Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

CỘNG ĐIỂM - Thảo Hương

  Bé nhẹ nhàng bước qua cây mận. Hoa lá đang reo cười với nhau. Gió vi vu thổi... Mọi vật đáng yêu quá. Thế mà bé lại đang buồn bực. Càng nghĩ, bé càng muốn khóc. Nguyên hồi đầu niên học đến giờ, tháng nào bé cũng đứng nhất. Cô yêu, bạn mến làm bé thấy yêu lớp ba hai (ba 2) nầy quá. Ấy thế mà một hôm, bỗng có một bà dẫn một cô bé vào xin cho cô ta học và cô bé ấy được cô xếp cho ngồi sau lưng bé. Mới đầu bé cũng chẳng sợ chi vì "nó" vào sau tất học chậm hơn, ngờ đâu hai tháng sau nó đã chiếm hạng nhất của bé. Bé căm tức nó lắm và lại càng căm tức hơn khi thấy các bạn đã dần dần hơi hết nể bé. Và cô, cô hay xoa đầu, nói chuyện với nó. Phải mà, có mới nới cũ là đúng lắm. Bé quyết phải trả thù mới được, làm sao mà bé đứng trông thấy cái mặt cười cười của nó là đủ. Bé chắp tay đi qua đi lại trông giống người lớn lắm vậy và bé nảy ra một kế mọn. Đúng rồi ta đã có kế, chờ xem Ngân ơi...

*

Vừa vào lớp, bé gặp ngay con Chi. Nó chạy lại:

- Hôm nay cộng điểm để xếp hạng Chi lo quá.

- Sợ sụt hạng hả?

- Ừ, chắc Ngân đứng nhứt nữa.

Bé trợn mắt nhưng lại thôi:

- Có lẽ, nhưng chưa chắc.

Chi ngơ ngác:

- Thủy nói gì vậy?

Vừa lúc đó chuông reo vào học.

Cả lớp đứng dậy chào cô. Con bé Ngân mặt mày tươi rói, chắc hy vọng tràn trề... để xem.

- Thủy! Em lên cộng điểm dùm cô.

Bé hãnh diện đi lên, lần nào, cô cũng gọi bé lên hết, đáng hãnh diện lắm chứ. Tháng nào cũng vậy, bé quen rồi. Nhưng sao lần này bé lại tỏ ra bỡ ngỡ, sợ sệt. Có lẽ vì bé sắp làm điều không tốt. Tới vần N, Nga, Ngân... à, Lê thị Hồng Ngân đây rồi. Bé nhìn cô đang mải làm sổ rồi nhìn xuống dưới lớp như sợ ai bắt gặp, bé gặp ngay Ngân đang toét miệng cười, không do dự bé mím môi sửa con số 10 thành con số 6 rồi cộng điểm cho nó. Xong, bé thở phào, cô nhìn bé, cười:

- Gì mà thở ra vậy Thủy?

Rồi đến phiên bé, ồ, bé hơn nó 10 điểm, bé chợt mỉm cười, bé tự khen mình là mưu cao.

Cô đọc hạng:

- Các em im lặng. Trần thị Thu Thủy hạng nhất.

Bé nghĩ lúc đó chắc mặt con Ngân thộn ra, tức cười dữ.

- ... hạng 6, Lê thị Hồng Ngân.

Bé nghe tiếng con Ngân thở dài, nó đang buồn bã viết bậy lên giấy. Thoáng chốc, bé cảm thấy tội nghiệp nó và thấy mình xảo quyệt, nhưng cho đáng đời nó.

Ngày hôm sau vào học, bé thấy Ngân gục mặt xuống bàn khóc. Ái ngại, bé lại hỏi nguyên do.

Ngân buồn bã nói:

- Ngân bị sụt hạng, hồi hôm qua mẹ Ngân buồn lắm, nhà Ngân nghèo mẹ không rầy nhưng...

Ngân lại khóc. Bé bỗng hiểu Ngân và cảm thấy mình tầm thường quá, đáng bị phạt quá. Bé run run:

- Ngân đừng khóc nữa, Thủy xin lỗi Ngân, chính Thủy,,, Thủy sửa điểm của Ngân, Thủy đáng tội lắm.

Và bé cũng khóc luôn.

- Thủy... Thủy làm vậy à, sao... sao...

- Vì Thủy ganh với Ngân mà không phải ganh đua, Thủy ganh tị, ganh ghét với Ngân. Thủy hối hận quá.

Ngay lúc ấy cô vào.

Cô nói:

- Tình cờ, cô nghe được chuyện của hai em. Cô cảm động khi thấy hai em biết thương nhau, hiểu nhau. Còn Thủy, em biết hối lỗi, đáng khen lắm.

- Cô tha lỗi cho em nha cô? Và kể từ bây giờ cô đừng kêu em cộng điểm nữa, em sợ có ngày...

Cô ngắt lời:

- Không, em vẫn cộng điểm dùm cô và cả Ngân nữa, chịu không?

- Dạ chịu.

Bé khẽ nói:

- Bây giờ Thủy xin được chơi với Ngân, Ngân chịu không?

- Ngân cũng muốn như vậy.

Và Ngân siết tay bé dưới sự cảm động của cô.


THẢO HƯƠNG      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 124, ra ngày 1-3-1970)


Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

NGẬP NGỪNG - Th. Nguyệt Thi

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Còn giữ trong em những nụ cười
Khi nào chân lỡ bước chơi vơi
Em ngồi giữa mức hai ranh giới
Trò chơi tuổi nhỏ ngát hương đời

Bờ tóc lưng chừng vai mướt xanh
Hững hờ chiếc cặp tóc đan thanh
Đôi khi em muốn me bím tóc
Có lúc em mong gió bồng bềnh

Bàn tay từng móng nhỏ trắng hồng
Me hay hỏi: cắt móng tay không?
E dè má đỏ em ngường ngượng:
Con để cho dài (duyên dáng không?)

Áo dài lụa trắng trắng uyên nguyên
Áo bay mỗi bước khẽ em nghiêng
Tần ngần ngắm dáng trong gương sáng
Áo ngắn vừa thôi để em duyên

Em nhỏ mùa xuân ở trong hồn
Ngập ngừng ánh mắt mở to hơn
Này xuân em lớn hay chưa nhỉ?
Ơi bé mười lăm tuổi dễ thương

                                     Th. Nguyệt Thi
                                       (Hồng Đức Đà Nẵng)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 136, ra ngày 15-3-1975)



Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

HỒI HỘP - Trần Trúc Sơn

  


Sáng nay đồng hồ gõ sáu giờ là tôi dậy và chui ra khỏi màn, như thế là hôm nay tôi dậy hơi muộn đấy, chả vì hồi hôm tôi thức hơi khuya, mặc dù mới chín giờ là tôi sửa soạn ngủ rồi. Tuy đi nghỉ sớm thế nhưng không tài nào tôi chợp mắt được vì đầu óc của tôi miên man nghĩ đến chuyện: Mai này mình đi chọn nhiệm sở.

Sau bốn năm miệt mài ở trường đại học Sư phạm, và với cả sự cố gắng của tôi đã đem lại một kết quả làm tôi hài lòng: tôi ra trường đứng thứ năm.

Tôi nghĩ đến việc chọn nhiệm sở và lãnh sự vụ lệnh của tôi, không biết tôi được đưa về tỉnh nào, quận nào đây, nơi nào có trung học và có lớp đệ nhị cấp là có chúng tôi. Mặc dù với tuổi hai mươi hai nhưng tôi rất khờ khạo về chuyện đời. Ba mẹ tôi lo lắng cho tôi không biết tôi ăn ở đâu, vì tôi là con gái, và ba tôi còn nghĩ đến nơi tôi sẽ đến có được yên hay không, mẹ tôi gọi tôi đến và dặn dò những nơi nào không nên chọn, nơi nào khá bình yên vân... vân...

Tôi cảm thấy hôm nay thật sự mình đã trưởng thành, dù sao mai đây tôi sẽ là một cô giáo tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng sao tôi bỡ ngỡ quá, không biết học trò tương lai của tôi ra sao, hiền lành hay nghịch phá.

Đang cho dòng tư tưởng chảy xuôi, thì tôi nghe đồng hồ gõ bảy giờ, tôi sửa soạn thật nhanh và mười lăm phút sau tôi thưa ba mẹ tôi và dắt chiếc xe đạp ra khỏi ngõ.

Ngồi trên yên con ngựa sắt, tôi mới thấy nó già cỗi làm sao, các lớp sơn loang lổ và trở thành những hình thù lập thể khó coi, yên ngựa sục sịch, chuông không còn thanh bai nữa, khi ngựa sắt của tôi chạy tôi nghe nó thở khò khò cót két... cót két... Dù sao ngựa này cũng đã đỡ chân cho tôi gần tám niên học rồi, thuở tôi mới lên đệ Tứ Gia Long.

Nửa giờ sau tôi có mặt tại Viện đại học. Bạn bè tôi lưa thưa vài đứa, tôi xem đồng hồ thì thấy chưa tám giờ. Ban Lý Hóa chúng tôi chỉ có ba đứa con gái và gần bốn mươi con trai, tôi nhìn quanh chưa thấy chị nào tới.

Tôi đứng dựa gốc cây và nghe lỏm vài câu chuyện các anh bàn hơi lớn tiếng. Người này thích về tỉnh nhà, anh kia muốn ở gần Sài gòn để học nữa, anh khác nói đi xa dễ "làm ăn" hơn...

Chín giờ chúng tôi bắt đầu chọn nhiệm sở, theo thứ tự thứ hạng ra trường. Đến lượt tôi, tôi quên mất lời má tôi dặn, đọc tên tỉnh nào cũng như tỉnh nấy. Cuối cùng tôi chọn về Vĩnh Bình. Sau khi ký tên nhận sự vụ lệnh tại chỗ tôi ra ngoài với tinh thần nhẹ nhõm và sảng khoái.

*

Về đến nhà cũng vừa lúc ba tôi đi làm về. Chưa kịp thay áo ngắn, tôi khoe với ba mẹ tôi ríu rít và trình cho song thân tôi xem sự vụ lệnh của tôi, các em tôi vây quanh để nhìn tờ giấy.

Má tôi vụt nói hơi lớn:

- Sao con lại chọn tỉnh này, tỉnh này báo chí đăng là bị pháo kích mỗi ngày.

- Má ơi, con nhớ là trường bị pháo kích trúng cột cờ vừa khi tan học, mới hôm nào đó má.

Đứa em lớn của tôi xen vào.

Ba tôi xây qua nhìn tôi, có lẽ người nhìn thấy những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên trán tôi, ba tôi thở nhè nhẹ:

- Tôi tưởng con nó đậu cao như vầy ít ra cũng được ở gần Sài gòn, nào ngờ. Thôi cũng là phần số nó phải đi xa chúng ta bà ạ.

Mẹ tôi dịu giọng lại:

- Về Vĩnh Bình con nó ở đâu, khổ quá.

- Con nhớ ở Vĩnh Bình có dì Tư nào mà có bà con họ xa với má đó, hay là má gởi em con ở đó đi.

Tiếng của chị ba tôi xen vào.

Ba tôi gật gù:

- Con ba nó nói cũng được đó bà.

Thằng Út em tôi sốt ruột:

- Má ơi con đói rồi má ơi.

Ba tôi ra lệnh:

- Chuyện đâu còn có đó, lo cơm đã, chiều hai giờ ba phải đi làm.

*

Sau một đêm ba mẹ tôi bàn tính, quyết định để má tôi đưa tôi đi trình sự vụ lệnh. Chị tôi phải xin nghỉ ở nhà vài hôm lo cơm nước.

Vật dụng cần thiết của tôi xếp gọn trong va li nhỏ và vài cái xách tay.

Chúng tôi lo đi xin sách ở các nhà xuất bản, sau một buổi đạp xe gần rã cặp giò, tôi khệ nệ ôm về nhà gần hai mươi quyển vừa giáo khoa vừa bài tập của gần mười tác giả.

Hai hôm sau, sau khi trình sự vụ lịnh cho ông Hiệu Trưởng trường và mẹ tôi đã gởi tôi cho người dì bà con, mẹ tôi lại trở về Sài gòn. Tôi được nghỉ mười ngày, tôi đưa mẹ tôi ra xe, tôi về nhà người bà con, tôi cảm thấy lạc lõng giữa các anh chị bà con xa lạ nầy. Tôi nhớ nhà da diết, nhớ ba tôi, mẹ tôi, các chị tôi, tôi nhớ tiếng cười tiếng hét lúc giỡn của đám em tôi, nhớ thằng Út hay nhõng nhẽo hay phá phách của tôi, tôi nhớ con đường từ nhà tôi đến trường, lớp học, bạn bè của tôi. Những chuyện vui buồn lần lượt diễn tiến không thứ tự hiện ra trong đầu óc tôi.

Dì dượng và các anh chị tôi rất tốt, sợ tôi nhớ gia đình nên cứ gợi chuyện cho tôi nói hay chọc phá cho tôi cười, các anh nhỏ của tôi kể lại chuyện nghịch đùa trong lớp và cười lên như nắc nẻ.

*

Tiếng chuông reo báo hiệu giờ học, tôi dự lễ chào cờ xong thì được ông Giám học dắt vào lớp và giới thiệu.

Tôi cảm thấy tay chân thừa thãi trước gần sáu mươi cặp mắt nai tơ trên khuôn mặt mũm mĩm của cá em còn lộ hẳn nét vừa nghịch ngơm pha chút thích thú và hơi sợ hãi.

Đưa ông giám học ra khỏi lớp, tôi trở vào giữa tiếng lào xào nho nhỏ nổi lên.

Tôi cố lấy lại bình tĩnh để giáo đầu với các em vài lời cần thiết.

Hôm nay không phải là lần đầu tiên tôi đứng trước các em nhỏ chưa quá mười tám tuổi. Suốt bốn năm trên đại học sư phạm tôi đã nhiều lần đi dạy thử qua nhiều trường ở đô thành trong các buổi thực tập. Nhưng lúc còn là sinh viên, các buổi dạy đều có bạn bè và thầy chúng tôi theo, có thể vì vậy mà tôi chưa luống cuống trước đám đông học sinh như hôm nay.

Non hai mươi phút sau là tôi lấy lại được bình tĩnh hoàn toàn. Tôi giảng bài một cách suôn sẻ và chậm rãi.

Sau hai giờ tôi phải đổi lớp, tôi đi qua lớp khác giữa các cặp mắt trong cũng như ngoài lớp chăm chỉ ngó theo pha lẫn một chút xa lạ và tò mò, tôi nghe vài tiếng nổi lên:

- Cô giáo mới ra trường.

- Không phải, dường như ở Sài gòn mới đổi về...

- Hoa xem chừng cô này không khó lắm mấy chị ơi.

- Nhưng chưa chắc cô đã dễ đâu nhé.

- Cô sao giống tụi mình quá, không chưng diện gì hết vậy, cũng áo trắng như tụi mình, lại đôi giày trắng, nếu cô lại sắp hàng chung với tụi mình trước cửa lớp, đố ai biết được ai là trò ai là cô.

Tôi hơi dùng lại khi nghe câu nói này và một cái gì chặn ngang cổ tôi, làm tôi nghẹn lại, lâu lắm rồi tôi đâu có dịp sắp hàng trước cửa lớp để chờ thầy cô tới để nhìn chúng tôi vào lớp. Ngay buổi học cuối cùng ở trường Gia Long, tôi không còn dịp nào để so hàng nữa, và ngày hôm nay tôi hoàn toàn mất hẳn cơ hội.

Nhìn lại dĩ vãng, tôi nuối tiếc khoảng đời học sinh vô tư và vàng ngọc của tôi. Hôm nay trong lớp học tôi đã đổi chỗ đứng và tôi thấy giờ đây tôi hoàn toàn đánh mất tuổi thơ.


TRẦN TRÚC SƠN 

  (Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 149, ra ngày 15-3-1971)
   


Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

ĐỒNG TIỀN VÀNG - Nguyễn văn Nghệ

 Hoài Minh bước vào Chiêu Anh Quán. Cậu đưa mắt nhìn qua một lượt. Bấy giờ vào giữa ban trưa nên tửu quán khá đông thực khách. Từng bàn, từng bàn, những nhà quyền quí cao sang, ăn mặc cầu kỳ chải chuốt, những trang hảo hán giang hồ lưng mang khí giới, quần bám bụi đường, áo bạc gió sương... Cùng ngồi quây quần ăn uống chuyện trò vui vẻ.

Hoài Minh tìm đến một góc vắng khách, lạng lẽ rút trong chiếc túi vải cũ kỹ mang trên vai ra một ống tiêu đen bóng. Dựa người vào vách, cậu nâng nhạc cụ đưa lên môi, một điệu êm ái nhẹ nhàng bỗng thoát ra, bay quyện khắp quán, khiến mọi người ngơ ngẩn lắng tai nghe, im hẳn tiếng nói cười.

Giọng tiêu mới cất lên khe khẽ như ngại ngùng, gieo vào không gian những tiếng nhạc thoang thoảng như tự cõi xa xôi nào vẳng lại. Rồi tiếng trúc dâng lên, nhưng vẫn giữ một điệu khoan thai êm ả, gợi lên một nỗi buồn man mác thấm cả tâm tư. Đây, âm điệu của gió lướt qua thông ngàn, của sóng reo bờ sông vắng, của hạt mưa rơi thánh thót giữa đêm trường hay của muôn tiếng thở dài hun đúc lại?... Hoài Minh say sưa trổi nhạc. Trên gương mặt sáng sủa, đôi mắt cậu mơ màng như đang chìm vào cõi hư vô đắm đuối trong nhạc khúc, và quên cả sự vật quanh mình. Cậu đứng im, tựa hồ mê lịm đi, chỉ có những ngón tay bé bỏng là rung động nhịp nhàng trên ống trúc.

Mọi người trong quán đều quay về phía Hoài Minh. Chẳng hiểu sao, tự dưng ai cũng cảm thấy xót thương cho cậu bé nghèo. Có người thẫn thờ, nhìn cậu. Có người ra dáng trầm tư. Cũng có người gục đầu xuống bàn... Rượu thịt giờ đây trơ trẽn quá!

Nhưng, giữa lúc âm thanh đang réo rắt dâng trào, một giọng gắt gỏng bỗng vang lên, khiến mọi người giật mình, và tiếng tiêu cũng liền vụt tắt.

- Im ngay, thằng khốn! Ai cho mi vào đây thổi tiêu làm mất vui quí khách của ta, hử?

Nhận ra tiếng chủ quán, một thực khách chiếm riêng một bàn ở gần Hoài Minh, vỗ bàn, đứng lên phản đối:

- Này chủ quán, ngươi không biết thưởng thức tiếng nhạc ấy, hãy để mặc chúng ta, cớ sao lại hằn học như vậy?

Đây là một kiếm khách tuổi ngoài năm mươi, dáng vóc hiên ngang, sắc diện uy dũng, râu để dài, mình mặc bộ võ y đã sờn cũ, một thanh trường kiếm vắt chéo ở sau lưng. Ông nhìn sang các bàn kế cận, cất giọng sang sảng:

- Thưa quí vị, quí vị cũng nghĩ như tôi, tiếng tiêu của thiếu nhi kia thật là tuyệt diệu phải không?

Các thực khách vui vẻ đáp:

- Vâng, vâng!

- Đúng vậy, thưa lão anh hùng!

- Thế chúng ta phải thưởng gì cho nhạc sĩ tí hon chứ?

Mọi người lại nhao nhao tán thành:

- Phải đấy, phải đấy!

Kiếm khách mỉm cười:

- Vậy, tôi xin mạn phép được dành phần trao tặng trước nhé!... Này thiếu nhi, hãy lại nhận chút tiền ta thưởng tài đi.

Nãy giờ, Hoài Minh đứng lặng trong góc quán, tâm tư biến chuyển từng hồi. Ban đầu cậu thấy uất ức tức giận trước lời thét của tên chủ quán. Nhưng liền đó cậu được hả dạ ngay, vì sự phản đối của kiếm khách nọ. Rồi nỗi sung sướng lại tiếp đến với Hoài Minh lúc đầu cậu nghe mọi người công nhận tài mình. Sau hết, Hoài Minh rất vui mừng thấy các thực khách đều sẵn sàng thưởng cậu. Hoài Minh bước lại bên kiếm khách nhân ái kia, nhận thưởng và cúi mình cảm động nói:

- Cảm tạ lão anh hùng đã giúp con.

Ông vỗ vai cậu:

- Ồ có gì? Thực ra thì tài con rất xứng đáng để mọi người ưu đãi... À, con tên gì nhỉ?

- Dạ, tên con là Hoài Minh.

- Thôi hãy sang bàn kế bên đi. Các công tử đang chờ con kìa!

Hoài Minh vâng lời, lần sang bàn khác. Các vị thực khách tranh nhau thưởng tiền cho cậu bé. Có người mời cậu uống một chung rượu nhưng cậu nhỏ nhẹ tạ từ. Không khí trong quán ăn thật là vui nhộn.

Khi Hoài Minh trở về chỗ cũ thì hai bàn tay đã đầy nhóc những tiền. Cậu vui sướng bỏ từng đồng vào chiếc túi vải.

Vừa khi ấy, có người dừng ngựa đứng trước cửa quán, một người đứng tuổi, ăn mặc sang trọng. Gã chủ quán vội rời quầy hàng, toan tiến ra chào hỏi. Nhưng kiếm khách lúc nãy chợt gọi giật lại:

- Chủ quán, đứng lại cho ta hỏi!

Chủ quán dừng bước, ngoảnh sang, cau mày gắt:

- Việc gì?

- Ta muốn ngủ trọ tại đây đêm nay, trên lầu còn phòng trống chăng?

- Lão hãy hỏi mấy tên tửu bảo. Tôi bận đi tiếp rước vị khách kia.

Chủ quán đáp, nhanh nhẹn bước ra đon đả mời chào ông khách mới đến. Người ấy khoan thai đi vào, đưa mắt quan sát khắp quán. Khi nhìn thấy kiếm khách võ y nghèo nàn nọ, ông ta vụt kêu lên một tiếng và bước lại gần, gập người cúi chào.

- Chào hiền huynh, ngu đệ tìm kiếm hiền huynh đã mấy hôm mới được gặp!

Mọi người trong quán đều ngạc nhiên trước vẻ cung kính ấy. Nhất là tên chủ quán. Y đứng trơ ra, trố mắt nhìn. Trong khi đó, kiếm khách cười nói:

- Tốt lắm, hiền đệ vẫn nhớ giữ ý!

Hạ thấp giọng, ông bảo tiếp:

- Phiền hiền đệ bảo nhỏ cho gã chủ quán biết ngu huynh là ai nhé!

Lập tức, vị vương giả vâng theo, kéo chủ quán lại, nói thầm mấy lời gì vào tai y, khiến y bỗng run bắn người lên, chắp tay xá kiếm khách, lắp bắp nói:

- Bẩm, bẩm... thưa...

Kiếm khách ngắt lời:

- Im! Ngươi không được nói danh tánh ta ra đây. Ta không cần ngươi tạ lỗi vô lễ với ta lúc nãy. Ta chỉ mong từ giờ, ngươi nên quí trọng mọi người như nhau. Thôi hãy đi đi.

Chủ quán dạ dạ quay mặt vào trong, mặt còn tái nhợt.

Chứng kiến cảnh ấy, Hoài Minh tự nhiên thích thú vô cùng. Cậu không cần biết kiếm khách là ai mà gã chủ quán nghe đến tên phải khiếp hãi như vậy. Nhưng dù ông là ai, cậu cũng thấy kính phục hết sức.

Quảy túi lên vai, Hoài Minh bước lại bàn kiếm khách, ngỏ lời từ biệt. Vị vương giả liền hỏi:

- Thiếu nhi này là ai vậy hiền huynh?

Kiếm khách đáp:

- À, y là một thiếu nhi thổi tiêu kiếm tiền độ nhật.

Và ông đứng lên nói to với mọi người:

- Thưa quí vị, nhạc sĩ tí hon này ngỏ lời cám ơn quí vị và xin từ giã.

Một thực khách giơ tay nói:

- Chào nhạc sĩ tài ba của chúng tôi!

Người khác tiếp:

- Chúc em nhiều may mắn!

Rời Chiêu Anh Quán, Hoài Minh tìm đến một quán ăn nhỏ bé nghèo nàn nhứt để dùng bữa trưa. Xong, cậu đi dạo khắp thành Trấn Châu, để sáng hôm sau lại sẽ rời nơi đây, dấn bước trên đường thiên lý. Hoài Minh là một cánh chim non, nhưng đã sớm phiêu bạt với mây ngàn. Cậu ra đi lưu lạc khắp nơi, bán tiếng nhạc sầu não nuột kiếm chút tiền sinh sống.

Chiều hôm ấy, Hoài Minh trở lại quán nhỏ dùng cơm. Sau đó cậu xin người chủ cho một chỗ ngủ tạm. Chủ quan tuy nghèo nhưng rất hảo tâm. Ông ta bảo:

- Cháu hãy tìm một góc trống nào đấy mà nghỉ. Gia đình ta đã có phòng riêng trong kia.

Vừa hừng sáng, Hoài Minh chào chủ quán lên đường, khi đã hỏi rõ đường đi đến thành Đại Lãnh.

Vượt qua mấy dặm núi đồi, Hoài Minh đến một làng hẻo lánh nằm ven một khu rừng nhỏ.

Trời đứng bóng, nắng đỏ chói chang. Hoài Minh tạm dừng bước ngồi dưới gốc cây cổ thụ, giở cơm khô ra dùng, đoạn vào một ngôi nhà lá dựng ở đầu thôn, xin nước uống.

Gặp hai đứa bé ngồi ủ rũ nơi thềm, Hoài Minh nói:

- Cho tôi xin một bát nước uống được chăng?

Đứa bé gái lẳng lặng bước vào trong. Hoài Minh tò mò nhìn vào nhà. Cậu ngạc nhiên khi thấy một người đang đắp chăn, trên chiếc giường xiêu vẹo. Cậu hỏi đứa bé trai:

- Này em, hình như ai bị bệnh đấy hở?

Đứa bé đáp:

- Thân mẫu em đấy. Người phải bệnh đã hai hôm, không có tiền uống thuốc!

- Thế còn thân phụ em đâu?

- Mất lâu rồi!

Đứa bé gái vừa bưng bát nước lên.

Hoài Minh tiếp lấy, uống từng ngụm, vẻ nghĩ ngợi lộ ra trên nét mặt. Uống xong, cậu trao trả bát, rồi bỗng mở túi lấy tất cả số tiền đã kiếm được ở Chiêu Anh Quán đưa hết cho cô bé:

- Lấy tiền đây đi rước thầy thuốc ngay nhé!

Cô bé sửng sốt nhìn cậu, đoạn lắc đầu:

- Chúng em không dám nhận đâu!

- Hai người không muốn mẫu thân được mạnh à? Đừng ngại, cứ nhận. Thôi tôi đi đây.

Hoài Minh nói, và quảy túi bước ra sân. Đứa bé chạy theo níu tay cậu:

- Nhưng anh ở đâu, và bây giờ đi đâu?

- Tôi không có nhà. Tôi đi đến thành Đại Lãnh. À, qua khỏi khu rừng này thì tới thành ấy phải không?

- Vâng... chúng em cám ơn anh vô cùng.

- Thôi tôi đi luôn nhé!

Hoài Minh vui vẻ tiến sâu vào khu rừng. Khi sắp ra khỏi bóng mát của muôn ngàn cây lá, cậu chợt thấy một dòng suối con tuôn chảy cạnh lối đi. Hoài Minh ghé lại, khoát nước rửa mặt và nằm dài ra bãi cỏ xanh ngát, khoan khoái nghỉ ngơi.

Lúc đã thật khỏe, Hoài Minh đứng lên toan tiếp tục đi, chợt nghe có tiếng vó ngựa rồn rập đưa tới. Rồi hai kỵ sĩ hiện ra cùng gò cương dừng lại bên bờ suối. Nhận ra lão kiếm khách và vị vương giả ở Chiêu Anh Quán, Hoài Minh bước tới vái chào. Ngạc nhiên, kiếm khách hỏi:

- Ồ, con đi đâu đây?

Hoài Minh đáp:

- Thưa lão anh hùng, con sang thành Đại Lãnh, và còn đi nữa...

Dắt ngựa đến suối cho uống nước, vị vương giả hỏi:

- Thế ra không phải con trú trong thành Trấn Châu sao? Phụ mẫu con đâu mà lưu lạc như vầy?

- Thưa đại nhân, phụ mẫu của con bị bạo bịnh mà qua đời cả. Từ đó con dùng tiếng sáo để tự kiếm tiền độ nhật, và quyết đi khắp lãnh thổ Thiên quốc này cho biết đó biết đây.

Kiếm khách hỏi:

- Có phải con vừa ghé vào một ngôi nhà nọ, và tặng một số tiền để cho gia chủ thuốc thang chăng?

- Ồ, sao lão anh hùng biết được?

- Chính hai ta tình cờ ghé vào đấy, và nghe hai đứa bé thuật chuyện lại. Chúng nhờ ta bảo cho con biết, chúng đã đi rước thầy thuốc rồi.

Ngừng một chốc, kiếm khách tiếp:

- Hiện giờ trong túi áo con không còn một đồng nào? Ta xin đền lại con số tiền con vừa giúp người nhé?

Hoài Minh nhỏ nhẹ từ chối:

- Cám ơn lão anh hùng. Nhưng con chẳng dám nhận, khi con không hề ra công làm nên số tiền lớn ấy, giữa lúc con còn khỏe mạnh.

Một lúc sau, khi ngựa đã hết mệt, kiếm khách và vị vương giả từ biệt Hoài Minh lên đường.

Đợi hai người ngựa khuất bóng, Hoài Minh bước lại xách túi. Bỗng cậu kêu lên ngạc nhiên, khi thấy một đồng tiền vàng óng ánh nằm ngay bên hành lý của mình.

- Chắc của lão anh hùng làm rơi. Ta phải mang trả lại mới được.

Hoài Minh nghĩ thầm, và vội vã nhặt tiền, xách túi chạy ra đường. Nhưng hai kỵ mã đã mất hút. Cậu bước chậm lại và tự bảo:

- Ta vào thành Đại Lãnh chắc sẽ gặp được lão anh hùng.

Vượt khỏi khu rừng, đi thêm một đỗi, Hoài Minh đã thấy Đại Lãnh sừng sững hiện ra.

Vào thành, Hoài Minh đi rảo khắp các tửu quán, tìm hai lão trượng, nhưng mãi đến chiều tối cũng chưa thấy đâu. Cậu tự trách mình đã không hỏi rõ hai người ấy đi đến nơi nào.

Quá mệt, Hoài Minh ngồi xuống vệ đường nghỉ chân. Cơn đói bỗng kéo đến khiến cậu lo lắng. Gói cơm khô ban trưa đã dùng hết, tiền lại không còn, biết làm sao? Nghĩ đến tiền, Hoài Minh sực nhớ đến đồng vàng nhặt được. Cậu mở túi, lấy nó ra cầm mân mê ngắm nghía. Với đồng tiền này, Hoài Minh có thể ăn xài hết cả tuần trăng, chứ đừng nói một bữa cơm nghèo nàn. Nhưng ở đây nó không thuộc quyền cậu, cậu không được phép dùng. Hoài Minh nghĩ vậy, và toan bỏ đồng tiền vào túi.

Nhưng khi ấy, chợt có một tên vạm vỡ, nét mặt hung tợn đi qua. Nhìn thấy cậu bé cầm đồng tiền vàng, hắn sững sờ đứng dừng lại, rồi tiến lại, ồm ồm hỏi:

- Này tiểu nhi, mi có một đồng tiền vàng đấy à?

Hoài Minh khó chịu đáp:

- Không phải của tôi.

- Thế của ai? Đưa đây cho ta xem thử giả hay thiệt.

Hoài Minh muốn từ chối, nhưng trước đôi mắt gườm gườm của tên nọ, cậu đành phải tuân theo:

- Xem qua rồi trả ngay cho tôi nhé!

Tên nọ tiếp lấy đồng vàng lật qua lật lại quan sát, rồi đột nhiên cầm đi thẳng. Hoài Minh tức tốc đuổi theo níu áo hắn, hét lớn:

- Đi đâu thế? Sao không trả đồng vàng cho tôi?

Tên nọ ngoảnh lại trợn mắt:

- Đồng vàng này mi ăn cắp của ai, ta đã không tố cáo, còn theo đòi nữa hử?

- Đừng nói bậy. Hãy trả cho tôi!

- Buông áo ta ra!

- Không! Trả tiền tôi đã.

- Trả này!...

Tên hung bạo vội tát vào mặt Hoài Minh. Cậu bé lảo đảo, nhưng vẫn nắm chặt vạt áo hắn, cắn răng chịu đau, rít lên:

- Đồ khốn! Trả đồng vàng mau!

Tên kia tức giận, giơ tay định đấm vào mặt Hoài Minh.

Bỗng một bóng người từ đâu phóng lại giữ chặt tay hắn:

- Này, gì thế?

Hoài Minh mừng rỡ đáp nhanh:

- Gã này cướp đồng tiền vàng của tôi.

Người can thiệp là một tráng sĩ trẻ tuổi, vận võ y gọn gàng, lưng đeo kiếm báu. Chàng vỗ vai tên gian manh:

- Sao hảo hán lại làm thế?

Lặng thinh, tên kia vụt đưa một đấm vào cằm tráng sĩ. Nhưng chàng đã quát to một tiếng, nghiêng mình tránh khỏi. Rồi nhanh nhẹn lạ thường, chàng nhảy lại tát bốp bốp vào mặt tên nọ. Hắn cảm thấy hai má cứ đau nhói lên, nhưng không thể nào chống trả được, vì địch thủ di động quá mau như gió, vừa thấy trước mặt, vút cái, đã ra sau lưng.

Chỉ một lúc, mặt tên gian đã sưng to, đỏ ửng lên. Hắn kinh hãi quá, vội kêu:

- Ối, ối! Xin tráng sĩ tha cho. Tôi trả đồng tiền vàng đây.

Bấy giờ tráng sĩ mới dừng tay, đứng nhìn tên nọ run rẩy lần lưng lấy đồng tiền trao cho Hoài Minh. Chàng nghiêm nghị bảo:

- Thôi hãy cút đi, từ nay không được tái phạm nữa nhé?

Khi tên nọ đã lẩn mất, Hoài Minh bước lại tạ ơn tráng sĩ. Chàng mỉm cười:

- Đó là bổn phận của ta... À, có lẽ em vừa từ xa tới? Người em còn vương đầy bụi đường. Em ở đâu?

- Chuyện của em khá dài.

- Vậy, chúng ta hãy vào quán kia, mình sẽ nói chuyện sau. Em chưa dùng cơm chứ?

Hai người dắt nhau vào một quán vắng khách. Tráng sĩ gọi tửu bảo dọn thức ăn. Đoạn cả hai người dùng cơm, vừa vui vẻ chuyện trò.

Hoài Minh kể rõ hoàn cảnh mình và lai lịch của đồng tiền vàng cậu đang giữ. Nghe xong, tráng sĩ tỏ ra mến phục cậu bé lắm. Chàng tự xưng là Hoàng Ngọc, và cho biết, mình vừa từ biệt mẹ già, lên đường về kinh đô ứng thí tranh chức "Vô địch tướng quân" do triều đình tổ chức, chiều hôm nay vừa đến thành Đại Lãnh thì gặp Hoài Minh...

Biết rõ nhau, hai người trở nên thân mật hơn. Hoài Minh lấy ống tiêu thổi khúc nhạc lòng cho Hoàng Ngọc thưởng thức. Tiếng tiêu vừa dứt, cậu bé gục đầu rớm lệ. Hoàng Ngọc cũng buồn, chàng hỏi:

- Hình như tiếng tiêu đã gợi cho em một nỗi buồn gì?

Hoài Minh lau nước mắt đáp:

- Vâng, trong những lúc vắng lặng như thế này, trổi tiếng tiêu lên, em lại nhớ đến mẫu thân em mất đi khi em còn nhỏ dại, nên em chỉ giữ được những kỷ niệm vui sống với phụ thân mà thôi. Em nhớ lại những buổi chiều xưa, thân phụ em thường ra ngồi trước nhà bế em đặt vào lòng, dạy thổi trúc... Bây giờ cảnh ấy còn tìm đâu được?

Đêm ấy, Hoàng Ngọc và Hoài Minh cùng trọ ngủ tại quán. Sáng ra thức giấc hai người lại thấy buồn vì phải chia tay. Hoàng Ngọc tần ngần bảo:

- Hay là em hãy theo anh!

Hoài Minh nói:

- Anh cần đi gấp để kịp ngày đại hội, nếu có em theo, thật rộn ràng. Xin anh cứ đi trước. Em cũng sẽ lần đến đế đô sau...

Hoàng Ngọc đành mang hành lý lên đường. Hoài Minh ở lại, dạo bước khắp nơi thổi nhạc kiếm tiền hôm sau mới rời Đại Lãnh, thong thả ra đi.

*

Qua mười mấy hôm vượt đường xa, khi đi bộ, khi quá giang xe, lúc ngủ quán, lúc tìm nhà trú ẩn qua đêm, Hoài Minh đến đế đô vào một buổi sáng đẹp trời. Trong lúc bôn ba, nhiều lần Hoài Minh phải chịu đói khát, vì kiếm không ra tiền. Nhưng cậu nhất quyết không dùng tới đồng vàng nhặt được. Tới các thị trấn, cậu cố tìm vị vương giả và kiếm khách để hoàn nó lại. Song hai người ấy vẫn bặt tin.

Hôm nay đến đế đô, Hoài Minh rảo bước khắp kinh thành. Cậu thích thú ngắm nhìn những lâu đài nguy nga, những quán to rộng chưng bày lộng lẫy. Nhưng có một điều khiến Hoài Minh lấy làm lạ. Sao kinh thành lại thưa vắng người qua lại thế này. Cậu hỏi một ông lão đang ngồi uống rượu trong một quán nọ. Ông lão nhìn cậu cười nói:

- Cháu ở đâu mới đến hay sao mà không rõ? Hôm nay là ngày chót cuộc tranh chức "Vô địch tướng quân", ai cũng đi xem, chỉ trừ người bận việc, hay già yếu như lão mới đành ở nhà thôi.

Rồi hắng giọng, ông lão tiếp:

- Hôm nay cuộc tranh giải chắc hào hứng lắm nhé! Vì sau bao ngày gạn lọc, giờ chỉ còn hai dũng sĩ cao tài nhứt. Cố nhiên họ sẽ tranh đấu hết sức mình để đoạt chức vô địch đã kề bên, phải không cháu?

Hoài Minh vụt nhớ đến Hoàng Ngọc. Cậu hỏi:

- Thưa lão trượng, người có biết tên hai dũng sĩ vào chung cuộc chăng?

Ông lão ngập ngừng:

- À... à... lão nghe nói hình như hai người ấy là... Chàng Ngốc và Lý Mập Lùn thì phải. Họ có tài mà tên sao kỳ cục quá!

- Võ trường ở nơi nào, thưa lão trượng?

- Cháu cứ đi thẳng về phía đông thì gặp.

Hoài Minh chào ông lão, vội vã đi. Quả như lời ông, cậu đi một đỗi, thấy võ trường hiện ra.

Võ trường rất đông, được bao bọc bằng vách tường cao sừng sững. Hoài Minh bước vào cửa. Bên trong đen nghẹt những người. Cậu không sao nhìn thấy nơi tranh tài của đấu thủ.

Ngay lúc đó, chợt có tiếng loa vang lên làm im ngay lời bàn tán ồn ào của khán giả:

- Hai đấu thủ đã thi xong phần xạ tiễn, và được số điểm đồng đều. Tiếp theo, họ sẽ đấu với nhau bằng vũ khí.

- Chú ý! Chú ý! Đây là phần quyết định. Ai thắng sẽ đoạt chức "Vô địch tướng quân"!

Nghe xong, Hoài Minh vội len vào đám khán giả, quyết tiến vào giữa xem cho rõ. Tiếng loa lại kêu vang:

- Mời hai đấu thủ ra sân đấu.

- Chuẩn bị... Bắt đầu.

Khán giả im lặng theo dõi, thỉnh thoảng mới "ồ" lên một tiếng, hoặc vỗ tay tán thưởng. Hoài Minh vẫn còn kẹt trong đám rừng người. Mồ hôi nhễ nhại, cậu nắm chặt túi vải len lỏi một cách khó nhọc. Nhưng hàng rào người sao mà dày thế? Hoài Minh rất nóng lòng. Cậu muốn xem rõ mặt hai đấu thủ, vì hy vọng có Hoàng Ngọc trong đó. Cậu nghĩ, ông lão ở quán rượu đã nghe lầm: ai lại có tên Chàng Ngốc, Lý Mập Lùn chứ?

Hoài Minh sắp thoát được vào trong chợt nghe khán giả reo ầm lên, vỗ tay vang trời. Rồi tiếng loa ban nãy gào to:

- Dũng sĩ Hoàng Ngọc đã hạ dũng sĩ Lý Thập Hùng. Vậy chức "Vô địch tướng quân" về tay Hoàng Ngọc dũng sĩ!

- A! Hoàng Ngọc! Hoàng Ngọc! Hoài Minh lẩm bẩm, và vẹt mấy người đứng hàng đầu, nhảy ra ngoài.

Kìa! Giữa võ trường, một tráng sĩ sức vóc hiên ngang đang giơ tay chào, đáp lại tiếng hoan hô vang dậy của khán giả. Người ấy chính là Hoàng Ngọc, chàng tráng sĩ đã cứu giúp Hoài Minh ở Đại Lãnh. Hoài Minh mừng rỡ gọi to:

- Anh Hoàng Ngọc! Anh Hoàng Ngọc!...

Tráng sĩ quay lại nhìn thấy cậu, tươi cười đưa tay vẫy. Hoài Minh vụt chạy lại nắm tay chàng, vừa thở vừa nói:

- Mừng anh được toại chí!

Hoàng Ngọc cười hỏi:

- Em đến đế đô hồi nào?

- Mới đến anh ạ!

Hai người chưa nói thêm được gì, một tên quân đã bước tới quát:

- Ê, thiếu nhi, sao dám vào đây?

Hoàng Ngọc nói:

- Nó là em của tôi.

- Nhưng dũng sĩ không nên cho em ấy vào đây mà phạm luật.

Ngay lúc ấy, một tướng quân trẻ tuổi bước tới bảo:

- Thánh thượng cho mời dũng sĩ và thiếu nhi này lên bệ kiến.

Hoàng Ngọc ngạc nhiên:

- Cả em tôi nữa sao?
 

- Vâng.

Tên quân xen vào:

- Tôi nói có sai đâu, đức vua đã tức giận vì sự có mặt của thằng bé ở đây rồi đó.

Hoài Minh cuống quít:

- Chết chưa! Làm sao nhỉ?

- Đừng sợ! Không sao đâu!

Đoạn cả hai người bước lên khán đài, nơi đức vua và quần thần ngồi dự khán. Đến trước bệ rồng, hai người cùng phủ phục, nghe nhà vua cất giọng sang sảng, phán:

- Trẫm rất mừng khi được thâu nhận Hoàng Ngọc dũng sĩ vào hàng khanh tướng. Dũng sĩ rất xứng đáng với chức "Vô địch tướng quân".

Ngài ngừng nói một chốc, rồi khẽ cười:

- Còn chú bé kia, tên chú có phải là Hoài Minh không? Nào, chú hãy ngước nhìn ta xem!

Hoài Minh giật mình. Cậu len lén nhìn lên, rồi trố mắt sửng sốt. Nhà vua mỉm cười nhìn cậu, nét vui vẻ thích thú hiện rõ trên gương mặt nhân từ:
 
- Con ngạc nhiên lắm, phải không? Phải, lão kiếm khách nghèo hèn ở Đại Lãnh chính là ta, và vị vương giả mà con đã biết cũng chính là quan đại thần đây.
 
Vừa nói, nhà vua vừa chỉ tay sang vị văn quan ngồi gần bên.
 
- Ngày ấy ta đang giả dạng du hành khắp nơi để tìm hiểu dân chúng đó. Thôi hai người hãy bình thân, và nói cho ta rõ, vì sao hai người lại quen biết nhau.
 
Hoàng Ngọc liền tóm tắt thuật lại buổi gặp gỡ Hoài Minh. Hoài Minh cũng mở túi lấy đồng tiền vàng dâng lên vua, và kể lại chuyện bắt gặp nó. Nhà vua cười to phán:
 
- Nào phải ta đánh rơi đâu. Chính ta cố ý đặt nơi ấy để tặng con đấy chứ!
 
Dứt lời, ngài bảo hai anh em tạm lui gót trở xuống dưới, và quay sang quan đại thần:
 
- Khanh nghĩ sao về thằng bé?
 
- Tâu bệ hạ, xét qua các hành động tốt đẹp hiếm có của y, hạ thần đoán chừng lớn lên y sẽ là một hiền nhân đấy.
 
- Trẫm muốn giao cho khanh dạy dỗ y được chăng?
 
- Muôn tâu, thần vốn không con, nếu có thể, xin bệ hạ cho hạ thần được nhận y làm nghĩa tử.
 
- Ồ thế thì hay quá!
 
Nói xong nhà vua đứng lên hướng về phía quốc dân, tuyên bố bế mạc buổi đại hội, và truyền rước vô địch tướng quân Hoàng Ngọc vào hoàng cung đãi tiệc.
 
Hoài Minh cũng được quan đại thần cho ngồi kiệu theo sau. Bỗng dưng được ưu đãi như thế, cậu bé ngơ ngác không hiểu tí gì.
 
 
NGUYỄN VĂN NGHỆ        
 
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 27, ra ngày 25-4-1965)


Thứ Hai, 25 tháng 3, 2024

CĂN GÁC CŨ - Trần thị Phương Lan

 

Lâu lắm rồi chẳng ai ghé thăm
Căn gác xưa lặng lẽ âm thầm 
Vẫn quạnh hiu dù mưa hay nắng
Mải miết trôi hết đoạn đường trần

Căn gác xưa gia đình sum vầy
Tiếng nói cười vang vọng đâu đây 
Những sáng anh em cười ríu rít 
Những chiều chủ nhật trời giăng mây

Căn gác xưa giàn hoa tím cũ
Vẫn tím bâng khuâng ủ rũ buồn 
Giờ đứng lại dưới giàn hoa tím
Dâng vào hồn bao nỗi cô đơn 

Căn gác xưa cửa giờ khóa trái
Như trái tim đóng hết nẻo về
Xuân qua thu đến đời quay quắt
Đâu phút xưa dưới ánh trăng thề

Căn gác cũ ghế bàn phủ bụi
Ẩm mốc rêu phong phủ mái xiêu
Đâu ngày tháng ta cùng sum họp
Lối cũ nào chân bước hoang liêu

Thôi chào nhé quãng đời thơ ấu 
Cố ngoái nhìn trời vẫn ngát xanh
Những hoài niệm hồn ai có thấu
Giọt lệ sầu nhỏ xuống mong manh

                                Trần Thị Phương Lan 
                                (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

MÙA RỪNG TAN - Vi Vu

 
 

đi về bỏ lại rừng xưa
cho chim chợt hót vu vơ lời buồn

trên tay mùa cũ tàn hương
theo triền núi đổ chân vương cỏ mềm

giữa trời xao gió tháng giêng
hàng cây phố núi huyên thuyên lời chào

mai em bỏ lại rừng sâu
thương thân cây quế cây sao âm thầm

chợt mưa bụi đổ phân vân
viền qua vòng mắt ngại ngần áo bay

là thôi từ đó về đây
mầu xanh đồi núi ngây ngây hương trời
 
tháng giêng xanh cũng phai thôi
và mùa cây quế, chiều rơi, hương tàn

                                                         VI VU

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 232, ra ngày 1-3- 1975)



Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2024

GIỜ VIỆT SỬ - Vĩ Ngọc

 


Em xách cặp ra cửa, giơ tay xem đồng hồ. Chết chưa! Quá giờ đi học rồi đó.
 
Em khổ sở nghĩ thầm:
 
- Hay mình ở nhà quách một bữa xem! Nhưng nghỉ học bây giờ là một chuyện khó vô cùng! Xách cặp ra rồi còn giải thích làm sao với mẹ?
 
Các em em đã đi học, ba đi làm, chỉ còn mẹ đang giặt áo phía sau. Căn nhà thật vắng vẻ, phải chi bây giờ em được phép ở nhà nhỉ, thật chẳng còn gì thích thú hơn.
 
Em lầm lũi bước mà nghe trong lòng nặng trĩu buồn lo. Vì em phải nhớ tới bộ mặt những đứa bạn ở lớp là em muốn... trốn ngay thôi!
 
Nhưng muốn cũng không được, bây giờ em đã đi được nửa quãng đường tới lớp rồi, thì em phải đi mau kẻo trễ học mất.
 
Chắc người ta sẽ tưởng hôm nay em chưa thuộc bài, hoặc chưa làm bài chứ gì? Chẳng phải vậy đâu, mà sở dĩ em không muốn đến lớp bây giờ là vì... là vì hôm nay lớp em có giờ Việt Sử! Chắc... người ta sẽ lại ngạc nhiên Tại sao có giờ Sử mà không muốn học? Giờ Sử vui lắm mà.
 
Vâng, thì em cũng công nhận như vậy. Nhất là giờ Sử mà được soeur Bénédictine dạy thì nhất rồi!
 
Nhưng hôm nay khác, đã bảo cứ phải nhớ tới bộ mặt của lũ bạn quỷ quái là em rầu lắm mà. Em sợ gặp họ...

Bất giác em nhớ lại giờ Sử tuần trước.

Em nhớ rõ lắm, hôm ấy học bài có đoạn "vua Hàm Nghi lãnh đạo phong trào Cần Vương". Khi ma soeur giảng đến chỗ tên tướng Mường Trương Quang Ngọc vì ham tiền đã bắt vua Hàm Nghi nộp cho Pháp em buồn kinh khủng. Bởi vì em cũng là người Mường, mà đã là người Mường thì tự dưng việc làm của tên Ngọc nào đó cũng làm em... buồn lòng làm sao ấy, em chỉ muốn hãnh diện về sắc tộc mình thôi mà!

Em thương nước Việt lắm, thương không bút mực nào tả xiết. Em vẫn hằng mong cho chóng thái bình, để em có dịp về thăm đất Bắc nơi quê hương nguồn cội mà chỉ nghe chứ chưa bao giờ em thấy.

Em nghĩ rằng Nam Bắc gì cũng cùng chung một nòi giống. Đã là người Việt thì bất cứ thuộc sắc tộc nào, cũng có bổn phận phải yêu thương, trung tín với tổ quốc Việt Nam. Như thế thì tại sao tên Trương Quang Ngọc lại làm cái việc mà theo em thì không có tốt tí nào hết á!

Nhất là hắn lại cùng sắc tộc với em, nên dù sao, việc làm của hắn cũng ít nhiều tổn thương đến lòng tự trọng của em chứ.

Em nghĩ vậy nên em buồn kinh khủng. Buồn chẳng biết sao mà nói nữa đó!

Suốt giờ Sử hôm đó em cứ mãi ôm mối thắc mắc trong lòng. Cho đến lúc ra chơi, vẫn không quên được, em đã nói với Hương, cô bạn thân nhất rằng:

- Kỳ quá Hương à, người Mường làm gì có họ Trương!

- Mà nếu có thì đã sao nào!

- Đoan người Mường Đoan có thấy ai họ ấy đâu!

Nga đứng bên cạnh xía vào, giọng gay gắt:

- Đoan biết được hết à? Sách in rõ ràng mà còn chối. Cứ làm như người ta bịa chuyện ra để nói xấu không bằng! Bộ cứ người Mường là không được làm chuyện không tốt à?...

- Không phải Đoan muốn nói vậy, nhưng... Đoan biết mà, họ Trương thì chỉ người Việt chính cống mới...

Đột nhiên Nga nổi cáu:

- Ơ kìa, Đoan lại định đổ vạ đấy hả? Vừa thôi nghen, Nga không thích nghe những lời như vậy đâu à! "Nói có sách mách có chứng" chứ bộ.

Em đã lỡ lời, hối tiếc cũng muộn, em chỉ buồn vì mình nông cạn...

Hương lên tiếng:

- Thôi, thôi, Nga! Bộ Nga định cãi nhau với Đoan đấy à? Cho Hương xin đi, thôi ra chỗ khác chơi, bạn!

Nga quay lưng:

- Tại Đoan chứ Nga muốn à!

Các bạn ra chơi, họ nói nhỏ với nhau những gì em không nghe rõ. Nhưng em thấy trong mắt họ ánh lên một chút bất mãn, cũng tại em chủ quan...

Hương đứng bên cạnh im lặng, Hương cũng giận em nữa đấy ư? Hương khẽ cau mày:

- Sao Đoan nói gì kỳ vậy! Hương không giận, nhưng Đoan làm phật lòng các bạn rồi đó.

- Đoan đâu muốn vậy...

- Thì Hương biết, nhưng tạo sự xích mích có lợi gì đâu!

- Đoan... hối rồi.

- Muộn!

- Biết sao...

Rồi những giờ, ngày học kế tiếp các bạn cứ nhìn em bằng con mắt... làm sao ấy!

Đó là câu chuyện tuần trước!

Bây giờ Em thấy buồn ghê đi...

Mải suy nghĩ mà đã đến trường. Cửa lớp quen thuộc mọi ngày kia rồi, nhưng sao hôm nay - em thấy xa lạ làm sao ấy, em chẳng muốn vào tí nào!

Nhưng làm sao được! Em bước vào, hình như các bạn đã đông đủ. Có tiếng cười nhỏ sau lưng rồi em nghe tiếng Nga:

- Kìa, kìa. Nhớ giờ Sử trước hông bay?

Có nhiều tiếng xì xào lẫn với tiếng cười khúc khích chế riễu. Đúng là họ đang nói về em đó.

Em cất cặp ngồi xoay lưng ra cửa, có tiếng Nga đọc to:

- Im đi, để ta học bài tụi quỷ! "Năm 1887 Nguyễn Phạm Tuân bị Pháp tấn công bất ngờ, tử trận, Lê Trực phải rút ra Hà Tĩnh. Pháp dùng tiền và chức tước mua chuộc tên tướng MƯỜNG Trương Quang Ngọc, luôn luôn theo hầu vua Hàm Nghi. Đêm 1-1-1888 vua bị Ngọc bắt nộp cho Pháp..." Chu cha, cái thứ người gì mà... mãi quốc cầu vinh, bây nhỉ?

Nhiều tiếng cười xoáy vào tai em, những giọng cười chiến thắng!

Nước mắt em rưng rưng thì tiếng trống vào học cũng điểm. Em chùi nhanh giọt lệ còn đọng vành mi, lấy dáng điệu phớt tỉnh ra xếp hàng.

Khi tất cả đã yên chỗ thì soeur bắt đầu giở sổ. Bỗng Hương giơ tay lên. Soeur Bénédictine ra hiệu bảo Hương đứng dậy.

- Hương muốn hỏi gì đó?

- Thưa ma soeur, theo ý con thì trong bài cũ, đoạn tên tướng Mường không cần phải nói rõ như vậy. Tên Trương Quang Ngọc nộp vua thì cứ biết là hắn nộp vua, cần gì phải nêu rõ là Mường hay Việt?

Soeur Bénédictine mỉm cười:

- À, đó là ý kiến của con, nhưng người viết sách muốn nói thế cho rõ đó thôi, vì chắc con cũng thấy là sau này, Phan Đình Phùng ra quân đã lên làng Mường trừng trị tên Ngọc đó chứ? Chỉ là một cách nói, có gì Hương phải thắc mắc!

Hương dạ nhỏ ngồi xuống, cô bé liếc mắt về phía em như ngầm bảo:

- Đó, nghe chưa bồ!

Tiếng ma soeur vẫn vang đều:

- Chắc Hương sợ... phật ý những ai cùng sắc tộc với họ Trương chứ gì? Nhưng nếu những người ấy hiểu rằng người gì, ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu, việc người xưa làm đã có lịch sử phê phán chứ có quan hệ gì tới mình, thì tự khắc họ sẽ không thắc mắc gì cả, miễn là họ thấy mình không làm cái việc xấu xa ấy, mình xứng đáng là con dân đất Việt, là người Việt, người Việt không vong bản, vọng ngoại, lai căng thì tốt rồi.

Hương lại liếc nhìn em lần nữa, con bé nheo mắt mỉm cười.

Ma soeur chỉ hỏi bài có hai người rồi giảng bài mới. Giọng bà êm êm như tiếng ru, bà say sưa ca tụng những anh hùng liệt nữ đã góp công làm đẹp quê hương, những Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng kiêu dũng...

Nhưng... em còn bận suy nghĩ nên không thu thập được rõ lắm. Lời soeur lúc nãy như còn văng vẳng bên tai, em thấy nỗi lo buồn trong hồn lắng xuống. Em muốn xứng đáng làm con dân đất Việt như soeur em nói đó mà.

Em thấy trong lòng đột nhiên cuồn cuộn một đợt sóng thương yêu rào rạt. Em đưa mắt nhìn ra khung cửa kính đục sương mù, những dãy đồi xanh nhấp nhô vô tận rọi vào em một luồng sáng mát trong. Em chợt quay nhìn về chỗ Hương, mỉm cười một mình trong khi Hương còn mải chăm chú nghe soeur giảng.

- Đoan đó hỉ, không nghe giảng mà mơ mộng gì thế?

Lời soeur lôi em về thực tại. Em giật mình cúi đầu bẽn lẽn nhìn xuống bàn tay mân mê bút. Em thấy soeur cười, các bạn của em cũng cười nữa đó, mắc cỡ ghê đi!


VĨ NGỌC      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 149, ra ngày 15-3-1971)


Thứ Tư, 20 tháng 3, 2024

GÁC ĐÊM - Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch

  


Câu chuyện dưới đây bắt đầu ở New York. Tại khu Brooklyn, một ông già đương bước qua đường thì té xỉu. Người ta chở ông gấp vô dưỡng đường Kings County. Ở đó, ông mê man, lâu lâu mới tỉnh lại một chút mà lần nào cũng đòi cho gọi con trai ông lại.

Nhờ một bức thư đã nhàu vì đọc đi đọc lại nhiều lần, một nữ y tá trong phòng cấp cứu tìm được trong người ông lão, người ta biết rằng người con trai của ông làm lính thủy ở đồn Caroline-Basc. Ngoài ra hình như không có thân thuộc nào khác.

Dưỡng đường kêu điện thoại cho sở Hồng Thập Tự Brooklyn. Sở này lại kêu điện thoại cho Hồng Thập Tự trại lính thủy ở Caroline-Basc, gọi gấp thanh niên đó về thăm cha. Vì tình trạng ông lão đã nguy kịch, nên một nhân viên Hồng Thập Tự và một sĩ quan lái xe jeep đi kiếm thanh niên đó, thấy chàng đương tập trận trong một đồng lầy. Người ta vội vàng đưa chàng lại phi trường và chàng lên chiếc phi cơ duy nhất có thể chở chàng về New York kịp.

Khi chàng bước vô dưỡng đường thì đêm đã khuya. Chàng vừa mệt vừa lo lắng. Một nữ y tá dắt chàng tới giường người hấp hối, bảo ông lão:
 
- Con trai cụ tới rồi đây.

Cô ta phải lặp đi lặp lại câu ấy mấy lần, ông lão mới mở mắt ra. Uống nhiều thuốc an thần quá, ông chỉ thấy mờ mờ một thanh niên bận quân phục đứng gần cái màn dưỡng khí. Ông chìa tay ra. Người lính thủy nắm bàn tay nhão nhẹt của ông trong bàn tay mạnh mẽ của mình, siết chặt một cách âu yếm, an ủi.

Nữ y tá đem lại một chiếc ghế dựa cho chàng ngồi ở cạnh giường.

Đêm ở dưỡng đường thì bao giờ cũng dài, và người lính thủy thức suốt đêm trong phòng ánh sáng mờ mờ đó cầm tay ông già mà ủy lạo ông cho ông hy vọng. Thỉnh thoảng cô y tá bảo chàng đi nghỉ một chút để cô coi sóc cho. Chàng từ chối. Lần nào cô vào phòng cũng thấy chàng chăm chú vào người bệnh, không để ý tới cô, cũng không nghe thấy những tiếng động ban đêm trong dưỡng đường nữa: tiếng lách cách của bình dưỡng khí, tiếng cười của các kíp gác đêm thay phiên nhau, tiếng rên rỉ hoặc tiếng ngáy của các bệnh nhân khác. Lâu lâu chàng lại nói một vài tiếng an ủi ông lão. Còn bệnh nhân thì không nói gì cả, chỉ níu lấy con trai, như vậy già nửa đêm.

Khi ông tắt nghỉ thì trời gần sáng. Thanh niên đó đặt bàn tay hết sinh khí của ông lão xuống giường, bàn tay mà chàng không hề rời ra một lát, và đi báo cho cô y tá. Trong khi cô sửa soạn cho người mất, chàng hút một điếu thuốc, điếu thuốc đầu tiên từ khi vô dưỡng đường.

Sau cùng cô y tá trở ra phòng giấy nơi đó chàng đương ngồi đợi. Cô tính nói vài lời chia buồn, nhưng chàng ngắt lời ngay.

- Ông lão đó là ai vậy?

Cô ngạc nhiên đáp:

- Thì... chính là thân phụ thầy.

- Không, tôi chưa hề gặp ông lần nào cả.

- Vậy sao thầy không nói gì hết khi tôi dắt thầy vô?

- Mới vô tôi biết ngay rằng người ta đã lầm rồi nhưng tôi cũng hiểu rằng ông già đó cần gặp con trai mà con trai ông không có mặt ở đó. Tôi nghĩ, ông ấy mê man như vậy thì không nhận được tôi có phải là con ông hay không, sau cùng nghĩ bụng ông ấy cần có tôi ở bên cạnh, cho nên tôi ở lại.

Nói xong chàng quay gót bước ra.

Hai ngày sau, một tin gởi theo lối thường, từ căn cứ hải quân Caroline-Basc, cho sở Hồng Thập Tự Brooklyn hay rằng người con trai thực sự đương lên đường lại New York để đưa ma cha. Thì ra ở trại có hai quân nhân cùng một tên mà mang số hơi giống nhau, cho nên ở phòng nhân viên người ta đã lầm hồ sơ. Nhưng người lính thủy gọi lầm đó đã biết đúng lúc
đóng vai người con thực và tỏ bằng một cách rất tế nhị rằng dù sao ở trên đời này vẫn có những người tốt bụng.
 

Roy Popkin               
Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch