Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

HAI LỐI SỐNG - Kim Dao Phương


Những ngày hè bình thản trôi qua một cách nhanh chóng. Thế là từ nay Thu phải giã biệt cuộc sống yên vui mùa hè để hòa mình vào nhịp sống mới với sách vở, học đường.

Thu không biết mình vui hay buồn nữa. Nhiều lúc những nuối tiếc bâng quơ chợt hiện về trong khoảnh khắc, rồi lại tan biến ngay, nhường chỗ cho sự nao nức được gặp thầy bạn cũ. Thu thường nhớ lại cánh đồng ruộng bát ngát mênh mông, hai bên bờ cỏ xanh rì với khung trời trong sáng, không khí thơm lành và Thu thấy thương rất nhiều cái mộc mạc dịu hiền của quê mẹ. Dường như có cái gì vô hình thắt chặt tâm hồn Thu với mảnh đất nghèo nàn đó nên trong nhà, Thu là người thích về quê nhất. Vừa bãi trường, Thu đã sửa soạn đi nghỉ hè ở đồng quê cho được. Mẹ Thu thấy thế chỉ cười và hỏi:

- Sao con thích về quê dữ vậy?

Thu cũng cười thôi chứ không đáp. Nhưng ba Thu thì không bằng lòng, ông nói:

- Con có biết vùng quê bây giờ không được an ninh cho lắm, con về lỡ có chuyện gì ba mẹ biết làm sao?

Thu cúi đầu lặng thinh ; trong thâm tâm Thu cũng nhận rằng ba có lý.

Sau đó ba Thu đề nghị đem cả gia đình đi nghỉ mát ở biển Mỹ Khê Đà Nẵng, trong đó có nhà cửa đàng hoàng lại thêm khí hậu tốt nữa. Nghĩ đến bãi cát trắng lồng hàng cây dương liễu xanh xanh, biển rộng với những đợt sóng đổ xô nhau nối tiếp đêm ngày, rồi thì buổi mai với bình minh trên biển cả, chiều xuống gió thổi rười rượi, Thu thấy một chút ưa thích lóe lên. Nhưng rồi hình ảnh thôn quê qua bao tháng năm xa cách hiện ra rõ rệt hơn. Thu hình dung cây đa đầu làng có những cành lá phất phơ chào đón, mấy gốc thùy dương chơ vơ và xa xa là dãy núi tím thẫm chập chùng. Quê mẹ sống động với phong cảnh nên thơ, như dang tay đón đứa con yêu trở về.

Thu không còn nhớ biển Mỹ Khê với một màu xanh thăm thẳm, ngày đêm gió lộng nữa Và Thu nhất định về quê. Thu nói bằng giọng cương quyết:

- Thưa ba, con cũng biết miền quê nguy hiểm thật, nhưng người ta ở thường thì lẽ nào mình ở không được. Vả lại con không ở lâu và bà ngoại chắc cũng nhớ con, một mình có lẽ bà buồn lắm.

Thu phải đem bà ngoại ra để ba xiêu lòng, vì Thu biết ba mẹ rất kính yêu bà ngoại.


Ba chìu ý Thu cho Thu về nghỉ hè ở quê, và ở đó Thu được sống những ngày đầy đủ nhất. Thu tự bằng lòng mình đã chọn một lối sống thích hợp với tâm hồn bình lặng, tính tình giản dị của mình. Quê Thu không đẹp lắm nhưng cảnh sắc hữu tình, dễ mến. Nhà nào cũng có vườn rộng, có cây ăn trái, có lũy tre xanh bao bọc chung quanh. Lũ trẻ ở thôn quê đứa nào cũng dễ thương, hồn nhiên. Ban đầu chúng nhìn Thu với vẻ e dè sợ sệt khiến Thu phải tức cười. Thu làm quen và tự giới thiệu. Thằng Dung, đứa bé có đôi mắt sáng và vầng trán thông minh, cười thật tươi và nó bảo với Thu:

- Lúc chị mới tới tụi em sợ quá, em thấy chị nghiêm ghê mà sao chừ chị dễ dãi quá!

Thu cười xoa đầu nó. Nàng nhận thấy đứa nào cũng chân thành dễ mến. Tự nhiên Thu thấy thương lũ trẻ thật nhiều. Có lẽ cái cảm tình đó ràng buộc Thu với đồng quê hơn.

Thu ở với bà ngoại, năm nay đã già lắm rồi, bà sẽ hiu quạnh biết bao nếu không có đứa cháu nhỏ bà con xa đến ở. Thấy Thu về bà vui mừng khôn xiết, đôi tay bà run run ôm Thu vào lòng hỏi han. Thu cảm động đến nghẹn ngào. Mái nhà tranh nhỏ hẹp, từ ngày có Thu vui hẳn lên. Bà thương Thu lắm, săn sóc Thu hơn cả mẹ nữa. Trong vườn bà, nào nhãn, đào, ổi... bà bắt Thu ăn phát chán. Bà thường nói với một giọng hiền từ, đáng yêu:

- Con ở lại đây chơi với bà hết hè rồi về. Lâu lắm mới về thăm quê một lần, bà nhớ con, các em và ba mẹ con lắm.

Những lúc đó Thu thấy không có giọng nói nào dịu dàng, âu yếm bằng những bà mẹ Việt Nam!

Cả ngày Thu chạy loanh quanh bắt bướm hay hái hoa ép. Bọn thằng Dung là những "tay sai" đắc lực. Chúng bày những trò chơi vui vẻ. Thu thấy ngày qua thật mau. Buổi chiều thôn quê lặng lẽ, tất cả im lìm, thỉnh thoảng tiếng sáo diều dìu đặt quyện tiếng gió vang xa. Âm thanh nghe buồn muốn khóc. Giờ khắc cuối cùng một ngày đìu hiu xa vắng. Thu ngồi im nhìn màu nắng vàng nhạt trải lưng đồi. Tung trời, một đàn chim nhạn vỗ cánh bay về phương vô định. Rồi trả lại đồng quê cái vẻ hoang vắng lạnh lùng. Bỗng nhiên Thu thấy buồn, một nỗi buồn không tên len vào hồn. Thu thấy sống nhiều với thiên nhiên, ngoại cảnh làm con người sống bằng nội tâm nhiều hơn.

Cuộc sống êm đềm đó không kéo dài bao lâu. Chỉ một tháng sau tình trạng chiến tranh có vẻ nguy hiểm hơn nhiều. Thu lại phải "khăn gói" trở về. Thu mời bà cùng đi nhưng bà nhất định không chịu. Tình yêu quê hương của những người như bà quá thiết tha sâu đậm rồi. Mấy chục năm sống với mảnh đất thân yêu, bây giờ dứt đi sao? Thu biết vậy, nàng ái ngại không dám nói.

Biệt ly nào chẳng lưu luyến. Người đi, kẻ ở. Thu bịn rịn không muốn rời chân khi chào bà ra về. Thu thấy khuôn mặt già nua nhuốm vẻ buồn thương và trên đôi mắt nhăn nheo có ngấn lệ. Giọt nước mắt khóc xa Thu hay nước mắt khóc quê hương điêu linh tang tóc?

Ra khỏi con đường đất nhỏ gập ghềnh. Thu quay lại nhìn lần nữa, tia mắt Thu muốn ôm trọn hình ảnh quê hương yêu dấu. Làng mạc như ngủ yên, vài làn khói trắng chơi vơi bốc lên từ mái tranh nghèo, ruộng đồng thẳng tắp với bông lúa chín vàng hoe. Bóng dáng gầy gò của bà trong màu áo nâu, mái tóc bạc phơ, cây gậy trúc trên tay, chung quanh là bọn trẻ dễ thương, mờ dần rồi khuất sau lũy tre làng. Chỉ còn dãy núi lờ mờ đằng xa và khung trời tím buổi chiều. Mắt Thu cay cay, một thoáng nao nao buồn. Bao giờ Thu mới trở lại đây? Biết đâu ngày đó quê Thu chỉ là một mảnh đất chơ vơ hoang lạnh. Chiến tranh, khỏi lửa thật tàn ác!

Hai tháng hè còn lại, ba cho Thu đi nghỉ mát ở Mỹ Khê. Một vụ hè đầy đủ, Thu không mong gì nữa và hăng hái sửa soạn một niên học mới.

Ba Thu khác với phần đông các bậc phụ huynh, ông cho con nghỉ ngơi trong kỳ nghỉ hè, không bắt "nhồi sọ" mãi với sách vở. Tuy vậy ông cũng tìm mua các loại sách hay để Thu đọc thêm, vì sợ ham chơi rồi quên hết chữ! Mấy chị em Thu cũng biết thế nên trong năm học đứa nào cũng chăm chỉ cố gắng. Ba Thu hài lòng lắm.

Lại một niên khóa mới bắt đầu. Thu sẽ lên Đệ Tứ. Ngày mai khai giảng rồi, Thu còn nghĩ ngợi vẩn vơ. Chắc chắn Thu sẽ gặp nhiều bạn cũ. Thu nhớ nét mặt giả đò nghiêm trang của "đàn chị" Liên Phương, vẻ vui đùa của "cây hề" Thuận, Ngọc Hoan loay hoay với biệt hiệu "chuột lắt", Phương Liên với vẻ thi nhân, "Túy Tùng của Nhật Bản" v.v...

Gặp lại nhau chắc đứa nào cũng mừng lắm. Năm nay thành "người lớn" rồi không hiểu tụi nó còn cái vẻ "ngây thơ vô tội" ngày nào không. À, Thu phải tìm vài cánh hoa ép màu tím để cho cô bạn thân Kim Huê nữa chứ, Kim Huê có tâm hồn thi sĩ nên thích màu tím của nàng thơ. Thu cũng nhớ chị Dao Anh tha thướt trong tà áo trắng với màu "nơ" đỏ thật đẹp. Thu phải tìm vài con ốc thật lạ, thật quý cho chị mới được.

Nghĩ tới đây Thu thấy lòng mình ấm lại. Một khung trời vui tươi, trong sáng lại hiện về. Niềm vui học đường, tình bạn thân thiết mở rộng trước mắt Thu, Thu thấy náo nức chờ đợi. Thu biết mình bắt đầu một nhịp sống hoạt động ganh đua thay cho nhịp bình lặng chốn thôn quê hay sự yên vui ở bãi biển.

Những chuỗi ngày hè của ăn ngủ nô đùa, nghỉ ngơi, bay nhảy bị chôn chặt vào dĩ vãng, để mỗi khi nghĩ đến chỉ còn là kỷ niệm. Thu còn có chín tháng nữa để học hành rồi ba tháng sau đó lại tiếp tục nghỉ ngơi. Trong đời học sinh mỗi năm có hai lối sống, trừ những năm phải thi cử, mùa hè phải rút ngắn lại.

Ba tháng hè Thu sống trọn vẹn đã qua đi, Thu phải quên thời gian nghỉ ngơi đó để tiến đến tương lai. Kỷ niệm ở đồng quê, Thu có thể quên được, nhưng tình thương đồng quê bao giờ mới xóa nhòa trong Thu? Với Thu, tình quê hương được xếp trong một góc cạnh sâu kín nhất của tâm hồn, dư âm niềm thương ấy lắng đọng âm ỉ khi cách xa và nó sống lại bồng bột khi nhớ đến.

Ngày mai đi học rồi. Thu nhắc thầm và tưởng tượng ra cổng trường Đồng Khánh với những tà áo trắng tung bay, những khuôn mặt vui tươi hớn hở. Những ngày hè chỉ còn là những kỷ niệm xa lắc xa lơ.


KIM DAO PHƯƠNG   

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 32, ra ngày 25-9-1965)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com