MỘT
Ngôi Chùa nằm ngay trên bờ Vạn Kiếp. Mái phủ rêu xanh nhưng vẫn mang cái vẻ chắc chắn của một kiến trúc cổ với những cột chống to bằng cả vòng tay ôm của một đứa trẻ cỡ 10 hay 12 tuổi. Chân cột chạm trổ ngoằn ngoèo, có lẽ là những hình long phượng, tuy nhiên thời gian đã phủ lên đó lớp bụi mờ làm các đường nét trở nên rối loạn, nhất là khi quan sát trong bóng chiều.
Người khách lạ lỏng tay cương lặng ngắm Chùa. Khách nhìn Chùa thật lâu, khác hẳn với thái độ vội vã khi sải ngựa. Con ngựa sung sức thế, mạnh bạo thế mà cũng sùi bọt mép, thở phì phò. Cứ nhìn người và ngựa đủ biết khách từ xa lắm, dễ chừng đã khởi hành từ sáng sớm tinh mơ.
Mặt trời hạ vẫn còn rực rỡ ở đằng Tây. Nắng chiều vàng những chùm cau sai quả, và giàn mướp đầy hoa bên mé hông Chùa.
Khách đưa tay nhẹ phủi lớp bụi đường trên tay áo, sửa soạn xuống ngựa vào Chùa. Nhưng…
- Boong… Boong… Boong…
Tiếng chuông ngân vang, tiếng trong và nhọn xâm chiếm tràn ngập cả không gian. Con ngựa không quen với loại tiếng động này, vỗ chồm hai chân trước, ngửng đầu hí một tràng dài. Từ trong Chùa, một chú Tiểu chạy vội ra.
- Mô Phật…
Người khách vừa cố kềm dây cương vừa vội vã trả lời chú Tiểu:
- Mô Phật…
Chú Tiểu Tâm ngẩn người không biết phải nói gì nữa. Người khách lạ lùng này, không phải là dân trong làng. Vả lại thời buổi chiến chinh, còn ai ham đến chùa viếng Phật nữa. Đã hơn hai tháng trời nay, họa hoằn lắm mới có một tín nữ đến dâng hương lễ Phật cầu xin bình an cho chồng con. Rồi Chùa vẫn u tịch. Nhưng, chiều nay…
- Chú Tiểu à, có sư cụ ở trong không?
Giọng nói thân mật mà dịu dàng của khách lạ làm chú Tiểu Tâm có cảm tình ngay. Chú gật đầu:
- Dạ có, nhưng sư cụ đang tụng kinh chiều.
Khách lạ ngần ngừ một giây rồi hỏi tiếp:
- Chú Tiểu à, tôi lỡ độ đường, liệu chùa có phòng dành cho thiện nam tín nữ tạm trú chân không?
- Dạ có, nhưng ông cũng phải bạch qua sư cụ mới được.
- Nhưng sư cụ đang bận…
Chú Tiểu Tâm mau mắn:
- Tôi đưa ông ra nghỉ đỡ ở liêu sau, đợi sư cụ xong hồi kinh thứ nhất.
- Tốt lắm, cám ơn chú nhiều lắm.
Chú Tiểu Tâm không nói, ra hiệu cho người khách đi theo mình, vòng ngã hông Chùa. Người khách dắt luôn cả ngựa. Con tuấn mã ngoan ngoãn như một con chó con nện bốn vó lộp cộp trên nền gạch nung rắn chắc.
HAI
Sư cụ đang tiếp chuyện người lạ trong gian chánh điện.
Trời đã tối từ lâu. Trăng thượng tuần xế ngang đầu, giải ánh sáng bạc xuống mấy tàu cau bóng nước. Chú Tiểu Tâm vừa rửa chén bát vừa cố ý lắng tai để nghe câu chuyện giữa sư cụ và người khách. Nhưng hai người nói nhỏ quá. Từ đằng sau, chú Tiểu Tâm chỉ nhìn thấy nét nghiêng rắn rỏi cương nghị và gương mặt nghiêm trang của sư cụ. Mấy ngọn bạch lạp trên bàn Phật hắt ánh sáng lắt lay theo những cơn gió nhẹ từ ngoài song đưa vào.
Chú Tiểu Tâm đã rửa xong bát đĩa, cẩn thận úp chúng trên cái giá làm bằng nứa ngâm nước sông suốt mùa mưa năm ngoái. Mọi ngày vào giờ nầy, sư cụ đã kêu chú vào chánh điện học hành chữ nghĩa kinh kệ. Những bài giảng về từ bi bác ái, trí dũng, những nghĩa đạo thâm sâu của Phật Pháp làm hai thầy trò say sưa thanh thoảng. Nhưng đã hơn hai tháng nay, giờ học ban đêm không còn nghiêm túc và phấn khởi như trước nữa. Sư cụ có nhiều thì giờ để suy tư, nghĩ ngợi hơn. Không phải là những suy tư về đạo mà lại là những suy tư về đời. Thỉnh thoảng sư cụ lại chép miệng nói một mình:
- Thế nước lại đến cơn bĩ cực. Tội nghiệp cho dân lành vô tội.
Và hằng ngày, sau mỗi một hồi kinh sớm tối, sư cụ dành nhiều thì giờ hơn để cầu nguyện.
Không phải chú Tiểu Tâm không biết những nguyên nhân khiến sư cụ lo buồn. Ai mà lại không nghe tin quân nhà Nguyên bên Tàu đã kéo quân sang nước ta giả tiếng là mượn đường sang nước Nam để đánh Chiêm Thành. Những tin tức từ biên ải đưa về cho biết thanh thế quân Nguyên rất hùng mạnh. Hơn 50 vạn binh tinh nhuệ đang uy hiếp Lạng Sơn.
Nhà Vua đã phải triệu tập tất cả bô lão dân gian tại điện Diên Hồng để hỏi ý kiến xem nên hòa hay đánh. Mặc dầu dư biết tài dụng binh của quân Mông Cổ nhưng nhân dân ai nấy đều quyết lòng diệt giặc. Kinh nghiệm về sự tàn bạo của quân Tàu trong những trận chiến quá khứ cùng với thời gian dài bị đô hộ đã làm cho mọi người dân Việt lo âu lẫn hờn căm. Họ nhất định thà chết chứ không muốn làm nô lệ.
Chính Thái Tử nhà Nguyên là Thoát Hoan thân chinh vượt biên giới tiến đánh Lạng Sơn uy hiếp nước Nam. Thế giặc mạnh như chẻ tre. Hôm qua, từ Lạng Sơn đã có vài gia đình chạy về Vạn Kiếp lánh nạn ở nhà bà con thân thuộc. Họ cho biết quân Thoát Hoan đã đánh xuống núi Kỳ Cấp và vượt qua hai ải Khả Lý và Mộc Châu.
Lòng người đều rúng động. Chú Tiểu Tâm đoán chắc là người khách hồi chiều chỉ nói chuyện với sư cụ về các trận đánh mới – Cứ nhìn nét mặt nghiêm trang và cách nói chuyện của khách và sư cụ, chú Tiểu Tâm có thể đoán được.
Nhưng việc gì đã xảy đến? Quân Nguyên đã tràn tới đâu rồi? Chú Tiểu cũng thấy lòng minh bừng bừng máu nóng. Chú cố gắng lắng lòng và đọc một hồi kinh sám hối.
- Chú Tâm, chú làm ơn chỉ cho tôi bến đò ở đâu?
Chú Tiểu Tâm vừa xong bài kinh. Chú mở mắt. Người khách đang đứng đằng trước, mắt ngó mông ra sông.
Chú Tiểu Tâm đến gần khách. Chú nói:
- Nếu ông muốn đi đò, sáng mai hãy hay. Chớ bây giờ đò cắm sào hết rồi. Vả lại, thời buổi nầy đi đêm không tiện.
Người khách cười nhỏ tay vỗ vào bao kiếm bên hông, giọng đùa cợt:
- Ta đâu có sợ ma. Trăng sáng thế nầy mà không xuôi đò một chuyến thì hoài cả trăng đi.
Giọng nói hào sảng và cởi mở của khách làm chú Tiểu Tâm thấy vui lây. Chú cũng góp chuyện:
- Phải đến rằm mới đẹp chứ ông. Trăng tròn và sáng như gương.
- Ta chỉ thích nhìn trăng khuyết. À, mà này chú Tiểu. Sao gần ngày Phật Đản mà khách hành hương ít thế?
Chú Tiểu chép miệng. Hôm nay là mồng 6, hai ngày nữa ngày Đản sanh Đức Phật. Lúa đã đầy thùng. Tương cũng ngót hai vại lớn. Mấy cây chuối sau liêu đã vàng nhạt màu da. Ngày mai cắt là vừa. Nhưng sao lạ lùng. Mọi năm vào giờ nầy lòng chú nôn nao lạ thường. Sư cụ cũng lăng xăng với trà ướp, bàn Phật. Năm nay Chùa tĩnh lặng như ngày mừng Phật chưa đến và lòng cũng thinh lặng, âm thầm. Chú buột miệng sau tiếng thở dài:
- Chắc vì chiến tranh.
Khách nhìn chú Tiểu Tâm một thoáng, một thoáng như soi thấu tận tâm hồn chú Tiểu. Khách ngần ngừ một giây rồi nói:
- Vận nước đang lâm nguy, Phật có buồn cũng phải.
Gương mặt khách bỗng buồn hẳn lại. Khách ngồi xuống phiến đá xanh dùng làm ghế ngồi cho chú Tiểu mỗi chiều chẻ củi.
Chú Tiểu Tâm muốn biết chuyện gì đã xảy ra ở biên giới, nhưng chú không dám hỏi. Người tu hành không nên tò mò chuyện thế sự bên ngoài. Sư cụ đã từng khuyên bảo như vậy. Chuyện gì cũng nên gác bỏ ngoài tai. Lòng tự nhủ lòng. Nhưng khi nhìn thấy khách, lòng chú Tiểu vẫn gờn gợn nỗi thắc mắc không nguôi. Chú nhỏ nhẹ gợi chuyện:
- Chắc ông ở xa mới đến? Bao ngày thì ông đi? Ông quen với sư cụ?
Khách lơ đãng gật đầu. Cái gật vừa trả lời vừa không trả lời gì cả. Lâu thật lâu, người khách quay hẳn lại nghiêm nghị hỏi chú Tiểu:
- Làng Vạn Kiếp có tất cả bao nhiêu gia đình? Chắc chú biết hết.
Chú Tiểu ngẫm nghĩ một hồi, trả lời dè chừng:
- Khoảng trên dưới 500 nóc gia.
Khách lại lặng thinh, làm như câu trả lời của chú Tiểu Tâm không đáng lưu tâm.
Chú Tiểu Tâm buồn ngủ lắm rồi – Sáng sớm chú còn phải dậy dọn dẹp, kéo chuông, quét tước, lấy nước, bửa củi, nấu trà và công phu buổi sáng. Chú để mặc người khách ngồi một mình, trở vào chùa.
Khoảng chừng canh một, chú Tiểu giật mình thức giấc bởi tiếng ngựa hí xôn xao ở ngoài sân. Trăng đã lặn tự lúc nào và bên ngoài trời tối đen. Chú Tiểu tưởng mình ngủ mê, lắng tai nghe ngóng.
- Chúng ta dừng ở đây?
- Mô Phật, Chùa nầy tuy chật chội, nhưng cũng đủ để tướng công dừng chân ít lâu.
- Có lẽ ta không ở lâu đây được. Tạm thời sư cụ cảm phiền, lòng ta không muốn phải làm xao động dân chúng.
- Mô Phật…
Chú Tiểu Tâm nhảy phóc xuống giường nhanh như một con sóc. Có người lạ, có cả tiếng sư cụ bên ngoài.
Bước chân người rầm rập vào Chùa. Chú Tiểu nép mình sau cái cột lớn. Kể cả sư cụ, tất cả 7 người. Gương mặt ai cũng quắc thước và hằn nét gian lao. Người khách hồi chiều đích thân cầm đèn dẫn đường. Những bao kiếm dài lủng lẳng bên hông, lộ ra mấy cái đầu chuôi chạm trổ.
Sư cụ dừng lại ở chánh điện, để mặc cho khách đi sâu vào liêu trong. Chú Tiểu Tâm đến gần sư cụ dò hỏi:
- Mô Phật, sư cụ…
Sư cụ ra dấu vào phòng. Người đi trước, đầu cúi thấp, trầm tư. Chú Tiểu Tâm tắt bớt một ngọn bạch lạp trên bàn Phật rồi cũng hối hả bước theo.
- Minh Tâm à, con đừng tiết lộ cho ai biết tông tích của mấy người khách ban tối nhé.
- Mô Phật…
Sư cụ im lặng cúi đầu. Hình như lòng người có nhiều băn khoăn suy nghĩ. Vầng trán người nhăn lại, hằn nếp như tấm vải nhầu.
- Minh Tâm con…
- Mô Phật…
- Quân Nguyên đã chiếm được Chi Lăng rồi đó. Tội nghiệp cho dân chúng, mấy phen lầm than khổ sở.
Chú Tiểu Tâm kêu lên một tiếng kinh ngạc. Chi Lăng thất thủ. Còn Hưng Đạo Vương? Còn các tướng? Quân Nguyên đang di chuyển đến đâu? Thế giặc ra sao?
- Bạch sư cụ, quân Nguyên đang tiến về Vạn Kiếp?
Sư cụ gật đầu:
- Đó là đường đi tới Thăng Long. Rồi nhà cửa sẽ đổ nát. Rồi người chết, gia đình ly tán. Mô Phật. Toàn là tai ách.
Trước mặt chú Tiểu Tâm hiện ra những cảnh thương tâm. Lòng chú chùng xuống như một dây đàn đứt. Chú buột miệng:
- Mô Phật, con phải làm gì đây?
Sư cụ ánh chút ngạc nhiên. Người ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Bổn phận của con là tu hành, lấy thiện tâm làm đầu… Nhưng…
Sư cụ định bảo với chú Tiểu Tâm là bây giờ thế nước trong cơn nguy biến, hãy dẹp bỏ niềm riêng và cố gắng giúp nước bằng tất cả phương tiện mình có. Ngày xưa, Lý Thái Tổ há chẳng là một chú tiểu nhỏ của chùa Cổ Pháp hay sao, và sư cụ Vạn Hạnh chả đã từng bôn ba giúp nước? Nhưng sư cụ cũng không thể giảng rõ cho tiểu Minh Tâm hiểu được ý mình. Những bài Phật học, Đạo với đời – cách biệt mà không cách biệt đó.
Sư cụ đưa tay vào túi áo trong. Một tờ hịch của Hưng Đạo Vương gởi cho dân chúng. Người khách đã phó thác công việc đó cho sư cụ vì sư cụ là người niên trưởng, đạo đức và được sự kính mến của dân chúng Vạn Kiếp.
- Mô Phật, bạch sư cụ… còn quân ta?
- Quân sĩ đã đóng quân quanh Vạn Kiếp rồi – Họ không muốn làm cho dân xôn xao mất bình tĩnh.
- Liệu quân Nguyên có thắng…?
Sư cụ lắc đầu:
- Khó mà có thể đoán trước việc gì sẽ xảy đến. Thế giặc là một việc mà lòng dân lại là một việc khác. Nhưng thôi, trước hết hãy tin tưởng đã. Bây giờ thì con hãy vào trong ngủ tiếp đi.
Mặc dù lòng chưa hết thắc mắc, nhưng chú Tiểu Tâm đâu dám hỏi gì thêm. Chú rón rén như sợ làm kinh động giấc ngủ của mấy người khách.
Nhưng lạ kìa, bên trong đèn vẫn còn chong sáng và có tiếng thì thầm của nhóm người khách lạ. Chú tiểu Tâm gợn trí tò mò không dằn được chú trở nhanh về phòng mình và dán mắt vào khe ván hở.
Quanh chiếc bàn bằng gỗ tạp độc nhất của phòng khách, 6 người ngồi quây quần trước một tờ giấy trải rộng. Người có râu mép và uy nghi nhất đám đang chỉ trỏ và nói gì không rõ. Nhìn mãi cũng chán, chú Tiểu Tâm quay người định dỗ giấc ngủ tiếp.
- Dã Tượng nói có lý lắm, đêm nay thế nào quân Nguyên cũng tiến đánh Vạn Kiếp.
Rồi giọng nói quen thuộc của người khách buổi chiều vang lên:
- Theo Yết Kiêu nầy thì chúng chưa tiến binh kịp đâu. Ta cho người phòng thủ, kêu gọi dân chúng và đưa tin về cho Hoàng Thượng.
Chú Tiểu Tâm suýt kêu lên. Thì ra người khách hồi chiều là Yết Kiêu, vị tướng lừng danh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Thế thì đúng rồi. Lòng chú Tiểu nao nao lạ thường. Hình ảnh hiên ngang của những người khách lạ thoáng hiện như một ước mơ nhẹ nhàng cùng lúc với ba chữ đại tự Bi Trí Dũng màu đỏ trên tường đối diện với bàn thờ Phật rực rỡ trong trí nhớ.
BA
Đã đến ngày Phật Đản. Sáu người khách đã ra đi. Ngôi Chùa trở nên yên lặng trừ tiếng đọc kinh rì rầm và tiếng mỏ trầm vang trong buổi sớm.
Đã xong công phu thứ nhất mà sao vẫn chưa có chuông.
Sư cụ Vạn Kiếp thắp thêm tuần nhang nữa rồi đứng dậy đi ra sau liêu. Phòng chú tiểu Minh Tâm còn đóng kín. Sư cụ gõ nhè nhẹ lên mặt cửa, kêu lớn:
- Minh Tâm con, trễ rồi.
Nhưng vẫn không động tịnh dù sư cụ kêu ba bốn lần. Sư cụ Vạn Kiếp ngạc nhiên đẩy cửa. Cánh cửa bật ra, và trong tranh tối tranh sáng, chiếc giường trống không. Trên giường, một phong thư để lại, chữ viết tháu.
“Bạch sư cụ,
Sư cụ vẫn thường dạy con là đạo với đời tuy hai nhưng là một. Sống đúng với lương tâm và đạo lý là đã thể hiện được một phần nào tinh thần của Đức Thích Ca.
Con trộm nghĩ, ngày nay, đất nước đang đến hồi bĩ cực, giặc tràn ngập khắp nơi, dân chúng lầm than, khổ cực. Bao nhiêu người đã ra giúp nước cứu nguy. Những người già cả, chí đến các thanh niên phụ nữ, ai ai cũng góp phần vào công việc giữ gìn bờ cõi.
Riêng con, ngày hai buổi sớm chiều công phu kinh kệ, nhàn rỗi quá và cũng không giúp ích được cho ai, ngoài bản thân con. Ngày xưa, Đức Phật rời bỏ đền vàng điện ngọc không phải để tu hành, tự giải thoát mà là để cứu vớt chúng sanh, tìm kiếm cho mọi người một con đường cứu khổ. Sư phụ đã từng giảng giải cho con như vậy.
Bạch sư cụ,
Hôm nay , há phải đâu vì những ý tưởng hẹp hòi, vị kỷ mà con làm ngơ trước hoàn cảnh tang tóc này. Thêm một bàn tay băng bó vết thương cho nghĩa sĩ, cho người dân, thêm một bàn tay dẫn dắt người già, trẻ em, vỗ về họ qua cơn kinh sợ, điều đó có ích hơn là lời kinh sớm chiều tụng niệm.
Con mong mỏi lòng bao dung với sự thông cảm vô biên của sư cụ mà không buồn lòng vì con. Mãi mãi con vẫn là chú tiểu Minh Tâm của Chùa Vạn Kiếp. Lòng con luôn luôn tâm niệm câu Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi.
Cầu xin Phật Tổ gia hộ cho sư cụ.
Mô Phật
Tiểu Minh Tâm Kính Bút.”
Sư cụ Vạn Kiếp xếp bức thư lại, tần ngần một giây. Người quay ra ngoài, trông về phía làng.
Một cột khói cất cao và vẳng tiếng hò reo mơ hồ thật xa.
Trận chiến đã bắt đầu. Nhiều gia đình đã đùm đề con cái kéo qua trước cổng chùa. Sư cụ Vạn Kiếp vần vại tương và hũ gạo ra ngoài cổng để cho những người chạy nạn cần gạo, tương cứ việc lấy đi.
Đến trưa thì số người lánh giặc càng lúc càng đông, ồn ào, huyên náo. Một vài mũi tên lạc lõng đã làm nát những mảnh ngói hiên chùa.
Sư cụ tắt mấy ngọn bạch lạp trên bàn thờ để phòng hỏa hoạn.
Ngày Đản Sanh Đức Phật buồn bã nhất. Nhưng trên bàn thờ, Đức Phật vẫn mỉm miệng cười.
Trong bóng nắng lung linh hình như sư cụ vừa trông thấy chú tiểu Minh Tâm áo nâu sòng đang dìu một ông cụ, tay bế một đứa nhỏ, ra hiệu, hướng dẫn đám người chạy loạn ra bến đò.
BỐN
Tháng năm, năm 1285, quân Hưng Đạo phản công toàn thắng. Lấy được Hưng Yên, quân ta đánh tan hạm đội của quân Nguyên ở bến Chương Dương, đoạt lại Thăng Long, vượt sông Hồng đuổi quân Nguyên khỏi Bắc Giang, lập thêm chiến công ở Vạn Kiếp.
Cuối mùa hạ năm đó, quân Nguyên rút khỏi bờ cõi nước Nam.
Vạn Kiếp sau hai lần binh biến dân chúng đã trở về quê lập lại đời sống mới. Đã có những người quen đến thăm viếng sư cụ và kể lể những việc làm của chú tiểu Minh Tâm mà họ đã gặp được trên đường chạy loạn. Có người kể rằng, một lần một toán quân Mông đuổi theo thật rát, thế mà chú tiểu vẫn không bỏ chạy mà còn cố dìu một ông cụ bị tê liệt hai chân. May thay, gặp một ruộng sắn um tùm, chú ấy mới thoát hiểm.
Sư cụ càng nghe càng nhớ chú tiểu Minh Tâm. Không một ai biết được tông tích chú khi quân Mông rút lui. Có thể chú ấy đã chết hoặc đi nơi khác làm ăn. Khách thập phương đã kết luận như vậy.
Sư cụ Vạn Kiếp chờ đợi, trông mong ngày nầy qua ngày khác mà bóng chú tiểu Minh Tâm vẫn bặt tăm. Sư cụ không còn trông chờ nữa. Người bắt đầu tụng kinh phổ độ cho tiểu Minh Tâm.
Sớm hôm nay, sư cụ Vạn Kiếp cho phép mình dậy muộn. Hồi hôm người phải làm lễ siêu độ cho các vong hồn uổng tử đến quá khuya. Sau đó người còn phải nấu muối làm dưa. Tuổi tác đã cao, công việc làm cho sư cụ mệt mỏi, không an giấc.
Dễ chừng bây giờ cũng đã canh năm rồi. dưới sông đã có tiếng nước khua mái chèo nhẹ nhàng.
Sư cụ nhắm mắt lại một lát nữa.
- Boong… Boong… Boong…
Sư cụ Vạn Kiếp choàng ngồi dậy. Tiếng chuông quen. Nhịp điệu quen. Ai kéo chuông vào sáng sớm. Tiếng chuông ròn rã vang vang khua động màn sương. Chim chóc ríu rít xôn xao bất ngờ. Không kịp xỏ chân vào dép, sư cụ Vạn Kiếp tung cửa phòng chạy ra đằng sau Chùa.
Bóng người áo nâu đang gò lưng kéo chuông. Sư cụ Vạn Kiếp dừng lại kêu lên:
- Tiểu Minh Tâm… Con.
Chú Tiểu Minh Tâm quay lại mỉm cười với sư cụ. Chú kéo nốt lần chuông cuối rồi chạy lại gần sư cụ sụp quỳ xuống ôm chân người.
- Mô Phật. Thầy mừng quá…
Tiểu Minh Tâm không nói, chú siết chặt đôi bàn tay già nua của sư cụ. Âm thanh của hồi chuông sớm còn lẩn quất trên cành cây ngọn cỏ.
Mãi lúc lâu, sư cụ mới thì thầm:
- Trời sáng rồi. Ta tưởng con không về.
Chú Tiểu Minh Tâm nhìn sư cụ cười thật tươi:
- Thanh Bình rồi sư cụ ạ.
Sư cụ Vạn Kiếp gật đầu.
Ngoài sông, những tia sáng mặt trời đầu tiên đánh tan màn sương mù bao phủ, để lộ ra giòng Lục Nam nước xanh trong, gợn sóng lấp lánh ánh vàng.
KIM HÀI
(Sóng Vàng)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 178, ra ngày 1-6-1972)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com