Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

HAI BẠN TRẺ - Trọng Đức

 

- Xin ông đi qua, xin bà đi lại làm phúc cho cháu lưng cơm bát nước ông ơi, bà ơ... ơi!

Tiếng cậu bé hành khất mù ngồi kêu van bên đường nghe đến thảm thiết. Tuy thế thấy ít có người bố thí cho cậu.

- Xin ông xin bà làm phúc cho cháu...

Tiếng kêu ngân của cậu bé hành khất mù vừa dứt thì một giọng nói trong trèo tiếp theo:

- Minh ơi, đãi Minh chiếc bánh đây này.

- Ai thế?

- Tôi đây. Hòa đây mà.

Vừa nói Hòa vừa giúi chiếc bánh vào tay Minh.

- Cám ơn cậu lắm. May quá Minh đang đói muốn chết!

- Thế thì Minh nên ăn ngay đi.

Hòa ngồi xuống bên cạnh Minh. Minh bóc bánh ra ăn cách ngon lành, Hòa cảm thấy vui vui.

- Chà bánh ngon quá!

Nghỉ một lát Minh lại tiếp:

- Cậu làm sao có bánh ngon thế?

- Má tôi cho đó.

- Má cậu mua phải không?

- Không. Chính má tôi làm mà. Má tôi cho tôi hai chiếc, tôi ăn một, còn một để phần Minh.

Minh cười hồn nhiên:

- Cậu tốt quá. Xin cám ơn cậu.

- Chả có gì.

Rồi Hòa ngồi thừ nhìn Minh, dáng điệu suy nghĩ. Cuốn phim quá vãng từ từ quay lại, và lần gặp gỡ đầu tiên hiện hình lại trong trí Hòa. Cuộc gặp gỡ khá đau thương, nhưng nó đã san phẳng được hai xã hội giầu nghèo.

Hòa và Minh cùng đồng tuổi nhau, nghĩa là cũng độ 13, 14. Hòa là một cậu bé khôi ngô và lanh lợi. Con nhà giầu có. Cha mẹ cậu buôn bán vải vóc. Sở dĩ cậu đã trở nên bạn thân của Minh là vì một hôm khi trông thấy Minh đang sờ soạng đi trên đường phía trước cửa nhà cậu, cậu liền chạy ra làm bộ dẫn đường, nhưng cậu đã độc ác dẫn Minh đi về lối có chiếc xe bò đậu, để sau đó Minh ngã đâm sầm vào chiếc xe, sây sát cả chân tay. Thấy Minh bị nạn như thế chẳng những cậu không chút thương hại mà còn lấy làm thích chí, cho là một trò chơi hay ho. Cậu đứng nhìn cười như nắc nẻ. Nhưng khi đó mẹ cậu biết được liền chạy vội ra đỡ Minh dậy đem vào nhà băng bó thuốc thang. Trước khi cho Minh về bà đã cho Minh một ít tiền và còn bắt Hòa phải đến xin lỗi Minh nữa. Sau đó bà răn dạy Hòa một bài học về việc phải thương yêu và giúp đỡ những người tàn tật. Những lời tha thiết chân thành của bà đã làm cho Hòa phải cảm động, đã giúp Hòa biết nhất quyết sửa đổi tính nết lại, và cũng bắt đầu từ đó Hòa và Minh đã trở nên đôi bạn thân.

- Chà! Ăn chiếc bánh vào thấy tỉnh hẳn người lại.

Câu nói đột ngột của Minh làm Hòa giật mình và kéo Hòa trở lại với thực tại. Hòa ngơ ngác trả lời:

- Thế à.

Rồi cả hai im lặng. Một lát sau Hòa rụt rè hỏi:

- À Minh này.

- Cậu bảo cái gì?

- Minh... Minh mù có khổ lắm không?

Minh đã phải sửng sốt về câu hỏi của Hòa. Cậu buồn bã trả lời:

- Cậu hỏi chi lạ vậy. Cậu tính còn chi khổ bằng bị mù nữa. Cậu không bị mù nên không biết đó, chứ mù thì khổ cực lắm cậu ơi. Cậu xem đời Minh luôn luôn là đêm tối. Minh không được xem thấy một vật gì ở trên đời, cả đến mặt mũi ba má của Minh cũng vậy. Người ta nói ánh sáng mặt trời đẹp lắm kia, thế mà Minh có biết ánh sáng mặt trời ra sao đâu. Mù khổ lắm cậu ơi. Đời người mù buồn tủi lắm!

Khi đó Hòa thấy mấy giọt nước mắt lăn trên gò má Minh, và lòng Hòa rộn lên một niềm cảm kích thương hại bạn. Hòa nghẹn ngào nói:

- Thế thì tội nghiệp cho Minh quá nhỉ!

Cả hai lại yên lặng. Một lát sau như vừa nhớ lại điều gì hay, Hòa vội vàng hỏi:

- Minh, từ nay Minh đừng đi ăn xin nữa cho nó khổ. Minh về nhà tôi ở. Chịu không?

- Cám ơn cậu. Minh chả dám đâu.

- Thật mà. Minh cứ bằng lòng đi.

- Nhưng còn ba má của cậu nữa. Thôi Minh không chịu đâu.

- Ba má tôi thương tôi lắm mà. Nếu tôi xin chắc ba má tôi sẽ bằng lòng liền...

*

Minh ở trong nhà ông bà Đức Khang (ba má của Hòa) thấm thoát đã được 6 tháng. Ông bà Đức Khang rất có lòng quí yêu và coi Minh như con vậy. Một hôm ông Đức Khang gọi Minh tới và bảo:

- Minh. Lâu nay bác hằng để ý tìm phương thế để chữa bệnh cho cháu. May quá bác vừa được tin có một phái đoàn gồm những Bác sĩ nhiều nước khác nhau chuyên môn về mắt mới tới Sàigòn. Vậy cháu hãy sẵn sàng để mai bác sẽ dẫn cháu đi gặp Bác sĩ. Bác rất hy vọng kỳ này cháu sẽ được lành bệnh.

*

Người thứ nhất Minh trông thấy sau khi Bác sĩ tháo băng ra cho Minh lại là Hòa. Hai bạn trẻ mừng rỡ ôm ghì lấy nhau nức nở nói không ra lời khiến cho những người có mặt lúc đó đều cảm động!...


TRỌNG ĐỨC 
   
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 15, ra ngày 25-3-1964)



Không có nhận xét nào: