Các em thân mến,
Tuần rồi, chúng tôi vừa nói chuyện với các em về tính khiêm tốn và kể chuyện vua Phi-líp xứ Ma-xê-đoan.
Ở Á đông mình có rất nhiều tấm gương khiêm tốn mà chuyện dưới đây là một.
Một
hôm, vua Tề Hoàn Công đi săn, lạc vào một khu rừng rậm và gặp một cái
hang. Vua thấy trước hang có một ông già đang đứng liền hỏi thăm tên của
cái hang này. Ông già cho biết là hang Ngu Công.
Nhà vua lấy làm lạ, hỏi tại sao hang này lại có cái tên lạ lùng như thế.
Ông già liền thưa vì ông ở trong hang này mà ông lại ngu, nên mới có tên là hang Ngu Công.
Vua
càng ngạc nhiên : Ta trông nhà ngươi mặt mày sáng sủa, thông minh, sao
lại cho mình là ngu mà đặt tên hang là hang của người ngu dại?
Ông
già giải thích : Thưa bệ hạ, kẻ hạ thần có nuôi một con bò cái. Con bò
cái sanh được một con bò con. Khi con bò lớn lên, kẻ hạ thần đem ra chợ
bán, lấy tiền mua một con ngựa con đem về nuôi chung với con bò mẹ.
Một
ngày kia, có một tên nọ bắt kẻ hạ thần phải giao cho hắn con ngựa con,
viện lý lẽ "bò cái không đẻ ra ngựa được". Kẻ hạ thần không cãi và bị
mất ngựa. Người nào nghe chuyện này cũng cho kẻ hạ thần là ngu và còn
đặt tên hang này là hang Ngu Công, hang của ông già ngu dại.
Vua nghe xong, mỉm cười : Đúng ra, nhà ngươi cũng ngu thật.
Khi
về đến cung điện, vua Tề Hoàn Công đem chuyện ông già hang Ngu Công kể
lại cho các quan trong triều nghe. Quản Trọng là vị quan lớn trong triều
và lại là người tin cậy của nhà vua, đứng dậy thưa rằng:
- Chính hạ thần mới là người ngu.
Ai nấy đều ngạc nhiên, Quản Trọng liền tiếp:
-
Thường thì một nước có vua giỏi như vua Nghiêu, bề tôi tài như Cao Dao
thì làm sao có kẻ ức hiếp người khác mà lấy ngựa như vậy. Ngu Công đành
chịu mất ngựa, không cãi, chính là một người khôn, vì ông ta biết luật
pháp nước ta không ra gì, chống cự lại bọn côn đồ chỉ hại mạng mình mà
thôi. Nhân dịp này, bệ hạ nên kịp thời sửa đổi lại việc nước, để sau này
khỏi phải ân hận.
Các em thân mến,
Quản
Trọng là một vị quan tài giỏi có tiếng của nước Tề, mà khi nghe vua kể
chuyện Ngu Công còn nhận mình là ngu, cho mình còn kém Cao Dao, vị quan
nổi tiếng công minh đời Đường, mới để cho trong nước xảy ra việc bất
công.
Xem
như thế, chúng mình nếu lúc nào cũng tự cao, tự đại, lúc nào cũng cho
mình khôn ngoan, toàn mỹ, hơn người, không thèm tìm tòi, học hỏi, sửa
mình, chúng mình chỉ làm trò cười cho thiên hạ, chúng mình làm sao tiến
bộ được, phải không các em.
Thân mến
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 46, ra ngày 9-7-1972)
Không có nhận xét nào:
Không cho phép có nhận xét mới.