Thứ Năm, 13 tháng 8, 2020

CÂU CHUYỆN TI VI - Minh Quân


Đầu đuôi cũng chỉ bởi cái "Ti Vi"! Cái Ti Vi khốn nạn đã gây xáo trộn trong gia đình Thu không ngớt. Chiến tranh bùng nổ: một bên là ba, tụi con trai và đứa gái út ; bên kia là mẹ và hai con gái lớn.

Số là ban đầu ba đã cố thuyết phục mẹ mua một cái Ti Vi nhiều bận nhưng mẹ lắc đầu từ chối. Mẹ nói:

- Khéo bày trò, làm cho tụi nhỏ ham coi bỏ bê cả việc học hành...

Hoặc:

- Mua làm chi, nghe nói hay bị hư lắm, mỗi lần như vậy sửa tốn bạc nghìn, chị Minh Châu cứ kêu ca về vụ đó với tôi hoài. Điện ở xứ mình...

Ba lập tức ngắt lời mẹ:

- Nghe mợ nói, biết ngay là một người dốt đặc, dễ thường thiên hạ xài đó thì bị hư, bị sửa như chị Minh Châu hết chắc? Hồi ở bên Mỹ tôi xài rồi, tôi biết, tại xứ mình nhà quê quá, chứ nó cũng giản dị như một cái ra-đi-ô thôi, có gì đâu.

Mẹ đuối lý nhưng vẫn không chịu thua:

- Nhưng mà, nhưng mà tôi không muốn xa xỉ như thế. Nhà mình giàu có chi đâu? Dư dật lắm sao? Nhà cửa chật chội, sắm thêm chi? Anh lúc nào cũng... (giọng mẹ thấp xuống một chút) gạo bây giờ lên giá vùn vụt thấy mà khiếp, không lo chuyện đó, lo chuyện...

Đến lượt ba cáu lên:

- Gạo lên giá? Ai bảo mợ không chịu mua gạo nhập cảng ăn cho rẻ, cứ làm bộ sang, ăn cho được gạo sản xuất tại miền Nam...

- Tôi đã mua rồi, mà nấu lên tụi nhỏ không ăn chứ đâu phải muốn sang, con mình suốt ngày quà bánh chi đâu? Đi học về chỉ ăn cơm mà cơm ăn không được...

- Sao không được? Rồi đói lại không nuốt thì có mà rã họng. Đói tới nơi rồi đó, ngồi đó mà kén chọn...

Mẹ cũng không vừa:

- Đói tới nơi rồi, ức gì mà mua Ti Vi?

Vậy là câu chuyên đi đến bế tắc. Cuộc đàm phán dở dang, không đâu đến đâu cả.

Nhưng ba không phải là hạng người dễ chịu đầu hàng. Ba tìm cách khác. Thì giờ thuận tiện nhất là buổi tối, địa điểm: tại bàn ăn (vì buổi tối trời mát, có thể vừa ăn vừa nhẩn nha bàn tính được, chứ buổi trưa thì ba mệt nên ba dễ cáu, mà cáu thì chẳng thể thành công được). Đầu tiên, ba khởi sự:

- Nghe đâu chính phủ sắp bán Ti Vi cho công chức, trả góp, vậy cũng khỏe.

Thằng Minh hỏi liền:

- Trả góp là sao ba?

Ba không trả lời mà ném về phía mẹ một cái nhìn tinh quái, nói:

- Hãy hỏi mẹ con, cái đó mẹ con rành hơn ba.

Mẹ không lên tiếng trong lúc hai ba đứa nhao nhao lên:

- Con biết rồi.

- Con biết rồi.

- Biết thì nói ra coi. Dóc hoài, cái gì cũng biết, biết...

- Thách không? Ta nói trúng chịu gì?

Bấy giờ mẹ ôn tồn cất giọng:

- Đừng ồn. Đứa nào biết thì nói nghe coi.

Đứa nọ nhìn đứa kia, chờ đợi. Vũ chỉ chờ cơ hội đó là đem khoe kiến thức mình liền:

- Trả góp là mua chịu, trả từng kỳ, mỗi kỳ một số tiền cho đến hết thì thôi.

- Khá lắm, nhưng các con có hiểu tại sao chính phủ làm vậy không?

- Dạ, đó là chính phủ muốn giúp dân nghèo!

- Nịnh! Ơ! Nịnh chính phủ! Cầm cờ theo đuôi...

- Nói ai nịnh? Chị này hỗn hào...

- Nói ai hỗn hào? Tao là chị mày mà hỗn hào sao được! Đừng có ngu...

- Nói ai ngu? Đừng có ỷ lớn, chọc tức ta... coi chừng đó.

- Hừ! Mày dọa tao hả? Em út gì mà...

Ba chưa kịp dẹp xong cuộc náo loạn bất ngờ thì mẹ đã buông đũa đứng lên.

Dù sao, ba không phải là người dễ nản lòng. Ba vạch sẵn một con đường và tuần tự, chẫm rãi đi trong con đường đó, thế nào cũng tới đích, không mau thì chậm. Nhất định như thế.

Song đâu phải chỉ tin tưởng mà thành công. Phản ứng của mẹ thật là ghê gớm: nửa năm ròng rã mà ba không tiến lên được một bước trong chương trình hoạch định của ba.

Thế rồi ba có vẻ như chán nản không thèm thuyết phục mẹ nữa. Đợi ba đi vắng, mẹ tuyên bố với đàn con:

- Đâu phải ba các con dùng quyền gia trưởng mà thắng được mẹ? Cái gì mẹ không thích thì có trời...

Hè đến. Mẹ đưa lũ trẻ nhỏ về quê một tháng. Tới chừng lên, theo thói quen vừa đặt va-li xuống nền đá hoa là mẹ để nguyên áo dài, đi khám xét một loạt khắp trong nhà. Thu lo dọn dẹp và rửa tay, rửa mặt cho các em. Thình lình tiếng mẹ gọi giật từ trên gác:

- Thu! Lên đây, mau! Hết sức rồi. Quá, quá rồi!

Thu nhảy ba bước một, bụng nghĩ "Rồi! Rồi! Chắc là chuột làm tổ trên giường ba rồi!"

Nhưng đến nơi Thu vừa thở vừa cười vì cái vật làm mẹ công phẫn lên như vậy là cái Ti Vi khốn kiếp.

Cái Ti Vi đó không phải là ba mua góp của chính phủ, mà là mua chịu của bác Tùng, bạn ba. Mẹ giận nghẹn, giận điên nhưng không biết làm sao. Khi mẹ gặp bác Tùng (bác gái) mẹ chưa nói gì, bác đã lên tiếng trước:

- Nghe anh nói chị với các cháu thích TI VI nên nhân họ mới gửi về hai cái, tôi lấy cho anh chị một, đằng nhà một...

- Em ngại quá, vì chưa đủ tiền, không lẽ góp cho chị, như vậy nó hao hụt tiền chị...

- Chị đừng ngại, mình đâu vội vàng chi? Chừng nào có thì đưa cũng được. Mình buôn bán cần nhiều chớ không cần chừng đó đâu.

Hình như đến bốn tháng năm tháng gì đó mẹ mới góp đủ tiền trả cho bác Tùng. Món nợ hết nhưng mẹ vẫn thù ghét cái Ti Vi hoài, không hết.

Trung bình cứ năm ba ngày nó giở chứng một lần: không ra hình, hay ra hình không có tiếng (y như ciné câm hồi xưa) hoặc có tiếng không có hình (như ra đi ô) có khi nó nhấp nhỏm, giật giật trong màn ảnh làm khán giả đau cả mắt, cu Minh huýt còi lên, nhộn không khác chi trong ciné lúc đứt phim! Lại có lúc các danh ca mặt trắng nhợt hay đen mò, méo xẹo, đặc biệt người nào cũng lùn tịt như viên bột nếp để đứng, bị... sụn xuống vậy! Bé đập tay lên ghế hét:

- Cho "de" đi! Dở quá! Cho de đi!

Ba loay hoay điều chỉnh đến toát mồ hôi! Vậy mà có khi nó nhất định làm reo, mời thợ tới (vì ba chịu thua rồi) cũng không xong, ba phải khệ nệ mang ra hiệu. Hai ngàn đồng, một ngàn rưỡi, một ngàn ba, bảy trăm, năm trăm, bốn năm lần liên tiếp làm mẹ càng cáu giận.

Mẹ phàn nàn thì ba chống chế "tại đài chưa có, máy bay truyền xuống..." "Tại điện yếu" "tại anh quên... vặn... nhầm" Kỳ quái một điều: ba có vẻ nhỏ nhẻ với mẹ chứ không cáu lên bao giờ cả.

Gần ba tháng sắm Ti Vi, mẹ chỉ ngồi lại có vài lần: lần đầu là để xem "đố vui để học", lần nữa là coi... cái gì đó Thu quên rồi.

Thu thì thích coi tân nhạc với cải lương, con Hà thì tuyên bố: 

- Con ngán rồi, cứ rên rên yêu với ót hoài!

Và nó bỏ đi học bài.

Ba nói:

- Ui chà! Giở giọng mẹ mày ra, chắc không coi không!

- Con cũng coi mà ít thấy cái gì hay quá, làm sao? Coi đau mắt quá!

Cu Minh với Bé thi nhau nhảy tuýt và hát: "Anh là lính đa tình" Vũ đứng đâu búng tay nghe tanh tách, tanh tách và nói nhiều tiếng lóng y như trong truyền hình.

*

- Cải lương hay lắm mẹ! Mẹ coi một bữa đi!

Nghe nhiều lời khuyến dụ quá, mẹ đâm ngã lòng nên lên xem thử.

Thu để ý thấy trong tuồng cải lương ở truyền hình các diễn viên ưa... mặc đồ Nhật lắm. Coi vui, hay và đẹp đáo để. Các cô thì vờn như bướm, còn đàn ông thì múa kiếm, hươi tay một cái, chiếc áo sọc có tay rộng phe phẩy như lá cờ hàng của một tàn binh! Tay múa kiếm, miệng hầm hừ nghe mà ghê. Mẹ ngồi nhìn chăm chú một lát rồi cười sằng sặc. Ba nghe tiếng, nói với Vũ, giọng đắc ý:

- Coi bộ mẹ mày ưa rồi? Tao biết mà! Mẹ mày ưa cải lương mà... còn cằn nhằn nữa thôi?

(Lúc đó ba vô nằm trong phòng vì ba vốn ghét cải lương) Mẹ trả lời ba một cách gián tiếp:

- Mẹ coi truyền hình này mẹ đâm lo.

- Sao vậy mẹ? Sao mà lo? Dạo này nó hết hư rồi mà?

- Sợ người Nhật họ biết thì họ kiện chết... bắt chước đã là một cái tệ, mà bắt chước không giống lại còn tệ hơn...

Cả bọn vỡ lẽ ra, cười ngặt nghẽo.

Rồi đến lúc giờ truyền hình tăng lên, tăng lần, mẹ bắt đầu báo động:

- Coi chừng! Mẹ không muốn các con mê coi bỏ học, bỏ việc đó.

Sáng nào, Vũ cũng phải dậy trước sáu giờ để đi học mà tối nào cũng chong mắt thức khuya, hết đài Việt lại nài nỉ ba vặn đài Mỹ lên coi. Cứ đến chín rưỡi tối là mẹ bắt cả bọn phải đi ngủ, trong lú ba nói "cho tụi nó coi chút nữa" Ban đầu mẹ còn nhượng bộ, sau, mẹ nhất định cương quyết xách cổ từ đứa xuống, tụi lớn riu ríu nghe theo nhưng hai đứa nhỏ thì không: đứa nằm lăn xuống nền nhà, dãy lên đành đạch, khóc, đứa dậm cẳng, dậm chân, trì lui, trằn xuống làm mẹ cáu thêm, lấy roi vút cho mỗi đứa ba roi quắn đít.

Thế là đâu đó êm ru.

Cho đến hôm sau, bữa ăn chiều được dọn ra. Vội vội vàng vàng, đứa nào cũng và lia lịa, không cần nhai kỹ như lời mẹ dặn, ngay cả Hà, cô bé từng tuyên bố "Yêu với ót, rên rên hoài phát ngán".

Bụi ngập tủ, đầy xa lông, đóng cả lớp trên thành giường mẹ. Mẹ sai trước chúng quên sau, chẳng làm xong cái gì. Quên! Quên không ngớt. Coi bộ như không còn ai hăng hái dò chính tả trong các bài của mẹ sắp đăng lên báo như trước nữa. Lúc nào các cô cậu cũng băn khoăn bận rộn về:

- Bữa nay tuồng gì?

- Bữa nay thêm giờ.

- Bữa nay tuồng mới...

- Nói thật với anh, tôi không thấy trong đó có cái gì cho con học hỏi mở mang kiến thức, toàn chuyện vớ vẩn... coi nhảm, hư trẻ đi thì có.

Mẹ nghiêm giọng nói trong bữa ăn. Ba chống chế:

- Thì cũng có khi này khi khác chớ, mợ sao khó tính quá, tôi chưa thấy mợ bằng lòng cái gì hết. Sao mợ cứ coi Ti Vi là một thứ có hại, là xa xỉ, xứ người ta...

- Xứ người ta khác, xứ mình khác chứ, so sánh làm sao được? Để rồi xem tôi nói không sai đâu. Mê theo ba cái chuyện khôi hài, những chuyện tình nhảm nhí, âm nhạc cuồng loạn... thần kinh căng thẳng, chẳng học hành gì cho mà coi.

Quả nhiên, vài đứa trong nhà bắt đầu tiến bộ trong lối nhảy nhót, lấc cấc, hát hỏng vớ vẩn lè nhè, trong những điệu bộ thật "tuồng" và trụt dần trong lớp khi xếp hạng. Cho đến nỗi sau cùng ba chịu "xét lại" những lời mẹ. Hai người cùng mở cuộc hòa đàm, tìm lối thoát.

Mẹ lên tiếng trước:

- Anh thấy chưa? Từ ngày có Ti Vi đứa nào cũng đổi khác, cả con thu mà cũng... cái đầu thằng Vũ khét lẹt nhắc mười lần chưa đi gội. Đôi giày hư không sửa. Không đứa nào đánh răng kỹ hết. Đừng tưởng tôi nói ngoa, anh nhìn răng chúng thì biết. Vội vàng cho đến nỗi gài cúc dưới lộn lên trên... đầu đâu còn...

- Thôi! Đủ rồi (ba giơ tay ngăn lời mẹ) từ nay, ba chỉ cho các con coi Ti Vi ngày lễ, ngày nghỉ thôi.

Mẹ có vẻ bằng lòng, nhưng còn thêm vào:

- Không phải tất cả ngày nghỉ nào cũng coi đâu. Chiều chúa nhật không được, vì sáng thứ hai phải đi học. Và đúng chín giờ là phải xuống. Đứa nào cãi bị đúng năm roi. Cấm không được đứa nào huýt sáo, nhảy nhót lộn xộn và hát vớ vẩn nghe chưa?

Bọn con gái dạ nghe đàng hoàng còn con trai thì có vẻ bất bình, nhìn ba cầu cứu. Nhưng ba tỏ thái độ ngược lại sự mong chờ của chúng:

- Mẹ chúng mày nói đó, nghe không? Nghe rõ chưa? Sao không dạ lên?

Hai ba tiếng dạ cất lên, có vẻ vùng vằng hơn là thỏa thuận, nhưng mẹ không cần quan tâm đến điều đó.

Như một ông tướng thắng trận, mẹ buông một lời tuyên bố cuối cùng:

- Đứa nào cãi, mẹ sẽ đem cái Ti Vi bán lại liền, báo trước cho quí vị biết trước... Ngoài ra còn bị năm roi nữa, đừng quên.

Hội nghị bế mạc, mọi người tản mác dần. Mẹ nhìn theo sau lưng mọi người nở nụ cười đắc thắng, nói một mình:

- Nghe mỗi tiếng Ti Vi cũng đủ ghét rồi. Cái gì lại Ti Vi? Làm như mình trở thành dân Mỹ không bằng!

Thu nghe, tiếp lời mẹ, nói theo:

- Con cũng ghét, thà nói Tê Vê còn dễ thương hơn, Ti Vi là cái cóc khô gì?


MINH QUÂN   

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 71, ra ngày 15-6-1967)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com