Thằng Vân lại thăm mình hồi nãy. Đang sửa bài toán khó cho bọn trẻ
thì nó bước vào, ngơ ngác trước cửa lớp một lúc vì mình đứng khuất bên
bảng. Học trò nói có khách hỏi thăm kìa thầy ơi, mình bước ra thì nó
giật mình lùi lại chút rồi bỗng nhảy tới ôm lấy vai mình mà gọi:
- Thầy đây hở, trời ơi… !
Mình sửng sốt. Người thanh niên lạ hoắc này gọi mình bằng thầy là
nghĩa lý gì? Anh ta đâu phải là trẻ nít như thằng Nhân, thằng Vượng ngồi
ngoan ngoãn trong kia đâu, đâu phải là học trò lớp nhất của ngôi trường
cổ kính này? Trông dáng anh ta cũng không là dân ngụ trong xóm nữa.
Mình đánh tiếng:
- Anh là ai thế?
Người thanh niên ngó mình, nói:
- Để con dìu thầy vào ngồi. Thầy già quá đi, hèn gì không nhớ con.
Con là thằng Vân ưa nghịch phá học lớp nhì năm xửa năm xưa ở phòng này
nè. Thầy nhớ lại coi.
Mình ngẩng nhìn kỹ. À, à có vài nét phảng phất giống đứa học trò cưng
của mình hồi đó. Vậy là Vân đó sao? Người thanh niên mỉm cười, gật đầu.
Nụ cười thiệt hệt như ngày trước. Nụ cười do đó mình mới dám chắc đứa
học trò cũ của mình đang đứng trước mặt mình đây. Mình thảy viên phấn
lên bàn, run run nắm lấy bàn tay rắn chắc của Vân. Và sao tự nhiên nước
mắt lùa ra khỏi đôi mắt hấp hem, lăn ấm áp trên má.
Vân hoảng hốt xiết tay mình:
- Thầy! Thầy! Sao thầy khóc? Con làm thầy buồn hả thầy?
Mình vẫn giữ tay nó, tay kia quệt nước mắt, gắng gượng nở trên môi nụ cười trấn an:
- Không đâu! Thầy không có buồn gì hết. Thầy thấy hơi cảm động thôi. Con đừng ngại.
Mình quay xuống lớp bảo:
- Nè Vượng, con cho mấy em con thu xếp tập vở đi về nhà. Bữa nay thầy cho các con về sớm. Bài toán đố mai mốt thầy giải tiếp.
Thằng Vượng dạ lớn rồi làm y lời. Những bước chân bọn trẻ sau đó ngập
ngừng ở thềm cửa. “Thưa thầy con đi về” thì được mà không biết chào ông
khách ra sao. Mới lúc đó, chúng thấy khách xưng con với thày kia mà.
Chả lẽ chỉ gật đầu sơ, coi kỳ quá. Mình biết ý nên nói người này là học
trò cũ của thầy mười mấy năm về trước chứ không xa lạ gì.
Thằng Vượng với thằng Nhân chào “Kính anh” và bước đi. Tụi trẻ cũng
bắt chước chào theo, tản mác liền. nhưng mình hiểu chúng sẽ bàn bạc dữ
lắm trên đường về. Tâm lý trẻ con vẫn thích tò mò, hiếu kỳ.
Vân nhìn theo cho đến lúc đứa cuối cùng thấp mất phía bên kia cầu đá cao, quay lại hỏi:
- Sao thầy cho mấy em về chi vậy?
- Ờ, thầy cho về để nói chuyện nhiều cùng con. Xa cách dữ đa.
Mình thấy Vân lạ thật. Cao lớn là lẽ tất nhiên và nom khỏe mạnh, vững
chãi. Có điều nó hơi đen, nụ cười toe toét không thành tiếng tựa như
thuở nào.
- Bây giờ con ra sao, có vợ con chưa?
Mình hỏi để mà hỏi chứ dư biết đối với bản tính dè dặt, hơi nhút nhát
của nó, có được một hai bạn trai thân là điều hãn hữu, nói chi tới bạn
gái. Quả thật, Vân nhe răng cười đáp:
- Con chưa có bạn đâu thầy, cũng chưa có sự nghiệp gì hết. Con được bổ về dạy ở đây thôi.
Mình ngỡ ngàng. Nói vậy Vân làm thầy giáo hả? Ờ, con theo nghiệp của
thầy cũng hay chứ. Thế hệ trẻ nhỏ chịu sự chăn dắt, dạy dỗ nơi mình đã
trưởng thành, đâu còn bé bỏng hoài. Có thể, tuổi cỡ thằng Nhân, thằng
Vượng là con em những đứa đã học với mình một niên khóa hồi nào. Nghĩ
mình lẩn thẩn ghê. Già bạc đầu, con cháu đầy đàn, nhiều khi lại cứ tự
dối rằng sức lực còn mạnh mẽ, sinh tồn, chưa hao mòn chi đâu. Để cuộc
sống bớt lận đận, để vui vẻ đôi chút. Nhưng mà… ! Thời gian chóng vánh
quá. Dù rằng con lạch nhỏ xuôi dòng nước bên hàng rào kia không thấy
thay đổi. Đó là mạch sống của vùng này, là đường thông thương giữa con
sông cái ngoài xa kia với miền đất có vẻ cằn khô nằm hút bên trong. Ngày
hai buổi và suốt mười mấy năm trôi qua, xuồng tam bản hay những khúc gỗ
bè vẫn lướt đi , dân vớt củi vẫn đeo theo nạy từng mảnh vỏ xơ ra đem về
làm củi. Hoặc cây bàng trước trường lá vàng cứ rụng theo cánh gió vào
cuối thu là lúc trường khai giảng niên học mới. Có lạ chi đâu.
Mình thở dài. Thằng Vân bảo nhìn trường không thấy quen thuộc nhiều
là sao? Nó xa rời chốn cũ cả thời gian đằng đẵng nên quên béng chăng?
Chắc không đúng. Anh trưởng ty hồi tại chức lâu lắc rồi – có ghé thanh
tra mấy lần, bây giờ cáo quan xuống thăm mình có nói: “Thấy anh lụm khụm
hoài. Trường với anh hết cả “mới mẻ”?”
Vân ơi, rốt cuộc thầy trò mình tái ngộ quá bất ngờ. Thử nhớ lại hồi
con còn bé xem. Con chút xíu, ngồi ở bàn này chứ đâu. Ừ! Cái bàn đầu dãy
giữa. Ngồi chung với hai chị em con Thảnh, con Thơi đó. Con học giỏi
lắm, ganh đua với hai nhỏ bạn từng bậc hạng trong lớp. Nhưng thầy chẳng
hiểu tính con rụt rè mà hay nghịch ngầm quá. Bạn bè sợ con luôn. Sợ
trong sự thương mến, chẳng chút ganh ghét. Mà thầy tuy cưng yêu con,
cũng đánh con như thường. Thầy như thấy rõ lại cảnh con nằm dài dưới
đất, mắt len lén nhìn lên hai cô bạn lúc đó mặt tái mét vì lo cho con.
Con mỉm cười tỏ vẻ không ngán đòn nên thày giận ghê, đánh con mạnh tay
không kịp suy nghĩ đến nỗi con bật khóc nức nở. Nhờ vậy, về sau con mới
chăm chỉ hơn đấy.
Mình đứng dậy dắt Vân lên văn phòng. Đoạn hành lang ngắn thật so với
kỷ niệm tuy còn mơ hồ đôi chút, song khá dài. Mình nhớ rất đầy đủ, để
thỉnh thoảng lôi nó ra khỏi ngăn kéo trí óc ôn lại cho xao động ít nhiều
cuộc đời già vốn làm tình cảm bồi hồi, nhung nhớ khá giảm sút.
Cũng như ông hiệu trưởng, cũng như cô giáo trẻ, với Vân thì công việc
giáo huấn có lẽ sẽ tươi mát, ý vị; ngôi trường nhờ đó mà êm đềm, dịu
uyển, mất dần nét nặng nề, già dặn độ trước. Mình hay bạn đồng niên một
ngày nào vơi đi niềm lo lắng tới tương lai lớp trẻ hậu sinh, một ngày
nào đó sẽ chậm rãi ngồi nhơi lại quá khứ, sung sướng và thảnh thơi hưởng
tuổi thọ.
Lời nhắn nhủ dành cho Vân, cho lứa tuổi đã trưởng thành, mình nói với nó rằng:
- Con chọn lấy nghiệp làm thầy là đã chấp nhận sự hy sinh cho thế hệ
sau, đào luyện lớp trẻ mai hậu dần dà trưởng thành với một ý thức chín
chắn về tương lai. Thế nên thầy mong con kiên nhẫn với tất cả, lấy những
buồn vui ở nghề nghiệp làm sợi dây kết chặt, đừng để bồng bột của tuổi
trẻ dời đổi vị trí thân thiết sẵn có của tình thầy trò.
*
Tôi gặp lại thầy tôi trong hoàn cảnh thật bất ngờ. Mười mấy năm xa
cách đã làm phai lạt đi màu xanh tô trên tuổi học trò của tôi. Mười mấy
năm biến đổi “thằng nhỏ Vân” thành “thầy giáo Vân” và ấu thơ của nó trở
thành kỷ niệm. Mớ kỷ niệm còn non, còn mới quá.
Tôi đã đứng trên dốc cao của nhịp cầu đá, nhìn nó, nhìn chung quanh
trong khi nước mắt ràn rụa. Thuở thơ ấu, nhịp cầu vẫn y như thế này,
hàng lan can vuông vức từng ô trống thường đe dọa tôi mỗi khi tôi tựa
vào. Tôi sợ thình lình bị lọt qua chỗ trống, rơi tõm xuống nước. Ngày
mấy mươi bận, tôi đã qua lại liền liền nhịp cầu để đến trường hoặc đến
vựa lá chầm tít nơi kia là chỗ tôi ưa ngồi lơ mơ, vừa ngửi mùi lá lợp
nhà ngai ngái vừa phóng mắt nhìn quanh quẩn. Tắp theo bờ sông, con đường
chạy vòng vo giữa cái rượi mát từ các tàn cây cao ven lề tỏa xuống. Tận
cùng, đường dừng trước ngôi đình thần nghiêm vắng.
Ừ nhỉ! Tôi nhớ tôi hay phá khuấy tụi bạn tại nơi này lắm. Tính tôi ưa
trầm mặc, nhưng cứ thích đùa nghịch thầm lén, riết rồi tụi bạn chạy mặt
tôi luôn. Nhất là Thảnh, Thơi hai cô bạn gái cùng ngồi chung bàn đầu.
Và hình như có một lần, Thảnh, Thơi cùng cả bọn kéo vào đình rủ tôi
mở cuộc vui. Tôi từ chối, lảng sang chỗ khác nằm ngửa trông trời xanh.
Buổi trưa ấy mây trắng thật nhiều giăng phía trên cành đa cao vút. Tôi
đã định ngủ một giấc cho khỏe song tiếng cười đùa chọc vô tai tôi hoài.
Chúng nó chơi giỡn không kể đến ai với ai. May mà ông từ hôm nay đi
vắng chứ có ông thì chúng nó phải biết. Chạy vắt giò lên cổ! Tôi chợt
nhìn thấy đống guốc dép bỏ ngổn ngang, nên nghĩ ra một kế chọc chúng
chơi. Và thi hành xong xuôi, tôi nhẹ nhàng đi tuốt vào bảo điện, lăn
xuống gạch mát ngủ ngon lành.
Kết quả sau đó là tụi Thảnh, Thơi mếu máo chạy tìm khắp nơi, rốt cuộc
cũng không thấy nên xúm lại năn nỉ tôi. Tôi bảo là chẳng rõ, nãy giờ
ngủ chứ không có thức. Và một lát, mới giả vờ ái ngại chỉ giùm chỗ của
“thằng nào” tôi thấy nó lui cui cất chi đó. Bọn nó vội vã tìm đến, và
từng thằng một leo lên nhánh đa có máng đồ giấu. Rồi đứa nào cũng xuýt
xoa nhảy vội xuống. Kiến vàng cắn đau khỏi chê!
Tôi thở dài. Còn hình dung nào rõ ràng hơn hai ánh mắt khẩn cầu của
cô bạn nhỏ hồi ấy. Bọn trẻ vô tâm, bỏ về ngay, còn lại hai chị em Thảnh,
Thơi đứng nhìn tôi, nhìn cây đa. Đôi guốc vông của Thảnh tòn teng trên
nhánh lá đầy kiến vàng làm nhỏ bạn muốn khóc. Giọt nước mắt ấm ức sắp
sửa rướm trên mi cô bé khiến tôi leo nhanh lên cây lấy đôi guốc xuống.
Thảnh vừa phủi nhanh mấy con kiến trên áo tôi, vừa cám ơn luôn miệng.
“Cám ơn trò Vân, trò tốt ghê đi ấy!”.
Câu nói cách đây bao nhiêu ngày tháng, giờ tôi tưởng như mồn một bên
tai. Âm thanh tiếng “đi ấy” đậm đà dễ thương biết chừng nào.
Tôi lần xuống dốc bên kia. Ngôi trường trông lạ quá. Mái ngói đỏ sậm
thành màu nâu ảm đạm. Hàng rào bông bụt cũng đã biến mất, thay vào đó là
bức tường vôi tróc từng mảng. Trường đã vậy, không biết thầy tôi ra
sao?
Tôi nôn nao bước qua cổng. Và tôi đã gặp thầy. Tôi đã nhận ra người
thầy lụm khụm, già nua, thời gian điểm tô mái tóc thật bạc, tựa hồ bụi
phấn trắng suốt mười mấy năm qua đã đánh đổi màu đen của tóc đi. Thày
còn già cả tinh thần nữa. Thầy chẳng nhận ra tôi, đứa học trò cưng của
thầy ngày đó hễ vắng mặt một ngày là thầy hỏi thăm luôn. Tôi muốn nhắc
lại ngay cho thầy nhớ, nhưng chần chừ để dìu thầy bước trở lại ký ức,
ngang qua những miền tình cảm đôn hậu, đằm thắm, mong muốn thầy dừng
chân ở một chỗ, và chỗ đó chính là nơi chất chứa kỷ niệm của tôi đối với
thầy. Mà thầy cũng chẳng nghĩ ra, nên tôi nhắc: “Thằng Vân nhút nhát mà
nghịch ngầm hồi đó đấy thầy”. Thầy lặng một giây lâu rồi tự nhiên nước
mắt lăn dài xuống đôi má hom hem. Những dòng nước mở nguồn cho tình cảm
bấy lâu ngày nghẹn cứng đó chăng? Phải rồi. Thầy đã nhận ra. Thầy đã
lắng nghe trái tim xao động, bồi hồi và thầy sực nhớ tới kỷ niệm (muốn
bỏ quên thầy hay thầy tự quên lãng).
Thầy ơi! Trong phút giây bàng hoàng ấy, con định nói thật nhiều thật
đầy đủ chuỗi kỷ niệm ấp yêu cho thầy tường tận, mà con thôi. Con tôn
trọng lúc thầy khóc, con rung động vì ngẫm nghĩ rằng cảnh tái hợp này
biết đâu mai sau sẽ diễn lại với con, với “thầy giáo Vân”!
Không, con không muốn thế đâu. Và con muốn hóa thân để trở về ngày
xưa bé mọn của con, thời trai tráng của thầy. Nương theo vòng tay bảo
bọc của thầy, biết đâu sung sướng còn gấp vạn lần như bây giờ. Như lúc
nghĩ tới bổn phận của mình, phải nghiêm trang, phải rộng lượng tình cảm,
phải xúc cảm khi bỗng nhiên bị đau ốm, gắng gượng nắm tay từng đứa học
trò mang cả tấm lòng, mang cả trái tim yêu thương đến thăm mình. Ánh mắt
lo âu ở địa vị học trò, con hết còn nhìn thầy nữa. Bàn tay rụt rè nắm
ngón tay buốt lạnh không phải của con, của thầy nữa, mà là của học trò
bé bỏng, của “thầy Vân” rồi!
Thày nhỉ! Nghiệp giáo dồi dào tình cảm quá. Cương vị của người thầy
cũng lớn lao, quan trọng quá. Con tự nhiên đâm ra ngần ngại lúc đầu.
Nhưng bây giờ, trái lại, con thấy nôn nao lạ. Làm thầy là để chăn
dắt, khai lối cho bọn em cháu của mình đấy mà. Làm thầy là để vui với
niềm vui khiêm nhượng của đám học trò mình, để buồn với mình khi bắt
buộc phải thốt ra lời trách cứ, phạt lỗi. Nhưng, làm thầy còn là đón
nhận mọi tình cảm không bao giờ dứt trong suốt thời gian dạy học. Đúng
thế không hở thầy? Thầy khai ý con, thầy giúp con nhiều lắm. Thầy vừa
làm xong bổn phận trong nghiệp giáo đó thầy hở?…
VĂN
(tháng đầu năm)
(tháng đầu năm)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 133, ra ngày 15-7-1970)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com