối nay chúng cháu tha hồ được vui.

Bà nhìn người vợ trẻ với ánh mắt đầy hân hoan. Bao giờ bà cũng tìm thấy niềm vui trong việc làm hài lòng người khác. Lúc ngồi trong xe trên đường về nhà, bà vui vẻ kể chuyện cho chồng nghe về công việc trong ngày của mình.

Cả buổi tối thứ Bẩy hôm đó, bà luôn luôn thấy lòng nhẹ nhõm, thanh thản. Bà có cảm giác như mình vừa hoàn thành một công việc trọng đại : cất được cái gánh nặng nề vất vả để gìn giữ sức khỏe cho chồng.

Duy có điều, nếu bà hình dung được những gì đã xẩy ra trong buổi tối hôm đó thì chắc niềm vui của bà không được trọn vẹn như thế. Bởi vì, trong đám bạn bè của đôi vợ chồng trẻ tụ tập hôm đó, lại có cả sự hiện diện của Hạnh và Hương.

Lúc ngồi vào bàn ăn, mùi canh dưa bốc khói tỏa lên, làm cả hai xuýt xoa vừa nói với nhau, vừa nói với tất cả mọi người:

– Trời ơi! Tuyệt cú mèo! Ðã lâu lắm không được ngửi thấy mùi canh dưa.

Rồi Hạnh múc một muỗng nhỏ đưa lên môi nếm thử. Hương vị của muỗng canh làm đầu lưỡi của nàng tê đi và đồng thời làm thức dậy trong ý nghĩ của nàng những cảm giác xôn xao, quen thuộc. Hình như chứa ở sau cái vị bùi bùi, ngậy ngậy, chua chua là hình ảnh của khuôn mặt đầm đìa mồ hôi của mẹ nàng thấp thoáng sau nồi canh đang nghi ngút bốc khói. Rồi đâu đây, rộn rã vẳng lên những tiếng cười, không phải là tiếng cười của Hùng, của Hạnh, của Hương bây giờ mà là của cả ba người trong quãng thời thơ ấu ngày xưa, sau một ngày chạy nhẩy rông dài đầu làng cuối xóm, lòng dạ đói meo, tất cả cùng kéo nhau về tìm mẹ ở trong bếp để ríu rít đòi ăn. Mùi canh dưa y hệt như thế này, đã tỏa lan trong căn bếp chật chội, có mái thấp và những sợi mồ hóng rủ xuống từ những cái đà bằng tre nứa bắc ngang. Mẹ như một bà tiên hiền hậu, hai mắt long lanh, hai má của mẹ đỏ hồng. Mẹ cười như nắng tỏa lúc ban mai:

– Các con đi rửa tay chân rồi ăn cơm. Mọi thứ sẵn sàng hết cả rồi.

Lũ nhỏ chạy túa đi, như một bầy chim nhỏ vui tươi, ríu rít vì được che chở, được yêu thương, chăm sóc.

Trong khoảnh khắc, lòng Hạnh chùng xuống và nàng cảm thấy mùi canh dưa bây giờ đang tỏa ngát chẳng những ở bầu không khí chung quanh mà còn tràn ngập cả trong tâm hồn của nàng. Nàng liếc sang phía chị Hương và nhận ra ngay chị ấy hình như cũng đang trải qua một cơn xúc động. Nhưng rồi bất chợt, có tiếng của Hằng, cô bạn chủ nhà trẻ tuổi vang lên, đầy vẻ mãn nguyện:

– Các bồ đã thấy canh dưa tuyệt cú mèo không. Của bà Tâm, người làm mà chúng tôi mới mượn được đấy! Bà này nấu ăn phải nói là số một!

Tai của Hạnh ù lên. Nàng không còn nghe thấy được tiếng xôn xao của các bạn bè khác đang thi nhau phát biểu ý kiến về những món ăn trên bàn. Nàng có cảm giác như bất chợt có một bàn tay lạnh lùng, tàn nhẫn nào xòe ra, nắm lấy trái tim của mình rồi xiết lại. Cơn đau ùa đến bất chợt làm Hạnh thót người lại, những nét nhăn nhúm chợt hiện ra trên khuôn mặt xanh xao và yếu đuối của nàng, và bỗng nhiên những giọt nước mắt chợt trào ra, chan hòa trên bờ mi làm khung cảnh sáng rỡ ở chung quanh bỗng nhiên trở nên nhòe nhoẹt. Ngồi chết sững ở đó, Hạnh không cất lên được một lời nào, nàng cũng không thể suy nghĩ thêm được một ý nghĩ nào khác ngoài sự nhận thức mơ hồ rằng chị Hương cũng đang đứng dậy. Một tay chị ấy xô cái ghế để lấy lối ra. Một tay giơ chiếc khăn ăn lên che kín gần cả khuôn mặt. Hình như chị ấy đang hối hả đi tìm chỗ có phòng rửa mặt.

 
NHẬT TIẾN    
Cali, 25/6/94    
 
 

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2022

HAI NIỀM HY VỌNG - Nguyễn văn Nghệ

  

Tối nay, ba bỗng gọi anh Hoàng và Dũng lại, bảo:

- Hai con lớn cả rồi, có lẽ cũng cần tiền để xài phí. Đây, ba cho mỗi đứa năm chục đồng. Với số tiền nhỏ này, chắc các con chẳng mua gì được nhiều, phải không? Vậy các con hãy dùng nó làm thế nào sanh lợi thêm nữa, để vừa có tiền vừa tập tính toán cho quen.

Thôi đã khuya lắm rồi, các con đi ngủ đi!

Hai anh em nhìn nhau ngạc nhiên. Lần thứ nhứt ba cho một số tiền lớn và dặn dò như thế làm cả hai thấy bối rối. Anh Hoàng năm nay mười bốn tuổi, và Dũng chỉ mới mười hai, thì biết làm gì để sanh ra tiền? Phải chi ba cho tiền để xài, rồi thôi, thì khỏe biết mấy! Dũng cầm tiền trong tay mà không mừng chút nào, đây là một gánh nặng chớ đâu phải là điều vui. Nhưng không thể trái lời ba được, cả hai đều không muốn người buồn lòng. Vả lại, lời ba dạy bao giờ cũng có lợi cho các con.

Hai anh em cùng ngủ chung giường, và cùng trằn trọc suy nghĩ miên man. Lục lọi trong trì mãi, Dũng vẫn chưa tìm được một phương cách nào. Bây giờ Dũng mới rõ: muốn kiếm ra tiền thật khó khăn biết bao! Dũng thấy thương ba quá! Người đã chịu khổ cực, làm việc nuôi sống gia đình. Hèn nào ba hay tiếc từng đồng bạc nhỏ. Phải rồi, vì đó là do những giọt mồ hôi gian lao của ba tạo nên. Thế mà lâu nay, Dũng ưa dùng tiền ba cho để mua đồ chơi bậy bạ chứ! Dũng hối hận rất nhiều.

Chợt anh Hoàng đập tay xuống giường, thở phào thốt:

- Phải rồi!

Dũng giựt mình quay lại hỏi:

- Anh tìm ra... được rồi à? Cho em biết với!

- Ừ, được rồi! Nhưng cho mầy biết, mầy... ăn cắp của tao sao! Để mai rồi sẽ rõ.

Dũng cuống lên. Anh Hoàng đã có phương pháp làm ra tiền rồi, còn mình chưa có một tia sáng nào cả, làm sao đây? Dũng lại tiếp tục lục lọi trí óc, nhưng vẫn mù tịt, và sau cùng mệt mỏi, lịm dần trong giấc ngủ.

Trưa hôm sau, đang lúc dùng cơm, ba hỏi:

- Thế nào, hai con có cách gì cho năm chục đồng tăng lên không?

Anh Hoàng đứng dậy, hớn hở đáp:

- Dạ có, con có rồi! Để con lấy ba xem.

Anh đẩy ghế, đi mau lên nhà trên. Ba quay lại hỏi Dũng:

- Còn con?

Dũng bẽn lẽn đáp nhỏ:

- Dạ... chưa!

Ba mỉm cười:

- Cố lên nhé!

Má vừa gắp thức ăn cho Dũng vừa nói:

- Ông bày đặt quá!

- Ậy, tôi tập cho chúng làm việc mà.

Anh Hoàng vừa trở xuống, lên tiếng:

- Dạ đây, ba!

Mọi người nhìn lên. Anh vui vẻ giơ cao hai vé số!

Cơm nước xong, Dũng đi thơ thẩn trước sân, lặng lẽ nghĩ ngợi như một người lớn.

Nhà Dũng ở vào vùng ngoại ô nên quanh nhà có đất rộng trồng cây cối mát mẻ. Trời đã trưa lắm rồi, nhưng ánh nắng xuyên qua những tàn cây đan nhau, rơi xuống đất, chỉ còn là những đám, những hạt nhỏ rải rác sáng dịu dàng.

Dũng đến ngồi dưới gốc một cây trứng cá, nhặt một mảnh ngói, vẽ nguệch ngoạc vô tình trên cát. Có tiếng gà gáy đằng xóm, giọng trầm bổng kéo dài rơi vào không gian vắng lặng, buồn làm sao! Dũng lắng tai nghe, nét mặt bỗng sáng hẳn lên như vừa khám phá ra một điều gì hay đẹp, rồi vụt đứng lên, đi mau vào nhà, hỏi má:

- Giờ này chợ còn bán không má?

- Tan hết rồi! Con hỏi làm gì?

- Con tính đi chợ chơi, mà thôi, để sáng mai vậy.

Dũng quay trở ra sân, có vẻ vui tươi và cởi mở.

Hôm sau, Dũng xin ba má cho đi chợ thật sớm, khá lâu mới về đến, hai tay ôm khư khư một bọc giấy, rón rén đi xuống nhà dưới, để dưới bộ ván, và lấy rổ đậy lại. Những hành động "bí mật" ấy không ai hay cả.

Lúc ba đi làm về, thay đồ xong, ngồi hút thuốc trên nhà trên, Dũng xách bọc giấy có tiếng kêu chút chít ấy, lại sau lưng:

- Ba ơi, coi cái nầy của con nè!

Ba quay lại:

- Gì đó?

Dũng cho tay vào bọc, bắt để trong lòng bàn tay cho ba thấy hai con vật tròn trịa xinh xắn, có lông màu vàng nhạt. Chúng há những cái mỏ bé bỏng kêu chen chét. Đó là hai chú gà con. Dũng giải thích:

- Con lấy tiền ba cho, mua hai con gà nầy có mười đồng. Con sẽ nuôi cho chúng lớn, rồi chúng sanh ra gà con, gà con lớn lên, con đem bán lấy tiền... Vậy được không ba?

Ba vuốt đầu Dũng, tươi cười đáp:

- Được lắm chứ! Con tính hay quá, ba chúc con thành công nhé!

Dũng dạ nhỏ, rồi tíu tít, vui vẻ chạy đi khoe với má.

Nhưng mọi việc không êm xuôi như Dũng nghĩ. Ngay ngày sau đó, một con gà ngã lăn ra chết, mặc dù Dũng hết sức chu đáo! Và sáng hôm nay, ngày thứ tư, Dũng thăm con gà còn lại như mọi bữa, để rồi thấy quặn cả lòng: nó đã chết cứng tự lúc nào!

Dũng đem xác con vật chôn cất tử tế, vẻ mặt buồn bã vô cùng. Dũng cho má hay, và nói:

- Con đã hiểu, hai con gà đó cũng như hai đứa nhỏ vậy, chúng không có ba má, nên không thể sống được, phải không má? Bây giờ con không nuôi gà con nữa, con sẽ nuôi gà giò. Má mua giùm con nhé?

- Ờ, đưa tiền má mua cho. Mà con muốn mua loại gà gì?

- Con thích gà nòi má ạ! Nó mạnh mẽ oai vệ lắm!

Vừa khi ấy có tiếng anh Hoàng reo gọi từ ngoài cổng vọng vào. Anh đi chợ từ sớm để mua tờ nhựt trình dò số, giờ về đến kêu om, không chừng anh được trúng.

Anh Hoàng trúng thật! Một vé trúng một trăm, còn vé kia tí nữa là được một ngàn đồng. Anh vui mừng nhảy múa làm Dũng cũng vui theo. Hay tin gà của Dũng chết cả, anh chìa cho Dũng mười đồng, bảo:

- Thôi, đừng buồn, lấy đi! Chớ có nuôi gà nữa, mua giấy số như tao vậy nè!

Dũng lắc đầu từ chối:

- Cám ơn anh, em còn tiền. Anh không nghe ba thường nói sao? "Thua keo này bày keo khác" mà! Nuôi gà con không được thì em nuôi gà bự.

- Hừ! Để xem mày làm được gì.

Lần nầy Dũng may mắn thành công. Cặp gà nòi một trống một mái của má mua giùm rất khỏe mạnh. Nhờ có đất rộng, chúng được tự do chạy nhảy kiếm ăn nên rất chóng lớn. Chẳng bao lâu, con gà mái bắt đầu đẻ. Quả trứng đầu tiên được Dũng nâng niu, đem khoe với mọi người, xem quí hơn vàng. Đẻ được mười bốn trứng, gà ấp, và non tháng nở ra một đàn gà con mủn mỉn, khỏe mạnh như cha mẹ chúng. Dũng mừng rỡ làm sao! Tối ngày má luôn thấy Dũng lo đến bầy gà, cho ăn uống, vuốt ve, và có khi nói chuyện với chúng nữa!

Trong khi ấy, anh Hoàng vẫn tiếp tục mua vé số. Anh hy vọng sẽ trở thành triệu phú. Nhưng triệu phú đâu không thấy, chỉ thấy số tiền của anh cạn dần. Mãi đến lúc anh sắp sửa thất vọng, thần tài mới trở lại cho anh trúng năm trăm đồng, để kéo anh về với những ước mơ rực rỡ. Anh hăng hái mua số nhiều hơn.

*


Một thời gian sau, vào một buổi tối, gia đình Dũng quây quần bên ngọn đèn dầu, trừ anh Hoàng có vẻ tư lự, mọi người đều vui trong bầu không khí ấm cúng của gia đình. Bỗng Dũng bước đến bên ba, hai tay đưa một tờ giấy bạc, thỏ thẻ:

- Thưa ba, con xin đưa lại ba năm chục đồng để ba mua thuốc hút.

Ba xếp tờ báo đang đọc dở, quay lại ngạc nhiên:

- Tiền gì vậy?

- Dạ, tiền ba cho con mua gà lúc trước đó. Hôm qua con nhờ má bán đàn gà được mấy trăm ba ạ! Con nào cũng lớn mập nên được giá ghê!

- Con giỏi quá! Nhưng hãy cất năm chục nầy đi, ba cho con rồi mà... À, bây giờ đã có tiền nhiều con tính mua xài gì đây?

- Chưa ba ạ, con tính với má lấy tiền nuôi một con heo, má đã bằng lòng.

Ba cười lớn:

- Cha! Làm ăn lớn dữ há!

Rồi quay sang hỏi anh Hoàng:

- Còn Hoàng, trúng được mấy triệu rồi?

Anh thẹn thùng cúi mặt. Má đáp thế:

- Ối! Cái thằng đó có tiền bao nhiêu mua số hết, sạch túi rồi mà chẳng trúng một xu!

Dũng bàn:

- Anh à, anh đừng mua số làm chi, cứ chăn nuôi như em vậy. Em mua heo còn dư tiền xin đưa anh làm vốn.

Anh Hoàng ngẩng lên:

- Tao mà xin tiền của mầy hả?

- Không, em chỉ cho mượn chừng nào anh có sẽ trả.

Ba xen vào:

- Phải đó Hoàng, hãy nghe thằng Dũng đi. Con không muốn nuôi gà, heo thì nuôi thỏ, bồ câu... cũng có lợi lắm.

Anh Hoàng cúi đầu lặng thinh. Ba đưa tay ôm Dũng vào lòng, và nói:

- Các con thấy chứ? Ta không nên mua lấy những hy vọng mỏng manh, mong chờ đến sự may mắn, mà chỉ nên tìm những nguồn hy vọng có thể thực hiện, như Dũng đã làm thật đáng khen thưởng.


NGUYỄN VĂN NGHỆ     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 9, ra ngày 25-9-1963)

 

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2022

HOA MƯỜI GIỜ - Phong Hằng

 

Chim vẫy gọi đường xưa màu sỏi trắng
Đến một chiều trong dáng dấp thương yêu
Tuổi mười lăm ơi loài hoa thầm lặng
Nở mười giờ trên lối vắng cô liêu.

Có cô bé thầm yêu loài hoa ấy
Hoa tím cài trên áo trắng tinh khôi
Ôi hoa nở cô mừng vui biết mấy
Đường học về cô không thấy đơn côi.

Những sáng hồng đến trường trong sương sớm
Nắng chưa lên nên hoa vẫn thẹn thùa
Hoa khép mình trong lá xanh khiêm tốn
Nắng mười giờ hoa hé nụ thật mau.

Và những lần cơn mưa nào chợt đến
Nắng không về nên hoa tím hắt hiu
Cô bé buồn không còn ai trò chuyện
Áo trắng hờn vắng hoa tím nâng niu.

Loài hoa nở khi mười giờ buổi sáng
Để rồi tàn như mộng ước qua mau
Hoa ẩn mình bên lối về thầm lặng
Đợi dáng em nên hoa hết u sầu.

Trời mùa Thu khi loài chim hót vội
Giấc giao mùa ua úa lá vàng cây
Lời thở than như heo may đang tới
Chút nắng vàng cho hoa nở vội đây.

Hoa còn chờ sao em hoài biệt dạng
Khi mười giờ hoa đã nở mừng Thu
Hoa ngóng trông ơi loài chim áo trắng
Nhưng trước mắt hoa chỉ thấy sương mù.

Thế hoa sầu nên mười giờ nức nở
Nắng vỗ về nhưng hoa ngủ âm thầm
Dáng em xa như còn đang bỡ ngỡ
Ôm nỗi buồn hoa chỉ biết lặng câm!

                                           PHONG HẰNG
                                                 (Hoa Nắng)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 184, ra ngày 1-9-1972)




Thứ Năm, 22 tháng 9, 2022

TUỔI 16 - Hồ An

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Tuổi 16 nắng hồng đôi má
Nét mực tím còn vụng dại khờ
Dấu chân son ngập ngừng bước lạ
Áo trắng cài hoa điểm mộng mơ

Tuổi 16 ngày mai rực sáng
Kỷ niệm còn vương ánh mắt nai
Đôi bờ tóc xõa ngang lưng áo
Trái vươn hương đã nở rất sai

Tuổi 16 đời đầy mộng đẹp
Khúc hoàn ca môi đã đong đầy
Như chim rời tổ vào đời mới
Men đời chưa nhấp đã ngất ngây

Tuổi 16 thật thà trong trắng
Mắt chưa buồn mắt vẫn long lanh
Vui đi em tuổi em 16
Lá trên cành lá bắt đầu xanh

                                         HỒ ANH

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 8, ra ngày 20-8-1971)




Thứ Tư, 21 tháng 9, 2022

CHIỀU VEN SÔNG - Đỗ Tú Khuyên

 
Du phóng tầm mắt nhìn về hướng bờ sông, con sông con khá lớn chảy lừ đừ quanh năm về một nơi mà Du chưa hề nghe ai nói đến ; Du chỉ đoán là nó chảy ra biển. Từ bờ bên này nhìn sang bờ bên kia sông với một màu xanh đậm của dừ nước, những thân cây dừa thấp lò tò, san sát đều nhau. Chen vào là một vài bóng cau, cao lêu nghêu, ngất ngưởng.

Mẹ vẫn thường nói bên bờ sông kia có nhiều chim lắm, toàn chim đẹp không hà, chả bù với bên này, chim lần lần sợ hãi những lằn đạn tàn nhẫn của Du, của Chuân, của Chí... mà tìm đường chạy trốn hết. Vậy là lũ chim không hiểu Du rồi, Du chỉ muốn bắn chim về nuôi mà làm chưa nổi vì hễ cầm ná là chim chết, chẳng con nào bị "hù" mà rơi xuống để Du nuôi chơi. Chuân và Chí hứa sẽ tìm cho Du bốn con sáo, hôm qua tụi nó đến dặn Du lo sửa soạn lồng. Du mừng quá.

Nếu có lồng sáo nhỉ ; Du sẽ ôm vào lòng và chiều chiều ra ngồi dựa lưng vào gốc dừa cạnh bờ sông, ngồi thật im lặng để cố nghe cho được tiếng sáo ríu rít cùng tiếng lá cây xào xạc, tiếng rì rào của giòng sông. Du sinh ra, lớn lên ờ gần giòng sông, yêu mến giòng sông và mỗi ngày dành trọn lúc buổi chiều sắp tắt để ngắm giòng sông. Ngày nào không gần giòng sông là một sự mất mát quá lớn của Du. Du nhớ có những lần theo mẹ cùng em về ngoại ăn giỗ để suốt ngày "tương tư" giòng sông, dù cho bà ngoại có nâng niu, dì Tám có chìu chuộng, cậu Sáu dỗ dành và mẹ có hăm đánh. Nhớ giòng sông ; giòng sông mà suốt thời thơ ấu đã qua và sẽ qua Du không chán nản như chán đi bắn chim chào mào ở vườn ông Năm Thơm, chán đi câu cá chép ở rạch dừa... Quê ngoại dù có vườn cây rộng thênh thang với những buồng chuối chín căng, chùm cam ngọt lịm nhưng vẫn thiếu một giòng sông. Chả trách ngoại cứ than không được ở gần sông để ngoại nghĩ thật nhiều về ông. Gương mặt ngoại buồn buồn xa xôi tựa hồ khuôn mặt mẹ những lúc nói về ba. Ngoại nói ngày xưa ông thích một mình một xuồng ngồi chèo ra giữa giòng, ngâm nga vài câu thơ cổ, nhắp vài miếng rượu để giọng lại những ngày xa xưa, thật xa xưa hào hùng. Để Du nhắm mắt tưởng tượng thêm về ông qua câu Nó giống ông ngoại nó của ngoại.

Du rùng mình nhè nhẹ, một cơn gió khác lạ vừa thổi qua, đột ngột và dư âm cái lạnh còn len nhẹ vào Du. Buổi chiều sắp tàn và còn cố kéo dài ánh nắng vàng vọt trên nền trời màu đỏ ối. Mặt trời hình như đã vẫy tay chào Du trên cao. Đám mây đục vắt ngang mặt trời trông vô duyên và đáng ghét như lời của bé Dung, giờ đây Du mới thật sự ghét "hắn". Du tiêng tiếc khi biết phải sắp sửa vẫy tay chào giòng sông. Giờ nầy chắc mẹ đã về, bé Dung chắc đang ngồi trước cửa, ôm cằm đợi anh, Du thấy thương em vô vàn khi chợt thấy hình ảnh của em qua thế ngồi đặc biệt chờ anh. Du thương mẹ vất vả nuôi hai anh em qua tiếng ru con thật ngọt ngào. Du biết ba đang sung sướng ở Saigon với người nào đó mà Du lẫn mẹ chưa biết. Du không oán hận gì ba mà chỉ thấy tức dùm em Dung. Em sinh ra chưa một lần thấy mặt ba, chưa một lần được ba ẵm trong tay. Bé lớn lên trong sự buồn bã của mẹ, xót xa của anh và đôi mắt em trông buồn long lanh dễ ướt sũng nước mắt.

Mẹ đi bán rau cải ở chợ cũng đủ nuôi hai anh em ăn học. Biết chắc là ba đã sống với người khác, mẹ thường tựa cửa nhìn xa xăm không chớp mắt và cũng không một lần Du thấy mẹ khóc như lúc đầu ba đi. Du thương mẹ nên ráng học với những bảng danh dự hàng tháng và chưa một lần nào Du làm mẹ buồn.

Du chồm người ra nhìn xuống giòng sông tìm một cái gì mà Du chưa nghĩ ra. Vẫn màu xanh đục của nước. Hai bàn tay Du khuấy nhẹ trên mặt sông. Những hang còng ngập nước làm Du nghĩ đến những ngày theo thằng Chuân, thằng Chí ra mãi tận mũi nhọn của bờ sông đâm vào vườn nhà thằng Lâm tìm bắt những chú còng màu đen đen có chiếc càng to quá khổ và những chân nhỏ có "lông" li ti. Du đem mấy con còng ấy về nhà, báo hại con bé Dung khóc cả giờ vì bị mấy còng ta "âu yếm" đến rướm máu ở ngón tay.

Vài chú còng thập thò trong cửa hang, hốc cây dương đôi mắt lên nhìn Du như thách thức, giá mọi hôm thì Du đã tóm cổ chú chàng lên bờ chơi trò kéo xe với lũ bạn. Nhưng bây giờ thì Du tha. Nhưng chưa hẳn vậy đâu, vì Du đang khoát nước vào hang rồi nhìn các còng ta lính quýnh trước cửa hang bằng cặp mắt thích thú.

Du ớ ờ... Du ớ ờ... Mẹ mầy kêu về... Du ớ ờ... Tiếng gọi của thằng Chuân làm Du giật mình. Có lẽ mẹ kêu về ăn cơm đây. Du vụt đứng lên, huýt một tiếng sáo trong veo vút cao lên tận không khí thật êm ả của buổi chiều ven sông. Vụt chạy, Du thấy Chuân đang đứng ở dưới tàng cây đa to trước miễu giơ tay ngoắc ngoắc.

Chiều đã xuống thật nhanh, mặt sông trở nên huyền bí và mơ hồ, những đốm nháy màu bạc nổi lên giữa giòng sông rồi chợt mất. Những chàng còng dị hình chắc đang núp kỹ trong hang. Du sựng lại, nghĩ đến mấy chàng ta và mỉm cười. Tiếng kêu của Chuân vang lên thúc giục.

Buổi chiều đuổi theo sau lưng Du đó Du ơi...


Đỗ Tú Khuyên    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 52, ra ngày 20-8-1972)