Chủ Nhật, 7 tháng 5, 2017

GIA ĐỊNH TRƯỜNG LÊ - Lê Nguyễn Mai Trắng


Tranh bìa của Vi Vi : Mưa chiều


Thì em vẫn biết trường em nghèo nhất trong các trường của thiên hạ, nhưng tự dưng em vẫn cứ hãnh diện đọc to ba chữ Lê văn Duyệt, mỗi lần có ai hỏi em học trường nào. Bởi vì rằng, em quí yêu đường nét sơ sài nhỏ bé của trường em, ngôi trường chỉ chứa đựng em có hai năm và còn năm nay nữa là năm cuối.

Khoảng thời gian lưu học thật ít oi so với một học sinh Lê văn Duyệt thuần túy nhưng cũng đủ cho em thật nhiều điều đáng nhớ đáng ghi tâm. Nếu trên đời này người ta chỉ nói tới Trưng Vương cổ kính, Gia Long kiêu sa hay Võ Trường Toản, Pétrus Ký, Chu văn An… thì em, em xin được một vài phút nói về trường em bằng thật nhiều cảm mến. Lê văn Duyệt sẽ chẳng cần ai ca tụng, nhắc nhở, bởi thân phận nó, thân phận của một đứa con gái miền tỉnh mộc mạc quê mùa làm sao sánh với con gái thành phố tràn vẻ mỹ miều. Lê văn Duyệt chỉ cần những mến thương lưu luyến ở những đứa con xa rời trường mẹ, của những bé thơ đang chập chững bước vào ngưỡng cửa Lê văn Duyệt và của những đứa con đang được ấp yêu dạy dỗ. Trường em, như vậy đã xin bằng lòng an phận thủ thường, đã xin bằng lòng sự không biết đến của thiên hạ. Trường em, dịu dàng nằm im trong tim những học trò mang phù hiệu màu đỏ có ba chữ Lê văn Duyệt khép nép.

Mặc dù trường được bọn học trò làm văn nghệ như em đặt cho thật nhiều tên: trường Sa mạc, trường xám, trường cây trúc… nhưng cũng chẳng dễ thương và ngộ nghĩnh bằng ba chữ Le và Diện. Có ai được nghe nói tới Le và Diện chưa? Thôi để em nói cho nghe nhé. Em xin làm người nói về trường, dù không hay bằng lời thơ tả Trưng Vương, dù không truyền cảm bằng giọng văn kể chuyện Gia Long, cũng mong để lại ít nhiều nét thân quen của ba chữ Lê văn Duyệt trong đôi con mắt của người đọc.

Trường em tọa lạc trên con đường cũng mang tên Lê văn Duyệt, bỏng nắng, không có một bóng cây làm mát dáng học trò. Không phải là đường cây me lác đác lá rơi vào mùa tựu học để mỗi một học trò con gái là một con nai vàng ngơ ngác của Lưu Trọng Lư dẫm lên lá vàng khô. Cũng không là con đường thẳng tắp hàng sao, hàng bằng lăng làm rợp cả một khoảng đường để tóc dài kia khỏi vít vương nón lá. Ôi con đường của trường em, con đường đầy dẫy bụi hồng. Học trò họ Lê phải đỏ hồng đôi má, phải bối rối nhịp guốc tươi son bởi trên đỉnh đầu mặt trời gắt gay tia nắng, dưới mặt đường nhựa bỏng chảy loang loáng dấu bánh xe, dấu giầy. Và mái tóc đen huyền của học trò họ Lê phải ngại ngùng núp trong lưng chiếc nón lá, nón rơm để khỏi hoe đỏ từng sợi tóc dài, cùng với đôi mắt chớp nhanh dưới vành nón cản bớt sự chói chang cố len vào đồng tử màu hạt dẻ hay màu hạt nhãn. Có ai đi ngang trường Lê văn Duyệt vào buổi trưa tan học không? Thì đó, ảnh hình ra về của áo trắng trường Lê vất vả, ngại ngùng như em vừa kể. Nhưng ở đó em cũng kịp nhìn thấy nhiều nét dễ thương, khiến em yêu sự nắng cháy, trên còn đường mà trường em tọa lạc.

Bây giờ là hình dáng của ngôi trường nghèo Gia Định. Em phải nói trước chữ nghèo, để mọi người thông cảm với em khi nhìn trường qua tờ giấy, qua lời văn kém cỏi của em. Trường có một cổng vào chính và hai cổng nhỏ hai bên, phía trên sừng sững bảng hiệu của trường, đi ra và đi vào ngưỡng cửa này, em thấy như mình ra, vào một ngõ yêu thương mới. Tình bạn bè, nghĩa thầy cô, niềm mến luyến, làm sao em kể hết được, những thứ đó đã xây trong tim em một mảnh vườn vô vàn thân ái, dành riêng cho Lê văn Duyệt và những gì bên trong cái cổng yêu thương mà em vào ra suốt mấy niên học.

Trường có một cái sân hình chữ nhật, bao quanh là những tổ ấm của thật nhiều tà áo trắng mà ba mẹ tinh thần là các cô thầy tận tâm giáo huấn. Lớp em học nằm ở tầng lầu trên, chỉ có một tầng lầu duy nhất, và ở hành lang này, em đã bật khóc mỗi lúc hè về. Bởi em buồn khi xa trường, xa bạn đó mà. Sân trường em, lúc xưa chỉ toàn là cát, bao giờ mùa mưa đến sân lỏng bỏng nước thấy mà thương. Trước khi em vào học, trường còn nhỏ nhoi hơn nữa, như là có một ao rau muống trổ đầy hoa tim tím chẳng hạn. Các chị Lê văn Duyệt năm xưa đặt cho đó là hồ Than Thở. Nghĩ cũng hay chứ. Bây giờ sân đã tráng xi măng, nền xi măng xám trắng ấy là nơi giải trí lộ thiên của đôi chân học trò trong những lúc nhảy dây, nhảy lò cò và chơi rượt bắt. Buổi trưa trời nắng gắt, sân như cháy bỏng, với những bụi trúc vàng xinh xinh nho nhỏ thì làm sao đủ tạo một khoảng sân râm mát. Do đó mà có tên trường Sa mạc (tên này có từ thuở trường có sân toàn cát). Nhưng không mát nhiều thì mát ít, chung quanh những bụi trúc, tà áo trắng trường Lê tụ họp vui vẻ chuyện trò, ăn quà vặt. Phút giây đó, có lẽ đầy văn nghệ tính nhất. Rồi cây trúc xinh ấy được bọn em đặt luôn cho trường, trường cây trúc. Trường còn một thao trường, tuy không đúng nghĩa thao trường, nhưng cũng tạm là nơi cho bọn em thi thố tài năng thể dục. Đáng lẽ thao trường này đã vẹn toàn ghê lắm nhưng chả hiểu sao bây giờ thao trường vẫn trơ vơ đến tội. Cái tương lai của thao trường thật là xám ngắt, bọn em chẳng kỳ vọng một ngày nào thao trường xinh xắn, khoác một chiếc áo mới vì hiện tại thao trường cũng đã dành cho chúng em những giờ thể thao, thể dục, hoạt động hướng đạo vui tươi thanh thản. Cái tên trường xám có lẽ từ đây mà ra. Em nói “có lẽ” là vì còn có thể là do màu vôi xám ở lớp học nữa. Còn tên Le và Diện thì mang đầy vẻ con gái, làm dáng ấy mà, với lại đó là đặt lại từ Lê văn Duyệt.

Thật sự trường em chỉ như vậy thôi, bé nhỏ và thô sơ ghê hở? Nhưng tình mến của em, của bọn học trò đối với trường thì thôi chẳng khi nào bé nhỏ cả, vun vút ắp đầy như đường đi nhiều cát và cây mang nhiều lá. Thủa xưa, khi rời xa tiểu học để bước lên trung học trong lòng đứa học trò nhỏ chẳng cảm thấy gì ngoài nỗi vui sướng vì sắp bước sang một khung cảnh mới, không khí mới. Ngày nay, biết chắc rằng thế nào cũng có một lần xa trường vĩnh viễn hoặc bước vào đại học, hoặc bước vào trường đời. Tất cả cũng là một khung cảnh mới, một không khí mới mà sao tim nhỏ chỉ chực chờ để thổn thức, mắt đen cứ chớp hoài không thôi.

Bây giờ là năm cuối ở đây, năm cuối trong sự giáo huấn dạy bảo của cô thầy Lê văn Duyệt. Niên học rồi sẽ qua thật nhanh và không dưng em sẽ bị đẩy ra khỏi cổng trường. Em sẽ không còn mang trên ngực áo phù hiệu của trường nữa đâu. Ôi, ngôi trường nhỏ bé của em, tất cả đều dễ thương ghê lắm, không lộng lẫy kiêu sa bằng ai, không được nhắc nhở bằng ai, nhưng xinh xắn và được nhắc nhở hoài bởi những học trò trường Lê Gia Định.

Ngôi trường này, từ bực thang đến viên phấn, tấm bảng, tất cả đều vời vời thương mến. Ngày mai, có xa trường thì trường vẫn là khung trời xanh kỷ niệm, để em, để bọn học trò làm thân chim bay xa, tìm về bằng đường dây ký ức. Dĩ nhiên khi tìm về, trong việc hồi tưởng ấy, có tiếng rơi thánh thót của giọt nước mắt nhớ thương và tiếng thở dài thật buồn.


LÊ NGUYỄN MAI TRẮNG   
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 176, ra ngày 1-5-1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com