Các em thân mến,
Từ
ngày tuần báo Thiếu Nhi xuất bản đến nay, hằng ngày chúng tôi nhận
nhiều thư từ của các phụ huynh hưởng ứng nồng nhiệt tờ báo của các em.
Chúng tôi cũng nhận rất nhiều thư của các em độc giả Thiếu Nhi. Biết bao
ý kiến xây dựng, biết bao thắc mắc, lo âu xác đáng được nêu ra.
Một
em gái Thiếu Nhi vừa tâm sự với chúng tôi: "Cháu năm nay mười lăm tuổi,
và đang học lớp đệ tứ tức lớp chín tại một trường trung học tư trong đô
thành. Cháu có một số bạn học, đứa vì hoàn cảnh gia đình đã thôi học,
đứa thì theo cha mẹ làm ăn nơi xa, nhiều đứa lại thay đổi trường. Chúng
cháu rất yêu mến nhau, nên khi xa cách, thường hay viết cho nhau. Những
lá thư thăm viếng hoặc tâm sự mang lại cho chúng cháu ít nhiều an ủi
trong tâm hồn. Những thư từ ấy gửi đến nhà cháu, đều bị cha mẹ cháu bóc
ra xem trước. Có khi đến một hai ngày sau, cha mẹ cháu mới trao thư lại
cho cháu. Cháu buồn và chán nản. Cháu muốn hưởng cái thú vị cầm bức thư
tự tay bóc ra, trong lòng rộn rã, lo nghĩ và hồi hộp. Cháu cũng muốn
những tâm sự riêng tư, thầm kín của những đứa bạn đã đặt tất cả sự tin
cậy ở cháu, không được ai biết đến, cả đến cha mẹ cháu. Cháu đã phụ lòng
chúng nó. Cháu định bảo chúng nó đừng viết thư cho cháu nữa. Nhưng
không biết cháu có chịu nổi sự cô đơn trong tâm hồn chăng? Cháu thấy đời
không còn thú vị gì nếu không có bạn hữu. Cháu còn biết kể những tâm
sự, thắc mắc, lo âu cho ai, cha mẹ cháu tuổi cao lại nghiêm nghị, xa
cách, các em cháu còn quá nhỏ. Cháu rất yêu quí cha mẹ cháu, nhưng cháu
cũng rất cần các bạn thân, vậy xin bác chủ nhiệm giúp cháu tránh khỏi
hoang mang và chán nản..."
Các em thiếu nhi,
Chắc là nhiều em, nhất là các nữ sinh, ở trong trường hợp cô bạn nói trên.
Thư
từ là vật sở hữu riêng biệt của mỗi người. Không ai có quyền bóc thư
hoặc xem thư của người khác mà không có sự đồng ý của họ, kể cả những
người thân nhất với nhau là vợ chồng. Chắc các em lấy làm lạ ở thời đại
văn minh này, trong xã hội hiện nay mà nam nữ đều bình đẳng, người đàn
bà được đầy đủ quyền công dân ngang người đàn ông, kể cả học thức và
chức phận, lại còn có những ông chồng độc đoán xé thư của vợ mình ra xem
trước, cũng như có nhiều bà vợ kém lịch sự đã xem lén thư của chồng.
Chỉ có trường hợp thư khẩn mà người nhận thư vắng mặt lâu, để tránh lỡ dịp, ta mới có thể xé thư ra xem.
Cô độc giả nhỏ của tôi,
Em
đừng nên oán giận cha mẹ đã xem trước thư của em. Cha mẹ lúc nào cũng
thương yêu con và luôn nghĩ đến tương lai con. Cha mẹ sẵn sàng hy sinh
tất cả, kể cả tánh mạng để con sống hạnh phúc. Con cái đến tuổi dậy thì,
nhứt là con gái, là mối lo âu nhất của cha mẹ. Em không nói rõ các bạn
em viết thư có phải toàn là bạn gái chăng? Đành rằng trong xã hội tiến
bộ hiện giờ, không còn vấn đề "nam nữ thọ thọ bất tương thân", người con
gái không bao giờ được tiếp chuyện với người con trai không ruột thịt,
như khi xưa trường hợp nàng Lý Thị phải tự chặt tay khi nàng đụng phải
tay người đàn ông lạ, nhưng ngày nay, người con gái còn đi học cũng nên
thận trọng trong vấn đề giao thiệp với bạn trai, để sau này khỏi phải ân
hận.
Sự
giao du thư từ giữa trai gái thường có hại cho tương lai các em. Cha mẹ
xem trước thu các con không ngoài ý muốn tránh cho con những mối tình
lăng nhăng làm hư hỏng việc học và cuộc đời của con mình.
Nếu
em chưa hề giao thiệp thư từ với bạn trai, em nên trình bày cho cha mẹ
em rõ điều ấy và ý muốn của em tự bóc lấy thư của các bạn em, khỏi phải
qua tay cha mẹ. Chắc cha mẹ em cũng không hẹp hòi từ chối em khi cha mẹ
biết rõ con gái mình nết na, đứng đắn. Vả lại, cha mẹ cũng nên đặt lòng
tin nơi con cái: thư từ gởi về nhà có gì phải lo ngại.
Thân mến,
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 6, ra ngày 19-9-1971)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.