Thư của em Đ. - Saigon
Thưa
chị em là một thằng bé trai năm nay 13 tuổi, em thi đệ thất năm nay là
lần thứ hai. Lần trước em vì học hành dở nên đã rớt; cái đó em cũng công
nhận là lỗi tại em vì học bài, làm toán bê bối, không lo nên bị rớt; em
buồn đành chịu không trách ai cả... Nhà em gồm có: Ông, Bà, Ba Má, hai
chú, bốn cô, em là cháu (đích tôn) ai cũng thương mến cả, nhất là má em,
em thích cái gì là má em cho ngay, hao tốn tiền bạc không kể, dù nhà em
không giàu lắm... Nhưng khi thi trượt (lần I) thì cả nhà ai cũng la
mắng và tỏ ra lạnh nhạt... chỉ có ba em là đánh em chỉ vỏn vẹn 2 roi
(đau ít) và ghét em lắm. Má em cũng tỏ ra hết nưng niu như trước. Chị
biết không từ đó hàng ngày em bị hạn chế coi ciné, T.V, chơi đùa, bắt
làm thêm những việc hơi cực mà ngày thường em ít làm; hễ có gì hơi sai
là bị đánh đại mạnh vào người em chớ không dạy bảo, sửa đổi gì thêm chỉ
sai lầm là đánh... và... đánh, em buồn và im lặng chịu đựng những cử chỉ
đó dần em quen đi đến kỳ thi sau này. Trước kỳ thi hơn 2 tháng chỉ có
chú Tám em là bắt em học bài làm toán và đi học thêm, chú ấy là đánh em
nhiều nhất và ghét em lắm. Em cũng cố học vì em sợ ngày sau học dở ra
đời sống cực khổ nên đã gắng sức học ngày đêm. Đến ngày thi em đi bộ đi
thi và đến ngày coi kết quả thì em rớt, em chán nản hết sức và buồn bã
vô cùng... Về nhà bị mọi người chửi la gấp 3, 4 lần trước và nhiều người
đánh.... Em học tư nhưng tinh thần bị lay chuyển dữ dội, hàng ngày em
buồn bã không chơi đùa nữa... Về nhà bị la, đánh bắt làm phụ việc cực
nhọc vô cùng. Tinh thần càng ngày càng xuống dốc...
Trả lời:
Em
là một trong những em bé Việt Nam may mắn. Phần lớn các em, nhất là ở
nông thôn, đã bị thất học, hoặc mồ côi, ít ai còn được sống trong 1 gia
đình đầy đủ ông, bà, cha, mẹ, chú, cô, em v.v... như em. Em lại là cháu
đích tôn nên được cả nhà nuông chiều, chỉ mới đây em mới bị ghét bỏ mà
thôi. Trường hợp của em chưa quá trễ, còn cứu vãn được lắm em ạ.
Em
bị ghét bỏ vì em thi rớt vào đệ thất. Thi rớt, theo gia đình em, nó
biểu lộ sự học hành kém cỏi của em. Cả gia đình thương yêu chiều chuộng
em, dành tất cả thời giờ cho em học, lại đòi gì được nấy ; thế mà điều
cả gia đình ước mong, là em vào được đệ thất trường công, điều mà nếu em
chăm học em có thể đạt được, cả gia đình em lại bị thất vọng tới 2 lần.
Chị thông cảm nỗi buồn đó em ạ. Tuy nhiên, chị tin rằng sự thực gia
đình em không ghét em đâu, sở dĩ cả nhà phải có thái độ lạnh nhạt ấy với
em một phần vì giận em, một phần cũng để phạt em nữa. Bây giờ em hãy
xin lỗi gia đình và hứa sẽ chăm chỉ học, mặc dầu không vào được trường
công, em sẽ học trường tư, em sẽ cố gắng, chuyên cần, và em sẽ thu lượm
được kết quả. Chị tin gia đình em cũng hiểu rằng số học sinh theo học
trường công chỉ bằng một phần mười học sinh trường tư. Và số học sinh
trường tư thành đạt cũng nhiều vô cùng. Học trường tư chỉ có cái thiệt
rõ ràng là phải đóng học phí. Ngoài ra về các thứ khác, như giáo sư,
chương trình học thì cũng giống trường công mà thôi. 13 tuổi đã thi vào
đệ thất 2 lần không đậu thì em nên xin ba má cho học đệ thất trường tư
là hơn. Nói thế không phải là học trò trường tư dở hơn, nên không vào
nổi trường công lại học trường tư được, mà vì thi ào đệ thất là thi
tuyển, trường chỉ lựa vừa đủ học trò theo số lớp dự định mở, mà số học
trò dự thi có khi đã học qua đệ thất, đệ lục rồi nên sức học vượt trên
các em. Thi tuyển chỉ lựa theo thứ tự từ nhiều điểm trở xuống, mặc dù
sức học em trên trung bình, mà có nhiều người hơn em, em vẫn rớt. Nếu có
năm nào ít người thi, thì sức học em dưới trung bình, vẫn được nhận cho
đủ số học sinh, chứ không phải như các kỳ thi tú tài, trung học v.v...
Chỉ cần 1 số điểm trung bình là đậu. Chị biết rất nhiều học giả, giáo
sư, bác sĩ, luật sư ngày nay, không hề học trường công. Vậy em thưa với
ba má, xin lỗi các người, hứa sẽ chăm học, không chơi bời đàn đúm, xin
ba má cho tiền học đệ thất 1 trường tư (ba má có thể chiều em, cho em đủ
thứ, không kể hao tốn tiền bạc chắc không tiếc em tiền học phí đâu).
Qua niên học tới, em rán chăm học, ba má sẽ thấy em tiến bộ, và chị tin
chắc chắn gia đình em sẽ yêu thương em trở lại. Em hãy làm rạng danh
trường tư đi nghe, em trai.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 49, ra ngày 30-7-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.