1. - Hiện Tượng Bộc Phát Đoàn Nhóm
Vào ngày Chủ nhật, Sàigòn Gia Định có 2 nơi được giới trẻ tập họp đông đảo: Vườn Tao đàn và lăng Ông Bà Chiểu Gia Định –
Cách đây vài năm, ở địa điểm đầu người ta chỉ thấy bóng dáng các Hướng
đạo sinh. Ở địa điểm sau hầu như không có đoàn thể nào, ngoại trừ đoàn
thể các cụ đồ và các... bốc sư. Thế mà mấy năm gần đây, giới trẻ ở đâu
không biết lại đông như vậy... Thôi thì đủ mầu sắc –
ka ki vàng và xanh lơ cố hữu của Hướng đạo, mầu lam hiền hòa của gia
đình Phật tử, mầu trắng tinh khiết của Thiếu nhi Thánh thể, mầu xanh
biển dạt dào của Nghĩa sinh v.v... Nhưng tập hợp trẻ đáng được lưu ý hơn
hết là các đoàn nhóm... "không tên". Gọi là "không tên" bởi vì thoạt
mới nhìn giới này, bạn không thể biết được đây là đoàn gì, nhóm gì. Chứ
hầu hết mọi người, khi nhìn bộ quần áo bên ngoài đều có thể biết được
đây là Hướng đạo hay Phật tử, Nghĩa sinh hay Thiếu nhi Thánh thể...
nguyên do vì các đoàn nhóm không tên này không có đồng phục, dấu hiệu gì
hết. Nếu có thì rất giống nhau vì dùng đồng nhất là quần xanh, áo trắng
(cho nam) hay áo dài trắng (cho nữ). Khi có ai hỏi bạn đoàn gì thế, bạn
chỉ biết trả lời: "À! Đoàn... học sinh", thế thôi. Gọi là không tên
cũng bởi vì có nhiều đoàn nhóm không đặt tên thực sự. Họ phần nhiều
xuất thân từ các trường học, do một số học sinh tự ý đứng ra thành lập,
quy tụ bạn bè và sinh hoạt với nhau. Các đoàn nhóm khác thì có tên, và
cái tên phần nhiều nghe rất "kêu" chứ không giản dị như Hướng đạo, Phật
tử v.v... Các đoàn nhóm này phần nhiều phát sinh từ các bút nhóm, thi
văn đoàn hoặc từ các trang văn nghệ trẻ trên các nhật báo hoặc từ tuần
báo (ở đây người viết chỉ giới hạn các đoàn nhóm thanh thiếu niên sinh
hoạt mô phỏng theo Hướng đạo chứ không nói đến các đoàn nhóm thanh niên
khác: các ban nhạc, các "băng" du đãng v.v...)
Trước
đây các học sinh, sinh viên hầu như chỉ hoạt động trong phạm vi học
đường nhưng những hoạt động này hoặc chỉ diễn ra trong phòng ốc (văn
nghệ trình diễn, bích báo, thi đua học tập v.v...) hoặc ở ngoài trời
nhưng dành cho thiểu số, và có tính cách thi đua (thể dục, thể thao) còn
những hoạt động ngoài trời hay cắm trại rất hiếm hoi. Ở bậc tiểu học có
môn hoạt động thanh niên nhưng chỉ thiểu số trường ở thành thị áp dụng
lấy lệ, còn ở nông thôn thì bỏ hẳn không thương tiếc. Còn các bút nhóm,
thi văn đoàn thì đâu có biết... ca hát, chơi đùa như bây giờ. Thường
thường các bạn họp đôi tháng một lần tại "trụ sở" (có khi là nhà riêng
của một bút viên) rồi toàn bàn chuyện văn thơ (đôi khi có phần trà nước
cho thêm đậm đà), chán thì mạnh ai nấy về. Bây giờ chẳng cần ai bảo, các
học sinh sinh viên lập đoàn, lập nhóm rầm rộ, sinh hoạt tưng bừng đều
đặn với chương trình và nội quy cẩn thận. Các văn thi sĩ trẻ cũng rủ
nhau rời trụ sở, ra bãi cỏ ca hát chơi đùa với nhau thỏa thuê, sinh hoạt
kiểu này nhiều khi lấn át cả sinh hoạt thơ văn là... đường hướng chính
của bút nhóm. Mọi lần họp bút nhóm mạnh ai nấy tới, mạnh ai nấy về ngồi
đứng lổm chổm. Bây giờ họp hành có giờ giấc hẳn hoi, thi sĩ nào mải lo
làm thơ tới trễ là a lê! Cò. Rồi cũng ngồi họp chữ U, vòng tròn, hát
chia tay kỹ lưỡng.
Vì
sao mà các bạn trẻ hâm mộ sinh hoạt như vậy? Nếu đặt câu hỏi này với
các bạn trẻ chắc là sẽ được hàng triệu câu trả lời khác nhau. Công việc
vĩ đại này xin nhường lại cho các vị "báo sĩ". Ở đây người viết chỉ xin
tìm câu trả lời ở chính mình và một số bạn bè ở các đoàn thể mà người
viết đã từng sống qua hoặc tìm hiểu.
2. - Nguyên Nhân Bộc Phát Đoàn Nhóm Hay Vai Trò Của Hướng Đạo.
Có
thể nói nguyên nhân chính yếu bộc phát các đoàn nhóm là ảnh hưởng Hướng
Đạo. Điều này không ai có thể chối cãi được, vì chính Hướng Đạo là đoàn
nhóm đầu tiên trên thế giới đã được huân tước Baden Powell khai sinh,
để đoàn ngũ hóa giới trẻ và bổ túc nền giáo dục ở gia đình, học đường.
Phong trào giáo dục mới này đã đáp ứng được nhu cầu của hàng triệu thanh
thiếu niên thế giới. Sự phát triển mau lẹ, rộng lớn của Hướng Đạo đã
chứng tỏ sự thành công của tổ chức giáo dục này. Ảnh hưởng Hướng Đạo đã
lan rộng ra nhiều đoàn thể khác – ra đời sau này rất lâu –
và nếu bỏ bộ đồng phục người ta không còn biết đâu là Hướng đạo, đâu là
Phật tử... Phải có một cái gì mới khiến Hướng đạo hấp dẫn giới trẻ đến
thế. Thì bạn thử vào Hướng Đạo một thời gian xem sao, biết đâu
bạn lại không muốn trẻ mãi để sống hoài trong nếp sống này. Đi tìm lý do
hấp dẫn giới trẻ của Hướng đạo, chúng ta có thể thấy hai lý do chính,
một do hình thức, một do nội dung. Trước hết trẻ đến với Hướng đạo vì bộ
mặt hấp dẫn của Hướng Đạo qua bộ đồng phục gọn gàng, đẹp mắt. Rồi trẻ
cũng cảm phục lề lối tổ chức của Hướng đạo qua các tập tục, nghi thức,
nhất là phương pháp hàng đội tự trị và hệ thống đẳng cấp, chuyên hiệu.
Bởi trẻ là một tập thể lộn xộn nhất nhưng cũng đàng hoàng trật tự nhất
nếu có người đứng ra tổ chức, xếp đặt công việc, bổn phận cho chúng.
Ngoài ra chúng lại khoái có uy quyền, khoái được đeo lon hay huy chương
tưởng thưởng. Chương trình học tập của Hướng đạo đã đáp ứng nhu cầu này
của trẻ. Nhưng điểm chính yếu khiến trẻ thích Hướng đạo là vì sinh hoạt
vui sống qua những bài hát, trò chơi v.v... và những cơ hội để đi xa,
thoát vòng kiềm tỏa của gia đình, học đường (các cuộc cắm trại, du
khảo). Dù không có Hướng đạo, trẻ vẫn có thể tự tổ chức trò chơi lầy một
mình nhưng những trò chơi của trẻ thường giới hạn, do đó dễ nhàm chán,
cũ kỹ. Hơn nữa, sự khuyến khích, khen thưởng là cần yếu, mà chỉ chơi
trong đoàn thể mới có. Không có Hướng đạo trẻ vẫn có thể đi du ngoạn,
picnic với gia đình nhưng dù gọi là "đổi không khí" (hay đổi gió) trẻ
vẫn cảm thấy ràng buộc trong bầu không khí gia đình quen thuộc, với
những người lớn (cha, mẹ, anh, chị...) đôi khi không hiểu được trẻ. Trái
lại các huynh trưởng Hướng đạo rất gần trẻ, hiểu trẻ và đem lại niềm
vui lớn cho trẻ (nói như vậy không phải phủ nhận vai trò của gia đình,
học đường. Cha mẹ, thầy cô cũng có gần gũi và cảm thông với con cái, học
trò ; gia đình, lớp học cũng có gây những niềm vui riêng nơi trẻ. Tuy
nhiên đã nói bầu không khí ở gia đình, lớp học quá quen thuộc đối với
trẻ, nên trẻ không ý niệm được như khi sống trong đoàn thể). Sau khi đã
bị bộ mặt bên ngoài hấp dẫn, trẻ càng sống lâu trong Hướng đạo càng say
mê, trung thành với nếp sống này hơn khi trẻ nhận ra những ích lợi do
đời sống này mang lại. Trẻ cảm thấy con người mình như đổi khác từ khi
vào Hướng đạo. Và niềm tin vững chắc nhất là chính những kẻ thân thuộc,
trách nhiệm đối với trẻ như cha, anh, thầy, cô cũng công nhận nếp sống
bổ ích này. Đó chính là nhờ "nội dung" của Hướng đạo hay nói khác đi là
do những "bài học" mới lạ, bổ ích mà hấp dẫn của Hướng đạo. Đó là những
kiến thức, kỹ thuật, những ý niệm về giáo dục cá nhân, trẻ dạy trẻ, tinh
thần giúp ích và sự huấn đức. Nhưng xét kỹ ra, trẻ đến với Hướng đạo
trước hết vì hình thức hơn là nội dung. Mà chính huân tước Baden Powell
cũng nhận ra điểm quan trọng này, do đó người đã chú trọng về bộ mặt bề
ngoài của Hướng đạo rất nhiều, mượn hình thức để kêu gọi trẻ đến với phong trào đó, rồi cũng dùng hình thức mà giáo dục trẻ bằng nội dung.
Chúng ta vẫn lưu ý đến yếu tố này, khi nói đến sự thành công và "sống
còn" của đoàn nhóm, cũng như chương trình sinh hoạt học đường.
Chúng
ta đã thấy Hướng đạo là một phong trào giáo dục gần như hoàn toàn, và
hấp dẫn trẻ vô cùng. Nhưng tại sao Hướng đạo không phải là một đoàn thể
duy nhất? Hay nói khác đi tất cả trẻ em trên thế giới không gia nhập
Hướng đạo hết? Tại sao "đoàn nhóm" lại có mặt và riêng tại Việt Nam mới
đây có chương trình Sinh hoạt học đường. Chúng ta thử trả lời câu hỏi
này.
3. - Hướng Đạo Không Phải Đoàn Thể Duy Nhất
Lý
do đầu tiên là vì Hướng đạo là một đoàn thể... sang quá, đó là nói
riêng những nước thuộc loại "kém mở mang" trong đó có Việt Nam. Sang từ
hình thức tới nội dung. Nhiều bạn trẻ bảo rất thích đi Hướng đạo nhưng
không đi được vì nghèo, không có tiền may đồng phục, không có tiền mua
những đồ phụ tùng để học chuyên môn hay tham dự trại v.v... Dù sao việc
học chữ cũng là chính yếu, cho nên nhà nghèo cũng gắng nuôi con đi học.
Và chỉ đi học thôi cũng đủ vất vả cho nhiều gia đình, nói chi đến đi
Hướng đạo. Còn những trẻ vô gia đình thì còn "khuya" chúng mới đi Hướng
đạo, khi mà việc nuôi sống bản thân chúng còn khốn đốn. Nhất là ở các
nước kém mở mang, nơi mà nhu cầu sinh kế xét ra cần thiết hơn giải trí,
dù là "giải trí giáo dục". Chính một huynh trưởng kỳ cựu trong hội
Hướng đạo Việt Nam đồng thời là một nhà giáo, ông Cung Giũ Nguyên, trong
một bài báo tựa đề "Hướng đạo và phát triển" đăng trên tạp chí Bách
Khoa số 353, ra ngày 15-9-1971, cũng công nhận điều này. Ông viết: "Tại
hội nghị Hướng đạo thế giới kỳ thứ 23 vừa nhóm họp tại Nhật Bản tháng
8-1971, một trong những bài thuyết trình quan trọng đã nói đến vấn đề
phát triển và vai tuồng của Hướng đạo trong công việc ấy. Đáng mừng cho
Hướng đạo thế giới đã biết nhận định sự đòi hỏi của thế giới hiện nay là
khuyến cáo một chuyển hướng cần thiết để Hướng đạo tiếp tục sửa soạn
thanh niên trở thành người hữu ích, đánh đổ quan niệm lỗi thời và sai
lầm dùng hay xem Hướng đạo như một trò chơi giải trí, đặt trẻ trong thế
giới lãng mạn và trưởng giả, tách khỏi đời sống thiết thực và đầy chông
gai của thời đại" (1) Ngoài ra một số những ảnh hưởng khác của xã hội
(qua báo chí, văn chương, điện ảnh...) đã khiến phần đông giới trẻ đổi
thay nếp sống. Chúng không còn thích gò bó bởi tập tục, nghi thức, đẳng
cấp và chuyên hiệu chẳng còn hấp dẫn được chúng. Một số đông bạn trẻ
khác (nói riêng ở Việt Nam) gần đây lại hướng về con đường "dân tộc".
Mấy năm gần đây sinh hoạt "về nguồn" đông đảo hơn bao giờ hết. Trong
chiều hướng này, dưới mắt các bạn trẻ này, Hướng đạo dù sao cũng là một
phong trào mang tích cách quốc tế, nếu không nói là ngoại lai. Bởi những
lý do đó các đoàn nhóm đã xuất hiện, đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ
trong một hoàn cảnh, thời đại thích hợp. (ở đây không nói đến các đoàn
nhóm không phải Hướng đạo, nhưng có màu sắc riêng biệt, phát sinh vì các
lý do tôn giáo như Gia đình Phật tử, Thiếu nhi Thánh thể, Hùng Tâm Dũng
Chí v.v...)
4. - Từ Hướng đạo - Đoàn nhóm đến Sinh hoạt học đường.
Trưởng Cung Giũ Nguyên đã viết: "Một sự lầm lỗi lớn, và có đượm màu ma thuật, là chỉ cần danh từ và hình thức (đồng phục, hoạt động) là đã trở nên Hướng đạo và theo một con đường của Baden Powell". Nhưng muốn đánh tan sự lầm lẫn này (mà thực tế nhiều Hướng Đạo Sinh còn mắc phải) các vị hữu trách trong phong trào Hướng Đạo Việt Nam cần phải xét lại toàn bộ chương trình Hướng đạo và có một cải tổ cần thiết như trưởng Nguyên viết tiếp: "Nhưng điều quan trọng, nếu như theo Baden Powell, là giữ lại những nguyên lý căn bản, mà không ngần ngại thay đổi mọi hình thức và kỹ thuật áp dụng những nguyên lý ấy".
Đằng khác, các đoàn nhóm muốn thành công và "sống còn" cũng phải "noi gương" phong trào Hướng đạo. Vì dù muốn dù không đoàn thể nào bây giờ cũng đều là con đẻ của Hướng đạo. Vả lại sự bắt chước, học hỏi những điều hay ở người đi trước không phải là xấu, là nhục. Biết bắt chước những cái gì đáng bắt chước, học hỏi những gì đáng học hỏi và theo đó mà sáng tạo đường lối riêng cho mình, đó chính là yếu tố căn bản để đoàn nhóm thành công và bền vững.
Phần cuối của bài tạp ghi này người viết xin được phép nói đến một chút về" Sinh hoạt Học đường", một chương trình vừa được bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên ban hành. Người viết có xem qua chương trình này và nhận thấy thật là một chương trình đầy đủ, hoàn toàn, ít ra là ở bậc Trung học. Tuy nhiên điều quan trọng là chương trình này sẽ được thực hành đến mức nào? Hay chỉ qua loa trên giấy tờ công văn, sổ đầu bài, thành tích biểu. Hoặc nếu có dạy lại dạy theo kiểu mời một vài Huynh trưởng Hướng đạo (có khi chỉ là Hướng Đạo sinh mới lên... hạng nhì hay qua khỏi bậc tân, sinh) quen biết hoặc giáo sư có đi Hướng đạo, dạy vài giờ... nút dây, dấu đường. Quay dăm bảy tập nhạc cho học trò xúm lại ca hát... rồi xong. Thiết tưởng điều này chúng ta chưa thể bàn được, vì niên khóa tới này 74-75 chương trình mới được chính thức áp dụng, và kỳ hè này các vị giáo chức còn đang theo học các khóa chuyên hóa (hình như chỉ do tư nhân tổ chức như Khóa I Chuyên Hóa Giáo Sư Sinh Hoạt Học Đường của Viện Khoa Học Giáo Dục do Sư huynh Mai Tâm phụ trách và một khóa khác của Phân Khoa Giáo Dục Viện Đại Học Vạn Hạnh). Chúng ta hy vọng rất nhiều ở các giáo chức này, sau khóa học sẽ đem về trường mình một luồng gió mới.
Để kết thúc, người viết xin đưa ra một thắc mắc (liên hệ đến mình) rằng tại sao có sinh hoạt học đường Trung học mà lại không có sinh hoạt học đường Tiểu học và Đại học. Chưa có hay là không cần có? Phải chăng trẻ em ở bậc tiểu học bé quá chưa biết "sinh hoạt" và các sinh viên đại học thì lớn quá không cần sinh hoạt nữa. Hay là chương trình hoạt động thanh niên (một chương trình mô phỏng Hướng đạo hoàn toàn, kết quả là chỉ một ít trường ở thành thị áp dụng lấy lệ, còn ở nông thôn thì bỏ hẳn không chút thương tiếc) ở bậc tiểu học cũng như vài sinh hoạt "tùy hứng" ở Đại học như văn nghệ, tranh giải thể thao đủ gọi là "sinh hoạt học đường". Baden Powell đâu có bỏ rơi các trẻ nhỏ (với tổ chức Sói con) cũng như các thanh niên (bằng tổ chức Tráng sinh). Thực sự trẻ em ở bậc Tiểu học cần những sinh hoạt ngoài phạm vi bài vở rất nhiều. Còn ở Đại học thì các sinh viên cũng rất cần được hướng dẫn để học tập, cũng như vào đời. Người viết cũng như nhiều nhà giáo, bạn trẻ khác ước mong sẽ có một chương trình sinh hoạt học đường đúng nghĩa cho bậc Tiểu học, cũng như Đại học. Chương trình này không thể phù phiếm với những môn học xa vời hay sang quá hoặc chỉ phục vụ lý thuyết mà bỏ quên thực hành, mà phải là một chương trình khả dĩ giúp học sinh, sinh viên vừa tiến bộ trên đường học hỏi, đạo đức vừa giúp trẻ thích ứng với hoàn cảnh, thời đại, nhất là giữ được tinh thần dân tộc.
(1) Sđd trang 9-16
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 225, ra ngày 1-8-1974)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
4. - Từ Hướng đạo - Đoàn nhóm đến Sinh hoạt học đường.
Trưởng Cung Giũ Nguyên đã viết: "Một sự lầm lỗi lớn, và có đượm màu ma thuật, là chỉ cần danh từ và hình thức (đồng phục, hoạt động) là đã trở nên Hướng đạo và theo một con đường của Baden Powell". Nhưng muốn đánh tan sự lầm lẫn này (mà thực tế nhiều Hướng Đạo Sinh còn mắc phải) các vị hữu trách trong phong trào Hướng Đạo Việt Nam cần phải xét lại toàn bộ chương trình Hướng đạo và có một cải tổ cần thiết như trưởng Nguyên viết tiếp: "Nhưng điều quan trọng, nếu như theo Baden Powell, là giữ lại những nguyên lý căn bản, mà không ngần ngại thay đổi mọi hình thức và kỹ thuật áp dụng những nguyên lý ấy".
Đằng khác, các đoàn nhóm muốn thành công và "sống còn" cũng phải "noi gương" phong trào Hướng đạo. Vì dù muốn dù không đoàn thể nào bây giờ cũng đều là con đẻ của Hướng đạo. Vả lại sự bắt chước, học hỏi những điều hay ở người đi trước không phải là xấu, là nhục. Biết bắt chước những cái gì đáng bắt chước, học hỏi những gì đáng học hỏi và theo đó mà sáng tạo đường lối riêng cho mình, đó chính là yếu tố căn bản để đoàn nhóm thành công và bền vững.
Phần cuối của bài tạp ghi này người viết xin được phép nói đến một chút về" Sinh hoạt Học đường", một chương trình vừa được bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên ban hành. Người viết có xem qua chương trình này và nhận thấy thật là một chương trình đầy đủ, hoàn toàn, ít ra là ở bậc Trung học. Tuy nhiên điều quan trọng là chương trình này sẽ được thực hành đến mức nào? Hay chỉ qua loa trên giấy tờ công văn, sổ đầu bài, thành tích biểu. Hoặc nếu có dạy lại dạy theo kiểu mời một vài Huynh trưởng Hướng đạo (có khi chỉ là Hướng Đạo sinh mới lên... hạng nhì hay qua khỏi bậc tân, sinh) quen biết hoặc giáo sư có đi Hướng đạo, dạy vài giờ... nút dây, dấu đường. Quay dăm bảy tập nhạc cho học trò xúm lại ca hát... rồi xong. Thiết tưởng điều này chúng ta chưa thể bàn được, vì niên khóa tới này 74-75 chương trình mới được chính thức áp dụng, và kỳ hè này các vị giáo chức còn đang theo học các khóa chuyên hóa (hình như chỉ do tư nhân tổ chức như Khóa I Chuyên Hóa Giáo Sư Sinh Hoạt Học Đường của Viện Khoa Học Giáo Dục do Sư huynh Mai Tâm phụ trách và một khóa khác của Phân Khoa Giáo Dục Viện Đại Học Vạn Hạnh). Chúng ta hy vọng rất nhiều ở các giáo chức này, sau khóa học sẽ đem về trường mình một luồng gió mới.
Để kết thúc, người viết xin đưa ra một thắc mắc (liên hệ đến mình) rằng tại sao có sinh hoạt học đường Trung học mà lại không có sinh hoạt học đường Tiểu học và Đại học. Chưa có hay là không cần có? Phải chăng trẻ em ở bậc tiểu học bé quá chưa biết "sinh hoạt" và các sinh viên đại học thì lớn quá không cần sinh hoạt nữa. Hay là chương trình hoạt động thanh niên (một chương trình mô phỏng Hướng đạo hoàn toàn, kết quả là chỉ một ít trường ở thành thị áp dụng lấy lệ, còn ở nông thôn thì bỏ hẳn không chút thương tiếc) ở bậc tiểu học cũng như vài sinh hoạt "tùy hứng" ở Đại học như văn nghệ, tranh giải thể thao đủ gọi là "sinh hoạt học đường". Baden Powell đâu có bỏ rơi các trẻ nhỏ (với tổ chức Sói con) cũng như các thanh niên (bằng tổ chức Tráng sinh). Thực sự trẻ em ở bậc Tiểu học cần những sinh hoạt ngoài phạm vi bài vở rất nhiều. Còn ở Đại học thì các sinh viên cũng rất cần được hướng dẫn để học tập, cũng như vào đời. Người viết cũng như nhiều nhà giáo, bạn trẻ khác ước mong sẽ có một chương trình sinh hoạt học đường đúng nghĩa cho bậc Tiểu học, cũng như Đại học. Chương trình này không thể phù phiếm với những môn học xa vời hay sang quá hoặc chỉ phục vụ lý thuyết mà bỏ quên thực hành, mà phải là một chương trình khả dĩ giúp học sinh, sinh viên vừa tiến bộ trên đường học hỏi, đạo đức vừa giúp trẻ thích ứng với hoàn cảnh, thời đại, nhất là giữ được tinh thần dân tộc.
THẬP CẨM
_________(1) Sđd trang 9-16
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 225, ra ngày 1-8-1974)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com