Thư của em H.N.T.-Saigon:
Ngày
Trung Thu tới mà em chả thấy có gì thích thú. Nó vô duyên ghê. Có gì
đáng ca tụng ngâm vịnh đâu chị. Hằng Nga, chú Cuội, Hậu Nghệ, Ngọc Thỏ
v.v... đều là sản phẩm tưởng tượng của mấy ông bợm nhậu, vừa uống rượu
vừa thi nhau bịa chuyện. Mặt trăng chỉ toàn đá, lồi lõm, khúc khuỷu, mấy
phi hành gia đã dẫm lên. Rồi đây khoa học sẽ chứng minh rằng tất vả
những huyền thoại về thần thánh ma quỉ đều là khoác lác. Sự thật sẽ cằn
cỗi như mặt trăng hiện này. Vậy thì những lễ nghi chỉ toàn là chuyện
rườm rà, vô tích sự mà thôi, phải không hả chị?
Trả lời:
Một trong những thú vui của con người chính là sự tưởng tượng. Người
nào giầu óc tưởng tượng bao nhiêu, người ấy được hưởng nhiều thi vị của
cuộc đời bấy nhiêu. Các em bé chỉ có mấy cọng lá, mấy bông hoa, vài cái
nút chai, nhưng nhờ óc tưởng tượng phong phú, các em thái, nấu, bầy, mời
mọc, thế là các em cũng tận hưởng niềm vui sướng chẳng khác người lớn
được mời mọc dự bữa tiệc thịnh soạn.
Đọc
một cuốn truyện hay, chúng ta cũng phải tưởng tượng như mắt trông thấy
nhân vật hoạt động, nói năng, khóc cười, thì mới thấy cảm thông và tiểu
thuyết gia nào đưa ra nhân vật dễ cho người ta cảm thông được, để người
ta tưởng như có thật, nhờ ở những chi tiết sống động, là tiểu thuyết gia
đó đã thành công rồi. Đọc truyện, chúng ta thừa biết đó là những sản
phẩm hoàn toàn do các văn sĩ tưởng tượng ra, mà ta vẫn say mê thích thú.
Chúng ta lại còn phụ thêm vào truyện bằng chính óc tưởng tượng của
chúng ta nữa. Đó là sự mơ mộng cần thiết để làm đẹp cuộc đời. Chẳng phải
vì biết rằng nhân vật trong truyện là không có thật rồi mình bất mãn,
có đúng không em?
Huyền
thoại về Hằng Nga đã đem lại cho chúng ta biết bao thi vị, cũng như
những chuyện thần tiên khác. Dù chúng ta không chứng minh được rằng đã
có một thời thần tiên bay bổng tới lui giúp đỡ nhân loại, nhưng chuyện
thần tiên vẫn là điều lý thú, như một khu vườn tươi mát để chúng ta ẩn
mình, để chúng ta thả hồn bay bổng theo óc tưởng tượng, mà lại tưởng
tượng về những điều tươi đẹp, thích lắm chứ em nhỉ.
Giá
trị của những lễ nghi cổ truyền là ở tính cách tinh thần. Sự có hay
không có Cung Quảng trong thực tế, không đổi khác quan niệm về những
truyền thống tốt của dân tộc em ạ. Dù Cung Quảng chỉ có do óc tưởng
tượng phong phú, nhưng điều chính là niềm vui của ngày tết Trung Thu,
ngày mà chúng ta làm sống lại những tập tục cổ truyền, biểu hiện cho
truyền thống của dân tộc. Cũng như bộ đồ âu phục gọn, nhưng lâu lâu
chúng ta vẫn thấy thích thú với cái áo nâu non, chiếc khăn mỏ quạ, hoặc
bà già mặc đồ Mỹ A, vắt khăn trên vai, bới tóc bánh tiêu nhai trầu bỏm
bẻm.
Nước
Nhật lẫy lừng về khoa học, tiến bộ ngang hàng với Âu Mỹ, nhưng các buổi
lễ cổ truyền vẫn được tổ chức trọng thể. Khoa học là thực tế. Huyền
thoại là mơ mộng. Cả hai cùng có giá trị. Cũng như cục sắt và bông hoa,
tuy là hai thực thể khác hẳn nhau, nhưng đều có giá trị tùy theo hoàn
cảnh. Người máy tuy giỏi, nhưng không thể thay người thật. Nghi lễ có
giá trị tinh thần, nó bàng bạc, không nắm được nhưng rất thiêng liêng và
bền chặt. Tất cả những giá trị tinh thần đó đã quyện lại và dệt thành
hồn thiêng của dân tộc đó em.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 106, ra ngày 7-9-1973)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.