Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2024

MỘT BÀI HỌC CỦA BIỂN CẢ - Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch

 

Một số người có được một thiên tư kỳ diệu. Tôi không biết nên gọi là gì cho đúng: tinh thần bình thản, sức mạnh nội tâm hay tinh thần đại độ, khoáng đạt? Dù sao thì mỗi khi gặp những nỗi thắc mắc đau khổ là tự nhiên chúng ta hướng về những người đó. Họ có một cái gì thu hút chúng ta như đá nam châm hút sắt. Tôi có một ông bạn thân thuộc hạng người ấy. Cho nên buổi tối hôm nọ, có một nỗi ưu tư đè nặng trong lòng, tôi kêu ngay điện thoại hỏi anh. Anh đáp:

- Mời anh lại chơi. Alma đã đi ngủ rồi, tôi sắp pha cà phê cho tôi đây.

Tôi bèn lại nhà anh và một giờ sau, y như tôi đã đoán, tinh thần tôi phấn khởi hẳn lên. Không phải là nỗi khó khăn của tôi đã giải quyết được đâu, nhưng không hiểu tại sao, tôi không thấy nó ghê gớm như trước nữa. Ngồi trước mặt anh Ken, thấy anh thoải mái dựa lưng vào cái ghế bành, hai chân gác lên bàn viết, tay chắp sau gáy, ít nói nhưng chăm chú nghe... và tỏ thiện cảm với tôi, thì làm sao mà tâm hồn tôi chẳng bình tĩnh lại?

Bỗng tôi thấy cần phải tỏ ít lời cảm ơn anh và tấm lòng tôi quí mến anh. Tôi bảo:

- Anh Ken, tôi chưa thấy ai có tài làm cho tinh thần người khác phấn khởi lên được như anh. Anh làm cách nào vậy?

Nụ cười của anh nở một cách chậm chạp, cơ hồ như lần nào cũng hiện lên ở khóe mắt trước hết. Anh đáp:

- Có gì đâu! Tôi hơi lớn tuổi hơn anh, thế thôi.

Tôi lắc đầu:

- Tuổi tác mà ăn nhập gì tới cái đó. Anh có cái đức bình tĩnh mà tôi cảm thấy rất thâm trầm. Nhờ đâu vậy, anh?

Anh ngó tôi vài giây, có vẻ suy tư, như do dự không biết có nên kể cho tôi nghe không. Sau cùng anh lấy đầu mũi giày móc kéo một hộc tủ bàn viết, rồi lấy ra một hộp giấy, đặt lên tấm bìa lót tay trên mặt bàn. Anh trỏ hộp giấy đó, bảo:

- Nếu tôi có được một chút xíu cái đức mà anh khen tôi đó thì có lẽ là nhờ cái hộp này.

Tôi đợi anh giảng giải. Phòng rất tĩnh mịch, tôi nghe thấy tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ quả lắc đặt trên mặt lò sưởi. Anh lựa một ống điếu cũ, thuốc đã đóng dày một lớp, rồi nhồi thuốc.

- Chúng mình quen nhau từ bao lâu rồi nhỉ? Mười năm, mười hai năm? Cái hộp này có từ lâu hơn nhiều. Trên ba chục năm rồi. Chỉ có Alma và tôi là biết trong đó có gì thôi, nhưng lâu quá, có lẽ nhà tôi quên rồi. Còn tôi thì cứ thỉnh thoảng lại mở ra ngắm nghía vật chứa trong đó.

Ngọn lửa ở đầu cây quẹt chập chờn, khói thuốc tỏa lên thành những cuộn xanh phản chiếu ánh đèn. Anh Ken bắt đầu kể, giọng như văng vẳng từ dĩ vãng.

- Năm 1920, tôi ở trên đường thành công. Một sự thành công kỳ dị. Tiền vô như nước, mỗi ngày mỗi nhiều mà tiêu pha còn nhiều hơn nữa. Đúng là hạng thanh niên được trời cưng, tôi suy nghĩ tính toán mau hơn ai, mà tửu lượng thì cũng vô địch. Tôi cưới nhà tôi vì thấy nàng đẹp, làm cho nhà cửa, cuộc đời thêm tươi, chứ không phải vì tình. Nói thực ra, tôi không yêu nàng chút nào cả. Tôi chỉ yêu tôi, tự cao tự đại, thế thôi.

Tôi ngạc nhiên ngó anh. Anh tự vẽ cho anh bức chân dung tàn nhẫn như vậy, làm sao tôi có thể tin được là đúng.

Anh nói tiếp:

- Chắc anh đoán được rằng số phận đâu có chịu thua tôi, phải quật lại chứ? Mà nó quật lại một cách ghê gớm làm sao! Những người nào không trải qua cuộc kinh tế đại khủng hoảng năm 1929, thì khó tưởng tượng được nó bi đát tới mức nào. Mới tuần lễ trước, tôi còn là một nhà triệu phú - trên giấy tờ - mà tuần sau đã nhẵn túi. Phản ứng của tôi dễ đoán được: tôi say sưa tối ngày, có lần ba ngày liền say mèm, không còn biết trời đất gì cả.

Anh cười gằn một tiếng ngắn, đứng dậy, lùa ngón tay vào mớ tóc rối bù.

- Nơi mà tôi lựa để thỏa tình than thân trách phận là một biệt thự của chúng tôi trên bờ biển, nhưng từ khi đất sụp ở dưới chân, nó không còn thuộc về chúng tôi nữa. Alma muốn theo tôi ra đó, tôi bảo đừng. Tôi chỉ muốn mỗi một điều: uống rượu tới say bí tỉ để quên hết mọi sự. Và nốc hết ve này tới ve khác.
Nhưng rồi cũng tới một lúc tinh thần người ta bình tĩnh lại. Lúc đó tôi sắp thành một thằng nghiện rượu, điều đó thực ghê gớm quá. Tôi tởm cho cái con người tôi, tôi tuyệt vọng. Tôi soi gương: cặp mắt đỏ ngầu, râu ria ba ngày chưa cạo, tôi thấy rằng mình hoàn toàn là một thằng bỏ đi. Tôi hoàn toàn là một con người hư hỏng, một người chồng hư hỏng, một công dân hư hỏng. Tôi nghĩ rằng chỉ có cách tôi từ bỏ cõi đời này là có lợi cho nhà tôi, cho xã hội hơn cả.

Tôi đã kiếm được một cách chắc chắn rồi. Gió thổi ào ào. Biển động mạnh. Tôi sẽ bơi ra thật xa, tới khi đuối sức mới thôi, thế là vô phương trở vô bờ được và bao nhiêu nỗi ưu tư sẽ trút được hết.

Cối thuốc đã tắt, anh nhỏm dậy đặt nó lên bàn giấy. Khi ngồi xuống, chiếc ghế bành cũ kỹ của anh kêu rắc rắc.

- Khi đã có một quyết định như vậy thì chỉ còn nghĩ tới cách thực hiện cho mau. Tôi không chần chừ nữa vội vàng xuống các bực thềm, tiến ra bãi biển. Tôi còn nhớ lúc đó trời hừng đông, đỏ rực, dưới ngọn cuồng phong, sóng nổi cao ngất. Tôi bước thẳng lại mí nước. Khi tới nơi, tôi để ý thấy cái gì lấp lánh trên mặt cát. Anh mở hộp giấy ra, bảo:

- Đây, vật này đây. Hộp chứa một vỏ sò. Không phải là thứ vỏ sò hiếm thấy, vì tôi cũng đã gặp nhiều vỏ như vậy, chỉ là một thứ vỏ hình bầu dục dài, có rạch màu lợt coi khá đẹp. Anh Ken nói tiếp:

- Tôi đứng lại ngắm nghía nó. Sau cùng lượm nó lên. Nó ướt, bóng loáng và chỉ khẽ bóp một chút cũng bể liền. Mặc dầu vậy, nó còn nguyên, không sứt mẻ gì cả. Trong khi gió gào, sóng gầm ở chung quanh, tôi tự hỏi: "Làm sao mà có thể như vậy nhỉ? Cả tấn nước dập dồn cuốn nó, tung nó lên trên lớp cát cứng này, mà sao nó không bể ra, tan tành ra từng mảnh vụn nhỉ? Cái gì làm cho nó còn nguyên vẹn không hề rạn nứt như vầy nhỉ? Tôi ráng suy nghĩ rồi bỗng nhiên tôi hiểu. Nó đã chấp nhận cơn dông tố như chấp nhận sự an tĩnh ở đáy biển, nơi nó phát sinh. Nhờ vậy nó không bị tiêu diệt. Bỗng nhiên tôi thấy mình đã vô lý chiến đấu với một biến cố không thể tránh được.

Tôi không nhớ tôi đã đứng như vậy bao nhiêu lâu, sau cùng tôi lượm vỏ sò đó lên rồi trở về biệt thự. Tôi giữ vỏ sò đó cho tới bây giờ.
 
Tôi đỡ cái hộp anh chìa cho tôi, nhấc vỏ sò lên. Thật đều đặn, không sứt mẻ chút nào cả mà nhẹ như lông chim.

Tôi hỏi anh:

- Anh có biết tên nó không?

Anh đáp:

- Có. Người ta gọi nó là "cánh thiên thần".
 

Arthur Gordon          
(Trong Ý Cao Tình Đẹp)   


Không có nhận xét nào: