Thứ Năm, 19 tháng 12, 2024

NHỮNG TẬP TỤC VUI LẠ TRONG NGÀY LỄ GIÁNG SINH - Nguyễn Vũ Linh

 

Noel! Sinh Nhật! Giáng Sinh!

Đó là ba danh từ quen thuộc thường dùng để chỉ ngày Chúa GIÊSU giáng trần, giảng dạy và cứu chuộc tội lỗi nhân loại.

Chúa Giêsu, vị Con Thiên Chúa, đã xuống thế làm người, cách đây ngót 2000 năm tại Bêlem trong một hang đá nghèo nàn rét lạnh.

Đối với người tín hữu Công giáo không ai còn lạ gì Lễ này, và hàng năm cứ mỗi lần gió lạnh trở về, lại nhớ đến ngày giáng sinh của Chúa, và chờ mong ngày ấy một cách thiết tha.

Người Pháp dùng tiếng Noel để chỉ ngày lễ Sinh Nhật. Noel là một tiếng chúc tụng vui mừng. Thời xưa, công chúng Pháp quen dùng tiếng ấy để chào mừng các vua chúa khi ngự giá tuần du, cũng là tiếng reo hò của các chiến sĩ khi ra trận. Noel, Lễ Giáng Sinh! lại cũng là một danh từ khoái lạc mà các trẻ em hứng thú nhảy mừng quanh lò sưởi của gia đình.

Tại miền Provence đến chiều ngày 24 tháng Chạp có lệ mọi người trong gia tộc đến hội họp ở nhà các bậc gia trưởng trong họ đã cao niên để dự tiệc vui. Món ăn có bắp cải, cá khô và tráng miệng bằng kẹo hạnh đào. Trước khi ngồi vào bàn ăn, một em bé ít tuổi nhất, được ông nội hay ông ngoại cầm tay thong thả vạch một dấu Thánh giá trên bàn tiệc, có ý chỉ cậu bé thanh tịnh đó là biểu hiệu Chúa Giêsu mới giáng sinh.

Ở Picardie người ta chọn một con cừu xinh đẹp đặt vào trong một cái thúng. Một mục tử đầu đội khăn, y phục trang sức ngộ nghĩnh bưng cái thúng ấy đi trước, tiếp theo là một đoàn mục tử nam nữ khác vận y phục trắng rước vào nhà Thờ. Họ đi như đi kiệu xin Linh mục làm phép cho. Rồi họ lại đưa con cừu ấy về, và suốt đời nó được họ chăn nuôi chăm chút một cách đặc biệt cho đến khi nó chết già vì họ coi nó như là "Đấng cứu thế của đoàn súc vật".

Ở các tỉnh như Franche, Comté, có nhiều trẻ em mặc trá hình làm vua, vừa đi vừa hát đến gõ cửa từng nhà lấy danh Chúa Giêsu Hài đồng để xin tiền hoặc quà bánh khiến cho chúng được đầy đủ mừng ngày lễ Giáng sinh.

Tại nước Bỉ người ta mừng ngày lễ Giáng sinh cũng tương tự như bên Pháp. Ở thành Bruges có tập tục mừng lễ Giáng sinh ngay ở ngoài các phố xá suốt đêm 24 sang 25 tháng Chạp. Dân sự ca hát theo cung điệu đời trung cổ để mừng ngày Chúa giáng sinh và để xin những người giàu bố thí cho kẻ nghèo, có chút gì ăn mừng ngày Chúa Cứu Thế ra đời. Kẻ nghèo đói thì mượn cách ca hát để xin cho mình ít củi đốt cho "em bé mới sinh ra" sưởi. Ai nấy đều thừa hiểu cái ý nghĩa đích thực trong câu xin êm ái ngọt ngào đó, nên chẳng ai nỡ từ chối giúp đỡ cho họ hoặc tiền bạc hay gạo củi.

Dân chúng Anh mừng lễ Giáng sinh một cách trọng thể, lấy ngày hôm ấy làm vui vẻ hơn các ngày khác trong năm. Họ ăn mừng rất to đến nỗi nhà nào cùng khổ cũng có món ăn pudding và ngỗng quay để ăn mừng lễ. Những nhà giàu cũng có lòng tốt cho quà những nhà nghèo, những kẻ hành khất trú trọ trong các viện tế bần, và các tội nhân phải giam cầm trong các nhà lao, để họ có những món ngon lành mà mừng lễ.

Các trẻ em thường hội họp từng bọn đi riễu từ nhà nọ qua nhà kia đồng ca những bài hát về Giáng sinh và nhắc đi nhắc lại câu:

Ta hay chúc mừng ngày hạnh phúc,
Ngày hạnh phúc của Chúa giáng sinh.

Các bà mẹ người Đức đến ngày lễ này thường quen lấy danh hiệu nàng tiên Khristkinddel hứa cho các con mình đứa nào có nết na đức hạnh, chịu khó chăm chỉ ngoan ngoãn thì sẽ được thưởng đồ chơi và bánh kẹo. Còn đứa nào ương ngạnh, dối trá thì lấy danh ông Ba Bị (Nicola-le-velu) ra mà dọa nạt. Đây không phải là "Ông Ba Bị chín quai, mười hai con mắt" như của các bà mẹ Việt Nam ta, nhưng là một con gấu mặt mũi đen sì, râu ria lởm chởm, mình mặc da gấu và phồng mang, trợn mắt, hằm hè rất ghê sợ.

Cũng như ở nước Anh, ông Ba Bị Nicola-le-velu đến giữa lúc các trẻ em xúm quanh cây Sinh nhật để đợi chia quà bánh, khiến cho cô cậu nào cũng nơm nớp lo sợ. Ông Ba Bị liền cất tiếng oang oang lên quở mắng những em nào thường nhật hay nghịch ngợm, hỗn láo, không hay giữ phép tắc, nết na. Bấy giờ các cha mẹ mới can thiệp vào, bênh vực, bào chữa cho con cái có lỗi, xin ông Ba bị khoan dung cho chúng, hứa sẽ bắt chúng tu sửa nết na đức hạnh... Rồi đuổi ông đó ra khỏi phòng. Lũ trẻ lúc đó mới hoàn hồn và mới dám hớn hở vui cười vây quanh cây Sinh nhật.

Ở Ý, đến ngày lễ Giáng sinh thì các mục đồng xứ Sabine và Abruzzes bỏ rừng núi để xuống báo tin lành cho các thành phố La mã, vừa đi vừa cử những bản nhạc bình dân. Cuộc vui đó tương truyền đã có tự thời xưa, khi đạo Thiên Chúa mới bắt đầu truyền bá tới những xứ ấy. Các nhạc công (pifferari) đi từng bọn ba người : một ông già, một người đứng tuổi và một cậu bé con.

Ở Rome trong nhà thờ Aracoeli có đặt tượng thánh Bambino (trẻ em) trang điểm cực kỳ lộng lẫy. Bên cạnh tượng có dựng một cái bệ làm nơi giảng thuyết và các cậu bé từ 7 tuổi đến 10 tuổi lần lượt bước lên diễn đàn, đem giọng nói êm dịu, tài hùng biện ra diễn thuyết để khen ngợi Chúa Hài Đồng. Vì các cậu bé còn tí hon đã biết bạo dạn lên diễn đàn như vậy nên có nhiều người cảm mộ kéo đến nghe rất đông. 

Ở Tây Ban Nha người ta quen diễn lại sự tích Chúa giáng sinh. Các vai đều ăn mặc trá hình, đeo mặt nạ và đem theo nhạc khí quen dùng như sênh tiền (castagnettes), trống đờn (tambour basque) để nhảy múa. Đàn bà con gái vừa nhảy múa vừa cầm nến cháy.

Ở Na Uy người ta quen gửi tặng nhau một món quà quí giá gói trong bó hoa hay trong cái hộp bằng rơm để chỉ ngày lễ Giáng sinh đã đến. Nhiều người nghịch ngợm gửi một cách kín đáo đến bạn bè thân thuộc một bó cỏ khô, một bó hoa hay một túi đựng rơm nhỏ. Người nhận được những món quà ấy phải ý tứ cẩn thận bới rơm vạch lá lục lọi kỹ càng mà nhiều khi kết quả chỉ tìm thấy một cây kim để đánh lừa những ai quá hí hửng. Nhiều khi món quà quí báu ấy chỉ là một gói các thứ giấy quấn lại, ngoài đề những câu rất hóm hỉnh, gợi trí tò mò, khiến cho người nhận nhiều khi cặm cụi bóc hết các lần giấy mà chẳng nhận được gì. Người Na Uy cũng có thói quen thết các giống chim một bữa tiệc. Sáng ngày 25 tháng Chạp người ta buộc một bó lúa vào đầu một chiếc sào dài, cắm cao khỏi mái nhà cho chim  chóc xuống ăn. Mùa này tuyết xuống che phủ đồng ruộng nên sinh kế của loài chim cũng bị quẫn bách. Nay được ngày Chúa giáng sinh, loài người có lòng tốt cho ăn nên tấp nập bay đến, ríu rít khoái trá vô cùng.

Trò vui đặc sắc và tiêu biểu nhất cho ngày lễ Giáng sinh mà ở đâu cũng có là bầy một hang đá nhỏ, nhắc lại sự tích Chúa sinh ra với một cây Sinh nhật (thường là cây thông) đặt ở giữa phòng khách. Trên cành cây Sinh nhật có mắc đèn, gài nến, treo hoa quả, bánh kẹo, đồ chơi cùng đồ kim hoàn, nữ trang nữa, vì cả người lớn cũng được phần lĩnh quà.

Ở Việt Nam ta ngày lễ Giáng sinh cũng không kém phần tưng bừng hoan hỉ. Tại Saigon, ở các phố lớn các cửa tiệm đều trang hoàng lộng lẫy, đồ chơi trẻ em bầy la liệt cả ngoài vỉa hè và cây Sinh nhật cùng hang đá được bầy bán suốt một dãy phố dài.


NGUYỄN VŨ LINH       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 12, ra ngày 25-12-1963)


Không có nhận xét nào: