bốn
Mẹ tôi quan niệm ở mỗi đứa con là một cá
tính, do đó tùy theo khả năng từng người mà hướng dẫn bằng những đường lối khác
nhau hầu có thể chọn sự nghiệp sau này trong cuộc sống. Ngược lại ba cho rằng
mười hai đứa con chỉ là một tập thể đồng nhất nên chỉ cần giáo dục theo một
khuôn mẫu duy nhất; theo ba, điều gì tốt cho chị Thuần thì cũng đương nhiên tốt
cho em Huyền, cho anh Hoài, cho Cu Bi…
Học nhẩy lớp là một phần nằm trong kế hoạch của ba. Đây, lý luận
của ba:
- Hỏi rằng có thật sự cần thiết hay không khi bắt lũ con mình phải
học chậm lại theo như chương trình giáo dục hiện tại, một thứ chương trình được
hoạch định cho những học sinh của các bậc cha mẹ bình thường?
Cũng vì vậy thỉnh thoảng ba lại bất ngờ ghé vào trường chúng tôi
để xem khi nào chúng tôi có thể nhẩy lớp. Ba bảo với phương pháp dạy dỗ độc đáo
của ba, chẳng hạn cách học sinh ngữ bằng máy, cách học toán, học sử địa… theo
khoa kiến trúc do ba sáng tác ra thì ắt các con của ba lúc nào cũng có đủ điều
kiện để nhẩy lớp!
Để khuyến khích chúng tôi ba treo giải thưởng một chiếc Honda dam
50 Cc cho ai học nhẩy lớp!
Với ba thì vậy, còn thực ra với chúng tôi, tuy cũng mê xế Honda
thiệt nhưng không đứa nào khoái cái mục học nhẩy, dù rằng hầu hết chúng tôi
được coi là những học sinh xuất sắc trong lớp, bởi vì cứ tưởng tượng phải bỏ
các bạn cũ để làm quen với các người mới, không khí mới và phải dài lưng ra mà
học đuổi cho bắt kịp chương trình lớp cao hơn đó, đứa nào cũng thấy ngại ngùng
kinh khủng.
Mẹ không đồng ý với đường lối của ba vì cho rằng học như vậy sẽ
mất căn bản và có thể tạo cho lũ con những quan niệm lệch lạc về giáo dục, về
xã hội, về cuộc sống. Tuy nhiên mẹ lại không phản đối, có lẽ mẹ nghĩ rằng với
số tuổi ngoài năm mươi ba muốn vội vàng thấy các con chóng thành tài trước khi
ba nhắm mắt nên chi bằng thông cảm cho ba vui lòng.
Trong chúng tôi, ai được điểm lớn, xếp hạng cao trong lớp đều được
khen ngợi và trọng thưởng.
Mỗi lần đứa nào đem về bảng danh dự, ba mừng ra mặt và thường la
lên:
- Đúng là hổ phụ sanh hổ tử! Các cụ dạy cha nào con nấy quả không
sai! Hồi nhỏ cũng vậy, ba luôn luôn được chọn là học sinh xuất sắc và hay đại
diện trường đi so tài với các trường khác trong các cuộc thi đố vui để học. Dĩ nhiên phần thưởng danh
dự đều về tay… ba! Chỉ thỉnh thoảng để tỏ tình giao hữu và tỏ tinh thần… võ sĩ
đạo, ba mới giả vờ thua mà thôi, còn tất cả những lần ra quân, ba đều “hết
xẩy”!
Nói xong ba cười vang nhà. Cho đến bây giờ, ngồi viết lại câu
chuyện trên tôi vẫn thắc mắc không hiểu ba tuyên bố như trên do sự thật đáng tự
phụ hay là để khích lệ lũ con trong công việc học hành?
Ngược lại với trường hợp được bảng danh dự, đứa nào chẳng may bị
thụt hạng hay bài làm, bài đọc được… “mang mắt kiếng” thì lập tức ngay ngày hôm
đó phải rửa bát, quét nhà, nhặt cỏ, giặt quần áo dưới sự giám sát nghiêm ngặt
của các anh chị lớn và của ba, của mẹ. Tuy nhiên rất ít khi ba rầy “tội nhân”,
trái lại cho rằng sở dĩ đứa đó bị điểm xấu là do sự nhận xét sai lầm của giáo
sư. Ba nói với mẹ:
- Giáo sư đó chưa lành nghề! Con của mình đâu phải thứ bỏ đi mà hạ
bút cho có ngần này điểm. Tôi dám cá với mình là lần sau giáo sư đó sẽ ăn năn
hối hận mà tự sửa sai rồi sẽ phải cho điểm tối đa cho con mình!
Tôi còn nhớ lần thay đổi nơi cư trú lần thứ mười của gia đình tôi – chúng tôi phải đổi trường học cho gần
nhà – từ Phú Lâm trên Chợ Lớn về Sài gòn. Bẩy đứa con được ba chọn cho ngôi trường danh tiếng vào bậc nhất ở Thủ Đô.
Sáng hôm đó, sau khi ăn mặc chỉnh tề, chúng tôi đã sẵn sàng lên đường theo ba
đi ghi danh học. Ba dõng dạc huấn thị:
- Các con hãy hiên ngang như đi ra trận. Gia đình họ Đào lại sắp
sửa ghi thêm một trang lịch sử trong ngôi trường này. Hãy chú ý, đây là một
trong những cuộc thí nghiệm quan trọng trong cuộc đời của các con. Bây giờ thì
hãy mở mắt to, banh tai ra để xem ba hành động.
Sau đó chúng tôi leo lên chiếc “díp bụi đời” – Ba mở máy cho xe
chạy đồng thời có bao nhiêu còi ba cho kêu rầm trời, đúng điệu một đoàn quân ra
trận!
Ngôi trường do ba chọn kiến trúc theo lối tân kỳ; các bức tường
xây bằng gạch đỏ thẫm và không được trát áo bên ngoài. Phía mặt tiền có hai
cổng ra vào; mỗi bên có một tấm bảng với dòng chữ kẻ lớn: “dành cho nam sinh” –
“dành cho nữ sinh”. Ba chỉ cho chúng tôi:
- Đây là trường học của các con. Sao các con lại có dáng điệu một
bầy súc vật bị đem đi làm thịt thế kia? Lại đây! Hãy cử động mạnh bạo và hiên
ngang lên!
Chúng tôi vâng lời một cách miễn cưỡng.
Khi đám con trai theo ba bước vào thì các chị gái đứng khựng lại.
Ba ngạc nhiên:
- Ủa, sao lại không đi?
- Thưa ba, lối dành cho nữ sinh ở phía bên kia cơ mà.
- Sao hủ lậu quá vậy? Chúng ta không thể nhắm mắt tuân theo luật
lệ chậm tiến đó được. Phải bỏ đầu óc kỳ thị nam nữ mới hy vọng tiến bộ!
- Suỵt! Nói khẽ chứ ba, người ta nghe kìa!
- Rồi sao? Người ta đã nghe danh ba từ khuya rồi chứ có phải bây
giờ mới được hân hạnh biết tới đâu. Thôi, tiến lên!
Thế là tất cả chúng tôi đều vào chung một cổng của nam sinh. Nhiều
cặp mắt từ trong các lớp ngó chúng tôi qua các cửa sổ. Gặp bà hiệu trưởng, ba
nghiêng mình chào, đồng thời điểm một nụ cười tươi như hoa trên cặp môi khá
dầy:
- Xin chào bà hiệu trưởng. Đây là “đoàn quân tinh nhuệ” của giòng
họ Đào. Tuy nhiên, xin bà an tâm vì lũ này chỉ mới một phần thôi, còn phân nửa
lực lượng nữa đang ở nhà với mẹ chúng! Ô, thưa bà hiệu trưởng, sáng nay trời
đẹp quá phải không ạ?
Bà hiệu trưởng mỉm cười:
- Vâng, tuyệt!
Bà hiệu trưởng đã khá già, đặc biệt cũng phương phi, phốp pháp,
phục phịch như ba nhưng tròn trịa hơn. Giọng nói miền bắc của bà nghe êm tai
chi lạ. Tuy nhiên, nhân dáng của bà có vẻ một nữ vô địch đô vật khiến chúng
tôi, trừ ba, đều kinh hồn.
Ba lại nghiêng mình, tự giới thiệu:
- Thưa bà hiệu trưởng, tôi là Đào văn Gióng.
- Rất hân hạnh, tôi đã được nghe danh ông!
Hất đầu về phía chúng tôi, ba nói tiếp:
- Các cháu đây từ trước đến giờ đều được giáo dục bằng những
phương pháp đặc biệt. Tôi có thể hãnh diện mà nói rằng chúng là tượng trưng của
một mùa lúa tốt đẹp mà chúng tôi đã dầy công chăm sóc, tưới bón. Diện mạo của
chúng, bà hiệu trưởng thấy không, đứa nào cũng bảnh bao, tóc đen, mắt sáng, mũi
cao, khuôn mặt trái soan, môi thắm, nói tóm lại chúng giống… bố y hệt!
- Vâng, quả thực ông bà có phúc. Và tôi hôm nay cũng rất sung
sướng được ông ghé thăm.
- Ghé thăm? Ủa, tôi đâu có ghé thăm! Tôi tới đây với mục đích để
ghi danh học cho các cháu, xem chúng được xếp vào lớp nào, xem các giáo sư nào
sẽ phụ trách chúng. Sáng nay, tôi không có gì phải vội vã, tôi đã sắp xếp tất
cả công việc ở sở, để có thể… đối thoại với bà hiệu trưởng cả buổi!
Bà hiệu trưởng vẫn từ tốn; điều đó làm chúng tôi có cảm tình và
mến phục bà ngay.
- Thưa ông, tôi sẽ giới thiệu ông với quí vị giáo sư hữu trách,
còn việc xếp lớp cho các cháu, nhà trường sẽ căn cứ vào lứa tuổi của từng cháu
một.
- Trời! Đã đành tùy thuộc vào tuổi của chúng, nhưng phải là tuổi
của trí óc cơ – Huỳnh Sún, lại đây con! Con mấy tuổi? Tám phải không?
Huỳnh Sún gật đầu xác nhận. Ba quay lại với bà hiệu trưởng:
- Thường thường những đứa trẻ tám tuổi bà xếp vào lớp mấy?
- Lớp nhì.
- Thưa bà, tôi mong rằng thằng con này của tôi sẽ được học ở lớp
đệ thất!
- Nếu quả thật cháu khá hơn những trẻ khác, tôi cho cháu lên lớp
nhất vậy.
Ba giơ hai tay lên trời, phân bua:
- Đâu có được, thưa bà hiệu trưởng. Tôi xin phép
được thất lễ với bà một chút. Bà có biết thủ đô của Kampuchia tên là gì không?
Dân số Phi Châu bao nhiêu? Bà có biết hết các bài học trong English for today
và cuốn Langue Française? Dĩ nhiên bà thông thuộc hết cả vì bà là hiệu trưởng, nhưng thằng
Huỳnh Sún này cũng biết hết và thằng Cu Bi em nó cũng có thể trả lời vanh vách;
tiếc rằng tôi lại để nó ở nhà vì giờ này nó đang bú sữa, và thưa bà hiệu
trưởng, tôi…
- Thôi được, cho cháu học đệ thất!
Sau “nghi thức” ghi danh nhập học kiểu “cò kè bớt một thêm hai”
của ba, chúng tôi tất cả đều được thâu nhận vào trường. Cũng từ ngày đó, thỉnh
thoảng ba ghé thăm trường một cách bất ngờ, làm chúng tôi kinh hoàng, bởi vì
mỗi lần đến ba đều vi phạm nội qui của nhà trường. Chẳng hạn ba đi vào bằng các
cửa có đề chữ “lối ra” và lên cầu
thang có kẻ chữ lớn “lối xuống”. Nếu
như học sinh vi phạm như vậy thì ít nhất cũng bị “cồng si” hai tuần lễ và nếu
còn tái phạm có thể bị đuổi luôn, thế mà ba vẫn phây phây!
Ngược lại với sự khó chịu của chúng tôi, các giáo sư lại tỏ ra hài
lòng mỗi khi ba xuất hiện. Các thầy, cô cho rằng gia đình và học đường cần liên
lạc mật thiết với nhau thì việc giáo dục mới có kết quả mỹ mãn. Chẳng thế mà
lần nào ba tới, bà hiệu trưởng cũng cố gắng lê “tấm thân cổ thụ” đi bên cạnh
ba. Cả hai đối tượng đều “nhiều mỡ, thiếu thịt” và phục phà phục phịch như nhau
khiến cho mấy nhỏ bạn trong lớp đã có lần khúc khích cười nói rằng “thật xứng
đôi vừa lứa”.
Ở trường chúng tôi có điều lệ này rất nghiêm khắc là các buổi sáng
thứ hai, học sinh nào đi trễ thì không được vào khi đang chào cờ. Kỷ luật này
rất được bà giám thị tên Phún thi hành triệt để. Đã có nhiều đứa bị bà tát tai
đến nẩy đom đóm mắt khi bị bắt quả tang chạy vào giữa lúc đang thượng kỳ. Bà
giám thị Phún dữ lắm, học sinh ai cũng sợ. Và dường như bà càng dữ tợn hơn kể
từ khi trong giới học trò xuất hiện câu : “bé không học lớn làm… giám thị”! Tuy
nhiên với ba tôi, bà Phún trở nên hiền lành như một con chiên. Nhiều lần ba
phom phom đi vào đúng lúc quốc kỳ đang được kéo lên. Ai cũng thấy rõ ràng bà
giám thị khẽ nghiêng đầu, nở một nụ cười rạng rỡ trong khi ba cũng đúng nghiêm
chỉnh chào cờ, mở to miệng hát – “Này
công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi, đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân
sống” – giọng ba thật vang, thật lớn, át cả trên một ngàn tiếng ca của học
sinh. Sở dĩ ba thân thiện với bà giám thị Phún là do lần gặp gỡ đầu tiên ba tỏ
ra rất “ga lăng”, rất “chịu chơi”. Tôi còn nhớ rõ sáng hôm đó, sau khi chào cờ,
học sinh xếp hàng vào lớp. Vì là trường “có đạo” nên trước mỗi giờ học chúng
tôi đều đọc kinh. Lớp chúng tôi giáo sư đến trễ nên “được” bà giám thị đến thay
thế trong ít phút đầu. Bà Phún vừa cất giọng : “Lạy Chúa xin giúp chúng con chăm chỉ học hành, rèn luyện tư cách… “
thì ba ở đâu lù lù hiện đến nơi cửa ra vào. Rất tự nhiên, coi thiên hạ như “nơ
pa”, ba cất giọng gọi:
- Thưa bà!
Tiếng đọc kinh im bặt, các mái đầu đang cúi xuống nghiêm trang
ngẩng cả lên. Bà giám thị ngơ ngác. Ba vẫn tỉnh bơ:
- Xin chào bà!
- Chào… ông. Thưa, ông muốn hỏi chi ạ?
Ba bước hẳn vào trong lớp, tươi cười:
- Tôi xin lỗi đã làm phiền bà – rồi quay lại phía học sinh, ba nói
tiếp – xin lỗi cả các em nữa nhé, tại sáng nay tôi phải đi gấp nên… làm gián
đoạn công việc của các em. À quên, tôi xin tự giới thiệu, tôi là cha của Đào
thị Thanh Huyền, nó ở hàng giữa kìa – rồi ba cao giọng – Huyền, ba đây nè! Ủa,
tại sao con lại giấu mặt sau chồng sách thế kia?
Cả lớp cười vang trong khi chị Huyền đỏ chín mặt. Có lẽ vì vui tính
và vì thích tuổi trẻ, ba cũng cười theo. Trước sự kiện quá đột ngột, bà giám thị
há hốc miệng không hiểu gì cả; mãi đến khi tiếng cười dứt, bà lập lại câu hỏi:
- Thưa ông muốn chi ạ?
- À, thưa bà tôi tới để xin bà cho biết cháu Huyền học có khá
không, lên hay xuống hạng trong tháng này? Liệu cháu Huyền có cần học thêm ở
nhà nữa không?
- Tôi không phụ trách giảng dạy, nhưng cũng được các giáo sư cho
biết Huyền học rất khá.
- Vâng, quả đúng như vậy, cháu nó giống… tôi đấy!
Bà giám thị mỉm cười trong khi ba xoa hai tay vào nhau khoái chí,
hỏi vồn vã:
Thế thưa bà, liệu chừng nào cháu Huyền có thể… nhẩy lớp?
- Cái đó thì tôi không được rõ, xin ông tiếp xúc với văn phòng
giám học.
- Vâng, cám ơn bà.
Tưởng rằng nói xong câu đó ba ra khỏi lớp, ai ngờ ba lại chuyển
sang câu chuyện khác:
- Bà biết tôi có bao nhiêu đứa học trường này không?
- Dạ thưa bao nhiêu?
- Chắc bà mới đổi về đây?
- Đúng như vậy, tôi mới về gần được hai tuần lễ.
- Hèn chi bà không biết. Tôi có sáu cháu lận!
Bà giám thị mở tròn mắt:
- Sáu? Sáu cô con gái?
- Phải, sáu!
- Trời, một gia đình có đến sáu đứa con gái!
- Thưa bà, chưa hết đâu, tôi còn sáu thằng con trai khác nữa, vị
chi là mười hai đứa, vừa đúng một tá!
Bà giám thị không kêu trời nữa, nhưng có vẻ kinh hoàng, miệng lẩm
bẩm:
- Mười hai đứa trong thời buổi này! Tôi có bốn đứa mà cũng điên
đầu rồi… huống chi… 12 đứa!
Thế là câu chuyện ròn tan về vấn đề con cái giữa ba tôi và bà giám
thị. Hai người có vẻ tương đắc lắm, đến nỗi như quên hẳn lũ học trò đang thích
thú chứng kiến một hoạt cảnh chưa từng bao giờ diễn ra trong lớp học. Mãi đến
mười lăm phút sau ba mới xin phép bà giám thị đi sang các lớp khác. Trước khi
rời bước, ba lịch sự hỏi:
- Xin lỗi bà, làm ơn cho biết quí danh để lần sau tiện xưng hô.
- Tôi tên là Phún, Trần thị Phún.
Chả hiểu ba nghe thế nào mà lập lại sai tên bà giám thị khiến cả
lớp được một dịp cười như nắc nẻ:
- Trần thị Tún? Ồ, tên
đẹp quá!
- Thưa không phải, là Phún ạ.
- À, Phún, thế mà tôi
lại nghe là Tún, xin lỗi bà nhé!
Ba đi rồi, bà giám thị lại nghiêm nét mặt, mắng học sinh là vô lễ
đã cười lớn tiếng khi có khách lạ.
Đến trưa về nhà, trong bữa cơm khi thuật lại câu chuyện hồi sáng,
ba tỏ ra ân hận đã nghe lầm tên bà giám thị. Thế là ngay chiều hôm đó, ba gửi
đến bà giám thị Phún một bó hoa hồng bạch như để tạ lỗi một lần nữa. Và cũng kể
từ đó ba và bà giám thị trở nên đôi bạn thân, có vẻ tri kỷ lắm.
Riêng lũ con của ba, chúng tôi vẫn chọc là “ba có số đào hoa”.
________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG NĂM