Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

TRUYỆN DỊCH THIẾU NHI - Trần thị Phương Lan

 Hiện nay, ngày càng nhiều món ăn vặt "mới" như xoài lắc, phô mai que, bắp xào, bánh tráng trộn... xuất hiện tràn lan trên khắp mọi nẻo đường, nhưng chắc đã quá tuổi ăn hàng từ lâu, nên tôi chẳng buồn nếm thử qua dù chỉ một lần.

Còn những món ăn tôi từng được ăn thuở xa xưa, như ruột vịt, bò bía ngọt, bông cỏ, bánh mì chiên tôm, bún kèn... vẫn mang lại trong tôi dào dạt những cảm xúc bồi hồi, tuy chúng nếm chẳng giống chút nào so với cũng món ăn đó khi tôi còn nhỏ.

Có một thứ tôi vẫn còn hứng thú khi muốn tìm về ấu thơ, đó là truyện dịch thiếu nhi.

Tôi từng nghe nhiều người nói rằng họ chưa từng đọc truyện chuyển ngữ, hoặc không có hứng thú với truyện dịch. Nói không thích thì còn có lý, chứ nói chưa từng đọc truyện dịch/song ngữ  thì tôi không tin, vì dù ít hay nhiều, tình cờ hay cố ý, thì ai trong chúng ta cũng đã từng coi truyện thiếu nhi được dịch hoặc phóng tác từ tiếng ngoại quốc, khi còn nhỏ, như tủ sách Tuổi Hoa chẳng hạn, hoặc cuốn Tâm Hồn Cao Thượng (tác giả Edmondo De Amicis, dịch giả Hà Mai Anh) mà bất cứ đứa trẻ nào vào thời đó cũng đều biết.

Chỉ mới năm, sáu tuổi, tôi đã được đọc truyện Pinocchio, cậu bé người gỗ hay nghịch ngợm, có chiếc mũi dài thoòng, và cặp mắt tròn lúc nào cũng mở to như muốn tìm hiểu cả thế giới. Truyện này đã khơi dậy trí tưởng tượng và óc tò mò của tôi, vì tôi không hiểu tại sao người gỗ mà lại có thể suy nghĩ, nói năng và quậy phá y như người. Cậu bé con rối này thật lém lỉnh khi thường hay đốp chát, cãi lộn nhem nhẻm với cha nuôi, người  thợ mộc đã đẽo gọt nên cậu. Tới khi lớn lên ra đi làm rồi, một hôm tôi vô tình nhìn thấy truyện này trong một tiệm cho mướn truyện, tôi đã vồ lấy nó như tìm thấy lại một người bạn thân thất lạc lâu năm.

Tôi nhớ bộ ba truyện Trong Gia Đình, Vô Gia Đình, và Về Với Gia đình, đều cùng của tác giả Hector Malot, nhưng tôi mê cuốn truyện đầu hơn cả, có lẽ vì nhân vật chính cũng là con gái, tên Liên (Perrine) nên tôi dễ hiểu và thông cảm nỗi lòng hơn chăng? Truyện kể về cuộc hành trình gian truân của hai mẹ con Liên tìm đường về quê nội, khi bà mẹ biết mình bịnh rất nặng và không thể tiếp tục chăm sóc Liên được nữa. Nhưng rồi trên đường đi, bà mẹ, một thợ chụp hình, đã qua đời. Liên phải hoàn thành sứ mạng một mình, dù biết rằng gia đình bên nội giàu có đã không nhìn nhận cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối của cha mẹ. Truyện có những đoạn tả cảnh tuy nhỏ nhưng lại là những nét chấm phá vô cùng sinh động, không dễ quên. Như cảnh Liên hái những bông hoa dại nhưng sặc sỡ tươi thắm trong vườn hoang của chủ trọ, để đem cắm trong phòng giúp vui cho mẹ lúc bà trở bịnh nặng. Hoặc cảnh Liên ngồi dưới rặng liễu nên thơ bên bờ suối, làm dép bằng vỏ cây liễu vì đã cạn sạch tiền. 

Câu chuyện nhi đồng mà tôi yêu quí nhất, là truyện Con Nai Tơ (The Yearling, tác giả Marjorie Kinman Rawlings, bản dịch của Trương Bảo Sơn). Dịch giả đã "đặt tên" cho chú nai tơ là Thơ Thơ. Tôi không thể nói Bảo Sơn đã "dịch" tên, vì tên tiếng Anh của chú nai tơ là Flag (lá cờ), và chẳng ăn nhập gì. Cũng vì yêu quí tên này, mà tôi đã dùng nó làm bút hiệu khi viết bài cho tuần báo Thiếu Nhi thuở xưa, và vẫn sử dụng cho tới bây giờ, nếu bài viết đó có nội dung hơi trẻ con.

Con Nai Tơ nói về cậu bé Cu Tý (Jody) sống với cha mẹ trên một khu đất hẻo lánh, gần rừng rậm mà xa láng giềng, nên để bớt cô đơn, cậu đã đem về nuôi một chú nai tơ. Cha cu Tý đã  đi săn và giết thịt nai mẹ, nên ông đành phải đồng ý, như để chuộc lỗi với chú nai mồ côi. Rừng rậm gần như là ngôi nhà thứ hai của cu Tý. Cậu thường ra suối chơi, tự tay gọt lấy đồ chơi là chiếc cối xay chạy bằng nước, hình ảnh biểu tượng của truyện. Nhưng rồi Thơ Thơ ngày một lớn, đòi ăn đòi chơi nhiều hơn, hay vô rừng mấy ngày không về. Nai cũng phá phách mùa màng, dù ba cu Tý đã xây hàng rào ngày một cao, khiến ông phật ý, vì sợ gia đình sẽ lâm vào cảnh đói kém, nếu tình trạng kéo dài. Vì vậy một ngày nọ ông buộc cu Tý phải ngồi lại nói chuyện như hai người trưởng thành, và cho biết đã quyết định hạ thủ chú nai tơ yêu dấu. Trên con đường trở thành người lớn, cu Tý đã phải trải qua nhiều thử thách, hy sinh, và cả trách nhiệm. Nhưng cu Tý sẽ không bao giờ quên được Thơ Thơ....

Trần Thị Phương Lan     
(Bút nhóm Hoa Nắng)    

Tranh minh họa: Truyện Con Nai Tơ ( The Yearling, tác giả Marjorie Kinman Rawlings) bản in đầu tiên, xuất bản năm 1939



Không có nhận xét nào: