Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2024

ĐI COI CHẾU BÓNG - Đỗ Phương Khanh

 Có lẽ các em của chị đã, ít nhất là một lần, đi coi hát. Nếu em nào là khán giả gương mẫu, chị hết lời ngợi khen, và cũng mời đọc qua cho vui, nếu em nào "chưa gương mẫu mấy" thì chị mời cùng đọc với chị, để chị em mình sẽ cẩn thận hơn nữa, ở những nơi công cộng, để mọi người nhìn vào chúng ta bằng ánh mắt thiện cảm, cũng như chúng ta vẫn thán phục lòng hy sinh dũng cảm, yêu nước, tôn trọng kỷ luật, ngay thẳng và sạch sẽ v.v... của người... Nhật. Sao ta lại chịu thua, hỡi các em thân yêu của chị! Chúng ta hãy tạo một đời sống mới sạch từ thể xác tới tâm hồn nghe các em!

Nhân dịp nghỉ hè chắc rằng sẽ có nhiều em chăm học được ba má thưởng cho một vé coi chiếu bóng. Vậy thì, các em ơi:

- Lúc mua vé, phải đứng theo thứ tự, không chen lấn. Mình tới sau phải chịu thiệt hơn người tới trước.

- Vào rạp rồi, đưa vé cho người xếp chỗ, người ta sẽ chỉ định ghế của mình. Dù thấy có ghế trống cũng không ngồi bừa xuống, vì chỉ lát nữa, những khán giả có vé ghi những ghế đó tới, người xếp chỗ lại mất công chen vào tận nơi mời mình ra, để chỗ cho người có vé đó trong khi nếu là ghế trống, họ chỉ việc đưa vé và chỉ cho những khán giả có ghế đó mà thôi.

- Phải theo sự chỉ dẫn của người xếp chỗ, để tới ghế của mình. Trong trường hợp đi cả nhóm mà không mua được vé liên tục, không nên ngồi đại vào ghế của người khác, rồi tới chừng họ vào rạp lại bắt họ phải dời qua chỗ khác viện lẽ mình thích ngồi chung một nhóm với nhau.

- Không nen cãi cọ đòi hỏi người xếp chỗ những điều vô lý. Bổn phận họ là dẫn mình vào chỗ của mình. Họ làm cả ngày đã quá mệt mỏi, không nên phiền hà càu nhàu làm rộn lòng người ta thêm làm chi.

- Nếu phải đi qua mặt người khác, chúng ta nói: "xin lỗi ông (bà, anh, chị v.v...)" và rán đi cho lẹ làng.

- Ngồi trong rạp không nói chuyện ồn ào, không kể chuyện phim trước (trong trường hợp phim hay, mình đã coi mấy lần, hoặc mình đã đọc chuyện phim).

- Không gác chân lên lưng ghế trước mặt.

- Không ăn quá vặt vứt rác bừa bãi.

- Không cắn hạt dưa lốp đốp.

- Nếu ăn kẹo cao su (chewing gum) phải nhả bã ra một miếng giấy, gói lại, bỏ vào túi, lát đem ra bỏ vào giỏ rác.

- Khi tan xuất hát, phải chờ cho màn ảnh hoàn toàn hết hẳn hình, mới đứng lên. Đoạn cuối cùng luôn luôn đạo diễn quay những hình ảnh thật đẹp, có ý nghĩa, cốt để lưu luyến lòng người coi. Mình đứng lên vô tình choán chỗ, làm người khác không được xem, rất uổng.

Nhân đây, nếu có em nào mà gia đình có rạp chiếu bóng, thì thưa với quí vị xin đừng mở cửa sớm, chỉ lợi được chừng một phút, mà làm mất cái thú vị của khán giả.

Bây giờ chị thí dụ có em nào đi ngoại quốc rồi về kể câu chuyện thế này:

- Một hôm tôi đi coi chiếu nóng. Thoạt tiên, khi mua vé, tôi bị chen lấn toát mồ hôi, mấy người mạnh khỏe họ cứ xấn xổ vào, thành ra mãi cả giờ tôi vẫn còn ở ngoài. May thay, gặp một ông bạn võ sĩ, ổng mới chen vô mua vé được, nhưng phải ngồi tuốt gần chót, mặc dầu tôi tới mua rất sớm. Đã thế, khi người soát vé đưa tôi vào chỗ thì ghế đã có người ngồi. Họ sừng sộ muốn cãi nhau với người xếp chỗ, sau phải nhờ cảnh sát can thiệp. Chung quanh họ nói chuyện ồn ào quá, mà anh bạn võ sĩ của tôi càu nhàu là họ đang kể chuyện phim, tôi cảm thông nỗi buồn của anh vì chúng tôi đi coi phim trinh thám. Thỉnh thoảng, lại có cái gì thúc vào vai tôi, thì ra ông ngồi hàng ghế sau gác chân lên thành ghế của tôi. Chưa tan xuất hát họ đã lục đục đứng lên, che mất cả hình ảnh, thành ra tôi cũng phải đứng lên theo. Nhưng một mẩu bã kẹo cao su đã gắn ống quần tây trắng của tôi xuống ghế, tôi phải gỡ mãi. Nhưng không sạch. Đèn sáng, tôi nhìn xuống dưới nền nhà đầy rác rưới gồm có: Lon bia hộp, vỏ dừa, ly giấy đựng cà rem, giấy gói kẹo, vỏ hạt dưa, hạt bí v.v... và những dòng nước chảy ngoằn ngoèo làm lối đi trơn trợt. Mà rạp hát tôi coi chính là rạp hát lịch sự nhất của quốc gia đó".

Nghe bạn kể như vậy rồi các em sẽ nghĩ sao về nền giáo dục của cả quốc gia ấy? "Trình độ giáo dục của một quốc gia được xét đoán bằng hành động của dân chúng ở nơi công cộng" là một danh ngôn.

Dù coi ở rạp vé vào cửa cao hay hạ cũng vậy, các em phải giữ đúng tư cách của một công dân có giáo dục. Mọi người đều mong đến rạp hát là để giải trí, phải tôn trọng họ. Vả lại, giữ vệ sinh chung cũng là giữ sức khỏe cho chính các em. Thử tưởng tượng, hơn hai giờ dùng để giải trí, lẽ ra được ngồi trong rạp hát sạch sẽ khoảng khoát, thì chỉ vì sự kém công dân giáo dục của một số người, các em phải giam mình trong một bãi rác mênh mông nhớp nháp, đầy vi trùng.

Xin tất cả các em, nếu thương mến chị, thì nhớ những lời chị dặn trên đây để tránh làm phiền người chung quanh, nghe các em.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 90, ra ngày 20-5-1973)



Không có nhận xét nào: