Thứ Ba, 14 tháng 11, 2017

CHƯƠNG XI, XII_BIỆT THỰ HOÀNG LAN



CHƯƠNG XI

NHỮNG BÓNG ĐEN TRONG ĐÊM TỐI
 

Vào một đêm không trăng không sao, tối đen như mực, trên con đường mòn dẫn lên biệt thự Hoàng Lan có một bóng đen cao lớn yên lặng tiến bước. Màn đêm che khuất nét mặt bóng đen. Thỉnh thoảng cái bóng đó lại trượt chân khiến những hòn đá lăn lạo xạo xuống dốc đồi. Những lúc đó, bóng đen càu nhàu, ngừng lại nghe ngóng… rồi lại tiếp tục bước.

Lên tới phía sau biệt thự, cái bóng đó dừng lại thở dốc, ngó dáo dác chung quanh xem động tĩnh và tiến lại gần cánh cửa nhỏ sau tòa biệt thự. Cái bóng trốn sau một thân cây nhỏ ngay cạnh cửa, chờ đợi…

Bóng đen đó không phải chờ lâu. Độ mười phút sau, cánh cửa xịch mở và một bóng đen khác, nhỏ và còng, chống gậy hiện ra ở ngưỡng cửa. Bóng đen thứ hai đứng yên một lát, hít thở làn không khí mát mẻ ban đêm.

Cái bóng cao lớn đứng bất động, rình từng cử chỉ của bóng đen nhỏ.

Trong nhà bếp có tiếng rửa bát lách cách. Chắc bữa cơm chiều vừa xong và mọi người trong biệt thự đang quây quần trong phòng khách phía trước. Thỉnh thoảng, tiếng đàn vĩ cầm điêu luyện của Tuấn hoà cùng tiếng dương cầm thánh thót và giọng hát êm ái của Lan theo gió vẳng lại.

Cái bóng nhỏ khép cửa bếp lại và đi bách bộ ở sân sau. Hình như bóng đen này có thói quen đi bách bộ ở đó trước khi đi ngủ, và bóng đen cao lớn kia cũng biết vậy nên kiên nhẫn đứng chờ sau thân cây.

Dần dần, cái bóng nhỏ tiến tới phía đường mòn. Chỉ chờ đợi có thế, bóng đen to lớn từ trong bóng tối nhảy sổ ra bịt miệng cái bóng nhỏ và lôi vào một góc âm u của khu vườn rộng.

Sự việc xảy ra trong chớp nhoáng khiến cái bóng nhỏ không kịp kêu lên cầu cứu.

Bóng đen lớn cúi xuống thì thào vào tai cái bóng nhỏ :

- A, lần này thì tao bắt được mày nhé. Tám ngày rồi tao mỏi mắt đợi ở nhà chú Hai Gà mà chẳng thấy tăm hơi mày đâu. Thứ hai này tao đi rồi và tao phải có tiền trước khi đi. Mày quyết định chưa ? Có đưa hay không ? Nếu tao mà không tự chủ thì tao đã ném mày xuống hố sâu kia cho bõ ghét. Người ta sẽ tưởng mụ già điên trượt chân xuống hố, chứ có ai ngờ tao là thủ phạm đâu. Mày coi chừng nghe, tao cảnh cáo lần này là lần cuối cùng đó.

Cái bóng nhỏ không dám vùng vẫy và tỏ vẻ kinh sợ, nhắm nghiền mắt lại. Bóng đen cao lớn thấy vậy bỏ tay bịt miệng cái bóng nhỏ ra và thì thầm :

- Thế nào, mụ phù thủy, có trả lời tao không ?

Bóng đen nhỏ hơi hé miệng không phải để trả lời, nhưng để huýt sáo một hồi dài.

Bóng đen lớn còn ngỡ ngàng, chưa kịp có phản ứng thì Vàng và Mực đã chồm tới bao vây hắn và hầm hè định cắn. Hắn hoảng sợ vội buông bóng nhỏ ra. Cái bóng nhỏ cười khẩy :

- Bây giờ đến lượt mày sợ nhé.

Rồi bóng đó suỵt nho nhỏ :

- Cắn nó đi Vàng, Mực ! Cắn đi !

Chỉ chờ đợi có thế, hai con chó nhảy chồm lên người bóng đen cao lớn. Hắn cố chạy, nhưng không dám kêu lên sợ làm vang động khiến mọi người chạy ra. Hắn thở hồng hộc, dùng gậy chống đỡ với hai con chó.

- Cút đi, hai con quỷ ! Đi ! Đi !

Bỗng bóng đen cao lớn kêu “ối”, hắn đã bị một trong hai chú chó cắn.. Hắn khập khiễng chạy xuống con đường mòn. Máu từ bắp chân hắn nhỏ giọt xuống đường thành một vệt dài đỏ xậm. Vừa đi, hắn vừa lấy gậy quay quanh người để che thân. Hắn tức giận kêu, quên cả thận trọng :

- Gọi chúng lại đi, không thì tao giết chúng bây giờ.

Hắn chạy đã khá xa, bóng đen nhỏ bé biết đã thoát nạn nên huýt sáo gọi chó về. Chú Vàng ngoan ngoãn chạy về, nhưng chú Mực cứ hăng hái đuổi theo bóng đen kia. Thấy vậy, hắn giơ cao cây gậy giáng mạnh xuống chân trước của chú Mực. Một tiếng “bốp” khô khan nổi lên, tiếp theo là tiếng kêu ẳng ẳng thảm thiết. Chú Mực ngã gục xuống đường. Bóng đen cao lớn vừa bỏ chạy thật nhanh vừa hằn học nói :

- Con mụ già tai quái ! Nếu mày không đưa tiền cho tao, tao sẽ tố cáo mày. Tao chưa chịu thua mày đâu.

Không một ai trong toà biệt thự hay biết gì về biến cố xảy ra trong bóng đêm. Con Vàng chạy lại liếm chiếc chân đau cho con Mực. Mực cố đứng dậy, nhưng đau quá đành nằm xuống rên rỉ.

Sáng sớm hôm sau, bác làm vườn thấy chú Mực nằm dài trên con đường mòn. Bác vội đem đi bác sĩ thú y và chú Mực được băng bó cẩn thận. Mười ngày sau, là chiếc chân chú Mực đã lành hẳn và chú lại đi lại được như thường.

Không ai hiểu tại sao chú Mực bị gãy chân. Người duy nhất biết chuyện này không bao giờ hở môi cho ai hay việc gì đã xảy ra đêm đó. Nhưng Tuấn và Lan bắt đầu nghi ngờ gã thọt sẽ tìm mọi cách để đạt được mục đích của hắn.

Vú già từ trước tới nay thường không ưa súc vật bỗng thay đổi thái độ và lại thăm chú Mực luôn. Vú vuốt ve trìu mến chú lắm.

Một hôm, vú lẩm bẩm :

- Tội nghiệp, gã thọt mà mạnh tay chút nữa là đời mày tàn rồi. Thật là quân thô lỗ ! Nhưng nếu hằn tưởng ta chịu đầu hàng thì hắn lầm to. Còn lâu ta mới bỏ tiền ra cho nó.

Từ đó, tối tối vú già hết đi bách bộ ở sân sau. Vú chỉ dám ngồi cạnh cửa bếp hóng mát và không bao giờ rời cây gậy. Mỗi khi có việc phải đi đâu là vú nhìn trước nhìn sau dò xét thật cẩn thận. Còn bóng đen cao lớn thì không dám mon men tới gần toà biệt thự nữa.



CHƯƠNG XII

GÃ THỌT ĐẮC THẮNG
 

Trưa chủ nhật đó, anh Hồng đang nằm ngủ dưới bóng mát trong vườn thì bỗng nghe tiếng một đứa trẻ ngập ngừng gọi :

- Thưa ông, ông làm ơn cho cháu hỏi điều này ạ !

Anh Hồng ngồi nhỏm dậy, thấy một đứa trẻ trạc mười tuổi đang lễ phép ngả mũ chào :

- Chào ông ạ ! Thưa ông, có ai trong nhà không ạ ? Cháu gõ cửa sau mãi mà chẳng thấy ai ra mở cả.

- Lạ nhỉ. Nhưng cháu muốn hỏi gì mà lại đến vào giờ này ? Lại gần đây trả lời tôi nào.

- Cháu sợ chó lắm ạ.
– Vừa nói đứa bé vừa lấm lét chỉ con Mực đang nằm ngủ dưới chân anh Hồng.

- Con Mực hiền lắm, cháu đừng sợ, cứ lại đây đi.

- Cháu nghe nói chó ở đây dữ lắm mà.

- Chắc người ta nhầm đấy. Nhưng cháu trả lời câu hỏi của tôi đi chứ.

- Cháu muốn gặp vú già để nhắn một việc ạ.

- Bà ấy khó tìm lắm. Lúc thì bà ấy ở xó bếp, lúc lại ở động đá góc vườn.

- Cháu ra động đá rồi, nhưng chẳng thấy ai cả. Cháu lại gõ cửa bếp cũng không thấy bóng người nào.

- Thôi, thế thì cháu cứ nói cho tôi nghe rồi tôi nhắn lại cho.

- Dạ…
– thằng bé gãi đầu gãi tai ngập ngừng. – Người ta dặn cháu phải chính vú già cơ.

- Thế thì mai cháu trở lại đi.

- Ấy, không được ạ. Cháu phải nhắn trong nội ngày hôm nay.

Anh Hồng nóng ruột, sẵng giọng :

- Thế thì cháu đi mà tìm lấy, tôi buồn ngủ lắm.

Anh lại nằm xuống, lấy tờ báo che mặt cho đỡ chói mắt rồi lại tiếp tục giấc ngủ dở dang.

Đứa bé suy nghĩ một lát rồi đành nói :

- Thôi kệ, cháu nhắn với ông vậy. Chiều nay cháu không trở lại được.

Anh Hồng kéo tờ báo ra, chờ đợi.

- Thưa ông, ông nói hộ với vú già là chú Tâm chờ vú già tối mai tại quán Hai Gà để từ giã vú. Sau tối mai thì sẽ muộn quá rồi. Xin ông nhớ nhắc hai lần “sẽ muộn quá rồi”.

- Cái gì muộn quá rồi ?
– anh Hồng ngơ ngác hỏi.

- Cháu cũng không biết nữa. Người ta bảo cháu cứ nói thế là vú già hiểu ngay..

- Thôi được, để tôi nhắn lại cho. Thôi, chào cháu nghe.

- Cám ơn ông ạ. Chào ông.

Thằng bé đội mũ lên đầu và lững thững bước ra cửa.

*
 

Đến chiều, anh Hồng gặp vú già ngay dưới cửa sổ phòng học của Lan và Tuấn. Anh nhắc lại lời đứa bé nhắn ban trưa. Anh cũng nhắc hai lần : “Sẽ muộn quá rồi” như thằng bé căn dặn. Vú già nghe vậy nghi ngờ nhìn anh Hồng tưởng anh biết chuyện. Thấy anh quá bình thản, vú vững bụng nói : 


- Vâng, mai tôi sẽ tới quán Hai Gà. 

Nghe tiếng nói lao xao dưới sân, Lan thò đầu ra cửa sổ nhòm xuống và nghe thấy hết câu chuyện. 

Em vội gọi Tuấn : 

- Anh Tuấn ơi, gã thọt buộc vú già phải gặp gã ấy tại quán Hai Gà. Vậy mai chúng mình đi theo vú để bảo vệ nhé. 

- Ừ, Tuấn vừa trả lời vừa cắm cúi đọc sách. 

Ngày hôm sau, Lan và Tuấn để ý theo dõi vú già từ sáng sớm. Suốt ngày vú có vẻ bình thản như thường lệ. Nhưng khoảng 6 giờ chiều thì vú chống gậy đi ra con đường xuống xóm dân chài. 

- Anh Tuấn ơi, mình đi theo xa xa đi… Vú già đi về hướng quán Hai Gà kìa. 

Vú già mệt nhọc lê bước trên đường. Vú có vẻ lo nghĩ điều gì, chiếc lưng còng của vú trông lại càng còng thêm… Khi đến quán Hai Gà, vú đi thẳng vào trong. Lan và Tuấn cũng vừa đến nơi nhưng không dám xuất đầu lộ diện sợ vú ngại. Hai em ẩn mình sau một góc tường hồi hộp chờ đợi… Chỉ nghe một tiếng kêu của vú là hai em sẽ nhảy vào can thiệp ngay. Nhưng trái với sự lo lắng của Lan và Tuấn, vú già và gã thọt có vẻ thỏa thuận với nhau một cách dễ dàng vì chỉ năm phút sau là vú đã trở ra. Trông vú có vẻ mệt mỏi chán chường lắm. 

Lan và Tuấn vừa định rời chỗ nấp thì gã thọt cũng từ trong quán bước ra. Hai gà tiễn hắn ra tận cửa và dặn dò điều gì rồi đưa cho hắn một gói thuốc lào hảo hạng. 

Khi gã thọt đã khuất sau khúc quanh, Lan và Tuấn đều tiến lại cửa quán Hai Gà. Hai em vốn quen biết Hai Gà vì thường ghé vào quán bác ta uống nước sau buổi học tại nhà thầy Sơn nên niềm nở chào : 

- Chào bác Hai ạ. Hôm nay quán bác có đông khách không ? 

Hai Gà vui vẻ đáp : 

- A, chào các cháu. Có chứ, có vài du khách mới ở xa tới ăn uống nhiều nên hôm nay bán hàng khá lắm. 

Vin vào câu nói đó của Hai Gà, Tuấn nhanh nhẩu hỏi : 

- À, hồi nãy cháu thấy bác có hai người khách : vú già và một người lạ mặt chắc ở xa đến ? 

- Đâu có, hắn quê quán ở đây chứ có phải ai xa lạ đâu. Hắn là cháu bác đấy mà. hắn cũng chẳng lương thiện gì nên khi hắn bỏ vùng Hạ Long này ra đi hồi bảy, tám năm trước, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. 

- Ông ấy quen vú già hả bác ? 

- Ờ, nó là bạn bác Cả. Hai đứa ấy thật đồng hội đồng thuyền, chả đứa nào lương thiện cả. Suốt ngày chúng chỉ rượu chè be bét… Thằng Tâm cháu bác mới về đây tuần trước để thăm nhà thăm cửa. Mai nó lại đi rồi. Chắc vú già biết nó về nên lại gặp nó nói chuyện gì không biết nữa. 

Lan ngắt lời : 

- Cháu bác coi mặt dữ tợn quá à ! Không biết ông ta có định làm hại vú già không ? 

- Không đâu, cháu đừng lo. Tuy bác không nghe thấy hai người nói với nhau những gì, nhưng cả hai có vẻ tương đắc lắm. Vú già lại còn biếu hắn một món quà nữa cơ đấy. Bác nghe rõ ràng tiếng nó cám ơn lúc vú già ra về. Khi từ giả bác, nó khen vú là người biết điều. Còn bác thì nó chê là không biết điều tí nào cả vì bác không chịu cho nó mượn tiền sang Lào lập nghiệp. Bác biết là cho nó mượn tiền thì mất luôn chứ không bao giờ đòi được nên bác từ chối. Vả lại, bác cũng chỉ đủ sống chứ có dư dả gì cho cam. Khi nó đi, bác chỉ cho nó… một gói thuốc lào thượng hạng để sang xứ người nó còn nhớ đến món thuốc quốc hồn quốc túy, nhớ đến quê cha đất tổ. 

Lan và Tuấn mua vài bắp ngô luộc rồi kiếu từ ra về. Chúng thắc mắc không hiểu tại sao vú già là người bướng bỉnh không nể ai mà lại có vẻ sợ gã thọt ra mặt. Không biết gã thọt ấy muốn gì đây?


________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XIII, XIV