Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

ÁO LỤA SÂN TRƯỜNG - Nhị Hà

 

Buổi sáng lúc ngồi soạn sách vở bên cửa sổ nhìn ra sân, Hà thấy những giọt nắng dường như vui vẻ hơn thường ngày, nhảy múa lung linh trên cành cây vú sữa và trên hàng rào lá xanh biêng biếc. Bóng mát dịu dàng che khoảng sân trước nhà. Hà thích nhất là ngồi cạnh cửa sổ này buổi sáng mùa hạ, để nhìn những tia nắng nhảy nhót trên lá cây, để thấy những lá xanh yên lặng nhìn nắng vui đùa trên thân lá, để nghe tiếng chim hót líu lo từ ngôi vườn nhà bên cạnh. Hôm nay, Hà lại ngồi nơi đây, bao những quyển tập mới, nhìn lại những tờ giấy trắng thơm mùi học đường sau ba tháng hè vui chơi thỏa thích. Bóng lá rung rinh chiếu trên những quyển vở chưa lần viết, Hà cúi xuống hít hương thơm của giấy mới, cho lòng trôi về quá khứ. Những kỷ niệm vui buồn của lớp, của trường lần lần diễn ra trong trí tưởng...

Nhớ ngày tựu trường (cũng như hôm nay, Hà sắp sửa đến trường), bỡ ngỡ đi tìm lớp, gặp mấy nhỏ bạn Hà mừng ghê chạy đến lắc lắc tay nhỏ bạn thân nhất. Hà nhìn vào mắt các bạn cười tươi. Cả bọn ríu rít như bầy chim non vỡ tổ, kéo nhau đến lớp mới. Khung cửa lớp bảy mười bốn đây rồi. Nhìn lớp mới, Hà nhớ tới lớp cũ ở trên lầu có vẻ không "trang trọng" như lớp này, có lẽ vì học cao lên một bậc và lớn lên một tuổi rồi nên Hà thấy vậy đó. Ý tưởng bị cắt đứt vì lũ bạn lôi vào lớp, ồn lên:

- Lớp này rộng hơn lớp năm ngoái nhiều.

- Học ở đây gần phòng bà Giám học và Tổng giám thị ghê quá mày ơi, chắc hết dám làm ồn như hồi trước nữa...

"Các bồ ơi, các bồ quên không để ý một điều đặc biệt là khung cửa sổ lớp này nhìn ra thật là nên thơ, các bồ ạ"! Hà nhủ thầm như thế vì lúc mới vào Hà đã nhìn ra cửa sổ trước nhất. Sắp xếp chỗ ngồi xong thì Giáo sư đến, cả lớp im phăng phắc.

Rồi những ngày kế tiếp đi qua, Hà và lũ bạn vẫn còn xa lạ với lớp mới, tuy vẫn ở trong ngôi trường thân mến này chứ đâu phải trường lạ, Hà và bạn bè đã học qua một năm rồi cơ mà. Trong số Giáo sư dạy lớp Hà có bà V. khó ghê, bà ấy dạy Pháp văn, trái ngược lại với cô C. cũng dạy lớp này năm ngoái, cô ấy hiền ơi là hiền. Mỗi lần bà V. vào lớp là... im lặng gần như... nghe được tiếng ruồi bay í. Cả lớp đều sợ bà ghê lắm. Nhưng mà dần dần thì cũng quen đi, bọn Hà thấy thương cái lớp này ghê.

Thương những giờ toán, Pháp văn im như tờ, những buổi thi lục cá nguyệt, lúc phát bài hồi hộp lo lắng không biết mình làm đúng hay sai... Thương những phút vội vã ôn lại dăm ba câu công thức định lý với cô bạn nhỏ trước giờ thi, những lúc len lén hỏi bạn đáp số bài toán, đầu cúi thấp, miệng vừa hỏi mắt vừa lấm lét nhìn bà Giáo sư ngồi trên kia đảo mắt quan sát học trò. Thương những lúc chia nhau ô mai, kẹo, me, ổi vừa ăn vừa giỡn ; giờ ra chơi đứng ngắm những tà áo lụa trắng bay khắp sân trường ; giờ vắng Giáo sư rủ nhau chơi ca rô, những giờ trần thuyết "tự do ngôn luận" ; những lúc lén hái mấy cánh hoa bé xíu màu đỏ, hồng ở sân thể thao mà cứ lo mấy cô huấn luyện viên thấy thì chết... Nhớ giờ đấu giá lấy tiền giúp nạn nhân bão lụt hào hứng sôi nổi với mấy món quà nhỏ xinh xinh đặt trên bàn Giáo sư. Yêu những lúc bạn bè ngồi bên nhau trên băng đá nói chuyện tỉ tê, nghe lá vàng bay đầy sân và trên kia, mỗi lần lá cây xào xạc gặp gió thì lá vàng rơi rơi...

Nhớ giờ ra chơi hôm nào lúc gần nghỉ hè, Hà với Ngân, Chi và Hương ngồi bên cửa sổ của lớp ngắm khu vườn ngoài kia. Những bồn cỏ xanh mướt được cắt xén cẩn thận đến hàng cây bông sứ mọc sát hàng rào của trường đầy hoa, hoa trên cành và hoa rơi dưới gốc. Hàng rào với những song sắt và những cột gạch thấp nho nhỏ quét vôi màu hột gà trên có mái ngói. Bên ngoài bức tường rào kia, con đường Phan Thanh Giản xe cộ qua lại cách biệt hẳn với thế giới học trò ngàn đời yên tĩnh thầm lặng trong ngôi trường cổ kính này. Mảnh vườn nhỏ kia, chiều nay bọn Hà ngồi ngắm cho thật kỹ để rồi mai đây sau khi nghỉ hè lên lớp mới, bọn Hà sẽ không còn được ngày ngày nhìn nó nữa. Và bên kia con đường Phan Thanh Giản, một cây phượng đỏ nhô lên sau bức tường của một ngôi biệt thự, những cành cây khẳng khiu mang đầy hoa đỏ nhìn xa trông thật là tuyệt, màu đỏ của phượng nổi bật giữa màu xanh tươi mướt mịn của lá cây trong khu vườn ngoài cửa sổ lớp Hà. Phượng đã nở rồi đó, ấy là dấu hiệu chia tay trong những ngày hè sắp tới. Chúng ta phải làm gì? Cả bọn nhìn nhau. Phải làm gì để giữ được mãi mãi cảnh thơ mộng ngoài cửa sổ lớp mình cũng như tất cả những kỷ niệm của lớp học, của bạn bè để sau này khi đã ra trường và còn mãi về sau được ngắm nhìn nó. Chỉ còn cách nhìn lại lần cuối thật kỹ cho tất cả những cây cỏ ngoài kia, những kỷ niệm thu gọn lại, in sâu vào trí nhớ mới không quên mà thôi. Giây phút ưu tư qua rồi, Hà và các bạn lại vui vẻ trò chuyện. Hà bảo Ngân:

- Cảnh đẹp quá Ngân nhỉ, để ngày cuối niên Hà sẽ đem theo máy ảnh chụp một tấm để làm kỷ niệm và đặt tên là "khung cửa sổ lớp bảy mười bốn", Ngân chịu không?

Thế rồi ngày cuối năm học đến, Hà lại quên mất chuyện chụp hình khu vườn ấy nên suốt hè Hà cứ tiếc mãi. Biết năm sau lớp mới sẽ cũng có một khung cảnh xinh đẹp ngoài cửa sổ như lớp này không?

Nhớ thời gian đi xe trường cũng có những chuyện vui buồn giữa Hà và các bạn đi chung xe. Có những buổi chiều trời mưa rả rích, trong xe những chị lớp tám ngồi nói chuyện với nhau, mấy cô bé lớp bảy và sáu ngồi chụm lại xem một quyển sách hình, thỉnh thoảng lại phá lên cười thật vui hoặc ở băng ghế sau cùng một chị lớn quàng tay qua vai của một cô bé thì thầm chuyện trò chị chị em em. Có những buổi chiều tan học về không có tài xế đến lái xe trường, cả bọn kéo nhau đi bộ về cười nói vui vẻ.

Lại nhớ lúc ra chơi Hà và Anh đi lượm bông điệp rơi trong sân trường về ép. Những cánh điệp vàng óng trong nắng hạ, trông từ xa giống như một tấm thảm dệt toàn bằng vàng lấm chấm chói lọi trải dưới gốc cây. Hai đứa nhặt mãi, đầy cả hai bàn tay mà điệp vẫn còn thật nhiều, thỉnh thoảng một ngọn gió nhẹ đưa tới làm những cánh hoa vàng lìa cành rơi khắp nơi, trên những mái tóc đen và những tà áo trắng thật đẹp. Ôi! Cảnh đó mãi mãi ghi sâu vào tâm tưởng của những người học trò bé bỏng với làn áo trắng còn khoác lên mình.

Có biết bao nhiêu là kỷ niệm êm đềm của thời học trò trong ngôi trường thân yêu, kể sao hết và chắc chắn không bao giờ quên được.

Nhưng nhớ nhất là lúc hai đứa giận nhau, những sự giận hờn ngây thơ và "lẩm cẩm". Như hôm nọ Hà giận Anh vì một chuyện nhỏ nhặt, qua vài bữa rồi lại hòa nhau. Có lúc Anh cũng giận Hà nhưng chỉ  được mấy ngày thì thôi, hai đứa lại nắm tay nhau trò chuyện. Tuổi thơ như thế đó, giận hờn rồi lại quên ngay.

Nhớ những giờ ra chơi, con bé Hà với cặp kính cận và con bé Chi với hai bím tóc cột nơ xanh nhún nhảy trên vai mỗi bước đi, nắm tay nhau dạo chơi trong sân trường. Nhìn những tà áo bay bay khắp nơi
như những cánh bướm trắng nô đùa trong vườn hoa. Kìa, dưới một cây cao lớn lá xanh um, một đôi bạn kề nhau thì thầm trò chuyện, hai mái tóc đen dài xõa trên áo trắng e ấp dễ thương. Nơi của lớp nọ, ba bốn cô bé đang "tay trắng tay đen" xem ai bị bắt trong cuộc chơi, trên thảm cỏ rộng một bầy con gái áo dài trắng chạy chơi rượt bắt, tà áo bay phất phơ. Ôi! Thiên đàng của tuổi học trò muôn đời ngây thơ trong trắng, rộn rã tiếng cười vui.

Và hôm nay, ngày tựu trường, Hà như tất cả các cô bé khác lại sắp sửa tung tăng đến trường trong chiếc áo dài và cặp sách mới với niềm vui rộn rã trong tim, nghĩ đến lớp mới, những Giáo sư mới và bài học mới chờ đợi trong những tháng ngày học trò sắp tới. Ước mong sao mãi mãi Hà vẫn là học sinh, áo vẫn còn trắng và tâm hồn vẫn ngây thơ trong sạch cũng như còn ở mãi trong thiên đường học trò êm đẹp đó...


NHỊ HÀ                 
(Thương tặng các bạn của lớp 7/14 
Gia Long)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 55, ra ngày 11-9-1972)


Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

GIÃ TỪ TUỔI NGỌC - Trinh Chí

 
    
Thôi giã biệt khung trời xưa Tuổi Ngọc
Thuở mười lăm mười bảy của hoa niên
Những chuỗi ngày ôm tiếng hát vành khuyên
Vào giấc ngủ đầy hoa xinh bướm đẹp

Khu vườn nhỏ bây chừ thôi đã khép
Những hoa yêu ngày ấy rụng rơi đầy
Nàng công chúa không còn kết tóc mây
Đeo vào cổ những tràng sương trắng nữa.

Bầy bươm bướm như hôm nào đến múa
Vắng người xem bỡ ngỡ vội quay đi
Trên cành cây buồn bã chú họa mi
Thì thầm bảo: "Hôm nay nàng chẳng đến"

Nghe lời chim mà tâm hồn xao xuyến
Biết nói gì cho chim hiểu lòng ta
Kể từ nay trao hết những ngọc ngà
Mình đã nhặt trong khung trời thắm mộng

Tuổi đôi mươi bắt đầu vào cuộc sống
Vất thơ ngây nũng nịu, chuốc buồn đau
Đốt hành trang, còn lại những gì đâu
Trong cuộc sống với u sầu hiện tại

Chân bước đi mà hồn thơ ái ngại
Quay mắt nhìn tìm di tích ngày xưa
Tuổi thơ ngây thường hờn dỗi nắng mưa
Hay nũng nịu rúc đầu trong áo mẹ

Hơi phật lòng là đôi mi ứa lệ
Một niềm vui nho nhỏ cũng cười vang
Những ngày xưa đi nhặt lá rơi vàng
Làm vương miện kết vào ươm mái tóc

Trên đường quê những buổi chiều tan học
Chạy tung tăng như bướm trắng trinh nguyên
Tuổi thơ ngây nào có biết ưu phiền
Lòng thầm nghĩ con đường quê trải ngọc.

Ôi! Xinh quá một khung trời gấm vóc
Trong như gương và đẹp tựa pha lê
Quả tim hồng chứa trọn một trời thơ
Nhưng tất cả... bây chừ là kỷ niệm

Giờ chợt  thấy tâm hồn yêu màu tím
Nghe nỗi buồn đau nhói chạy vào tim
Nuối tiếc ghê những kỷ niệm êm đềm
Bao tiếng hát, giọng cười, ôi! Ngọt lịm.

Hiện tại đó với nỗi buồn chợt chín
Giữa mùa Xuân trong lứa tuổi đôi mươi
Xin trao tôi trở lại những nụ cười
Vừa rơi mất trong khu vườn tuổi nhỏ.

Hay đánh đổi những gì mình hiện có
Bằng khung trời tuổi ngọc ướp thơ ngây
Vừa mất rồi vào lúc sáng hôm nay
Trong một buổi mùa Xuân hồng chợt đến.

                                                      TRINH CHÍ
                                                   (Vì sao sáng nhất)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 76, ra ngày 1-9-1967)




Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

TẠ ƠN - Vi Vu

 

 Em có đôi bàn tay
Một nụ cười tươi tắn
Để ôm trọn tình thương
Trong cuộc đời quá ngắn

Em có một mái nhà
Với thật nhiều mến thương
Em có ba lam lũ
Em có mẹ dịu hiền

Ngày ba đi sáng sớm
Giữa mưa phùn lạnh căm
Hay mùa hè khô nóng
Ba chưa thấy sờn lòng

Mẹ tảo tần quang gánh
Sớm chiều bên phố buồn
Mẹ mong con mau lớn
Mong đời bớt gian nan

Bàn tay ba sạm nắng
Nhưng vẽ một thiên đường
Cho em vào hạnh phúc
Ngập tràn tiếng chim muông

Tiếng hát mẹ buồn phiền
Trong bài ca dao xưa
Nhưng cho em quyến luyến
Mái nhà tên Việt Nam

Ơi! Em quá đủ đầy
Tình thương trong vòng tay
Em tạ ơn đời đã
Cho em giấc thơ ngây.

                                    VI VU

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 102, ra ngày 10-8-1973)



Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2023

TÌNH YÊU CON CỦA CHA MẸ - Nguyễn Hùng Trương

 

Các em thân mến,

Trong hai số báo Thiếu Nhi vừa qua, chúng tôi có nói chuyện với các em về tình yêu thương giữa cha mẹ và con cái.

Tình yêu con của cha mẹ thật bao la.

Nhưng ở cái tuổi còn trẻ của các em, các em có thể không hiểu được cha mẹ. Một ngày kia, khi các em đã trưởng thành, các em lập gia đình và ra sống riêng, xa cha mẹ, những người đã nuôi nấng các em, những người đã nưng niu, lo lắng giúp đỡ các em, chừng ấy các em mới thấy giá trị của hai chữ cha mẹ. Lúc đó, các em cũng lo cho con cái, các em mới hiểu rõ tất cả những công việc và trách nhiệm mà cha mẹ đã dành cho các em trong suốt thời gian hai mươi lăm hay ba mươi năm.

Trong lúc nuôi con, lo lắng cho con, các em thấy rõ tình yêu vô bờ bến của cha mẹ, trong khi cha mẹ lo sự ăn, mặc cùng sự học hành của các em, để các em, khi lớn lên các em có đủ sức lực, tài trí tự mưu sinh và chống chỏi với đời.

Các em có nhiều may mắn, hết sức may mắn có được cha mẹ. Các em hãy nhìn đời sống của các trẻ mồ côi, sống lang thang ở đầu đường xó chợ, hoặc tại các trại cô nhi, các em sẽ thấy thấm thía giá trị của hai chữ mẹ cha.
 
Cha mẹ lúc nào cũng muốn cho con mình trở nên người xứng đáng trong xã hội, có tương lai tốt đẹp hơn đời sống hiện tại của cha mẹ, cha mẹ sẵn sàng hy sinh bất cứ cái gì, kể cả tính mạng mình, cho đứa con.

Các em còn trẻ, Các em có nhiều ước mơ. Các em nghĩ đến tương lai và các em làm việc cho tương lai của các em.

Các em mơ ước trở thành một danh nhân, một giáo sư tăm tiếng, một nhà kỹ nghệ giàu có, hay một nghệ sĩ lẫy lừng, khi lớn lên, các em gặp thực tế phũ phàng, giấc mộng không thành, các em bớt ước mơ, nhưng lúc đó cha mẹ vẫn nghĩ đến tương lai các em.

Cha mẹ rất đau lòng thấy con cái mình học hành không tấn tới. Cha mẹ sẽ khổ sở, thất vọng khi biết con cái lêu lổng, chơi bời, làm hư cả tương lai.

Các em thường trách cha mẹ quá nghiêm khắc với con cái. Mỗi lần đi chơi với bạn bè, bơi lội hay đá banh, mỗi lần đi mua sắm vật gì, các em lúc nào cũng phải xin phép hoặc hỏi ý kiến cha mẹ. Như vậy quá phiền phức cho các em.

Các em có biết đâu, đấy là cha mẹ lo cho các em. Sự kinh nghiệm của cha mẹ rất cần thiết cho các em. Đừng cho rằng cha mẹ "hủ lậu" hay "chậm tiến".

Các em hãy đọc và suy nghĩ chín chắn những giòng dưới đây:

Con cái nghĩ gì về người cha

Khi  6 tuổi : mình nghĩ. Ba tôi cái gì cũng biết hết.

       10 tuổi :                  Ba tôi biết nhiều lắm.

       15 tuổi :                 Ba tôi biết cái gì, tôi biết cái nấy.

       20 tuổi :                 chắc chắn, Ba tôi không biết bao nhiêu.

       30 tuổi :                mình có thể cứ hỏi ý kiến ông cụ.

       40 tuổi :                dù sao đi nữa, ông cụ cũng có kinh nghiệm.

       50 tuổi :                ông cụ cái gì cũng biết.

       60 tuổi :                tiếc quá, phải chi bây giờ mình còn có thể hỏi ý kiến ông cụ.

Trên đây là những ý nghĩ của bác sĩ Paul Noel trong một quyển sách giáo dục của ông.

Các em thân mến,

Cha mẹ các em lúc nào cũng lo nghĩ đến các em, điều mà các em ít khi để ý đến.

Ngày nào các em còn được nghe lời khuyên, ý kiến của cha mẹ, các em còn có phúc đấy. Tất cả mọi sự đều có đoạn kết. Những lời khuyên của cha mẹ cũng vậy.


Thân mến                   
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 66, ra ngày 26-11-1972)




Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

MẸ HUYỀN THOẠI MÙA THU - Từ Nguyên

 

Mẹ! Ngôn từ của yêu thương. Bóng mát của hạnh phúc. Điệu nhạc du dương ở nơi mẹ đổ nguồn. Dòng suối ngọt ngào đó con đã được tắm mát. Lời ru của mẹ thuở ấu thơ: món ăn không gia vị con vẫn thấy thơm ngọt, vẫn thấy đầy đủ cho những thèm muốn. Bằng những buổi chiều chưa tắt hẳn ánh sáng vàng vọt yếu ớt cố xuyên thủng những kẽ lá bờ lau. Bóng mẹ đổ dài trên con đường vắng khách, con đường quê hương lặng đi trong buổi chiều, chỉ còn những bước chân của mẹ. Đó là giờ tan trường mẹ đến đón con, không một sự săn sóc, một sự nâng niu chìu chuộng nào mà mẹ không dành cho con, mà con không được hưởng ở mẹ. Yêu thương đã chín mùi nơi lòng mẹ. Trái ngọt mùi đó mẹ để dành cho con, chỉ 1 mình con hái thôi. Con vẫn chưa biết gì hồi đó, cái vô tư của tuổi trẻ đã quên đi những lời dịu ngọt, những vỗ về đó, không đủ để đem đến cho con một ý nghĩ phân xét tình thương của mẹ. Bây giờ thì con thấy hối tiếc nhưng không thể nào đem đến cho con được cái trình độ hiểu biết của tuổi ấu thơ ; gói ghém trong những vòi vĩnh, những nũng nịu. Đến nay thì đã tan biến. Mẹ đã xa vời, một nẻo chân mây xa vời đó, dù cố đào bới trong tâm tưởng một hình bóng quen thuộc vẫn mờ ảo, mẹ bây giờ xa xôi quá tầm tay này yếu đuối không thể nào với được cái dáng dấp yêu thương đó. Lời ru ngọt ngào ngày xưa đó, nằm sâu ở một cõi vô thực bây giờ chỗi dậy lại càng đậm đặc nhớ thương. Nét dịu hiền nơi khuôn mặt khả ái của mẹ lại hiện về, con nghe cay ở 2 mắt, hơi nóng chạy dài trên đôi gò má. Giọt lệ nhớ thương lại đổ xuống, còn ai để gạt lệ, để dỗ dành con nữa đâu mẹ. Mẹ! Mẹ có nghe không? Con của mẹ đang thống thiết kêu tên mẹ. Mẹ không trả lời con sao mẹ, sao mẹ vẫn đứng yên đó, mẹ không dỗ dành con bằng những lời ngọt ngào năm xưa: "Thôi nín đi con" nữa hở mẹ? Những giọt lệ lại tiếp tục rơi xuống nhòe nhoẹt hình bóng mẹ. Con cố vùng lên ôm chầm lấy hình hài vô tưởng của mẹ, nhưng rồi đôi bàn tay gặp nhau và chụm lại trong khoảng không vuốt nhẹ lên những sợi gió lạnh, con giật mình kêu mẹ. Mẹ. Mẹ ở đâu. Trả lại cho tôi người mẹ hiền yêu dấu. Trả lại đi, trả... Mẹ... M... ẹ... con gục đầu tắt lịm nơi ngôn từ yêu thương đó, thì mẹ đã ra đi, bóng mát bây giờ đã trụi lá mặc cho những cơn nắng thiêu đốt, ở một không gian nào đó, chắc vui lắm mẹ nhỉ. À mẹ có gặp mẹ con Thảo ở đó không mẹ, và mẹ có rủ mẹ con Thảo đi chợ vào những buổi chiều, khi tụi con đi học, để rồi lúc về tụi con lại được dịp mong quà chợ đến dài cả cổ. Mẹ nhớ mua quà cho con đó, mẹ không mua con bắt đền cho mà coi. Mẹ à, cách mấy bữa sau khi mẹ bỏ đi, con Thảo nó qua nhà mình chơi, nó còn thấy con ngồi một mình khóc, hai mắt còn sưng vù lên đó, nó tới ngồi cạnh con nó dỗ con nó bảo là: Thôi nín đi Nguyên. Mẹ Nguyên rủ mẹ Thảo đi chợ đó. Lát chiều tụi mình lại được ăn bánh đừ luôn cho mà coi. Có thật mẹ đi chợ không mẹ, mẹ lại mua quà cho con nữa hả mẹ, tối chiều mẹ về sớm hơn nhé. Mấy bữa trước mẹ về muộn quá hà, bởi thế mà con bị chị Trâm gõ đầu hoài đó, chị bảo: "Con trai lớn thế mà cứ vòi quà chợ hoài, chả biết xấu hổ với bé Thảo kia kìa. Con gái người ta ngoan vậy đó, mặt mày sáng sủa, vui vẻ thế, đằng này cậu thì ui cha, như là bác mèo đói bụng ấy, trông mới dễ ghét kia chứ. Phải không bé Thảo". Con dẫy nẩy lên: "Không!" Làm nhỏ Thảo giật mình bảo: "Ừ, không, Thảo không bảo Nguyên giống bác mèo đói bụng đâu. Thôi Nguyên đừng buồn nữa nhé. Nguyên phải hứa với Thảo là Nguyên sẽ vui vẻ như thế Thảo sẽ chơi với Nguyên hoài hà". "Không, Thảo nói dối". "Đâu, Thảo nói thiệt đó, Thảo không láo đâu, có bao giờ Thảo nói dối Nguyên không kia chứ". Con ngẫm nghĩ: "Ừ Thảo nói thật, thế tại sao mẹ Nguyên đi chợ cả tuần nay mà chẳng về gì cả, Thảo nói thật như thế đó hả". Con Thảo buồn bã trả lời, hình như nó cũng vừa chợt nghĩ tới mẹ nó, và nó cũng nhận thấy mình vô lý: "Ừ há, mẹ Thảo cũng đi đâu lâu ghê vậy đó, Thảo cũng chả biết nữa". Thế rồi hai đứa con cùng đứng im nhìn nhau như cố sức để tìm hiểu một lý do.

Những ngày nối tiếp trên con đường đá trải dài dưới ánh nắng vàng của buổi chiếu sắp gục chết. Cảnh tượng quen thuộc vẫn còn đó, nhưng giờ đây bóng hiền mẫu đã vắng. Con đường Tiểu học con đơn côi đếm bước, những bước âm thầm mang đầy hình ảnh mẹ, chỉ còn có mẹ, vành khăn tang giúp con luôn nghĩ tới mẹ, nó đã giữ chặt trong đầu óc con hình ảnh khỏi xóa nhòa.

Mẹ, cho tới nay, kể từ mùa thu năm ấy mẹ ra đi mang theo những xác lá vàng phủ đầy lối đi. Đã ba thu rồi vắng bóng mẹ lá vàng trơ trọi đầy vườn, mẹ không cùng con quét nhặt, vắng mẹ con cũng không buồn làm những việc quen thuộc đó dù chỉ là việc không mấy nặng nhọc. Con cũng không còn được gọi mẹ nữa. Họa hiếm lắm là những đêm vùi dập trong cơn mê, con mới được sống trọn với mẹ, nhưng chỉ gần gũi trong vài phút nhớ thương không đầy đủ hoặc vào những chiều buồn trên căn gác nhỏ như hôm nay, quăng tầm mắt về một khung trời xa xôi nào đó, con cố tưởng tượng ra khung trời yêu thương của mẹ ; chân dung mẹ mập mờ trong đám mây lẩn khuất tận chân trời, con nhỏ lại năm tuổi. Ôi! Vùng trời hạnh phúc, mẹ dắt con đi trong dĩ vãng đầy yêu thương của mẹ của con. Mình lại được sống dưới mái nhà thân yêu đó, ngàn kỷ niệm của thuở ấu thơ. Nhưng rồi cũng chỉ đến với một giả tưởng thôi mẹ ạ. Bây giờ thì con vẫn là con trên căn gác nhỏ với cửa sổ buồn, còn mẹ, vẫn là mẹ ở một nẻo xa xôi nào đó khác hẳn với con người trần thế. Khung trời dĩ vãng nhòa đi trước mắt con, màn lệ lại đan dày thương nhớ.

Hôm nay trên con đường về, dưới hàng cây thông rũ nắng, con với Thảo sánh bước, bóng giáo đường đổ dài dưới chân hai đứa. Thảo sực nhớ ra điều gì, nàng đề nghị với con ghé vào giáo đường, con cũng vừa nghĩ đến 1 lời nguyện, 1 câu kinh cho mẹ, cho linh hồn mẹ được lên cõi vĩnh phúc, chốn tột đỉnh yêu thương, trên thiên đường cho mẹ Thảo nữa. Sau những phút linh thiêng đó lòng chúng con bỗng rộn lên một niềm vui, như một sự đền bù xứng đáng, cho mẹ của con và mẹ Thảo, dù chỉ là những lời nguyện thật đơn sơ.


TỪ NGUYÊN         
(Huyền thoại của mẹ)    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 50, ra ngày 6-8-1972)


Thứ Năm, 24 tháng 8, 2023

SỰ HỌC RẤT CẦN THIẾT - Đỗ Phương Khanh

 


 Thư của em K.O. Saigon.

- Chị ơi! Em khổ quá chị ạ. Vừa mới hôm nào đây em còn được đi học còn hồn nhiên vui vẻ, tung tăng cắp sách đến trường với thầy với bạn. Hôm bãi trường, chúng em còn hẹn nhau, còn xếp cho nhau ai ngồi cạnh ai trong niên học tới. Ngờ đâu, ngày đó không bao giờ đến với em nữa chị ạ. Nhà em vốn nghèo. Ba má em phải chật vật lắm mới nuôi nổi 6 con với số lương của ba em. Chúng em sống cực khổ quen rồi. Bữa cơm chỉ có tàu vị yểu và rau luộc hoặc canh rau nấu tôm khô, với đậu phọng rang mặn hoặc muối mè. Nhưng ba má vẫn chắt bóp để có tiền đóng học phí cho chúng em đi học. Nhưng nay học phí tăng lên gấp rưỡi. Lại thêm sách vở niên học này sẽ đắt lắm. Ba má em nói rằng không còn đủ sức lo cho cả 5 chị em tụi em (bé út còn nhỏ chưa đi học). Ba má em bảo em và Thu Hà hy sinh ở nhà để nhường cho các em trai tới trường vì nếu không thì sau này mấy em trai sẽ không có giấy tờ chứng nhận. Má bảo em Hùng năm nay lên lớp 9, thua em một lớp, sang năm nó lên lớp 10, vậy em nghỉ học một năm qua năm tới Hùng sẽ cùng học một lớp với em, Hùng sẽ cho em mượn sách tự học, em khỏi đóng học phí và mua sách, rồi sau này thi tú tài tự do, Hùng sẽ giảng bài cho em. 

Chị ơi! Học thế có kết quả không chị. Má em còn bàn hoặc nếu em muốn học ngay lớp 10 trong năm nay thì em nhờ Mỹ Lan cho mượn sách (Mỹ Lan là bạn em, may mắn hơn em, Mỹ Lan được học trường công khỏi phải đóng học phí). Em sợ như thế phiền quá. Mượn sách đã vậy, nhưng còn những bài không hiểu thì ai giảng cho. Không lẽ ngày nào cũng bắt Mỹ Lan giảng. Em bối rối quá. Không ngờ những ngày hồn nhiên cắp sách, những niềm vui dưới mái trường, sự học hành để gây dựng một tương lai tới đây là tắt. Rồi đời em sau này sẽ ra sao... Chị có cách nào giúp em không...

Trả lời:

Chị rất ngượng ngùng mà trả lời em là chị bất lực em ạ. Chị không thể giúp em gì được, em ơi! Chị ngậm ngùi khi đọc thư em. Chị cảm thông nỗi niềm đau khổ của em và chỉ biết cầu xin Thượng Đế tìm cho em một lối thoát tốt đẹp. Danh ngôn có câu rằng: "Khi mà mọi người lầm than, dù ta có không làm ác, mà chỉ hưởng thụ, không giúp đỡ ai, chúng ta cũng đã đắc tội rồi". Chị tự thẹn rằng đã không thể giúp ích cho biết bao em của chị, biết bao người trẻ hiếu học, để các em phải lỡ dở sự học, khi tương lai đang đầy hứa hẹn, khi khối óc đang độ phát triển, khi tâm hồn đang cần được mở mang. Bất cứ dân tộc nào muốn tiến bộ đều phải đầu tư vào trí óc. Một quốc gia muốn có tương lai tươi sáng, muốn có một chỗ đứng xứng đáng dưới bóng mặt trời thì phải dồn nỗ lực vào các phát triển tinh thần. Một nền văn hóa suy đồi, không tiến bộ sẽ không đem lại niềm tin về tương lai dân tộc. Học vấn và giáo dục đào tạo chúng ta thành những công dân tốt, biết sống sao cho xứng đáng làm người. Từ bao lâu nay chúng ta vẫn hãnh diện, vẫn tự hào là một dân tộc có 4000 năm văn hiến. Sự tự hào về thành tích có nhiều năm văn hiến chứng tỏ chúng ta hiểu rõ giá trị của văn hóa. Nếu chúng ta có bốn ngàn năm đầy dẫy mỏ vàng, mỏ dầu hỏa, chắc chắn rằng chúng ta không hãnh diện như vậy đâu. Điều đó chứng tỏ dân tộc chúng ta từ xưa vẫn đề cao giá trị của sự phát triển trí tuệ. Những nước tiền tiến đều có một nền giáo dục cưỡng bách và hoàn toàn miễn phí, thường là mười năm đầu, để cho dân chúng có một sức học tương đối hiểu biết, không hoàn toàn ngu dốt. Tiếc tha, chúng ta còn phải đóng tiền để học từ lớp vỡ lòng mà đi! Điều đó chứng tỏ người dân V.N chúng ta rất cầu tiến, và hiếu học.

Vậy mà ngày nay ba má bắt buộc phải để em nghỉ học, hẳn ba má cũng đau lòng lắm. Vậy em hãy cố gắng theo lời ba má, chờ sang năm em Hùng lên lớp 10, mượn sách của em ấy mà học vậy. Dù sao, sự tự học đòi hỏi em phải có nghị lực và kiên nhẫn. Vì với tuổi nhỏ của em, tuổi còn ham chơi, ý chí chưa vững rất cần có kỷ luật để các em tuân theo. Nay em sẽ tự mình lo cho mình, chị sợ rằng em khó theo được tới nơi tới chốn. Tuy nhiên, cũng có một số người nhờ tự học rồi cũng tới thành công. Nhưng rất cần có ý chí sắt đá để không nản lòng em ạ. Nên chờ sang năm học kèm với Hùng hơn là làm phiền Mỹ Lan. Không ai có thể kiên nhẫn giảng bài cho em mãi, và em cũng không nên phiền bạn quá, mất thời giờ của bạn.

Chị cầu chúc em có nhiều nghị lực để vượt qua được sự thử thách và hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Chị mong em sẽ sớm tìm lại được những cơ hội thuận tiện để có thể tiếp tục cắp sách đến trường, điều mà đáng lẽ tuổi còn nhỏ của em, đó là một đặc quyền trước khi em phải dấn thân vào đời sống thực tế.

Chị chỉ mong em đừng sớm buông xuôi, mà rũ bỏ hết ý chí phấn đấu, em ạ.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 101, ra ngày 3-8-1973)


Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

MONG THU - Thế Linh

  


 
 
 
 
 
 
  
 
  
 
 
(Trao về Nhật Linh - Đằng Linh)

Dư vang hè còn đó
Tiếng ve kêu thiết tha
Phượng bên đường nở đỏ
Hoa nắng vẫn chan hòa

Cổng trường còn khép kín
Thầy bạn còn xa nhau
Ba tháng hè lưu luyến
Muốn thời gian trôi mau

Ước mơ thu về đến
Với bao lá úa vàng
Mây trời trôi lơ lửng
Gió thu về miên man

Thu về theo dấu hạ
Mơ ước buổi tựu trường
Bạn bè gặp nhau cả
Lòng không buồn vấn vương.

                                   THẾ LINH
                               - trời thôn Diễm -

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 50, ra ngày 6-8-1972)


Thứ Hai, 21 tháng 8, 2023

EM BÉ - Tôn Nữ Quỳnh Thơ

 

 Em tí teo 
Nằm bên mẹ 
Khóc oa oa 
"Làm sữa lẹ!"

Em tí teo
Quấn trong tã
Thò chân ra
Khoan khoái lạ

Em tí teo
Miệng cong cớn
Đến giờ ăn
La thật lớn

Em tí teo
No bụng ngủ
Nhoẻn miệng cười
Vui đấy hử?

Em tí teo
Nằm bên mẹ
Trang sổ đời
Vừa mở nhẹ!

     TÔN NỮ QUỲNH THƠ

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 207, ra ngày 15-8-1973)



Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2023

CHỚ NHẮM MẮT LẠI VÀ CHỈ BIẾT CÓ MÌNH - Nguyễn Hùng Trương

 

 Các em thân mến,

Chắc các em một đôi khi gặp một hạng người chỉ chú trọng đến họ thôi. Ngoài ra họ không bao giờ để ý đến những việc xảy ra cho những người sống xung quanh họ, họ theo đúng tính ích kỷ: chỉ biết có mình, sống chết mặc ai. Hạng người này chỉ nghĩ đến quyền lợi của riêng họ, không biết gì đến những tình cảm cùng ý thích của người khác. Trong mọi hành động họ đều nhắm mắt lại và chỉ biết có họ thôi.

Các em có ưa hạng người ích kỷ này không? Chắc chắn là không!

Một khi chúng ta nhắm mắt lại và chỉ biết có mình, chúng ta giống như người bị bịt mắt, không nhìn thấy sự thật ở đời nên thường hay làm những điều không nên làm, nói những điều không nên nói, có hại cho những người xung quanh và có hại cho cả chúng ta nữa.

Ví dụ trước mặt một người bạn nghèo, đang thiếu thốn mọi bề, chúng ta lại khoe khoang sự giàu sang sung túc của mình, những món đồ quí giá mình vừa mua sắm, gặp một người bạn vừa thi hỏng, mình cho biết lớp mình đậu một trăm phần trăm, chúng ta làm cho bạn chúng ta tủi hổ và đồng thời không còn cảm tình với chúng ta nữa.

Các em thân mến,

Trong mọi hành động, các em chớ bao giờ nhắm mắt lại và chỉ biết có mình. Các em hãy mở rộng đôi mắt các em và cả tấm lòng các em để nhìn xung quanh các em, tìm hiểu và thành thực chú trọng đến mọi người. Được vậy, các em tránh sự thù ghét và nhận lòng quí mến của nhiều người.
 

Thân mến                     
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 105, ra ngày 31-8-1973)




Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

CHỊ ƠI EM THI KHÔNG ĐẬU, BỊ HẤT HỦI - Đỗ Phương Khanh

 

 Thư của em Đ. - Saigon

Thưa chị em là một thằng bé trai năm nay 13 tuổi, em thi đệ thất năm nay là lần thứ hai. Lần trước em vì học hành dở nên đã rớt; cái đó em cũng công nhận là lỗi tại em vì học bài, làm toán bê bối, không lo nên bị rớt; em buồn đành chịu không trách ai cả... Nhà em gồm có: Ông, Bà, Ba Má, hai chú, bốn cô, em là cháu (đích tôn) ai cũng thương mến cả, nhất là má em, em thích cái gì là má em cho ngay, hao tốn tiền bạc không kể, dù nhà em không giàu lắm... Nhưng khi thi trượt (lần I) thì cả nhà ai cũng la mắng và tỏ ra lạnh nhạt... chỉ có ba em là đánh em chỉ vỏn vẹn 2 roi (đau ít) và ghét em lắm. Má em cũng tỏ ra hết nưng niu như trước. Chị biết không từ đó hàng ngày em bị hạn chế coi ciné, T.V, chơi đùa, bắt làm thêm những việc hơi cực mà ngày thường em ít làm; hễ có gì hơi sai là bị đánh đại mạnh vào người em chớ không dạy bảo, sửa đổi gì thêm chỉ sai lầm là đánh... và... đánh, em buồn và im lặng chịu đựng những cử chỉ đó dần em quen đi đến kỳ thi sau này. Trước kỳ thi hơn 2 tháng chỉ có chú Tám em là bắt em học bài làm toán và đi học thêm, chú ấy là đánh em nhiều nhất và ghét em lắm. Em cũng cố học vì em sợ ngày sau học dở ra đời sống cực khổ nên đã gắng sức học ngày đêm. Đến ngày thi em đi bộ đi thi và đến ngày coi kết quả thì em rớt, em chán nản hết sức và buồn bã vô cùng... Về nhà bị mọi người chửi la gấp 3, 4 lần trước và nhiều người đánh.... Em học tư nhưng tinh thần bị lay chuyển dữ dội, hàng ngày em buồn bã không chơi đùa nữa... Về nhà bị la, đánh bắt làm phụ việc cực nhọc vô cùng. Tinh thần càng ngày càng xuống dốc...

Trả lời:

Em là một trong những em bé Việt Nam may mắn. Phần lớn các em, nhất là ở nông thôn, đã bị thất học, hoặc mồ côi, ít ai còn được sống trong 1 gia đình đầy đủ ông, bà, cha, mẹ, chú, cô, em v.v... như em. Em lại là cháu đích tôn nên được cả nhà nuông chiều, chỉ mới đây em mới bị ghét bỏ mà thôi. Trường hợp của em chưa quá trễ, còn cứu vãn được lắm em ạ.

Em bị ghét bỏ vì em thi rớt vào đệ thất. Thi rớt, theo gia đình em, nó biểu lộ sự học hành kém cỏi của em. Cả gia đình thương yêu chiều chuộng em, dành tất cả thời giờ cho em học, lại đòi gì được nấy ; thế mà điều cả gia đình ước mong, là em vào được đệ thất trường công, điều mà nếu em chăm học em có thể đạt được, cả gia đình em lại bị thất vọng tới 2 lần. Chị thông cảm nỗi buồn đó em ạ. Tuy nhiên, chị tin rằng sự thực gia đình em không ghét em đâu, sở dĩ cả nhà phải có thái độ lạnh nhạt ấy với em một phần vì giận em, một phần cũng để phạt em nữa. Bây giờ em hãy xin lỗi gia đình và hứa sẽ chăm chỉ học, mặc dầu không vào được trường công, em sẽ học trường tư, em sẽ cố gắng, chuyên cần, và em sẽ thu lượm được kết quả. Chị tin gia đình em cũng hiểu rằng số học sinh theo học trường công chỉ bằng một phần mười học sinh trường tư. Và số học sinh trường tư thành đạt cũng nhiều vô cùng. Học trường tư chỉ có cái thiệt rõ ràng là phải đóng học phí. Ngoài ra về các thứ khác, như giáo sư, chương trình học thì cũng giống trường công mà thôi. 13 tuổi đã thi vào đệ thất 2 lần không đậu thì em nên xin ba má cho học đệ thất trường tư là hơn. Nói thế không phải là học trò trường tư dở hơn, nên không vào nổi trường công lại học trường tư được, mà vì thi ào đệ thất là thi tuyển, trường chỉ lựa vừa đủ học trò theo số lớp dự định mở, mà số học trò dự thi có khi đã học qua đệ thất, đệ lục rồi nên sức học vượt trên các em. Thi tuyển chỉ lựa theo thứ tự từ nhiều điểm trở xuống, mặc dù sức học em trên trung bình, mà có nhiều người hơn em, em vẫn rớt. Nếu có năm nào ít người thi, thì sức học em dưới trung bình, vẫn được nhận cho đủ số học sinh, chứ không phải như các kỳ thi tú tài, trung học v.v... Chỉ cần 1 số điểm trung bình là đậu. Chị biết rất nhiều học giả, giáo sư, bác sĩ, luật sư ngày nay, không hề học trường công. Vậy em thưa với ba má, xin lỗi các người, hứa sẽ chăm học, không chơi bời đàn đúm, xin ba má cho tiền học đệ thất 1 trường tư (ba má có thể chiều em, cho em đủ thứ, không kể hao tốn tiền bạc chắc không tiếc em tiền học phí đâu). Qua niên học tới, em rán chăm học, ba má sẽ thấy em tiến bộ, và chị tin chắc chắn gia đình em sẽ yêu thương em trở lại. Em hãy làm rạng danh trường tư đi nghe, em trai.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 49, ra ngày 30-7-1972)


Thứ Tư, 16 tháng 8, 2023

DẠO PHỐ SÀI GÒN - Trần thị Phương Lan

 
  
Nhỏ dạo phố Sài Gòn 
Tay mẹ nắm tay con
Con tóp tép ăn bánh
Bánh gâteau thật ngon

Nhỏ dạo phố Sài Gòn 
Có anh nhỏ kề bên
Trời chiều nhiều mây trắng
Anh nhỏ cười thật hiền

Hai anh em cười tươi 
Tung tăng dạo phố vui
Ôi ngày xa xưa ấy
Nghĩ lại nước mắt rơi

Chợ Bến Thành đông quá
Bao nhiêu người lại qua
Quán xá thật nhộn nhịp
Lẫn tiếng đàn tiếng ca

Mẹ mua em đầm trắng
Mẹ mua anh sơ mi 
Anh ơi ngày xưa đó
Ta còn lại được chi

Nhỏ dạo phố Sài Gòn 
Cành hoa rũ trên tay
Phố phường xa lạ quá
Bóng đổ nghiêng vai gầy

Nhỏ dạo phố Sài Gòn 
Đường xưa người đâu thấy
Sài Gòn đông vui đấy
Sao bước nhỏ cô đơn?

                          Trần Thị Phương Lan 
                          (Bút nhóm Hoa Nắng)

Cho Sài Gòn trước 1975 thương yêu của tôi...


Thứ Ba, 15 tháng 8, 2023

VẪN CÒN HY VỌNG - Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch

 

Suốt mùa đông năm đó, tôi ở làng Castelmare, một làng bị tàn phá gần như hoàn toàn ở gần Livourne (Ý) và sáng nào tôi cũng gặp cụ bà Maria Bendetti. Nhỏ con, mảnh khảnh, nhăn nheo, cụ đi chân không, bận một chiếc áo đen đã bạc, màu đen đã ngã qua màu hung hung đỏ, đầu quấn một chiếc khăn quàng đen, lụm khụm, vai mang nặng một cái gùi nan.

Mặt cụ tóp lại, sạm đen, tiều tụy, ưu tư, mang nét đau khổ, rầu rĩ, thất vọng. Cụ bán cá, những loại cá kỳ dị nhưng không ngon của vùng Địa Trung Hải. Dân làng chỉ sống bằng những con cá đó với ít mì ống. Tôi đã biết làng đó thời còn thái bình, dân chúng sung sướng vô tư lự. Bây giờ họ ở trong một công trường nhỏ xíu, nhà cửa đã sập hết vì bom đạn, chỉ còn đống gạch vụn, không nghe thấy tiếng cười, tiếng hát như ngày xưa. Không khí phảng phất mùi hoa trúc đào nên cảnh tượng thê thảm như trong nghĩa địa, làm cho tôi đau lòng. Nơi đó trước kia tôi thích biết bao, bây giờ chết rồi; cảnh tan hoang trần trụi đó thật xót xa, tuyệt vọng.

Hầu hết các thanh niên đã bỏ xứ đi nơi khác. Nhưng các người già và trẻ con thì còn ở lại; họ lầm lũi đi như bóng ma trong cảnh đổ nát; có mấy chiếc thuyền và mấy chiếc lưới vá víu bậy bạ, họ cực khổ lắm mới kiếm được miếng ăn, chỉ vừa đủ cho khỏi chết.

Trong số những người ở lại có cụ Maria. Đôi khi cụ dắt theo một em bé gái mười tuổi, chắc là cháu của cụ. Gầy ốm, rách rưới, em đi chân không, lon ton bên cạnh cụ, vừa đi vừa rao: « Cá đây, cá tươi đây! » như cố làm cho người ta tin rằng cá mới ở dưới nước lên. Tôi nhận xét hoàn cảnh hai bà cháu mà không khỏi buồn rầu, lo ngại cho họ: họ có vẽ cố bám lấy một dĩ vãng đã qua, qua hẳn rồi! Quả đúng là một ảo vọng!

Một buổi sáng, khi họ đi qua công trường tan hoang, tôi hỏi chuyện họ. Trong chiến tranh họ đã thoát chết khi bị dội bom và bây giờ họ sống trong cái hầm ở hẻm Eustacia, khu nghèo nhất của làng không bị tàn phá.

Vì trong lòng xót xa, đâm ra bi quan, tôi hỏi cụ:

Vì sao cụ không đi nơi khác? Ở đây còn có tương lai gì nữa đâu?… Tàn phá hết rồi… Hết hẳn rồi.

Cụ làm thinh một chút rồi chậm chạp lắc đầu:

Đây là quê hương của mình. Với lại đâu có hết hẳn.

Rồi hai bà cháu bước đi, tôi có cảm tưởng như họ vui vẻ nháy mắt với nhau, ra vẻ hóm hỉnh, biểu đồng tình.

Thấy vậy tôi sinh ra tò mò. Mấy ngày sau, tôi bất giác dò xét xem họ đi đâu, không cố ý rình mò. Buổi sáng tôi thấy họ đi làm những công việc hàng ngày như mọi người, nhưng buổi chiều thì không thấy họ đâu hết. Mấy lần, sau bữa trưa, tôi đi qua hẻm Eustasia: căn phòng nhỏ của họ luôn luôn vắng tanh. Có thể rằng hai bà cháu đó không chất phác như tôi tưởng chăng? Tại sao buổi chiều nào họ cũng đi khỏi? Họ có làm gì ám muội không? Buôn lậu hoặc chợ đen?

Vì nghi ngờ như vậy, nên một buổi nọ, tôi bỏ hẳn giấc trưa trên bãi biển, lại hẻm Eustasia sớm hơn mọi lần. Tôi núp dưới một cái cổng, rình căn nhà của cụ. Tôi không phải đợi lâu. Khoảng một giờ trưa, hai bà cháu ở trong hầm bước ra, mỗi người đeo một cái giỏ không trên lưng; họ nắm tay nhau vui vẻ, hăng hái lên đường. Tôi đi theo rình họ, như một tên trộm.

Hai bà cháu lách qua đám nhà cửa đổ nát. Tới đầu làng, họ tiến vào một con đường mòn cháy nắng đưa xuống lòng sông cạn khô. Tôi đứng trên cao nhìn xuống bờ sông. Tôi ngạc nhiên làm sao, thấy nhiều người cuốc đất, xúc đất trong lòng sông lởm chởm những đá. Hai bà cháu đặt giỏ xuống, rồi bắt đầu làm việc. Mới đầu tôi tưởng họ tìm bảo vật vàng bạc gì đó, rồi tôi thấy đứa cháu gái xúc một giỏ cát, còn bà cụ lựa kỹ từng phiến đá trắng vuông vức bỏ vào giỏ. Khi giỏ đầy rồi, họ gùi lên lưng, chậm chạp leo con dốc dựng đứng để lên bờ.

Họ đi ngang sát chỗ tôi núp. Không biết họ có thấy tôi không. Nếu có thì họ cũng không để lộ cho tôi thấy. Đợi cho họ đi qua rồi, tôi mới theo dõi.

Con đường đưa tới chỗ cao nhất của làng, tới một cái đồi nhỏ bao quát cả miền chung quanh. Mấy lần đi chơi, tôi chưa bao giờ bước chân tới đó: đó là nơi duy nhất không bị tàn phá. Một nhóm người làng đang làm việc trong bụi cây keo. Họ nói nhỏ nhẹ với nhau, không có những cử chỉ huênh hoang, lặng lẽ trộn hồ, đục những phiến đá nhỏ nhắn, trắng đẹp rồi sắp vào nhau, chồng lên nhau thành những bức tường của một kiến trúc rộng lớn.

Mới đầu tôi chưng hửng. Rồi đột nhiên tôi đoán được mục đích của họ, họ tính xây cất cái gì. Tôi nghẹt thở. Những kẻ đó chỉ có một mái nhà đủ che mưa che nắng, còn bao nhiêu đã mất hết. Những ông bà già và trẻ con mà tôi tưởng chỉ là những bóng ma bất lực, hư ảo, vật vờ, đã quyết tâm làm một công tác tập thể đầu tiên là tự lực xây cất một giáo đường mới mẻ, lộng lẫy. Không phải là một nhà thờ nhỏ xấu xí tạp nhạp, mà là một chỗ thờ phụng quy mô, đẹp đẽ hơn tất cả những giáo đường cũ trong miền.

Cụ già và đứa cháu trút giỏ cát đá xuống, nghỉ một chút để thở rồi lại trở xuống lòng sông. Khi đi ngang qua sát tôi, mồ hôi nhễ nhại trên trán, cụ già ngó lén tôi: cặp mắt đen và nghiêm nghị của cụ có vẻ tươi cười dịu dàng mà bí mật, bề ngoài thì bình tĩnh mà bề trong ranh mãnh một cách hiền từ. Cụ có vẻ như bảo: « Sao? Có thực là tương lai của chúng tôi hết hẳn chưa? » Tất cả cuộc đời của cụ hiện rõ trong vẻ nhìn đó, từ dĩ vãng, hiện tại tới tương lai. Một cuộc đời can đảm, nhẫn nại, một lòng tin tưởng bền bĩ, không gì lay chuyển nổi, một ý chí cam nhận cái gì không tránh được, nhất là quyết tâm tin tưởng.

Tôi xấu hổ đứng trân ra đó, trong khi hai bà cháu đi khuất vào đường mòn. Nghĩ rằng mình đã để cho niềm thất vọng lôi cuốn, tôi thấy đau nhói tim như có mũi dao đâm vào đó. Ừ thì tan hoang, đổ nát đó, nhưng đã làm sao? Nếu những người già lụm khụm như vậy và những người trẻ măng như vậy mà còn lòng tin tưởng mãnh liệt như vậy thì thế giới vẫn còn có thể hy vọng được, hy vọng được ở tất cả.

Tôi đứng trên đồi một hồi lâu. Sau cùng khi xuống đồi, lòng đã bình tĩnh, phấn khởi thì ngôi sao hôm hiện lên, tuy còn lờ mờ nhưng đã lấp lánh trên nền trời vô biên và làng xóm chìm dần sau làn sương nhẹ từ biển bốc lên. Nhưng ở « cái nơi tâm linh còn bừng bừng đó » tôi thấy tất cả ngọn lửa chiếu sáng rực rỡ.

 

Tác Giả: A.J. Cronin      

Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch  

(Trong Ý Cao Tình Đẹp)         

Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2023

NGỒI XUỐNG ĐÂY EM - Trịnh Công Truyền

 
 
( Thơ… Thuở Học Trò ! )
 
Ngồi xuống đây em… vườn hồng mở ngỏ…
Nghe gió mùa thu thở nhẹ mơn man
Và nắng đang lên hồng đôi mắt thỏ
Chim rủ nhau về mở hội thênh thang !
 
Ngồi xuống đây em… hoa cỏ lao xao…
Giọng hót chim muông văng vẳng ngọt ngào
Em vỗ tay vang nhịp đừng gượng gạo…
Câu hát ngọt ngào theo gió bay cao !
 
Ngồi xuống đây em… bên túp lều xinh
Con suối thiên nhiên ấp ủ mộng lành
Ta bày cuộc vui nụ cười tròn nụ
Mơ ước đong đầy trong mắt em xanh !
 
Ngồi xuống đây em… bóng mát mênh mông
Nghe tuổi hoan ca ngọt lịm môi hồng
Em có mê say lạc vào huyền thoại…
Rợp mát thiên đường như vẫn ngóng trông ?
 
Ngồi xuống đây em… má ửng hồng tươi
Vọng khúc ca dao ấm lại tình người
Nghe võng ấu thời ru hơi ấm mẹ
Và tuổi son vàng giăng mắc muôn nơi…
 
                                    (Thành phố Tam Kỳ, 1973) 
                                    TRỊNH CÔNG TRUYỀN 


Thứ Bảy, 12 tháng 8, 2023

HOA HỒNG MÀU TRẮNG - Hồng Liên

 


 - Mày đi đâu cho khuất mắt tao đi, đồ ăn hại...

Nga nghẹn ngào nép sát vào ngực ba tức tưởi, đôi môi Nga run lên từng chặp. Nga chỉ biết khóc, chỉ có khóc mới nguôi đi hờn tủi.

Nào phải Nga làm chi nên tội, hồi sáng Nga xin má Nga (kế mẫu) tiền để đóng học phí tháng tư, đã 10 tây rồi. Ông hiệu trưởng cứ hăm dọa Nga hoài, ngày nào vào lớp cũng bị thầy kêu lên văn phòng hạch hỏi. Cả tuần nay Nga ngần ngừ chưa dám xin vì ba Nga bệnh, không chạy xích lô được. Thế nên gia đình Nga luôn luôn có chuyện buồn. Ở lớp bạn bè dần dần xa lánh Nga, lúc nào cũng nhìn Nga bằng cặp mắt soi bói như muốn lột trần tư tưởng của Nga. Những lần như thế Nga chỉ im lặng, len lén cúi mặt xuống đất đi vào lớp. Trước kia lớp học đối với Nga là cả một lâu đài thần tiên, còn bây giờ với Nga nó chỉ là địa ngục. Sự học của Nga càng sút kém: tháng trước Nga đứng nhất, sau trụt đến năm và bây giờ là thứ 17. Lúc nghe thầy đọc vị thứ, cả người Nga run lên, mắt Nga mở lớn nhưng em không thấy gì cả, Nga hình dung đến khuôn mặt khắc khổ của ba và những lằn roi của bà mẹ kế, những tiếng chửi rủa... Nước mắt Nga trào ra, em gục đầu xuống bàn nức nở. Trống trường đã điểm và các bạn Nga đã về gần hết mà Nga vẫn không hay. Thầy giáo thấy vậy đến bên Nga khẽ hỏi:

- Nga!... Con làm sao thế?

Không đợi Nga trả lời, thầy tiếp:

- Thầy biết con đang buồn vì tháng nầy con đứng xa, nhưng con đừng nản, còn có cả một thời gian để học và để đứng cao, miễn con đừng xao lãng việc học là được rồi. Con người ta có chí thì nên con ạ.

Nga ngước lên nhìn thầy rồi đột nhiên ôm cặp bỏ chạy khiến thầy nhìn theo ái ngại.

*

Vừa bước vào nhà, Nga đã nghe tiếng quát của dì Bảy:

- Này! Tôi nói cho ông biết, bây giờ con Nga nó hư quá chẳng làm được gì cả; ông thấy không? Cơm nước tôi lo, quần áo giặt giũ tôi lo. Cái gì cũng tôi hết, nó chỉ việc ăn rồi ẵm em, gánh vài đôi nước thôi mà cũng chẳng xong. Hồi sáng này tôi giao cho nó gánh đủ năm đôi nước rồi mới đi học, thế mà mới có ba đôi là nó quẳng thùng ra đó, nó dành cho tôi chắc? Con ông nó có hiếu với tôi thế đó, gớm, con với cái, khổ không?

Giọng ba Nga ôn tồn:

- Thì đến giờ đi học cho con nó đi, về gánh cũng chẳng muộn, bà sao...

- Sao cái gì? Tôi biết mà, hễ nói động tới nó là ông bênh, còn tôi là đồ bỏ hay sao? Dầu gì tôi cũng phải có quyền làm mẹ với nó chứ.

Ba Nga lắc đầu chán nản:

- Vâng, bà là mẹ, tôi có nói gì đâu.

Dì Bảy lại the thé:

- Còn ông, độ rày tiến đưa cho tôi đã giảm xuống gần nửa, thế mà ông còn rượu chè tối ngày, khổ thân tôi quá...

Nga lảo đảo bước vô nhà, ba em kêu lại:

- Nga! Mầy lại đây tao biểu.

Nga sợ sệt bước đến trong khi dì Bảy nguýt một cái rồi ngó mặt ra đường.

- Mầy về mấy giờ đó?

Nga ngước nhìn đồng hồ rồi nói khẽ:

- Dạ hơn mười hai giờ rưỡi rồi ba.

- Đi học giờ này mới về, coi chừng đó. Học hành độ rày ra sao... Đưa sổ đây tao coi.

Tay Nga run run mở cặp:

- Đây ba...

Rồi im lặng chờ lời trách mắng.

Ba Nga liệng quyển sổ xuống bàn:

- Nga! Sao mày học hành tệ quá vậy. Tao cho mày đi học chớ phải đi chơi sao? Liệu đó, tao cho nghỉ học bây giờ.

Nga tái mặt nhìn ông, gương mặt đỏ rực hằn nét giận dữ. Chạm phải cái nhìn của ba, Nga cúi xuống.

Có tiếng dì Bảy:

- Đó ông thấy chưa? Tôi nói có sai đâu...

Rồi bà ngoe nguẩy đi xuống.

Ba Nga rút phắt cây roi quất túi bụi vào mình Nga, bao nhiêu tức giận ông liền đổ trút lên cô bé. Em cắn răng chịu đau không dám làm gì cả. Một hồi như đã mỏi tay, ba Nga dừng lại. Chợt nhìn Nga, thấy tấm thân tiều tụy của con, lòng ông se lại, đôi dòng lệ chảy dài trên đôi má nhăn nheo. Quá xúc động, Nga chạy tới ôm chầm lấy ba. Ba Nga ôm Nga vào lòng, đặt nhẹ trên trán Nga một nụ hôn. Nga sung sướng miệng mỉm cười chua xót.

Đêm đó Nga không ngủ được, lằn roi hồi trưa làm Nga đau nhức, lăn lộn hoài, mãi tới gần sáng em mới thiếp đi. Trong mơ em thấy mẹ dắt em đi chơi. Xuống bãi biển, bà dắt em ra ngoài xa. Bỗng nhiên mẹ và em chìm xuống. Nga hoảng hốt kêu lên:

- Mẹ ơi!...

Nga chới với...

Em giựt mình tỉnh giấc, Nga ôn lại giấc mơ và nhớ mẹ thật nhiều. Ôi! Mẹ của con, mẹ của bé Nga hôi năm năm trước...

Xa xa có tiếng ai ru con:

- "Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng".

Nga lại khóc. Bây giờ em mới biết và mới hiểu nỗi khổ của những người mất mẹ. Một cành hoa hồng trắng đã tự cài lên áo em rồi.

- "Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng"...


HỒNG LIÊN        
(Bảo Lộc)           

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 140, ra ngày 1-11-1970)

Thứ Năm, 10 tháng 8, 2023

CHIỀU BÊN THÀNH XƯA - Cao Nguyên Hùng

   
Một lần ta đến Di Linh
Ngập ngừng đếm bước thênh thênh đường chiều

Dừng chân thành cũ quạnh hiu
Nghe hồn Chiêm quốc dâng nhiều xót xa

Niềm đau ngút ngọn cây già
Tỏa xanh gốc cỏ xa xa chân đồi
 
Mênh mông theo cánh chim lơi
Tìm hương cố quốc chơi vơi rừng chiều

Kìa, ai tựa cửa đìu hiu
Tìm trong di tích chín chiều xót thương

Một đời oanh liệt đường đường
Giờ đây tan tác khói hương lạnh lùng

Rêu phong gốc tích rưng rưng
Ngày xưa theo nắng cuối rừng buồn tênh.

                                          CAO NGUYÊN HÙNG

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 51, ra ngày 13-8-1972)


 

Thứ Tư, 9 tháng 8, 2023

NỬA ĐÊM KỂ TRUYỆN - Nguyễn văn Nghệ

 


Chú Hai ngồi nơi thềm nhà, ngắm mãi con sáo đen trong chiếc lồng tre treo lơ lửng trên nhánh mãng cầu gần đấy. Nghe chú huýt gió, con sáo như nhận ra tiếng chủ, nó gật gật cái đầu, cất giọng líu lo đáp lại.

Con sáo trâu này chú Hai nuôi nó từ khi còn non nớt cho đến giờ cũng khá lâu. Nó dạn dĩ dễ thương làm sao! Khi chú lại gần nó, nó không hề sợ hãi, trái lại nó nũng nịu nhảy bám lên tay chú những lúc chú đưa tay vào lồng để treo chuối cho nó ăn hay thay nước cho nó uống. Nó thích đứng trên thanh tre vắt ngang giữa lồng, đảo mắt nhìn trời, nhìn mây, đoạn hót lên khúc nhạc vui tươi rộn rã quen thuộc của giống nòi nó. Thỉnh thoảng nó nhảy vội xuống, toan đuổi theo một con bướm rực rỡ vừa thấy lả lướt bay ngang. Nhưng vướng phải chấn song, và cánh bướm đã chấp chới bay đi xa rồi, nó lại thản nhiên trở về chỗ cũ.

Con vật dạn dĩ như vậy, song chú Hai chẳng dám cho nó ra khỏi lồng. Ở châu thành để nó bay nhảy thong thả chỉ tổ làm mồi cho lũ mèo không thì cũng bị trẻ con chốp mất. Nó ở trong chiếc lồng chắc chắn như thế mà có hôm chú Hai còn bắt gặp con mèo vằn của ai lại rình rập bên nó nữa chứ! Chú đã giận dữ vác chổi rượt "tên trộm" một phen chạy cong đuôi...

Một lần khác, nó lại bị đám trẻ nghịch ngợm hàng xóm bao quanh chọc phá. Chú Hai hay chuyện mách với ba má chúng cho chúng bị đòn "nứt đít" ra mới không dám bén mảng tới nữa.

Chú Hai rất quý con sáo. Từ ngày thiếm hai qua đời, chú chỉ còn đứa con trai độc nhất và con chim nhỏ nầy để làm nguồn vui sống. Trưa nào làm việc ở xưởng ra chú Hai cũng không quên ghé qua chợ mua vài quả chuối, ít trái ớt hiểm cho con sáo. Đôi khi chú bảo Quốc, con chú, phải đi kiếm cào cào, châu chấu ở tận đồng cỏ xa về cho nó ăn thêm mập mạnh. Tối đến, tự tay chú xách lồng chim vào nhà, phủ lên lồng một cái mùng bằng vải thô để cản gió lạnh, đồng thời che mắt bọn chuột nhắt chuyên ăn vụng chuối của con chim. Mỗi tháng chú lột lưỡi nó một lần. Công việc này gây nhiều đau đớn cho con vật, song nhờ đó hiện thời nó đã nói được vài ba tiếng người khiến chú Hai càng cưng quý nó hơn.

Chiều nay, như bao chiều khác, chú Hai lại bắc ghế đẩu ngồi tréo ngoải nơi thềm nhà, ngắm nghía con chim của mình. Được một lúc, chú quay đầu gọi vọng vào trong:

- Quốc ơi!

Có tiếng dạ thanh thanh kéo dài của một cậu bé. Chú bảo:

- Lấy cho ba trái chuối cho con sáo ăn coi nào!

Một lúc sau, Quốc bước ra trao cho ba một quả chuối xiêm và nói:

- Tối rồi cho nó ăn làm chi ba?

Chú Hai đứng lên tiếp lấy, tươi cười:

- Ậy, cho nó ăn kẻo tối nó đói bụng. Con đói còn có thể lục cơm ăn, chứ nó đói thì chỉ có nước... khóc thầm!

Đoạn chú bước lại mở cửa lồng, lòn tay vào trong loay hoay buộc trái chuối vào một song tre. Công việc chưa xong bỗng nhiên chú la oải lên, cúi nhìn xuống: Một bầy kiến lửa đỏ rần thi nhau bu cắn chân chú.

- Giống mắc dịch!

Chú Hai xuýt xoa, giậm chân bình bịch cho lũ kiến gan góc rơi xuống đất.

Không ngờ những cử động ấy khiến cái lồng chim mắc trong tay chú bị chao đi, đồng thời cái móc sắt để treo lồng vuột khỏi nhánh cây. Chú Hai kịp quay nhìn lên thì cả chiếc lồng nặng nề đã rơi đổ xuống mặt đất. Con sáo hoảng hốt bay vụt ra khỏi lồng, đáp lên hàng rào gần đó. Chú Hai kêu lên một tiếng:

- Chết!

Và vội vã chạy đến chụp bắt con chim. Bình thường nó dạn thế, nhưng bây giờ có lẽ vì quá khiếp đảm trước sự việc vừa xẩy ra mà nó không hiểu tí gì, nên đâm ra nhát sợ cả chú Hai. Bàn tay của chú vừa chạm vào lông nó đã phóng vút sang nhà bên cạnh. Chú Hai thét bảo:

- Nó qua nhà dượng Năm rồi, đuổi theo mau, Quốc!

Rồi không để đứa con kịp tuân lệnh, chú nhẩy ra mở tung cửa rào.

Có tiếng reo của thằng Cường con dượng Năm, bên ngôi nhà kia:

- A! Mình bắt được con sáo!

Chú Hai tái mặt xông vào. Thấy con chim của mình đang vùng vẫy kêu la trong đôi bàn tay nắm chặt của cậu bé, chú lấy vẻ mặt tươi cười nhỏ nhẹ:
 
- Con sáo của tôi làm xẩy đấy. Cháu cho tôi xin lại nhé!
 
Cường đang cười vui, bỗng xịu mặt, rút tay lại như muốn che giấu con chim đi:
 
- Không! Của tôi bắt được, tôi không trả ai hết! 

Dượng Năm từ trong bước ra, cất tiếng hỏi:

- Gì thế?

Chú Hai cúi chào đoạn phân trần:

- Dạ, con sáo nầy tôi lỡ làm xẩy, may nhờ cháu đây bắt được. Mong dượng làm ơn nói cháu cho tôi xin lại, tôi cám ơn lắm!

Cường chợt khóc òa lên:

- Không đâu ba ơi! Con bắt được nó thì nó là của con. Con để con nuôi.

- Thôi nín!

Dượng Năm bảo con, rồi quay sang chú Hai:

- Lúc trước tôi nói hết lời hỏi mua con sáo, anh không chịu bán nay nó xẩy, con tôi bắt được, anh không có quyền gì đòi lại. Tuy nhiên, tôi cũng trả cho anh số tiền tôi đã định bỏ ra mua nó khi trước đây. 

Dứt lời, dượng đưa tay vào túi quần toan móc bóp lấy bạc, chú Hai vội nói:

- Xin dượng nghĩ lại. Con sáo nầy tôi thương nó lắm. Tôi không muốn xa nó một ngày nữa là...

Dượng Năm ngắt lời:

- Nhưng bây giờ nó đã thuộc quyền của tôi.

Chú Hai thấy nóng mặt:

- Sao lại thuộc quyền dượng?

- Vì nếu con tôi không bắt được, con sáo cũng bay mất...

Chú Hai không thể nào dằn được tính nóng nảy cố hữu. Chú giận dữ nói to:

- Người lớn gì mà ăn nói ngang quá vậy? Chẳng thà con sáo của tôi bay mất. Còn ai bắt được phải trả lại tôi chứ!

Bị chạm tự ái, và cũng chợt nhớ đến những xích mích thường xẩy ra giữa hai nhà, dượng Năm gằn giọng:

- À, anh nhục mạ tôi phải không?

Rồi đột nhiên dượng giựt lấy con sáo trên tay con, giơ thẳng cánh vật mạnh nó xuống nền gạch. Con chim vô tội kêu lên một tiếng bi thảm run rẩy một chốc, và sau cùng nằm yên. Dượng Năm hất hàm:

- Đấy, trả anh đấy!

Chú Hai sửng sốt lặng người. Chú vụt quay lưng trở ra sau khi ném một tia nhìn căm tức về phía Dượng Năm. Thấy Quốc lấp ló nơi cửa chú nạt lớn:

- Đi về!

Thằng Cường bỗng rùng mình. Nó nhận thấy cái nhìn của chú Hai như chứa đựng một lời hăm dọa ghê gớm. Nó hối hận nghĩ thầm:

- Cũng vì mình quen tánh làm nũng mà ba sắp phải chịu một tai họa gì đây?

Trong lúc ấy, cha con chú Hai vẹt đàn trẻ hiếu kỳ tụ họp lố nhố trước sân, hằn học trở về nhà.

Quốc đem cất chiếc lồng tre vào xó bếp, khi chú Hai thẫn thờ đứng lặng trước mái hiên. Chú nhìn quanh, trong lòng vụt cảm thấy hình như thiếu thốn một cái gì. Cây mãng cầu giờ đây đơn lẻ quá, đâu còn chiếc lồng bầu bạn, đâu còn tiếng ca vui vẻ của con chim đáng thương khi nào! Cành lá run lên như thổn thức, thì thào như cầu nguyện.

Từ lúc xẩy ra câu chuyện đáng buồn ấy, chú Hai thường rầy mắng con nhiều lần một cách vô cớ. Dù bị mắng oan uổng, Quốc vẫn lặng thinh hứng chịu, vì biết đây là do nỗi phẫn uất chứa đầy trong tâm não cha mình gây nên. Thật thế, lòng chú Hai hiện giờ như một hỏa lò nóng bỏng, bừng bừng những tia lửa căm giận. Cũng giờ nầy ở bao chiều trước, chú được vui vẻ bận rộn với con sáo: nào đem lồng vào treo lên sà nhà, nào giăng mùng, đuổi chuột cho nó. Bây giờ thì hết cả! Thời gian sao kéo dài và trống rỗng thế kia? Tâm tư tựa hồ rơi vào lạc lõng, chú Hai không biết phải làm gì cho vơi phiền muộn. Chú bực tức quát mắng đứa con, như chính nó là nguyên nhân đem sự đau xót cho lòng mình.

Trời chập tối, sau khi thắp nhang trên bàn thờ xong, chú Hai bảo con cùng đi ngủ. Chú muốn ngủ sớm để lãng quên bao nhiêu sự việc đã xẩy ra, nhưng không thể nào chợp mắt được, đầu óc cứ rối bời những ý nghĩ thù hận quay cuồng. Trái lại, Quốc vừa ngả lưng bên cha một chốc đã ngáy to.

Trong khi ấy không gian vẫn âm thầm đi dần vào khuya vắng. Đâu đây thoảng tiếng thạch sùng tặc lưỡi tiếc thương. Bên hè đàn dế canh thâu lại trổi giọng âu sầu. Gió buốt lướt qua ngàn cây, xao xác. Có tiếng chim heo kêu thét trên trời cao lạc lối hay bơ vơ trong đêm lạnh? Chú Hai nhỏm người lên. Tiếng kêu não nuột gợi cho chú hình ảnh con sáo đem nằm oằn oại ban chiều...

Mãi lâu chú Hai mới thiếp đi trong mệt mỏi.

Nhưng liền sau đó, đột nhiên chú tung chăn ngồi dậy, nhẹ nhàng bước xuống đất. Lặng lẽ như chiếc bóng, chú mặc nhanh bộ đồ đen, rút khẽ con dao nhỏ giắt trên đầu giường bỏ vào túi, đoạn mở cửa sau bước ra ngoài.

Trời tối mịt, chú Hai cố mở rộng hai mắt để nhìn rõ mọi vật. Chú tiến đến dãy rào ngăn sân sau nhà mình với sân mé sau nhà dượng Năm và leo chuyền sang bên kia. Công việc thật dễ dàng, vì rào làm bằng cây đóng rất thấp. Lập tức, chú Hai lần tới cửa sau nhà người hàng xóm. Thình lình một con chó từ đâu nhẩy xổ đến bên chú, sủa vang. Chú Hai cúi nhặt một nhánh cây nằm vướng dưới chân, thẳng tay vụt thật mạnh vào lưng con vật. Nó kêu lên ăng ẳng mấy tiếng, cúp đuôi lẩn mất vào bóng đêm. Liền đó có tiếng động trong nhà, tiếng guốc lê lẹp kẹp, tiếng mở cửa rồi một người hiện ra: chị ở. Một tay cầm cây đèn, một tay che mắt, chị ta dọ dẫm bước ra hỏi lớn:

- Có chuyện gì thế, Tô tô?

Chú Hai vội nép mình sau cái lu nước cao ở sát bên hông chị. Chú nhìn quanh, mắt sáng lên, vớ lấy cái ky hốt rác dựng kề đấy. Đợi chị ở xây lưng lại, chú đứng bật dậy cầm ky quạt mạnh về phía ngọn đèn. Ánh lửa yếu ớt tắt phụt. Nhanh như cắt, chú lách mình vào trong, tai còn nghe chị ở càu nhàu:

- Gớm, gió mạnh quá!

Đặt nhẹ cái ky xuống sàn gạch, chú Hai khoan khoái nghĩ thầm:

- Không ngờ mọi việc đều êm xuôi như mình đã nghĩ!

Móc túi quần lấy con dao nhỏ, cầm lăm le, chú rón rén tiến lên nhà trên.

Có tiếng ngáy vang từ một gian phòng. Chú Hai hồi hộp xô cửa bước vào.

Đây rồi, dượng Năm, gã hàng xóm hiểm ác! Y đang say sưa với giấc ngủ bình thản vô tâm.

Hai tay y buông thõng, chính những cánh tay tàn nhẫn đã giết chết con sáo vô tội ban chiều.

Chú Hai giận sôi lên, chú siết mạnh cán dao, vụt giơ cao khỏi đầu, hét to một tiếng, hạ xuống...

Nhưng ngay lúc đó, một bàn tay lạnh ngắt của ai đã nắm lấy cườm tay chú, giữ chặt lại...

- Ba ơi ba! Tỉnh dậy ba!

Chú Hai giật mình thức giấc. Thì ra đó chỉ là một giấc mơ.

Mồ hôi ướt đẫm áo, chú gượng mỉm cười trước nét mặt lo lắng của Quốc.

- Ba mớ hả con? Không sao, con nằm ngủ lại đi!

Quốc nằm xuống và hỏi:

- Ba mơ thấy chi vậy ba?  
 
Chú Hai trầm tư một lúc lâu, rồi chậm rãi nói:

- Con hãy nghe câu chuyện ba sắp kể đây, sẽ rõ giấc mơ mà ba vừa trải qua như thế nào.

Chú hắng giọng, bắt đầu kể:

- Vào đời nhà Tùy bên Trung quốc, tại thành Lạc dương có một người trai tráng tên là Vương Thế Sung tánh tình khí khái lại rất giỏi võ nghệ.

Một hôm Thế Sung sắp sửa vào rừng săn bắn độ nhựt như mọi khi, bỗng có anh họ là Vương Minh Đức đến viếng. Sau tuần trà nước, Minh Đức hỏi em:

- Em còn nhớ con chim anh võ của mẹ anh chứ?

- Ồ sao lại không? Nó vẫn còn khỏe và nói nhiều như trước hở anh?

Minh Đức gật đầu buồn bã:

- Vâng. Nhưng nó đã cắn đứt dây buộc cẳng bay mất rồi.

Thế Sung sửng sốt:

- Con chim ấy rất dạn và mến bác gái, có lý nào nó lại bay đi luôn. Hay nó bị lạc ở phương nào?

- Anh cũng nghĩ thế. Hiện giờ mẹ anh vì thương tiếc nó quá mà nhuốm bệnh. Anh không thể ngồi yên nên đến nhờ em đi tìm hộ cho. Em thường đi đây đó chắc phải rành đường đi nước bước hơn anh. Mong em vui lòng giúp giùm, anh muôn vàn cảm tạ.

Minh Đức là người ân giúp đỡ Thế Sung luôn nên được chàng nhận lời ngay.

Khi Minh Đức đã ra về, Thế Sung bèn sắm sửa xách lồng đi tìm con chim anh võ. Song trọn ngày đó, chàng lùng kiếm khắp thành, vẫn không thấy dạng con chim đâu.

Sáng hôm sau, Thế Sung lại tiếp tục công việc anh mình giao phó. Lần nầy chàng đổi hướng, lần sang các làng mạc kế cận. Đi đến xế trưa, trải qua suốt mấy dặm đường, nhưng kết quả cũng như hôm trước. Trời nắng hừng hực, Thế Sung mệt nhọc ngả ngồi dưới một tàng cây. Giữa lúc tràn đầy chán nản, chàng chợt thấy một đám trẻ xúm xít quanh một gốc cổ thụ, tranh nhau bàn bạc, chỉ trỏ lên một nhánh rậm lá. Thế Sung lấy làm lạ nên lại gần chúng xem có chuyện gì.

Bỗng chàng kêu lên mừng rỡ. Chính con chim anh võ của mẹ Minh Đức đang đậu trên nhánh cây kia. Thấy mặt Thế Sung, con chim khôn ngoan kia ngó xuống gọi:

- Chú Sung, cứu tôi vơi! Tôi bị vướng trên nầy, bực lắm, bực lắm!

Thế Sung bèn bỏ lồng, leo lên gỡ dây cho con vật. Được thong thả, nó bay đáp xuống đất, tự nhẩy vào lồng. Thế Sung xách lồng trở về, lòng vui vô hạn.

Khi đi ngang qua nhà Thủy Yếu, một trọc phú ở gần đấy, Thế Sung gặp hắn đang đứng chơi ngoài sân. Thấy chàng xách chiếc lồng nhốt con chim đẹp, Thủy Yếu gọi lại đòi xem, đoạn hỏi:

- Con chim này biết nói chứ?

Thế Sung chưa kịp đáp, con anh võ vụt bảo:

- Thôi về, chú Sung.

Thủy Yếu thích thú cười hô hố, rồi bảo:

- Cậu hãy bán nó cho tôi đi. Tôi trả ba trăm lượng bạc,

Thế Sung lắc đầu:

- Thưa ông dầu ba ngàn lượng tôi cũng không bán, vì con chim nầy của bác tôi, bả thương yêu nó lắm.

Quen thói hống hách hiếp người, dùng tiền bạc để đánh đổi được tất cả, nay trước câu nói ngạo nghễ của Thế Sung, Thủy Yếu giận đỏ mặt. Thình lình hắn chụp bắt con chim anh võ, nắm cẳng xé tét nó ra làm hai mảnh, quẳng đi xong ngang nhiên quay vào nhà.
 
Thế Sung vô cùng tức giận. Chú lặng nhìn theo bóng dáng tên trọc phú, rồi lầm lũi về nhá.
 
Đêm ấy, Thế Sung mài gươm thật bén, trở lại nhà Thủy Yếu...
 
Nghe chú Hai kể đến đấy, Quốc bỗng rùng mình kêu lên:
 
- Thôi con đã biết rõ giấc mơ của ba, và ý định nung nấu trong lòng ba rồi.
 
Cậu bé cầm tay cha, van lơn:
 
- Đừng làm thế ba ạ! Xin ba nghe con thuật lại một câu chuyện mà thầy con đã kể cho chúng con trong lớp:
 
- Một vị vua nọ, có mười chiếc lọ cổ hết sức đẹp. Đức vua quý chúng hơn tất cả mọi vật trên đời. Ngài đặt chúng trong tủ kính chạm trổ tinh vi, giao cho một thị thần tin cẩn mỗi ngày phải lau chùi chúng đến bóng như gương.
 
Chẳng may một hôm viên thị thần lỡ tay đánh vỡ mất một cái. Thế là nhà vua nổi trận lôi đình, thét võ sĩ đem chém đầu tên quan vô ý. Giữa lúc nguy cấp, may thay có một quan đại thần bước ra quỳ tâu rằng:
 
- Muôn tâu bệ hạ, xin bệ hạ tha tội cho viên thị thần, và truyền dẫn hạ thần đến nơi để lọ cổ. Thần sẽ có cách làm cho chiếc lọ vỡ lành lại như xưa.

Nhà vua mừng rỡ thuận ý. Khi đã đứng trước chiếc tủ đựng lọ quý, quan đại thần ngắm nghía một lúc, rồi đột nhiên xô đổ chiếc tủ, làm vỡ nát chín cái lọ còn lại, đoạn phủ phục chịu tội:

- Xin bệ hạ cứ giết hạ thần. Sở dĩ hạ thần hành động như vậy là để cứu chín mạng người sắp chết oan vì chín cái lọ quý giá đó.

Nhà vua chợt tỉnh ngộ, tha tội cho quan đại thần và cả viên thị vệ vì ngài thừa hiểu rằng:

"MẠNG NGƯỜI LUÔN QUÝ HƠN VẬT"

Câu chuyện đơn giản vừa dứt, chú Hai cảm động ôm choàng lấy Quốc:

- Con có lý. Ba sẽ bỏ cái ý định trả thù ghê gớm kia. Nhưng nếu còn ai chạm đến con chim thứ hai của ba, ba sẽ không nhịn đâu!

Quốc ngạc nhiên:

- Con chim thứ hai nào ba?

Chú Hai mỉm cười:

- Thì chính con chim Quốc đang nằm bên ba đây.

Quốc cười vui sung sướng trong lòng cha.

Bao nhiêu oán hận tiêu tan, chú Hai thiếp dần vào giấc ngủ yên lành.


NGUYỄN VĂN NGHỆ      

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa "Chiếc Áo Màu Thiên Thanh")